Quy nhân luận – quan điểm lấy con người làm trung tâm của vũ trụ – đã mất đi vị thế vốn có của mình. Từ lâu trước đây, Copernicus đã loại trái đất ra khỏi vị trí trung tâm của hệ mặt trời. Gần đây hơn, quy nhân luận thần học – niềm tin cho rằng con người được ban những ân sủng thánh thiêng mà loài khác không có – bị quy trách nhiệm cho sự suy thoái ngày một lan rộng của môi trường sinh thái.[1] Vậy một Kitô hữu dấn thân trong việc bảo vệ môi sinh nên phản ứng như thế nào? Và rốt cuộc, vị trí của chúng ta nằm ở đâu trong đại phổ hệ của muôn loài?
Sự khôn ngoan Kinh thánh khuyên chúng ta đừng tự huyễn về vị thế chóp đỉnh của mình nơi một chuỗi tồn tại vĩ đại được tưởng tượng ra, nhưng cũng đừng vội đầu hàng trước chủ trương của những nhà duy vật hạ thấp con người thành một giống loài tùy ngẫu trong vũ trụ. Thánh vịnh 8 đưa ra một nghịch lý đầy táo bạo nhưng cũng vững bền hơn: con người dẫu thực là bụi đất, nhưng là thứ bụi đất được Thiên Chúa chạm đến – một giống loài vừa nằm ở trung tâm vừa nằm ngoài trung tâm mà tôi gọi là “lệch-quy nhân luận”.
Thánh vịnh 8 vọng lại trong ký ức điều các Kitô hữu đã được nghe. “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo… phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm?” (Tv 8,3). Những lời này tự nhiên vang lên trong tâm trí tôi trong chuyến du hành bằng xe đạp xuyên Nam Mỹ. Chìm ngập trong bao la vô tận của những đồng cỏ hoang lúc trời vừa chạng vạng, tôi đột nhiên phấn khích lẫn bàng hoàng, khi thấy mình hoàn toàn bé nhỏ trước bầu trời sao kỳ vĩ đang chuyển vần trên quỹ đạo của chúng từ ngàn xưa. Trong khoảnh khắc hốt hoảng và bối rối ấy, những lời của Vịnh gia tưởng chừng như đang được nói với tôi, trong tôi, qua tôi và cũng là bởi tôi. “Khi con nhìn ngắm tầng trời Ngài tạo tác… thì con có là gì mà Ngài phải bận tâm?”.
Trong một sự kiện có ý nghĩa trọng đại, việc đáp xuống mặt trăng năm 1969, Buzz Aldrin đã xúc động lặp lại chính thánh vịnh này. Trong văn chương, nó hình thành nên khung xương cho lời độc thoại tuyệt vời của Hamlet: “Ôi con người, kiệt tác kỳ diệu làm sao”. Đối với âm nhạc, Thánh vịnh 8 đã gợi hứng cho nhiều nhạc phẩm, gồm cả bài thánh ca rất được mộ mến “Thiên Chúa vĩ đại thay”.[2] Qua dặm dài thế kỷ, những kẻ thờ phụng Chúa đã đọc, hát, ngâm nga và suy gẫm những lời lẽ quen thuộc của Thánh vịnh 8. Người Do Thái nghe thánh vịnh này vào dịp lễ long trọng và thánh thiêng: Rosh Hashanah.[3] Người Công giáo cũng nghe thánh vịnh này ít nhất sáu lần mỗi chu kỳ năm phụng vụ. Còn những người giữ Kinh nhật tụng đọc những lời này mỗi tuần hai lần.
Thánh vịnh này thật hoàn hảo về mặt bố cục. Có một sự cân đối giữa khởi đầu và kết thúc bằng những lời nhấn mạnh về sự thần hiển: “Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!” (Tv 8,1.9).[4] Giữa hai bản lề ấy, bài thánh vịnh khai triển theo thứ bậc từ cao đến thấp: từ “vinh quang vượt quá các tầng trời” của Thiên Chúa (câu 1), đến chính các tầng trời, bao gồm cả vầng trăng và các vì tinh tú (câu 3); từ “những bầy gia súc nuôi trên đồng”, bao gồm cả “chiên bò” trên mặt đất (câu 7), đến những thú vật hoang dã, “chim trời… và cá biển” (câu 8) bay lượn trên trời và bơi lội dưới đại dương. Còn ngay trung tâm trật tự này, ở câu bốn và năm, chính là con người.
Chúng ta hiểu như thế nào về vị thế trung tâm kể trên? Vị thế này không hề bắt nguồn từ bất kỳ sức mạnh nội tại nào của nhân loại. Như chúng ta đã lưu ý, Vịnh gia cảm thấy nhỏ bé tột cùng khi so mình với các thiên thể vĩ đại trên trời (câu 4). Phẩm giá độc nhất vô nhị của con người không được tuyên bố rõ ở bất kỳ một câu nào, nhưng được thể hiện xuyên suốt cả thánh vịnh: phẩm giá này hệ tại việc hiện hữu trong một mối tương quan đầy ý thức và tôn kính dành cho Thiên Chúa. Con người mang phẩm giá đặc biệt, không bởi cấu tạo cơ phận, cũng không bởi đặc thù địa lý hay vị trí trong vũ trụ, nhưng là vì chúng ta có khả năng hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa. Điều này được truyền đạt bằng một câu thơ có tính cách ngôn nhưng cũng rất bí nhiệm, chen ngang vào trật tự chặt chẽ mà thánh vịnh triển khai. “Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ, cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù, khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan” (câu 2). Phải chăng những “con thơ trẻ nhỏ” này tượng trưng cho nhân loại nói chung, mỏng manh yếu đuối như những em bé còn chập chững nhưng vẫn có khả năng ca ngợi Thiên Chúa, dù chỉ bằng những tiếng bập bẹ?
Chính bởi nhân loại hoàn toàn thiếu đi sức mạnh tự thân cho nên lời khẳng quyết sau đây thật kinh ngạc: “Ngài cho con người chỉ thua kém Thiên Chúa đôi chút” (câu 5). Bản Bảy mươi đã giảm nhẹ tuyên bố gây sốc này bằng cách dịch Elohim thành “các thiên thần” thay vì “Thiên Chúa”, nhưng như thế là không chính xác. Gần với nghĩa gốc hơn đó là bộ chú giải của trường phái Midrash, hình dung việc các thiên thần đặt nghi vấn với Thiên Chúa: “Con người là gì mà Ngài lưu tâm đến họ như thế?[5] Làm sao mà những kẻ tầm thường sinh sau đẻ muộn này lại có thể được mặc lấy “vinh quang và danh dự” của bậc thần linh (câu 5)? Làm sao con người có thể được thừa hưởng “quyền thống trị” (câu 6) vốn dĩ chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa?
Những chất vấn này phần nào được giải đáp nếu viện đến một nghịch lý rất quen thuộc trong Kinh thánh: Thiên Chúa lựa chọn những gì là yếu kém để hạ nhục kẻ hùng mạnh (1Cr 1,27). Các học giả Kinh thánh nhận ra nơi thuật ngữ “kẻ thù” âm hưởng của quái vật hỗn mang trong thần thoại vùng cận đông. Các nhà chú giải thời Giáo phụ lý giải “kẻ thù” thần bí ở đây là Satan. Những nhà chú giải khác hiểu kẻ thù dùng để chỉ về quyền lực tàn ác của các bạo chúa. Dù trong trường hợp nào, sự khôn ngoan Kinh thánh nhắc nhớ rằng, chỉ cần một em bé mà thôi cũng có thể chiến thắng quái vật – như chàng thiếu niên Đavít, theo truyền thống là tác giả của thánh vịnh, đã chiến thắng Gôliát – nếu Thiên Chúa đứng về phía em bé ấy.
Tuy nhiên, đối với các Kitô hữu, sự khó hiểu về vị thế của nhân loại trong trật tự vạn vật chỉ được tỏ lộ trọn vẹn nơi Đức Kitô. Tác giả thư gửi Tín hữu Do Thái đọc Thánh vịnh 8 theo lối tiên báo, nghĩa là qui chiếu thánh vịnh này về cuộc nhập thể và thăng thiên của Đức Giêsu. Thánh vịnh 8 nói rằng con người được tạo dựng “thua kém các thiên thần đôi chút”; thì cũng vậy, suốt cuộc đời tại thế, Đức Giêsu “đã bị thua kém hơn các thiên thần trong một thời gian ngắn” (Dt 2,9). Thánh vịnh 8 tuyên bố rằng Thiên Chúa “đặt muôn loài muôn sự dưới chân con người”, điều chưa xảy đến cho con người nói chung, nhưng ứng vào Đức Giêsu, Đấng đã trỗi dậy và hiện đang hiển trị (Dt 2,8-9).
Nơi Đức Giêsu, chúng ta nhận ra tính bất khả phân giữa phẩm giá con người và sự khiêm nhường. Việc con người lạm dụng sức mạnh kỹ nghệ, gây nên sự tàn phá môi sinh, đã làm cho chúng ta có lý do chính đáng để nghi ngờ về những quan niệm đầy kêu ngạo về vị thế trung tâm của con người. Vả lại, thái độ tự tôn luôn trái nghịch với niềm tin hữu thần đúng nghĩa và đặc biệt là với nhận thức về bản thân được định hình bởi đức tin Kitô giáo. Nếu Đức Kitô đã tự khiêm tự hạ để nâng chúng ta lên, thì chúng ta chỉ có thể đồng trị với Ngài nếu đến lượt mình, chúng ta cũng biết hạ mình xuống để phục vụ: phục vụ để chữa lành và gìn giữ – thay vì bóc lột – trái đất và anh em đồng loại. Đức Giêsu luôn mãi là mặt trời trung tâm; còn chúng ta chỉ là những hành tinh lệch tâm được hút vào quỹ đạo của Ngài.
Luke Taylor
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
https://www.thinkingfaith.org/
Nguồn: https://www.hoangcatholic.com/
Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ
https://www.thinkingfaith.org/
Nguồn: https://www.hoangcatholic.com/
---------------------------
[1] Bài viết nổi tiếng của: Lynn White Jr., ‘The Historical Roots of our Ecological Crisis’, Science 155 (1967), 1203-7.
[2] [Ng.d.] Tên tiếng anh của bài hát là “How Great Thou Art”, một bản thánh ca mà nhiều người cho là được mộ mến nhất mọi thời đại, chỉ sau “Amazing Grace”. Có thể thấy ca từ của bản thánh ca này rất gần gũi và mang tinh thần của Thánh vịnh 8: https://catholichymnus.com/how-great-thou-art/.
[3] [Ng.d.] Rosh Hashanah (Yom Teruah) nghĩa là đầu năm. Đây là dịp lễ năm mới của người Dothái, diễn ra trong hai ngày đầu của tháng Tishri, thường rơi vào thời điểm khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 dương lịch. Nếu Yom Teruah mở đầu cho Những ngày Tôn sùng (Yamim Nora'im), thì sau đó 8 ngày sẽ là Yom Kippur – Ngày lễ Xá tội (x. Lv 23,26-32), đỉnh cao và là kết thúc của thời gian này.
[4] [Ng.d.] Để tránh cho rằng tác giả trích dẫn sai các câu Thánh vịnh, cần lưu ý rằng, nếu đánh số cho lời dẫn vào Thánh vịnh 8 (Phần nhạc trưởng. Có họa đàn thành Gát. Thánh vịnh. Của vua Ðavít) là câu thứ nhất, thì câu “Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!” tuần tự là câu thứ hai và thứ mười. Tuy nhiên, tác giả sử dụng bản Kinh thánh New Revised Standard Version (NRSV) vốn không đánh số cho lời dẫn của các Thánh vịnh, nên câu trích ở trên tuần tự là câu thứ nhất và thứ chín của Thánh vịnh 8.
[5] Alan Cooper, ‘Psalm 8 as a Case Study in “Embedded” Jewish Commentary’, in The Power of Psalms in Post-Biblical Judaism: Liturgy, Ritual and Community, ed. Claudia D. Bergmann et al. (Boston: Brill, 2023), p. 204.