Mùa Chay là thời gian ân sủng, là cơ hội để mỗi người Kitô hữu trở về với Thiên Chúa và anh chị em mình qua ba thực hành quan trọng: cầu nguyện, chay tịnh và bác ái. Trong đó, bác ái không chỉ là một nhân đức mà còn là dấu chỉ của một đức tin sống động, giúp ta nên giống Đức Kitô, Đấng đã yêu thương nhân loại đến tận cùng. Khi yêu thương và sẻ chia, ta không chỉ làm vơi đi nỗi khổ của tha nhân mà còn chạm đến chính trái tim Thiên Chúa.
Thực hành bác ái không hệ tại ở những việc lớn lao mà bắt đầu từ những điều đơn sơ trong cuộc sống hằng ngày. Chúa Giêsu đã khẳng định: "Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống dù chỉ một chén nước lã thôi vì người ấy là môn đệ Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy sẽ không mất phần thưởng đâu" (Mt 10,42). Một lời hỏi thăm chân thành, một cử chỉ cảm thông, một sự hy sinh âm thầm vì người khác – tất cả đều có giá trị trước mặt Chúa nếu được thực hiện với tình yêu.
Tuy nhiên, bác ái đích thực không dừng lại việc bố thí hay giúp đỡ về vật chất. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh: "Bác ái Kitô giáo không chỉ là bố thí, mà còn là sự chia sẻ sâu xa trong tình liên đới." Sống bác ái là dám bước vào thế giới của người khác, đồng cảm với những nỗi đau và mất mát của họ như chính mình đang chịu đựng. Khi gặp một người nghèo, ta không chỉ cho họ bánh mà còn trao gửi lòng tôn trọng và yêu thương. Khi đứng trước một người đau khổ, ta không chỉ an ủi bằng lời nói mà còn bằng chính sự hiện diện đầy tình người.
Sống bác ái cũng là một hành trình hoán cải. Thánh Phaolô từng nhắc nhở: "Nếu tôi phân phát tất cả gia tài của tôi để nuôi người nghèo, nếu tôi chịu nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì" (1Cr 13,3). Như vậy, thực hành bác ái không chỉ là cho đi, mà còn là biến đổi chính mình. Khi mở rộng con tim để yêu thương, chính ta cũng được chữa lành và đổi mới. Bác ái giúp ta thoát khỏi cái tôi ích kỷ, vượt ra khỏi những lo toan nhỏ nhen để sống một cuộc đời ý nghĩa hơn.
Mùa Chay mời gọi ta thực hành bác ái qua nhiều cách thức cụ thể. Trước hết, đó là bác ái bằng sự phục vụ, khi ta dành thời gian để lắng nghe, thăm hỏi và giúp đỡ những người đang gặp khó khăn trong gia đình, giáo xứ và cộng đồng. Kế đến, bác ái thể hiện qua sự tha thứ, khi ta biết buông bỏ những oán hận, chủ động hòa giải với những người mình từng mâu thuẫn, vì không có tình yêu nào lớn hơn sự tha thứ. Ngoài ra, bác ái còn được thể hiện qua sự chia sẻ vật chất; khi ta biết sống tinh thần tiết chế, giảm bớt nhu cầu cá nhân để san sẻ với những người kém may mắn. Và sau cùng, bác ái còn có thể thực hành qua lời cầu nguyện, khi ta dâng lên Chúa những lời nguyện cho người đau khổ, người bị bỏ rơi, những linh hồn nơi luyện ngục và cả những người làm tổn thương ta.
Chúa Giêsu đã yêu thương nhân loại bằng một tình yêu tự hiến, Ngài đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, đã trao ban chính thân mình trên thập giá để cứu chuộc con người. Khi thực hành bác ái, ta cũng đang bước theo con đường của Ngài, một con đường của yêu thương và trao ban nhưng không. Mùa Chay không chỉ là thời gian ăn năn sám hối, mà còn là cơ hội để ta trở nên giống Chúa hơn qua tình yêu dành cho tha nhân.
Ước mong rằng, mỗi người chúng ta biết mở rộng tâm hồn để yêu thương, biết lặng thầm phục vụ, biết trao ban không tính toán. Bởi vì, như Chúa Giêsu đã phán: Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta" (Mt 25,35-40). Khi yêu thương tha nhân, chính là lúc ta đang yêu mến Chúa. Và đó cũng chính là con đường dẫn ta đến với Ngài.