27/03/2016 -

Tx Tu Tra

2307
Người tu sĩ sống tình huynh đệ - Tx Mẹ Xin Vâng

Người tu sĩ sống tình huynh đệ

 

 

Tu xá Mẹ Xin Vâng

 

“Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay,

chị em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1).

Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn năm 2015 là Năm Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Giáo Xứ và các Cộng Đoàn Tu Trì[1]. Quả thế, để sống sung mãn ơn gọi Kitô hữu, và một cách triệt để hơn, người tu sĩ được mời gọi trở nên "những chứng nhân cho Tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải trọn vẹn nơi Đức Kitô", không ngừng làm mới lại đời sống mình theo gương Đức Giêsu Kitô. Nhưng các tu sĩ- những người đi theo sát Đức Kitô, mỗi người không sống biệt lập nhưng theo nhóm, thuộc về một cộng đoàn, cùng chung sống và yêu thương nhau như là dòng chảy của sự sống để thực hiện lý tưởng hiến dâng cuộc đời cho một mình Thiên Chúa; đồng thời làm chứng cho thế giới về một cuộc sống hạnh phúc và vĩnh cửu.

Xác tín rằng: "Cộng đoàn là môi trường ưu tiên cho việc tăng trưởng và triển nở trong tình yêu[2]; đồng thời hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với mỗi cá nhân và chung nơi cộng đoàn các tu sĩ[3]: "Đánh thức” thế giới nhờ đời sống thánh hiến. Vì thế, chị em thuộc cộng đoàn Tutra muốn khai triển đề tài: “Người Tu Sĩ, Sống Tình Bác Ái Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn” như một học hỏi cụ thể và cũng là lời đáp trả về ân huệ lớn lao Chúa ban cho cộng đoàn trong Năm Đời Sống Thánh Hiến này.

 Công Đồng Vaticano II đã cho chúng ta thấy giá trị của đời sống cộng đoàn tu trì là một đại gia đình thực sự, được quy tụ lại để mọi người cùng nhau tôn vinh sự hiện diện của Thiên Chúa (x. PC 15). Vì thế, mỗi thành viên trong cộng đoàn được mời gọi trở nên con cái của Cha trên trời và là anh chị em với nhau trong cùng một lý tưởng, cùng một ơn gọi, một đặc sủng, cùng nhau ngợi khen tình thương yêu của Thiên Chúa qua các giờ kinh nguyện, thánh lễ, cùng chia sẻ bên nhau trong bàn tiệc Agapê và chung vai gánh vác những công việc hằng ngày. Vì thế tình huynh đệ trong cộng đoàn được hiểu như là một đời sống thiêng liêng và một dấu chỉ hùng hồn về sự hiệp thông trong Giáo Hội.

Các tu sĩ trong đại gia đình Đa Minh được mời gọi sống tình huynh đệ với nhau một cách đặc biệt, qua lời giáo huấn của Cha Thánh Tổ Phụ đối với các môn sinh về đời sống cộng đoàn được khởi đi từ việc noi gương nếp sống của các tín hữu đầu tiên: "Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung… Họ đồng tâm nhất trí ngày ngày chuyên cần đến đền thờ” (Cv 2,45-46). Được mời gọi đặt nền tảng trên cộng đoàn mẫu như thế, chắc chắn việc thực thi giới răn thứ hai sẽ trở nên dễ dàng và cụ thể hơn, bởi chính nơi mỗi người cũng cảm nghiệm được câu Thánh vịnh quen thuộc: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay chị em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 133,1). Như vậy, sống tình bác ái huynh đệ trong cộng đoàn tu trì phải được quy chiếu và cụ thể hóa trong chính nếp sống và sứ vụ của chị em mình đang sống cùng và sống với trong một cộng đoàn.

Ai trong chúng ta cũng nhận thấy hiệu quả lớn lao từ việc sống sung mãn đời sống đức ái trong cộng đoàn, hoa trái của đời sống “huynh đệ thanh khiết” rất phong phú. Một trong những thành quả dễ nhận thấy, trước hết khi các thành viên trong cộng đoàn chân thành yêu thương nhau là giúp cho mỗi người hoàn thiện con người của mình.

   1. Hoàn thiện bản thân

Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).

Người tu sĩ là người được mời gọi hoàn thiện chính con người của mình để theo sát Đức Kitô. Chính vì thế, Công Đồng Vaticano II đã khẳng định: “Theo Đức Kitô là để hoàn thiện chính con người của mình, muốn đạt được điều đó không gì khác hơn là mỗi người tu sĩ phải trở nên nhẹ nhàng và thanh thoát trước mặt Chúa và tha nhân trong cách đối nhân xử thế với anh chị em. Vì vậy, người tu sĩ là người luôn biết hướng đời mình đi theo đường lối của Thiên Chúa để thắng vượt được mọi cạm bẫy của trần gian nhất là mọi điều ngang trái trong cuộc sống hằng ngày” (LG số 29).

Đối với các tu sĩ, việc hoàn thiện mình không còn là lời khuyên nữa nhưng là một đòi buộc. Ở phương diện này, các nữ tu Đa Minh chúng ta có lẽ được mời gọi cách đặc biệt hơn nữa, bao lâu chúng ta còn muốn sống tinh thần của đấng sáng lập Dòng. Hoàn thiện mình tiên vàn khởi đi từ ơn Chúa. Bởi vậy chúng ta tìm thấy có sự tương đồng giữa lời huấn dụ của Cha Thánh Tổ Phụ về việc cầu nguyện: “Nói với Chúa và nói về Chúa” với nhịp sống huynh đệ trong cộng đoàn chúng ta. Một khi chúng ta sống theo "kinh nghiệm” đó và luôn biết gắn kết cuộc đời của mình trong tay Hội Dòng thì không có kẻ thù nào tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô được. Vì thế, yếu tố cần thiết khi hoàn thiện con người mình là phải có một đời sống hiệp thông với Thiên Chúa là Cha nhân từ, để Người biến đổi chúng ta thành sở hữu của Người, và ngược lại Thiên Chúa cũng là sở hữu của ta. Từ đó, ta có thể dễ dàng thưa lên rằng: “Lạy Chúa, từ nay con thuộc về Chúa và Chúa thuộc về con”. Cốt yếu của sự hoàn thiện đời chúng ta là ở đó. Sở dĩ chúng ta sống chan hòa được với chị em là trong ta đã có Chúa và mỗi người hành xử với nhau như Chúa đang hành xử với mình. Từ việc cộng tác với ơn Chúa và nỗ lực hoàn thiện bản thân chừng nào có thể, chúng ta sẽ cảm thấy dễ dàng hơn trong việc xây dựng tình bác ái huynh đệ đối với chị em. Một khi bản thân ta đã được "thăng tiến", nó sẽ có tác động đến việc hoàn thiện người khác. Như thế, tình huynh đệ ngày càng nhân rộng và có chiều sâu, bởi tất cả đều dựa trên lòng yêu mến thẳm sâu phát xuất từ trong tâm hồn.

    2. Huynh đệ được xây dựng trên lòng mến

“Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi” (Mc 12,28-31).

Lòng mến yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa như một lời đáp trả hay như một bản hòa tấu được ngân vang, vì chính Thiên Chúa luôn mong muốn chúng ta phải có lòng yêu mến Người bởi Người hằng yêu thương chúng ta và đã hiến ban cho chúng ta tất cả. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và chúng ta muốn đáp lại tình thương yêu ấy, điều đó cho chúng ta thấy nơi Thiên Chúa có cái gì đó luôn “công bằng” giữa sự “cho và nhận” trong tình yêu thương. Mà tình yêu Thiên Chúa được cụ thể hóa và kiểm chứng qua lòng yêu thương tha nhân. Chính vì thế, ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần nghe câu Kinh Thánh: “Muốn biết họ có kính mến Thiên Chúa hay không thì hãy coi họ có yêu thương anh em mình không” (x.1Ga 4,20). Kính mến Thiên Chúa thì quả là điều vượt quá sự hiểu biết của con người vì Người là Đấng siêu việt không ai nhìn thấy, còn yêu thương anh chị em sống với mình thì không lầm được. Chính vì thế nếu trong đời sống cộng đoàn mà tình yêu của chúng ta đủ lớn để yêu mến Chúa và yêu thương nhau thì chúng ta rất dễ dàng đón nhận những khó khăn gian khổ của nhau hay của cộng đoàn. Tình yêu sẽ che lấp hết mọi sự ngay cả những điều chưa hoàn thiện nơi cộng đoàn cũng như của cá nhân từng chị em của mình. Về điều này chúng ta được Thánh Phêrô khuyên nhủ: “Hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4,8). Một vị thánh nào đó đã phải thốt lên khi ngài đã cảm nghiệm được lòng mến của Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như là một trách nhiệm và một món nợ mà chính mỗi người chúng ta phải trả. Vì thế mà chúng ta đừng bao giờ nói: "Tôi sẽ sống cho Chúa Kitô nhưng không sống cho anh chị em tôi". Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận đã viết trong cuốn Đường Hy vọng rằng: “Nếu Thiên Chúa chỉ dạy ta mến Chúa thì hay quá nhưng Ngài thêm luật yêu người, cũng trọng bằng luật mến Chúa thì thực là vô cùng rắc rối, phức tạp cho nhiều người” (ĐHV số 775). Nếu trong lòng ta còn loại trừ chị em nào, đó là chúng ta đang sống trái ngược với Thiên Chúa vì Thiên Chúa luôn yêu thương hết mọi người, ngay cả những người lên án để tìm cách giết Chúa. Trên cây Thập giá, Đức Giêsu đã xin Chúa Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Thế nên, nếu mỗi người chúng ta thấy cần tha thiết xin cho mình có được một trái tim yêu mến Chúa thì cũng cần xin để có được trái tim biết yêu thương anh chị em của mình. Làm thế nào để trong cuộc sống đời thường lòng yêu mến của ta đối với Chúa như thế nào thì chính chúng ta cũng biết yêu thương anh chị em như vậy.

      3. Chia sẻ tình huynh đệ

Hoa quả của Thần Khí là: Bác ái, hoan lạc, bình an, hiền hòa, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, tiết độ” (Gl 5,22).

Thánh Phaolô trong lá thư gửi tín hữu Galat đã diễn tả cho chúng ta thấy tầm quan trọng của lòng bác ái yêu thương, sẽ giúp cho chúng ta sinh hoa kết trái tuyệt vời như câu Kinh Thánh trích dẫn trên đây. Và chúng ta cũng có thể nói với nhau rằng, hoa quả của Thần Khí cũng được coi như là phương thế giúp cho chúng ta chống lại 15 căn bệnh mà Đức Thánh Cha đã đưa ra. Hoa quả của Chúa Thánh Thần là sự tham dự vào sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa; vì thế, mỗi người đều phải cảm thấy mình có trách nhiệm duy trì và thăng tiến đời sống huynh đệ của cộng đoàn, đó là bằng chứng rõ nhất để chúng ta thuộc về Đức Kitô, Đấng đã chọn và kêu gọi chúng ta sống trong gia đình thiêng liêng do Ngài qui tụ. Không có lòng bác ái thì lòng tự kiêu tự đại sẽ len lỏi vào trong tâm hồn của chúng ta, và sự thù ghét ngày một gia tăng sẽ dẫn đến những rạn nứt trong đời sống của cộng đoàn. Hoa trái của lòng bác ái có thể giúp cho mỗi người chúng ta đón nhận như những quà tặng mà Chúa ban cho để chúng ta tiếp tục sống bên nhau và biết cùng nhau đối thoại để lắng nghe, cảm thông và tìm ra những hướng cần giải quyết các vấn đề đang xảy ra trong cộng đoàn. Còn nếu thiếu tình bác ái huynh đệ sẽ dẫn đến sự băng hoại, không thể nào lắng nghe nhau được; và cũng có thể do thiếu sự cảm thông, cho nên thay vì đối thoại thì dẫn đến tình trạng tranh đấu, ai cũng lo bảo vệ những pháo đài của riêng mình.

Có một câu chuyện kể rằng: Nơi một cộng đoàn kia chỉ có mấy chị em thôi, nhưng có một chị không thể sống hòa đồng được với các chị em nên lúc nào chị cũng cảm thấy mình lạc lõng trong cộng đoàn. Thời gian lặng lẽ trôi đi cho tới một ngày, chị có cảm giác không còn ai để ý tới mình nữa. Một đêm nọ, chị thức dậy vào nửa đêm và vào bếp lấy hai cái vung xoong gõ ầm ĩ để báo cho mọi người biết rằng chị vẫn còn hiện diện trong cộng đoàn để mọi người phải quan tâm để ý đến chị. Qua câu chuyện đó mỗi người chúng ta hãy đặt ra cho mình một câu hỏi: "Tôi đã làm gì cho anh chị em tôi ? Tôi đã đối xử như thế nào với anh chị em tôi ? Tôi phải sống như thế nào với anh chị em tôi và với cộng đoàn của tôi ?"... Bởi thực tế ngày hôm nay, có rất nhiều người chỉ biết đòi Hội Dòng hay cộng đoàn làm gì đó cho mình,  nhưng lại không nghĩ rằng mình đã làm được gì cho Hội Dòng hay cộng đoàn.

Sống trong một xã hội không ngừng phát triển như ngày hôm nay, nguy cơ giảm thiểu tình thương yêu nơi những người gần gũi nhất là điều đáng quan tâm. Người ta có nhiều phương tiện hiện đại để liên lạc với những người ở rất xa, nhưng lại không thể nào dùng những lời nói yêu thương để nói với những người sống ngay bên cạnh mình. Những người sống đời tu trì ít hay nhiều cũng sẽ sống theo kiểu đó nếu... Thiết nghĩ đó chính là lý do nảy sinh bao rắc rối trong cộng đoàn, vì ngay trong cộng đoàn thiếu vắng tình bác ái yêu thương. Cũng chỉ vì thiếu đi tình bác ái, tình yêu thương và tha thứ nên chúng ta thường nhắc lại những quá khứ của chị em để lên án hay chỉ trích. Mỗi khi mình nói ra những lời thiếu xây dựng thì mình có nghĩ đến tâm trạng của người chị em đó bị tổn thương như thế nào không, hay là mình chỉ nói cho hả giận. Hãy tự đặt mình vào hoàn cảnh của người khác khi nói điều này điều kia, rằng câu nói này nếu người khác dành cho tôi thì sẽ ra sao ? Cũng vậy, người chị em kia nghe được "lời không xây dựng” của tôi thì họ sẽ có tâm trạng như thế nào ? Hy vọng nơi Hội Dòng chúng ta không bao giờ xảy ra chuyện này.

Bác ái là phương thế giúp chúng ta duy trì sự thanh thản, bình an trong nội tâm; chính vì thế, ai có được một sự chan hòa tình bác ái cũng sẽ có một tâm hồn bình an thật sự. Ai cũng khao khát, tìm kiếm và nhìn nhận sự bình an hay an bình rất cần thiết cho mỗi con người, nhất là cho những ai đang sống trong đời dâng hiến. Bình an giúp kiềm chế được tất cả những gì đang và sẽ xảy đến với cuộc đời của chúng ta. Người có bình an thì dù xảy ra bất kỳ điều gì họ cũng bình tĩnh để giải quyết, và họ còn tìm thấy được ánh sáng của đức tin bằng chính niềm tin vào Chúa. Chính vì thế, khi người tu sĩ có được một tâm hồn bác ái cao thượng thì sẽ dễ dàng nhận ra đâu là thánh ý của Chúa trong cuộc đời họ, vì bất cứ điều gì xảy đến xem ra như là một sự tình cờ nhưng lại chẳng tình cờ chút nào. Chính vì thế, để sống trọn tình bác ái và yêu thương, đòi hỏi người tu sĩ phải biết hy sinh để thắng vượt được cái tôi nhỏ bé và mọn hèn của mình, nhờ đó biết tiếp nhận mọi người sống xung quanh, nhất là chính những chị em sống bên cạnh ta hàng ngày.

Để sống được như thế, người tu sĩ cũng cần phải bước ra khỏi con người của mình để bỏ đi những thói quen vô tình hay cố hữu của mình, hoặc những cái mình tưởng chừng như là đạo đức thánh thiện nhưng lại có thể là thứ làm phiền đến chị em khác. Vì thế mà ta thường hay nghe câu: “Một thánh hiển tu thì có mười người tử đạo”. Điều đó cho thấy nếu muốn diễn tả tình bác ái huynh đệ trong cộng đoàn một cách tuyệt vời nhất không gì khác hơn là phải biết hy sinh mạng sống mình vì người mình yêu, và xả thân gánh vác những buồn vui của cộng đoàn cũng như của từng chị em. Khi nào mỗi chúng ta sống được như vậy thì chúng ta mới đáp lại được đúng như lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô được nhắc đến trong lời kinh của Năm Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Cộng Đoàn Tu Trì: “Xin cho họ không ngừng đào sâu căn tính của mình, kiên tâm sống Đức ái trọn hảo qua đời sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, nên dấu chỉ rạng ngời của Nước Trời giữa thế gian… Xin Chúa cho đời sống cộng đoàn chúng con luôn bừng sáng vẻ đẹp và niềm vui Tin Mừng”. Có thể nói đây là lời kinh mà chúng ta đọc trong suốt năm nay để cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta - những người đang sống đời thánh hiến ngày một là mình hơn. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ chỉ đọc như một cái máy mà không sống, không suy nghĩ, hoặc là chúng ta đang xin cho ai đó sống chứ không phải chính chúng ta.

      4. Bác ái  suối nguồn yêu thương

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Lời mời gọi của Chúa Giêsu qua Tin Mừng của Thánh Gioan cũng là lời mời gọi mà chính Chúa mong muốn mỗi người tu sĩ chúng ta hãy sống và thực hành. Để chúng ta có thể sống tình bác ái huynh đệ được thì không gì khác hơn là chính chúng ta phải sống mối dây liên kết trọn lành với chính Đức Kitô qua các giới răn của Ngài, ngang qua chính cộng đoàn mình thuộc về, là nơi dễ dàng giúp cho mỗi người chúng ta diễn tả được tình yêu thương anh chị em nhất. Làm thế nào để trong cộng đoàn chúng ta đừng bao giờ sống tình bác ái huynh đệ theo hình thức, giả hình, giả bộ cho người ta thấy mình yêu thương nhau nhưng thực ra thì chẳng có chút nào cả. Để sống được tình Bác ái- suối nguồn yêu thương, trước hết chúng ta phải thực thi và sống lời mời gọi của Đức Giêsu: "Anh em hãy yêu thương nhau"; từ đó chúng ta mới có được đời sống chan hòa với hết mọi người, vì mỗi người chúng ta được mời gọi là để sống với người khác và sống cho người khác. Nhất là trong môi trường gia đình thiêng liêng như các Tu Viện thì chúng ta càng phải sống câu tục ngữ “chị ngã em nâng” một cách rốt ráo hơn bao giờ hết. Có như thế thì đời sống cộng đoàn mới diễn tả hết được cái hồn sống, mà Đấng thổi hồn vào cộng đoàn chính là Đức Kitô, và chính Ngài cũng chỉ thực sự hiện diện khi mỗi thành viên trong cộng đoàn biết thực thi thánh ý của Thiên Chúa qua tình bác ái huynh đệ.

      5. Sự cảm thông trong đời sống cộng đoàn

Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta sống chân tình và biết cảm thông cho nhau, xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau” (Pl 2,1-2).

Khi người tu sĩ sống mối tình tương thân tương ái trong cộng đoàn đòi buộc chính họ phải sống tích cực tinh thần bác ái yêu thương huynh đệ, vì mỗi thành viên đều là chi thể trong một thân thể duy nhất là chính Đức Kitô và cũng là chi thể duy nhất trong Hội Dòng, cộng đoàn. Vì thế không ai có thể thay thế ta được, ta không bước vào để sống cùng và sống với chị em thì Hội Dòng vẫn có thể hiện diện trên trần gian này. Thế nhưng, khi ta đã từ bỏ mọi sự để trở nên thành viên của Hội Dòng thì không ai có thể thay thế ta vì mãi mãi ta vẫn là chính ta, một hữu thể cá vị và tự do. Một khi chúng ta chọn theo lý tưởng của Hội Dòng, thì đây là gia đình của ta và dù sống, dù chết ta cũng ở trong vòng tay của Hội Dòng, của chị em để rồi khi ai đó hỏi ta "chị ở đâu ?” thì ta cũng có thể hân hoan nói cho mọi người biết: “tôi ở Hội Dòng Đa Minh Rosa Lima và gia đình tôi cũng là Hội Dòng Đa Minh Rosa Lima.”

Nếu mỗi người chúng ta sống được như vậy thì chúng ta dễ dàng cảm thông và bỏ qua cho nhau, dù người chị em đó có sai lầm đến thế nào đi nữa; trái lại, thì chuyện bé xé ra to, không có cũng tạo ra cho có. Nhìn vào thực tế của đời sống thì nơi Hội Dòng hay cộng đoàn vẫn còn rất nhiều vấn đề nan giải; vì thế mỗi người chúng ta hãy đón nhận và tha thứ cho nhau. Về phía cá nhân mỗi người hãy tự nhận ra được sự yếu đuối mỏng giòn nơi bản thân mình; nếu không, mình sẽ tự cho rằng mình làm được tất cả mà không cần đến ai hết.

Để sống được sự cảm thông, yêu thương trong đời sống của Hội Dòng hay cộng đoàn, trước hết khởi đầu một ngày mới ta phải biết dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, và biết mời Chúa đồng hành với từng người chúng ta qua mỗi công việc to nhỏ. Ta phải biết trao ban cho nhau những nụ cười chân thành nhất, bởi vì chính Đức Thánh Cha đã nói: “Ở đâu có các tu sĩ, thì có niềm vui”. Đức Thánh Cha lý giải nhận định đó như sau: "Chúng ta được kêu gọi để cảm nghiệm và tỏ ra rằng Thiên Chúa có thể làm tràn đầy con tim của chúng ta và làm cho chúng ta hạnh phúc, mà không cần tới việc đi tìm nơi khác, hạnh phúc của chúng ta là tình huynh đệ đích thực được sống trong cộng đoàn của chúng ta". Điều này thật hợp lý, vì dưới nhãn quan của những người sống tích cực, nhân gian xưa nay vẫn cho rằng: "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ". Có thể một nụ cười, một lời động viên hay một lời chia sẻ chân thành và cảm thông sẽ xua tan đi những buồn phiền, chán nản, mệt mỏi nơi chị em và ngược lại. Bên cạnh đó, ta cũng sống tinh thần lạc quan và phó thác tất cả tương lai Hội Dòng, cộng đoàn, và cá nhân cho sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa: Cái gì con người không làm được thì Chúa làm được.

Tóm kết

Đời sống tu trì là lời mời gọi dành cho những ai dám hiến thân mình cho tình yêu của Đức Giêsu Kitô để cùng nhau sống chung dưới một mái nhà, trở thành anh chị em với nhau và cùng nhau sống gắn bó yêu thương trong tình bác ái huynh đệ, nhất là giúp nhau thăng tiến về đời đời tinh thần cũng như thể lý để mọi người nhận ra được hình ảnh của Đức Kitô. Về mặt lý thuyết, ai trong chúng ta cũng hiểu và biết phải sống thế nào; nhưng khi bước vào thực tế của đời sống chung của chúng ta, còn đó biết bao phiền muộn và tiêu cực, bởi vì nhiều khi trong cách đối xử của chúng ta với anh chị em của mình còn tệ hơn những người ngoài đời. Vì thế đây là cơ hội mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta để chúng ta có thời gian nhìn lại mối tương quan của chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với nhau; nhờ đó mỗi người chúng ta sẽ là men, là muối để làm dậy lên sức sống mới mỗi ngày trong Hội Dòng và trong cộng đoàn.

Là thành viên trong Hội Dòng Đa Minh Rosa Lima, chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của Cha Thánh Tổ Phụ để noi gương ngài về tinh thần sống chung với nhau một cách hài hòa hơn nữa, giúp chúng ta dễ dàng quảng đại sống đời mình có mục đích, để biết sống với người khác, sống cho người khác và sống vì người khác. Để sống được như thế, thiết tưởng không có cách nào khác là mỗi người chúng ta phải biết hiểu nhau, lắng nghe nhau, đón nhận và cảm thông nhau. Để rồi chúng ta có thể dùng đức tin và lòng mến xây dựng Hội Dòng, cộng đoàn trong Thánh Ý của Thiên Chúa, ngõ hầu tất cả mọi người đều nhận ra được hình ảnh của Đức Kitô đang thực sự hiện diện trong Hội Dòng, trong cộng đoàn của chúng ta. Thiết nghĩ, đây cũng là lời đáp trả của chúng ta trong Năm Phúc Âm Hóa Đời Sống Các Cộng Đoàn Tu Trì mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề ra.

 

 

[1] Khai mạc 30/11/2014 và bế mạc ngày 2/2/2016.

[2]  Quirico T. Pedregosa - Tình yêu và sứ vụ, Anna Nguyễn Thị Ngọc Diệp chuyển dịch, Nxb Tôn giáo, 2012, tr.49.

[3]  Đức Thánh Cha đề nghị tu sĩ: “Kiến tạo niềm vui, và đem niềm vui đến cho mọi người, đánh thức thế giới, sống hiệp thông, đi khắp tứ phương thiên hạ, thỉnh thoảng tự vấn về điều mà Thiên Chúa và thế giới đang đòi hỏi chúng ta”.

114.864864865135.135135135250