19/09/2016 -

Tx Tu Tra

1125
Âm thầm khát khao ơn cứu độ

Tu xá Mẹ Xin Vâng
Trong cuộc lữ hành đức tin của mỗi người, cách này hay cách khác, chúng ta được giới thiệu Chúa qua nhiều trung gian khác nhau. Có những người biết Chúa rất sớm qua ông bà, cha mẹ là những người đã đưa họ đến nhà thờ để chịu phép rửa tội, và được gia nhập gia đình Kitô giáo ngay từ khi họ còn ẵm ngửa. Có những người biết Chúa muộn hơn là khi họ tiến đến đời sống hôn nhân với một người trong đạo, và cũng có những người biết Chúa sau khi đã “ở lại với Người” bằng một biến cố nào đó xảy ra trong cuộc đời của họ… Nhưng tựu chung lại, chúng ta đã và đang được Chúa chọn và gọi trong lòng thương xót của Chúa.

Lời mời gọi - lời đáp trả
Theo lẽ thường, người ta tầm sư học đạo. Thật vậy, trong môi trường sống hôm nay, là các bậc cha mẹ hay ông bà, để có được một nền giáo dục tốt, chúng ta thường gởi gắm con cháu mình cho các bậc thầy cô có uy tín. Nói một cách nôm na, ở đời, trò thường đi tìm thầy, chứ không phải thầy đi chọn trò. Tuy nhiên, Tin Mừng cho chúng ta thấy điều ngược lại, chính thầy Giêsu đi tìm kiếm và chọn gọi các môn đệ theo Người.

Thật vậy, trước tiên, Chúa Giêsu đã chọn gọi Simon và Anrê, rồi sau đó Người gọi tiếp Giacôbê và Gioan theo Người (Mc 1,16-20) “hãy theo tôi” - thầy chọn trò. Chúa Giêsu có sáng kiến và đi bước trước. Người thấy, Người chọn và Người gọi các ông theo Người.

Đức Giêsu đã mời gọi c môn đệ “hãy theo tôi” mà không đề nghị, không giải thích, không hứa hẹn, không thuyết phục bằng bất cứ điều gì. Như vậy, lời của Đức Giêsu: “hãy theo tôi” không chỉ là lời mời gọi và là lệnh truyền đối với những người đang thả lưới, nhưng còn là lời mời gọi và là lệnh truyền đối với tất cả chúng ta “Hãy đến và ở lại với Người.

Tiếp đó, lời mời gọi của Đức Giêsu luôn âm vọng trong nhiều tâm hồn thiện nam tín nữ mà sách Công vụ tông đồ đã minh chứng: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có làm của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Nhờ quyền năng mạnh mẽ của Thiên Chúa ban, các Tông đồ làm chứng cho Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên chúa ban cho các ông dồi dào ân sủng. Trong cộng đoàn không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng vườn, nhà cửa đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các tông đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu”. (Cv 5, 32-35)

Tin và yêu
Ngày nay, người ta thường hay nói đến khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng chính trị, đạo đức, khủng hoảng giáo dục, luân lý, gia đình… khi các giá trị liên hệ đến các định chế này không còn được tôn trọng. Có một thứ khủng hoảng khác quan trọng hơn nhưng ít khi được nói đến. Quan trọng vì chính nó là nền tảng có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng khác. Đó là khủng hoảng niềm tin. Và điều này cũng không hẳn nằm ngoài đời sống cộng đoàn Đa Minh. Chính niềm tin giúp người ta biết đón nhận, biết đến với, biết tìm kiếm, biết lắng nghe, giữ gìn, biết chia sẻ và biết sống với những giá trị mình xác tín một cách hoàn hảo nhất.

Ngược dòng thời gian, cha ông chúng ta đã sống niềm tin như thế nào? Các Ngài đã ý thức và khẳng định rõ mình chính là phần tử của dòng Giảng Thuyết trong vai trò anh chị em Đa Minh, là men trong bột, là muối trong biển trần… Cha anh chúng ta đã tin thế nào thì sống thế ấy. Sống đơn giản, không cầu kỳ, không so do, không thắng thua hơn thiệt. Các Ngài đã sống hết mình, sống quả quyết, sống tin chắc cuộc sống này chỉ biến đổi mà không mất đi, không chấm hết. Để từ đó, điều tầm thường trở nên quý giá, cái hư nát trở nên bền vững, cái hữu hạn trở nên vô hạn, cái bất toàn trở nên thành toàn, loài phàm nhân trở nên loài thần thiêng linh thánh.

Chính niềm tin làm cho đời sống của người Đa Minh trở nên một kiểu thức sống đặc thù riêng biệt, độc đáo, gần gũi mà không xa lạ, đơn sơ nhưng không đơn giản, giản dị nhưng không hề đơn điệu, tưởng chừng cạn nhưng không hề nông, ẩn tinh túy nhưng không lộ hào nhoáng, kết bè bạn nhưng không tạo bè phái. Cho dù âm vang có chóng qua nhưng âm hưởng vẫn trường tồn… Người Đa Minh là thế đó. Người Đa Minh luôn ý thức trong thâm tâm mình là con Thiên Chúa, là con của Đấng Thánh Thiện. Vì thế họ giúp nhau ai cũng phải sống xứng đáng với ơn gọi nên thánh. Vì Đấng đã kêu gọi các Ngài dấn thân là Đấng Thánh (1Pr 1,16; 1Tx 4,3). Các Ngài luôn cố gắng nên trọn lành như Cha của mình trên trời là Đấng trọn lành (Mt 5.48).

Chính Cha Thánh Đa Minh đã đặt trọn niềm tin nơi họ, tin chắc những thành viên của Dòng Đa Minh sẽ nên thánh thiện, tốt lành theo cách thế “tận hiến” riêng biệt. Nhờ niềm tin được rèn đúc, tinh luyện bởi Thánh Thần Thiên Chúa, mà các thế hệ cha ông chúng ta đã vượt qua biết bao gian nguy, thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua được. Đem lại mùa xuân tin yêu cho Giáo Hội trong những ngày hôm qua cũng như ngay chính tận hôm nay. Chính yếu tố niềm tin vững vàng qua lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đã giúp cho cộng đoàn Đa Minh nói chung và Tu Xá Mẹ Xin Vâng nói riêng, sống hiện diện trong môi trường sống của mình, sống chứng tá cho Tin Mừng cứu độ.
Thú vị thay được tạ ơn Chúa
Được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao.
(Tv 91,2)

Sống hiện diện là lời ca ngợi sống tích cực nhất, với tất cả ý thức của tâm hồn mình trong công việc này, trong giây phút này, với con người này, trong hoàn cảnh này của cuộc sống này. Sống hiện diện là cung đàn tám nốt, trầm có, bổng có, cao có, thấp có được đan quyện với nhau để sống vui, buồn, sướng, khổ cũng như nộ, tình, ai, oán với sự đáp ứng tích cực, tập trung toàn bộ năng lực cho một cảm nhận, một thái độ, một tâm tình, một cử chỉ hành động cụ thể. Sống hiện diện trong cộng đoàn là sống không tùy thuộc vào sự thành bại, hơn thua, được mất… mà luôn nhằm đạt được điều thiện hảo trong chính khoảnh khắc sống của mình.
Không phải hiện diện để chinh phục, nhưng để sống chứng tá.
Không phải hiện diện để lãnh đạo, nhưng là để phục vụ.
Không phải hiện diện để hơn thua, nhưng để yêu thương thật lòng.
Không phải hiện diện để tự cao, tự đại, nhưng để khiêm tốn sửa lỗi cho nhau.
Không phải hiện diện để thực thi quyền bính, nhưng để tương trợ và cảm thông.
Sống hiện diện không bao giờ chán nản vì trở ngại, khó khăn hay thất bại, nhưng luôn tin cậy phó thác vào Chúa. Bởi nhiều lúc chúng ta hiện hữu nhưng không hiện diện, hoặc vẫn đang hiện diện nhưng mờ nhạt, đơn điệu và chỉ sống cho riêng mình.

Nếu người Tu sĩ Đa Minh không sống niềm xác tín, người ta sẽ cảm thấy sợ hãi trước mọi vấn đề, mọi hoàn cảnh, mọi biến cố xảy ra trong đời, dễ đưa đến lạc mất lòng tự trọng, dễ đánh đổi bản thân mình cho các giá trị trần thế, và những quyền lợi không chính đáng. Thiếu niềm tin, con người sẽ mang trong lòng một tâm hồn trống rỗng, từ đó đòi hỏi phải bù đắp những thứ hãnh diện hão: tiền bạc, sức khỏe, thành công, danh vọng… Những thứ sẽ không bao giờ đủ, sẽ không mang lại hạnh phúc thật, con người sẽ luôn luôn cảm thấy hụt hẫng và đau khổ. Dần dần  đánh mất đời mình bằng những đam mê và thất vọng.

Nếu đặt trong bối cảnh đó, người tu sĩ Đa Minh sẽ bị méo mó, phản chiếu sự lệch lạc, sự hiện diện của mình trong cuộc sống, trở thành người xấu và phản chứng Tin Mừng. Người khác nhìn vào chỉ thấy một tập thể những lộn xộn, ưa chuộng hình thức, tinh thần trí tuệ nệ luật, các cá nhân tranh giành quyền lợi, tham quyền cố vị, thích được tăng bốc, bon chen đấu đá. Kèm theo đó là đầu óc bảo thủ, bè phái, chia rẽ, ngại dấn thân, thích khoe trương, không nhận lãnh trách nhiệm, nghèo cảm thông liên đới, không chịu thấu hiểu, ưa so đo tính toán hơn thua… Và như thế, đời tu chẳng còn gì linh thánh, cao siêu, làm sao sống chứng tá Tin Mừng.

Giữa những nhịp sống tục hóa và tâm thức hưởng thụ ngày nay, cần có những tu sĩ Đa Minh thế hệ mới: dám can đảm dấn thân đối diện với những vấn nạn mới trong cuộc sống, dám đương đầu với sự đối nghịch giữa con người và con người, giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội, biết cảm thông và đón nhận kiếp sống nghèo, biết chia sẻ đời sống và số phận mong manh với những người khác, biết tỏ tình liên đới trong những nỗ lực chung nhằm đạt được những gì là cao quý trong đời sống siêu nhiên và tốt đẹp nhất. Mong lắm thay một thế hệ biết quên mình, một thế hệ biết chiếu tỏa niềm tin của mình vượt xa những giá trị thông thường. Đó là một kiểu chứng tá, là một cách thế công bố Tin Mừng, tuy thầm lặng nhưng rất mãnh liệt và vững chắc, không kém hiệu quả. Và không ai lại không biết giá trị nổi bật cao cả của một tác vụ thánh là việc dạy dỗ các trẻ em dân tộc thiểu số tại tu xá Mẹ Xin Vâng. Nhất là các em nghèo, khác màu da, khác ngôn ngữ nhưng nhờ được giáo dục các em như thế, những thành viên trong tu xá và các em có thể đạt đến sự sống đời đời.

Thực vậy, lúc thì ta dạy học, lúc thì ta truyền đạt lòng đạo và giáo lý Kitô giáo cho các em, để lo cho các em lành mạnh cả hồn lẫn xác. Đó là một cách thức ta thực hiện công việc mà các Thiên Thần bản mệnh của các em đang thực hiện. Đằng khác, tu xá sẽ giúp đỡ hết sức không những để can ngăn, không cho các em làm điều xấu, nhưng còn để lôi kéo và hướng dẫn các em nữ đến phòng hướng nghiệp học nghề. Các em sẽ thêu nên những tác phẩm đồng quê với những đàn chim tung bay trong gió, những lũy tre xanh đầu làng cùng những hình ảnh thân yêu của mẹ hiền đang tất bật sau một ngày dãi dầu mưa nắng trở về. Tuy chỉ với những đường kim mũi chỉ đơn sơ đó, nhưng gia đình các em rất vui khi thấy những tác phẩm của các em được hoàn thành. Cho dù các em có thuộc hoàn cảnh gia đình nào, tôn giáo nào đi nữa, nhờ sự giúp đỡ của tu xá, sự lôi kéo và thúc đẩy trên đây chắc chắn các em sẽ thay đổi và sống tốt hơn, các em sẽ trở thành những con người có giáo dục. Và rất có thể người khác nhìn vào sẽ không thể nhận ra là ngày xưa, khi mà các em chưa được giáo dục chu đáo thì các em sẽ như thế nào? Qủa thật, các em như những cành cây non, nếu được ai đó ra sức uốn nắn ngay từ nhỏ thì các em sẽ theo dễ dàng. Còn nếu cứ để các em lớn lên, chai lỳ trong cuộc sống, thì hẳn rằng hoặc sẽ rất khó hoặc sẽ không bao giờ còn hy vọng  giúp các em sửa mình được nũa.
Dành cho trẻ em, nhất là các em nghèo một nền giáo dục xứng hợp, điều đó không những góp phần nâng cao nhân cách của chính các em mà còn được mọi người trong cộn đồng nhân loại và trong Hội Thánh Chúa Kitô yêu mến. Các bậc phụ huynh thì rất vui mừng, vì nhờ đó mà con cái họ được dẫn dắt theo đường ngay nẻo chính. Các nhà lãnh đạo xã hội được thêm những người lương thiện và những công dân tốt. Nhất là Hội Thánh Chúa Kitô có thêm những người trưởng thành và đắc lực hơn, dấn thân theo lối sống đa diện của mình, đó chính là tình yêu và lòng thương xót của Chúa Ki tô đã tuôn đổ trào tràn xuống tu xá, để mỗi ngày có thêm nhiều người tin yêu Chúa và sống làm chứng cho Tin Mừng.
                                
 
114.864864865135.135135135250