Tháng Năm, theo truyền thống Giáo hội, được dành riêng để tôn kính Đức Maria, Đấng được gọi là “Bông Hoa của Trời”. Hình ảnh Mẹ Maria được xem như biểu tượng của vẻ đẹp tinh tuyền, đức hạnh và là “Đấng đầy ơn phúc” (Lc 1,28) được Thiên Chúa tuyển chọn để cộng tác vào chương trình cứu độ. Lời thưa “Fiat” của Mẹ không chỉ khởi đầu hành trình nhập thể của Ngôi Lời mà còn khẳng định vai trò trung tâm của Mẹ trong lịch sử cứu độ. Trong chiều kích đó, tháng Năm trở thành thời khắc đặc biệt, khi toàn thể Giáo hội chiêm ngắm Mẹ như mẫu gương đức tin sống động và niềm hy vọng bền vững.

1. Đức Maria – Bông Hoa tháng Năm

Trong Kinh Thánh, hình ảnh hoa thường gắn liền với vẻ đẹp, sự tinh tuyền và lòng trung tín. Sách Diễm Ca gọi người yêu là “bông huệ giữa bụi gai” (Dc 2,2), biểu tượng cho vẻ đẹp thánh thiện giữa thế gian tội lỗi. Đức Maria, theo nghĩa đó, chính là bông huệ của giao ước, nở rộ trong mảnh đất khiêm hạ của dân Do Thái, và trở thành Đấng đầy ân sủng (Lc 1,28), được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ của Ngôi Lời nhập thể.

Khi thưa “Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38), Mẹ như bông hoa đầu mùa mở ra một mùa xuân cứu độ, nơi Thiên Chúa gieo mầm ơn cứu rỗi vào lòng nhân loại. Trong Mẹ, “Lời đã trở nên xác phàm” (Ga 1,14). Mẹ là điểm khởi đầu cho công trình cứu độ bước vào thời viên mãn.

Từ thế kỷ XIII, Giáo hội đã dành tháng Năm để kính Đức Maria, vì tháng này trùng hợp với mùa hoa nở rộ tại nhiều vùng châu Âu, biểu tượng cho sự sống, vẻ đẹp và hy vọng. Các Giáo hoàng như Piô VII, Piô IX, Lêô XIII, và Đức Piô XII đã khuyến khích mạnh mẽ việc dâng hoa kính Đức Mẹ trong tháng Năm. Đặc biệt, trong Tông huấn Mense Maio (Tháng Năm – 1965), Thánh Giáo hoàng Phaolô VI viết: “Tháng Năm là thời gian mà lòng đạo đức của các tín hữu đặc biệt dâng kính Mẹ Maria với lòng yêu mến nồng nàn hơn. Đây là cơ hội thuận tiện để mọi tín hữu hướng về Mẹ với niềm tin tưởng con thảo." [1]

Trong văn hóa Công giáo Việt Nam, Mẹ Maria được ví như “hoa hồng nhiệm mầu” hay “hoa huệ tinh tuyền” những hình ảnh giàu tính biểu tượng trong đời sống đức tin. Các hình thức đạo đức bình dân như dâng hoa, đọc kinh Mân Côi, và thắp nến cầu nguyện là những “cánh hoa sống động” dâng lên Mẹ.

Thi ca Công giáo cũng làm phong phú hình tượng này. Nhà thơ Hàn Mặc Tử gọi Mẹ là “bông huệ trắng trong”, “bài thơ đẹp của trời hồng”, trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô ví Mẹ như “bông hoa đầu tiên nở rộ giữa mùa xuân cứu độ, báo hiệu niềm hy vọng cho toàn thể nhân loại" [2]

Mùa Hoa tháng Năm, là dịp đặc biệt để dâng những bông hoa của lòng yêu mến, khiết tịnh, đơn sơ và hy sinh lên Mẹ. Những thiếu nhi dâng hoa, những cụ già lần chuỗi, những người mẹ thắp nến... đều là những “cánh hoa sống động”, phản ánh vẻ đẹp nội tâm mà Mẹ là gương mẫu tuyệt vời nhất.

2. Đức Maria – Hoa Ân Sủng trong lịch sử cứu độ

Nếu Kinh Thánh ví người công chính như “cây trồng bên dòng nước” (Tv 1,3), thì Đức Maria chính là “cây ân phúc” tuyệt hảo được trồng nơi mảnh đất màu mỡ nhất của giao ước là một trái tim vẹn tuyền, biết lắng nghe và hoàn toàn mở ra cho Thiên Chúa. Khi Mẹ thưa “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin xảy ra cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38), thời gian cứu độ đã khai mở, mùa xuân ân sủng đã trổ bông trong chính thân phận một người nữ đơn sơ nơi làng quê Nazareth. Chính trong giây phút ấy, như lời thánh Irênê đã nói, “nhờ sự vâng phục của một người nữ mà con người được cứu độ” [3] để đối lập với sự bất tuân của Eva, người nữ đầu tiên, khởi nguyên cho tội lỗi nhân loại.

Thần học gọi khoảnh khắc ấy là “fiat” nghĩa là tiếng “xin vâng” đã thay đổi lịch sử, không chỉ của một cá nhân nhưng của toàn thể nhân loại. Như Thánh Bernarđô thành Clairvaux từng cảm: “Cả vũ trụ đang nín thở chờ lời thưa của Mẹ!" [4] . Đức Maria, trong phút ấy, đã chủ động cộng tác với Thiên Chúa trong công trình cứu độ, trở nên người đầu tiên “lắng nghe và thi hành Lời Chúa” (x. Lc 8,21).

Là bông hoa của thinh lặng, Mẹ “giữ tất cả những điều ấy trong lòng và suy niệm” (Lc 2,19). Trong nền văn hóa thính giác của người Do Thái, suy niệm không đơn thuần là nghĩ ngợi, nhưng là để cho Lời cư ngụ, đụng chạm và sinh hoa trái. Mẹ là người nữ thinh lặng và nhờ sự thinh lặng đó, Mẹ trở thành “kho tàng của những điều kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện nơi con người” (x. Lc 2,51), mở ra một lối sống chiêm niệm giữa thế giới náo động hôm nay.

Là bông hoa của hy sinh, Mẹ không chỉ đồng hành trong những niềm vui khởi đầu (tiệc cưới Cana – Ga 2,1-11), nhưng còn đứng vững dưới chân Thánh Giá (x. Ga 19,25. Giáo phụ Origen từng nói: “Mẹ là Mẹ của chúng ta, bởi khi Chúa Giêsu chết, Người đã phó thác chúng ta cho Mẹ” (In Ioan., I,6). Cây thập giá trở thành nôi sinh hạ, máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Đấng chịu đóng đinh trở nên mạch suối của Bí tích, còn Mẹ đứng đó trong đau khổ, để trở thành Đấng Đồng Công cứu độ với Con mình.

Là bông hoa của hy vọng, Mẹ không chỉ hiện diện dưới Thánh Giá, mà còn hiện diện trong cộng đoàn Tiệc Ly (Cv 1,14) như người mẹ của Hội Thánh sơ khai. Chính nơi ấy, Mẹ cùng các Tông đồ đợi chờ Chúa Thánh Thần trong niềm hy vọng. Một cách nào đó, Mẹ trở thành Mẹ của Hội Thánh đang cưu mang và sinh hạ sự sống mới trong quyền năng của Thánh Thần. Như lời Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II từng nói: “Trong Đức Maria, Hội Thánh học cách cầu nguyện, học cách đợi chờ và đón nhận”

Trong suốt dòng lịch sử, Giáo hội luôn hướng ánh nhìn về Mẹ Maria để khám phá và hiểu rõ hơn căn tính của chính mình. Từ việc lắng nghe Lời Chúa, cộng tác trong mầu nhiệm Nhập Thể, cho đến hành trình đồng hành và hiến dâng Con Mình trong hy lễ yêu thương, Mẹ trở nên khuôn mẫu sống động cho Hội Thánh, một Hội Thánh biết lắng nghe, đón nhận, sinh hạ và phục vụ trong tình yêu.

Nơi Mẹ Maria, chúng ta chiêm ngắm sự hòa quyện tuyệt diệu giữa tự do con người và ân sủng Thiên Chúa. Tự do của Mẹ là tự do của người biết chọn Chúa, sống cho Lời Ngài và phó thác trọn vẹn cho chương trình của Thiên Chúa. Thánh Âugustinô đã nói: “Thiên Chúa dựng nên chúng ta không cần đến chúng ta, nhưng Người không thể cứu chúng ta nếu thiếu sự cộng tác của chúng ta” (Sermo 169, 13). Và chính Mẹ Maria là gương sáng ngời cho sự cộng tác ấy, một sự cộng tác âm thầm nhưng hiệu quả; không áp đặt nhưng sinh hoa trái.

3. Đức Maria – Dấu chỉ hy vọng giữa thế giới gãy đổ

Trong một thế giới đầy tổn thương, nơi con người bị xâu xé bởi chiến tranh và chia rẽ, Đức Maria như một dấu chỉ hy vọng cho con người. Nhờ lòng khiêm hạ và đức tin, Mẹ đã được Thiên Chúa đoái nhìn: “Vì Người đã đoái thương phận hèn tớ nữ của Người” (Lc 1,48). Mẹ là bằng chứng sống động rằng Thiên Chúa không bỏ rơi những ai bé mọn, và rằng lịch sử ơn cứu độ vẫn đang tiếp diễn trong những tâm hồn biết "xin vâng".

Mẹ là Bông Hoa bất tử, bởi nơi Mẹ, ân sủng không bao giờ cạn. Mẹ là “đóa hoa đầu mùa” (x. Hc 24,17), được Thiên Chúa tuyển chọn và đưa về trời cả hồn lẫn xác, như dấu chỉ tiên báo cho tất cả chúng ta về ơn cứu độ viên mãn mà Thiên Chúa dành cho những ai trung tín. Như thánh Phaolô đã viết: “Người đã sống lại như hoa quả đầu mùa của những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15,20), thì Mẹ cũng là hoa trái đầu tiên của công trình cứu độ, mở ra niềm hy vọng rằng nhân loại cũng sẽ được phục hồi trong vinh quang.

Khi chạy đến với Mẹ, con người tìm được một chốn nghỉ ngơi cho tâm hồn. Như lời Đức Thánh Cha Phanxicô: “Mẹ là ngôi sao sáng giữa đêm tối... một người nữ luôn đứng gần những ai bị đánh mất niềm hy vọng” [5]

Trong THÁNG NĂM hay còn gọi là THÁNG HOA, người tín hữu không chỉ dâng lên Đức Maria những đóa hoa tươi đẹp của thiên nhiên, mà còn được mời gọi chính mình trở nên hoa thiêng, hoa của lòng tín thác, hoa của sự thinh lặng, hy sinh và hy vọng. Bởi Mẹ là bông hoa đẹp nhất trong vườn ân sủng, là “Người nữ mặc áo mặt trời” (Kh 12,1) vừa ẩn sâu trong lịch sử cứu độ, vừa chiếu sáng niềm hy vọng cho cả tương lai nhân loại.


Mưa HẠ

[1]Mense Maio, số 1

[2]Regina Caeli, 1.5.2020

[3]Adversus Haereses, III, 22,4

[4]Thánh Bernarđô, Bài giảng Thứ Tư Mùa Vọng

[5]Evangelii Gaudium, số 286