“Tôi thích một Giáo hội bị bầm dập, bị thương tích và lấm lem vì đã ra đường hơn là một Giáo hội bị bệnh vì khép kín và an toàn nơi tiện nghi.”
Câu nói ấy của Đức Thánh Cha Phanxicô không chỉ là một châm ngôn mục vụ, nhưng là tiếng vọng phát ra từ tận cùng những thao thức, những vết thương mà ngài mang trong lòng mình – một con người của Tin Mừng, một người cha, một ngôn sứ trong thời đại chúng ta.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gieo vào thế giới những ước mơ – những giấc mơ không chỉ cho Giáo hội, mà còn cho nhân loại. Ngài không nói bằng viễn cảnh mơ hồ, mà bằng những vết xước của thực tại, những nhức nhối cụ thể, bằng một con tim bị đánh thức bởi nỗi đau của con người.
Hôm nay, chúng ta cùng nhìn về những giấc mơ ấy – những giấc mơ còn dang dở – và tự hỏi mình: “Chúng ta sẽ làm gì để tiếp bước ngài?”
- Giấc Mơ về một Giáo hội nghèo vì người nghèo
Một trong những giấc mơ lớn nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô chính là xây dựng một Giáo hội nghèo, một Giáo hội không chỉ nói về người nghèo mà thực sự sống trong tinh thần nghèo khó vì người nghèo. Ngài đã nhiều lần khẳng định rằng, Giáo hội không thể chỉ tồn tại để bảo vệ tài sản và lợi ích riêng của mình. Ngài mơ ước một Giáo hội không bị vướng bận bởi sự xa hoa và quyền lực, mà là một Giáo hội trong suốt, khiêm nhường, cùng đồng hành với những người nghèo khổ. Ngài muốn một Giáo hội có thể đụng chạm đến vết thương của nhân loại, và không ngại làm bạn với những người bị lãng quên trong xã hội.
“Một Giáo hội nghèo cho người nghèo không phải là một khẩu hiệu, mà là điều cần thiết trong hành trình của chúng ta.” – Đức Thánh Cha Phanxicô
- Giấc Mơ về một Giáo Hội Hiệp Hành
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khao khát một Giáo hội sống trong tinh thần hiệp hành. Đây không chỉ là một khái niệm hay chương trình, mà là một lối sống tin mừng trong đó tất cả mọi thành viên của Giáo hội, từ các Giám mục, linh mục cho đến giáo dân, đều được mời gọi cùng nhau lắng nghe, phân định và hành động. Ngài khởi xướng tiến trình hiệp hành để tạo cơ hội cho mọi người được lắng nghe, kể cả những tiếng nói mà bình thường bị loại trừ. Với Đức Thánh Cha, hiệp hành là cách thức duy nhất để Giáo hội tiến về phía trước trong sự hiệp nhất và yêu thương.
Ngài không mơ về một Giáo hội vận hành như một cơ chế, mà là một cộng đoàn đồng hành – “cùng nhau lắng nghe, cùng nhau phân định, cùng nhau hành động”. Bởi Giáo hội vẫn còn đó những vết nứt âm thầm: chia rẽ giữa giáo dân và hàng giáo sĩ, giữa thế hệ trẻ và các cơ cấu già cỗi. Sự thiếu lắng nghe, thiếu cởi mở vẫn là rào cản lớn. Ngài khởi xướng Thượng Hội Đồng Giám Mục về hiệp hành – như một bước đi can đảm, nhưng thành quả của nó không phải đến từ những buổi nghị sự, mà từ sự hoán cải trong từng tâm hồn của mỗi chúng ta hôm nay.
- Giấc Mơ về một Gia Đình Nhân Loại Được Kết Nối Bằng Tình Huynh Đệ Phổ Quát
Trong Fratelli Tutti (một sứ điệp liên tôn), Đức Phanxicô mơ về một thế giới không còn biên giới, nơi con người nhận nhau là anh em bất chấp khác biệt tôn giáo, văn hóa, quốc tịch, để sống trong tình huynh đệ và sự hòa hợp. Ngài nhấn mạnh rằng nếu chúng ta muốn tạo ra một thế giới hòa bình, chúng ta phải bắt đầu từ những mối quan hệ cá nhân, từ lòng yêu thương và sự tôn trọng lẫn nhau. Giấc mơ của ngài là một thế giới không có sự chia rẽ, nơi mà tình huynh đệ là nền tảng của mọi mối quan hệ.
Ngài không chỉ mơ, ngài đã sống: cúi xuống hôn chân các lãnh đạo Nam Sudan, ôm lấy người Hồi giáo, Do Thái, Chính Thống… Những nỗ lực ấy vẫn còn đang dang dở. Giấc mơ của ngài về tình huynh đệ đại đồng vẫn còn xa, nếu chúng ta hôm nay không bắt đầu từ cái nhìn nhân hậu cho người bên cạnh, và mở lòng đón nhận anh chị em mình.
- Giấc Mơ về Một Nền Kinh Tế Phục Vụ Con Người, Không Phải Lợi Nhuận
Ngài không sợ đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta tôn thờ lợi nhuận hơn con người?”. Trong Laudato Si’ và Economy of Francesco (Nền Kinh tế Phanxicô), Ngài chỉ trích hệ thống kinh tế hiện nay, nơi mà lợi nhuận và tài chính trở thành mục tiêu tối thượng, đôi khi đi kèm với việc khai thác con người và tài nguyên thiên nhiên quá mức. Đức Thánh Cha mơ ước về một nền kinh tế mà con người là trung tâm, nơi mà tất cả các quyết định đều hướng đến sự công bằng, sự thịnh vượng bền vững và sự tôn trọng phẩm giá con người.
Thế giới hôm nay vẫn mù quáng chạy theo GDP, đốt cháy tài nguyên, khiến người nghèo càng thêm thiệt thòi. Những tiếng nói mang tính tiên tri về sinh thái toàn diện của ngài đã vang lên, nhưng hành động cụ thể từ mỗi Kitô hữu vẫn là điều thiết yếu. Trái Đất đang kêu than, và Đức Giáo hoàng mong chúng ta lắng nghe.
- Giấc Mơ về Một Giáo Hội Cộng Đồng, Đón Nhận Tất Cả
Đức Thánh Cha Phanxicô luôn mơ ước về một Giáo hội không phân biệt, nơi mà tất cả mọi người đều được đón nhận và được trao cơ hội để trưởng thành trong Đức Tin. Ngài mơ về một Giáo hội mở rộng cánh cửa để chào đón những người lầm lỡ, những người tội lỗi, và những người chưa tìm thấy niềm tin. Đây là một Giáo hội không xét đoán, nhưng luôn mở rộng vòng tay đón nhận và chia sẻ tình yêu thương của Chúa. Giấc mơ này mời gọi mỗi người tín hữu trở thành những người chia sẻ và phát triển cộng đồng, nơi sự đồng cảm và sự yêu thương được đặt lên hàng đầu.
“Chúng ta phải là một Giáo hội có thể đón nhận và ôm ấp tất cả mọi người, dù họ ở đâu, từ đâu đến.” – Đức Thánh Cha Phanxicô
- Một thế giới biết tha thứ và vượt qua hận thù
Ngài tha thiết mời gọi: “Đừng kết án, nhưng hãy chữa lành.” Nhưng tha thứ không phải điều dễ dàng trong thế giới hôm nay, nơi người ta ghi nhớ lỗi lầm hơn là niềm tin. Từ những vết thương trong Giáo hội đến những cuộc chiến giữa các dân tộc, con người vẫn khó buông bỏ hận thù. Ngài sống tinh thần tha thứ ấy mỗi ngày, kể cả với những người chỉ trích mình. Giấc mơ này đòi hỏi chúng ta phải bước vào cuộc chiến nội tâm, học cách yêu thương cả kẻ thù, vì chỉ có tình yêu mới chữa lành được lịch sử.
- Giấc Mơ về Một Giáo hội trẻ trung, vui tươi, can đảm dấn thân
Từ Đại hội Giới trẻ đến Tông huấn Christus Vivit, Đức Thánh Cha Phanxicô luôn khơi dậy nơi người trẻ một ơn gọi lớn hơn: không sống tầm thường. Nhưng thực tế, nhiều người trẻ ngày nay đánh mất định hướng, chìm trong thế giới ảo, không tìm thấy chỗ đứng trong Giáo hội. Ngài không muốn một Giáo hội “đứng tuổi” về tinh thần, mà là một Giáo hội trẻ nhờ biết yêu, biết khóc, biết ra đi. Giấc mơ của ngài dành cho người trẻ không chỉ là một lời khích lệ, mà là lời trao gậy tiếp sức cho một cuộc đua mới. Cuộc đua để đạt được một đời sống chứng tá, xứng đáng với nhân phẩm.
- Giấc Mơ về Một Giáo hội truyền giáo – dám ra đi
Ngài nói: “Tôi muốn một Giáo hội ra đường, bị bầm dập, bị thương tích, hơn là một Giáo hội bệnh hoạn vì khép kín và tiện nghi.” Giấc mơ ấy thách thức từng giáo xứ, từng cộng đoàn, từng Kitô hữu. Nhưng trong thực tế, đâu đó vẫn còn nhiều cộng đoàn an toàn, hài lòng với nội bộ, ngại ra khơi. Ngài kêu gọi một Giáo hội “đi ra” – không phải vì chiến lược, mà vì lòng mến và thao thức truyền giáo. Một Hội Thánh biết bước vào vùng ngoại biên, hiện diện giữa những con người đau khổ và bị lãng quên. Một Giáo Hội cúi xuống rửa chân, thay vì chỉ biết đứng ngoài, tự đặt mình ra bên lề.
- Giấc Mơ về Một Giáo Hội Làm Gương Mẫu cho Thế Giới
Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô mơ về một Giáo hội trở thành gương mẫu cho thế giới về sự yêu thương, công lý và hòa bình. Ngài mong muốn Giáo hội không chỉ là nơi cầu nguyện và sinh hoạt tôn giáo, mà là một cộng đồng mang lại ánh sáng cho thế giới, thể hiện sự yêu thương không biên giới và lòng thương xót cho tất cả mọi người. Đó là một Giáo hội nơi các giá trị Tin Mừng thực sự được sống và trở thành minh chứng cho một thế giới có thể sống trong hòa bình, tình yêu và công lý. Không ai bị gạt ra bên bề, nhưng mỗi người đều là một nhân tố quan trọng và giá trị giữa lòng Hội Thánh của Chúa Giê-su.
“Giáo hội không chỉ là một cơ cấu tổ chức, mà là một cộng đồng gương mẫu, chiếu sáng cho thế giới bằng tình yêu và sự công bằng.” – Đức Thánh Cha Phanxicô
…
Bạn thân mến, chúng ta vừa cùng nhìn lại nhiều giấc mơ của vị cha đáng kính, vừa từ biệt chúng ta. Những giấc mơ ấy rộng lớn, táo bạo, và đầy tính ngôn sứ. Ngài biết rõ: “Cha chỉ là người gieo hạt. Còn mùa gặt sẽ đến từ các con.” Hôm nay, mỗi chúng ta – trong cương vị và vai trò của mình, được mời gọi trở thành những người thợ gặt trong cánh đồng mênh mông ấy.
Chúng ta có can đảm mơ cùng Đức Thánh Cha? Có dám để những giấc mơ ấy chạm đến đời mình, làm phiền mình, lay mình khỏi chỗ an toàn? Có sẵn sàng để Giáo hội “bầm dập” mà sống đúng căn tính Tin Mừng?
Giấc mơ của Đức Phanxicô là thao thức của Tin Mừng trong thời đại hôm nay. Và nếu chúng ta không chỉ ngưỡng mộ ngài, mà bước theo ngài, thì có lẽ một ngày, những giấc mơ ấy sẽ không còn dang dở…
Nguồn: Gp Bắc Ninh