12/07/2021 -

TƯ LIỆU

1197
Chữ

Ý nghĩa của chữ nhẫn

Từ những kinh nghiệm xương máu của thực tế cuộc sống mà người Hán cổ xưa đã sáng tạo ra cách viết chữ nhẫn. Chữ nhẫn được kết hợp bởi bộ đao (con dao) ( ) ở trên, và bộ tâm (con tim) (心 ) ở dưới. Người xưa lấy hình ảnh rất đơn giản ấy để nói lên đức tính nhẫn nại, chịu đựng của con người. Hiểu một cách nôm na là nhẫn nhịn thì lúc nào cũng phải kìm lòng như khi có dao đè lên tim làm chúng ta có thể ứa máu, nhưng chúng ta vẫn có thể chịu đựng để vượt qua... khi ấy bản thân bắt đầu rèn luyện được đức “nhẫn”.

Biểu tượng của chữ nhẫn

Cũng từ trong kinh nghiệm của cuộc sống, người ta đã rút ra được ý nghĩa của chữ nhẫn. Vì thế, thật là hữu lý khi người ta yêu nhau, người ta cưới nhau, người ta thề nguyền với nhau họ không trao cho nhau cái gì mà lại trao cho nhau “cái nhẫn”. Bởi khi yêu nhau, khi sống đời ở kiếp với nhau người ta mới thật sự cần đến đức nhẫn của nhau.

Là người Kitô hữu chúng ta dễ dàng nhận thấy : ngày cưới hai người dắt nhau đến nhà thờ trước mặt Chúa và Giáo hội họ trao cho nhau “cái nhẫn” ; một nữ tu sĩ khấn trọn đời cũng trước mặt Chúa và sự chứng kiến của Giáo hội họ cũng được trao một “chiếc nhẫn” ; Đức Tân Giám mục khi về nhận Giáo phận cũng được trao cho một “chiếc nhẫn” ; và trên tay vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội – Đức Thánh Cha, cũng mang một “chiếc nhẫn”. Chiếc nhẫn biểu thị cho lời thề hứa trung thành, chiếc nhẫn là nhận một sứ vụ bền bỉ, nhưng chiếc nhẫn cũng ngầm được hiểu từ nay người đeo nhẫn phải biết “nhẫn” với đối tượng mà mình thề hứa, từ nay người đeo nhẫn sẽ “nhẫn nhịn” để phục vụ và yêu thương suốt đời.


Về câu tục ngữ “bất nhẫn bất cận đạo

Cũng từ việc trải nghiệm trong cuộc sống, mà những bậc cha ông đi trước đã tích đọng lại ý nghĩa của chữ nhẫn qua câu tục ngữ : “Bất nhẫn bất cận đạo”. Quả thật, không nhẫn sẽ không gần được đạo, không thấy được con đường đến với nhân sinh vạn vật, không đến được với con người và cũng khó đến với Thiên Chúa.

Bất nhẫn bất cận đạo NHÂN

Chuyện xưa kể rằng:  Ông Tử Trương muốn đi xa, đến chào Đức Khổng Tử và xin Ngài một lời khuyên. Đức KhổngTử nói: “Chữ “nhẫn” đứng đầu trăm nết." – Trương Tử hỏi lại: “Làm sao phải nhẫn ?”

 * Đức Khổng Tử trả lời:

“Thiên tử nhẫn chi quốc vô hại,
Chư hầu nhẫn chi thành kỳ đại.
Quan lại nhẫn chi tấn kỳ vị,
Huynh đệ nhẫn chi gia phú quý,
Phu phụ nhẫn chi chung kỳ thế,
Bằng hữu nhẫn chi danh bất phế,
Tự thân nhẫn chi vô họa hoạn”
.

* Nghĩa là:
 
“Thiên Tử mà nhẫn thì nước không sinh hại.
Chư hầu mà nhẫn thì nước sẽ mạnh lớn thêm.
Quan lại mà nhẫn thì chức vị sẽ thăng tiến.
Anh em mà nhẫn thì cửa nhà giàu sang.
Vợ chồng mà nhẫn thì ở được với nhau trọn đời.
Bạn bè mà nhẫn thì thanh danh không mất.
Hễ nhẫn thì không lo tai hoạ.”
 
Ông Trương Tử hỏi lại: “Nếu bất nhẫn sẽ ra sao?”
* Đức Khổng Tử nói:

 
“Thiên tử bất nhẫn quốc khống hư
Chư hầu bất nhẫn tán kỳ xu
Quan lại bất nhẫn hình phạt tru
Huynh đệ bất nhẫn cát phân cư
Phu phụ bất nhẫn tình ý sơ
Tự thân bất nhẫn hoạn bất trừ”.

* Nghĩa là:
 
“Thiên Tử mà bất nhẫn thì nước sẽ trống không.
Chư hầu mà bất nhẫn thì mất mạng.
Quan lại mà bất nhẫn thì sẽ bị hình phạt.
Anh em mà bất nhẫn thì sẽ chia rẽ.
Vợ chồng mà bất nhẫn thì phải xa nhau (ly thân, ly dị).
Tự mình mà bất nhẫn thì không thể tránh được lo lắng.” 

Câu chuyện mà Đức Khổng Tử khuyên Trương Tử dạy cho chúng ta rằng: mỗi người chúng ta ở mỗi vị thế khác nhau, tất cả đều phải nhẫn, từ người có quyền chức cao nhất cho đến người thấp hèn nhất. Và cũng ở mỗi vị thế khác nhau ấy, tác dụng của đức nhẫn sẽ khác nhau.

Đức nhẫn không thể tách rời cuộc sống con người, để thành công phải nhẫn, để mưu sinh phải nhẫn, để giữ được bình an phải nhẫn, muốn giải quyết khó khăn phải nhẫn, yêu phải nhẫn, phục vụ phải nhẫn,… Nhẫn trong nói năng, nhẫn trong hành động, nhẫn trong khi bị oán trách, nhẫn trong lúc bị thù hận, nhẫn trong tranh luận, nhẫn trong thất bại, nhẫn trong việc kiềm chế tài năng, nhẫn trong biến động, nhẫn trong cảnh khó khăn, nhẫn trong cách hành xử, nhẫn trong vinh quang thành đạt,… nhẫn để khoan dung, nhẫn để làm việc lớn, nhẫn để khiêm tốn, nhẫn để thanh bạch an vui, nhẫn để làm chủ bản thân.v.v.

Nhẫn là hành vi của người mạnh, là phương thức của người thành công, là sách lược của người chiến thắng, là siêu kế của kẻ bé mọn vươn lên. Nhẫn không hề làm cho con người hèn kém đi hoặc thua thiệt hơn.

Nói tóm lại trải nghiệm cuộc sống của cha ông từ chữ nhẫn khiến cho chúng ta suy nghĩ. Không có đức nhẫn con người sẽ khó hoàn thành đạo làm người, khó kết liên các mối tương quan.

Bất nhẫn bất cận đạo THIÊN

Trong cuộc sống chúng ta được mời gọi sống chữ nhẫn với mọi người. Nhưng cao hơn nữa chúng ta còn được mời gọi sống chữ nhẫn để gần được với đạo trời, gần với Thiên Chúa. Chúng ta chiêm ngắm sự nhẫn nại của Thiên Chúa để cảm nhận được hạnh phúc mình đang có. Chúng ta cũng phải thể hiện lòng khiêm tốn, suy phục, để kiên trì trong lời cầu nguyện, để bề tâm trong chiêm niệm và tin tưởng khẩn xin.

Chiêm ngắm Thiên Chúa nhẫn với con người

Thiên Chúa luôn luôn nhẫn nại với con người, sự kiên nhẫn đó thể hiện ở tình yêu thương bao la của Ngài. Câu chuyện ông Ápraham mặc cả với Chúa ở trong sách Sáng Thế 18, 20-33 về việc của dân thành Sôđôm. Và dọc suốt hành trình dài của dân Israel trong Cựu Ước cho thấy điều ấy.

Lời Thánh vịnh 103,8 miêu tả:

CHÚA là Ðấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương,…

Ở một nơi khác Thánh vịnh nói:
Người nổi giận, giận trong giây lát,
Nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.

Đến thời Tân Ước qua thái độ đối với tội nhân và qua lời giáo huấn, Chúa Giêsu đã minh chứng và thể hiện lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa cách rõ ràng hơn. Người quở trách các môn đệ thiếu nhẫn nại và thù hằn (Lc 9,55), điều này không phù hợp với con đường và giáo lý của Chúa. Rồi bằng các dụ ngôn : dụ ngôn về cây vả không sinh trái (Lc 13,6-9), dụ ngôn người con hoang đàng (Lc 15) và dụ ngôn người đầy tớ khắc nghiệt (Mt 18,23-35) Chúa Giêsu đã mạc khải về lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa muốn Cứu người tội lỗi, đồng thời cũng là những bài học dạy các môn đệ kiên nhẫn và thương yêu nhau.

Đỉnh cao cuối cùng về lòng can đảm kiên nhẫn của Thiên Chúa đó là chính Chúa Giêsu trong cuộc Khổ Nạn, mà Tin Mừng thánh Luca tường thuật cách đặc biệt, đã làm nổi bật mẫu mực kiên nhẫn cho con người đang phải chịu bách hại, đang phải chịu khổ, chịu sỉ nhục, chịu hành hạ,… Và cũng chính nhờ  Chúa Giêsu trong cuộc Khổ Nạn đó, con người hiểu được ý nghĩa và giá trị Cứu độ của sự kiên nhẫn trong đau khổ.


Thiên Chúa đòi con người kiên trì trước nhan Chúa

Đức nhẫn trong “đạo trời” không chỉ ở trên cao chiếu xuống, nhưng từ trời cao Thiên Chúa muốn con người dành tất cả lòng thành cho Ngài và Ngài cũng đòi hỏi con người dành cho anh chị em mình đức nhẫn ấy.

Chúa đòi hỏi con người phải kiên nhẫn trong tin tưởng cầu xin cùng Thiên Chúa. Với dụ ngôn người bạn xin bánh Lc 11, 5-8, Chúa muốn con người phải khiêm tốn, phải tha thiết và phải hết lòng tin tưởng khẩn xin. Và sự kiên trì ấy sẽ được Thiên Chúa lắng nghe: "Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11, 10-11).

Khiêm tốn trong cầu xin, bên cạnh đó con người cũng khiêm tốn với anh em, về việc sửa lỗi anh em, Chúa Giêsu dạy Mt 18,15-17, một cách sử lỗi đầy kiên “nhẫn”. Đôi khi kiên nhẫn sửa lỗi nhưng vẫn có nhưng lỗi xúc phạm đến nhau không tránh khỏi, Chúa đòi phải tha thứ một sự tha thứ trọn vẹn. Khi anh em cứ xúc phạm (Mt 18, 21-22) không những tha đến bảy lần mà bảy mươi lần bảy.
 

Tóm lại

Chữ “nhẫn”, đức “nhẫn”, hay là chiếc “nhẫn” … tất cả đều có giá trị rất lớn. Có nhẫn mới đi vào con đường hành đạo, sống đạo. Tôi rất thích mấy câu thơ của tác giả nào đó mà tôi đã có lần đọc được, bài thơ toát lên toàn bộ đức nhẫn của con người. Đúng là “bất nhẫn bất cận đạo”. Xin gởi lại đây để có dịp mỗi người cùng suy nghĩ, và nếu được:

- Hãy xỏ nhẫn vào tay bạn,
- Hãy ý thức rằng dao đang kề tim bạn,
- Hãy đến gần đạo trời, đạo người và đạo của thiên nhiên vạn vật bằng đức nhẫn, vì:

“... Có khi nhẫn để xoay vần
Thiên thời, địa lợi, nhân tâm hiệp hòa
Có khi nhẫn để vị tha
Có khi nhẫn để thêm ta, bớt thù
Có khi nhẫn: tỉnh giả ngu
Hơn hơn, thiệt thiệt thân tu khó lường
Có khi nhẫn để vô thường
Không không, sắc sắc đoạn trường trần ai
Có khi nhẫn để lắng tai
Khôn khôn, dại dại nào ai tránh vòng
Có khi nhẫn để bao dung
Ta vui người cũng vui cùng có khi
Có khi nhẫn để tăng uy
Có khi nhẫn để kiên trì bền gan
Có khi nhẫn để bình an
Có khi nhẫn để thênh thang cõi lòng...”
Hoa Hồng Nhỏ
 
114.864864865135.135135135250