18/09/2016 -

Tv Long Phước

941
Ân ban hữu thể- mầu nhiệm tình yêu


   A.Ngọc Huyền

Thiên Chúa tên của Ngài là gì? “Tìm cho kỳ được mới thôi”. Con người thích chơi trò chốn tìm với Thiên Chúa, Hài Nhi Giêsu là ai? Khi chúng ta đến với những nhà thông thái, chúng ta phải chuẩn bị cho mình một mớ kiến thức cần thiết và học cách ăn nói cho gãy gọn để có thể diện đối diện, khi ta đi gặp những người giàu có, chúng ta phải tỏ ra trịnh trọng từ ăn mặc cho đến tính cách, điệu bộ. Với em bé Giêsu, Ngài chẳng khác gì một kẻ “ăn xin” Ngài yếu đuối nhỏ bé, nhưng khi chúng ta đến với Ngài, chúng ta ẵm Ngài lên thì ngay lập tức nhân phẩm của chúng ta được chính Ngài nâng lên, Ngài đặt ta cao hơn cả các thiên thần. Thiên Chúa ban bản thể của Ngài cho con người. Thiên Chúa tự tỏ lộ mình ra trong lịch sử là như nhau, nhưng từng cá nhân có nhận ra hay không là tùy thuộc mỗi người. Nơi, chỗ Thiên Chúa tỏ lộ ra nhiều nhất là nội tâm là cuộc đời mỗi người vì nơi đó chính ta hiểu ta, ta biết ta và gần ta nhất. Ơn Thiên Chúa ban không phải là cái gì áp đặt vào, một ơn, hai ơn… mà là ân ban tự bên trong. Bất cứ khi nào ta cũng có thể bắt gặp Thiên Chúa trong thẳm sâu cõi lòng mình, ta thường bắt gặp những điều khác trước khi bắt gặp Thiên Chúa và rồi ta dừng lại ở những điều này nên chẳng bao giờ ta bắt gặp được Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong một phút giây nào đó, Thiên Chúa bắt chộp lấy ta thì ngay lập tức ta lại chạy trốn Ngài vì nhiều lý do; ta thích sống theo cảm tính, sống theo đam mê nhiều hơn là sống với Thiên Chúa và gặp gỡ Ngài. Vì thế, Chúa mời gọi tôi, tôi đáp trả có vẻ tôi đi hành trình của tôi, tôi chủ động, nhưng thực ra chính Chúa đang vác tôi trên vai của Ngài, chính Chúa sinh lại tôi một lần nữa và Ngài  đã  cưu mang tôi.
  1. Đời tu với những giấc mơ
Từ ngày bước chân vào nhà dòng cho đến hôm nay biết bao động cơ đã thôi thúc tôi qua từng giai đoạn cùng với con tim đầy ắp những ước mơ và hoài bão. Vậy, tôi đã làm gì với những ước mơ đó? Những ước mơ đó đã trở thành cái gì? Tại sao lại dễ dàng từ bỏ những ước mơ đó đến như vậy? Giai đoạn này tôi đang ở không phải là sự bắt đầu cho cuộc kiếm tìm một con đường, một cố gắng, một cung cách, một sự cởi mở mà là tôi đã và đang sống, đang bước trong một con đường, một cố gắng, một cung cách, một sự cởi mở đến siêu việt. Nhưng hình như càng lớn thì những khắc khoải truy tìm ý nghĩa trong cuộc sống cùng với sự hướng đến hoàn thành bản thân ngày một yếu dần. Phải chăng bởi nỗi lo sợ người ta cảm nhận khi đối diện thực tế và việc thiếu lòng cậy trông nơi Thiên Chúa. Chúng ta vẫn chưa đủ nhận ra mình là những kẻ được trao cho một sứ mạng, là những kẻ phải đảm trách một nhiệm vụ nào đó, mà nó đến từ trên cao hơn và xa hơn chúng ta. Tất cả chúng ta đều phải trở nên những môn đệ vô điều kiện, bám rễ trong một đức tin sâu xa và một cuộc dấn thân hai chiều: dấn thân trong một linh đạo chắc chắn, song linh đạo này lại gắn bó chặt chẽ với một chương trình xã hội là chính sứ vụ của Đức Giê su.

Qua năm tháng, chúng ta được giao những nhiệm vụ khác nhau trong cộng đoàn và trong các cơ cấu tổ chức. Nhờ đó, chúng ta dần dần nhập thể cho những giấc mơ của mình. Sống thực tế hơn và can đảm thực hiện ước mơ của mình, đồng thời học chấp nhận những gì không thể thay đổi. Tuy nhiên vẫn còn đó những thách đố đến từ bên ngoài và cả những thách đố đến từ bên trong. 
  1. Những thách đố đến từ bên ngoài

Đời sống cộng đoàn
Cá nhân phát triển cộng đoàn thăng tiến, cá nhân trưởng thành cộng đoàn phát triển. Tuy nhiên, xã hội chủ nghĩa ảnh hưởng sâu rộng nặng nề trong đời sống tu trì,
xét lý lịch bố”- duyệt lý lịch con, lãnh đạo yếu tính hơn là hiện sinh. Một chế độ xuống thì một chế độ khác đi lên với tất cả những vây cánh của nó, nên cũng không lạ gì yếu tố xã hội ảnh hưởng khá nặng nề trong những guồng máy hoạt động. Vì thế, những não trạng xã hội từ từ tiệm tiến đi vào trong cộng đoàn của chúng ta, yếu tố trần thế mạnh hơn yếu tố thiêng liêng. Chủ nghĩa hưởng thụ và chủ nghĩa khoái lạc làm tha hóa phẩm chất và lý tưởng sống của người tu sĩ, lệ thuộc vật chất nhiều hơn ơn Chúa. Hình như vấn đề tài năng, học thức, quần áo, xe cộ máy móc, những hình thức bên ngoài ấy chúng ta tìm kiếm và ganh đua nhau nhiều hơn là thực tập các nhân đức, tranh thủ ơn Chúa và tìm kiếm thánh ý Ngài.

Chúng ta đang nhầm lẫn giữa phương tiện và cứu cánh. Tôi không được đặt mục đích phục vụ phương tiện nhưng phải lấy phương tiện phục vụ mục đích. Các linh hồn đạo đức sẽ lấy Chúa làm cùng đích của mình, họ thành thực ước muốn phục vụ và yêu mến Ngài. Tuy nhiên, thật khó chọn Người làm mục đích duy nhất của mình. Thật vậy, đa số chúng ta đều khấn dòng khá lâu trước khi ý thức mình đã lấy phương tiện làm mục đích, đã chọn Chúa và…” thay vì “chỉ chọn Chúa mà thôi”. Rất may, Chúa rất kiên nhẫn và thông cảm, Ngài thường từ những đường cong của chúng ta để viết thành đường thẳng.
  • Căng thẳng giữa các thế hệ
Người già thường tự hào về những gì mình đã làm được, sự từng trải, kinh nghiệm sống. Nên họ khó chấp nhận cái mới du nhập vào cộng đoàn, mà thường những người “già” lại đang nắm những chức vụ quan trọng trong Hội Dòng. Người trẻ học nhiều, thích cập nhật những gì là mới mẻ, nên nhìn những người già như những rào cản, là lỗi thời, cho nên dễ dẫn đến những xung khắc, những xói mòn trong tình huynh đệ, chỉ vì thiếu niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng trao trách vụ.

Nhiều lúc người trẻ không có được cái nhìn sâu sắc nên ta hay dùng những cái bên ngoài, thay đổi những bề nổi còn bề sâu cái căn cốt thì ta không biết, điều quan trọng là cầu nguyện và nhận định để chính Chúa Thánh Thần thay đổi. Vì nền tảng xây dựng cộng đoàn chúng ta không phải là những phương tiện trần thế mà là đức ái trọn hảo. Nếu chúng ta chân nhận sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đang hoạt động trên cộng đoàn thì chúng ta sẽ được vững vàng trong niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa và sứ vụ mà Ngài trao phó. Người già có thể cổ lỗ, cổ hủ nhưng họ có kinh nghiệm, hãy nghe kinh nghiệm của họ và đặt kinh nghiệm của họ trong hoàn cảnh lúc bấy giờ để rút kinh nghiệm cho hoàn cảnh hiện tại.
  • Sự chia rẽ đố kị giữa những người không cùng trình độ hay văn hóa mặc dù cùng độ tuổi, lớp khấn.
Khi người ta làm cùng một công việc giống nhau, thường người ta khó chấp nhận có ai đó khác biệt, nổi bật, đây là một thách đố rất lớn. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà hình như có một thứ “chủ nghĩa vị kỷ cá nhân” nào đó núp bóng dưới “chiếc mặt nạ của đoàn nhóm”. Nó tạo nên những nhóm khép kín, phe phái.

Làm sao để nhận ra mạc khải của Thiên Chúa nơi những người mà không cùng quan điểm, những người mà ta không thích, nơi những người khác tôi. Thiên Chúa mạc khải làm việc trên chính họ, cũng như trên chính tôi, đó là ân ban hữu thể. Khi không nhận ra mạc khải chúng ta thường xây “dinh thự” cho mình hơn là “xây nhà cho Thiên Chúa”. Tôi có tài này công nọ, tôi làm được cái nọ cái kia. Hãy trưởng thành trong phân định để biết ý Chúa muốn tôi làm gì, thì cứ việc tôi, tôi làm, đừng so đo tính toán hơn thiệt với sứ vụ của người chị em mình. Dù sao cái khó vô cùng khi ta không xác định được đâu là cứu cánh, đâu là phương tiện. Cứu cánh của ta là gì? Là thánh ý Chúa trên cuộc đời mình, tài năng, học vấn, chức vụ… chỉ là phương tiện giúp ta thi hành thánh ý Chúa trong đức ái trọn hảo.

Nhận định, phân  định sứ vụ của mình, đừng quan tâm đến sứ vụ của người, ghen tỵ chỉ mất giờ gây xung đột trong tâm hồn, óc loãng khó tập trung để hoàn tất sứ vụ. Trong tình yêu và sự dẫn dắt của Thiên Chúa ta không lệ thuộc vào ai hay bất cứ điều gì. Tự do và trống rỗng để Thiên Chúa lấp đầy chính Ngài, hãy để Thiên Chúa chạnh lòng thương.
  1. Những thách đố đến từ bên trong
Khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, Chúa cảm nhận bàn chân của kẻ sẽ phản bội mình, đó là thách đố đến từ bên trong. Làm sao tôi có thể đón nhận những người mà trong thực tại cuộc sống tôi đã có những va chạm, đó là những thách đố trong đời tu mà tôi đang vác. Chúa Giêsu đã làm gì? Ngài cúi xuống rửa chân và hôn chân họ. Tôi phải làm sao khi nghĩ về chính cách mà Chúa yêu tôi thì tôi sẽ làm sao với những người không đồng quan điểm với tôi. Nếu không có thể tôi cũng sẽ cúi xuống nhưng thay dòng nước mát lành tôi lại rửa chân chị em bằng nước nóng hoặc có thể axít cũng nên.

Chúng ta được mời gọi cúi xuống cầm lấy cả con người ấy, cả cuộc đời của họ, cả trong những giới hạn mong manh và yếu đuối. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi đi vượt lên trên giới hạn của mình. Khi tôi vượt qua ngưỡng này thì tôi mới có khả năng vượt qua những ngưỡng kế tiếp. Thể lý tôi có thể vượt qua nhưng trong đời sống thiêng liêng; tha thứ và đón nhận người khác yêu cầu tôi không ngừng vượt lên từng bước cho dù từng bước rất nhỏ. Từng bước vượt qua và vượt lên những thách đố bên trong của mình, đời sống đức tin của tôi luôn khởi đi từ chính mình, vượt lên từng bước đó là lời mời gọi tôi bước với Chúa trong hành trình thập giá. Cầm lấy, tạ ơn và đón nhận chính thực tại của mình lúc đó tôi mới dám bẻ ra và chia sẻ. Khi tôi biết tạ ơn, biết đón nhận thực tại của mình thì tôi sẽ không còn vơ vào mà tôi sẵn sàng cho đi.

Thập giá chính là những thách đố mà chúng ta cùng bước với Chúa Giêsu trong chính hành trình thực tại của mình. Tôi rất dễ rơi vào dửng dung và sống đều đều trong hành trình đức tin của mình. Sự chịu đựng của tôi không lớn, có nhu cầu thì phải đáp ứng và đòi hỏi phải được đáp ứng những nhu cầu nên tôi rất kém khả năng vượt qua những thách đố dẫn đến lệch lạc trong nhân cách.

Chúa Giêsu cũng có những thao thức, khát vọng riêng; bối cảnh của vườn cây dầu – một sự căng thẳng giữa ý Chúa và ý Con. Tại sao Cha không cho con chết sau 10 năm nữa, tại sao con lại phải chết bây giờ. Lúc này con đang làm được rất nhiều điều tuyệt vời, tại sao Cha lại bảo con chết.

Tôi có dám bước vào con đường này không? Tôi đi tu để ý muốn và nhu cầu của mình đặt lên hàng đầu phải không? Khi tôi nhìn ngắm Chúa Giêsu chịu đựng những thách đố, tôi hãy lắng nghe chính mình để coi tôi chịu đựng thách đố như thế nào? Cảm thức về những thách đố dường như giảm bớt đi, tôi không còn khả năng tự đầu tư cho chính mình. Khi gặp những bất công Chúa Giêsu đã cư xử như thế nào? Nền tảng mà tôi đối diện với những thách đố ấy đến từ đâu, từ nội lực hay từ những tìm kiếm bên ngoài. Nếu không đối diện với những thách đố đến từ bên ngoài thì tôi nên xét lại, tôi đang tu thật hay tu giả. Khi đối diện với những thách đố từ bên trong tôi có bỏ chạy hay dửng dưng tìm yên vị.
Con người liên đới với Thiên Chúa bằng tất cả hiện sinh, bản ngã của mình trong sự tuân phục tình yêu và thánh ý Thiên Chúa. Chính Chúa Thánh Thần sẽ trợ giúp ta trong sự tiếp nhận, hiện thực tình yêu và thánh ý Thiên Chúa. Đó là dòng dõi những ai nói tiếng Fiat, những con người không chiều theo tiếng gọi của ích kỷ, của quy hướng vào bản thân nhưng đặt trọng tâm vào Thiên Chúa, con người và thế giới. Những con người lắng nghe Lời Chúa và hiểu được Lời Ngài nên là đất tốt sinh hoa kết quả gấp bội.
114.864864865135.135135135250