Ở Palestine, người ta sử dụng các ngôn ngữ khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh văn hóa, phụng vụ, quốc tế hay bình dân.
Tại Palestine cách đây hai nghìn năm, người ta sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau tùy theo bối cảnh: tiếng Do Thái, tiếng Aram, tiếng Hy Lạp, tiếng Latin. Như Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi tái diễn lại, tiếng Latin hầu như chỉ được nói bởi những người Rôma chiếm đóng và vì vậy nó được dùng để viết danh hiệu của Chúa Giêsu trên tấm bảng nơi thập giá (Ga 19,20). Tuy nhiên, tiếng Hy Lạp là phương ngữ quốc tế ngay cả trong đế quốc rôma, một kiểu tiếng Anh của thời đại. Ngôn ngữ này được giới thượng lưu biết đến, nhất là trong lãnh vực thương mại, trong khi ở tầng lớp bình dân, chỉ một số từ cần thiết được sử dụng để giao tiếp với người nước ngoài đang sống ở Palestine. Có lẽ Chúa Giêsu biết cách diễn đạt bằng ngôn ngữ này một chút, như được gợi ý qua cuộc gặp gỡ của Ngài với một nhóm người Hy Lạp tại đền thờ Giêrusalem, nơi mà ngay cả những người ngoại giáo cũng có thể vào được (Ga 12,20-28) và có lẽ, cuộc đối thoại của Ngài với tổng trấn Philatô trong phiên tòa (Ga 18,33-38).
Tiếng Do Thái được sử dụng chủ yếu trong các nghi lễ phụng vụ, trong các cuộc thảo luận chú giải thần học, trong một số nhóm tinh hoa nghiêm ngặt như nhóm Qumran. Do đó, đây là một ngôn ngữ học thuật, đã suy tàn sau cuộc lưu đày ở Babylon và được thay thế ở cấp phổ thông bằng tiếng Aram, ngôn ngữ phổ biến khắp vùng Cận Đông vào thời điểm đó.
Có khả năng Chúa Giêsu đã học tiếng Do Thái ở trường hội đường Nazareth để đọc Kinh thánh và sử dụng nó trong các cuộc tranh luận thần học với các kinh sư và người Pharisiêu như được thuật lại trong Phúc âm. Nhưng khi giảng dạy cho các ngư dân, nghệ nhân và nông dân, Ngài đã sử dụng tiếng Aram, như được chứng minh bằng 26 từ (trừ tên riêng và tính từ) mà Phúc âm hoặc các nguồn tài liệu của giáo sĩ Do Thái gán cho Ngài. Cụ thể, Ngài sử dụng một phiên bản tiếng Aram của vùng Galilê, như được gợi ý qua đoạn kể về việc chối Chúa của Phêrô, lời buộc tội của những người đứng xem chống lại vị tông đồ: "Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay” (Mt 26,73).
Trong một xã hội coi trọng văn hóa truyền khẩu, Chúa Kitô cũng biết đọc, chắc chắn là tiếng Do Thái. Người Do Thái ở Giêrusalem nhận xét: “Ông này không học hành gì, mà sao lại thông thạo kinh thánh đến thế!?” (Ga 7,15). Cụm từ “thông thạo Kinh thánh” trong tiếng Hy Lạp (grámmata ói-den) cũng có nghĩa là “biết đọc”. Nhưng chính những đoạn kể về ngày sabat của Ngài tại hội đường Nazareth đã xác nhận điều đó: “Ngài đứng dậy đọc sách tiên tri Isaia” (Lc 4:16-17).
Chúa Giêsu có biết viết hay không là điều không chắc chắn, vì viết không nhất thiết phải liên quan đến việc đọc. Thật vậy, việc học tập ở trường hội đường chủ yếu diễn ra bằng phương pháp truyền miệng. Do đó, các Tin Mừng chỉ nhắc đến một cách mơ hồ về điều đó: trước mặt người phụ nữ ngoại tình và những kẻ buộc tội bà, Đấng Mêsia “cúi xuống và lấy ngón tay viết trên cát” (Ga 8,6). Tuy nhiên, các dấu vết được tạo ra có thể chỉ là những dòng hoặc chữ cái ngẫu nhiên.
G. Võ Tá Hoàng
https://www.retesicomoro.it/
Nguồn: https://www.hoangcatholic.com/
https://www.retesicomoro.it/
Nguồn: https://www.hoangcatholic.com/