Chúa nhật 12 thường niên-C
Ngày 19-06-2016
Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống
Lc 9, 18-24
1.Ngữ cảnh
Luca đặt câu nguyện hôm nay ngay sau phép lạ hóa bánh ra nhiều, cho thấy dấu chỉ thời Đấng Messia, nên hôm nay Chúa mới hỏi các môn đệ về chính Ngài, đồng thời cho các môn đệ hiểu hơn về mầu nhiệm chính Chúa và sứ mạng của Ngài. Luca không nói Chúa Giêsu đang ở đâu xét về mặt địa lý, chỉ biết lúc đó có các môn đệ đang ở với Người. Riêng Mt và Mc nói Chúa đang ở gần thành Xêdarê Philiphê (cách hồ Galilê khoảng 50 km về phía Bắc), tại đây Phêrô tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (x. Mt 17, 19t).
Điều thứ hai khác với các Tin Mừng khác là Lc không nói đến việc Phêrô can ngăn Chúa mà nói rằng: các ông không hiểu lời Đức Giêsu nói, vì tất cả còn là bí ẩn đối với các ông.
Người ta bảo Thầy là ai? Câu hỏi Chúa đặt ra cho các môn đệ ở đây cũng là câu hỏi mà Hêrôđê đặt ra trong Lc 9,9. Vậy câu trả lời là gì?
2.Nội dung
Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Việc cầu nguyện đối với Lc luôn luôn là quan trọng, là lúc ngài gặp gỡ riêng với Chúa Cha. Hôm nay, trước khi Phêrô tuyên xưng đức tin và trước khi vén mở mầu nhiệm thập giá, Đức Giêsu cầu nguyện, chỉ có việc cầu nguyện mới giữ vững cho đức tin của các tông đồ. Hôm nay Chúa đặt cho các môn đệ hai câu hỏi:
Dân chúng nói Thầy là ai? Đặt câu hỏi về “thẻ căn cước” để mỗi người (hay nhóm) trả lời:
- Có người nói: ông Gioan tẩy giả. Hêrôđê cũng nghe điều này nên ông khẳng định: ông Gioan chính ta đã chém đầu rồi, vậy ông này là ai? (Lc 9,9). Tại sao người ta lại nghĩ Đức Giêsu là ông Gioan? Vì cả hai đều làm phép rửa; vì là “ngôn sứ”, vì là “người của Thiên Chúa”...
- Người khác: ông Elia, đây là ngôn sứ có thế giá trong Cựu Ước; theo niềm tin bình dân, người ta cho rằng ông này không chết, ông được nhắc lên trời và sẽ trở lại trong ngày chung thẩm, vì ông được coi là vị tiền hô của Đấng Messia, ông sẽ tái lâm trong ngày của Đức Chúa như lời ngôn sứ Malakhi: Này Ta sai ngôn sứ Elia đến với các ngươi, trước khi ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại kinh hoàng (Ml 3, 23). Và hôm nay dân chúng coi Đức Giêsu chính là Elia trở lại.
- Nhóm khác: một trong các ngôn sứ thời xưa sống lại. Các vị này là những người đã tin Thiên Chúa, coi như các ông đã không chết, được Thiên Chúa đem đi và sẽ trở lại như: Khanoc (Hr 11,5); Elia (2 V 2 11); hay Môsê (Gđ 9).
Dân chúng đã lầm lẫn giữa những giả thuyết này về Đấng Messia và đem gán cho Chúa Giêsu. Mặc dù Ngài cũng có những điểm tương đồng với các vị trên, nhưng Ngài không phải là một trong những người đó. Vì vậy Chúa muốn trắc nghiệm các môn đệ để xem các ông “biết” gì về Ngài.
Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Là ai xem ra thì dễ trả lời nhưng lại rất khó, vì sau khi thăm dò ý kiến của “người ta”, giờ Chúa hỏi trực tiếp các môn đệ “anh em”, mỗi người phải có câu trả lời của chính mình, không có kiểu nói chung chung hay dựa vào dư luận. Chúa muốn các môn đệ phải xác tín điều các ông cảm nghiệm chứ không chỉ nói theo “trào lưu”. Ông Phêrô tuyên xưng:
Thầy là Đấng Kitô: đây là danh hiệu đã được khẳng định ngay từ đầu Tin Mừng (Lc 2, 11), vậy đó không phải là điều mới lạ, tuy nhiên sau khi Phêrô tuyên xưng, Chúa cấm ông không được nói với ai, vì người ta hiểu sai vai trò “Kitô” của Người. “Kitô” hay “người được xức dầu” theo nghĩa Do Thái, là người của Thiên Chúa sai đến, thuộc dòng tộc Đavit, đến để “khôi phục vương quốc Israel” (x. Lc 2, 26). Hiện giờ người ta vẫn quan niệm Chúa là người đến giải phóng dân tộc đang trong ách nô lệ ngoại bang là người La Mã đang cai trị; người ta hiểu vai trò của Chúa hoàn toàn theo nghĩa chính trị và Chúa thì có sứ mạng khác, đó là hiến mình chết trên thập giá. Ngay cả Phêrô khi tuyên xưng điều rất đúng đắn này thì chưa chắc ông đã hiểu đúng vai trò của Đức Giêsu. Để loại bỏ những quan niệm sai lầm về “Đấng Messia” thì ngay khi Phêrô tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô, Chúa cho biết điều Ngài phải thi hành:
Con Người phải chịu nhiều đau khổ: Chúa cho thấy sự nghịch lý của thập giá, để được vinh quang phải qua đau khổ. “Con Người chịu đau khổ” gợi lại hình ảnh người tôi tớ đau khổ trong Isaia. Vị ngôn sứ huyền bí mà Thiên Chúa gọi là “tôi tớ của Ngài”, người này hiến dâng mạng sống mình để chu toàn thánh ý Thiên Chúa nhờ sự đau khổ của mình: Chính người đã mang lấy những đau khổ vì chúng ta...Đức Chúa đã muốn người bị nghiền nát vì đau khổ...nhờ người, ý muốn của Thiên Chúa được thành tựu (Is 53, 4.10). Trong cả Cựu Ước chỉ có đoạn này nói về việc hiến tế một con người để làm của lễ đền tội, và việc hiến tế này có giá trị cứu độ vì làm theo thánh ý Chúa; ngoài ra việc hiến tế con người đều bị cấm và coi là ghê tởm. Vậy đoạn văn này có nghĩa đặc biệt, vì nhờ hy tế đó mà Sion được an ủi, được kết hợp với Thiên Chúa qua giao ước. Danh xưng “người tôi tớ” là tước hiệu được đặt cho người được Thiên Chúa gọi, để cộng tác vào chương trình của Chúa. Cựu Ước đã loan báo và Tân Ước đã hoàn trọn lời loan báo đó, cụ thể nơi Đức Giêsu, người sẽ:
Bị các kỳ mục, thượng tế và kinh sư loại bỏ: đây là ba hạng người là thành phần chủ yếu trong thượng hội đồng, có thẩm quyền trong việc kết án tử hình cho Chúa. Con người sẽ giết hại vị Cứu Tinh của họ, nhưng:
Thiên Chúa làm cho Người trỗi dậy. Hạn từ “trỗi dậy” được sử dụng nhiều lần để nói về sự phục sinh. Hành trình theo Chúa phải trải qua các giai đoạn: khổ nạn, phục sinh và vinh quang. Sau khi nói những điều này, Chúa cho biết điều kiện để được chung hưởng hạnh phúc với Chúa.
Ai muốn theo Ta phải:
*Chối bỏ chính mình: chọn thái độ sống vì người khác. Bỏ mình để sống cho Chúa và cho tha nhân. Không lấy ý mình mà lấy ý Chúa làm trọng tâm và nhằm mưu ích cho người khác.
*Vác thập giá hằng ngày mà theo. Chẳng có ai trong chúng ta vác thập giá ngoài Chúa Giêsu, vậy sao Chúa nói ta vác thập giá? “Vác thập giá” là:
- Làm theo điều mà Chúa đã làm: chịu đau khổ vì yêu thương người khác.
- Trở thành môn đệ: như ông Simon được “đặt” thập giá lên vai, vác đi ”sau” Người. Bước đi sau là trở thành môn đệ, bước theo gót chân Thầy đã đi trước. Vác thập giá của chính mình hằng ngày mà bước đi theo Thầy là không đánh giá mình dựa trên những lợi danh trần thế mà là chọn lựa sống như Chúa.
- Trở thành những chứng nhân tử đạo: nếu hoàn cảnh đòi buộc phải chứng minh chúng ta thuộc về Đức Kitô, thì người Kitô hữu chấp nhận tử đạo để minh chứng cho đức tin của họ.
- Sẵn sàng chịu chống đối và thù nghịch trong cuộc sống hằng ngày, khi ta muốn sống đúng với Tin Mừng của Chúa.
3.Suy niệm
- Cầu nguyện: là đề tài mà Luca muốn nhấn mạnh, hôm nay Chúa cũng làm việc đó trước khi Ngài tỏ ra việc Ngài sắp làm cho các môn đệ, đó là loan báo khổ nạn và phục sinh. Chúa cầu nguyện liên lỷ, đặc biệt những việc quan trọng hay khó khăn. Đó là mẫu gương cho chúng ta, để làm việc này việc nọ, trước hết chúng ta cần cầu nguyện.
- Thầy là Đức Kitô: ai cũng có thể tuyên xưng như vậy, ngay cả ma quỷ cũng làm được chuyện này, nhưng Chúa muốn hỏi cụ thể mỗi người chúng ta: chính con, con bảo Ta là ai? Có thể lấy câu trả lời của Phêrô, nhưng Chúa muốn mỗi người có câu trả lời của riêng mình bằng sự trải nghiệm với Chúa. Chúa là người Bạn luôn hiện diện, lắng nghe, thấu cảm, tha thứ và ngay cả khiển trách, nhưng đầy lòng nhân từ, tha thứ. Chúa là người Cha luôn chờ mong con ở lại trong tình thương mến của Người... Điều quan trọng không phải là tuyên xưng mà là cảm nghiệm và sống với Chúa. Ước mong điều chúng ta tuyên xưng cũng là điều chúng ta xác tín bằng kinh nghiệm riêng.
- Ai muốn theo Ta phải bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo: sự từ bỏ sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không là bỏ mình vác thập giá rồi theo Chúa. Chúng ta than phiền cuộc sống nhiều bất trắc, đau khổ, không theo ý của ta, nhưng có biết đâu rằng đó là điều kiện để theo Chúa. Vác thập giá của chính mình và vác hằng ngày. Thập giá đó có thể đến từ chính mình, từ hoàn cảnh hay từ người khác, điều quan trọng là vác nó với thái độ như thế nào. Khi chúng ta đón nhận tất cả trong niềm tin yêu và phó thác, trong sự hy sinh và tháp nhập vào mầu nhiệm khổ nạn của Chúa, điều đó mới có giá trị.
Nt. Catarina Thùy Dung