Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Chúng ta được mời gọi làm chứng cho niềm tin đầy niềm vui vào Đức Kitô,” đồng thời cảnh báo rằng nơi nào thiếu vắng đức tin, nơi đó đời sống đánh mất ý nghĩa.
“Chúng ta được kêu gọi làm chứng cho niềm tin đầy niềm vui vào Đức Kitô Đấng Cứu Thế…”
Đức Thánh Cha Lêô XIV đã chia sẻ lời nhắc nhở này trong Thánh lễ đầu tiên của ngài với tư cách là Giáo hoàng, diễn ra vào sáng thứ Sáu, ngày 9 tháng 5 năm 2025, cùng các Hồng y cử tri và nhiều Hồng y khác hiện diện tại Rôma, trong chính Nhà nguyện Sistine – nơi các Hồng y, với đa số hai phần ba, đã bầu chọn ngài vào chiều thứ Năm, trong lần bỏ phiếu thứ tư.
Đức Thánh Cha mời gọi mọi người không ngừng vun đắp mối tương quan cá vị với Đức Kitô, và ngài nhấn mạnh: không có đức tin, đời sống sẽ mất đi ý nghĩa.
Vị Giáo hoàng gốc Hoa Kỳ đã mở đầu bằng vài lời tiếng Anh, trong đó ngài bày tỏ lòng biết ơn với các Hồng y đã tín nhiệm:
“Tôi muốn lặp lại lời Thánh Vịnh đáp ca: ‘Tôi sẽ dâng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện biết bao kỳ công.’ Và quả thật, không chỉ nơi tôi, nhưng nơi tất cả chúng ta.”
“Anh em Hồng y thân mến, trong khi chúng ta cử hành Thánh lễ sáng nay, tôi mời gọi anh em suy gẫm về những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện, về những ân phúc Người không ngừng tuôn đổ trên tất cả chúng ta qua thừa tác vụ Phêrô.”
“Anh em đã gọi tôi vác lấy thập giá ấy, nhận lấy sứ mạng ấy. Và tôi biết mình có thể tin tưởng vào từng người trong anh em để cùng tôi bước đi – như một Hội Thánh, như một cộng đoàn bạn hữu của Đức Giêsu, như những tín hữu được sai đi để loan báo Tin Mừng.”
Đức Kitô mặc khải sự thánh thiện của nhân loại
Trong bài giảng bằng tiếng Ý của mình, Đức Thánh Cha tập trung vào hình ảnh Thánh Phêrô, vị Giáo hoàng tiên khởi, với lời tuyên xưng trong Tin Mừng theo thánh Matthêu: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đây là gia sản đức tin mà nhờ lòng trung tín bền bỉ vào Chúa, Hội Thánh đã gìn giữ, đào sâu và chuyển trao suốt hai ngàn năm qua.
Suy tư về mối tương quan giữa Thánh Phêrô và Đức Kitô, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: chính Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế của chúng ta, là Đấng duy nhất mặc khải Dung Nhan Chúa Cha.
“Nơi Người, Thiên Chúa – để trở nên gần gũi và đến gần với con người – đã tỏ lộ chính mình qua ánh mắt ngây thơ của một trẻ thơ, qua trí óc sống động của một người trẻ, qua nét mặt trưởng thành của một người đàn ông, và cuối cùng là trong thân xác vinh hiển của Người sau Phục sinh.”
Theo Đức Thánh Cha, chính trong cách ấy, Đức Kitô đã mặc khải cho chúng ta một mẫu gương thánh thiện của nhân loại mà ai ai cũng có thể noi theo, đồng thời mở ra lời hứa về một định mệnh vĩnh cửu vượt lên trên mọi giới hạn và khả năng của con người.
Một ân ban và một hành trình
Ngài lưu ý rằng trong lời tuyên xưng ấy, Thánh Phêrô đã nhận ra: đó vừa là một ân ban từ Thiên Chúa, vừa là con đường cần bước đi để được biến đổi bởi chính hồng ân ấy. Hai chiều kích ấy, theo Đức Thánh Cha, không thể tách rời, và là trọng tâm của ơn cứu độ mà Hội Thánh được trao phó để loan báo cho toàn thể nhân loại. Đức Lêô XIV xúc động nói:
“Quả thật, ơn ấy được trao cho chính chúng ta – những người đã được Thiên Chúa tuyển chọn từ khi chưa thành hình trong lòng mẹ, được tái sinh trong nước Rửa tội, vượt qua mọi giới hạn và không nhờ công trạng nào – để được hiện diện nơi đây và được sai đi từ nơi đây, ngõ hầu Tin Mừng được loan báo cho muôn loài thụ tạo.”
Ơn gọi để trở nên người quản lý trung tín
Đức Thánh Cha chia sẻ: Thiên Chúa đã gọi ngài – qua việc tuyển chọn vào chiều hôm trước – để kế vị Thánh Phêrô, và như thế, đã trao cho ngài một kho tàng quý báu cần được trung tín quản lý vì lợi ích của toàn thể Thân Thể mầu nhiệm là Hội Thánh.
Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh: lời tuyên xưng đức tin của Thánh Phêrô đã xuất phát từ một câu hỏi căn bản: “Người ta nói Con Người là ai?” Ngài nói:
“Câu hỏi ấy không hề tầm thường. Nó chạm đến một khía cạnh thiết yếu trong sứ vụ của chúng ta – đó là thế giới mà chúng ta đang sống, với những giới hạn và tiềm năng, với những câu hỏi và xác tín của nó.”
Hai thái độ trái ngược
“Người ta nói Con Người là ai?” – Đức Thánh Cha lặp lại câu hỏi ấy, rồi nói: “Nếu chúng ta suy gẫm về khung cảnh Tin Mừng hôm nay, có thể nhận ra hai thái độ khác nhau. Một là thái độ của thế gian – một thế giới không ngần ngại chối bỏ hoặc loại trừ Đức Kitô khi sự hiện diện của Người trở nên gây phiền toái, nhất là bởi các đòi hỏi luân lý nghiêm khắc. Thái độ thứ hai là của đám đông dân chúng. Họ nhìn nhận Người là một con người chính trực, đầy can đảm. Nhưng với họ, Người chỉ là một con người. Và vì thế, khi Người chịu khổ nạn, họ cũng rút lui trong thất vọng.
Nơi nào khó làm chứng, nơi đó cần loan báo
Điều khiến Đức Thánh Cha đặc biệt lưu tâm là: hai thái độ ấy vẫn đang hiện diện trong thời đại chúng ta. Dù được diễn đạt bằng ngôn ngữ khác, nhưng thực chất, vẫn là những lập trường quen thuộc nơi không ít người hôm nay. Ngài cảnh báo:
“Ngay hôm nay, vẫn còn nhiều nơi xem đức tin Kitô giáo là điều vô lý, chỉ dành cho kẻ yếu đuối và kém thông minh. Những nơi ấy chuộng những bảo đảm khác như công nghệ, tiền bạc, thành công, quyền lực hay khoái lạc. Chính những môi trường ấy – nơi mà việc loan báo Tin Mừng và làm chứng cho sự thật trở nên khó khăn, nơi mà các tín hữu bị nhạo báng, chống đối, khinh thường hoặc cùng lắm là được dung thứ – lại là nơi sứ mạng truyền giáo của chúng ta đang rất cần thiết.”
Thiếu đức tin, đời sống mất phương hướng
Do đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Khi thiếu vắng đức tin, người ta thường đánh mất ý nghĩa cuộc sống, quên lãng lòng thương xót, vi phạm nghiêm trọng phẩm giá con người, gia đình khủng hoảng, và biết bao thương tích khác tiếp tục tàn phá xã hội.”
Ngài nhận định: ngày nay, trong không ít môi trường, Đức Giêsu – dù được trân trọng như một nhân vật phi thường – lại bị giản lược thành một nhà lãnh đạo có sức hút hoặc một ‘siêu nhân.’ Hiện tượng ấy, theo Đức Thánh Cha, không chỉ xuất hiện nơi người ngoài Kitô giáo, mà còn nơi nhiều tín hữu đã chịu phép Rửa. Và họ dễ rơi vào tình trạng vô thần thực hành, sống như thể Thiên Chúa không hiện hữu.
Một thế giới được trao phó
“Chính thế giới đó đã được trao phó cho chúng ta – một thế giới mà như Đức Thánh Cha Phanxicô đã bao lần dạy, chúng ta được mời gọi làm chứng cho niềm tin đầy niềm vui mừng vào Đức Kitô, Đấng Cứu Thế. Vì thế, chúng ta cũng hãy cùng với Thánh Phêrô lặp lại: ‘Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.’”
Hành trình hoán cải mỗi ngày
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: lời tuyên xưng ấy cần được thể hiện trước hết trong tương quan cá vị của mỗi người với Thiên Chúa – qua hành trình hoán cải từng ngày. Và như một Hội Thánh, chúng ta cũng được mời gọi sống lời tuyên xưng ấy, thể hiện lòng trung tín với Chúa và chia sẻ Tin Mừng cho muôn dân.
“Tôi nói điều ấy trước hết với chính bản thân mình – với tư cách là Đấng kế vị Thánh Phêrô, khi khởi đầu sứ mạng Giám mục Rôma, và tôi thực hiện điều này theo tinh thần của Thánh Inhaxiô thành Antiôkia: ‘chủ tọa trong đức ái toàn thể Hội Thánh.’”
Ngài nhớ lại: Thánh Inhaxiô – người bị giải đến Rôma để chịu tử đạo – đã viết cho các Kitô hữu nơi đây: “Khi thế gian không còn thấy thân xác tôi nữa, bấy giờ tôi mới thực sự là môn đệ Đức Giêsu Kitô.”
Trở nên nhỏ bé để Đức Kitô được lớn lên
Đức Lêô XIV giải thích: Thánh Inhaxiô ám chỉ đến việc bị thú dữ xé xác nơi đấu trường, và điều ấy đã thực sự xảy ra. Nhưng lời của ngài còn gợi mở một cam kết thiết yếu đối với bất kỳ ai đang thi hành sứ vụ quyền bính trong Hội Thánh: “Đó là dám rút lui để Đức Kitô được hiện diện, dám nhỏ bé để Người được nhận biết và tôn vinh, dám hiến mình đến tận cùng để mọi người có thể nhận ra và yêu mến Người.”
Kết thúc bài giảng, Đức Giáo hoàng dâng lời nguyện: “Xin Thiên Chúa ban cho tôi ơn này – hôm nay và mãi mãi – nhờ lời chuyển cầu đầy tình mẫu tử của Đức Maria, Mẹ Hội Thánh.”
Nguồn: Dòng Tên