16/03/2016 -

Tx Ký Con

1123
Nghèo để giàu - Tx Thánh Hạnh

Nghèo để giàu

Tx. Thánh Hạnh

Ánh hoàng hôn đã khuất, không gian lắng lại và thật yên tĩnh. Tôi ngồi trong ngôi nhà nguyện nhỏ bé này, lời của Chúa Giêsu nói với những môn đệ của Thánh Gioan xưa “Con chồn có hang, chim trời có tổ con người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20), và Người tiếp tục nói với chàng thanh niên “Hãy bỏ tất cả  rồi đến theo Tôi” ... vang vọng trong tôi, đã cho tôi bao suy tư về đức khó nghèo của người tu sĩ trong thời đại hiện nay.

   Người tu sĩ là người theo sát Chúa Giêsu, qua ba lời khấn: Vâng phục, khiết tịnh, khó nghèo. Thế nhưng, cách làm chứng rõ nhất của người tu sĩ có lẽ là đời sống khó nghèo, vì như Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Thế gian không thấy con vâng phục, thế gian  không thấy con khiết tịnh nhưng thế gian  sẽ dễ dàng nhận ra con là chứng nhân thanh bần[1].

Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại gương sống khó nghèo của Chúa Giêsu: Sinh ra trong hang bò lừa lạnh lẽo, mình không một tấm áo che thân; sống ba mươi năm trong ngôi nhà Nazaret xưa - ngôi nhà chật hẹp với những bức tường trơ trọi, một vài cửa sổ nhỏ bé không đủ lối cho ánh mặt trời chiếu qua; những vật dụng hết sức thô sơ bình dân. Chính trong khung cảnh nghèo nàn đó mà vị Thiên Chúa làm người của chúng ta đã sống trong suốt ba mươi năm. Người lại tiếp tục sống đức khó nghèo trong những năm rao giảng: Phải ăn nhờ, ở đậu nơi nhà các môn đệ và những người dân. Khi được dân chúng tôn vinh Người đã từ chối lánh đi nơi khác (Ga 6,15), và lúc được danh tiếng – quyền lực – của cải, Người đã khước từ (Lc 4,1-13), Người còn sống khó nghèo cho đến lúc chết trên cây thập giá trần trụi, tủi nhục. Tấm gương khó nghèo của Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu rõ một chân lý tuyệt đối, chân lý ấy là: Muốn trở thành con người giàu có vô tận không có gì xứng đáng hơn là bán hết của cải để theo Thầy. Chính vì đức khó nghèo rất cần thiết và quan trọng nên Chúa Giêsu đã đến thế gian và sống nghèo khó để làm gương cho con người đặc biệt là những môn đệ dấu yêu của Người - Những người đã tình nguyện sống giao ước tình yêu trong đời sống tu trì.

Sống khó nghèo đưa đến cho người tu sĩ rất nhiều lợi ích to lớn: - Sống khó nghèo sẽ làm cho người tu sĩ thanh thoát để tiến bước trên con đường theo Chúa. Khi sống cuộc sống nghèo, người tu sĩ sẽ bám chặt vào Chúa là sức mạnh và gia nghiệp duy nhất của mình, vì họ nhận ra sự nghèo hèn và thân phận lữ hành của mình nên luôn cần đến Chúa. Còn ngược lại, sống trong sự giàu có, thoải mái dần dần Chúa sẽ không còn là cùng đích và đối tượng duy nhất của người tu sĩ nữa mà thay vào đó là những của cải trần gian đã chiếm lấy lòng họ. Vì như Chúa nói: “Kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó” (Lc 12,34).

Sống đức khó nghèo sẽ đưa đến cho người tu sĩ một niềm hạnh phúc, bình an trong sự tự do đích thực. Lý do khiến con người ta đau khổ và không được bình an là vì quá dính bén vào những gì ở thế gian này. Vì quá dính bén nên khi không được thỏa mãn thì họ cảm thấy đau khổ. Còn ngược lại, đức khó nghèo sẽ giúp người tu sĩ sống một cách tự chủ với của cải thế gian. Họ sống một cách đơn giản, đơn giản từ những dáng vẻ bề ngoài đến cả phong cách sống. Họ thấu hiểu được rằng: Hạnh phúc của con người không hệ tại ở những của cải chóng qua nhưng hệ tại ở những giá trị cao hơn, thánh thiêng hơn nhiều. Họ sẽ là những người được thừa hưởng lời chúc phúc của Chúa Giêsu: “Phúc cho những ai nghèo khó vì nước trời là của họ”. Thật vậy, sống không quá bám víu con người càng thấy nhẹ nhõm và bình an hơn, hoàn toàn khác với thói quen càng tích góp càng làm cho con người ta vướng bận, lo âu và mệt mỏi.

Sống đức khó nghèo sẽ làm cho người tu sĩ trở nên khiêm nhường và hiền lành hơn. Họ sống gần gũi, yêu thương, chia sẻ với tất cả mọi người đặc biệt là những người nghèo khổ, thấp bé. Họ không khinh chê, không lên án một ai vì họ luôn ý thức được sự nghèo khó của mình và vì thế họ cũng luôn cần sự giúp đỡ của người khác. Ngược lại sống trong giàu sang, thoải mái sẽ dễ đưa đến kiêu ngạo, tự mãn và khinh chê người khác khi thấy mình sống đầy đủ, không cần đến sự giúp đỡ của ai nữa.

Người tu sĩ sống khó nghèo cũng để minh chứng cho thế giới biết rằng: “Có một vương quốc khác tươi đẹp và hạnh phúc đang chờ đón chúng ta”. Đó mới là vương quốc thật sự mà con người nên tìm kiếm và mong đợi chứ không phải là ở những thứ của cải phù du nơi trần gian này. Sống trong một thế giới dường như con người đang muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình mà tôn thờ những của cải vật chất, lấy nó làm cứu cánh của mình thì chứng tá sống khó nghèo của người tu sĩ càng cần thiết biết bao ! Ngày xưa khi Giáo Hội đang bị đi xuống, Chúa đã cho xuất hiện Thánh Phanxicô khó khăn và Thánh Đa Minh để thức tỉnh hàng giáo sĩ, tu sĩ đang sống trong cảnh xa hoa, súng sính trong bộ áo dòng, ngựa xe đưa rước. Ngày nay, dường như tình trạng đó lại đang tiếp diễn ở trong Giáo Hội. Trong bối cảnh này, một Đức Giáo Hoàng với tước hiệu Phanxicô -“Giáo Hoàng của người nghèo” - cũng đã xuất hiện như một lời cảnh tỉnh đến cho thế giới và đến từng hàng giáo sĩ. Những người tu sĩ cũng phải là những người đánh thức thế giới đang sa lầy, tục hóa này như lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô “Chúng con phải là những người đánh thức thế giới ngày hôm nay”.

Đánh thức một người đang ngủ thì dễ, nhưng một người đang thức mà như đã ngủ thì khó mà thức tỉnh. Làm sao có thể đánh thức thế giới khi chính người tu sĩ lại là những người đang ngủ, có rất nhiều tu sĩ quá bận tâm về của cải vật chất, lo làm giầu về kiến thức, họ không còn chỗ cho sứ vụ, không còn chỗ cho người nghèo và cuối cùng không còn thời gian cho Chúa, họ đã biến phương tiện trở thành mục đích. Trên thực tế hiện nay, vẫn có những người tu sĩ chưa sống đúng với tinh thần nghèo khó như Chúa đã kêu gọi và mong muốn. Họ vẫn bị sa đọa vào cám dỗ tiền tài, danh vọng. Dẫu chúng ta đều biết rằng: danh- lợi- thú là những cám dỗ thường xuyên và rất mãnh liệt đối với mỗi người chúng ta.

Do vậy, Chúa Giêsu vẫn luôn nhắc nhở các môn đệ của Người là phải tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng để khỏi sa chước cám dỗ. Những cám dỗ này rất mãnh liệt và rất ngọt ngào, đặc biệt là trong thời đại của chúng ta đang sống - thời đại mà con người luôn đề cao sự hưởng thụ và muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi thế giới này. Một nhà văn đã gọi chúng lànhững vũng lầy êm ái”. Đặc biệt trong thời đại hiện nay, người tu sĩ lại càng phải rất tỉnh thức để có thể nhận ra những “vũng lầy rất êm ái dịu ngọt” này. Chúng cũng rất tinh vi mà nếu thiếu tỉnh thức thì người tu sĩ sẽ khó mà tránh khỏi sự hấp dẫn của chúng. Nhưng dường như nhiều người trong chúng ta vẫn không đủ thức hay tâm của chúng ta không đủ tĩnh để nhận ra và chống trả được những cám dỗ của vật chất.

Có nhiều người nói đùa rằng: “Các cha, các sơ sống khó mà nghèo, nhà cửa thì khang trang lộng lẫy, đi xe này, xe nọ, dùng những thứ đồ dùng dành cho đại gia… Từ xe số lên tay ga, từ điện thoại đập đá lên Galaxy, IPhone 4-5-6, từ vi tính sang Ipas...” Chúng ta thay đổi phương tiện như thay áo, thậm chí không những sử dụng một cái điện thoại mà còn đến hai ba cái điện thoại trong tay ? Nói là nói đùa nhưng xét lại thì điều đó cũng không phải là không đúng. Chúng ta đồng ý với nhau rằng: phương tiện rất cần thiết và quan trọng để làm việc nhưng nhiều lúc chúng ta đã không làm chủ được các phương tiện, và vì thế chúng ta đã biến phương tiện thành mục đích của mình.

Thực ra, người tu sĩ thời nay rất dễ dàng nhận sự giúp đỡ của rất nhiều người để có được những phương tiện mà mình mong muốn. Nhưng điều quan trọng ở đây là biết phân biệt giữa cái mình thích và cái mình thực sự cần cho sứ vụ. Việc phân biệt này giúp cho người tu sĩ làm chủ được những thứ mình có mà không bị lệ thuộc và bị sa lầy vào việc chiếm hữu những thứ đó như là cứu cánh của mình. Lúc này, người tu sĩ sẽ sống một cách thanh thoát, như lời Tổng Giám Mục Fulton Sheen đã nói: “Những linh hồn tận hiến đã tình nguyện sống khó nghèo, đều giàu có hơn tất cả các phú gia: Họ không ước muốn gì mà sở hữu tất cả”.

Chúng ta hãy cùng nhau ngồi lại để xét xem hành trang của mình sau những năm đi tu, liệu nó có cồng kềnh và gây cản trở cho việc thăng tiến trong đời sống tâm linh của chúng ta hay không ? Chúng ta hãy nhắm mắt và tưởng tượng ngày mai tôi chết thì cái tôi mang được theo sẽ là gì ? Cha Anthony De Mello đã có lời khuyên rất hay cho mọi người và tôi nghĩ đặc biệt là những người tu sĩ như chúng ta: “Con hãy thường xuyên suy nghĩ về sự chết. Hãy tưởng tượng mình bị rơi xuống vực thẳm cùng với mọi thứ con thường tiếp cận và sử dụng. Mỗi lần con bám vào vật gì dù lớn dù nhỏ, mà nó có thể làm con rơi chậm lại thì hãy suy nghĩ về ảnh hưởng của nó đối với con và ngược lại”.

Có một linh mục chia sẻ với tôi rằng: “Hồi còn mới đi tu thì chỉ có vỏn vẹn một thùng đồ thôi, nhưng đi được mấy năm thì đã có thêm mấy thùng đồ nữa và cứ thế những thùng đồ tăng lên theo thời gian cho đến lúc làm linh mục. Mỗi khi có bài sai chuyển chỗ công tác thì công việc vận chuyển rất nặng nề và khó khăn chỉ vì quá nhiều đồ”.

Chúng ta vẫn thường nói người tu sĩ là người đã bỏ mọi sự để theo Chúa nhưng không chừng chúng ta đang từ từ lấy lại tất cả những gì mà chúng ta đã nói là từ bỏ theo thời gian, thậm chí còn hơn thế nữa. Một khi người tu sĩ không dứt khoát được với những của cải vật chất mình đang sở hữu thì dễ khiến họ sống một cách ích kỉ, chỉ lo tích góp cho mình mà không chịu chia sẻ cho người khác hay lấy làm khó chịu khi người khác mượn những vật dụng của mình. Như vậy, người tu sĩ cần phải tỉnh thức và sống khôn ngoan trước những cám dỗ về của cải, quyền lực, danh vọng.

Trong thinh lặng thâm sâu của cõi lòng, mỗi người tu sĩ chúng  ta hãy ngước nhìn lên Đấng đã chịu đóng đinh và bị tước đoạt trần trụi trên Thánh Giá, mà xét lại đức khó nghèo của chính mình để xem mình có còn đi đúng theo con đường mà Thầy mình đã nêu gương không ? Kho tàng đích thực của tôi có còn phải là Chúa nữa hay không ? Chúng ta hãy chất vấn chính mình rằng: “Nếu sự ham muốn của cải thế gian lấp đầy con tim tôi thì thử hỏi đâu còn chỗ dành cho Thiên Chúa nữa ?” (Paula Hoesl). Đặc biệt trong Năm Đời Sống Thánh Hiến này, mỗi người tu sĩ chúng ta hãy rà soát và kiểm điểm lại chính mình để điều chỉnh và thăng tiến hơn trên con đường theo Chúa.

Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi cơn cám dỗ muốn chiếm hữu mọi sự, xin đừng để những của cải phù du làm hoen úa con tim của chúng con. Ước chi con tim của chúng con chỉ trìu mến một mình Chúa, để lòng chúng con chỉ ước ao một mình Chúa mà thôi. Xin Chúa luôn gìn giữ chúng con cho dù chúng con đang sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian mà luôn hướng về quê hương đích thực của mình là nước trời - Nơi đó chúng con sẽ luôn luôn giàu có sung mãn vì có Chúa là gia nghiệp muôn đời. Amen.

 

[1] Đường Hy Vọng, số 418

114.864864865135.135135135250