Dopamine hay còn gọi là “hormone hạnh phúc” hoặc “chất dẫn truyền thần kinh của phần thưởng” là một chất do não bộ tiết ra khi con người trải nghiệm những điều tích cực như hoàn thành một công việc, được công nhận, hoặc thậm chí chỉ là khi thưởng thức một món ăn ưa thích. Nó tạo ra cảm giác thỏa mãn, hứng khởi và động lực để tiếp tục hành động.

Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã mở rộng hiểu biết về vai trò của dopamine. Theo công trình của Giáo sư Kelly Lambert (Neuroscience, University of Richmond), dopamine không chỉ được kích hoạt bởi phần thưởng mang tính cá nhân, mà còn phát sinh mạnh mẽ khi con người tham gia vào những hành vi có tính “xã hội hóa tích cực” như giúp đỡ người khác, gắn kết cộng đồng, hay đơn giản là có mặt và lắng nghe ai đó.

Một nghiên cứu khác từ Đại học Harvard cũng khẳng định rằng những người thường xuyên thực hiện các hành động tử tế không chỉ có mức dopamine cao hơn, mà còn giảm cortisol (hormone gây căng thẳng). Khoa học ngày nay đang góp phần chứng minh một chân lý cổ xưa: sống vì tha nhân không làm cạn kiệt năng lượng sống, mà trái lại, chính là con đường hồi sinh nội tâm bền vững.

Niềm vui như một ơn ban

Trong ánh sáng đức tin, “niềm vui” không đơn thuần là một trạng thái cảm xúc, mà còn là hoa trái của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và dấn thân phục vụ tha nhân. Thánh Phaolô đã khuyên nhủ: “Mỗi người đừng tìm lợi ích riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4), và cũng chính ngài mời gọi: “Hãy vui luôn trong Chúa” (Pl 4,4). Niềm vui ấy không tách biệt khỏi đời sống cộng đoàn, trái lại, nó đâm rễ sâu nơi tương quan huynh đệ.

Trong Sách Công vụ Tông đồ, thánh Phaolô nhắc lại lời của Chúa Giêsu: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Phúc ấy không chỉ là phần thưởng mai hậu, mà còn là niềm hoan lạc sâu xa được cảm nếm ngay trong hiện tại, một dạng “dopamine thiêng liêng” mà Thiên Chúa ban cho tâm hồn biết sống vì người khác.

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông huấn Evangelii Gaudium, đã xác tín: “Tôi không nghĩ rằng người ta sẽ thực sự tận hưởng cuộc sống nếu chỉ sống cho mình. Niềm vui đích thực chỉ phát sinh khi người ta biết mở lòng, chia sẻ và phục vụ” (EG 9). Chúa Giêsu cũng “tạo ra dopamine” theo cách ấy. Ngài vui khi thấy người ta được chữa lành. Ngài hạnh phúc khi người phụ nữ đụng vào gấu áo Ngài mà được cứu. Ngài cảm thấy “no đủ” khi làm tròn thánh ý Cha.

Dopamine và những hạnh phúc bé nhỏ thường ngày

Nếu dopamine theo khoa học là chất dẫn truyền tạo ra cảm giác hạnh phúc và động lực sống tốt, thì trong đời sống cộng đoàn, nó cũng, nó cũng hiện diện một cách âm thầm nhưng mạnh mẽ qua từng cử chỉ yêu thương nhỏ bé, chính là những “liều thuốc tinh thần” được trao đi mỗi ngày.

Hãy thử nhớ lại những khoảnh khắc giản dị mà sâu sắc:

  • Khi một chị lặng lẽ dọn phần ăn tối cho bạn vì bạn về trễ;
  • Khi cánh cổng được mở sẵn vì ai đó biết bạn sẽ về muộn;
  • Khi có người lắng nghe bạn giữa những giằng xé nội tâm;
  • Hoặc đơn giản là một nụ cười dịu dàng vào cuối ngày làm việc mỏi mệt.

Đó chính là những “liều thuốc” tinh thần làm tăng dopamine trong tâm hồn, mang lại cảm giác ấm áp và hạnh phúc thật sự. Và chính những điều nhỏ bé ấy làm nên sức mạnh cho cả một cộng đoàn, nơi mỗi người được nâng đỡ, đồng hành và yêu thương. Thực tế, trong đời sống cộng đoàn, có những lúc mệt mỏi, hiểu lầm hay tổn thương là điều khó tránh. Nhưng điều giữ cho cộng đoàn tiếp tục bước đi không phải là sự hoàn hảo, mà là sự chọn lựa mỗi ngày: chọn kiên nhẫn thay vì gay gắt, chọn để ý thay vì vô tâm, chọn lại gần thay vì xa cách. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu gọi đó là “con đường thơ ấu thiêng liêng”. Trong linh đạo Đa Minh, tinh thần “hiệp thông huynh đệ trong chân lý” được xạy dựng trên nền tảng vững chắc của đức ái được tôi luyện trong đời sống chung.

Công đoàn hạnh phúc không phải là nơi không có khuyết điểm, mà là nơi mỗi thành viên kiên trì chọn yêu thương qua những điều nhỏ bé thường ngày. Và như vậy, dopamine khi được tạo ra trong đời sống chung không còn là chất sinh học nữa, mà sẽ trở thành “chất men Tin Mừng” âm thầm thắp sáng đời sống chung, đưa cộng đoàn bước đi với một trái tim được đánh thức bởi tình yêu, Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “hoa trái của lòng quảng đại.” (Evangelii Gaudium, 272)


Bằng Lăng