Một gia đình chỉ có ba người nhưng chẳng bao giờ đầy đủ cả ba. Đó có lẽ là hình ảnh đầu tiên mà chúng ta mường tượng ra mỗi khi nghe bài dụ ngôn “người cha nhân hậu”. Thế nhưng, đâu đó giữa những bi kịch của câu chuyện, có một nét đẹp rất cao vời của tình yêu thương mà người cha dành cho những người con. Cha thương yêu các con, chiều theo tự do và ý muốn của các con, chờ đợi con, tha thứ cho con, đón nhận con, và “năn nỉ” con vào nhà với cha. Tất cả vẻ đẹp ấy nơi bài dụ ngôn vĩ đại của Tin Mừng Luca hôm nay mang đến cho chúng ta những bài học sâu sắc và vượt thời gian, đặc biệt là trong bối cảnh đời sống đức tin của chúng ta ngày nay.


Hình ảnh người cha nhân hậu là biểu trưng cho Thiên Chúa. Nơi Ngài có một tấm lòng thương xót vô bờ bến dành cho con người. Quả thế, hành trình của dân Israel từ hoang địa đến Đất Hứa kinh qua những cuộc thăng trầm của thử thách lỗi lầm và bất trung, nhưng Thiên Chúa vẫn tỏ bày lòng thương xót đối với dân Người (Gs 5, 9a. 10-12). Hơn nữa, hành động cao cả nhất Lòng thương xót ấy chính là việc Thiên Chúa đã hòa giải thế gian với chính Người nhờ Đức Kitô. Đúng như Thánh Phaolô đã nhấn mạnh rằng, nhờ Đức Kitô, chúng ta đã được hòa giải với Thiên Chúa. Sự hòa giải này dựa trên lòng tha thứ của Thiên Chúa đối với những tội lỗi của chúng ta (2 Cr 5, 17-21). Chúng ta, những người tin vào Đức Kitô, được mời gọi trở thành "tạo vật mới" nhờ sống một cuộc đời hòa giải và yêu thương. Và trong dụ “ngôn người cha nhân hậu”, khi cha dang rộng vòng tay đón nhận người con trở về, đó chính là lúc đỉnh cao của bản tình ca lòng thương xót được trổi vang lên.


Chạm đến những khía cạnh cốt lõi của phận người như khát vọng tự do, sự nổi loạn, nỗi đau của sự lạc lối, lòng hối hận, và trên hết, tình yêu thương vô điều kiện; bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta lắng nghe bài ca lòng thương xót, để nhận ra những "nốt nhạc" lạc điệu trong cuộc đời mình. Nhận thức rằng chúng ta không hoàn hảo và đối diện với sự yếu đuối của chính mình là bước đầu của cuộc hoán cải. Quả vậy, người con thứ trong dụ ngôn không chỉ là thay đổi hành vi bên ngoài, nhưng đã biến đổi sâu sắc trong tâm hồn. Sau khi phung phí hết gia tài và rơi vào cảnh đói khát, người con thứ nhận ra sự ngu dại của mình. Đứng trước tình trạng khốn cùng, anh nhớ đến sự ấm áp và tình yêu thương của cha. Anh ta quyết định trở về nhà chỉ để xin được đón nhận như một người làm công, Quyết định này thể hiện sự khiêm tốn, lòng sám hối chân thành, và nhen nhóm nơi tâm hồn anh một niềm hy vọng sâu xa vào ơn tha thứ của cha. Và rõ ràng, niềm hy vọng vào cha không làm anh ta thất vọng! Cha đã cho anh nhiều hơn bất cứ thứ gì anh dám mơ hay nghĩ tới: đó là phẩm vị làm con, đó là quyền thừa kế, đó là tình yêu thương chưa bao giờ vơi cạn của cha…


Có hay không ta đã từng tự hỏi, liệu mình có được đón nhận không? Khi hoán cải trở về, ai trong chúng ta cũng cảm thấy mình bất xứng để có thể được người khác chấp nhận và bỏ qua cho ta những lỗi lầm ta đã phạm. Thế nhưng, không ít lần Chúa cho ta thấy rằng ta được chào đón để trở về với Ngài bất cứ khi nào và từ trong bất cứ tình trạng nào của linh hồn ta. Về với Chúa để thỏa nỗi khát khao được yêu thương và chấp nhận, về với Chúa để được Ngài yêu thương và chữa lành, về với Chúa để sống đúng phẩm vị tuyệt vời là được làm con Chúa, về với Chúa để có khả năng yêu thương và đón nhận người khác như chính mình đã được Chúa yêu thương và cưu mang. Về với Chúa thôi! Hy vọng vào Ngài thôi!


Giữa những đam mê và tội lỗi, giữa những ghét ghen và hận thù, giữa bao yếu đuối và hư hao… Lời Chúa hôm nay khơi dậy trong chúng ta niềm thao thức. Ước gì chúng ta biết mở lòng ra với Chúa bằng cách dành thời gian để cầu nguyện và suy ngẫm về tình yêu của Ngài, chia sẻ với Ngài những nỗi đau hay những khát vọng, và tin tưởng rằng Ngài luôn lắng nghe và yêu thương chúng ta. Ước gì chúng ta biết đón nhận tình yêu của Chúa, để chúng ta không sợ hãi hay xấu hổ khi đến với Ngài, để tin tưởng rằng Ngài luôn sẵn sàng tha thứ và để tình yêu của Ngài chữa lành những vết thương lòng chúng ta. Ước gì chúng ta biết xót thương và đón nhận người khác như chính Chúa, để đặt mình vào vị trí của người khác, cảm nhận những gì họ đang trải qua và tìm cách giúp đỡ, an ủi họ. Cuộc sống này sẽ thêm phần ý nghĩa khi chúng ta lữ hành bên nhau, cùng nhau hướng về nhà cha yêu thương là Thiên Chúa. Nơi đó, Chúa vẫn kiên nhẫn đợi chờ chúng ta trở về.

Nhóm suy niệm