Khi đến Salinas từ quê hương Ý trong nhiều năm trước, cha Antonio Polo không chỉ ấn tượng bởi vẻ đẹp của phong cảnh mà còn bởi điều kiện sống của người dân nơi đây. Đường sá thô sơ, không điện, mọi người làm việc cực nhọc trong các mỏ muối.
Cha Antonio rất xúc động khi thấy các mỏ muối. Thực tế, phía sau những ngọn núi muối tỏa sáng như những nhà thờ trắng là những ngày làm việc kiệt sức của người lao động. Với mong muốn giúp cộng đồng tự quản nguồn lực và thoát khỏi công việc nặng nhọc đó, cha Antonio cho rằng cần phải đa dạng hóa sinh kế. Cha nhớ lại: “Tôi không muốn họ phụ thuộc vào lòng thương hại, mà phải tìm cách tự quản. Vì vậy, chỉ làm muối là chưa đủ, và tôi đã nghĩ đến phô mai”.
Đó chính là khởi đầu của sáng kiến “Queso Salinerito”. Với dự án này cha Antonio Polo khuyến khích những người nông dân địa phương sản xuất pho mai. Khí hậu thuận lợi, đàn gia súc và đôi bàn tay khéo léo của người dân đã tạo nên sự kết hợp hoàn hảo để sản xuất loại phô mai này, và được bán trên thị trường Ecuador suốt năm mươi năm qua.
Salinerito đã trở thành một thương hiệu được công nhận rộng rãi trên toàn quốc, với hệ thống phân phối ở các cửa hàng tại những thành phố lớn của Ecuador.
Hiện nay, vùng Salinas không chỉ bán phô mai mà còn sản xuất và kinh doanh sôcôla, mỹ phẩm thiên nhiên cùng nhiều sản phẩm địa phương khác. Cộng đoàn San Miguel de Cañitas, thuộc giáo xứ Salinas, tích cực tham gia vào những sáng kiến này. Nhờ sự hỗ trợ của các tình nguyện viên quốc tế và dòng Salêdiêng, họ đang từng bước đấu tranh chống đói nghèo và sự thiệt thòi.
Mặc dù đã có những tiến bộ, cộng đồng vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cha Jaime Chela, người đã làm việc cùng cha Antonio nhiều năm, cho biết: “Việc tiếp cận các cộng đồng này rất phức tạp và không có dịch vụ xe buýt. Đặc biệt trong mùa mưa, khi nước sông tràn bờ, việc di chuyển vô cùng khó khăn”. Tuy nhiên, ngài cũng nói thêm rằng: “Giữa họ có một tinh thần hợp tác mạnh mẽ và mong muốn giúp đỡ những người nghèo khó hơn”.
Theo cha Antonio, San Miguel de Cañitas trước đây không có “một nơi xứng đáng để cử hành các bí tích. Chúng tôi gặp nhau trong một phòng của trường học”. Từ lâu, người dân ở đây luôn ước mơ có một nhà nguyện riêng và họ đã hứa sẽ giúp đỡ trong việc xây dựng. Vì lý do đó, Tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ hiện đang tài trợ xây dựng một nhà nguyện cho cộng đồng này, bao gồm 70 gia đình, nhiều người trong số họ là người bản địa.
Cha Antonio khẳng định: “Thúc đẩy công tác mục vụ của Giáo hội tại nơi đây có thể ảnh hưởng tích cực đến các cộng đồng khác, khuyến khích họ hoạt động và lan tỏa đức tin trong khu vực”.
Cha Antonio giải thích tầm quan trọng của việc kết hợp giữa phát triển tâm linh và nhân văn: “Có ba loại bánh mà tôi cho là thiết yếu: bánh Lời Chúa và loan báo Tin Mừng, bánh Thánh Thể và bánh để ăn, bánh nuôi dưỡng mỗi ngày. Nếu không có bánh, giới trẻ sẽ bỏ đi. Nếu chúng ta không cung cấp việc làm cho họ, chúng ta cũng mất cơ hội để cung cấp loại ‘bánh’ khác, ngay cả với những người cảm nhận được ơn gọi. Không có việc làm, không có cuộc sống".
Hiện nay, cùng với các tu sĩ Salêdiêng khác cha Antonio đang phát triển một chủ đề khác, đó là công cuộc loan báo Tin Mừng qua kỹ thuật số. Cha khẳng định: “Ngày nay, thông tin đến từ mọi nơi và thông điệp đức tin là một ánh sáng sáng rực mà chúng tôi muốn nuôi dưỡng. Công tác loan báo Tin Mừng qua kỹ thuật số mang đến cho chúng tôi niềm hy vọng lớn. Đó là chìa khóa”.
Cụ thể, Thánh lễ được truyền trên Facebook, thành lập các đội hợp xướng người bản địa để phục hồi tiếng Quechua, ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, và qua đó giúp họ học hỏi và bảo tồn ngôn ngữ của chính mình.
Cha Antonio kết luận: “Đã 54 năm kể từ khi tôi được gọi đến sứ vụ này: thời gian của tôi đã qua rồi. Suy nghĩ về tương lai khiến tôi cảm thấy tràn đầy sức lực, đầy lòng biết ơn về tất cả sự hỗ trợ đã giúp ngài tiếp tục công việc của tôi trong cộng đồng”.
Nguồn: Vatican News