Giữa những khắc khoải của cuộc sống, tôi lại ngước nhìn lên Thánh Giá. Không phải bằng đôi mắt của lý trí đơn thuần, cũng không bằng cặp mắt thắc mắc của một nhà nghiên cứu, mà là ánh nhìn của một con tim tan vỡ đi tìm ý nghĩa nơi đau khổ và tình yêu.
Tôi thấy một Đấng Bị Đóng Đinh
Trên Thánh Giá, tôi không thấy một anh hùng chiến thắng hay một đấng siêu phàm vinh quang. Tôi thấy một con người – mảnh khảnh, đẫm máu, bị sỉ nhục và bị bỏ rơi. Một Đấng đã yêu cho đến tận cùng, và bị từ chối cũng tận cùng. Trong đôi mắt đã nhắm lại ấy, tôi thấy bóng dáng của nhân loại: lầm lỡ, ích kỷ, phản bội. Và tôi cũng thấy chính tôi trong Phêrô chối Thầy, trong Giuđa phản bội, trong đám đông từng tung hô rồi quay lưng. Và tôi cũng thấy chính tôi- một người có thể dễ dàng rao giảng về tình yêu, nhưng lại khó khăn khi sống và thực hành điều mình rao giảng.
Tôi thấy nơi Thập Giá một Thiên Chúa chạm đến tận cùng nỗi đau nhân loại.
Con Thiên Chúa không đứng xa để an ủi hay ban phép lạ từ trời cao mà chọn bước xuống, đi vào và cư ngụ trong chính nơi đau khổ nhất của người, đó là: cái chết, sự cô đơn, sự bị khước từ.
Đấng Vô Hạn đã tự nguyện giới hạn mình trong xác phàm yếu đuối. Đấng Hằng Hữu đã chấp nhận sự tạm bợ của thân xác loài người. Khi bị đóng đinh trên Thánh Giá, Chúa Giêsu không chỉ trải nghiệm nỗi đau về thể xác, mà còn cảm nhận được sự trống vắng của tâm hồn, như tiếng kêu thảm thiết vang lên: “Lạy Thiên Chúa tôi, sao Ngài bỏ con?”.
Khi chiêm ngắm Thánh Giá tôi hiểu rằng: không có nỗi đau nào của con người lại nằm ngoài trái tim Thiên Chúa. Dù bạn đang phải trải qua điều gì; bệnh tật, mất mát, bị xúc phạm hay tổn thương thì vẫn có một Thiên Chúa đã từng chịu những điều ấy, và đang ở đó với bạn. Ngài không hứa sẽ loại trừ đau khổ, nhưng Ngài hứa sẽ không để tôi bước qua đau khổ một mình.
Tôi thấy trong Thập Giá một lời mời gọi.
"Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo." Thập Giá không phải để chiêm ngắm trong xa cách mà là để vác lấy trong đời sống. Cây Thánh Giá không phải là một vật trang trí nơi nhà thờ mà là lối sống được ghi khắc trong tim người Kitô hữu. Khi nhìn lên Thánh Giá, tôi được mời gọi không chỉ tin vào Đức Kitô, mà sống như Đức Kitô; yêu thương, tha thứ, khiêm hạ, hiến thân.
Khi nhìn lên Thánh Giá, tôi cũng được đánh động, được kêu gọi, được biến đổi. Và tôi nhận ra: cây Thập Giá không chỉ là ký ức của một ngày xưa trên đồi Canvê. Nó là hiện tại, là ánh sáng cho bóng tối hôm nay, là lời đáp cho những khổ đau chưa được lý giải, là nhịp đập của một Thiên Chúa vẫn đang yêu, và vẫn đang chờ đợi câu trả lời từ chính mỗi chúng ta.
Tôi thấy hy vọng nơi thất bại, sự sống nơi cái chết.
Thập Giá là một nghịch lý. Đó là nơi tưởng chừng như cái ác đã chiến thắng, chân lý bị bóp nghẹt, và sự thiện bị đóng đinh. Ai nhìn vào Thập Giá bằng con mắt trần thế đều thấy đó là một thất bại, một kết thúc đau thương. Nhưng chính tại nơi tưởng như thất bại ấy, tình yêu đã chiến thắng. Chúa Giêsu đã biến cây Thập Giá, một công cụ hành hình trở thành biểu tượng của ơn cứu độ.
Cây Thánh Giá dựng đứng trên đồi Canvê là một minh chứng rằng: tình yêu sẽ không bao giờ bị đánh bại. Một tình yêu dám tha thứ giữa phản bội, dám yêu khi bị từ chối, và dám trung thành đến tận cùng…đó là sức mạnh làm đảo ngược mọi logic của thế gian.
Bước theo Chúa Giêsu trong hành trình Thập Giá là chấp nhận mất mát, từ bỏ, chịu thử thách… nhưng không phải trong vô nghĩa, mà với niềm hy vọng rằng: nơi nào có tình yêu, nơi đó sẽ có sự sống đâm chồi.
Khi nhìn lên Thánh Giá, tôi trở thành người được đánh động, được kêu gọi, được biến đổi. Và tôi nhận ra: cây Thập Giá không chỉ là ký ức của một ngày xưa trên đồi Canvê. Nó là hiện tại, là ánh sáng cho bóng tối hôm nay, là lời đáp cho những khổ đau chưa được lý giải, là nhịp đập của một Thiên Chúa vẫn đang yêu, và vẫn đang chờ đợi câu trả lời từ chính mỗi chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu chịu đóng đinh, xin cho ánh mắt con khi nhìn lên Thánh Giá, không chỉ dừng lại ở nỗi đau nhưng vươn tới tình yêu. Không chỉ chiêm ngắm nhưng dám bước vào con đường của Thập Giá – để rồi cũng được phục sinh cùng Ngài.
Sương Đêm