Cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta bước vào Tuần Thánh bằng một khung cảnh thật sống động: Đức Giêsu tiến vào thành Giêrusalem giữa tiếng tung hô vang dậy. Người ta trải áo xuống đường, cầm cành lá giơ cao trong tay reo vang: “Hoan hô Con Vua Đavít!” Một cảnh tượng rực rỡ, náo nhiệt, đầy hy vọng, như thể một vị Vua chiến thắng đang khải hoàn tiến về ngai vàng. Hoà trong những hình ảnh náo động ấy, có hai hình ảnh nhỏ bé tưởng chừng mờ nhạt nhưng lại chất chứa những sứ điệp thiêng liêng sâu xa: chiếc lálừa con.

Lá – biểu tượng của chiến thắng, của niềm vui và hy vọng – lại cũng phơi bày rõ nét sự mong manh, bốc đồng của lòng người. Vì chỉ vài ngày sau khi giương cao cành lá để tung hô Đức Giêsu, chính những con người ấy lại quay lưng, buông lời kết án: “Đóng đinh nó vào thập giá!”

Lá là biểu tượng của chiến thắng, của niềm vui và hy vọng nhưng cũng phơi bày sự mong manh, bốc đồng của con người. Vì chỉ vài ngày sau khi giương cao cành lá để tung hô Đức Giêsu, chính những con người ấy lại quay lưng, buông lời kết án: “Đóng đinh nó vào thập giá!” Chiếc lá vì thế trở thành biểu tượng cho một niềm tin dễ lay động: yêu khi thấy có lợi, tin khi thấy phép lạ, tung hô khi cảm xúc dâng trào. Chiếc lá đẹp nhưng chóng tàn. Nó reo vui trong giây phút, nhưng không đủ sức để ở lại trong đêm tối vườn Cây Dầu hay dưới chân thập giá.

Bao lần đời sống đức tin của chúng ta cũng giống như chiếc lá ấy? Khi mọi thứ xuôi chèo mát mái, ta dễ dàng hát lên những lời cảm tạ, dễ dàng sống theo lời Chúa. Nhưng khi đối mặt với thử thách, khi những điều không như ý xảy đến, niềm tin của ta lại chao đảo, hoang mang, và đôi khi ta muốn quay lưng lại với tất cả.

Trái ngược với sự rực rỡ nhất thời của chiếc lá là hình ảnh khiêm tốn, âm thầm của con lừa. Trong mắt người đời, lừa không sang trọng, không mạnh mẽ, chỉ là con vật chậm chạp, chuyên chở và phục dịch. Nhưng chính con lừa ấy lại trở nên bạn đồng hành trung tín của Đấng Cứu Thế trong ngày Ngài bắt đầu bước vào cuộc Thương Khó. Nó không nói, không khoe, không cự nự. Nó chỉ âm thầm cúi đầu, cõng lấy Chúa, đưa Ngài đi qua đám đông xôn xao để tiến vào mầu nhiệm cứu độ. Hình ảnh con lừa mời gọi chúng ta nhìn lại chính mình: tôi có sẵn lòng để Chúa dùng tôi như khí cụ nhỏ bé của Ngài? Tôi có dám sống khiêm nhường, lặng lẽ phục vụ, hay tôi vẫn tìm kiếm vinh quang, địa vị, lời khen ngợi?

Chiếc lá và con lừa, gợi lên hai cách sống đức tin. Một bên là sự hời hợt, nông cạn, sống bằng cảm xúc, dễ dãi. Một bên là sự bền bỉ, khiêm tốn, và phó thác. Một bên là đám đông chỉ biết tung hô khi thuận tiện. Một bên là con đường thập giá âm thầm nhưng dẫn đến sự sống đời đời. Ở giữa hai hình ảnh ấy là Đức Giêsu, Đấng đã chấp nhận thập giá để cứu độ nhân loại. Chính Ngài là điểm tựa giúp ta nhận ra mình đang sống đức tin theo cách nào, và mời gọi ta hoán cải để trở nên khí cụ tình yêu trong tay Thiên Chúa.

Lễ Lá là khởi đầu của hành trình Thập Giá. Là Kitô hữu, ta không chỉ đến để vẫy lá và tung hô trong thoáng chốc, nhưng được mời gọi bước đi với Chúa trên con đường của khiêm hạ và yêu thương. Ở đó, không cần những chiếc lá chóng tàn, mà cần những tâm hồn kiên vững, vâng phục và âm thầm cõng lấy tình yêu như con lừa nhỏ.

Ngày xưa con cũng như ai,
Tung hô rồi cũng nhạt phai ân tình.
Chúa đi giữa cõi vô minh,
Con quên lời hứa, quên tình thuở xưa.

Lá này chẳng đủ che mưa,
Cũng không ngăn được gió lùa đắng cay.
Nhưng là chút tấm lòng này,
Xin dâng lên Chúa giữa ngày dở dang.

Ngài là Đấng mãi vẹn toàn,
Qua đường thập giá huy hoàng phục sinh.
Con như chiếc lá bạc tình,
Nguyện theo chân Chúa thắm tình thủy chung.


Nhóm suy niệm