Chị Thùy Trâm kính mến?

     Sẽ chẳng thể một lần trực tiếp gặp gỡ, chuyện trò, sẽ thật là mơ hồ khi hy vọng chị sẽ đọc lá thư mà em muốn gửi đến chị. Vì chị và những bạn cùng thời với chị chẳng còn ai. Giọt nước mắt tiễn đưa người ra chiến trường đã kết thúc, hòa bình là những cảm nhận mà em đang được sống và sống cùng với mọi người. Đó hẳn là điều mà trước đây chị hằng khao khát khi phục vụ trong vùng bị chiến. Nhìn thấy chị đang chung chia khó nhọc, khổ đau cùng đồng loại, em không thể cầm được nước mắt. Em thiết nghĩ nếu mình sống trong thời của chị em sẽ thế nào?

      “Anh đi anh nhớ quê nhà

        Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”

     Em đã rất thích câu thơ đó và em nghĩ rằng ai có đi xa mới hiểu mới đồng cảm được với cái nỗi nhớ đơn sơ và giản dị ấy, nhưng luôn chan chứa, tràn đầy tình yêu thương.

     Em thấy mình giống chị hay có thể giống với tất cả những người đi xa, đó là luôn lưu luyến, nhìn những giây phút chị binj rịn khi chia tay với mẹ, chợt em hồi tưởng lại cái khoảng lặng khi em rời xa gia đình, để vào miền nam, tiếp tục theo đuổi lí tưởng sống của mình. Nhưng cái so sánh giữa em với chị lại có quá nhiều điểm khác nhau phải không chị? Bởi những bước chân ra đi của chị sẽ chẳng có bảo đảm cho những bước chân quay về, còn em thì hoàn toàn tự do và tin vào bình an.Chị đi mà chẳng thể hứa hẹn hay chắc chắn điều gì, còn em thì nói với bố mẹ rằng: “Có gì thì tết hay hè con về rồi sẽ làm tiếp…” Niềm tin và hy vọng nơi chị có, em cũng có nhưng có lẽ em sẽ dễ dàng thực hiện được mà chị thì là cả một thách đố. Khao khát sống trong hạnh phúc với chị cũng chẳng dễ dàng vì với chị mọi người có an toàn, có sống tốt, thì chị mới thấy đó là hạnh phúc, còn em hiện tại em có khả năng tự tạo, tự chọn cho mình quyền hạnh phúc.

      Chị Thùy Trâm mến! Cầm súng ra trận hay làm công tác phục vụ nơi lửa đạn tàn khốc, đau có gì khác nhay phải không chị? Nó đều là những đớn đau, chết chóc, đó là một nỗi khổ mà chẳng ai có thể trốn chạy hay chọn lựa khác được, ấy thế mà em thấy thật lạ lùng, chị vẫn tươi vui, mét mặt chị luôn rạng rỡ, bình an, ánh mắt chị luôn chất chứa niềm ước mong và hi vọng một nền hòa bình. Em hỏi mình, nếu biết mình sẽ chết trong phút chốc, hay nay mai thôi. Liệu mình còn trông ngóng, mong chờ những lời hứa hẹn, hay cống hiến tất cả cho cộng đồng không?

  Sự từ bỏ đã khó rồi, nhưng trao dâng những điều mà mình yêu quý càng khó hơn phải không chị? Chị à, em muốn chia sẻ với chị, vì em tin chị sẽ có sự đồng cảm phần nào, cùng chung một

Nỗi niềm xa xứ mà. Em cũng nói lời tạm biệt với bố mẹ, với anh chị em, với quê hương để đi xa, để sống và gắn bó với những con người mới mà em chưa một lần làm quen, để dần dần, họ trở thành gia đình, mái ấm thứ hai của em, thế nhưng sau tất cả những giai đoạn như vậy, lại có những khi em dừng lại suy nghĩ, chẳng dễ dàng chút nào để em có thể làm được tất cả, coi mọi người như ruột thịt, máu mủ với mình. Ôi! Chị ơi đó là cả một sự từ bỏ lớn lao, là cả một quá trình hy sinh từng giây phút. Nhưng em đã bật khóc vì xấu hổ khi nhìn những cử chỉ, hành động mà chị đã làm cho những người chiến sĩ bị thương, tuy chẳng có cơ hội hỏi han, trò chuyện, vậy mà chị đã làm tất cả những gì có thể làm, để cùng chịu đau, cùng đón niềm vui với họ, và cứu mạng sống của họ.

       Chị mến! Một chút tương đồng về hoàn cảnh giữa em với chị, đã tạo cho em một sự tin tưởng để được bộ bạch như vậy đó. Từ quý mến đến ngưỡng mộ và sau thì thực sự rất cảm phục nơi tình người mà chị đã sống. Sự can đảm mà chị đã đối diện, niềm lạc quan nơi tinh thần, ý chí vững vàng cùng niềm tin, chẳng gì có thể thay đổi hay nhạt nhòa trong chị.

       Người ta nói, mỗi thời mỗi khác, điều đó không sai. Nhưng sẽ chẳng ai có thể biến một cái cây rồi thành một con bò, hay một quả bom nguyên tử được, vì từ bản chất nó là cái cây rồi. Cũng thế, chính nơi chị và những con người sống thời của chị đã trở thành  một nền tảng, một kho tàng, một gương sống về lòng dũng cảm, về tinh thần bất khuất, tạo dựng lên những con người ý chí, những nhà lãnh đạo công tâm thời nay đấy. Chị biết không? em cũng ước ao được sống sao cho đúng nghĩa là một con người, con người thực sự biết đón nhận và biết cho đi với trọn cả tấm lòng, sự chân thành, cùng niềm tin và hy vọng mà mình đang theo, đang sống.

     Mong sao, em biết dành hết tình yêu và trao tặng tình yêu ấy, cho tất cả mọi người, theo lối đi của chị. “Yêu là tạo hạnh phúc cho người khác như là hạnh phúc của chính mình”. (Leibnitz)