Thay đổi hay hư mất

Mt 21, 28-32

 

1.      Ngữ cảnh

Đức Giêsu long trọng lên Giêrusalem với tư các là Đấng Messia, để hoàn tất sứ mạng cuối cùng của Ngài, trong bối cảnh này Ngài đặt thính giả trong sự lựa chọn dứt khoát: hoặc là nhận ra và tin vào Ngài để được sống, hoặc không tin thì sẽ đi vào cõi diệt vong. Trong bối cảnh này Mt đặt ba dụ ngôn tiếp nối nhau: “Hai người con”; “Những tá điền sát nhân” và “Tiệc cưới”. Qua đó Ngài giới thiệu về Nước Trời để cho con người lựa chọn; dân được ưu đãi mà không đón nhận, Nước Trời sẽ được ban cho người khác. Dụ ngôn hôm nay nằm ở giữa bộ ba, đó là dụ ngôn “Hai người con” (Mt 21, 28-32).

 

2.      Nội dung

Đức Giêsu mở đầu dụ ngôn bằng câu hỏi: các ông nghĩ sao…? Đó là câu hỏi dành cho các Thượng tế và Kỳ mục, là những người có thể giá, am hiểu Kinh Thánh nhưng lại chống đối Đức Giêsu cùng tự cho mình là “công chính” và loại trừ những người “tội lỗi”.

Một lần nữa Đức Giê-su nói về vườn nho. Phần mở đầu gần giống dụ ngôn “người cha nhân hậu” đó là cả hai cùng giới thiệu: Người kia có 2 con trai. Hai người con này là do chính ông sinh ra, ông yêu thương và chăm sóc, cùng mong con được hưởng trọn vẹn gia tài của cha, nhưng các con của ông có quyền lựa chọn nhận hay không. Còn cha thì cho con điều tốt nhất đó là sự sống.

Người cha nói với đứa con cả: này con, hôm nay con đi làm vườn nho cho cha. Nó trả lời ngay: con không muốn đâu! Động từ “làm” được nói lần đầu tiên trong sách St 1, 26.28; nghĩa là Thiên Chúa ban cho Ađam quyền cai quản khu vườn để làm chủ vũ trụ, canh tác đất đai và mang hoa lợi cho con người. Theo truyền thống Dothái, động từ này vừa nói đến việc trồng trọt, canh tác đất đai vừa có nghĩa là việc thờ phượng. Việc tôn thờ được đặt để trong tâm hồn chúng ta, đời sống của ta trở thành khu vườn  thiêng liêng nơi đó chúng ta tôn thờ Thiên Chúa, đó là việc cầu nguyện và thờ phượng. Những người con này có nhiệm vụ vừa làm cho khu vườn nên tươi tốt, sinh hoa trái vừa có tâm tình tôn thờ Thiên Chúa (người cha) như ý Người mong muốn.

Thái độ của hai người con:

-          Người con Cả: khi nghe cha đề nghị đi làm vườn nho, anh nói: con không muốn đâu!  Lời nói cứng cỏi, dứt khoát, nhưng hành động ngược lại. Trước đó từ chối không đi làm nhưng sau hối hận nên lại đi (c. 27); ở đây Mt sử dụng động từ hối hận chứ không phải là hoán cải; nghĩa là anh xắp xếp lại những giá trị của cuộc sống, nói chính xác là chọn lựa lại điều cần quan tâm nhất; trước đó anh có quá nhiều lo lắng, bận tâm, anh bị bao vây bởi thế giới vật chất của đời tạm này, đó chính là mối lo lắng mà Lc nói: chị lo lắng bối rối về nhiều chuyện, chỉ có một chuyện cần mà thôi…(Lc 10, 41);  bây giờ anh mới biết đặt ưu tiên: trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn những thứ khác Người sẽ ban cho sau (Mt 6,33). Chỉ có một điều lo lắng đó là tìm kiếm nước Thiên Chúa. Cuối cùng anh khám phá ra điều đầu tiên phải tìm và chiếm cho được đó là Nước Trời, chính vì thế mà anh đã đi làm theo ý của cha anh. 

-          Người con Thứ: không lo lắng về điều gì nên trả lời ngay lập tức không cần suy nghĩ: vâng thưa ngài! nhưng sau đó anh không đi làm như cha truyền. Anh không làm điều xấu, nhưng cũng chẳng làm gì; anh này phạm thứ tội bàng quang, không quan tâm đến điều tốt phải làm. Không làm điều xấu là đáng khen nhưng chưa đủ, cần phải hăng say làm điều tốt, nếu không, sẽ là người mà Tv lên án: Thánh chỉ của Ta sao ngươi thường nhắc nhở, mở miệng ra là chữ thánh ước trên môi, nhưng chính ngươi lại ghét điều Ta sửa dạy, lời Ta truyền đem vất bỏ sau lưng (Tv50, 16-17). Các ngôn sứ cũng lên án những người chỉ có nói mà không làm. Không được ích gì nếu chỉ có lời nói: con yêu mến Chúa! Phải nghe lời Chúa và thực hành những gì đã được học từ nơi Ngài (x. Ed 16, 45-50).

 Vâng thưa ngài! lời nói vừa lịch thiệp vừa khả ái, đó là lời cầu nguyện rất đẹp, nhưng anh ta chỉ nói mà không thể hiện tình yêu mến bằng hành động; anh chỉ yêu mến Chúa trên môi miệng, nhưng thực tế lòng anh không hề gắn bó với Ngài, do đó anh không đi làm theo lời truyền. Cho hay: nói yêu Chúa mà không thể hiện bằng việc làm, điều đó chẳng có giá trị gì nếu không nói là giả dối, vì không phải những kẻ nói: lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời mà là những người làm theo ý Chúa Cha mới được vào mà thôi (Mt 7, 21).

Câu kết của ông chủ không đúng như điều người ta mong đợi: Những người thu thuế và đĩ điếm vào nước thiên đàng trước các ông vì khi Gioan Tẩy giả đến chỉ đường công chính thì họ đã tin và hoán cải. Hai loại người này thuộc hàng “tội lỗi hạng nặng”, nói đến tên họ đã là điều ô nhục chứ chưa cần biết đến cuộc sống của họ ra sao, vậy mà Chúa lại đưa ra để làm ví dụ cho những người “công chính, đạo đức”. Khi Gioan kêu gọi sám hối, những người tội lỗi đã nghe, thay đổi đời sống của chính họ, làm việc bác ái với tha nhân và trả lẽ công bằng cho người đã bị thiệt hại. Họ chiếm được Nước Trời không phải vì cuộc sống bê tha của họ, nhưng vì họ đã yêu mến nhiều nên được tha thứ nhiều, nói đúng hơn sau khi được tha thứ, họ đã đáp lại bằng việc yêu mến nhiều. (x. Lc 7, 37.47).

Ông Gioan đến để chỉ đường công chính, nghĩa là thi hành và giảng dạy điều Chúa muốn,  nhờ đó người ta được nên công chính,  vậy sau khi nghe thì điều quan trọng làm làm theo ý Chúa.

Ngoài ý nghĩa mà Đức Giêsu nói để ám chỉ các Thượng tế và Kỳ mục; một số Giáo phụ còn có cách áp dụng khác: người con cả tượng trưng cho dân ngoại, ban đầu không biết, không nghe được lời Chúa nói qua lương tâm, nhưng sau khi nghe, biết thì đã tin Lời Chúa và gia nhập Hội Thánh. Còn người con thứ tiêu biểu cho dân Dothai, sau khi đã thề hứa giữ giao ước qua luật Môsê, nhưng lại từ khước Chúa Kito nên không được hưởng gia tài đã dành cho họ.

 

3.      Gợi ý suy niệm

-          Thiên Chúa luôn mời gọi và chờ đợi con người hoán cải. Những người tội lỗi không bao giờ được thất vọng về quá khứ của mình vì: Chúa không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống (x. Ed 18, 23). Quá khứ của chúng ta như thế nào không quan trọng, điều cần thiết là hiện tại, một khi đã nghe được lời kêu gọi sám hối, chúng ta phải thực tâm quay về với Chúa và hòa giải với người anh chị em.

-          Chúa không chấp nhận việc ca tụng, tôn kính Ngài chỉ trên môi miệng, nhưng phải có cái tâm thực và việc làm để chứng tỏ lòng tin, tình mến. Xin Chúa giúp chúng ta thực hành điều Ngài dạy.

-          Đừng nhân danh tôn giáo hay bất cứ hành vi đạo đức nào để kết án người khác, cũng đừng đặt dấu chấm hết cho người còn đang sống. Dù là người xấu thế nào cũng có cơ hội biến đổi, hoặc dù tốt đến đâu cũng có nguy cơ sa sút. Điều quan trọng là mỗi ngày nhận ra ý Chúa, cùng tha thứ, thông cảm và giúp nhau thăng tiến trong cuộc sống.

Nt. Catarina Thùy Dung