Giữa làn khói trắng bồng bềnh toả ra từ ống khói Nhà nguyện Sistina vào lúc 18g07 ngày 8/5/2025 (giờ Roma), thế giới như ngưng đọng. Một thời khắc lịch sử đã đến, khoảnh khắc mà hàng triệu tín hữu khắp năm châu chờ đợi trong thinh lặng và cầu nguyện. Và rồi, vào lúc 19g23, tân Giáo Hoàng bước ra ban công Đền thờ Thánh Phêrô, trong ánh sáng hoàng hôn còn sót lại trên mái vòm cổ kính. Một giọng nói hiền từ, khiêm hạ vang lên: “Bình an của Chúa ở cùng tất cả anh chị em!”

Đức Leo XIV vị kế vị thứ 267 của Thánh Phêrô đã mở đầu triều đại của mình bằng một lời chào giản dị: lời chào của Chúa Phục Sinh, lời chào của một mục tử mang tinh thần bất bạo động, tha thiết kêu gọi hòa bình giữa thế giới đang rạn vỡ vì chia rẽ, chiến tranh và khủng hoảng đức tin.

Ngài nói với đoàn chiên như một người cha, một người anh, một người bạn đường. Ngài nhắc lại lời Đức Phanxicô vị tiền nhiệm vừa được Chúa gọi về với tâm tình liên đới: “Thiên Chúa yêu thương chúng ta! Và sự dữ sẽ không thắng thế.” Đó không chỉ là một tuyên ngôn đức tin, mà còn là một ánh sáng rọi vào thực tại đen tối mà thế giới đang đối diện: chiến tranh, nghèo đói, chia rẽ, bất công.

Là một tu sĩ Dòng Augustinô, Đức Leo XIV hiểu rõ lời mời gọi của sự hiệp thông và phục vụ. Vì thế, ngài xuất hiện trước Dân Chúa với một trái tim của kẻ lữ hành, kẻ đã từng rong ruổi trên đất Peru như một nhà truyền giáo, kề cận với những người nghèo, những người bé mọn và bị lãng quên. “Tôi là con của Thánh Augustinô,” ngài nói. “Với anh em, tôi là một Kitô hữu; vì anh em, tôi là một Giám mục.” Tự nhận mình là người anh em giữa đoàn chiên, Đức Leo XIV bước vào trái tim của cộng đoàn Hội Thánh bằng tình yêu và sự gần gũi.

Ngài không quên mảnh đất truyền giáo nơi đã từng ghi dấu chân mình, Giáo phận Chiclayo ở Peru. Từ vùng đất ấy, nơi có những con người đơn sơ và nghèo khó, một trái tim mục tử đã lớn trong âm thầm, hy sinh và dâng hiến. Cũng từ đó, ngài hiểu rằng Hội Thánh không chỉ tồn tại trong những buổi lễ trọng thể, mà trong từng ánh mắt đau khổ, từng bàn tay run rẩy cần được nắm lấy.

Trước hàng triệu  tín hữu, Đức Leo XIV không hứa hẹn những điều kỳ vĩ, ngài chỉ mời gọi tất cả cùng bước đi như một Hội Thánh hiệp hành lắng nghe, đồng hành, và đón nhận nhau trong lòng thương xót, và nhất là cùng nhau “xây những cây cầu” của hoà bình và bác ái. Bởi “bình an” không chỉ là một lời chào, nó là một sứ mạng.

Khi kết thúc bài phát biểu đầu tiên, ngài hướng về Đức Mẹ Mân Côi và mời gọi cộng đoàn cầu nguyện trong ngày kính Mẹ tại Pompeii: “Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho sứ vụ mới này, cho toàn thể Hội Thánh, cho hòa bình thế giới, và xin Mẹ Maria, Đấng đồng hành với Hội Thánh, ban cho chúng ta ơn thánh đặc biệt này.”

Và rồi, giữa biển người thinh lặng, xúc động và vui mừng tại quảng trường Thánh Phêrô, những tiếng kinh Kính Mừng vang lên, nhẹ nhàng như lời ru của Giáo hội Mẹ. Phép lành Urbi et Orbi khép lại một đêm trọng đại, đêm mà thế giới không chỉ có một tân Giáo hoàng, mà còn đón nhận một làn gió mới từ NGƯỜI MỤC TỬ GỌI TÊN HÒA BÌNH.

 

Mưa HẠ