Chúa nhật 16 TN-C

Ngày 17-07-2016

Điều cần thiết nhất

Lc 10, 38-42

        1.      Ngữ cảnh

Đức Giêsu và các môn đệ đang đi đường và vào một làng kia. Lc không nói rõ làng nào, nhưng theo Ga 11, 1 và 12,1 thì hai chị em này ở làng Bêtania, nằm trên sườn núi phía Đông, cách Giêrusalem chừng ba cây số, đã một vài lần Chúa và các đồ đệ đến nơi này. Chắc là Lc biết rõ địa danh này, nhưng không nêu vì Đức Giêsu đang trên đường đi Giêrusalem, những việc Ngài làm bây giờ còn liên quan đến “Galilê” nhiều hơn Giêrusalem. Hơn nữa, theo cách sắp xếp hành trình của Chúa Giêsu; thì mãi đến chương 19, 28 Ngài mới đến Thành Thánh, và đó là nơi quan trọng mà Chúa hoàn tất chương trình cứu độ của Ngài. Vậy có thể Lc không muốn nêu nơi Chúa đang ở, để dành địa danh quan trọng (Giêrusalem) vào thời điểm quan trọng (khổ nạn và phục sinh).

           2.      Nội dung

Hai chị em Matta và Maria: Lc không kể gia đình có thêm ai, nhưng chắc chắn gia đình đó còn người em là Lazarô mà sau này chết và Chúa cho sống lại mà Gioan kể nhiều về sự kiện này (Ga 11, 1-44). Nơi đây Lc chỉ muốn tập trung vào hai người phụ nữ, mỗi người có tính cách khác nhau và đều được Chúa quan tâm, nhưng cũng chỉ ra điều quan trọng nhất cần làm. Phân tích tính cách của hai chị em để thấy được gương mặt của người môn đệ theo “tiêu chuẩn” của Chúa.

Khi đọc bài Tin Mừng này, người ta thường chia ra hai lối sống: cô Matta tượng trưng cho đời hoạt động, cô Maria tượng trưng cho đời sống chiêm niệm, nhưng điều đó “gò ép” bản văn, bởi Lc không nhắm điều này. Ta cùng tìm hiểu xem đâu là điều tác giả nhắm đến.

          Cô Maria

Điều cần xác định là không phải cô Maria Magdala trong 8,2. Cô ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Ngài, đó là thái độ của người môn đệ, như Phaolô được hưởng nền giáo dục từ một thầy Do Thái: dưới chân ông Gamalien tôi đã được giáo dục để giữ luật cha ông một cách nghiêm ngặt (Cv 22, 3). Thái độ của người lắng nghe, suy niệm như Tv nói: con vui thú với mệnh lệnh Ngài và hết lòng yêu mến...thánh chỉ Ngài con sẽ gẫm suy (Tv 119, 47-48).

Điều đặc biệt khi nói thái độ của cô Maria, có thể ngược với quan niệm thời đó, trong truyền thống Dothai, chỉ có nam giới mới được giảng dạy và huấn thị, còn người phụ nữ không có quyền này. Nhưng Đức Giêsu nơi Luca đặc biệt lưu tâm đến phụ nữ và cho họ quyền “bình đẳng”. Nơi đây cô Maria ngồi dưới chân Chúa và nghe lời Người, nghĩa là cô trở thành môn đệ của Chúa và cũng có sứ mạng giảng dạy (loan báo Tin Mừng). Điều này gợi lại sách Châm Ngôn: nàng khôn ngoan trong lời ăn tiếng nói, và dịu hiền khi dạy dỗ bảo ban (Cn 31, 26).

         Cô Matta

Cô có nhiều việc phải lo lắng, nghĩa là xáo trộn, mất trật tự, sự ồn ào, làm nhiều thứ một lúc. Cô làm nhiều việc, nhưng việc cô làm lại không cần thiết cho khách (Chúa) và cho cô. Bài đọc một nói về tổ phụ Abraham, mau mắn đón tiếp người của Thiên Chúa. Khi khách đến nhà, ông đã chạy và làm cho cả nhà cùng chạy: ông chạy ra đón khách...ông vội vã vào lều và nói với Sara: bà mau  mau lấy ba thúng bột mà làm bánh...ông chạy ra đàn vật bắt con bê và giao cho đầy tớ...(St 18, 1-8). Abraham rất đôn hậu và nhanh nhẹn với khách, thái độ nói lên ông là người hiếu khách, đón tiếp với tất cả tấm lòng và sau đó được chúc phúc.

Matta hôm nay cũng có thái độ giống Abraham, trước hết cô: đón khách vào nhà (Abraham cũng đón những người của Thiên Chúa vào lều), sau đó cô tất bật lo việc phục vụ (Abraham đã làm như vậy). việc tất bật phục vụ là điều tốt vì dấu chỉ là người hiếu khách, nhưng vì quá tất bật về việc phục vụ mà quên hỏi han, chăm sóc khách và nhất là xem họ  muốn gì.

Hơn nữa thái độ của Matta có lẽ không phù hợp lúc này, khi cô lên tiếng nói với Chúa:

-  Em con để con phục vụ một mình. Cô lấy mình làm gương mẫu để muốn người em cũng phải làm theo. Chúa đang ở đó, Ngài mới là mẫu mực để tuyên dương chứ sao lại là cô?

-  Thầy không để ý tới sao? Cô đang trách Chúa không quan sát, không thấu hiểu cô muốn gì mà đáp ứng.

-  Xin thầy bảo nó giúp con một tay. Cô đã gợi ý cho Chúa để Chúa biết cách “hành xử”với hai chị em. Dường như vừa nhắc Chúa (Thầy bảo nó), cô vừa thấy nơi mình thiếu điều gì đó nên mới cần “giúp con một tay”.

Matta vừa can thiệp  mạnh mẽ, cách nào đó ép Chúa phải làm theo lời yêu cầu của mình; đồng thời cô cũng thấy mình đang bất lực trước những việc đang diễn ra nên mới cần được giúp đỡ. Vậy cô chưa nhận ra và chưa chọn lựa điều cần thiết  nhất, nhưng trong cô đã gợi lên sự thiếu thốn nào đó.

Có sự tương phản nơi chính một con người:

-       Cô phục vụ nhiều thứ, nhưng lại chỉ có một mình

-       Cô muốn Chúa chia sẻ cùng một cái nhìn với cô: con phục vụ một mình, nhưng Chúa lại có ý nghĩ khác: con lo lắng nhiều chuyện quá.

-       Cô làm điều cô muốn cho khách, nhưng lại quên điều khách muốn

-       Cô làm nhiều điều nhưng không cần, chỉ một điều cần nhất mà thôi.

     Đức Giêsu

Không trách Matta, chỉ nói cho cô, để xem lại điều cô nghĩ là tốt vậy có tốt cho người khách không? Cô nghĩ là cần, nhưng có cần cho khách không? Điều cô muốn, nhưng khách có muốn không? Chúa muốn dạy:

-  Matta “ồn ào” quá vì những việc phục vụ bên ngoài, mà không để lòng tĩnh lặng mà lắng nghe tiếng Chúa.

-  Việc phục vụ rất tốt, nhưng không thể áp đặt ý mình trên ý Chúa và không được phép “điều khiển Chúa” (xin Thầy bảo nó giúp con!). Tuy nhiên cũng có thể hiểu là cô cần sự trợ giúp của Chúa, nhưng phải biết cần như thế nào?

-  Không lấy mình làm trung tâm mà phán đoán kẻ khác (em con để con phục vụ), sự tự hào của con người trước mặt Chúa luôn là điều Chúa không ưng nhận vì: Chúa hạ bệ những ai quyền thế mà nâng cao  mọi kẻ khiêm nhường.

-  Đừng làm nhiều việc không cần, chỉ làm một việc cần nhất mà thôi. Chúa không tính số lượng, mà chú ý đến điều trọng yếu. Vậy đó là điều gì?

Chỉ có  một điều cần thiết mà thôi, có thể hiểu:

-  Cô Matta đang chuẩn bị bữa ăn, vậy chỉ cần một món ăn thôi, không cần nhiều để bận rộn và trách móc người khác.

-  Nhưng quan trọng hơn “một món”, mà là “một điều” là phần tốt nhất, đó là nghe lời Chúa, phần tốt này không ai lấy mất được. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và mọi sự khác Người sẽ ban cho sau.

-  Chúa đến nhà hai chị em không phải để được phục vụ (vì Chúa đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống), nhưng Ngài đến để được lắng nghe. Chúa muốn trao ban chứ không muốn lãnh nhận. Chúa muốn tâm hồn tĩnh lặng để nghe lời Ngài, từ đó mới biết Ngài muốn gì mà thi hành.  

-  Dụ ngôn người gieo giống hỗ trợ để hiểu câu này. Nếu lo lắng nhiều điều sẽ không làm cho lời Chúa sinh hoa kết trái (x. Lc 8, 14).

           3.      Suy niệm

-  Ngồi dưới chân và nghe lời Chúa: thái độ vâng phục, lắng nghe của Maria được Chúa đề cao, vì chọn một điều cần là ở lại và lắng nghe lời Chúa. Mỗi ngày chúng ta hãy xét lại xem chúng ta chọn Chúa, chọn ở lại với Ngài hay chọn công việc của Ngài? Việc của Chúa là rất tốt, nhưng nếu chỉ làm công việc của Chúa, thì đó cũng chỉ là một tổ chức bác ái. Vậy trước tiên hãy lắng nghe lời Chúa để từ đó làm những việc của Ngài và làm điều Ngài muốn.

-  Cô Matta cần Chúa giúp, cần em của cô giúp. Cho hay: mỗi người đều cần sự trợ giúp từ nơi Chúa hay nơi người khác. Nếu ta cần người khác thì bản thân chúng ta phải tập sẵn sàng giúp đỡ tha nhân. Xin Chúa cho đôi chân của chúng ta nhanh nhẹn bước tới với người đồng loại, cho đôi tay của chúng ta giang ra và sẵn sàng chia sẻ với tha nhân; cho trái tim của ta rộng đủ để đón nhận người khác.

Nt. Catarina Thùy Dung