Giải đáp thắc mắc về giáo luật

 

Linh mục Phaolô Nguyễn Ngọc Thử

Linh Mục Bùi Đức Tiến Thẩm Phán

 

PHẦN MỘT

THẮC MẮC & GIẢI ĐÁP

HÔN PHỐI.

Làm phép nhẫn đính hôn.

Kính thưa Cha,

Con là một Kitô hữu hiện đang sinh sống và định-cư tại miền Tây Úc, Tiểu bang Perth, nay con kính gởi đến Cha một vài vấn-đề mà con không hiểu rõ ràng trong luật của Giáo-Hội Công-Giáo. Kính mong cha giải thích cho con.

Trước khi thành-hôn chúng ta có một lễ gọi là Đám hỏi "Engagement". Thủ tục này, tại miền Tây Úc con thường thấy nhất ở nơi những người ngoan đạo tại đây phải mời cho được những vị linh-mục đến để làm phép "Nhẫn", đọc kinh cầu nguyện, sau đó nam nữ trao cho nhau, điều này con chưa từng thấy ở quê nhà. Có một điều con thắc mắc, nếu sau khi tìm hiểu mà không hợp nhau, có ý định bỏ nhau thì có phải mời linh-mục đến để giải phép Thánh mà trước đây Ngài đã ban cho và dùng nước Thánh rảy trên 2 chiếc nhẫn hay không? Điều này có trong Bộ Luật của Giáo Hội không? Về phía giáo-dân, bất cứ nghi-thức gì cũng cứ phải mời cho được linh-mục làm phép, điều này có đúng hay không?

Thánh-lễ Hôn Phối có được phép cử-hành trọng-thể trong Mùa Chay, Mùa Vọng Giáng Sinh và Phục Sinh hay không? Nếu cử hành trong hai Mùa này có được phép đọc kinh Vinh Danh trong thánh-lễ Hôn Phối không?

Thánh-lễ Hôn Phối có trọng thể như một thánh lễ thường nhật hay không? Trong phụng-vụ thánh thể cô dâu và chú rể thường được mời lên để đọc sách thánh, nhưng có lẽ không được chuẩn-bị kỹ càng, cho nên đã lấy bài Phúc-Âm của Linh-mục đọc, điều này cả linh-mục lẫn giáo-dân đều biết, nhưng không ai ngăn cản, có lẽ vì sợ làm cho cô dâu quê trong ngày trọng đại, hoặc là sợ hư băng video đang được quay. Như vậy thánh lễ Hôn phối trong phần phụng-vu không có tầm vóc quan trọng bằng một thánh lễ thường ngày, hoặc băng Video phải không Cha?

Nguyện xin Thiên Chúa ban tràn đầy hồng ân xuống cho Cha để cha tiếp tục trên con đường phục-vụ Dân Chúa.

Con xin thành thật cám ơn Cha.

Perth, T. N. T.

Thăm anh T.N.T,

Trước hết, xin thành thật xin lỗi anh (hay chị) T.N.T., (vì là TNT nên tôi gọi đại là anh) nhận được thư anh trước Tết Nguyên đán Ất Hợi, rồi ngay sau đó tôi đi công tác hơn một tháng, khi trở về quên bẵng đi mất, cứ tưởng rằng không có thư thắc mắc nào, té ra còn thư của anh và một lá thư khác yêu cầu trả lời riêng.

Anh ghi cái tên TNT đọc hơi sợ sợ, vì hồi xưa tôi bị ám ảnh bởi các loại thuốc nổ của chiến tranh, trong đó. TNT hình như là chất nổ mạnh nhất (!?). Thời gian đã trễ, nên tôi xin trả lời ngay cho anh theo thứ tự anh đề trong thư:

Về việc Đính hôn; Giáo Luật điều 1062 trong bộ luật hiện hành qui định như sau: "Lời hứa hôn hoặc của một bên hoặc của cả hai bên tục gọi là đính hôn, được chi phối bởi luật địa phương do Hội Đồng Giám Mục qui định và dựa theo phong tục luật dân sự, nếu có. Lời hứa hôn không phát sinh tố quyền đòi phải cử hành hôn lễ; tuy nhiên, có thể phát sinh tố quyền xin bồi thường thiệt hại nếu đã bị gây ra."

Lý do Giáo Luật không qui định là vì việc đính hôn, trong các quốc gia trên thế giới, nơi có nơi không. Nơi nào có phong tục đính hôn này, Giáo Hội dành quyền cho Hội Đồng Giám Mục địa phương lo liệu. Như anh thấy tại Việt Nam không có phong tục này (đính hôn khác với đám hỏi?) nên Giáo Hội tại Việt Nam không qui định gì cả về vấn đề. Tại Úc, theo phong tục địa phương, thường người ta có thói quen trao nhẫn đính hôn, nhưng Giáo Hội Úc cũng không có qui định nào về vấn đề này. Vì theo thói quen dân sự tại Úc, chỉ có người nam trao cho người yêu của mình một chiếc nhẫn cầu hôn (gọi như vậy chứ thật ra cô gái đã phải bằng lòng trước khi người yêu đi mua nhẫn), chứ không thấy cô gái trao lại cho anh người yêu một chiếc nhẫn khác. Như thế đã rõ là không có một loại luật nào qui định một nghi thức đính hôn có tính cách tôn giáo trong hoàn cảnh chúng ta đang sống tại Úc.

Về việc nhẫn, Luật Phụng vụ chỉ qui định một công thức làm phép nhẫn trong Nghi thức Bí tích Hôn Phối như anh đã biết mà thôi, không có công thức nào khác đã được qui định.

Sau khi tìm hiểu mà không hợp nhau (xích mích nhau rồi xa nhau) thì thường người ta quên đi những chuyện đã xảy ra, dù chuyện đã xảy ra là một hay nhiều chiếc nhẫn. Chính vì lý do đó, không nên tạo ra những nghi thức tôn giáo có tính cách nghiêm trọng trong dịp đính hôn, những giáo dân cần được giáo dục và ý thức hơn về việc này.

Về vấn đề làm phép, Giáo Luật qui định rằng "Các Linh mục có năng quyền làm phép đơn (kẻ hình dấu Thánh giá) trên các thể nhân, các vật thể hay các địa sở với ý hướng xin ơn Chúa trợ giúp để nhận lãnh một ơn ích thiêng liêng...". Tuy nhiên, cũng nên cẩn thận trong việc làm phép để không gây nên những ngộ nhận nơi người ngoài Giáo Hội coi việc làm phép như là một hình thức bùa phép v.v...

Theo qui chế Tổng Quát của Sách Lễ Roma (Luật Phụng Vụ Thánh Lễ) khoản 31. Kinh Vinh Danh không được đọc hay hát trong suốt Mùa Chay và Mùa Vọng, trừ ngày lễ Trọng kính Thánh Giuse (19/3) và Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyện Tội (8/12). Về Thánh Lễ có Nghi thức riêng như Lễ Cưới chẳng hạn, khoản 331 qui định rằng không được cử hành trong các Chúa Nhật Mùa Vọng, Mùa Chay và Mùa Phục sinh, trong các ngày lễ Trọng, trong Thứ Tư Lễ Tro và các ngày trong Tuần Thánh...

Tất cả các Thánh Lễ Missa được cử hành đều trọng thể như nhau, vì đều là cử hành cuộc hiến tế của chính Con Thiên Chúa cho nhân loại. Thánh lễ Hôn Phối là một Thánh lễ mà chen vào đó, nghi thức hôn phối được cử hành. Thường thường, các bài đọc nên được thu xếp và chỉ định cho rõ ràng để tránh những lôi thôi rườm rà khi dâng Thánh lễ. Nếu có những lạm dụng cho rằng việc quay băng "Video" quan trọng hơn phần Nghi thức Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh lễ (hay bất cứ một phần nào khác trong Thánh lễ) thì những người có trách nhiệm phải hiểu rằng họ đã không chu toàn trách vụ được trao phó một cách đúng đắn là giáo dục cho mọi người hiểu tầm quan trọng của Thánh Lễ.

Một lần nữa xin tạ lỗi vì việc chậm trễ và xin Chúa chúc lành.

Chứng hôn cho người đã có vợ.

Kính thưa Cha,

Cách nay hơn hai tháng, con về thăm quê hương và cùng tham dự lễ cưới (đúng ra là đại diện nhà trai) cho anh bạn con. Anh ta đã li dị vợ (đôi bên Công Giáo) và lần này kết hôn với một phụ nữ thuộc Giáo Hội Tin Lành Cơ Đốc Phục lâm. Hôn lễ của hai người đã không được cử hành tại nhà thờ Tin lành vì lý do anh bạn con là người Công Giáo, bù lại, họ đã làm hôn phối tại ngay nhà hàng dưới sự chủ tế của một vị mục sư, họ cũng đọc Kinh Thánh, hát Thánh ca, trao nhẫn và chúc lành của vị mục sư. Hiện diện có đông đủ họ hàng, có cả bà mẹ vợ bên nhà gái, bên trai không có ai ngoại trừ vợ chồng con.

Khi trở về Úc, anh trai của con cho biết theo Giáo Luật, người Công Giáo không được phép tham dự lễ cưới và tiệc cưới trong trường hợp như trên, nếu tham dự là có tội vì vợ anh ta còn sống, thực tâm lúc đó con không hề mảy may nghĩ đến Luật Chúa..

Vậy con xin hỏi Cha, con có bị mắc tội không? Nếu có, thì khi xưng tội có được tha không? Con cảm thấy bối rối trong tâm hồn, mong cha giải đáp cho con sớm nhất.

Xin cám ơn Cha, chúc Cha nhiều hồng ân Chúa, Kính chào Cha,

Nguyễn Vũ.

Anh Nguyễn Vũ thân,

Đọc thư anh, tôi đoán rằng người bạn nào đó của anh sau khi không tìm được ai đứng ra "đại diện nhà trai" cho đám cưới thứ hai của anh ta tại Việt Nam (vì hoàn cảnh li dị của anh ấy), nên anh ấy nhờ được anh thì chắc mừng lắm, vì anh (và có lẽ cả vợ anh nữa) ..hai người không hề mảy may nghĩ đến Luật Chúa... khi làm công việc này (bên trai không có ai hết ngoài vợ chồng anh). Lý luận cách bình dân theo Thần học luân lý thì khi hành động không chủ ý thì không phạm tội (!?). Anh có thể bỏ đi sự bối rối hiện có trong tâm hồn, vì anh không có chủ ý hành động trái nghịch với luật lệ của Giáo Hội.

Tuy nhiên, bên cạnh cái vô tội của anh, người ta có thể nhận thấy cái "vạ" đã có thể có (cũng lại lý luận cách bình dân theo Thần học luân lý), đó là cái gương mù gương xấu cho những người biết chuyện, đó là cái lỗi về công bằng anh đã làm với người vợ trước của bạn anh và có thể con cái của anh ta nữa (chắc họ cũng là bạn của anh nữa?)

Do đó, tôi xin trả lời thư anh như sau:

- Việc có tội hay không qua hành động "đại diện nhà trai" của anh là do chính anh nhận thấy, Giáo Luật không qui định tội cho ai được: Hoặc anh cảm thấy áy náy, không bình an trong tâm hồn, hoặc anh không thấy lương tâm bối rối gì sau khi đại diện trong đám cưới đó.

- Nếu anh nghĩ rằng mình có tội, thật tâm hối hận về việc mình đã làm và đi xưng tội, thì như anh biết đó, bất cứ tội nào cũng được tha cả, nếu người hối nhân hối hận và dốc lòng chừa.

Chúc anh bình an trong tâm hồn.

Ly dị muốn lập gia đình lần nữa.

Kính thưa Cha,

Vì để cho tinh thần được yên ổn, và lương tâm khỏi ray rứt, xin Cha vui lòng trả lời cho con ít câu hỏi sau đây:

() Con là một người Công Giáo, đã lập gia-đình, sau một thời gian dài sống chung, chuyện không may đã đem đến tình trạng ly-dị được 3 năm nay; con sống mồ côi một mình, không cha me, bạn bè, anh em. Và con đã mất mát hết toàn bộ những gì con có (tiền bạc, nhà cửa, con cái, ngay cả bằng lái xe, con sống trong những ngày tinh thần khủng hoảng quá nặng - và để cứu vãn tình thế - con không còn cách nào hơn, ra ngoài giao-thiệp với bạn bè thì mặc cảm. Cho nên trong thời gian gần đây, con quyết định đi về thăm VN, thăm quê hương một chuyến, và để tìm lại những gì mình đã mất mát. Con muốn tìm hiểu và làm quen với một người công-giáo khác, để làm bạn và lập gia-đình, cho tâm hồn được bình an hơn.

Tuy nhiên con đã gặp sự trở ngại: Mẹ cô ta biết con chưa tháo gỡ hôn phối bên Công Giáo nên không chấp nhận, (có tháo gỡ được thì mới chấp nhận còn không thì dĩ nhiên không đồng ý). Còn con và cô ta thì hai bên đều yêu nhau rất nhiều, bất chấp cả việc nếu mẹ cô không đồng ý thì cũng vẫn tiến tới, hai bên đã đồng ý là như vậy. Tuy thế, cô ta và con vẫn rất lo ngại về việc này (việc phía con chưa tháo gỡ) lương tâm cô ta vẫn không ổn và rất lo lắng về chuyện đạo của con.

Vậy xin cha cho con được nêu lên vài câu hỏi như sau:

() Cô ta là một người Công Giáo đã có con, nhưng chưa làm phép hôn phối hay đám cưới bao giờ (kể cả bên đạo công-giáo và bên phần đời - đứa con là con của người bạn trai trước của cô ta)

Cô ta lấy chồng ngoại có được làm phép cưới tại nhà thờ không hay chỉ làm phép giao thôi?

- Cô ta là Công Giáo mà muốn kết hôn với một người không phải là ngoại đạo, cũng không phải là người Công Giáo (hoàn toàn đầy đủ tính chất của người Công Giáo) nói một cách rõ ràng là như trường hợp của con đây chưa tháo gỡ được bên tôn giáo, (hay không tháo gỡ được vì Giáo-Hội phán quyết không chấp nhận). Trường hợp này cô ta có được kết hôn với con, mà lương tâm vẫn yên ổn không? và nếu được phép thì cô ta có được phép làm phép hôn phối tại nhà thờ không hay chỉ có thể làm phép giao thôi?

- Nếu cô ta được làm phép giao với con và tâm hồn cô ta không còn vương vấn gì luật thì cô ta được đi lễ và rước lễ, nếu không vướng mắc tội nào khác. Còn con vì không được tháo gỡ, và cũng muốn cho lương tâm được an ổn về phần đạo (xin nhắc là về phần đạo mà thôi, về phần khác con đã cố gắng và làm tất cả cho xứng đáng là một người tốt). Xin Cha cho con biết ý kiến, con có cách nào khác để cứu vãn về phần tôn giáo, để làm cho tâm hồn con được bình an không?

Vì con đang còn trẻ, không phải là tu-hành, và cũng không phải là một người độc thân bình thường để có thể lấy vợ Công Giáo cách dễ dàng. Và sống một mình thì không tốt, vì đã có vợ trong quá khứ và bây giờ khó chấp nhận được cách sống độc thân.

Kính chúc Cha được bình an xác hồn, để dẫn dắt đàn chiên con.

Ca Hát. (Mr.)

Anh Ca Hát thân mến, dù anh ghi rằng muốn được trả lời thư riêng, nhưng vì thấy những thắc mắc của anh có thể giúp cho những người khác trong việc tìm hiểu về Giáo Luật, nên tôi mạn phép anh trả lời thư anh trên báo. Mong rằng anh không phản đối.

Cẩn thận hơn, tôi cũng đã sửa lại một phần của lá thư và không ghi lại tên thật của anh.

Đọc xong thư anh, tôi có cảm tưởng rằng anh đang bối rối lắm về hoàn cảnh và tình trạng gia đình, và mục đích anh biên thư là để tìm sự bình an hơn cho tâm hồn. Không những riêng anh mà cả cái cô nào đó ở Việt Nam, lương tâm cô ta vẫn không ổn và rất lo lắng về chuyện đạo của anh...

Trả lời câu hỏi 1. Cô ta chưa bao giờ làm phép cưới, do đó, nếu cô ta và một người đàn ông nào đó (không bị ngăn trở gì) thương nhau và muốn lập gia đình với nhau, thì cô ta đương nhiên có quyền làm phép cưới tại nhà thờ, dù là ông ta ngoại đạo (cô ta sẽ xin phép chuẩn kết hôn với người ngoại đạo). Xin giải thích thêm quan niệm thông thường của người Công Giáo Việt Nam về phép giao và phép cưới như sau:

- Phép giao là hôn phối được cử hành ngoài Thánh Lễ, có nghĩa là chỉ cử hành hôn phối mà không dâng Thánh lễ kèm theo.

- Phép cưới là hôn phối được cử hành chung với Thánh Lễ, có nghĩa là cử hành hôn phối đồng thời dâng Thánh lễ kèm theo.

- Bí tích hôn phối là hôn phối cử hành trong nhà thờ giữa hai người đã rửa tội theo nghi thức đạo Công Giáo. Hai người đã rửa tội trong giáo phái Kitô giáo khác mà cử hành hôn phối dân sự, thì hôn phối này cũng được kể là Bí tích. Hôn phối cử hành giữa một người rửa tội và một người chưa rửa tội không được gọi là Bí tích. Hôn phối cử hành giữa hai người chưa bao giờ rửa tội cũng không được gọi là Bí Tích.

Theo Giáo Luật, việc cử hành phép Giao hay phép Cưới là do quyết định của đôi hôn phối, chứ không phải là quyết định của Giáo Hội.

Trả lời câu hỏi 2. Điều luật 1085 của bộ luật hiện hành qui định rằng: "Một người còn bị ràng buộc bởi một hôn nhân trước, không thể kết hôn hữu hiệu". Không hữu hiệu đây buộc chính người bị ràng buộc và buộc luôn cả người dính vào với người ấy. Có nghĩa là hai người không cử hành hôn phối theo phép đạo được (vì ngăn trở đã kết hôn của một người).

Trả lời câu hỏi 3. Khi không cử hành theo phép đạo được, thì người từ trước tới giờ chưa bị vướng mắc, thì bây giờ bị vướng mắc (sống chung, ăn ở với người khác mà không có phép hôn phối), và như thế là cả hai người nếu sống chung với nhau thì đều bị vướng mắc:

- Một người bị vướng mắc về việc đã kết hôn rồi, không kết hôn được nữa.

- Người kia bị vướng mắc vì sống chung, ăn ở với người khác mà ngoài có phép hôn phối.

Cuối cùng, tìm giúp anh một lối thoát, tôi có thể đề nghị như sau:

- Anh đến gặp Tòa Án Hôn Phối để xin Tòa Án điều tra về hôn phối anh đã cử hành trước kia, biết đâu, có một vài hà tì nào đó mà những chuyên viên luật pháp, những thẩm phán, những luật sư họ nhìn thấy trong khi anh không nhìn thấy. Nếu có, hôn nhân trước kia của anh có thể được tuyên bố vô hiệu và do đó, anh không bị ràng buộc gì, muốn kết hôn với ai tùy ý. Đọc thư anh, tôi có cảm tưởng như anh chưa làm việc này. Thử xem, biết đâu, với lòng thành như lòng của anh, Chúa lại không thu xếp một cách nào đó cho anh luôn bình an trong thiện tâm thiện ý của mình.

Thân chúc anh vui và tìm được bình an.

Trường hợp hôn phối giả rồi ly dị

Kính thưa Cha Tiến,

Con viết thư này đến cha không phải để nhờ cha giải đáp, cũng không phải để kiện tụng mà để khiếu nại. Chuyện liên can đến đám cưới sắp tới của hai đứa tụi con. Con nghĩ, trong hoàn cảnh của tụi con, vì bất bình với gia đình (ba con) mà ông cha không chịu làm đám cưới cho tụi con. Con không ghi tên của ông cha đó ra đây, nhưng con hy vọng cha ấy sẽ đọc lời giải đáp của cha mà nghĩ lại. Chuyện của tụi con như sau:

Cách nay hơn một năm, theo kế hoạch của gia đình, con về thăm Việt Nam, trong chuyến viếng thăm này, gia đình thu xếp để con giúp cho gia đình bác con (không phải bác ruột đâu cha) bằng cách, con sẽ làm giấy hôn thú với một người con trai của bác, con gọi bằng anh, mặc dù anh ấy kém con một tuổi. Việc thực hiện xong, con về Úc bảo lãnh anh ấy sang qua diện vợ chồng. Nhưng cha cũng nên biết rằng việc này chỉ là giả thôi. Anh em mà, chỉ giúp cho anh ấy sang bên này để anh ấy làm việc giúp cho gia đình bác bên Việt Nam, không có chuyện gì mờ ám cả. Sau một năm, hai đứa làm giấy ly thân và bây giờ đang chờ giấy ly dị.

Con có một người hôn phu, quen nhau cả trước khi con làm việc bảo lãnh này. Anh ấy cũng đồng ý, vì người con bảo lãnh là anh họ. Bây giờ hai đứa tụi con chuẩn bị làm đám cưới. Dự định là ngay sau khi nhận được giấy li dị, đám cưới sẽ thực hiện ngay. Tháng tám tới đây là giấy li dị sẽ ký và tụi con tính làm đám cưới tháng mười năm nay.

Khi gặp ông cha thì ông cha nói rằng con không làm đám cưới và ký giấy hôn thú với người khác được, vì theo giấy tờ con đã có chồng, dù đã li dị, nhưng Giáo Hội không chấp nhận li dị. Thưa cha chuyện con làm giấy hôn thú là chuyện giả, và thật sự tụi con đâu có sống với nhau (vì là anh em họ mà). Ông cha đòi phải liên lạc với Tòa Án Hôn Phối, rắc rối lôi thôi. Cả gia đình con rất buồn, cho rằng ông cha làm khó dễ vì hôn thú của con và người anh họ đâu có giá trị gì đâu. Con thong dong mà, muốn lấy ai thì lấy chứ, sao lại bắt ép con và gia đình con như thế.

Xin cha cho đăng thư của con ngay trên mục thắc mắc và giải đáp của cha, vì con biết nhiều người sẽ đọc các trả lời của cha và tụi con sẽ tiếp tục dự định đám cưới vào tháng mười tới đây.

Kính chúc cha khỏe mạnh để giúp cho mọi người.

Nguyễn thị Thành

Melbourne

Thăm chị Thị Thành,

Chắc chị sống ở thành phố nhiều nên thư viết trôi chảy và rất rõ ràng, người miền quê người ta vụng về trong cách hành văn vì ít giao tiếp. Trong thư, chị không thắc mắc cho nên tôi cũng không giải đáp được, chị chỉ khiếu nại thôi. Thường khi khiếu nại thì luật định là phải khiếu nại với cấp trên. Tôi cũng không là cấp trên, thành thử cũng không xét khiếu nại của chị được. Tôi nghĩ, chắc tôi nên chia sẻ với chị vài điều trong "thư khiếu nại" này của chị.

Chị Thị Thành ơi! Ông cha đó không làm chuyện này vì bất bình với ba chị đâu. Chị đừng cho là tôi bênh ông cha đó nhá! Tôi có biết là ai đâu mà bênh! Nhưng ông cha đã trình bày với chị và gia đình, những điều hết sức rõ ràng qui định trong Giáo luật: Điều luật 1085 qui định rằng: "Một người còn bị ràng buộc bởi một hôn nhân trước, dù chưa hoàn hợp, thì không thể kết hôn hữu hiệu được...". Từ ngữ ràng buộc ở đây hiểu trong phạm vi của Giáo Hội và Giáo Luật. Chị còn bị ràng buộc do hôn nhân của chị với người anh họ kia, thành thử chị không thể kết hôn một lần khác nữa được, ông cha nói đúng.

Tôi có thể phân tích thế này để vấn đề rõ ràng hơn:

- Chị là người liên hệ trong hôn nhân với người anh họ bằng cách ký giấy hôn thú (Trước mặt đại diện chính quyền và hai người chứng, hai người đã lên tiếng đồng ý để trở thành vợ chồng, lại còn ký tên trước mặt họ để cam kết nữa). Như thế, trước mặt các cơ quan dân sự, hai người là vợ chồng, nhận định qua những việc sau: Việc bảo lãnh (chắc chắn khi làm giấy tờ, chị đã khai người anh họ là chồng và ký tên dưới lời khai đó) Tiền trợ cấp (hai người lãnh chung lúc đầu như vợ chồng, sau đó ly thân, li dị để không còn là vợ chồng nữa...). Luật pháp phán rằng đã có một thời, hai người là vợ là chồng chính thức, dù là chỉ trên giấy tờ.

- Nếu có người Công Giáo làm việc trong các cơ quan dân sự này, thì họ cũng biết hai người là vợ chồng. Hơn nữa, từ bao nhiêu thế kỷ nay, người không công giáo cũng biết rằng người Công Giáo không kết hôn lần thứ hai được, nếu chồng hay vợ họ vần còn sống, họ đâu có cần biết chị đã làm đám cưới trong nhà thờ hay không. Trong khi đó chị lại khăng khăng với họ rằng hai người thật là vợ chồng, vậy mới bảo lãnh được chứ.

- Bây giờ chị quay lại Giáo Hội và lên tiếng rằng tôi không có chồng. Hành động này của chị khiến không ai còn dám tin chị nữa: Quay sang một bên (dân sự), chị tuyên bố: Người ấy là chồng thật sự của tôi. Quay sang bên khác (Giáo Hội), chị tuyên bố: tôi chưa có chồng.

- Ông cha không muốn chị lập một gia đình tốt lành trong cái hoàn cảnh éo le ấy, bất cứ ông cha nào cũng sẽ đòi hỏi chị phải trình bày chuyện của chị và người anh họ với các chuyên viên của Giáo Hội về hôn phối và về Giáo Luật. Nếu những người này (qua Tòa Án Hôn Phối) tuyên bố chị không bị ràng buộc với người chồng có tên trong hôn thú, thì chị tự do lập gia đình, không trở ngại gì cả. Còn đây, qua cái nhìn của tôi, chị vừa là bị cáo (người đã có gia đình), chị vừa là nguyên cáo (đến trình bày, yêu cầu ông cha làm đám cưới), chị vừa là thẩm phán để phán rằng hôn phối trước không có giá trị, rồi chị lại là chánh án để kết án ông cha, vì không chịu theo ý chị. Chị Thị Thành ơi! đây là cái giá chị phải trả cho việc giúp gia đình người bác bên Việt Nam. Theo luật tự nhiên, một người không thể vừa là bị can, vừa là chánh án trong cùng một trường hợp tranh tụng được. Xin chia sẻ với chị câu cuối cùng: Ông cha đúng, và vì vậy chị ...không đúng.

Giá chị có dịp về thăm miền quê một lần cho biết chị Thị Thành nhỉ? Thân mến chào chị.

Nghi thức hôn phối cho người góa.

Kính thưa Cha Bùi đức Tiến,

Thưa cha con tên là Điệp (không phải tên thật của con đâu - xin lỗi cha). Để khỏi làm mất thì giờ của cha, con xin đề cập ngay đến vấn đề, vì chuyện của con khá dài dòng, vì Chúa, xin cha bỏ chút kiên nhẫn giúp con, chia sẻ với con hay cha có ý kiến gì khác, an ủi con và người con thương (vì cha có nhiều ý kiến lắm, người ta bảo vậy.)

Thưa cha. con đã có một đời chồng. Chúng con làm đám cưới cách nay gần 10 năm. Chẳng may, chồng con bị thiệt mạng trong một tai nạn xe hơi sau hơn hai năm chung sống. Chúng con chưa có đứa con nào cả. Buồn chán vì gia đình gẫy gánh, tình yêu còn mang nặng trong trái tim côi, nên con đã quyết định không bước thêm một bước nào nữa, âm thầm ôm hình ảnh của người tình và người chồng đầu tiên trong đời, mặc dù có những thanh niên cũng theo đuổi, tỏ tình, con đều cự tuyệt. Sự từ chối thường thì tàn nhẫn, nhưng cũng có trường hợp con thú nhận rằng con cũng xúc động lắm, khi nhìn thấy những người chung quanh có đôi có lứa. Thưa cha năm nay con 31 tuổi. Con tưởng như mình sẽ giữ mãi được như thế, nhưng thời gian cha ạ! Nó thay đổi hết. Hình ảnh của anh con (người chồng cũ - con vẫn gọi anh như thế) dần dần mờ nhạt. Chắc anh con không còn thương con nữa cha ạ! Vì vậy mà anh bỏ con ra đi...Xin lỗi cha, con khóc...

Thưa cha, hai năm nay, con có "hẹn hò" với một người bạn trai. Anh này có đủ tư cách, ngang hàng, hay có điểm còn hơn "anh con" nữa. Chúng con hoàn toàn không có dính dáng gì đến những chuyện vớ vẩn khác, hoàn toàn là tình cảm trong trắng. Anh ấy kính trọng con, và chính vì vậy, nên con thương anh, và con cũng thấy trái tim mình rung động cùng một nhịp điệu như hồi xưa.

Cách nay hơn một tháng, con đồng ý nhận lời cầu hôn của anh ấy. Cũng xin thêm với cha, anh ấy là con trai duy nhất trong một gia đình rất đạo đức. Việc xúc tiến hôn nhân này, chúng con gặp khó khăn: Gia đình anh ấy đạo đức, lại chỉ có một người con trai. Họ hàng đông đúc tại Úc và Mỹ nữa. Anh ấy lại lập gia đình muộn (34 tuổi). Cả gia đình đều nghĩ tới chuyện tổ chức một đám cưới thật linh đình. Nhưng khổ nỗi, con đã lập gia đình một lần rồi, người ta bảo con không được làm phép hôn phối nữa, mà chỉ được phép giao thôi. Ba mẹ anh ấy và chính anh ấy buồn lắm, mà vì thương con, nên anh ấy bảo: Phép Giao hay phép Cưới gì cũng được, miễn là anh có em trong tình yêu và gia đình chúng ta được Chúa chúc lành. (Con lại khóc cha ạ!), phép giao hay phép cưới thì cũng làm trong nhà thờ, có cha, có Chúa, chẳng sao. Anh lại còn khuyên con nữa. Đáng lẽ con phải khuyên anh ấy mới phải, phải không cha.

Hay là cha biết luật, cha giúp tụi con làm đám cưới đi. Hay có chỗ nào trong luật cho phép tụi con được làm phép cưới? Tụi con tạ ơn cha muôn vàn. Dù là ở tiểu bang khác, con sẵn sàng đài thọ phí tổn để cha đến giúp và tụi con để hoàn toàn cho cha định ngày theo sự bận rộn của cha. Con biết cha bận rộn lắm.

Chúng con mong tin Cha.

Điệp.

Cô Điệp ơi! Cũng chỉ vì không thấu hiểu giáo lý của Giáo Hội mà bây giờ phải lo lắng, lắng lo. Lại không chịu đến với các Linh mục địa phương mà trình bày để xin cắt nghĩa, thành thử ra bây giờ mới loạn xà ngầu lên. Bây giờ sửa soạn mà học giáo lý đi nghe cô! Chuyện như thế này:

Hiểu theo thói quen sinh hoạt tôn giáo Việt Nam thì Phép Giao là khi Bí tích Hôn Phối cử hành ngoài Thánh lễ Misa. Phép Cưới là khi Bí tích Hôn Phối cử hành trong Thánh Lễ Misa. Có thế thôi. Nhưng thường thì người Việt Nam luôn luôn muốn cử hành Phép Cưới, nghĩa là khi lấy nhau thì phải cử hành Bí tích Hôn Phối trong Thánh lễ kìa, còn không có Thánh lễ mà chỉ có Bí tích Hôn Phối không thôi, thì người ta không ...vui.

Bí tích Hôn Phối là một giao ước được ký kết giữa hai người nam nữ đã được rửa tội. Sự ràng buộc hôn nhân là sự ràng buộc vĩnh viễn hai người liên hệ cử hành Bí tích trong suốt đời sống của hai người. Khi một trong hai người "khuất núi" (người ta gọi vậy cho nó có vẻ kính trọng người chết một chút), thì giao ước bị xóa đi. Có nghĩa là người còn "bên này núi" không còn ai để ràng buộc nữa. Do đó, người này có tự do để thực hiện Bí tích Hôn Phối một lần nữa, trong Thánh lễ hay ngoài Thánh lễ tùy ý. Không có luật nào qui định rằng người đã thực hiện Bí tích hôn phối trong Thánh Lễ một lần rồi, nay người phối ngẫu quá vãng, lại không được thực hiện Bí tích Hôn Phối một lần nữa trong Thánh Lễ.

Như thế tưởng đã trả lời quá rõ cho cô Điệp rồi. Cứ đến ngay với các Linh mục địa phương nơi mình cư ngụ, trình bày với Ngài về hoàn cảnh và "a-lê-hấp" làm phép cưới vui vẻ. Về việc cái phí tổn đài thọ cho Cha Tiến, xin tặng lại cho hai người làm quà cưới. Thân chúc hai người hạnh phúc trong tình yêu Chúa Kitô.

Hôn phối với người ngoại đạo đã ly dị.


Trả lời thắc mắc của chị Bùi thị Thọ, 

Chị không muốn đăng thắc mắc của chị lên báo thì cũng được thôi, nhưng thường những thắc mắc và những giải đáp có thể trùng hợp với những ưu tư của những người khác nữa. Nếu cho đăng thắc mắc với lời giải đáp kèm theo thì nhiều người có thể nhân đó mà mở mang kiến thức, biết đâu, thắc mắc của chị có người đang định gửi đến tòa báo Dân Chúa thì sao. Nhưng tôn trọng ý kiến của chị, thay vì đăng thư của chị rồi mới giải đáp, lần này, tôi giải đáp xong rồi mới đăng thư chị, như thế là "điệu" lắm rồi! Phải không chị Thọ? Trước khi trả lời chị, tôi xin xác nhận rằng một hôn phối đã thành sự (Thiên Chúa đã liên kết) thì không bao giờ được phân ly. Sau đây là phần giải đáp: 

Giáo hội Công Giáo công nhận là Bí tích Hôn Nhân, khi hôn phối được cử hành giữa hai người đã được rửa tội. 

- Nếu cả hai người đã rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo thì Bí tích chỉ thành sự khi được cử hành với sự hiện diện của đại diện hợp pháp của Giáo Hội (Giám Mục, Linh Mục hay Phó tế) và hai nhân chứng. 

- Nếu cả hai người đã rửa tội trong các giáo hội không phải là Công Giáo thì Bí tích thành sự khi cử hành ở những nơi khác. 

- Hôn phối giữa một người Công Giáo và một người chưa bao giờ rửa tội dù cử hành trong nhà thờ vẫn không phải là Bí tích Hôn nhân, nhưng thành sự. 

Giáo Hội Công Giáo, công nhận là thành sự (dù không phải là Bí tích), những hôn phối dân sự đã cử hành giữa hai người ngoại đạo. 

Do đó, thắc mắc của chị được giải đáp thế này: 

Những người ngoại đạo, đã có vợ con không thể li dị vợ con để lập gia đình khác, dù là sau đó rửa tội để lấy người Công Giáo. Giáo Hội không đồng lõa với việc làm trái phép này, vì hôn phối trước của họ vẫn được Giáo Hội công nhận là thành sự. 

Tương tự như vậy với những người Công Giáo, không thể li dị vợ con để lập gia đình khác được. 

Những người trong hai trường hợp a và b trên đây chỉ có thể thực hiện hôn phối một lần nữa (dĩ nhiên là với một người vợ hay chồng khác) khi đã được Tòa Án Hôn Phối của Giáo Hội, sau khi điều tra cẩn thận, tuyên bố bằng án từ chung quyết phán rằng hôn phối trước kia của họ không thành sự. 

Riêng về trường hợp của chị, chị không thể thực hiện hôn phối với người bạn ngoại giáo đã có gia đình, dù anh ấy sẵn sàng li dị vợ và chấp nhận mọi điều kiện do Giáo Hội Công Giáo đòi hỏi, kể cả việc rửa tội. Giáo hội không đồng lõa với chị về việc khuyến khích anh ấy bỏ rơi vợ con anh ấy, dù là không yêu thương...trái với lẽ công bằng và bác ái. Chưa kể rằng chị và vợ con của anh ấy quen biết, bạn bè nhau nữa. Tình bạn này sẽ ra sao khi chị lấy chồng và cha của họ? 

Rồi chị lại muốn náu thân nơi cửa từ bi...tôi khuyên chị không nên, vì chị là người Công Giáo và vì cửa từ bi thường để chỉ nhà Chùa thuộc về Giáo Hội Phật Giáo. 

Tôi chẳng dại gì mà...chửi chị, vì bận lắm, không có thì giờ đi xưng tội. Mến chúc chị Thọ nhiều Phúc Lộc. 
  
 
Câu hỏi của chị Bùi thị Thọ 

Kính thưa Cha, Con có một vài thắc mắc muốn nhờ cha giúp vì có liên quan chút ít đến đạo Công Giáo. 

Con theo đạo Thiên Chúa khi con lập gia đình cách nay khoảng 12 năm, chồng con đã qua đời cách nay hai năm, lúc con 32 tuổi. Con ngần ngại không muốn bước thêm, phần vì con không muốn bị ràng buộc, phần vì họ hàng con nói là phận gái chồng chết thì phải thờ chồng nuôi con, cháu gái năm nay 10 tuổi. Con lại lo sợ sau này con gái con đi lấy chồng thì lúc đó con lại đơn độc lần nữa. Con không biết phải làm sao. Hiện tại cũng có vài người muốn tiến tới hôn nhân với con, nhưng con không chấp nhận vì họ là người Công Giáo đã li dị với vợ - còn một người không phải là Công Giáo nhưng họ lại có vợ rồi. Người vợ này do gia đình họ lựa chọn mà anh ta không hề yêu thương! Anh ấy sẽ bằng lòng theo đạo Công Giáo nếu con chịu lấy anh ta và điều kiện gì của đạo anh ấy cũng chấp nhận. Con chỉ có cảm tình với anh ta và coi như bạn bè. Anh ấy đã giúp đỡ chúng con rất nhiều từ vật chất đến tinh thần từ ngày chồng con còn sống đến nay. Con không muốn bị ràng buộc nữa, nhưng con không biết cuộc đời sẽ trôi về đâu khi mình mãi nhận sự giúp đỡ, con chỉ muốn về Việt Nam sống có cha mẹ, anh chị em đầy đủ. 

Đôi khi con suy nghĩ về đạo Công Giáo sao khó khăn không đúng chỗ và mâu thuẫn kỳ cục cha ạ! Như trường hợp giống như bạn con lấy một người ngoại đạo họ có vợ con đàng hoàng, rồi họ bằng lòng bỏ vợ con để lấy bạn con (Công Giáo), rồi hai người vẫn hiên ngang được lên nhà thờ làm đám cưới rình rang. 

Còn những người Công Giáo đã có gia đình rồi mà họ chẳng may cơm không lành, canh không ngọt, hai người không thể ở chung một mái nhà nữa họ li dị. Sau đó theo như luật đạo thì họ phải ở vậy suốt đời, nếu họ có lấy thì coi như đã trái luật đạo (thì họ sẽ bị trầm luân dưới hỏa ngục đời sau). Theo con nghĩ, không tạo được hạnh phúc trên trái đất thì cũng khó để vào nước trời sau này. Những người li dị như vậy thì theo luật Giáo Hội thì họ nên làm gì...(lấy vợ ngoại hôn chăng?). Riêng con xin cha chỉ dạy cho con một hướng đi nào bớt phiền lụy hơn. Con bây giờ cũng tối tăm lắm, con lại muốn náu thân nơi cửa từ bi. 

Xin cha đừng viết thư con lên báo tốn công và giấy mực. Cha cứ giải thích rõ ràng và chỉ dạy cho con càng dài càng tốt, cha đừng chửi con. Con xin đội ơn cha. 


Bùi thị Thọ.

Thủ tục "tháo gỡ" của Tòa án hôn phối.

 

Kính gửi Cha, 
Con có một vài suy nghĩ và thắc mắc, nếu có thể được, xin Cha vui lòng giải đáp. 
- Điều kiện ắt có và đủ trong việc hóa giải hôn nhân (trong đạo Công Giáo) 
- Tiến trình theo thủ tục pháp lý (Công Giáo) trong việc hóa giải Bí tích Hôn nhân. 
- Mẫu đơn viết đệ trình lên Tòa An Công Giáo - Địa chỉ của Tòa tại Brisbane. 

Con thành thật cám ơn Cha và nguyện xin Thiên Chúa trả công và ban phước lành cho Cha. 


Con, Thái Nguyên.


 

Cám ơn Anh Thái Nguyên, 

Tôi thích cái cách viết thư ngắn gọn và đủ ý nghĩa như lá thư anh gửi đề ngày 10-4 này. Nhưng cái ngắn gọn của anh phân tích ra thì dài đòng văn tự lắm, bởi vì trừ câu hỏi thứ ba ra, còn hai câu hỏi trên nếu muốn trả lời cho đầy đủ thì có thể phải là cả một cuốn sách. Và điều may mắn là một cuốn sách như vậy đã được in và phát hành cách nay hơn một năm. Cuốn sách có tựa đề là TÒA ÁN HÔN PHỐI VÀ VIỆC THÁO GỠ HÔN NHÂN CÔNG GIÁO, tác giả Lm. Jos. Bùi-đức-Tiến. Sách dày 130 trang, giá bán $5.00 (nếu muốn gửi đi xa thì kèm thêm cước phí bưu điện). Địa chỉ mua sách: 576 Victoria Pde, East Melbourne, Vic. 3002. 

Trong đó, anh sẽ tìm thấy câu trả lời về những điều kiện ắt có và đủ trong việc tháo gỡ một hôn phối đã được cử hành theo nghi thức Đạo Công Giáo. Tiến trình theo thủ tục pháp lý cũng được tóm tắt cách đầy đủ trong phần "Những thắc mắc thông thường." trong cuốn sách đó. 

Riêng về phần mẫu đơn thì mỗi tòa án địa phương có những mẫu đơn khác nhau, cũng như mỗi trường hợp hôn phối lại xử dụng những mẫu đơn khác nhau nữa, tùy vào hà tì (defects) của hôn phối đó. Họ chỉ trao cho anh mẫu đơn của họ sau khi những hà tì này đã được xác định. Sau đây là địa chỉ của Tòa An Hôn Phối tại Brisbane: 


The Tribunal of the Catholic Church,

Box 1726, Brisbane, 4001.


Thân chúc anh luôn dồi dào ơn Chúa. 

Giáo lý Dự bị hôn nhân có cần không?


Kính thưa Cha, 

Con xin cha làm ơn giải đáp dùm con một vài thắc mắc về vấn đề đạo nghĩa đang làm cho con bận tâm và bực tức. Con xin đi ngay vào vấn đề để khỏi làm mất thời giờ của Cha. 

Thưa Cha, con đã ở Úc được hơn mười năm, gia đình con ở xa nhà thờ Việt Nam, nên chúng con đi lễ Chúa Nhật ở các nhà thờ Úc gần nhà trong suốt khoảng thời gian này. Nay con sắp sửa lập gia đình, người hôn thê của con cũng là Công Giáo và đang sinh hoạt tại một nhà thờ Việt Nam gần nhà cô ta. Khi đề cập đến vấn đề lễ cưới trong nhà thờ thì chúng con gặp trở ngại. Ông cha nhà thờ Việt Nam yêu cầu hai đứa phải theo lớp giáo lý tiền hôn nhân theo định kỳ đã sắp sẵn, mà định kỳ này hoàn toàn không thích hợp với hoàn cảnh của hai đứa. Vì vậy, hai đứa con gặp "trouble". 

Con nói chuyện với bạn bè là người Công Giáo Úc, đứa nào cũng ngạc nhiên và bảo rằng ông cha Việt Nam của mày "funny", người Úc không cần theo giáo lý hôn nhân gì cả. Một trong những bạn Việt Nam của con mới làm đám cưới do một cha Việt Nam cho biết rằng nó mới làm đám cưới mà không cần học giáo lý gì cả...Thưa cha, con đã tốt nghiệp Đại học ngành xã hội học, những vấn đề gia đình con đều đã học hỏi và nghiên cứu qua. Con đều đặn đi lễ Chúa Nhật và các ngày lễ trọng theo luật của giáo hội. Thắc mắc của con như sau: 

Tại sao người Công Giáo Việt Nam phải theo lớp giáo lý tiền hôn nhân? 

Tại sao lại có những trường hợp người Công Giáo Việt Nam làm đám cưới mà không cần theo lớp giáo lý này? 

Tại sao người tín hữu Úc không cần phải theo lớp giáo lý mà vẫn làm đám cưới được? 

Xin cha giải đáp cho con và con tin nhiều người Việt Nam khác cũng đang thắc mắc giống như con vậy. Chúc cha thành công. 


Trần L.


 

Anh Trần L. thân mến, 

Tôi xin trả lời anh những câu hỏi như anh đề cập trong thư để khỏi làm mất thì giờ của anh và của tôi nữa. 

Tại sao người Công Giáo phải theo lớp giáo lý tiền hôn nhân? 

Bộ Giáo luật trong phần về Bí tích Hôn phối đã dành ra cả một chương để đề cập đến "Sự săn sóc mục vụ và những việc phải làm trước khi cử hành hôn phối", từ điều 1063 đến điều 1072. Giáo luật đề cập chi tiết đến việc huấn luyện giáo lý thích hợp về ý nghĩa của hôn nhân Kitô giáo, về nghĩa vụ vợ chồng, về bổn phận và trách nhiệm của cha mẹ Công Giáo, về đời sống mới trong bậc gia đình, về việc cử hành Bí tích Hôn phối và về tính cách bền vững và trung thành của bậc sống vợ chồng v.v... 

Người chịu trách nhiệm về sự săn sóc mục vụ này là các Cha Sở hay các Linh mục đã được trao cho vai trò mục vụ. Khi xét về vấn đề này, đây là một gánh nặng khá nặng nề cho các linh mục. Nặng nề về thời gian, nặng nề về khả năng: làm sao có thì giờ và khả năng thích hợp đủ để hướng dẫn thanh niên thiếu nữ thời nay với một cấp độ kiến thức văn hóa đôi khi cao hơn ngay cả các linh mục nữa, như trường hợp của anh chẳng hạn: tốt nghiệp đại học về xã hội học...nhưng vì trách nhiệm, các linh mục vẫn phải "gồng mình" thi hành và "gánh chịu" những "phê bình" của một số người kém hiểu biết. 

Tại sao lại có những trường hợp người Công Giáo Việt Nam làm đám cưới mà không cần theo lớp giáo lý này? 

Thường một đôi hôn phối cần chu toàn các qui định trước khi thực hành Bí tích, nhưng có thể có những trường hợp đặc biệt nào đó (có thể thuộc lãnh vực toà giải tội, không thể công khai hoá được) qua sự phán đoán và thu xếp của linh mục chủ sự. Đề nghị anh nên tiếp xúc trực tiếp với những người liên hệ, có lẽ anh sẽ được giải thích tường tận hơn về một vài trường hợp đặc thù nào đó. 

Tại sao người tín hữu Úc không cần phải theo lớp giáo lý mà vẫn làm đám cưới được? Xin thưa rằng việc theo hay không theo khóa hướng dẫn giáo lý tiền hôn nhân không phải là một yếu tố cần thiết để hôn phối thành sự hay không thành sự, không theo khóa giáo lý vẫn làm đám cưới được như thường. Nếu anh chịu khó tìm hiểu kỹ hơn anh sẽ thấy Giáo Hội Công Giáo ở Úc mong muốn có dịp hướng đẫn thanh niên thiếu nữ Úc về vấn đề tiền hôn nhân, nhưng tự do quá trớn và luân lý thời thượng đã lôi họ vượt khỏi vòng tay yêu thương của Giáo Hội. Giáo Hội buồn mà nhìn con cái vuột khỏi tầm tay. Thậm chí, có người đang tự hỏi rằng có phải vì những vấn đề thiếu sót tương tự mà tỉ lệ gia đình tan vỡ tại Úc cao hơn không? Hỏi là tự trả lời rồi vậy. 

Xin được gửi những chia sẻ trên với nhiều người Việt Nam khác (như anh viết) đang có những thắc mắc tương tự. Chúc anh thành công. 

Lập gia đình với người ngoại, bỏ đạo.


(thư này đã được sửa lại cho gọn ghẽ và dễ hiểu)


Thưa linh mục Bùi đức Tiến, 

Lá thư này tôi nhờ đứa cháu nó viết, vì gần đây tôi không nhìn rõ nữa, mà có lúc nhìn rõ thì tay run nhiều không viết được. Xin linh mục thông cảm cho tôi. Tôi có thắc mắc như sau xin linh mục giải đáp. 

Tôi là người Công Giáo, rửa tội lúc còn nhỏ, nhưng từ khi lập gia đình, cách nay gần 40 năm, thì tôi không đi nhà thờ nữa, đám cưới cũng không làm trong nhà thờ. Vợ tôi, các con tôi đều không phải là người Công Giáo. 

Cách nay gần một năm, tôi được cho biết là gan tôi bị nhiễm ung thư và thời gian còn lại của tôi là khoảng hai năm. Sự lo sợ và chán chường xâm chiếm tôi, cộng thêm với những đau đớn thể xác khiến đôi lúc tôi đã nghĩ đến việc tự kết liễu đời mình. Nhưng cách nay không lâu, tôi đã nghĩ đến Chúa và việc tôi đã xa Chúa quá lâu (gần 50 năm trời), không biết Chúa có còn nhớ tới tôi nữa không? Tôi không buồn, vì đây là lỗi của tôi, nhưng tôi lo sợ đến sự siêu thoát của linh hồn tôi sau này. Không lúc nào tôi lo lắng về sự siêu thoát cho bằng lúc này. Gia đình tôi rất thương tôi, nhưng vì không ai là người Công Giáo cả, nên khi tôi chết chắc chắn họ sẽ hỏa thiêu tôi theo lễ nghi đạo phật (tụng kinh và cầu siêu trong chùa!). Vậy: 

Chúa có còn nhớ tôi không? Dấu hiệu nào cho biết Chúa còn nhớ tôi? 

Không chôn cất theo lễ nghi Công Giáo tôi có được siêu thoát không? 

Nếu hỏa táng, xác của tôi có được sống lại sau này không? 

Xin linh mục giải đáp dùm tôi để tâm hồn tôi được thanh thản trong những ngày cuối cùng của cuộc đời. 


NBG. Sydney.


 

Kính Bác NBG, 

Tôi xin cảm phục sự can đảm của Bác, nói về những ngày cuối cùng của chính mình như nói về chuyện của người khác. Từ đó, tôi cảm nhận thật sự được sự lo âu về phần thiêng liêng của Bác. Tôi xin được chia sẻ với Bác những ray rứt lo âu qua các câu hỏi bác gửi tới: 

Chắc chắn Chúa luôn luôn nhớ tới Bác, không những bây giờ mà còn trong suốt khoảng thời gian gần 50 năm qua. Dấu hiệu để bác nhận được rằng Chúa vẫn còn nhớ tới bác đó là Chúa đã nhắc nhở cho Bác để bác nhớ đến Ngài. Cụ thể hơn là việc Chúa giúp Bác viết thư này đến tôi để chúng ta chia sẻ với nhau vài điều liên hệ như bác đề cập trong thư. 

Việc siêu thoát thuộc lãnh vực thiêng liêng, phần hồn. Những dấu hiệu, nghi lễ cần thiết (nếu thật sự cần thiết) là dấu hiệu, nghi lễ của các Bí tích được thực hiện hay lãnh nhận khi còn sống, lúc linh hồn còn ở trong thể xác. Sau khi linh hồn lìa khỏi xác rồi, người ta có thể chôn cái xác đó sâu vào lòng đất hay thiêu hủy nó đi. Một người có thể không được siêu thoát vì những lý do khác chứ không một ai không được siêu thoát vì không được chôn cất theo lễ nghi Công Giáo. 

Hỏa táng đã bị Giáo Hội kết án và cấm đoán một khoảng thời gian dài để chống lại một bè rối phát xuất từ Âu châu. Bè rối này bác bỏ tín điều cho rằng xác thân của con người sẽ được sống lại, họ quảng bá việc hỏa táng để tuyên truyền rằng dù là Thiên Chúa cũng không thể gom góp bụi tro sau khi hỏa táng để làm cho một người sống lại phần xác được. Giáo Hội cấm đoán hỏa táng vì bè rối này. Nhưng nếu không vì lý do chống lại việc thân xác sống lại thì người ta có thể hỏa táng sau khi chết. Trong Sách Nghi Lễ An Táng có soạn sẵn lời cầu nguyện trong trường hợp khi hỏa táng. Trong Bộ Giáo Luật (điều 1176,3) xác định như sau: Giáo Hội không cấm hỏa táng, trừ khi nào sự hỏa táng được chọn lựa vì những lý do trái ngược với đạo lý Kitô giáo. Trong Bộ Sách Giáo Lý mới xuất bản lập lại điều luật 1176 này của bộ Giáo luật (SGL.2301) 

Tóm lại, Bác không có gì phải lo lắng băn khoăn trong lúc này, điều cần thiết là lo dọn tâm hồn cách xứng đáng, để đến giây phút cuối cùng, linh hồn được Chúa đón về Thiên quốc, còn xác thân này sẽ trở về bụi tro nơi nó được tạo thành để chờ ngày Chúa dùng quyền năng vô biên của Ngài cho nó sống lại trong vinh quang. Chúc bác an bình, tôi sẽ cầu nguyện cho Bác nhiều. Kính. 

Hôn phối khác đạo.



Kính thưa Cha, 

Con tên là Nguyễn thị TL, đạo dòng, hiện ngụ tại Sydney. Con ở bên Úc được năm năm và chỉ có một mình, gia đình ba má anh chị em còn ở Cần thơ, Việt Nam. Con sắp sửa lập gia đình vào đầu năm tới. Người hôn phu của con không phải là người Công Giáo, anh ấy theo đạo Cao đài. Anh ấy có cả gia đình bên Úc và đó là khó khăn của con: Gia đình không chịu cho anh ấy theo đạo Công Giáo. Lúc đầu, gia đình còn bắt ép con phải bỏ đạo Công Giáo nữa, nhưng con không đồng ý và bây giờ gia đình anh ấy đã thỏa thuận đạo ai người ấy giữ. 

Gia đình anh ấy không chịu đến nhà thờ làm đám cưới, con phải làm sao? 

Gia đình anh ấy không chịu cho những đứa con sau này rửa tội theo đạo Công Giáo, con phải làm sao? 

Gia đình con chắc không chịu cho con lập gia đình với anh ấy, con phải làm sao? 

Xin cha giải đáp mau mau dùm con. 

Xin cám ơn Cha. 


Nguyễn thị TL.


 

Tội nghiệp cô Nguyễn thị TL đạo dòng, người Cần thơ. Cha mẹ, anh em không có ở đây để góp ý trong hoàn cảnh éo le này. Yêu thương làm chi để mà khốn khổ, lập gia đình làm gì để mà rắc rối lo âu? 

Người ta vẫn thường nói rằng tình yêu không phân biệt tuổi tác, ngôn ngữ màu da, phong tục, tôn giáo v.v...Nhưng đó là người ta chỉ nói thôi, còn khi lâm vào vòng rồi, mới thấy những vấn đề này không phải đơn sơ như nói vậy. Lúc đầu gia đình anh ấy còn bắt ép TL bỏ đạo Công Giáo của mình nữa, nhưng TL không đồng ý và bây giờ gia đình anh ấy đã thỏa thuận đạo ai người nấy giữ: như thế là đã có một bước tiến rồi. Hễ không đồng ý là có thể có một bước tiến. TL thử không đồng ý thêm nữa coi sao, xem có một bước tiến nào nữa không? Nếu không thì yêu là hy sinh TL ạ! 

Tôi xin giúp ý kiến (chứ không giải đáp) từ câu hỏi thứ ba ngược lên câu một: Nếu gia đình TL không chịu cho TL lập gia đình với anh ấy thì có ba cách giải quyết: (TL phải chọn một, không ai chọn thay cho TL được đâu.) 

Nghe theo gia đình, không lập gia đình với anh ấy. 

Cãi lại gia đình, lập gia đình với anh ấy. 

Lập gia đình với anh ấy và dấu không cho gia đình biết (vì gia đình mãi ở Cần thơ, Việt Nam cơ mà, làm sao họ biết được!) 

Trả lời câu hỏi 2: Ngày nay theo qui định cho một hôn phối khác đạo, bên đạo chỉ cần hứa sẽ cố gắng hết sức mình để cho con cái sau này được rửa tội. Điều này không bắt buộc phía bên không Công Giáo phải tuân theo. Thành thử trước khi thật sự bắt đầu cuộc sống chung, hai người nên thỏa thuận rõ ràng về việc này để tránh tình trạng xung đột, khó khăn giữa hai vợ chồng sau này khi có con cái. 

Trả lời câu hỏi 1: Hôn phối thực hiện giữa hai người mà một người là Công Giáo và người kia chưa bao giờ được rửa tội không phải là Bí tích. Khi làm đơn xin phép chuẩn khác đạo, có thể xin thêm một phép chuẩn về việc hôn phối sẽ không được thực hiện trong nhà thờ. Điều cần thiết là TL thuyết phục được người chủ sự (Linh mục hợp pháp hay Phó tế hợp pháp) đồng ý đứng xin phép chuẩn này. 

Kể ra thì khá rắc rối trong hoàn cảnh của TL, nhưng yêu thì phải chịu. Người ta bảo khi yêu thì năm sáu sông cũng lội, vạn đèo cũng qua cơ mà. Mến chúc TL dzui và biết phải làm sao! 

Tu là cõi phúc, tình là giây oan?


Kính gửi Cha, 

Thưa Cha, đây là câu hỏi mà đấng nam nhi đã đặt ra, nhưng con không thể giải đáp ấy cho họ. Ấy cũng là chuyện nối gót theo Cha, đáng tiếc họ là những người có gia đình và có người yêu cả, chắc là không giống cha thời xưa cách đây khoảng vài chục năm. 

Kính thưa cha, người có gia đình đã hỏi một vấn đề họ không còn muốn sống một phòng mà nhiều người, chỉ một phòng một người. Nên chỉ có cách là đi tu, và họ đã được phép vợ con họ đồng ý về chuyện chồng và cha họ muốn. 

Mặt khác các cậu trẻ đang có người yêu rất là tình tứ họ cũng có những ý nghĩ như trên. 

Cả hai tình trạng trên đều đưa ra lời Chúa dạy như sau: Ai theo Ta thì hãy bỏ hết tất cả mà theo Ta. Họ đã bỏ vợ con và người yêu, sao nghe rất là tội nghiệp cho những bà vợ và cô nàng trong cuộc đời yêu nhau. Sợ sau này theo Chúa lại bỏ Chúa như vậy thì khỏ giải quyết quá cha nhỉ! Nhưng con biết cha là người hiểu thấu về luật Giáo hội, xin cha giải thích rõ cho những đấng ấy có được phép đi tu, và họ có gặp khó khăn gì không? Cám ơn Cha, xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho Cha. 


Melbourne.


 

Thăm bạn TTT, 

Thật ra, sau khi đọc thư của bạn, tôi không hiểu rõ lắm là bạn muốn đề cập đến vấn đề gì? Dùng hết khả năng về thông dịch, tôi tạm "dịch" thư bạn như sau: Bạn muốn hỏi rằng: 

Những người đang là chồng là cha trong gia đình có thể từ bỏ vợ con họ để đi tu làm linh mục được không? Bạn nhắc đến giáo luật, tôi cũng xin giải đáp theo giáo luật vậy. Điều luật 1041 phần 3 của Bộ Giáo luật hiện hành qui định rằng: "người đã kết hôn, cho dù chỉ kết hôn dân sự .. nếu chịu chức thánh (giám mục, linh mục hay phó tế) là "bất hợp luật". 

Có nhiều chủng viện trên thế giới đã nhận được đơn xin theo tu học của những người đã kết hôn, nhưng chủng viện chỉ nhận họ sau khi hôn phối của họ đã được Tòa Án của Giáo hội tuyên bố vô hiệu. Trong hoàn cảnh này, trước khi thật sự thâu nhận họ, những người có trách nhiệm cần phải liên hệ với Tòa Án để tìm biết nguyên nhân của việc bất thành sự của hôn phối họ đã cử hành. Điều luật 1042 phần 1 của Bộ Giáo luật hiện hành qui định rằng: "Việc một người nam đang có đôi bạn là ngăn trở đơn thường không được chịu chức, trừ khi được tiến cử lên chức phó tế vĩnh viễn." 

Như thế, một người nam đã kết hôn (dù hôn phối của họ không hữu hiệu, nhưng chưa được tuyên bố) và người phối ngẫu vẫn còn sống. Theo giáo luật hiện hành không thể nào lãnh nhận chức thánh và lãnh nhận cách hợp pháp được (trừ chức phó tế vĩnh viễn), chưa kể đến việc trách nhiệm của họ phải chu toàn với vợ và con cái họ xét về các phương diện vật chất và luân lý. 

Những thanh niên đang có người yêu có thể từ bỏ người yêu để đi tu làm linh mục được không? 

Xét về phương diện ràng buộc thực tế thì người yêu là "nothing", không bị ràng buộc gì cả, trừ khi giữa hai người đã có đính hôn, đính ước theo một nghi thức được xã hội chấp thuận. Như thế, nếu một thanh niên đang có người yêu dù là người yêu tình tứ, hiểu theo đúng nghĩa cao đẹp của ngôn từ và không đi xa quá phạm vi luân lý, rồi bây giờ thấy tình yêu giữa họ với Chúa mạnh mẽ hơn, họ có thể hiến thân đi tu làm linh mục. Chỉ cần nói "sorry" với người yêu đó thôi, không gặp khó khăn gì cả! Có khó khăn chăng là khó khăn trong tinh thần, trong tâm hồn họ và khó nhất là làm sao quên đi được "hình ảnh ấy" trong cuộc đời mình và thay vào là hình ảnh của một người yêu khác là Thiên Chúa. 

Cuối cùng, bạn cũng chẳng nên tội nghiệp những người vợ và các cô nàng làm gì, bởi vì theo tôi nghĩ những chuyện rắc rối tơ tằm đó khó xảy ra lắm. Mong rằng tôi đã trả lời đúng ý của bạn muốn. Bye bye.

Con cái của một hôn phối khác đạo.


Kính thưa Cha, 

Trong phần cha trả lời cho Nguyễn thị TL (số 10) về vấn đề rửa tội hay không rửa tội cho những đứa con sinh ra trong một hôn phối khác đạo, con không đồng ý với cha về phần câu trả lời: "Điều này không bắt buộc phía bên không Công Giáo phải tuân theo..". Thưa cha như vậy những đứa con ấy sau này sẽ ra sao? Giáo hội có văn kiện nào rõ ràng qui định điều này không hay chỉ là do ý kiến cá nhân của cha thôi? 

Con biết hỏi như vậy có thể "hurt" cha, nhưng con phải nói lên những điều con suy nghĩ và thắc mắc. 

Nếu cha không buồn con, xin cha trả lời cho con, please! 


Văn Tâm, Adelaide.


 

Thăm bạn Văn Tâm, 

Cám ơn bạn về sự thành thật giải bày trong lá thư gửi cho tôi, thật khó tìm được những người "honest" như bạn. Giả có đi chăng nữa, họ cũng sẽ gài rằng có người đến hỏi rằng, có người thắc mắc rằng v.v.. chứ không nêu tên thật của mình ra như bạn. Đáng yêu thay. Để đáp lại tấm thịnh tình của bạn, tôi xin trả lời đầy đủ như sau: 

"Điều này không bắt buộc phía bên không Công Giáo phải tuân theo..". 

Theo Giáo Luật chung trước năm 1970, nếu hai người mà chỉ một người là Công Giáo, muốn thực hiện hôn phối theo nghi thức Công Giáo thì cả hai người phải ký giấy cam đoan trước mặt linh mục chủ sự hôn phối rằng những đứa con sẽ được sinh ra do hôn phối khác đạo của họ sẽ được rửa tội và dạy dỗ trong tinh thần Công Giáo. Đó cũng là điều kiện để Giáo hội ban phép chuẩn cho hôn phối được thực hiện hợp pháp và thành sự. 

Năm 1970, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI qua văn kiện Matrimonia Mixta đã ấn định lại như sau: 

- Phía bên không Công Giáo không phải thề hứa hay ký giấy tờ gì liên can đến việc rửa tội hay không cho con cái sẽ sinh ra sau này. 

- Phía bên Công Giáo phải ký hai loại cam đoan liên hệ đến tôn giáo: 

(1) Thề hứa sẽ gìn giữ và trung thành với đức tin Công Giáo họ đang có. (2) Thề hứa sẽ cố gắng hết sức trong việc rửa tội và giáo dục con cái theo giáo huấn của Giáo hội Công Giáo cho những đứa con sẽ có sau này. 

Vì người không Công Giáo không phải ký một giấy tờ gì liên hệ đến vấn đề này, nên vị chủ sự hôn phối phải ký một tờ giấy xác định rằng hai lời cam đoan của phía bên Công Giáo đã được thông tri cho bên không Công Giáo. Xin nhớ chỉ thông tri cho bên không Công Giáo mà thôi. 

Như vậy những đứa con ấy sau này sẽ ra sao? Những đứa con ấy sau này sẽ là người Công Giáo, nếu trước đó chúng đã được rửa tội và ngược lại, chúng sẽ không là người Công Giáo, nếu chúng đã không được rửa tội. 

Giáo hội có văn kiện nào rõ ràng qui định điều này không hay chỉ là do ý kiến cá nhân của cha thôi? Văn kiện đã được đề cập ở trên, đó là văn kiện "Matrimonia Mixta" do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành năm 1970. 

Những giải đáp trong mục này, như tiêu đề, đã được căn cứ trên Giáo Luật và các sắc lệnh chính thức của Giáo hội liên hệ, không phải là ý kiến cá nhân. Ý kiến cá nhân nếu có, sẽ được ghi chú ngay bên cạnh. 

Con biết hỏi như vậy có thể "hurt" cha, nhưng con phải nói lên những điều con suy nghĩ và thắc mắc! Chân thành cám ơn bạn và xin xác định: tôi không bị "hurt". 

Chúc bạn Văn Tâm luôn vui trong Chúa. 

Vấn đề tình dục trước hôn nhân.


Thưa Cha Bùi đức Tiến, 

Con xin được dấu tên, xin cha gọi con là anh Trần được rồi! Con có một thắc mắc như sau về vấn đề liên hệ tình dục trước hôn nhân. Vấn đề khá "nặng ký" nên con phải dấu tên cha ạ! Con và Lê (tên giả) quen nhau đã ba năm nay, hai năm đầu tiên như bạn bè, đến năm thứ ba tình cảm phát triển mạnh vượt quá tình bạn và hai gia đình tỏ ý "lo ngại" cho hai đứa, (viết vậy chắc cha hiểu?). Cuối cùng hai gia đình đồng ý làm đám hỏi. Dù ngày cưới chưa được ấn định (vì hai đứa còn đang đi học). 

Theo lời của hai gia đình khi bày tỏ lý do về việc làm đám hỏi sớm là để hai đứa "tự do đi lại". Thế rồi đám hỏi diễn ra vui vẻ cách nay hai tháng và bây giờ, con bàn với Lê về việc "tự do đi lại" (viết vậy chắc cha hiểu), thì Lê không đồng ý! Lê đề nghị viết thư hỏi cha. Con tin rằng cha mà nói thì Lê tin ngay. 

Thưa cha, việc "tự do đi lại" mà hai gia đình đã tán đồng, theo con hiểu là việc hai đứa con có quyền liên hệ tình dục với nhau, vì trước sau gì hai đứa cũng là vợ chồng, đám hỏi đã xong, hai gia đình đã tán thành...vấn đề cưới xin chỉ còn là thời gian mà thôi. 

Xin cha trả lời cho con sớm sớm (viết vậy chắc cha hiểu?) 

Chúc cha lúc nào cũng khỏe mạnh và vui vẻ. 

 

Anh Trần thân mến, 

Đọc thư của anh tôi có cảm tưởng là anh khôi hài nhiều hơn là thắc mắc thật: này nhá, anh đề nghị tôi gọi anh là "Anh Trần", chẳng biết anh bao nhiêu tuổi, nhưng đề nghị một linh mục gọi mình là anh là anh đã hơi...phát triển mạnh vượt quá...thế đứng của mình rồi đấy. Hai gia đình tỏ ra lo ngại cho sự liên hệ của hai đứa cũng không lấy gì làm lạ! 

Trong lá thư ngắn ngủi của anh, anh lập lại tới ba lần "viết vậy chắc cha hiểu". Tôi tin là tôi hiểu, nhưng không biết tôi hiểu có đúng ý của anh không? 

Theo thần học luân lý của giáo hội Công Giáo thì liên hệ tình dục giữa hai người nam nữ trước khi hai người thực sự cử hành hôn phối là sai, là đi ngược lại giới răn Chúa và giáo huấn của Giáo hội, là phạm tội. 

Đầu tiên, tôi xin được thưa với anh rằng cái ước muốn tình dục (giao hợp) hướng về người mình yêu (hôn thê hay hôn phu) là một ước muốn bình thường của những người bình thường. Những người quen nhau một thời gian dài, gặp gỡ nhau thường xuyên, lại sắp sửa lập gia đình với nhau mà chưa bao giờ cảm thấy có ước muốn này hướng về nhau thì khuyên họ nên đi gặp bác sĩ tâm lý để trị liệu. Như thế, ước muốn này, nếu có, là một dấu hiệu của một người bình thường. 

Tuy nhiên thực hành ước muốn này (giao hợp) trước khi thực hiện hôn phối là sai và là tội. 

Theo giáo huấn của giáo hội, hành động này khi thực hiện, không thuần túy là một hành động thuộc lãnh vực bản năng hay vô thức mà phải phát khởi từ một ý thức diễn tả trách nhiệm trong tình yêu: trao tặng và dâng hiến vĩnh viễn trong chân thật. Những yếu tố này có thể không hiện diện ngay trong giây phút hành động, nhưng phải là nền tảng cho chính hành động ấy! 

Lời thề hứa hai người trao cho nhau vào ngày thành hôn (nếu hai người thành hôn với nhau) mang đầy đủ ý nghĩa này. Chỉ trong ngày này, hai người mới thật sự trao cho nhau tình yêu và thành lập một giao ước vững bền trong trách nhiệm. 

Tôi e rằng anh Trần hiểu sai ý của người lớn khi giải thích rằng phải làm đám hỏi cho hai đứa để hai đứa tự do đi lại. Tự do đi lại đây không nên đóng trong ngoặc kép. Do đó, sẽ được hiểu rằng hai đứa có thể gặp nhau vào những dịp thuận tiện, và giả như có ai nhìn thấy hai đứa dập dìu tài tử giai nhân, dung dăng dung dẻ trên đường phố thì họ cũng sẽ không dị nghị vì hai đứa đã đính hôn và sắp cưới (tôi viết vậy chắc anh Trần hiểu?) 

Tóm lại, nói về cái sự liên hệ tình dục anh bàn mà chị Lê không đồng ý thì chị Lê đúng quá xá rồi! Hoan hô chị Lê cả hai tay. Cuối cùng, chúc anh vui trong niềm vui riêng (tôi viết vậy chắc anh hiểu?). Thân mến! 

Phong tục địa phương và Giáo luật về hôn phối.(1)


(kèm theo câu hỏi có gửi thêm ba trang giấy in, chụp từ một cuốn sách nào đó) 

Trọng kính cha Bùi đức Tiến, 

Nguyện xin Chúa và Mẹ Maria luôn chúc lành cho mọi việc cha làm và ban cho Cha luôn khôn ngoan và sức khỏe dồi dào. 

Con xin cha giải đáp thắc mắc của con trên nguyệt san Dân Chúa, nhưng xin cha đừng ghi tên thật của con, vì qua câu hỏi của con cha biết là có liên hệ đến một người nào đó, đương nhiên là người đó biết là con hỏi, nhưng con không muốn những người khác biết là câu chuyện có liên quan đến hai người. 

Câu hỏi 1: 1.1- Trong một đám cưới giữa hai anh chị là người Công Giáo và hai gia đình của anh chị cũng là người Công Giáo. Phía nhà trai yêu cầu nhà gái tổ chức nghi lễ rước dâu (một ngày) trước lễ hôn phối tại nhà thờ, phần lễ chính tại nhà gái đúng như ở trang 2: Lễ tế tơ hồng nguyệt lão thiên tiên và lễ bái tổ đường. Thưa Cha cho biết nhà gái có nên theo hay không? 

Trong quyển sách chương trình nhà trai trao cho nhà gái có phần lễ cúng tơ hồng nguyệt lão và lễ giao bôi (hợp cẩn) ở trang 3. Lễ này nếu có làm thì làm tại nhà trai vào đêm tân hôn. Vậy nhà gái có nên cho con gái hay không cho, khuyên nên làm hay không nên làm hai lễ này. 

Ngoài ra con xin mạn phép gửi kèm theo trang 1 nói về sự tích tơ hồng nguyệt lão thiên tiên của nhà trai gửi cho nhà gái. Các phần gạch dưới chữ để cho chú ý là của nhà trai gạch. Con cũng xin thưa thêm là ngoài các phần này, nhà trai còn đề nghị nhiều nghi lễ vái lạy xá khác nữa. 

Nếu một bên Công Giáo, một bên không Công Giáo, mà bên nam không Công Giáo yêu cầu phía nữ Công Giáo làm lễ nghi như vậy có nên làm hay không? 

Câu hỏi 2: Con đọc thấy trong phần nghi thức hôn phối có câu: Bằng Bí tích Mình và Máu Chúa Kitô (phần trên cùng của lời nguyện trên đôi tân hôn). Trong sách có ghi chú, nếu một hoặc cả hai trong đôi tân hôn không rước lễ thì bỏ câu đó. Con không hiểu tại sao lại có trường hợp cả hai không rước lễ mà hôn lễ lại được làm trong thánh lễ. Xin cha vui lòng giải thích. 

Câu hỏi 3.: Trường hợp có một người đi trận chiến, được quân đội khai báo là chết mất tích vì lầm lẫn, bà vợ tang chế đầy đủ. Sau bà ta tái giá được làm phép hôn phối tại nhà thờ, khi hòa bình trao trả tù binh, ông chồng trở về thì giải quyết như thế nào trong lúc bà ta rất yêu thương ông chồng sau và có ba con với ông ta. Hoặc cũng gần tương tự như vậy, ông chồng mất tích với nhiều tin đồn cho biết là ông đã chết, bà vợ để tang, chờ đợi lâu quá bà ta đệ đơn xin tòa án hôn phối điều tra, thời gian sau bà được cho phép lấy chồng khác theo phép Bí tích hôn phối. Thời gian khá lâu sau ông chồng xuất hiện, thì vấn đề được giải quyết như thế nào? Xin cha vui lòng giải đáp. 

Xin hết lòng cám ơn cha. 

 

Anh Phêrô thân mến, 

Nhận được thư anh thắc mắc với cả tên thật và số điện thoại, rồi anh yêu cầu đừng ghi tên thật của anh khi trả lời, điều này làm tôi băn khoăn. Chuyện sẽ đơn giản hơn nếu anh ghi đại một cái tên nào đó. Từ đó, tôi thấy những thắc mắc của anh có vẻ khúc mắc làm sao ấy! 

Thông thường, khi nhận được các thắc mắc, tôi chia ra làm hai loại: loại thứ nhất là những thắc mắc thật trong đời sống, cần được giúp giải quyết; loại thứ hai là những thắc mắc lúc rỗi rảnh, muốn tìm hiểu thêm, học hỏi thêm. Tôi xếp thư anh vào loại thứ hai, vì tôi đoán những thắc mắc của anh không cần phải giải quyết, chỉ để biết thêm vậy thôi. Hy vọng anh đồng ý. 

Câu hỏi 1.1, 1.2 và 1.3 của anh kết rằng: Xin cha cho biết có nên theo hay không, có nên làm hay không? Mà anh không cho tôi biết là những trường hợp anh đề cập, họ đã làm hay không làm, họ đã cho cưới hay không cho cưới. Giả như nếu anh cho tôi biết là họ làm hay không làm thì tôi sẽ cho anh biết là như thế thì luật cho phép hay luật không cho phép. Còn trường hợp này, tôi sẽ trả lời anh như sau: 

Phần theo luật: những qui định trong Bộ Giáo Luật là những qui định chung cho Giáo hội hoàn vũ. Ủy ban giải thích Bộ Giáo luật giải thích rằng các Hội đồng Giám mục địa phương có thể đưa các phong tục tập quán địa phương vào trong tiến trình của việc tiến đến nhôn nhân của đôi bạn. Thí dụ như các tập tục về đính hôn chẳng hạn. Có những dân tộc không có tập tục này, những nơi nào có thì cứ nên theo. Như thế, trong phong tục tập quán Việt Nam, nếu có những nghi thức dân tộc liên hệ, thì cứ việc thực hiện, miễn là không đi ngược lại qui định chung của Giáo luật. 

Phần ý kiến cá nhân: Theo tôi, những phong tục tập quán Việt Nam mà tôi đã được biết và chứng kiến đều không đi ngược lại các nghi thức về hôn nhân của Giáo hội trừ phần công khai thờ phượng các ngẫu thần và phần mê tín dị đoan. Hơn nữa, khi một người Công Giáo lập gia đình với một người không Công Giáo trong nhà thờ, họ muốn rằng người phối ngẫu không Công Giáo và tất cả mọi người hiện diện đều tỏ dấu cung kính với Thiên Chúa trong Thánh lễ ít là qua phần Dâng Mình và Máu Thánh Chúa. Nếu muốn họ theo mình trong mọi nghi thức trong Thánh đường của mình, thì mình cũng nên theo những cử chỉ của họ trong nhà thờ phượng của họ với những nghi thức của họ. Tuy nhiên phải nhớ một điều là "lễ giao bôi" như anh đề cập chỉ được thực hiện sau khi đã làm phép cưới ở nhà thờ. 

Trả lời câu hỏi 2: Trong quyển Nghi thức Hôn Phối phần Thánh lễ, có ba lời nguyện đã được soạn khác nhau cho các phần Nhập lễ, dâng lễ, kinh tiền tụng, Lời chúc hôn, Hiệp lễ và Phép lành tân hôn. Tùy theo hoàn cảnh để vị linh mục tự chọn cho thích hợp những hoàn cảnh khác nhau. Anh viết đúng, khi một hay cả hai người không rước lễ thì nên bỏ câu đó. Anh không hiểu tại sao lại có trường hợp cả hai không rước lễ mà hôn lễ lại cử hành trong Thánh lễ. Thật với anh, tôi cũng không hiểu luôn. Có thể là do sự bất cẩn của linh mục chủ sự và cũng có thể là do cố tình của hai đương sự. Đề nghị với anh trực tiếp với vị chủ sự về điểm này. 

Trả lời câu hỏi 3: Bộ Giáo luật qua điều 1707 về suy đoán sự mệnh một của người phối ngẫu khi đem ra áp dụng rất phức tạp và khó khăn. Bình thường, Bản quyền địa phương có thể tuyên bố suy đoán tử vong, nhưng phải nắm chắc chắn về phương diện luân lý. Nguyên sự mất tích, thất tung tuy đã lâu dài vẫn không đủ yếu tố để tuyên bố thất tung, cho phép người còn lại thực hiện hôn phối lần thứ hai. Trong những trường hợp khó khăn và phức tạp, Bản quyền phải hỏi ý kiến của Tòa Thánh. Xét như thế, chỉ có câu hỏi được đặt ra chứ không phải có một trường hợp để phải giải quyết. Mong rằng anh thỏa mãn với phần trả lời trên. Thân mến. 

Phong tục địa phương và Giáo luật về hôn phối.(2)


Trọng kính gửi cha Bùi đức Tiến, 

Con xin Cha giải đáp thắc mắc của con có liên quan đến bài cha giải đáp thắc mắc của ông Phêrô (số 14) 

Cha nói: Chuyện sẽ đơn giản hơn nếu anh ghi đại một cái tên nào đó. Từ đó câu chuyện của anh tôi thấy khúc mắc làm sao ấy! Con xin hỏi Cha tại sao cha không nghĩ rằng người hỏi cho cha biết tên thật và địa chỉ thật cùng số điện thoại là người ấy muốn cho Cha biết là câu hỏi của ông ta là có thật để nếu cần thì Cha liên lạc hỏi ông ta. Do đó con được phép nghĩ rằng cha không cần biết người hỏi bịa ra câu chuyện hay là câu chuyện có thật để trả lời! 

Trong phần mở đầu lá thư thắc mắc của ông ta, con nghĩ là nếu Cha tế nhị cha sẽ không cho in vào tạp chí; nhưng nay con đã được đọc đoạn mở đầu, con đọc được câu ... "Cha biết là có liên hệ đến một người nào đó" .... do đó con xin phép được nghĩ rằng quả thật Cha đã có liên hệ với người đó nên do đó Cha không trả lời thẳng thắn là nên làm hay không nên làm phải không Cha? 

Theo con nghĩ một thắc mắc gởi đến Cha đều có hai phần mà Cha cần phải trả lời: Đúng hay Sai, Nên hay Không nên làm, Nên làm gì hoặc Không nên làm gì... ? Tại sao Cha lại nói những thắc mắc lúc rảnh rỗi, muốn tìm hiểu thêm, học hỏi thêm ...không cần phải giải quyết chỉ để biết thêm vậy thôi? Con nghĩ Cha đâu có phải là Bác sĩ không lương tâm để cho có bệnh nhân để chữa trị mà không chỉ dẫn người ta cách đề phòng? Cha đâu có phải là Luật sư chờ có người kiện tụng đứng ra bênh vực để hốt tiền. 

Sau khi đọc đi đọc lại các câu hỏi của ông ta và phần giải đáp của Cha cùng với các tài liệu mà cha bảo là ba trang giấy chụp từ một cuốn sách nào đó, thì là một độc giả của dân Chúa và là người ruột thịt của ông ta, con thấy thật thất vọng với các câu trả lời vì con cũng có cuốn sách đó! 

Trong câu hỏi 1/1: Ông ta nêu rất rõ; Phía nhà trai yêu cầu nhà gái tổ chức nghi lễ rước dâu một ngày trước lễ hôn phối tại nhà thờ, phần lễ chính: Lễ tế tơ hồng Nguyệt Lão Thiên Tiên và Lễ Bái Tổ Đường. Qua thư của ông ta gởi cho Cha thì chính ông ta là người đang đối đầu với việc nên làm hay không nên làm: "người đó biết con hỏi" và quan trọng hơn "hai anh chị và hai gia-đình là Công Giáo,". Và để cho sáng tỏ thêm trên mặt báo, con xin trích một vài ý chính trong nghi lễ nhà trai muốn thực hành tại nhà gái :"Kinh duy : Tơ Hồng Nguyệt Lão Thiên Tiên chí công, chí thánh, chẳng lệch, chẳng thiên, gương ngọc sáng soi, hay việc thế... đẹp đôi phải lứa xui nên cùng bởi Hoàng thiên.... Kính xin Đại Đức chứng kiến lòng kiên Khang cát phò cho hai họ ... (trang 2) 

Căn cứ vào trang trả lời của Cha thì ông P đã chụp và gởi cho Cha nguyên văn tờ Lễ tế đó. 

Trong câu hỏi 1/2 ; Ông ta cũng đã cẩn thận gởi cho Cha nguyên văn tờ Lễ Cúng tơ hồng Nguyệt lão và lễ Giao Bôi (hợp cẩn). Trong Lễ Cúng này với ý chính như sau: Chàng rể với nàng dâu chánh bái, cùng khẩn nguyện: "Tạ ơn Nguyệt Lão se duyên nên vợ chồng, kính xin Nguyệt Lão phù hộ, kết chặt mối duyên lành, đôi trẻ được hưởng hạnh phúc trăm năm" ! (trang 3) 

Còn trong lễ Giao Bôi (hợp cẩn) thì với ý chính là vào đêm tân hôn vợ chồng khẩn nguyện và Kính xin Nguyệt Lão chứng giám. Con xin được phép trả lời thay cho CHA; vì câu hỏi ông nêu ra quá đầy đủ và rõ ràng, vì một sự tế nhị trong giao tế ông P muốn có sự chỉ dẫn thích hợp của Cha để cho chính ông ta khỏi bị phía bên kia chê trách là bảo thủ, là cố chấp, là Tín Điều và cũng để cho ai có cuốn sách các nghi lễ đó mà họ đã làm, đang định làm (như trong trường-hợp của ông P) hoặc sẽ muốn làm, họ sẽ theo lời chỉ dạy của Cha để làm đẹp lòng Chúa. "Tại sao cha muốn biết họ đã làm hay không làm, đã cho hay không cho cưới rồi cha sẽ cho ông P biết là như thế, thì luật cho phép hay không cho phép", chẳng khác nào ông bác sĩ chỉ muốn chữa bệnh mà không bày phòng bệnh. Con xin phép Cha được trả lời:"Chúa Giêsu phán cùng Satan : Có lời Kinh Thánh: Con hãy thờ lạy Chúa là thượng đế con tin và chỉ được làm tôi có một mình Ngài" (Luca 4, 8). Vậy nhà gái không nên làm theo lời nhà trai yêu cầu. 

Chắc trước khi Cha trả lời để làm mẫu mực cho các độc giả, nhất là độc giả Công Giáo, Cha biết ý nghĩa của Lễ tế Tơ hồng ... là lễ người ta tin-tưởng vào quyền năng của Nguyệt Lão Thiên Tiên. Còn Lễ Cúng Tơ hồng là lễ người ta Tạ Ơn Nguyệt Lão. Cha cho biết là những phong tục tập quán Cha đã được biết và chứng kiến, đều không đi ngược lại các nghi-thức về hôn nhân, trừ phần công khai thờ phụng các ngẫu thần và phần mê tín dị đoan. Như vậy xin Cha cho biết Cha đã dự một nghi lễ hôn phối tại gia nào giống như ông P hỏi cha chưa và LỄ TẾ như vậy cha có nghĩ là xúc phạm đến Thiên Chúa không? (Đó là con xin mạn phép Cha trả lời lại các câu 1.1 và 1.2) 

Trong câu 1.2 có đề cập đến lễ Giao Bôi, thì Cha trả lời: "Tuy nhiên phải nhớ một điều là "Lễ Giao Bôi" như anh đề cập Chỉ được thực hiện sau khi đã làm phép cưới ở nhà thờ". Như vậy là Cha đồng ý cho vợ chồng trong đêm tân hôn được Khấn nguyện với Nguyệt Lão. Con không hiểu như vậy có Xúc phạm đến điều răn thứ nhất không? Con không hiểu tại sao cha không khuyên các vợ chồng Công Giáo nên theo gương Tôbia và Sara mà cầu nguyện trong đêm thành hôn. 

Trong câu 1.3 Cha trả lời .... "Nếu muốn họ theo mình trong mọi nghi-thức trong thánh đường của mình thì mình cũng nên theo họ trong nhà thờ phượng của họ với những nghi thức của họ". Cha trả lời đúng, vì hôn nhân của họ mặc dầu cử hành trong Thánh đường cũng không thành BÍ TÍCH vì bên kia không có lòng tin. Thì trong trường hợp này về phía Công Giáo cũng phải có cách khéo léo thế nào đó cho họ biết rằng mình chỉ thực hiện theo lễ nghi chứ không phải vì lòng tin, kẻo làm gương xấu là mình giữ đạo ba phải hoặc là Từ bỏ Đức Tin vào Thiên Chúa. 

Câu hỏi 2 : Ông P viết : Con đọc thấy trong phần Nghi thức Hôn phối có câu ... Bằng Bí Tích Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, nếu Một hoặc cả hai trong đôi tân-hôn không rước lễ thì bỏ câu đó. Câu hỏi của ông Thành không có ý nói là thấy trong thánh lễ mà là đọc thấy. Cha nói là : "Thật với anh, tôi cũng không hiểu luôn" .... làm cho con hoang mang, đấy là câu trong sách mà Cha cũng không hiểu thì làm sao ông ta có thể hỏi vị chủ sự? 

Câu hỏi 3 : Con có hỏi ông Thành tại sao có câu hỏi này thì ông cho biết đã có hai người hỏi ông; và họ cho là có thực. Thì ông nói trong phạm vi hiểu biết hạn hẹp thì ông trả lời là không thể xẩy ra, nhưng nếu sự thực có xẩy ra vì qua các hồ sơ tòa án hôn phối thu thập được và thời hạn suy đoán tử vong Tòa án cho là đủ thì có thể cho người đó được kết hôn, nhưng nếu thực sự sau này ông chồng xuất hiện thì đương nhiên hôn phối sau không thành sự, nhưng nếu thực tế mà có xẩy ra như vậy thì về mặt tình cảm rất khó vượt qua. Ông Thành trả lời như vậy có được không, thưa Cha? (1) 

Xin Chúa ban cho Cha Ơn khôn ngoan sáng suốt và sức khoẻ tốt. 

Qua thư này nếu có gì xúc phạm đến Cha thì con tin là Cha đã tha thứ rồi. Vì để cho chuyện Đơn giản nên con xin lấy đại một cái tên: 

Xin thêm câu giải đáp thắc mắc số 11 trong sách Tòa Án Hôn Phối của Cha. 


Anna Trực Ngôn


 

Kính gửi Bà Anna Trực Ngôn, 

Cám ơn bà về lá thư của bà, mà tôi có thể gọi là bài trả lời bổ túc mà bà đã trả lời thêm cho ông Phêrô. Cũng xin xác định là trong lá thư bà gửi, bà đã không xúc phạm đến tôi, duy chỉ có tiếc một điều là tên của tôi trong thư bà, bà đã đánh máy sai và lối viết văn có vẻ khác thường, thiếu một sự tế nhị trong giao tế. Tuy nhiên, chắc điều đó tôi nghĩ không quan trọng lắm đối với bà. 

Đọc xong thư bà, tôi thấy những câu có vẻ là câu hỏi như sau đây: 

Ngay phần đầu: Con xin hỏi cha tại sao cha không nghĩ rằng.....tại sao cha muốn biết họ đã làm hay không làm, đã cho cưới hay không cho cưới...Như vậy, xin cha cho biết là cha đã dự một lễ hôn phối tại gia nào giống như ông P. hỏi và lễ tế như vậy cha có nghĩ là xúc phạm đến Thiên Chúa không? 

Phần cuối của lá thư có một câu nữa:..Ông P. trả lời như vậy có được không? 

Và những câu có vẻ là câu kết luận của bà như sau: 

Bà cho rằng quả thật tôi có liên hệ với người đó... 

Như vậy là Cha đồng ý cho vợ chồng trong đêm tân hôn được Khấn nguyện với Nguyệt Lão....Con không hiểu tại sao cha không khuyên các vợ chồng Công Giáo nên theo gương Tôbia và Sara mà cầu nguyện trong đêm thành hôn. 

Xin bà đọc kỹ lại câu hỏi của ông P. và phần trả lời của tôi cho ông Phêrô. 

Chúc bà vui và bình an. Kính. 

Người ngoại đạo ly dị, rửa tội,
cưới người Công Giáo.



Thưa Cha, 

Con có một thắc mắc mà con tin rằng có nhiều người cũng có. Sở dĩ con khẳng định như vậy là vì khi vấn đề được đặt ra, nhiều kẻ "có đạo" không đồng ý với nhau, cãi cọ, tranh luận một hồi rồi chuyện đâu cũng vào đó, chẳng ai chắc chắn vấn đề là thế nào. 

Điều con muốn đề cập đây liên hệ đến việc những người không phải là Công Giáo, trước kia đã lập gia đình, sống chung với vợ hay chồng họ nhiều năm (thưa cha, vợ hay chồng họ ở đây cũng không phải là người Công Giáo), có con cái rồi sau đó vì một hay nhiều lý do nào đó, không sống với nhau được nữa, li thân, li dị. Sau một thời gian li thân li dị như vậy, nay họ muốn bước theo một bước nữa, rửa tội theo đạo, lập gia đình với người Công Giáo. Việc tranh luận cãi cọ loay hoay trong thắc mắc sau: 

Nhóm người thứ nhất cho rằng một người không phải là Công Giáo đã lập gia đình với người không Công Giáo khác, rồi li dị, bây giờ muốn theo đạo lập gia đình với người Công Giáo thì không bị ngăn trở gì cả. 

Nhóm người thứ hai cho rằng một người không phải là Công Giáo đã lập gia đình với người không Công Giáo khác, rồi li dị, bây giờ muốn theo đạo lập gia đình với người Công Giáo thì bị ngăn trở, không được. 

Theo con thì không bị ngăn trở gì vì Thánh Phaolo đã nói trong trường hợp này chúng ta cứu được một linh hồn. Cãi khô cả cổ mà mọi người không tin bèn viết thư xin cha giải đáp. Thú thật với cha là con "cá" một két bia đấy, tha hồ mà uống. 

Chúc cha khỏe mạnh và sáng suốt. 


Sáu Ngọc, Flemington


 

Anh Sáu Ngọc tội nghiệp ơi! Đọc xong thư anh, tôi hiểu là anh cũng đọc sách nhiều và nhớ dai nữa, anh trưng cả Thánh Phaolô nữa cơ mà, thế mà tụi nó cũng chẳng tin. Theo lời lẽ trong thư thì anh đang hí hửng tin rằng phen này tha hồ mà uống bia. Đúng, anh sẽ được uống bia nhưng do chính anh bỏ tiền ra. Vì câu giải đáp sẽ như sau: 

Ba điều kiện để một hôn phối thành sự (Giáo hội và Thiên Chúa chấp nhận) được kể như sau: 

Hai người không bị ngăn trở. 

Hai người có tự do để nói lên sự ưng thuận, 

Được thực hành theo thể thức Giáo Hội ấn định. 

Hôn phối của hai người Công Giáo phải hội đủ ba điều kiện này mới thành sự và được gọi là Bí tích. Hôn phối của hai người mà một người là Công Giáo còn người kia chưa bao giờ được rửa tội cũng phải hội đủ ba điều kiện này mới thành sự nhưng không được gọi là Bí tích. 

Hôn phối của hai người mà cả hai người không là Công Giáo chỉ cần hội đủ hai điều kiện kể trên (1 và 2) là đã thành sự và được Giáo hội công nhận rồi, nhưng không được gọi là Bí tích. Lý do là vì hai người không Công Giáo họ đâu có biết nghi thức Giáo hội qui định ra làm sao mà họ theo. Như thế, sau này, nếu cả hai người rửa tội theo đạo thì hôn phối của họ tự động trở thành Bí tích. 

Giáo hội công nhận những hôn nhân ngoại giáo như kể trên nhưng Giáo hội không chấp nhận li dị, cả li dị của người có đạo cũng như người không có đạo. Như thế những người không có đạo dù đã li dị phần đời rồi, nhưng Giáo hội vẫn coi như họ còn vợ còn chồng. Họ không thể bước đi một bước nữa, nếu Tòa Án Giáo Hội không tuyên bố họ thong dong, có nghĩa là nếu hôn phối cũ của họ không được tháo gỡ. 

Có một cách đơn giản hơn để có một lối thoát trong hoàn cảnh này, đó là trường hợp một người không có đạo, li dị, nay muốn rửa tội theo đạo và sau đó lập gia đình, là xin chuẩn theo Phép Rộng Thánh Phaolô (Còn gọi là Đặc Ân Thánh Phaolô - Pauline Privilege). Theo cách thế này, nếu Phép Chuẩn được ban, thì hôn phối cũ tự động được gỡ khi hôn phối sau được thực hiện. Trong phạm vi bài báo này, tôi không thể giải thích cặn kẽ về Phép Rộng Thánh Phaolô. 

Mong rằng anh mở rộng được kiến thức hơn trong phần trả lời này. Để học hỏi thêm được một điểm giáo lý quan trọng như thế này mà chỉ phải trả có một "dozen" bia thì vẫn rẻ chán. Thân.

Kết hôn dưới tuổi luật định.


Kính thưa Cha, 

Con đang ở vào một tình trạng bối rối. Xin cha giúp giải quyết hoàn cảnh hôn nhân của con. Con tin chắc rằng vấn đề sẽ rõ trắng đen ngay, sau khi cha đọc lá thư này, vì mặc dù con không biết gì nhiều về luật Giáo Hội, nhưng con chỉ xét theo lương tâm, con cũng đã nhìn thấy kết quả rồi. Hơn nữa, con cũng đã hỏi ý kiến một vài cha, và các cha cũng đồng ý với con, ngay cả khuyến khích con viết thư hỏi cha để "double check". 

Thưa cha, hoàn cảnh như thế này: Năm 1968, lúc ấy con khoảng 20 tuổi (19 năm 10 tháng), con đã bị "tiếng sét ái tình" quật ngã. Tiếng sét ái tình ấy trẻ măng cha ạ! Cô ấy lúc đó mới có 16 tuổi, ấy là tính tuổi theo kiểu Việt Nam, chứ theo cách tính tuổi của tây phương thì cô ta lúc ấy mới được 15 năm 10 tháng thôi. Chúng con sống với nhau không hạnh phúc lắm, dù đã có với nhau nhiều mặt con. Người bạn đời của con đã tạo nên nhiều éo le trong gia đình. 

Sang tới đất Úc này thì cái hoa không hạnh phúc của gia đình con nó kết thành trái li dị. Chúng con li dị nhau rồi về phần đời, cách nay hai năm. Con ngẫm nghĩ rằng chắc với số tuổi đời này, con khó lòng có thể tiếp tục sống độc thân mãi được, nên con lo lắng. Suy nghĩ, cầu nguyện, bàn hỏi với một vài linh mục quen, con được các cha hướng dẫn để thấy rằng có thể hôn nhân của con không thành sự lúc cử hành, vì lúc cử hành cô ấy mới 15 tuổi 10 tháng thôi, mà luật Giáo hội qui định rằng phải 18 tuổi hôn phối mới thành sự khi cử hành. Xin cha giải đáp và hướng dẫn con xúc tiến hồ sơ xin Tòa Án thụ lý. 

Kính chúc cha luôn khôn ngoan sáng suốt và an lành. 


Phạm Trung, Springvale.


 

Anh Phạm Trung thân mến, Đọc thư, hiểu và thông cảm hoàn cảnh của anh. Con người thì yếu đuối mà môi trường sống thì đầy dẫy cạm bẫy. Nhiều gia đình đã rơi vào tình trạng như gia đình anh. Không phải vì họ kết hôn khi còn ít tuổi, nhưng vì họ đã không khôn khéo trong cuộc sống vợ chồng, nhất là khi họ để cho cái gọi là "cá nhân chủ nghĩa" thắng vượt tinh thần gia đình và cuối cùng không dám hy sinh cho chính gia đình của mình. 

Về thắc mắc của anh, không biết tôi có giải đáp và hướng dẫn được không, vì theo trong thư anh viết, anh vừa là nguyên đơn (anh muốn trường hợp hôn phối của anh được Tòa Án thụ lý), anh vừa là thẩm phán ngồi xử án (anh cho rằng hôn phối anh cử hành không thành sự với lý do khi cử hành cô ấy mới 15 năm 10 tháng). Chắc có lẽ anh đã nghe bóng gió sao đó từ các cha, rồi anh hiểu lầm những điều anh nghe, để cuối cùng anh kết luận cho chính anh như thế. 

Tôi xin trình bày với anh vài điều luật liên hệ đến tuổi tác khi cử hành hôn phối như sau: 

Kể từ trước năm 1917 (năm 1917 Bộ Giáo Luật đầu tiên của Giáo Hội được ban hành) thì tuổi để hôn phối thành sự là người nam trên 14 tuổi và người nữ trên 12 tuổi (tính tuổi theo cách tính của người tây phương.) 

Bộ Giáo Luật 1917 (ban hành năm 1917) qui định rằng tuổi để hôn phối thành sự là người nam 16 và người nữ 14 tuổi (tính tuổi theo cách tính của người tây phương.). (Riêng người Việt Nam lại có thói quen nói rằng"Nữ thập tam, nam thập lục). 

Bộ Giáo Luật ban hành năm 1983 qui định rằng tuổi để hôn phối thành sự là cả hai người nam nữ phải trên tuổi 18 (tính tuổi theo cách tính của người tây phương.) 

Hôn phối của anh được cử hành năm 1968, lúc ấy sinh hoạt của Giáo Hội bị chi phối bởi Bộ Giáo Luật 1917. Như phần trả lời số 2. trên, chỉ cần 14 tuổi là hôn phối đã thành sự, mà cô ấy lúc đó đã 15 năm 10 tháng. Cô ấy có dư đến 1 năm và 10 tháng để hôn phối thành sự. Như thế, cuộc hôn phối anh đã cử hành năm 1968 với cái "tiếng sét ái tình" trẻ tuổi ấy rất là thành sự theo cái nhìn của Giáo luật và Giáo Hội. Anh có thể có những lý do, nguyên cớ khác để xin Tòa Án thụ lý trường hợp hôn nhân của anh. 

Thân chúc anh gạt được sang một bên những bối rối để đón Chúa trong mùa Giáng sinh sắp tới. 

Thay đổi lời thề trong nghi lễ hôn phối.


Kính gửi Cha Bùi Đức Tiến, 

Kính thưa Cha, con tên là NTD hiện đang sống tại tiểu bang Victoria. Con gửi thư này đến Cha nhưng không biết Cha có trả lời cho con được không. Nếu Cha không trả lời cho con được thì có dịp nào đó con gặp Cha hỏi riêng cũng được. 

Thưa Cha, con là người tân tòng, nhưng không "mới" lắm đâu vì khi rửa tội cùng với gia đình gồm có ba má anh chị, cách nay hai mươi năm, lúc đó con mới có hai tuổi. Càng ngày con càng cảm thấy đức tin của con mạnh mẽ thêm, nhất là trong khoảng thời gian sau này, khi sang Úc, con sinh hoạt trong ca đoàn, tham dự các nghi lễ và hợp tiếng hát chúc tụng Chúa. 

Cũng vì việc sinh hoạt với ca đoàn, đi hát lễ cưới mà con có thắc mắc này. Thưa cha, thông thường, khi đôi tân hôn đọc lời thề hứa hôn nhân, nhận nhau làm vợ làm chồng, con thấy trong các lễ cưới đều giống nhau, duy có một đôi đám cưới kia họ đọc những lời khác đi, hình như họ tự soạn cho họ chứ họ không theo những lời đã in sẵn trong sách hôn phối. Thú thật với cha, con thấy như thế hay hơn, có thể soạn những lời cho phù hợp với hoàn cảnh của mình hơn là đôi hôn phối nào cũng đọc những lời tương tự. Con sắp sửa lập gia đình, người hôn phu của con là người tân tòng nữa, con muốn soạn những lời lẽ thật xúc động để đánh dấu ngày hai đứa con hành lập gia đình. Con hỏi một vài người, họ bảo con rằng cứ hỏi cha, cha sẽ trả lời rõ ràng. 

Thưa cha, mãi đến năm tới chúng con mới làm đám cưới, con không cần cha trả lời gấp lắm đâu, tuy nhiên, nếu cha trả lời cho con được sớm thì cũng tốt vì con sẽ yên âm hơn và nghiền ngãm về những điều sẽ soạn cho đám cưới sắp tới. Cám ơn cha nhiều nhiều. 


NTD, Ca đoàn N -


 

Chào thăm NTD, 

Khi đọc cái tên NTD, rồi có tuổi khoảng chừng 22, rồi lại xưng danh là ca viên thì tôi đã có thể đoán biết là ai rồi! Tuy nhiên, vì phải trả lời thắc mắc, cho nên cứ giả vờ như không biết là ai, để việc trả lời được vô tư. 

Xin chỉ giới hạn việc trả lời trong phạm vi ngôn ngữ Việt Nam mà thôi, vì nếu nói đến cách chung thì tùy theo các Hội Đồng Giám Mục khác nhau mà các công thức Bí tích có thể được dịch khác nhau. 

Theo Sách Nghi Thức Phụng Vụ Bí tích Hôn Phối dịch năm 1971 do Ủy Ban Phụng Vụ Hội Đồng Giám Mục Việt Nam thì trong phần mô thức của Bí tích Hôn phối đã được dịch và qui định như sau: "Tôi N. nhận em/anh N. làm vợ/chồng và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em/anh khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe để yêu thương và tôn trong em/anh mọi ngày trong suốt đời tôi". Trong trường hợp đôi hôn phối vì lý do nào đó không thể đọc chữ và cũng không thể đọc thuộc lòng được thì linh mục chủ sự sẽ hỏi từng người: "N... có nhận N... làm vợ/chồng và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với vợ/chồng khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng vợ/chồng mọi ngày suốt đời không?. Và hai đương sự sẽ chỉ phải trả lời vắn tắt thôi: Thưa có. 

Đây là mô thức của Bí tích hôn phối. Khi hai người nam nữ thực hiện Bí tích này, họ phải diễn tả một cách công khai và rõ ràng (bằng ngôn ngữ hay bằng dấu hiệu) trước mặt đại diện của Giáo Hội và Cộng đoàn. Hiện trong phạm vi Giáo hội Việt Nam chưa có một bản văn nào khác thay thế bản văn này. Vì tính cách duy nhất của Giáo Hội, khi cử hành hôn phối bằng ngôn ngữ Việt Nam, mô thức này phải được xử dụng. Tuy nhiên, nếu NTD thuyết phục được một Linh mục hay một Phó tế hợp pháp nào đó khi chứng hôn cho hai người đồng ý chấp thuận cho hai cô cậu đọc một bản văn khác (xúc động hơn, tình tứ hơn) miễn là có cùng một ý nghĩa thì cũng có thể chấp nhận được, hôn phối giữa hai người vẫn hợp pháp (licit) và thành sự (valid) theo cái nhìn của Giáo Luật. 

Thân mến, 

Người Công Giáo và việc ly dị.


Kính gửi Cha, 

Thưa cha, con rất áy náy trong lương tâm và đời sống đạo, không biết tìm đâu được giải đáp, nay con viết thư đến cha, hy vọng rằng cha sẽ giúp con. Con không muốn làm mất thì giờ của cha, con xin đi ngay vào vấn đề: 

Con lập gia đình cách nay 15 năm tại Việt Nam. lúc đó con là người ngoại đạo. Năm năm sau ngày cưới, con được ơn gọi trở lại với Chúa. Con đã được rửa tội, nhưng hình như chưa lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Hai năm sau ngày con Rửa tội, vợ chồng con và hai đứa con vượt biên. Chẳng may con đi lọt, vợ con và hai cháu nhỏ bị rớt lại Việt Nam. Con sang trại tị nạn và sau đó định cư tại Úc. 

Những năm đầu con sống rất buồn thảm vì xa gia đình vợ con. Tuy nhiên, con trông cậy nơi Chúa và Mẹ Maria nhân từ, con cầu nguyện nhiều, sinh hoạt các hội đoàn Công Giáo tiến hành...xin ơn đoàn tụ. 

Vợ con và hai con của chúng con đã được sang Úc đoàn tụ cách nay hai năm. Việc đoàn tụ không đem lại vui mừng, trái lại đem đến nhiều đau đớn cho con và gia đình: Khi sang đến Úc, vợ con cho con biết rằng vợ con không còn thương con nữa và đã có người thương khác, vợ con xin lỗi con, trao cho con hai đứa con và xin con làm giấy li dị để vợ con bảo lãnh người kia từ Việt Nam qua chung sống. 

Thưa cha, giữ người ở lại chứ ai giữ được người đã quyết chí ra đi. Con nhận hai đứa con, cha con dọn về Melbourne. Vợ con tự ý lo thủ tục li dị, yêu cầu con ký, và con đã ký giấy tờ li dị theo như ý cô ấy muốn... Cha con con không liên lạc từ ngày ấy. 

Thưa cha đây là những thắc mắc của con: 

Khi lập gia đình, làm đám cưới, con còn là người ngoại đạo, không phải là người Công Giáo, hôn phối của con không phải là Bí tích, vậy con có buộc phải giữ luật buộc một vợ một chồng của Bí tích Hôn nhân Công Giáo không? Hơn nữa ngay cho đến bây giờ, hình như con cũng chưa lãnh nhận Bí tích Thêm sức (và vì vậy, con chưa hoàn toàn là một người Công Giáo). 

Hiện bây giờ, con đang sống với hai đứa con, không có lăng nhăng gì cả. Vì con đã ký giấy li dị vợ như thế, liệu con có được xưng tội rước lễ không? Liệu con có còn được coi là người Công Giáo không? 

Xin cha giải đáp dùm con. Cám ơn cha nhiều. 


TVG. Footscray


 

Thưa anh TVG, đọc thư anh tôi thông cảm và rất cảm phục anh trong hoàn cảnh éo le đã và đang khắc phục để sống xứng đáng là người Công Giáo và làm gương cho các con. Tôi tin rằng những người con của anh sau này sẽ được thừa hưởng một gia tài nhân đức to lớn từ nơi anh. 

Để chia sẻ trong hoàn cảnh, tôi xin được xác nhận với anh những điểm sau: 

Khi anh dùng từ ngữ hình như để nói về việc anh lãnh nhận Bí tích Thêm sức là anh không chắc chắn về việc anh đã lãnh nhận Bí tích này hay chưa. Tôi xin thưa rằng thông thường khi rửa tội cho một người đã trưởng thành, vị chủ tế việc rửa tội ban liền Bí tích Thêm sức sau đó cho người đã rửa tội. Vì có sự không chắc chắn trong lãnh vực này, tôi xin anh liên hệ với vị chủ tế đã rửa tội cho anh để xem lại, hoặc anh có thể coi lại ngay tờ chứng chỉ rửa tội của anh, có thể việc này được xác định trong đó. 

Khi anh cử hành Hôn Phối, anh chưa phải là người Công Giáo, do đó hôn phối của anh lúc cử hành không phải là Bí tích, nhưng ngay sau khi anh rửa tội, một trong những hiệu quả của Bí tích Rửa tội anh lãnh nhận khiến hôn phối của anh trở thành Bí tích. Cuộc sống chung của anh và người phối ngẫu của anh là cuộc sống chung trong Bí tích Hôn nhân kể từ ngày anh lãnh nhận Bí tích Rửa tội. 

Yếu tố đơn hôn (một vợ một chồng) là do thiên luật, không phải chỉ là luật của Giáo Hội mà thôi. Do đó, anh phải giữ luật buộc một vợ một chồng này sau khi anh lãnh nhận Bí tích rửa tội và ngay cả trước khi anh lãnh nhận Bí tích Rửa tội nữa. 

Một người đã được coi là người Công Giáo sau khi đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, không cần phải nói đến các Bí tích khác. 

Hiện bây giờ, anh đang sống chung với hai người con và không có lăng nhăng gì cả thì anh vẫn là người Công Giáo và anh vẫn có quyền xưng tội rước lễ. Việc ly dị anh đã ký là chuyện phần đời (và do cô ấy đặt ra - ngôn từ của Giáo Hội gọi trường hợp này là ly thân). Trước mặt Chúa và Giáo Hội, anh và cô ấy vẫn là vợ chồng. Do đó anh và cô ấy hai người vẫn phải chung thủy, trung thành với nhau không được (lăng nhăng) ngoại tình. Và giả như nếu anh có lăng nhăng thì anh vẫn là người Công Giáo. 

Thân chúc anh luôn an lành trong Chúa và sống xứng đáng là người Công Giáo tốt và hoàn toàn. 

Ngăn trở hôn phối: họ huyết tộc.


Kính thưa Cha, 

Thưa Cha, con hiện đang gặp một vấn đề hết sức nan giải, ngoài cha ra, con không biết phải chạy đến với ai. Con đã cầu nguyện, suy nghĩ, bây giờ con phải bàn hỏi với người khôn ngoan như giáo lý đã dạy khi con học ngày con còn bé. 

Thưa cha con ở bên Úc chỉ có một mình, việc vượt biên của con là một vấn đề khá phức tạp, hiện giờ mỗi lần nghĩ đến là lòng đau như cắt. Tuy nhiên, việc con đến với cha hôm nay không thuộc về lãnh vực này mà là việc hôn nhân của con. 

Như con vừa nói, con ở bên Úc một mình, con có quen với một thanh niên hai năm rồi, và chúng con quyết định đi đến hôn nhân. Khi trình bày với gia đình bên Việt Nam thì mẹ con cho biết con có một người cậu họ hàng xa hiện cũng đang ở bên Úc mà lại cùng một tiểu bang nữa. Bây giờ có chuyện, con phải đến gặp cậu mợ để cậu mợ thay mặt cho ba mẹ con đứng ra lo cho con (năm nay con 22 tuổi). Con cầm thư của mẹ con đến gặp người cậu họ và gia đình cậu. 

Người cậu này, thật ra là họ hàng, nhưng vì xa xôi nên mặc dù cậu con đã sang đoàn tụ với con cái hơn một năm rồi, nhưng con cũng chưa một lần gặp. Còn những người con của cậu mợ thì vì khi còn ở Việt Nam gia đình cậu mợ ở tại Rạch giá, trong khi gia đình con ở tại Di Linh, Lâm đồng nên chưa cũng chưa một lần gặp nhau như là họ hàng, chỉ nhìn thấy nhau khi đi lễ vài lần. Chắc cha cũng hiểu hoàn cảnh của con. 

Cậu mợ con rất niềm nở đón tiếp khiến con hối hận rằng sao sau cả năm trời con đã không biết để đến nương nhờ. Các em họ con, con của cậu mợ cũng vậy, rất chân thành và quí mến con. Con cảm thấy như tìm được tình thương gia đình, nhất là trong khoảng thời gian trước khi thành hôn. Cậu mợ con lý luận rằng thân gái dặm trường không tốt, con nên dọn về ở chung với cậu mợ. Nhà ba phòng ngủ, cậu mợ chỉ còn hai người con trai sống chung, ở một phòng, con ở phòng còn lại. Gia đình lại đạo đức, tốt lành, ấm cúng. 

Sau khi thu xếp chuyện tư, chuyện riêng, con đồng ý dọn vào ở chung với cậu mợ, vì dù sao đến cuối năm con cũng đã cưới rồi, lúc đó sẽ theo chồng, dọn ra riêng...chỉ còn có bảy tháng nữa chứ mấy. 

Sau ba tháng ở chung rất là đầm ấm, thì chuyện xảy ra cha ạ! T., con trai lớn (26 tuổi) của người cậu ngỏ ý thương con. Lúc đầu con ngạc nhiên sững sờ, nhưng khi kiểm điểm lại lòng mình, con cảm thấy cũng rung động và nhất là sau đó chính cậu mợ cho con biết ý của cậu mợ. Cậu mợ nói rằng việc nói thì phải nói, nhưng tất cả là tùy ý con. Câu chuyện lại xảy ra khi con và người bạn trai kia có một hai vấn đề khúc mắc. Thưa cha xin cha giúp con, cho con ý kiến về những vấn đề sau: 

Con có thể tiến tới hôn nhân với người "em họ" con cậu mợ của con không? 

Nếu con không tiếp tục với người bạn con đã dự định kết hôn thì con có bị vướng mắc gì không? 


Thúy Ái, Liverpool


 

Thúy Ái mến, Ái 

Cứ theo tinh thần của thư Thúy Ái viết thì rất có thể trong tương lai gần, tôi sẽ nhận được thêm một là thư nữa của Thúy Ái, hỏi về việc tương tự như: nếu con không tiếp tục với người "em họ" con có bị vướng mắc gì không? Tôi có cảm tưởng như cô đang đùa giỡn với tình yêu và ngay cả hôn nhân nữa. 

Này nhá! Ái dọn nhà đến ở chung với cậu mợ, để cậu mợ lo đám cưới cho Ái, sau khi đã suy nghĩ và cầu nguyện hẳn hoi...rồi tự nhiên quên ngay đi người tình sắp sửa trở thành ý trung nhân trong ngày cưới, để rồi rung động trước lời tỏ tình của người "em họ", mặc dầu giữa hai người đang có chuyện khúc mắc. 

Tình yêu và hôn nhân không phải vậy cô Ái ơi! Tình yêu phải mạnh lắm, mạnh hơn sự chết kìa, mới nói tới chuyện hôn nhân được. Chỉ mới có một chút khúc mắc đó mà đèn đã tắt cái "phụp" thì không nên tiến tới hôn nhân. Rồi còn về phần người "em họ" kia nữa, mới ba tháng sống chung nhà, người ta mới "ngỏ ý thương" thôi, cô mới thấy "cũng rung động" thôi, thì còn phải đợi cho nó rung động thêm nữa đã, chưa gì mà đã rắp tâm chia tay người tình cũ rồi. Phải suy nghĩ thêm, phải cầu nguyện thêm và phải bàn hỏi thêm với nhiều người khôn ngoan nữa mới được. 

Riêng về câu chuyện người cậu người mợ, như Ái nhận xét và viết trong thư thì đạo đức và tốt lành. Điều đạo đức và tốt lành này chắc phải xét lại, vì ba mẹ Ái lên tiếng nhờ cậu mợ giúp đứng ra lo dựng vợ gả chồng cho cháu gái và cháu gái đã có người hôn phu, mà cuối cùng cậu mợ lại ngỏ lời rằng "việc phải nói thì cứ nói..." thì ô hô, đừng hỏi ý kiến của cậu mợ vì cậu mợ hình như không phải là người khôn ngoan đâu. 

Cuối cùng, về hai câu hỏi của Ái, tôi xin trả lời như sau: 

Không biết rõ ràng cấp độ họ hàng của hai người ra sao thì không trả lời rõ ràng được, nếu như mẹ của Ái là chị ruột của người cậu này thì hai người (Ái và T.) không lấy nhau được (họ hàng bàng hệ cấp bốn). Còn nếu mẹ của Ái chỉ là chị họ của cậu thì hai người lấy nhau được. 

Nếu Ái không tiếp tục với người bạn đã dự định kết hôn thì có bị vướng mắc gì không? Điều này còn tùy vào những việc hai người đã giao ước và thỏa thuận. Giả như hai người đã có lễ đính hôn, đã trao cho nhau một số lễ vật giao ước, đã thề hứa v.v... thì vướng mắc có thể có tùy theo mức độ "nghiêm trọng" của những lời thề hay giao ước này. 

Chúc Thúy Ái trưởng thành hơn trong tình yêu trước khi quyết định tiến đến hôn nhân. 

Tháo gỡ hôn nhân có dễ không?


Kính trình Cha, 

Con muốn viết thư cho cha từ lâu rồi, kể từ khi cha còn giải đáp thắc mắc trên một tờ báo khác cơ, nhưng mãi đến hôm nay, nhân thời gian nghỉ của các con cháu, con có thì giờ rảnh rang biên thư thăm cha và trình bày với cha vài việc riêng tư của con. 

Con cũng như các con của con rất thích đọc mục giải đáp thắc mắc cha trả lời, vì có những tình tiết éo le trong mục câu hỏi, đôi khi đau lòng và đôi khi tức cười nữa. Thích thú vì phần trả lời của cha rõ ràng và khúc chiết. Tuy nhiên, đây là phần của con: 

Dù phần lớn trong gia đình đều thích đọc mục giải đáp do cha phụ trách, nhưng chúng con cũng phân vân lo sợ không ít vì việc tháo gỡ hôn phối này. Thời kỳ ở Việt nam và ở Việt nam ngày nay Giáo hội không chấp nhận việc bỏ vợ bỏ chồng, mà sao bên Úc và theo cha thì có vẻ dễ dàng quá vậy. Nhất là trong Chúa nhật thứ 27 mùa quanh năm vừa qua, con đi dự lễ ở nhà thờ của cha ở Richmond đó, chính cha giảng rõ ràng từ tòa giảng rằng sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly và còn nhiều lần dự đám cưới nữa cũng vậy. Con cái con đã có vợ có chồng và cứ mỗi lần nghĩ đến con lại lo sợ vẩn vơ. 

Vậy xin cha giải đáp cho con rằng khi nào thì tháo gỡ được và khi nào thì không tháo gỡ được. 


Nguyễn thị Phai. Springvale


 

Kính thăm bà Nguyễn thị Phai. 

Trước tiên, tôi xin cam kết với bà thêm một lần nữa rằng sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly. Như thế, khi hai người nam nữ đã kết ước hôn phối trước bàn thờ Chúa với các điều kiện luật qui định thì không một quyền thế nào có thể phân ly họ được, trừ cái chết. 

Những điều kiện luật qui định là: 

- Hai người thật sự yêu thương nhau. 

- Hai người có ý định sống với nhau suốt đời. 

- Hai người không bị ngăn trở gì hết theo luật định. 

- Hai người thực hiện hôn phối trong nhà thờ. 

- Hôn phối của hai người có sự chứng giám của hai người chứng theo luật. 

- Hôn phối của hai người có sự chứng giám của một linh mục hay phó tế hợp luật. 

- Hai người đã chung thân (ân ái) với nhau sau khi đám cưới. 

Công việc làm của Tòa Án Hôn phối chỉ là việc điều tra về một hôn phối nào đó, khi được yêu cầu, xem hôn phối đó khi thực hiện có thiếu sót gì không theo những điều đã qui định như liệt kê ở trên. 

Sau khi điều tra, nếu Tòa Án thấy rằng hôn phối đã cử hành không thiếu sót, tất cả những qui định do luật Giáo hội đều được tuân thủ đầy đủ. Lúc đó Tòa Án sẽ tuyên bố thêm một lần nữa là Hôn phối này Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly, chỉ cái chết mới chia rẽ hai người được mà thôi. 

Nhưng nếu sau khi điều tra, Tòa Án khám phá được rằng hôn phối đã cử hành thiếu một hay nhiều những qui định trên. Tòa Án sẽ tuyên bố hôn phối đã không thành sự lúc cử hành. Nay, nếu hai người muốn tiếp tục sống chung, hai người phải thực hiện hôn phối lại. Còn nếu hai người không còn muốn sống chung nữa, họ được tự do lập gia đình với người khác. 

Không có một hôn phối nào thành sự mà được tòa án tháo gỡ cả. Nói cho cùng, từ ngữ tháo gỡ xử dụng ở đây không được chỉnh lắm. Hy vọng bà không còn bối rối sau khi đọc xong phần giải đáp này. 

Chúc bà hưởng một cái tết vui vẻ. 

Giáo luật và một mối tình ngang trái.


Kính thưa Cha, 

Từ lâu, tôi sống đạo trong tình trạng dày vò, khó xử về hôn nhân. Mong được cha vui lòng giải đáp để tôi được sống đạo và đến nhà thờ một cách vui tươi và thoải mái, để con cái tôi được rửa tội và sinh hoạt trong đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể như các bạn bè của chúng. 

Vào tháng 4/1975, khi tình hình chiến sự tại quê tôi trở nên nghiêm trọng, Cộng Sản sắp chiếm tỉnh lỵ. Cha mẹ tôi và gia đình hôn thê của tôi muốn tác hợp cho chúng tôi nên vợ chồng. Do đó, đã đến xin cha sở làm đám cưới cho chúng tôi tại nhà thờ. Sau đó, hai chúng tôi về ở với nhau được một vài ngày thì mỗi người theo gia đình chạy một nơi, không còn gặp nhau nữa. Năm 1978, tôi định cư tại Úc, tôi gặp một người bạn gái, nàng theo đạo ông bà. Hai chúng tôi đã chung sống từ đó đến nay và đã có 6 con. Tôi không biết cách nào để xin hợp thức hóa tình trạng hôn nhân về phương diện đạo. 

Cách đây mấy tháng, tôi có gởi thư về cha sở ở Việt Nam xin giấy chứng chỉ hôn thú. Cha có gởi cho tôi một lá thư xác nhận cha có làm phép hôn phối tại nhà thờ, nhưng vì tình thế lúc đó quá lộn xộn, cha cũng không ghi vào sổ hôn phối của họ đạo nữa. 

Mấy năm nay, tôi vẫn sống trong tâm trạng đau khổ và ray rứt khôn cùng. Hằng tuần vẫn đi lễ chúa nhật, nhưng không được xưng tội rước lễ. Sinh con không được rửa tội và chúng không được theo học trường Công Giáo như ý chúng tôi mong muốn. Vợ tôi sẵn sàng học đạo và muốn trở thành người tín hữu Công Giáo để chịu phép Bí Tích Hôn Phối. Nhưng khi tôi xin, cha nào cũng chối từ. 

Kính thư. 


Nguyễn Thăng T. Footscray, Victoria.


 

Anh Nguyễn Thăng T. mến, 

Đọc thư của anh, chính tôi cũng cảm thấy bứt rứt, vì hoàn cảnh éo le của anh và gia đình. Trước khi trả lời thư anh, tôi xin tóm lược nội dung lá thư của anh như sau: 

Anh đã thực hiện Bí Tích Hôn Phối trong Giáo hội Công Giáo vào tháng 4/1975, do ý muốn của hai gia đình, trong hoàn cảnh chiến tranh hỗn loạn và việc cử hành đã không được ghi vào sổ hôn phối của xứ đạo (nơi cử hành). Anh và người vợ của hôn phối này sống với nhau chỉ một vài ngày thôi, sau đó chia tay nhau. 

Từ năm 1978, Anh bắt đầu sống với một người đàn bà khác (không phải là người đã cùng anh thực hiện Bí tích Hôn phối tháng 4/1975). Hiện giờ hai người có 6 đứa con. 

Những đứa con này chưa được rửa tội và không được theo học trường Công Giáo. Khi anh đến các cha sở, Cha nào cũng từ chối. 

Tôi xin trả lời các điểm này như sau: (Không theo thứ tự abc trên) 

Khi anh đến các cha sở, Cha nào cũng từ chối, tôi không hiểu các cha từ chối gì, vì anh không trình bày anh xin gì. Theo ước đoán, tôi có thể góp vài ý như sau: 

- Nếu anh xin cho mẹ của 6 đứa con rửa tội: anh có thể bị từ chối, vì phải giải quyết hôn phối của anh trước đã. 

- Nếu anh xin cho các con học trường Công Giáo: Các cha sở không từ chối điều này được, nếu không có lý do nào khác. 

- Nếu anh xin cho các con rửa tội: Các cha cũng không từ chối nếu không có lý do hệ trọng khác. 

Hiện tại, anh không thể thực hiện bí tích hôn phối với người mẹ hiện thời của những đứa con ấy được, vì anh bị vướng mắc bởi hôn phối thứ nhất đã thực hiện tháng 4/1975 (Điều luật 1085). 

Nếu anh muốn thực hiện Bí Tích Hôn Phối với người đàn bà đang chung sống này, anh phải xin Giáo hội (qua tòa Án Hôn phối địa phận) tuyên bố tháo gỡ hôn phối anh đã cử hành tại Việt Nam. 

Nếu anh muốn trình trường hợp của anh ra tòa Án Hôn phối để tháo gỡ, anh có thể nhờ cha Tuyên úy hay cha sở liên lạc qua số điện thoại của tòa Án để xin hẹn gặp trình bày về hôn phối của mình. 

Với lòng ao ước của anh chị và con cái, tôi chắc rằng trường hợp hôn phối của anh sẽ được cứu xét mau chóng. Thân chúc anh sớm tìm được an bình trong đời sống đức tin. 

Giáo luật và việc ngừa thai


Kính thưa Cha, 

Hai đứa tôi đều theo đạo Công Giáo, nhưng hoàn cảnh lúc này, nền kinh tế Úc xuống ghê quá! mà hai đứa lại định làm đám cưới trong năm nay, nên cả hai đều đồng ý là sau khi cưới chừng 3 năm mới có đứa con đầu tiên. Có con lúc này là một chi phí mà hai đứa khó kham nổi, cả hai cùng e ngại vì Giáo hội không cho phép xử dụng việc uống thuốc ngừa thai. Hai đứa tôi thấy làm đám cưới, rồi lỗi luật "ngừa thai" coi bộ không ổn, cho nên hai đứa định làm đám cưới đời thôi. Rồi sau đó vài năm thì...quyết định có con và làm đám cưới trong nhà thờ. Như thế liệu có được không?. 


Trần Thị A. Melbourne.


 

Đọc thư của chị viết, tôi bị một chút "confusion". Ừ, thì tôi cứ tạm đồng ý với cả "hai đứa" đi: rằng thì là.. luật giáo hội không cho phép uống thuốc ngừa thai. Và nếu đi ngược lại luật giáo hội thì phạm tội. Và vì "hai đứa" không muốn phạm tội 'uống thuốc' nên chẳng làm đám cưới theo phép đạo luôn, thì việc anh chị làm cũng giống như là thay vì ăn cắp quả trứng thì sợ người ta biết nên "ẵm" luôn cả con gà mái đang đẻ... như thế liệu có được không? 

Chắc chắn là không được! Giáo hội cũng có thể đồng ý với "hai đứa" là nếu có con ngay sau khi cưới, e rằng đời sống sẽ nặng nề, nhất là hoàn cảnh kinh tế hiện tại... Giáo hội cũng biết và dạy chúng ta rằng: sự liên hệ giữa cha mẹ và con cái trong việc dưỡng dục rất quan trọng. Có sinh thì phải có dưỡng. Giáo hội khuyến khích việc"kế hoạch hóa gia đình" trong lãnh vực cho phép, chẳng hạn như: Có con thưa ra, không dồn dập theo cái kiểu đầu năm con trai, cuối năm con gái,... Đồng thời với việc này, Giáo hội ngăn cấm việc ngừa thai bằng các phương pháp nhân tạo. 

Giáo hội cho rằng, việc "giao hợp" vợ chồng, "trợ giúp đời sống" của nhau cũng như đưa đến việc "truyền sinh cho con cái". Hai mục đích này song song với nhau trong hành động diễn tả tình yêu vợ chồng. Để khỏi bị lạm dụng, giáo hội giới thiệu những phương pháp tự nhiên và ngăn cấm những phương pháp trái tự nhiên. 

Sở dĩ hai người quyết định như trên là vì chưa am hiểu về những phương pháp kế hoạch hóa gia đình, về việc này "hai đứa" có thể bàn hỏi thêm với các cha Tuyên Úy hay cha sở, hoặc liên lạc với chương trình kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên (Natural Family Planning). 

Xin đừng "ẵm" cả con gà và cũng đừng lấy một vài quả trứng. 

Thân chúc "hai đứa" tìm được sự khôn ngoan trong ý Chúa.

Có buộc theo đạo khi kết hôn
với người Công Giáo không?



Thưa ông Linh mục Tiến. 

Xin thưa ngay với Linh mục, tui không phải là người đạo Chúa, nhưng gia đình tui bây giờ có chuyện liên hệ với người đạo Chúa. Số là, con cái tui, từ nhỏ tới lớn ở trong gia đình thờ cha kính mẹ đúng chữ đạo con. Sang bên này, con cái đổi khác, tui buồn lắm. Buồn hơn nữa là chuyện trăm năm của con gái tui. Vẫn biết "phận gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu". Nhưng cha mẹ nào lại chẳng muốn con mình nên thân nên người, yên bề gia thất. 

Con gái tui độ rày tệ hại, thương một người đạo Chúa. Tình thương của đám trẻ tui không cản. Nhưng ngặt một nỗi người đạo Chúa sao mà khó quá. Tụi nhỏ thương thì cứ thương, làm con thì hiếu để làm đầu. Đàng này, bên đó cứ nằng nặc đòi con gái tui bỏ ông bà mà dô đạo Chúa. Ai cũng có ông bà cha mẹ, dù xuất giá tòng phu thì vẫn có ngày "nhị hỉ" về lại nhà cha mẹ. Rồi thì cúng giỗ... dù phận gái cũng có khi lo nhang đèn chớ. 

Tui hỏi con gái tui, nó chỉ nói là bên nhà trai đòi nó dô đạo Chúa thì mới cưới. Còn tui thì nghĩ trong bụng họ gây khó dể như dzậy thì tui cũng không gả. Ngặt một điều, bởi vì bà nhà tui thì thương con, nó xúi mẹ làm áp lực tui hoài.Vậy tui hỏi ông thử coi: Chớ bộ người theo đạo Chúa chỉ dựng vợ gả chồng trong vòng người theo đạo Chúa thôi sao? Tui không bắt rể phải về bên tui, nhưng nhà trai đừng ép con gái tui bỏ ông bà tổ tiên chớ. 

Giận quá. Tui viết bậy ông thứ lổi cho. Xin ông trả lời liền để chuyện gia đình tui được an. Cảm ơn ông cha. 


Năm Hiền (Sunshine, Victoria)

 


 

Thăm bác Năm Hiền, 

Đọc thư Bác Năm, tôi khoái chí tử, được kêu tới bằng Ông lận. Tôi thông cảm với hoàn-cảnh của Bác, và chia sẻ khổ tâm của Bác khi "Bác Năm gái áp lực Bác hoài". Ráng chịu đựng nghe Bác Năm, vì mình muốn cho con cái mình nên thân nên người, nên phải chịu đựng. Nói nhỏ Bác Năm nghe: chịu đựng là một nhân-đức trong đạo Chúa đó Bác Năm à! Càng chịu đựng nhiều càng có nhiều phước đức để lại cho con cháu! Chúa dạy dzậy đó Bác Năm. 

Có cuốn sách nào đó viết là: "Tình yêu mạnh hơn sự chết" Bác Năm đọc qua rồi chưa? Đạo Chúa tin dzậy đó Bác Năm: Tất cả cho tình yêu. Bác Năm nhớ hồi Bác Năm còn là thanh niên lúc mới quen Bác Năm gái hông? Chà lâu dzữ rồi nghe! 

Đọc thư Bác Năm, biết Bác Năm theo đạo ông bà, thờ cha kính mẹ: khi cha mẹ còn sống thì vâng lời phụng dưỡng, khi cha mẹ quá phần thì nhớ ngày cúng giỗ kỵ, đốt nén hương trầm tưởng niệm người quá vãng, dạy cho con biết và tuân giữ ơn nghĩa sinh thành. 

Đạo Chúa dạy y trân Bác Năm à! Trong đạo Chúa có mười giới luật Chúa truyền cho người theo đạo Chúa phải tuân giữ, ai không giữ thì không xứng đáng theo Chúa. Trong 10 giới luật này, 3 giới luật đầu tiên: 1, 2, 3 là về việc tôn thờ Chúa, hướng về Chúa và 7 giới luật còn lại hướng về con người trong cách sống và việc giao thiệp. Bác Năm biết không? Giới luật đầu tiên trong 7 giới luật về con người dạy rằng người ta phải 'thảo kính cha mẹ'. Trừ Chúa ra, người đầu tiên và cao trọng nhất đối với một con người là tổ tiên, ông bà cha mẹ. Theo đó, khi những người sinh thành dưỡng dục mình còn sống, mình phải vâng lời phụng dưỡng, khi khuất núi mình phải nhớ ngày để cầu nguyện giỗ chạp, đốt nén hương tưởng niệm v.v....Dzậy đó Bác Năm! 

Y trân à! Con gái Bác Năm "độ rày tệ hại" thương người đạo Chúa nghe mủi lòng quá hà! Có một thứ Bác Năm lo lắng là khi hai Bác Năm "đi" rồi, con nhỏ theo đạo Chúa đó còn nhang đèn gì cho hai Bác không chớ gì? Đạo Chúa dạy con nhỏ phải làm dzậy, phải nhang đèn cho Bác Năm chớ! Quên sao được! 

Hổng phải người đạo Chúa chỉ dựng vợ gả chồng cho người theo đạo thôi Bác Năm à! Vì tình yêu không phân biệt tôn giáo, màu da, chủng tộc mà Bác Năm, nên người đạo Chúa muốn lập gia-đình với ai cũng được, theo đạo nào cũng được, miễn là hai đứa nó thương nhau thiệt tình và muốn sống với nhau suốt đời chung thủy. 

Cái dzụ bắt rể, bắt dâu theo phong tục ông bà, thời này tụi nhỏ hổng ưng nữa rồi Bác Năm ơi! Bác hổng bắt rể mà đàng trai họ cũng hổng bắt dâu, cưới xong là "hai đứa tụi nó" dzọt liền hà, mướn nhà ở riêng... 

Giờ đề nghị Bác Năm nghe, hổng phải tôi là ông linh-mục rồi tôi nói, mà đều gả đi Bác Năm à! Tụi nó thương nhau! Bác Năm gái thương con nhỏ rồi Bác Năm thương Bác Năm gái... 

Tóm lại cho dễ hiểu nghe Bác Năm: Đạo Chúa không chỉ dựng vợ gả chồng trong vòng người theo đạo Chúa. Đạo Chúa cũng không cấm việc nhang đèn tưởng niệm trong ngày giỗ kỵ ông bà cha mẹ. Sự cấm cản nếu có chỉ là do sự hiểu lầm mà ra, sự hiểu lầm bắt nguồn từ hai phía: phía đạo không cởi mở đủ để cho người chung quanh biết, phía không đạo không tìm hiểu xa hơn những điều nghe nói. 

Chừng nào đám cưới "con nhỏ" Bác Năm nhớ kêu tôi một tiếng nghe, khỏi cần thiệp mời, tốn phí quá hà ! Chào Bác Năm, chúc Bác Năm dzui dzẻ. 

Tình dục trong hôn nhân.


Kính thưa Cha, 

Con thật nghi ngại và bối rối khi viết thư này đến Cha vì e sợ rằng nó quá đáng chăng? Thưa Cha, chúng con đã lập gia đình với nhau hơn 10 năm và đã có với nhau 4 mặt con. 

Trong hoàn cảnh hiện tại, nhà con làm nghề may thành thử suốt ngày bận rộn, nhất là khi hàng may người ta cần gấp phải làm cả ban đêm nữa mới kịp. Bận rộn công việc như thế mà một mình con là người phải lo, còn chồng con thì chỉ làm cho có lệ vậy thôi, không hăng hái lắm. Mấy lúc sau này con thấy nhà con đem về nhà những sách báo "bậy bạ" và những phim ảnh xấu xa. Nhà con muốn con coi những sách báo phim ảnh này, nhưng con từ chối vì bận bịu cũng có mà vì sợ hãi cũng có. 

Trong đời sống vợ chồng, nhà con thường muốn "gần gũi", nhưng con không thích chuyện này, mỗi lúc con từ chối như thế, hình như nhà con giải quyết một mình với những phim ảnh sách báo bậy bạ. Chuyện xảy ra nhiều lần lắm rồi. 

Khi nghĩ tới điều này, con tự thắc mắc không biết nhà con làm như thế có tội không? Và nhà con làm thế vì con từ chối! Vậy liệu trong việc này con có bị tội lây không? Và nếu con không thích thì con có quyền từ chối không? 

Con không dám viết tên thật và địa chỉ của con vì con xấu hổ khi nói tới việc này. Hơn nữa, chồng con sẽ tự ái nếu anh ấy biết con viết thư xin giải đáp thắc mắc. Khi trả lời, con chỉ cần nội dung, còn lời văn trong thư Cha sửa sao cũng được. 

Xin Chúa chúc lành cho Cha. Kính thư, 


Hoàng anh Thư (Melbourne)


  

 

Chị Thư mến, 

Tôi đã định trả lời thư riêng cho chị vì khía cạnh tế nhị của vấn đề, nhưng suy đi nghĩ lại, chị đang cố tránh những khó khăn có thể xảy ra trong liên hệ vợ chồng "nếu nhà con anh ấy biết, anh ấy sẽ tự ái". Thành thử cuối cùng tôi quyết định vẫn trả lời thư chị như những thắc mắc bình thường khác. 

Thật ra như chị e ngại cũng đúng vì vấn đề hơi quá đáng trong mục giải đáp thắc mắc này. Tôi là chuyên viên về luật pháp, làm việc trong Tòa Án chứ không phải là chuyên viên về lãnh vực Thần học luân lý. Tuy nhiên, tôi cũng có thể chia sẻ với chị một vài điều như sau: 

- Theo Giáo luật (điều 1055), hôn nhân Công Giáo là một khế ước đặt căn bản trên sự tự do ưng thuận, chấp nhận nhau của hai người nam và nữ, trong sự liên kết toàn hảo của hai đời sống bao gồm: tinh thần, tình cảm và sự kết hợp của hai thân xác. Các nhà lập pháp ngắn gọn hơn, diễn tả rằng: Hôn nhân Công Giáo là một liên kết toàn vẹn của hai vợ chồng trong tất cả các lãnh vực sinh hoạt nhân sinh. 

- Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng (Gaudium et Spes) qui định rằng: Do thiên luật và luật tự nhiên, hôn phối được sắp đặt vì lợi ích của hai người phối ngẫu (bonum coniugum) cũng như việc sinh sản và giáo dục con cái. 

- Đức Giáo Hoàng Piô XI qua sắc lệnh Casti Connubii năm 1930 xác định rằng: "Một trong những mục đích quan trọng trong cuộc sống chung của hai vợ chồng là việc nâng đỡ bảo vệ lẫn nhau trong mọi khía cạnh của đời sống". 

- Thánh Anphongsô đệ Liguori trong tác phẩm "Thần học Luân Lý" (Moral Theology) xuất bản năm 1748, khi đề cập đến khía cạnh tình dục của đời sống vợ chồng, đã viết như sau: (không nguyên văn) "Trong cuộc sống chung, vợ chồng không được từ chối nhau những "hành động tình dục hợp với nhân tính" "khi được yêu cầu", nếu không có lý do chính đáng thí dụ như bệnh hoạn, đau yếu hay hoàn cảnh thiếu tính cách riêng tư...Lý do của việc không được từ chối này, là vì nó sẽ đưa người bị từ chối vào hoàn cảnh khó xử cho chính họ, và rất có thể là nguyên nhân cho việc ngoại tình. "Cần phải hiểu rõ ràng hơn hai từ ngữ đã được xử dụng: (1) hành động tình dục hợp với nhân tính và (2) khi được yêu cầu. 

Hành động tình dục hợp với nhân tính: Những cách thức thực hiện hành động tình dục vợ chồng xa lạ, không bình thường trong quan niệm chung của hai người. Quan trọng hơn, việc xuất tinh của người chồng luôn luôn phải xảy ra trong âm đạo của người vợ. 

Khi được yêu cầu: Hai cách yêu cầu khác nhau tùy theo người yêu cầu là người vợ hay người chồng: 

Được hiểu là yêu cầu khi người chồng biểu lộ cách rõ ràng bằng ngôn từ hay những cử chỉ quen xử dụng. 

Được hiểu là yêu cầu khi người vợ biểu lộ cách kín đáo qua ngôn từ 'bóng gió' hay những cử chỉ hàm ẩn quen xử dụng. 

Qua những kiến thức nêu trên, ba câu hỏi của chị sẽ được trả lời như sau: 

Nhà con làm như vậy có tội không? Việc làm của một người xét về phương diện tội phúc, phải được phán đoán bởi Thiên Chúa và chính đương sự theo lương tâm chân thực của người ấy, với sự hướng dẫn của Giáo hội qua Chúa Thánh Thần. Như một linh mục, tôi chỉ có thể chia sẻ điều này với đương sự qua tòa giải tội. 

Liệu có bị tội lây không? Như câu trả lời số 1 trên. 

Nếu không thích thì có quyền từ chối không? Nếu không có một lý do chính đáng nào khác mà chỉ vì một lý do không thích, thì không nên từ chối; Vợ chồng nên chia sẻ với nhau trong lãnh vực này. Chính chị có thể trả lời câu hỏi, nếu chị đặt ngược lại hoàn cảnh: Chị sẽ phản ứng ra sao, nếu anh ấy từ chối chị chỉ vì anh ấy không thích? 

Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây sẽ không tạo thêm "rắc rối" cho gia đình chị. Tôi cũng tin rằng thắc mắc mà chị can đảm nêu ra ở đây sẽ giúp ích được cho nhiều người khác. 

Thân ái chúc lành, 

Chàng rể lý tưởng?


Thưa Cha, 

Trước tết năm nay con lên xe hoa rồi. Mọi chuyện chúng con sắp xếp gần như xong. Anh ấy tháo vát lắm, cha à. Thiệp cưới do anh ấy vẽ lấy rồi nhờ bạn anh ấy in.. "free". Nhà hàng cũng đã "book" xong, đã đóng tiền cọc, anh ấy đã mời con, bố mẹ và các em con đến ăn thử tới hai lần lận. Lần nào con cũng được 'nở mũi' vì ai cũng khen anh ấy khéo chọn món ăn. 

Đám cưới của chúng con chắc chắn sẽ đẹp nhất chẳng ai bằng đâu Cha. Bởi vì sẽ có thêm ba mẹ chồng tương lai của con từ Việt Nam sang đây dự nữa. Ba mẹ anh ấy đã tới Úc tuần trước và sẽ ở lại đến sau tết Việt mới về. Như vậy là đủ bá quan hai họ Cha ạ! Nhưng chính cái sự đủ mặt bá quan hai họ này mới sinh ra lắm chuyện. 'nhiều thày thối ma', tục ngữ có nói như vậy. Số là khi bố mẹ anh ấy sang đây gặp 'đàng gái' để bàn chuyện chi tiết ngày cưới. Đùng một cái bố anh ấy hỏi: "Vậy thì mấy giờ chúng con ra Tòa Thị Chính ký giấy hôn thú?". Chúng con ngẩn tò te. Đứa này ngó đứa kia. Ảnh thì coi bộ ú ớ. Mẹ con nhìn thấy và sau này nói lại là mẹ con thấy lúc đó ảnh khều khều chân sang bố ảnh, ngầm nói bố ảnh đừng hỏi về chuyện này...Thật sự chúng con cũng chẳng biết lúc nào chúng con ra Tòa Thị Chính ký giấy hôn thú, chúng con chưa bao giờ đề cập đến vấn đề này, tưởng như chỉ làm đám cưới trong nhà thờ thôi. Ảnh trả lời mọi người là ở Úc không có ký giấy hôn thú, cứ cưới là xong. Con thì tin ảnh nên chẳng hỏi gì thêm. Chỉ có mẹ con thấy vậy nên sinh nghi. 

Con khổ lắm Cha ơi! Từ khi biết ảnh không lo ký giấy hôn thú gì cả, một hai mẹ con cứ cho ảnh là người dòng họ sở. Mẹ con còn nói nặng nữa..là nó gạt gẫm gia đình mình. 

Mẹ con nhất định làm cho ra chuyện. Con buồn lắm vì lỡ thương ảnh rồi. Con tin ảnh không gạt con. Nhưng mẹ con nói hoài, mẹ lôi ra từng cử chỉ trước đây mẹ khen để chê bai. Con chỉ biết khóc thôi. 

Mong Cha giải đáp gấp gấp bởi vì Cha nói sao chắc mẹ con tin vậy. 

Con xin cám ơn Cha trước. 

  

 

MT mến, 

Congratulations! Xin chúc mừng cho MT sắp lấy được người chồng tháo vát, nhiều tài khéo léo. Đám cưới chắc sẽ linh đình với sự hiện diện của cả hai bên bá quan hai họ. Có một điểm "lấn cấn" khó hiểu chỉ vì chị không viết rõ trong thư nên khó lòng giải đáp thỏa đáng, đó là cái chuyện lên xe hoa, cưới xin của MT được thực hiện như thế nào? Hôn lễ sẽ cử hành ở đâu? Có phép Hôn phối trong nhà thờ hay không? (Vì đoán là MT và ý trung nhân đều là tín hữu Công Giáo). Vì không rõ hai người sẽ cử hành hôn lễ thế nào, nên tôi xin được giải đáp trong hai trường hợp: 

Trường hợp 1.- Không cử hành trong nhà thờ: Nếu hai người chỉ "búc" nhà hàng và "mướn" xe hoa rồi xuất hành từ nhà đến nhà hàng, ăn uống linh đình rồi tuyên bố rằng hai người lấy nhau có sự chứng giám của bá quan hai họ, rồi lại ăn nhậu lai rai, nhảy đầm tí chút, nhận quà cáp, lời chúc mừng rồi ra về tìm một nơi ấm cúng để hưởng "tuần trăng mật" thì có thể mẹ MT nói đúng đó: Cái anh chàng tháo vát nọ có thể là dòng họ Sở và MT đã vô tình xác định ý nghĩa của câu nói: Yêu là mù quáng: Mù vì không nhìn thấy giấy khai sinh của ảnh. Quáng vì ảnh nói ở Úc không có giấy hôn thú mà vẫn trôi ! Xin chia buồn với MT., nếu MT. rơi vào trường hợp này. 

Trường hợp 2.- Có cử hành hôn lễ trong nhà thờ: Beautiful ! Nếu MT và ảnh cử hành hôn lễ trong nhà thờ với sự chứng giám của một linh mục hay phó tế hợp pháp, thì chính vị linh mục hay phó tế hợp pháp đó sẽ ký giấy hôn thú cho hai người. Giấy hôn thú này có giá trị phần đời và cả phần Giáo hội nữa. MT. hãy nói ngay cho mẹ để mẹ mừng và MT. sẽ nở mũi thêm nữa! Có thể MT. sẽ thắc mắc linh mục hay phó tế hợp pháp là ai và phải thế nào để được gọi là hợp pháp, tôi xin trình bày ngắn gọn như sau: 

a - Hợp pháp về phần đời: Một linh mục hay phó tế được coi là hợp pháp trong lãnh vực chủ sự ký giấy hôn thú phải hội đủ những điều kiện sau: 

- được giáo quyền giới thiệu, đề nghị với chính quyền, 

- được chính quyền chấp nhận và cho phép theo luật hôn phối của chính phủ Úc ban hành năm 1961 (Marriage Act 1961) với vai trò Chủ sự Hôn phối (Registered Minister of Religion).  

b - Hợp pháp về phần đạo: Một linh mục hay phó tế được coi là hợp pháp về phần đạo trong lãnh vực chủ sự hôn lễ phải hội đủ những điều kiện sau: 

- hoặc là Cha Sở của một giáo xứ (giáo luật điều 520) 

- hoặc là Quản Sở của một Bán giáo xứ (điều luật 516) 

- hoặc là một trong những các linh mục được bổ nhiệm tại một giáo xứ (điều 517, điều 542) 

- hoặc là Cha Tuyên úy (điều 539, 540, 570) 

- các linh mục được cha Sở ủy nhiệm (điều 1111) 

- các phó tế được cha Sở ủy nhiệm (điều 1111) 

Mến chúc MT. và gia quyến một mùa Giáng Sinh tràn đầy ơn Chúa Hài Đồng và năm mới đám cưới đẹp như lòng mong ước.

Ngoại tình.



Kính gửi Cha, 

Kính thưa Cha, nghe nói về Tòa Án Hôn phối và việc tháo gỡ hôn nhân Công Giáo, con trộm nghĩ thử viết đến Cha trình bày về trường hợp hôn nhân của con trai con. Con xin tóm lược vắn tắt như sau: 

Con trai con là X., 34 tuổi thực hiện hôn phối năm 1979 với cô Y., hai người sống với nhau từ 1979 đến 1984 và có với nhau 2 đứa con, một trai một gái. Con trai con là X đến Úc năm 1984 vợ và hai con kẹt lại tại Việt Nam. Tại Việt Nam cô Y giao du ngoại tình với anh P. là người Công Giáo đã có vợ và 3 con (anh P lén lút vợ con ngoại tình với Y.) 

Một năm sau vợ của P. mới cho con biết. Con cùng với vợ P. đến nơi hai người ở chung khuyên răn họ, nhưng Y đã không ăn năn còn hành hung vợ của P. nhiều lần. Sở dĩ con biết được là vì cứ mỗi lần bị hành hung thì vợ của P. lại đến con cầu cứu. Đã một lần, để giải quyết vấn đề, con đã triệu tập một buổi họp mặt có sự hiện diện của mẹ anh P., ông chú ruột của P. để yêu cầu P. và Y. chấm đứt việc sống chung trái phép, nhưng vô hiệu, thậm chí cô Y. còn có thái độ rất vô lễ với vợ chồng con. Con đã an ủi khuyên lơn vì hạnh phúc của gia đình con trai con, con đã nói con sẵn sàng tha thứ cho lầm lỗi này vì yếu đuối của xác thịt và vì nông nổi của tuổi trẻ, nhưng càng ngày P. và Y. càng lún sâu dưới bùn lầy tội lỗi, cô Y. càng ngày càng quá quắt hành hung vợ của P. nhiều lần nữa. 

Lần cuối cùng vào năm qua 1990 con và mẹ vợ nó đến nhà anh P. thì gặp ông bà thân sinh của anh P. cũng đang ở đó khuyên răn cô Y. nên từ bỏ P. để P. về với gia đình vợ và 3 đứa con dại, nhưng cô Y. nhất định không hối cải ăn năn. Con cũng liên lạc với con trai con ở Úc để trình bày sự việc và cho nó hay cha mẹ sẵn sàng tha thứ chỉ vì tương lai của hai đứa trẻ vô tội. 

Năm 1991, cô Y., hai đứa con và ba ruột của cô đến Úc. Con trai con đến thăm nhưng cô Y. thưa cảnh sát rằng hai người đã ly thân vì thế con trai con không được đến nhà, dù là đến thăm các con. Tòa Án dân sự tại Úc đã phán án chung quyết ly dị vào ngày 14 tháng 9 năm 1992. Đến ngày 3-10-92, con trai con yêu cầu con đứng lo cho nó một hôn phối khác với một người con gái khác phông phải là Công Giáo, nhưng sẵn lòng theo đạo để lập gia đình với con trai con, hai người đã quen nhau cả ba năm nay rồi. 

Thưa Cha, hiện giờ con rất bối rối, vì theo con trai con, hai đứa sẽ làm đám cưới vào đầu tháng Giêng năm 1993 sắp tới. Sự việc rắc rối là gia đình bên gái một mực đòi phải có mặt của cha mẹ đàng trai, chính là con đây. Con không biết phải xử trí làm sao. Con trai của con có được cử hành hôn lễ với bạn gái mới không? Con đi dự thì áy náy, mà không dự thì không được. Đàng nào thì hơn, cha? Con trai của con đã ly dị vợ rồi, nay làm sao để được tháo gỡ luôn phép hôn phối trong nhà thờ? như vậy đã làm phép trong nhà thờ cũng tháo gỡ được phải không cha? Hiện nay con rất bối rối. 

Xin Cha nghiên cứu và giải đáp cho. Hoặc giả xin Cha cho con hẹn gặp tại văn phòng làm việc hôn nhân của Cha, để con trình bày sự việc rành rẽ hơn. Con còn giữ một số thư của Y. gởi, khi nào cần con sẽ trình Cha. Chúc cha mọi sự an mạnh trong Chúa và nhiều sức khỏe để giải đáp khúc mắc cho mọi gia đình. 


PTT. Ringood, Victoria.


 

Thưa bác PTT, 

Đọc xong thư của Bác, tôi thấy Bác thật bối rối, bối rối một phần vì sự rắc rối của hoàn cảnh, nhưng phần nặng nề hơn là vấn đề thời gian, chỉ còn có một vài tuần nữa thôi là Bác và Bác gái phải lên "đoạn đầu đài" hiện diện trong đám cưới của con trai trong hoàn cảnh éo le tréo cẳng ngỗng.... Đi dự thì áy náy mà không dự thì không được! Ôi chao! sao mà sự đời có lúc lầm than vậy? 

Để giúp Bác được yên tâm hơn, tôi xin trình bày sự việc như sau: 

- Theo thư Bác trình bày về việc con trai Bác đã cử hành hôn lễ trong nhà thờ với cô Y. năm 1979, có nghĩa là hai người đã cử hành Bí Tích Hôn phối trong giáo hội. Con trai bác không được phép cử hành hôn lễ một lần nữa, nếu hôn phối cũ chưa được Giáo hội tuyên bố tháo gỡ. Con trai bác chỉ được cử hành hôn phối khác một cách thành sự và hợp pháp, sau khi Tòa Án Hôn phối của Giáo hội phán quyết hôn phối trước đó đã được tháo gỡ. 

- Tòa Án Hôn phối tháo gỡ hôn nhân Công Giáo thật đấy, nhưng không đặt căn bản trên việc ngoại tình của vợ chồng hay sự tan vỡ của gia đình sau nhiều năm chung sống. Tòa Án chỉ điều tra tìm hiểu về nguyên nhân và các yếu tố đã đưa hai người đến việc thực hiện Bí tích Hôn phối, nói nôm na là làm đám cưới. Nếu các nguyên nhân và yếu tố này không hội đủ những điều kiện đã được qui định theo Giáo Luật, thì phép Hôn phối hai vợ chồng đã thực hiện không thành sự. Và vì không thành sự, nên Giáo hội tuyên bố hai người tự do để đi lập một gia đình khác. Việc ngoại tình của cô Y. với anh P. sau đó đưa đến sự tan vỡ gia đình giữa cô Y. và con trai Bác không hẳn là chi tiết cần và đủ để cho hôn nhân giữa hai người được Tòa Án tháo gỡ. 

- Hiện giờ hai người đã ly dị phần đời, nếu muốn hôn nhân theo phép đạo của mình được tháo gỡ thì họ phải liên lạc với Tòa Án của Giáo Phận nơi mình đang sống để trình bày với Tòa Án về cách thức, nguyên nhân và động lực đã khiến họ kết hôn với nhau. Tòa Án sẽ điều tra, tìm chứng cớ và sau đó có thể tuyên bố tháo gỡ hay không, nếu quả thật hôn phối đã thực hiện không có hiệu quả Bí Tích. Trước khi đưa trường hợp của họ ra Tòa Án, đề nghị các đương sự liên hệ với các chuyên viên về Giáo luật để hỏi ý kiến và cách thức. 

- Về việc tham dự hôn lễ của con trai Bác, tôi thiết nghĩ đây là vấn đề thuộc lương tâm: tham dự thì áy náy mà không dự thì không được, đề nghị Bác đến gặp Cha Sở hay Cha Tuyên Úy địa phương, để trình bày và xin ý kiến của các Ngài, một chủ chăn trực tiếp am tường về hoàn cảnh gia đình cũng như về đời sống thiêng liêng của con chiên mình sẽ cho Bác những lời khuyên xác đáng hơn, nhất là trong hoàn cảnh éo le như hoàn cảnh của Bác hiện tại. Chúc Bác và gia quyến an mạnh trong Chúa Hài Đồng nhân dịp Lễ Giáng Sinh sắp tới để chuẩn bị tinh thần đối phó với nghịch cảnh. Xin được chung phần với sự lo âu của Bác. Thân kính. 

Con dâu hay mẹ dâu?


Thưa Cha, 

Năm nay con cũng lớn tuổi rồi. Con cái đã thành gia thất. Chỉ mong chúng nó sinh con đàn cháu đống, cho chúng con an hưởng tuổi già. 

Chuyện xảy ra là đứa con trai út của con trong những ngày vượt biên lưu lạc bên đất Xiêm La đã quen và cưới cô vợ người Thái. Hai người chỉ có giấy hôn thú dân sự mà không làm phép trong nhà thờ. Vả lại, con dâu người Thái này không gia nhập đạo Công Giáo. Hai người đã có với nhau một mụn con. Sang bên này, trời đất thay đổi, lòng người cũng đổi thay. 

Thưa Cha, Cô vợ người Thái của con trai út con rất láo xược. Cô ta dám chửi chồng trước mặt chúng con và còn đưa cả chồng ra cảnh sát và tòa án. Thưa Cha, tục ngữ có nói 'vô phúc đáo tụng đình. 

Một đêm nọ, cô ấy chửi chồng thậm tệ, nhiều câu tục tĩu mà con chắc chắc con trai con chưa bao giờ nghe trước đó. Cô ta làm áp lực suốt đêm để chồng đánh mà có cớ làm lớn chuyện. Sáng hôm sau con út con cho biết vì vợ hối dữ, không còn tình nghĩa gì nữa. Út con chỉ khiêm nhượng đọc kinh hãm mình. Tới sáng út đi tìm luật sư để làm thủ tục li dị. Nhưng luật sư nói sao đó, Út về nhà bỏ qua. Cho đến nay đã gần một năm, con dâu người Thái không hề đến nhà chúng con. Chồng cô là con út của chúng con lại cũng đã bỏ đi sinh sống tại Sydney. 

Chúng con quá đau khổ vì chuyện gia đình của con cái. Nay có một người Công Giáo muốn gá nghĩa vợ chồng với con trai út của chúng con. Chúng con mong ước cho chuyện trăm năm của con cái mọi bề yên ổn trước khi nhắm mắt. 

Vậy thì trong trường hợp của của chúng con, chúng con có thể bỏ người con dâu xấc xược người Thái đi và cưới hỏi người cùng tôn giáo cho con trai út không? 

Mong tin và sự chỉ giáo của Cha để chúng con có hướng sớm giải quyết rắc rối gia đình. Chúc cha luôn an mạnh. Rất mong tin Cha. 

Kính, LVT. 

 

Bác LVT kính mến, 

Dù không rõ tuổi hạc của Bác, nhưng đọc thư, nhận thấy những ưu tư dằn vặt trong sự rắc rối như tơ vò của Bác, tôi cũng cảm thấy âu lo. Tuy nhiên nếu sự bất an của Bác hiện giờ chính là vấn đề đã trình bày trong thư thì tôi có thể "chỉ giáo" để Bác được an hưởng tuổi già. 

Cứ theo thư trình bày thì con trai Út của Bác (Công Giáo) đã lập gia đình với một người Thái (không phải là Công Giáo). Hai người có một đứa con. Hiện thời hai người (vì những lộn xộn gia đình) không còn sống với nhau nữa và con trai Út của Bác muốn kết lập gia đình với một cô người Công Giáo. Theo Giáo luật được qui định trong điều 1086: "Hôn phối, nếu được cử hành giữa một người Công Giáo và một người chưa bao giờ rửa tội thì bất thành". Như thế, giữa con trai Út của Bác và cô vợ Thái, dù có hôn thú dân sự, nhưng hôn phối của họ không được Giáo hội chấp nhận, sự sống chung của họ qua cái nhìn của Giáo Hội và theo danh từ bình dân, người ta cho là "rối". Vì vậy, con trai Út của Bác có thể kết lập hôn phối với cô người Công Giáo Bác nói trong thư hay với bất cứ một người con gái nào khác mà không gặp trở ngại gì cả về phần đạo, tuy nhiên những điều kiện sau đây cần được thỏa mãn: 

- Phải có giấy tờ ly dị phần đời giữa con trai Út của Bác và cô vợ người Thái (để giải quyết phần đời về hôn phối dân sự của họ). 

- Phải được Tòa Án Giáo Hội tuyên bố hôn phối dân sự của họ không là một ngăn trở. 

- Phải nâng đỡ, ít là về phần vật chất cho người vợ cũ (nếu có thể và thuận tiện) và đứa con chung giữa hai người để thể hiện trách nhiệm và bác ái vì dù sao họ cũng đã một thời gian chung sống và đứa con là của chung hai người. Hy vọng với giải đáp ngắn gọn như trên, Bác sẽ an tâm và bình tĩnh đón Chúa Giáng Sinh trong Mùa Giáng Sinh sắp tới. Xin Chúa Hài Đồng chúc lành cho Bác và gia-quyến.

Vấn đề tôn giáo và hôn phối.



Thưa Cha, 

Con tên là NVN, hiện đang sống tại vùng St. Albans tiểu-bang Victoria. Con có một vấn đề xin Cha giúp cho ý-kiến, có lẽ đây không phải là một thắc mắc cha ạ! Để khỏi làm mất thì giờ quí báu của Cha, con xin đi thẳng vào vấn đề. 

Thưa Cha, con sắp sửa lập gia-đình trong dịp cuối năm này, người hôn-phu của con tên là T., không phải là người trong đạo công-giáo. Còn con thì công-giáo nhiều đời rồi. Khi bắt đầu quen nhau, chúng con đã chẳng có ý-định kết-hôn gì cả, nhưng càng ngày càng gần gũi nhau hơn và tình cảm càng nặng nề hơn, để cuối cùng chúng con phải quyết-định làm đám cưới. 

Khi đưa vấn đề ra trong gia đình thì gia-đình con phản đối dữ dội, cho rằng việc kết hôn với một người khác đạo như thế sẽ không mang lại hạnh phúc, sẽ dễ dàng đổ vỡ, con cái sau này sẽ lộn xộn, rồi gia-đình đưa ra nhiều thí dụ điển hình về những trường hợp gia đình vì hai vợ chồng khác tôn giáo mà đổ vỡ. Đầu tiên con chỉ biết khóc thôi, nhưng sau đó thì con tìm đủ mọi cách để biện hộ cho hoàn cảnh của con, nào là: cũng có những gia đình cả hai vợ chồng cùng một tôn giáo mà vẫn đổ vỡ, nào là: có những gia đình hai vợ chồng khác đạo mà vẫn hạnh phúc đầm ấm vui vẻ. 

Cuối cùng gia đình con xiêu lòng (chắc vì thấy chúng con thương yêu nhau quá chăng?) nhưng ra những điều kiện như sau: 

- Anh T. không được phép ngăn cản con trong việc giữ đạo, đọc kinh xem lễ và cầu nguyện. 

- Tất cả những đứa con sau này sẽ phải được rửa tội theo đạo Công Giáo và phải được hướng dẫn giáo lý đàng hoàng. Với hai điều kiện này anh T. đều chấp nhận, nhưng theo con nhận xét hình như anh T. tự ái trong những yêu cầu này, vì mấy lúc sau này con thấy thái độ anh ấy có vẻ khác. 

Chúng con đang chuẩn-bị cho ngày cưới vào dịp cuối năm nay. Ba con cho biết hai điều-kiện về tôn giáo vừa nêu bên trên phải được thề hứa và tôn trọng đàng hoàng, nếu không, ba con sẽ không đồng ý và không tham dự đám cưới của chúng con. 

Thưa Cha, bây giờ con phải làm gì? Xin Cha giúp cho con vì con bối rối quá ! Con cũng chưa dám nói với anh T. vì việc phải thề hứa này nọ về vấn-đề tôn-giáo. 

Xin Cha giúp con. 


NVN. St. Albans


 

Cứ loay hoay mãi khi đọc thư của NVN, sự loay hoay xoay vòng trong cái tên NVN. Cứ như sự thường "thông dịch" một cái tên viết tắt thì chữ V ở giữa phải được "dịch" là Văn và người mang tên NVN chắc phải là con trai hay đàn ông. Nhưng trong trường hợp này N.V.N là một cô gái, chẳng sao, ở thời đại này con gái có khả năng về "Văn" hay về "Võ" cũng không được coi là bất thường so với xã-hội Việt-Nam mấy chục năm về trước. 

NVN viết rằng đây không phải là thắc mắc mà chỉ là xin giúp ý-kiến. Theo tôi, đây là một thắc mắc hẳn hòi, và tôi xin giải đáp thắc mắc này: 

Điều luật 1086 qui định: "Hôn phối sẽ vô hiệu giữa một người đã được rửa tội trong Giáo Hội Công Giáo hay đã được nhận vào Giáo hội và chưa công khai bỏ Giáo Hội với một người chưa bao giờ được rửa tội." 


Nếu hôn-phối này muốn được hữu hiệu — khi cử-hành, phần người Công Giáo phải được Giáo-Hội ban "phép chuẩn" (Dispensation). 

Về "phép
chuẩn", điều luật 1125 qui-định như sau: "Nếu có lý do chính đáng và hợp lý, Bản Quyền sở tại có thể ban phép chuẩn cho hôn phối hỗn hợp (khác đạo). Tuy nhiên, đừng nên ban phép khi chưa hội đủ những điều kiện sau đây: 

- Bên công-giáo phải tuyên-bố sẵn sàng xa tránh mọi nguy cơ làm tổn thất Đức Tin, và hứa thành thật sẽ làm hết mọi sự có thể, để con cái được rửa tội và giáo-dục trong Giáo Hội Công Giáo. 

- Vào lúc thuận lợi, phải cho bên không Công Giáo biết những lời hứa mà người bên Công Giáo phải giữ, để chính họ được thực sự ý thức về lời hứa và bổn phận của bên Công Giáo. 

- Cả hai bên phải được giáo huấn về các mục đích và đặc tính cốt yếu của hôn-phối và không bên nào được loại bỏ các điều ấy. 

Qua hai điều luật trên đây tưởng đã quá rõ ràng trong hoàn cảnh hôn phối của N. và T. Để vấn đề không còn bị rắc rối. Tỉ như Ba của N. chưa hài lòng hay T. sẽ tự ái, tôi xin tóm lược như sau: 

- Trước khi cử hành hôn phối với T., N. phải xin "phép chuẩn" 

- Phép chuẩn này chỉ được Giáo hội cấp, nếu N. thành thật hứa là sẽ giữ đạo sốt sắng và làm hết mọi sự có thể để con cái được rửa tội và giáo dục trong Giáo-Hội Công Giáo. 

- Bên anh T. sẽ không phải thề hứa gì cả. Anh chỉ được cho biết rằng người vợ của anh đã thành thật thề hứa những điều trên. 

- Cả hai người N. và T. nên được chuẩn-bị hôn nhân kỹ càng qua các lớp Dự bị Hôn nhân được tổ chức do Giáo-hội qua các họ đạo liên hệ. 

Để tránh các khó khăn khác, đề nghị N. nên đưa cho Ba đọc lời giải đáp này và nếu ông Cụ vẫn chưa thoả mãn, xin cứ nêu những ưu-tư khác, tôi sẽ cố gắng giúp trong khả năng hạn hẹp. 

Chúc N., T. và gia-đình có được nhiều hồng ân Chúa trong Mùa Phục Sinh này. Thân mến, 

Ai có quyền "tháo gỡ" hôn phối?


Ghi chú: Phần câu hỏi dưới đây đã được cha Bùi-Đức-Tiến thay đổi lời văn cho thích hợp với hoàn cảnh và để tránh những xung-đột có phương hại đến bác-ái Kitô giáo, những tên họ cũng được "nhuận chính". Nếu chính người nêu lên thắc mắc này không đồng ý, Cha Tiến sẵn sàng đón nhận những ý-kiến kế tiếp để vấn-đề được rõ ràng hơn. 

Kính thưa Cha Bùi đức Tiến, 

Con là người Công Giáo đã và đang sinh hoạt trong Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại tiểu-bang Victoria. Con có một thắc mắc xin được giải đáp. Lời giải đáp này sẽ giúp ích rất nhiều cho chính con và gia-đình con để chúng con thoát khỏi những xáo trộn hiện đang có trong đời sống. 

Thưa Cha, con tên là P.V.N., con có hai người chị hiện đang sống tại Úc, con xin kể về hai người chị này như sau: 

- Người thứ nhất tên là M. đã lập gia-đình tại Việt Nam, chồng chị đã qua đời cũng tại Việt Nam cách nay 15 năm. Từ khi đến Úc, chị M. chung sống với một người đàn ông (đạo công-giáo), người này đã có vợ, hiện vợ của người này đang còn sống tại Việt Nam. 

- Người chị thứ hai tên là N., chị N. chưa bao giờ lập gia-đình. Khi chị N. tới trại tị nạn, chị chung sống với một người đàn ông (đạo Công Giáo), người đàn ông này cũng đã có vợ, hiện vợ của người này cũng đang còn sống tại Việt Nam và ông ta hiện đang sinh sống tại Mỹ Quốc. 

Cách nay không lâu, người đàn ông đang chung sống với chị M. có đem khoe một bức đơn thư (nói là do Cha Bùi-Đức-Tiến ký tên), bức đơn thư này gởi cho hai người chị của con và giải rằng: Cha Tiến đã giúp đỡ xin Tòa Thánh hợp thức hóa cho họ. Chính con không được nhìn thấy tận mắt đơn thư này, nhưng chị N. có khoe như thế. 

Sự thể xẩy ra làm con quá hoang mang và sự hoang mang này tạo nên sự xáo trộn trong gia-đình của con từ Úc đến Việt Nam. Tệ hơn nữa là chị N. đang dồn hết nỗ lực, hy-sinh hết cả mọi sự nhờ người giúp đỡ bảo lãnh người đàn ông đã chung sống từ Mỹ qua Úc. Con hoang mang quá đánh bạo mạo muội viết bức thư này, xin Cha giải đáp cho con những điểm thắc mắc sau: 

- Có phải thật sự Giáo Hội rộng rãi chấp nhận hợp-thức hóa cho những trường hợp như trên đây không? 

- Nếu chuyện này có thật thì thủ-tục phải như thế nào? Từ đâu tới đâu và ai có thẩm quyền trong vấn đề này? 

Xin Cha tận tình giải đáp vì con thấy đây là vấn đề khổ tâm nhất của gia-đình con ở Úc cũng như ở Việt Nam. 

Xin Chúa giữ gìn Cha. Kính thư, 


PVN. Yarraville. Vic.


 

Trong lãnh-vực hôn nhân và khi đề cập đến Bí Tích Hôn-phối, Giáo-Hội qua điều luật 1141 qui-định rằng: "Hôn-phối thành nhận và hoàn hợp không thể bị tháo gỡ bởi một quyền bính nhân loại hay một nguyên-do nào, ngoài sự chết." 

Qua điều luật này, chiếu theo những điều anh trình bày trong thư, hai người chị của anh không bị trở ngại nào, nếu họ muốn kết hôn, lý do như sau: 

- Cho người chị tên là M., dù đã thực hiện Bí tích Hôn phối, nhưng người chồng đã quá vãng cách nay 15 năm. Khế ước hôn-phối bị tiêu hủy vì sự chết của người chồng này. Do đó, chị M. được tự do kết lập hôn phối với một người khác. 

- Cho người chị tên là N., chị không bị một ngăn trở nào trong việc thực hiện Bí-tích Hôn phối, lý do đơn giản là vì chị chưa bao giờ thực hiện Hôn phối trong Giáo Hội Công Giáo. 

Trở ngại và thắc mắc của anh do đó đặt vào hai người đàn ông: một người hiện đang chung sống với chị M. và một người hiện đang sống tại Mỹ. Trở ngại gây nên do sự việc là cả hai người đều đã thực-hiện Bí tích Hôn-phối và cả hai người vợ đều đang còn sống. Dù vợ họ sống tại Việt Nam đi nữa, thì họ cũng không có quyền thực hiện Bí-tích Hôn phối một lần nữa với những người khác. 

Chị M. đã chung sống với một người đàn ông trong suốt thời gian chị đến Úc. Theo trong thư của anh thì suốt thời gian này không có sự hoang mang và xáo trộn nào trong gia đình. Sự hoang mang và xáo trộn gây nên bởi sự khoe khoang một lá đơn thư (nói là do Cha Bùi-Đức-Tiến ký) gửi cho hai người chị của anh với những lời lẽ giải thích về việc hợp thức hóa hôn phối thứ hai của họ. Bức đơn thư này anh không chính mắt được xem thấy, chỉ do người chị cho biết thôi. 

Sự hoang mang và xáo trộn anh đang phải đương đầu đặt căn bản trên một bức đơn thư anh không nhìn thấy. Có bao giờ anh đặt vấn đề với chính mình rằng bức đơn thư ấy không có thật không? Và nếu bức đơn thư ấy không có thật, liệu anh có còn hoang mang và sự xáo trộn trong gia đình anh có còn lý do để tồn tại không? 

Đề nghị với anh, anh nên tìm hiểu sự thật về bức đơn thư anh đề cập, khi anh tìm ra sự thật rồi tôi tin sự hoang mang sẽ tiêu-tan và sự xáo trộn gia đình sẽ được ổn định. 

Hai câu hỏi anh đặt ra trong phần cuối của bức thư là vì hoang mang và xáo trộn (anh hoang mang và gia-đình anh xáo trộn). Khi anh và gia đình đã bình an rồi chắc anh cũng không cần lắm để được trả lời hai câu hỏi trên. Vạn nhất, nếu anh vẫn cần biết thêm, xin anh cho tôi biết, đừng ngần ngại. 

Chúc anh và gia-đình bình an trong Mùa Phục Sinh. 

Xin Chúa chúc lành. 

Yêu là khổ?


Kính thưa Cha, 

Xin phép Cha cho con không dùng tên và địa chỉ thật của con, và nếu vì việc tên và địa chỉ không thật này mà Cha không trả lời thư con trên báo thì con cũng xin chịu và con chỉ xin Cha vứt bỏ lá thư này của con đi, lý do có lẽ Cha cũng thông cảm cho con, con không muốn ai biết con và hoàn cảnh gia đình con đang sống, vì "gia đình" của con hiện tại tương đối hạnh phúc, vợ hiền, con ngoan, con không muốn làm nó tan vỡ đi, mặc dù trong lương tâm con lúc nào cũng bị dày vò nặng nề. 

Con xin trình bày hết sức vắn tắt hoàn cảnh hôn phối của con: Năm 1983, lúc đó con 20 tuổi, con được sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công Giáo đạo hạnh với một nền giáo dục nghiêm khắc của cha mẹ. Ba con ngày xưa cũng có đi tu một thời gian dài trước khi lập gia đình với mẹ con bây giờ các anh các chị của con đa số người nào cũng có trình độ đại học hay tương đương và đã từng là sĩ quan trong quân đội hay công chức trước năm 1975. Phần con, vì sinh sau đẻ muộn, năm 1975 con mới có 13 tuổi đầu. Ba con và hai người anh lớn phải đi tù cải tạo sau tháng tư 75, 2 chị con nhanh chân theo chồng vượt biên ngay sau đó, một đang định cư tại Mỹ và một đang định cư tại Úc châu này. 

Ba con và hai người anh được tha tù năm 1983 và cả gia đình con bàn tính chuyện vượt biên để tìm lẽ sống nơi những quốc gia tự do. 

Khởi sự ngay cả trước khi ba con và hai anh được tha tù, mẹ con đã mua một thửa đất ở một họ đạo cách Vũng tàu khoảng 40 cây số (họ đạo HS) và dồn mọi nỗ lực vào việc tính toán vượt biên ngay sau khi ba con và hai anh về. Sau khi được tha tù, ba con về HS sinh sống với gia đình, hai anh con về Saigon với gia đình của các anh ấy, việc vượt biên hoàn toàn phó thác trong tay một mình mẹ con. Theo mẹ con tính thì làm sao tụ họp được toàn thể hai gia đình của các anh con từ Saigon ra HS ẩn náu trước khi xuống tàu an toàn. Mẹ con cho con biết rằng trước sau gì đàng nào con cũng sẽ lập gia đình, thôi thì nhân dịp này gia đình sẽ làm đám cưới cho con, tổ chức tiệc tùng mời họ hàng thân thích mừng ngày con thành hôn và nhân cơ hội đó...vượt biên luôn. 

Nhưng việc khó khăn là tìm đâu cho được cô dâu trong ngày cưới? May quá là ba con có một người bạn làm bác sĩ cùng ở tù chung với nhau nhiều năm, ông bác sĩ này có một người con gái lúc đó 18 tuổi, cả gia đình cô cũng đang tìm đường vượt biên. 

Thế là chúng con được giới thiệu với nhau, quen nhau. Nguyệt rất thông minh, tương đối có nhan sắc, gương mặt và nhất là đôi mắt thoát ra một vẻ buồn khó tả. Có lẽ chính vì nét buồn này mà con cảm rồi yêu thương Nguyệt tha thiết. Con không hiểu Nguyệt có thương con không để quyết định lấy con làm chồng, nhưng nhìn vẻ mặt và đôi mắt đó, con chắc là Nguyệt yêu con nhiều. 

Đám cưới được ấn định vào một ngày cuối tháng âm lịch tối trời, thuận tiện cho việc vượt biên. Hôn lễ được cử hành trong nhà thờ HS, tiệc tùng linh đình với sự hiện diện đầy đủ của hai bên gia đình. Ban tổ chức vượt biên vẫn âm thầm làm việc, tính toán việc di chuyển người vào lúc nửa đêm xuống tàu ra khơi. Mọi sự ổn thỏa, chuyến đi không bị phát giác, nhưng điều đáng buồn là một nửa số người bị lọt lại, trong số đó có gia đình ba mẹ Nguyệt, ba mẹ con và chính con. 

Năm tháng sau ba mẹ Nguyệt vượt biên thành công sang Phi luật tân, Nguyệt lúc đó đang ở Mã Lai. Hơn một năm sau con mới thoát khỏi Việt Nam đến Mã Lai, ở đây con gặp lại Nguyệt, Nguyệt vừa mới sanh trước đó khoảng một tuần lễ và đang chờ đi định cư tại Úc (cha của đứa bé dĩ nhiên không phải là con mà là một thanh niên tên là Phước, cùng là người Công Giáo và vượt biên cùng chuyến tàu do gia đình con tổ chức). Mặc dù có con với nhau, nhưng hai người không có liên hệ giấy tờ là vợ chồng, Phước cũng đang chờ đi Úc định cư. Gặp lại Nguyệt trong hoàn cảnh đó và nhìn đôi mắt u buồn của Nguyệt con không biết nói gì hơn là chấp nhận sự việc đã xảy ra với một tâm tình tôn giáo vị tha: Con chấp nhận Nguyệt là vợ, con chấp nhận đứa bé là con, coi như không có chuyện gì xảy ra...Nguyệt và đứa bé đi Úc định cư ba tuần sau ngày con đến đảo, Phước cũng rời đảo đi Úc cùng ngày đó. Nguyệt hứa sẽ làm giấy bảo lãnh cho con ngay khi đến Úc. 

Ngay sau khi đến Úc, Nguyệt đã bảo lãnh cho con và lại hơn một năm sau con được vào Úc. Được vào Úc để nhìn thấy hoàn cảnh của Nguyệt như sau: Nguyệt và Phước hai người đã đang sống chung với nhau từ lâu, đứa bé con họ đã được hơn hai tuổi, bầu không khí gia đình đầm ấm vui vẻ. 

Gặp con, Nguyệt vẫn với đôi mắt buồn tha thiết, không thốt lên một lời nào. Con và Phước hai người đàn ông giải quyết vấn đề. Phước nói: "Cái đó để tùy Nguyệt quyết định, nếu N quyết định trở lại với anh, tôi đành chấp nhận, tuy nhiên, anh cũng phải thông cảm là vì đứa con là con của tôi, tôi vẫn có trách nhiệm thăm viếng và chăm sóc.., con nói với P: "Đồng ý với Phước, thôi thì để N quyết định". Nguyệt không nói gì cả, chỉ nhìn con và Phước mà hai hàng nước mắt tuôn rơi thảm não. 

Thưa Cha, con hiểu con phải làm gì và con đã làm, con đã tự động rút lui, dọn đi một nơi khá xa để cho họ yên bề hạnh phúc. 

Thời gian đầu tiên, con cảm thấy yêu đời và thoải mái vì con đã cư xử xứng đáng là một người quân tử, đã có lúc con có ý định đi tu vì nhìn chung quanh đời sống sao nó oan khiên quá ...Nhưng thời gian qua đi con mới cảm thấy con đã quân tử tàu vì con không có căn tu, và vì con cũng không thể sống độc thân mãi được để hy sinh cho người mình yêu được hạnh phúc. 

Con gặp Hoa, con dấu tất cả mọi chuyện riêng tư (Hoa ngoại giáo và không bao giờ thắc mắc gì về việc đi lễ đi nhà thờ dù cả gia đình vẫn đi lễ thường xuyên), hai đứa con chung sống với nhau từ năm 1989 và đã có hai mặt con, một trai, một gái rất ngoan và kháu khỉnh (cả hai đứa nhỏ đều đã được rửa tội) 

Thưa Cha, giờ con phải làm sao? Con vẫn còn thương Nguyệt, có lẽ sẽ không bao giờ con quên được khuôn mặt ấy với đôi mắt buồn vời vợi, nhưng con biết N. không thể trở lại với con được vì N. chỉ sống với con có một ngày và N. sống với Phước có con cái (hiện họ có 3 đứa con). Con không thể bỏ Hoa được vì bây giờ Hoa đang sống với con và chúng con đã có hai đứa con với nhau! Nhưng nếu con và Nguyệt không trở lại với nhau thì phần linh hồn con sẽ ra sao? Phần linh hồn Nguyệt sẽ ra sao? Phần linh hồn của Phước sẽ ra sao? Con không giận Nguyệt, không giận Phước hay giận bất cứ ai, nhưng con buồn vì Chúa sắp xếp cho chúng con một hoàn cảnh éo le không có lối thoát, xin Cha thương cứu giúp chúng con. 

Xin lỗi Cha vì lá thư quá dài, nhưng vì sự đại lượng của Cha, xin Cha nhẫn nại đọc hết, giúp con, hướng dẫn con. Sự rộng lượng, lòng thương của Cha khi Cha trả lời thư này trên báo chính là một trợ lực giải thoát quí báu cho con, cho đức tin của con, một đức tin không có lối thoát. Xin Chúa luôn chúc lành cho Cha. Con xin chờ. 

Nguyễn Vũ, Miền Bắc Úc 

 

Vũ mến, 

Dù chỉ là một cái tên không thật, nhưng có một cái tên để gọi người mình đang tiếp chuyện vẫn có vẻ thân tình hơn. Tôi thật sự xúc động Vũ ạ! Khi đọc lá thư khá dài của Vũ, với kinh nghiệm đối diện hằng ngày với các hoàn cảnh gia đình éo le nơi toà án hôn phối, tôi hiểu được tâm trạng và đời sống của Vũ bây giờ. 

Vũ ơi! Chúa vẫn chúc lành cho Vũ, cho Nguyệt, cho Phước và cho Hoa cùng một chúc lành Chúa ban cho những người khác, là những người đang sống trong hoàn cảnh gia đình bình thường trong xã hội. Nếu chưa giúp Vũ được gì, cũng xin được chia sẻ với Vũ sự thông cảm và niềm cảm thương với hoàn cảnh Vũ đang sống. 

Từ đầu đến cuối, Nguyệt không hề lên tiếng biện hộ hay xin lỗi, giải thích hay đổ tội, chỉ nhìn với cặp mắt buồn vời vợi, cặp mắt đã đưa Vũ và có lẽ cả Phước nữa vào hoàn cảnh hiện tại. Hai câu thơ trong bài ca của Lý Diên Niên đời Hán bên Tàu đọc như sau: Nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc. (tạm dịch là: liếc một cái làm nghiêng thành, liếc thêm một cái nữa làm nghiêng nước) có thể áp dụng trong hoàn cảnh này được không Vũ nhỉ? Vũ đã chẳng nói sẽ không bao giờ quên được đôi mắt u hoài ấy đấy thôi. 

Bây giờ đi vào vấn đề Vũ nhé! Trước tiên, đề nghị Vũ hãy đưa hoàn cảnh hôn phối này cho Toà Án Hôn Phối cứu xét đi, đừng dùng dằng nữa, càng sớm càng tốt. Những yếu tố khiến cho hôn phối này có thể được tháo gỡ dường như hiện diện trong thời gian hai bên gia đình thu xếp việc thành thân của Vũ với Nguyệt. Tạm thời, tôi có thể phân tích như sau: 

Dường như cả hai đương sự thiếu tự do trong việc bày tỏ sự ưng thuận trong phép Hôn phối. Vũ đã viết: "nhưng sự khó khăn là tìm đâu ra được cô dâu trong ngày cưới?...Thế là chúng con được giới thiệu với nhau...Có lẽ chính vì đôi mắt này mà con cảm rồi thương yêu N. tha thiết!...". Có một sự gì không ổn ở đây Vũ ạ! 

Giáo luật điều 1103 xác quyết rằng hôn phối sẽ vô hiệu nếu được kết lập vì bạo lực hay sợ hãi trầm trọng do một nguyên cớ ngoại tại. Cho dù nguyên cớ ngoại tại này những người liên hệ không chủ ý trực tiếp gây ra. Nhưng để thoát khỏi nó, người ta bị bó buộc đành phải kết hôn. Sự thu xếp của gia đình để vượt biên bị thúc đẩy do sự sợ hãi chế độ và những bắt bớ tù đày có thể có. Sự sợ hãi này như chúng ta có thể thấy, thành hình do một nguyên cớ ngoại tại, với kết quả là Vũ và Nguyệt đành kết hôn. Kết hôn với một mục đích duy nhất là tạo cơ hội họp mặt để vượt biên. 

Dĩ nhiên là Tòa án sẽ phải điều tra cặn kẽ về việc này, nhưng tôi tự hỏi là liệu lúc đó, trước khi cử hành hôn lễ, hai người có ý thức chắc chắn rằng hôn nhân là đời sống chung vĩnh viễn giữa người nam và người nữ hay không, như điều luật 1096 qui định? hay chỉ nghĩ đến việc qua mặt chính quyền, ngay cả trong chính lúc đọc lời thề hứa hôn phối trước bàn thờ? 

Như thế, tôi có thể phỏng đoán rằng, mục đích của hôn nhân đã không được hai người tìm hiểu và ý thức cách thấu đáo, mà cụ thể là gia đình thu xếp dùng hôn lễ của hai người như một nguyên cớ để vượt biên. Đặt vấn đề ngược lại một chút cho nó sáng sủa hơn, đó là nếu không tính đến việc vượt biên thì liệu hai người có làm lễ cưới và tiệc cưới như đã làm không? Có thể là hai người cũng quen nhau vì hai ông bố là bạn tù và cùng tính chuyện vượt biên, có thể là Vũ cũng đã xây xẩm mặt mày khi nhìn gương mặt và đôi mắt ấy, nhưng hôn lễ thì không lấy gì làm chắc chắn nếu không có chuyện vượt biên. 

Tóm lại, động lực chính cho hôn lễ của hai người dường như không là gì khác hơn là lấy nhau để vượt biên, và như thế, có thể sau khi điều tra với những chứng cớ xác thực, Tòa án sẽ tuyên bố hôn nhân đã thực hiện giữa Vũ và Nguyệt không thành sự ngay từ lúc cử hành. 

Còn một khía cạnh nữa tôi nhìn thấy, đó là việc hoàn hợp của hôn phối đã cử hành. Vạn nhất những điều vừa kể trên, cuối cùng không thể tìm được chứng cớ vì bất cứ lý do nào, thì Tòa án có thể nhìn vào hôn phối của Vũ-Nguyệt dưới một khía cạnh khác, đó là liệu hôn phối của hai người đã được hoàn hợp chưa? 

Điều luật 1142 qui định rằng một hôn phối chưa hoàn hợp giữa những người đã rửa tội hay giữa một người đã rửa tội và một người chưa rửa tội có thể được tháo gỡ do năng quyền của Đức Giáo Hoàng khi có lý do chính đáng. Một hôn phối đã cử hành trong nhà thờ theo các thủ tục được qui định mới chỉ là được "chuẩn nhận" (ratified), Sau đó, hai người thật sự chung sống (giao hợp) với nhau, lúc đó mới được gọi là hoàn hợp. 

Theo như Vũ trình bày trong thư, hôn lễ cuả hai người đã được cử hành trong nhà thờ HS, tiệc tùng linh đình...trong lúc ban tổ chức vẫn âm thầm tính toán việc chuyển người xuống tàu...và đêm đó vượt biên. Nguyệt rời Việt Nam ngay nửa đêm hôm đó. Vũ rớt lại, mãi cho đến hơn một năm sau. Vũ gặp lại Nguyệt bên trại tị nạn Mã lai, nhưng lúc đó Nguyệt vừa sanh được một tuần. Ba tuần sau, N. lên đường định cư, Vũ ở lại trại, rồi hơn một năm sau, khi sang đến Úc, Vũ thấy hai người N. và Phước đang là vợ là chồng... 

Cứ theo như lời lẽ trong thư và theo suy luận "logic" một chút của những người không rõ câu chuyện, thì Vũ-Nguyệt hai người chưa có cơ hội để hoàn hợp hôn phối của mình. Như luật qui định, một hôn phối chưa hoàn hợp có thể tháo gỡ được. 

Đã đủ dài và đủ ý nghĩa rồi phải không Vũ nhỉ? Bây giờ trả lời chính câu hỏi duy nhất của Vũ trong thư: bây giờ Vũ phải làm gì? Hãy liên lạc với Tòa án hôn phối càng sớm càng tốt. 

Chúc Vũ tìm được bình an trong Mùa Chay này. Thân mến. 

Hôn phối và vấn đề sì-ke!


Kính thưa Cha Bùi đức Tiến, 

Trải qua bao nhiêu đau khổ trong đời sống, con những tưởng rằng Chúa đã bỏ rơi con, vì con tội lỗi, không sống đạo, không giữ luật Chúa, nhưng nay nhờ có người bạn giới thiệu cho con biết về Cha nên con lấy hết can đảm viết thư này đến Cha xin Cha cứu xét cho hoàn cảnh của con tội nghiệp. 

Thưa Cha, năm 1973, lúc con 17 tuổi, con đã lập gia đình với anh P tại nhà thờ giáo xứ BT, Việt Nam. Hai đứa con đã sống chung với nhau năm năm trời, năm năm trời con phải sống trong sự đau khổ, thiếu thốn, đày đọa, nghèo đói vì chồng con là người nghiện sì ke rất nặng. Đến năm 1978, con không còn có thể chịu đựng được nên tự con tìm đường vượt biên, vì con biết, nếu con còn ở lại Việt Nam thì vì danh giá và đạo đức gia đình, bố mẹ con không thể nào cho phép con tách ra khỏi chồng con được, mặc dù bố mẹ con biết con khổ sở trăm bề. 

Ngay trước khi cưới, bạn bè con đã cho con biết anh P. là người ghiền sì ke, chính con cũng nhìn thấy có lần anh ấy chích vào tay ở sau bếp nhà con. Ngay cả hôm làm đám cưới, do bạn bè rủ rê, chúc mừng nên anh ấy chắc là chích quá nhiều nên đi đứng như người mất hồn, anh cả của con phải dìu anh ấy vào nhà thờ làm lễ cưới. Từ ngày cưới trở đi, con toàn phải chịu đựng, chồng con không đi làm gì hết, chỉ tìm sao có thuốc để chích với bạn bè, không có tiền mua thuốc thì ăn cắp, ăn trộm, nhà con chẳng còn gì, cũng may sao mà suốt năm năm sống chung chúng con không có con cái gì cả. 

Con sang đến Úc năm 1980, con gặp anh H., anh ấy kém con hai tuổi, rất đứng đắn đàng hoàng, nhưng không phải là người Công Giáo, chúng con sống với nhau từ đó và hiện thời đã có ba mặt con, đôi khi con cũng đi nhà thờ nhưng không dám xưng tội rước lễ gì cả, mỗi lần nghĩ đến phần linh hồn con đều nghĩ là Chúa đã bỏ con vì con tội lỗi, con cái con cũng chưa có đứa nào rửa tội cả, con đang bị rối, xin Cha cứu con với để con được xưng tội rước lễ, 

Con, NHT, St.Albans 

 

Chị T mến, 

Có lẽ chị viết thư trong lúc quá xúc động và phải sử dụng hết can đảm, nên thư có phần không đầy đủ lắm. Tôi xin tóm lại thư của chị và thêm bớt chút đỉnh cho có ý nghĩa: 

- Năm 1973, chị và anh P đã làm đám cưới trong nhà thờ BT. Anh P lúc ấy đã là một người ghiền sì ke ma túy nặng. Trước khi cưới, chị đã biết anh P nghiện ngập, nhưng chị vẫn tiến tới hôn nhân với anh ấy. Ngay hôm cưới, anh say thuốc đi đứng không vững phải có người dìu vào nhà thờ. 

Suốt thời gian năm năm trời chung sống với nhau, anh ấy chẳng giúp được gì cho đời sống gia đình, chỉ ăn hút, ăn cắp, ăn trộm để có thuốc hút, chích. Sau năm năm sống chung, chị vượt biên một mình, bỏ anh P. lại Việt Nam. Hiện nay chị đang sống với anh H. và đã có ba mặt con. Chị không xưng tội rước lễ được vì hoàn cảnh hôn phối bị rối. Tôi phỏng đoán rằng bây giờ chị muốn tôi giúp tìm cách tháo gỡ hôn phối của chị với anh P.. Sau đó chị sẽ thực hiện hôn phối với anh H. để gia đình sống đạo và để chị xưng tội rước lễ. 

Để có thể góp ý với chị, tôi cần có thêm những chi tiết sau: 

Chị và anh P. có quen nhau trước không và đám cưới tự hai người thu xếp hay gia đình thu xếp? Và chị có bị ép buộc không? 

Trước ngày cưới, chị có hiểu ghiền sì ke ma túy là gì không? Và tại sao chị biết anh ấy ghiền sì ke như vậy mà vẫn lấy anh ấy? 

Trong lễ cưới, anh P. liệu có đủ tỉnh táo để đọc lên một cách ý thức lời thề hôn phối không? 

Hiện anh P. có còn sống không? 

Thiếu những chi tiết này, tôi khó lòng trả lời thư của chị như ý chị muốn được. Tuy nhiên, có vài điểm tôi có thể trình bày như sau: 

Điểm 1- Nếu chị thật sự bị ép buộc để lập gia đình với anh P. thì hôn phối ấy không thành. 

Điểm 2- Nếu thật sự trước ngày cưới, chị không hiểu ghiền sì ke ma túy là gì, tưởng rằng họ cũng là người bình thường, sau khi cưới chị mới biết nó tệ như thế thì có thể tòa án sẽ tìm được vài nguyên cớ nào đó để tuyên bố tháo gỡ hôn phối giữa chị và anh P. 

Điểm 3- Khi làm lễ cưới, hai người phải thề hứa với nhau về giao ước bí tích hôn nhân. Nhưng nếu anh P say thuốc như thế thì liệu anh có hiểu những điều anh đã nói không? Nếu thật sự anh P. không hiểu anh đã thề hứa gì cả vì say thuốc, thì những lời hứa đó, theo luật, đã không có giá trị gì cả và hôn phối có thể đã không thành sự ngay từ lúc cử hành, và như thể sẽ được tuyên bố tháo gỡ. 

Điểm 4- Nếu anh P. không còn sống nữa vì cách nay 20 năm anh đã nghiện sì ke nặng như thế, thì chị đâu còn bị ràng buộc gì nưã. Trả lời thư của chị với tất cả sự dè đặt vì không có đủ các chi tiết cần thiết. Nếu chị muốn biết rõ hơn về hoàn cảnh của chính chị, xin chị viết thư rõ ràng hơn và cho tôi những chi tiết như đã nêu trên. 

Người Công Giáo hai lần lên xe hoa?


Thưa Cha Bùi đức Tiến, 

Con có chuyện này hỏi Cha, Cha đừng cười con nghen. Hồi còn ở Việt-Nam con với nhỏ H.T chơi thân với nhau lắm. Tụi con lớn lên đi lấy chồng mà vẫn còn chơi thân đó Cha. Khi H.T lên xe hoa chính con làm phụ dâu cho nó mà. Bẵng đi vài năm, con sang bên này mà vẫn viết thư chơi với H.T., nó cũng trả lời dài dài. Khoảng ba năm sau, H.T cũng vượt biên qua đảo, nó đánh điện tín cho con. Con mừng quá ... nhảy cà tửng và nhất định làm giấy bảo lãnh cho nó qua đây cho vui. Nó chịu ở với con, nhưng có điều H.T cho biết nó và ông xã đã chia tay nhau rồi. Con lại thương nó hơn. 

Thế là H.T được con bảo lãnh qua Úc một mình. Mới hôm rồi đây, con được thiệp đám cưới từ Tây Úc gởi qua. Thật lạ, con có quen ai ở Tây Úc bao giờ. Mở ra, con hoa cả mắt, thì ra thiệp hồng của H.T đi lấy chồng một lần nữa. Con coi trúng tên H.T của nó. Trúng tên ông bà già nó. Chỉ khác tên chú rể thôi. Mà lạ hơn nữa. Ở Việt Nam nó làm đám cưới ở họ đạo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đó cha. Qua bên này, nó cũng làm lại trong nhà thờ. Con nghĩ... tội chết đi Cha. Chớ bộ bây giờ Hội Thánh cho phép ai ly dị rồi cũng được vô nhà thờ làm phép lại phải không cha. Nó nói không phải phép giao thôi đâu, lễ cưới đàng hoàng đó cha. 

Cha trả lời giúp con có nên đi dự đám cưới của H.T không? Nếu không đi thì nó trách con chết. Còn đi thì con có mắc tội gì không cha. 


South Australia


 

Đọc xong thư của M.M tôi không cười và giả có muốn cười hình như cũng hơi khó, vì khó mà cười được sau khi đọc một lá thư đứng đắn như thế này. 

M.M khó xưng họ nên xin gọi là hai Em. Hai Em hỏi hai câu hỏi: 

- Chớ bộ bây giờ Hội Thánh cho phép ai ly-dị rồi (về phần đời), cũng được vô nhà thờ làm phép lại phải không? 

- Có nên đi dự đám cưới của H.T không? Tôi xin trả lời theo thứ tự như sau: 

Ly dị phần đời không được Giáo Hội chấp nhận và những ai đã ly dị phần đời không được phép cử hành hôn phối một lần nữa trong nhà thờ nếu lần hôn phối trước đó đã thực hiện theo những qui định của Giáo luật. Những điều kiện này có thể tóm tắt như sau: 

- Đã được cử hành với sự hiện diện của một linh-mục hay phó tế được ủy nhiệm hợp pháp. 

- Đã được cử hành với sự hiện diện của hai người làm chứng (hai người này trên 18 tuổi và không bị điếc). 

- Sự ưng thuận đã bày tỏ thật lòng và tự ý. 

- Không bị một ngăn trở nào (thí dụ như đã có vợ, có chồng hay còn quá nhỏ - nam dưới 16, nữ dưới 14, hay bất cứ một ngăn trở hệ trọng nào khác). 

Nếu H.T đã thực hiện hôn phối trong một hoàn cảnh đầy đủ như kể trên thì H.T không thể thực hiện hôn phối một lần nữa trong nhà thờ (cử hành Bí Tích Hôn Phối lần thứ hai). Một người đã cử hành hôn phối có vẻ đầy đủ như đã nêu trên, nhưng tiềm ẩn một yếu tố nào đó (ngăn trở còn trong bí mật chẳng hạn) thì hôn phối đã cử hành ấy có thể được Giáo Hội, qua Toà Án Hôn Phối, sau khi điều tra, tuyên bố hôn phối ấy vô hiệu và cho phép hai người liên hệ cử hành hôn phối một lần khác với người khác. Vì lần trước dù đã cử hành nhưng vô hiệu. Hai Em không cho biết H.T đã được tuyên bố tháo gỡ hôn phối trước kia chưa, thành thử không thể trả lời dứt khoát được, chỉ có thể phỏng đoán như sau: 

H.T đã được Giáo Hội tháo gỡ hôn phối trước và bây giờ Giáo Hội cho phép H.T cử hành hôn phối một lần khác trong nhà thờ. 

H.T đã không được Giáo Hội tháo gỡ và vị linh-mục sắp cử hành hôn phối cho H.T không biết H.T đã có chồng (H.T dấu), 

H.T sẽ cử hành hôn phối trong một nhà thờ không phải là nhà thờ Công Giáo. 

Nếu là trường hợp a/ nêu trên, hai Em nên đi tham dự để cầu nguyện và chung vui với H.T vì hai đứa thân nhau và H.T ở Úc có một mình. Nếu là trường hợp b/ và c/ nêu trên thì tùy hai em quyết định theo hoàn cảnh, nếu thấy áy náy khi tham dự thì thôi, chắc là H.T cũng chẳng trách hai Em đâu ! Ai lại trách một người không chịu đồng loã với mình trong một việc làm sai quấy. 

Chúc Hai em vui và đỡ hoa mắt khi đọc thư bạn bè. 

Ngoại đạo có phải theo lớp
Dự bị hôn nhân không?


Thưa Linh Mục Bùi đức Tiến, 

Trước hết, tôi xin thưa với Linh Mục, tôi không phải là người theo đạo Công Giáo, tôi cũng chưa bao giờ có ý định viết thư đến một Linh Mục đạo Công Giáo, chẳng qua vì người hôn thê của tôi thúc bách trong hoàn cảnh hôn phối của chúng tôi nên cuối cùng tôi quyết định viết thư đến Linh Mục.Thưa Linh Mục, tôi không đồng ý trong cách thế đạo Công Giáo Việt Nam sửa soạn cho những người muốn kết hôn (đạo Công Giáo Úc không lẩm cẩm như thế), thí dụ như phải học đạo lý hôn nhân trong vòng nhiều tháng liên tiếp. Tôi không phải là người trong đạo, tại sao lại cưỡng ép tôi theo học đạo? (tôi không có ý định gia nhập đạo Công Giáo). Dù không muốn tôi vẫn phải theo vì đám cưới của tôi (tôi kết hôn với một người Công Giáo) và vì nếu tôi không theo lớp học đạo, ông Linh Mục không chịu làm đám cưới cho chúng tôi. Thưa Linh Mục, tôi cũng không đồng ý trong cách xưng hô khi gặp một Linh Mục Công Giáo, tôi không phải là người trong đạo tại sao lại bắt tôi gọi là cha xưng là con. Gọi một người ngang hàng tuổi tác với mình là cha và xưng là con tôi cảm thấy bị "đàn áp" về phương diện xã giao và không ổn trong cách xử thế. 

Thưa Linh Mục, còn nhiều điều khác nữa tôi chưa tiện trình bày trong lá thư thứ nhất này, xin Linh Mục giải đáp, giải tỏa những thắc mắc trên và nếu có thể xin Linh Mục cho biết tôi có thể làm lễ cưới trong nhà thờ mà không theo học lớp đạo lý hôn nhân không? và tôi có thể xưng họ đơn giản hơn khi tiếp xúc với các Linh Mục Công Giáo không? 

Thư này được viết do ý của người hôn thê của tôi, theo tôi thấy cô ấy rất mến phục Linh Mục trong cách sống, cách cư xử và đặc biệt phần kiến thức của Linh Mục. 

Xin cám ơn Linh Mục. 


TVN, Resevoir, Victoria.


 

Thưa anh TVN, 

Tôi tin rằng sau khi viết và gửi lá thư này cho tôi, anh cảm thấy thoải mái nhiều so với thời gian trước đó. 

Đọc thư anh, tôi có cảm tưởng rằng hình như anh có một chút "hằn học" với đạo Công Giáo chăng? Tôi có cảm tưởng như thế có thể là vì cách dùng chữ của anh. Thí dụ như, "Tôi không đồng ý... Tôi cũng không đồng ý... Còn những điều khác nữa...". Thật ra, điều này cũng dễ thông cảm vì người Việt Nam càng sống ở Úc lâu ngày, phần tiếng Việt càng nghèo nàn đi! Nhưng cũng có thể anh "hằn học" thật sự và các từ ngữ đã được dùng một cách chính xác. Trong thư, anh muốn tôi giải đáp, giải tỏa những "không đồng ý" của anh. Thú thật, tôi không đủ khả năng để làm việc này, vì tôi chắc chắn một điều, đó là, trước khi "cưỡng ép" anh học "đạo lý hôn phối" vị Linh Mục nào đó cũng đã một phần giải thích cho anh lý do tại sao anh nên theo lớp "đạo lý hôn phối" này. Có lẽ để đáp lại tấm thịnh tình của anh đã viết cho tôi do ý của người hôn thê của anh, tôi xin chia sẻ với anh một vài ý tưởng thô thiển sau đây. Còn việc đồng ý hay không là do chính anh, sợ rằng tôi không giúp được. 

Việc chuẩn bị hôn nhân trong Giáo Hội Công Giáo: Điều luật 1058 của Giáo Hội Công Giáo qui định rằng: "Hôn phối của các người Công Giáo, cho dù chỉ một bên là người Công Giáo bị chi phối không những bởi luật Thiên Chúa (Divine Law hay Natural Law), mà còn bởi luật của Giáo Hội nữa". Luật của Giáo Hội điều 1063 qui định thêm rằng: "Các chủ chăn có bổn phận lo liệu chuẩn bị cho những vị thành niên, thanh niên thanh nữ và ngay cả người lớn trong việc chuẩn bị tiến tới hôn nhân bằng việc rao giảng, huấn luyện Giáo lý thích hợp...ngõ hầu các tín hữu được Giáo dục về ý nghĩa của hôn nhân Kitô Giáo và về nghĩa vụ của vợ chồng và của cha mẹ Công Giáo". 

Khi áp dụng việc chuẩn bị này vào thực tế, các Linh Mục tổ chức những khóa Dự bị hôn nhân và khuyến khích những người sắp kết hôn tham dự. Trong những hoàn cảnh xã hội với nhiều nguy cơ tan vỡ gia đình, các Linh Mục tùy theo nhận xét khôn ngoan của mình, có thể bắt buộc tất cả hay một số người nào đó phải tham dự nếu muốn kết lập gia đình. Trong hoàn cảnh của người Việt Nam hiện tại trên đất Úc, đang phải hội nhập vào một xã hội mới với nhiều khác biệt về phong tục, tập quán, nhiều tập tục, truyền thống tốt lành của dân tộc đang trên đường mai một, trong số đó phải kể đến các nguy cơ đang đe dọa sự vững bền của đời sống gia đình. 

Các Linh Mục Việt Nam đang sống tại Úc vì thế, vì lợi ích của các tín hữu, có thể cân nhắc, đắn đo nhiều hơn khi đối diện với những người đang chuẩn bị hôn phối. Cũng nên nhớ một điều là việc cân nhắc đắn đo này đem lại lợi ích cho đôi hôn nhân chứ không đem lại lợi ích cho chính vị Linh Mục ấy. 

Trong trường hợp của anh, tôi nghĩ anh nên tìm hiểu và chuẩn bị "đồng ý" đi là vừa. Không phải chỉ về vấn đề tôn Giáo mà còn cả những khía cạnh khác nữa, từ người hôn thê của anh, vì dù muốn dù không khi anh đã quyết định lập gia đình với người ấy là anh phải chấp nhận việc sống chung với một người theo đạo Công Giáo suốt đời anh. Làm sao anh có thể tạo được hạnh phúc gia đình khi hai người lúc nào cũng không đồng ý với nhau được, ngay cả việc không đồng ý về lãnh vực tôn giáo. 

Vấn đề xưng hô với các Linh Mục Công Giáo: Về vấn đề này, thú thật với anh, tôi cũng khổ tâm không ít và tôi nghĩ các Linh Mục khác chắc cũng vậy. Đó là trong nhiều trường hợp tôi cảm thấy khổ tâm khi một người đáng tuổi cha chú mình xưng họ với mình là con...Tự cảm thấy xấu hổ vì mình không xứng đáng, không tốt lành đủ để nhận sự chúc tụng đáng kính ấy. Nhưng biết sao được, sự việc đã có trong Giáo Hội Việt Nam bốn, năm trăm năm nay rồi. Theo lý luận kiểu "lô gích móc xích", thì nếu mình không chấp nhận tập tục của một xã hội là mình bị đào thải khỏi xã hội ấy; Trong một xã hội có mười người chẳng hạn, một vấn đề thực sự khó chấp nhận, nhưng nếu chín người họ chấp nhận, chỉ còn một mình mình thì mình chơi với ai? 

Riêng về phần anh, anh cứ việc xưng hô với các linh mục theo ý anh. Danh từ nào anh cảm thấy thoải mái, hợp với xã giao và ổn thỏa thì anh cứ việc dùng. Một Linh mục có được người gọi là anh, là chú, là cậu chắc cũng vui thôi, còn về việc anh không theo lớp chuẩn bị hôn nhân mà vẫn muốn làm lễ cưới trong nhà thờ cũng có thể được, nếu anh tìm được một anh hay một chú Linh mục nào đó đồng ý giúp anh. 

Cuối cùng, nếu anh mua tờ báo có mục giải đáp này, anh đừng đưa cho người hôn thê anh đọc, sợ rằng cô ấy sẽ hết "mến phục" tôi mất. Chúc anh vui. 

Bảo lãnh diện hôn phu, hôn thê.

Kính thưa Cha Bùi đức Tiến, 

Ngần ngại mãi đến hôm nay con đành phải viết thư này đến Cha, sở dĩ như thế là vì đầu tiên, con tưởng con có thể giải quyết vấn đề một mình được, nhưng bây giờ thì không phải thế, con cần được giúp đỡ ngay vì tình trạng hôn nhân của con. 

Để khỏi mất thì giờ của Cha, con xin đi ngay vào vấn đề: Thưa Cha năm nay con đã ngoài ba mươi tuổi. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá đạo hạnh tại Việt nam. Từ ngày sinh cho đến ngày con vượt biên, con và gia đình vẫn sống và sinh hoạt tại một xứ đạo, thành thử những việc đạo con cũng khá rành rõi, nhất là con còn là hội viên các hội đoàn trong xứ và ngay cả việc con đã có giúp lễ tại nhà thờ xứ trong một thời gian khá dài.Khi mới lớn lên, con quen Lan, chúng con đã định làm lễ cưới từ hồi còn ở Việt nam, nhưng đùng một cái có chuyến tàu, con đành phải rời Việt nam vượt biên một mình và sau đó định cư tại Úc. 

Dù cách xa vạn dặm, nhưng chúng con vẫn thư từ đều đặn và tìm cách tái hợp. Ba năm sau ngày con vượt biên, Lan cũng vượt biên thành công và đến trại tị nạn. Mừng rỡ quá , con vội vàng làm giấy bảo lãnh Lan sang Úc, nhưng trớ trêu thay với những trục trặc của giấy tờ sao đó, cuối cùng Lan đành nhận đi Canada theo diện nhân đạo. Lan viết thư cho con nói rằng chả thà cứ đi định cư ở một nước thứ ba đã, rồi đoàn tụ thì dễ hơn, thân gái một mình ở bên trại tị nạn sợ lắm. Thế là Lan đi Canada. 

Từ Canada và Úc, chúng con vẫn liên lạc với nhau đều đặn và xếp chương trình đoàn tụ, thực hiện hôn phối như đã dự định. Con có một vài người bạn đã làm theo lối này, cô gái hay anh chàng từ Canada qua Úc, làm đám cưới, ký giấy hôn thú rồi thu xếp giấy tờ ở lại. Con loan tin về Việt Nam cho hai gia đình thì cả hai gia đình đều cho biết rằng đám cưới bắt buộc phải được cử hành bên đàng gái, nghĩa là bên Canada! 

Thật là rắc rối, nhưng chúng con cũng đã lo liệu xong. Lan lo các thủ tục, liên lạc với một Cha bên Canada để định ngày cưới, con thu xếp bên này lo học Giáo lý hôn nhân, mua vé máy bay sang Canada thành hôn. Mọi sự đã xong xuôi, chỉ còn chờ ngày lên đường. Nhưng cách nay vài ngày, con nhận được thư của Lan viết rằng Cha bên Canada đòi thêm một tờ giấy gì đó do Tòa Giám Mục Địa phận Melbourne cấp, con hoảng quá , vội chạy đi hết chỗ này đến chỗ khác, nhưng chẳng ai biết để giúp đỡ. Con tự nghĩ con không đủ khả năng và cũng chẳng quen ai ở Tòa Giám Mục để nhờ giúp đỡ, hơn nữa, con cũng không biết giấy đó là giấy gì. Vì cứ như mấy đứa bạn con đã lập gia đình, thì giấy tờ của chúng con đã đầy đủ. Giờ đây con xin Cha giúp con những điều sau: 

Khi hai người dự định làm đám cưới, luật Giáo hội có buộc làm đám cưới nơi nhà thờ bên đàng gái không? 

Tờ giấy ông Cha bên Canada muốn đó là giấy gì? Có buộc phải có không? Nếu muốn có phải xin làm sao? 

Xin Cha thương giúp giải đáp và giúp đỡ, chúng con chờ đợi nhau đã quá lâu và bây giờ mọi sự đã được chuẩn bị sẵn sàng. 

Kính chúc cha an mạnh và sáng suốt. Con, 


Lê văn Tân. Melbourne


 

Anh Tân mến, 

Thời gian là cây thước tốt nhất để đo cường độ của tình yêu. Xa mặt, cách lòng lại là cây thước khác để thử nghiệm sự trung thành, chung thủy. 

Anh và Lan có cả hai, và cứ theo đó mà "chẩn bệnh" thì tình yêu của anh và Lan thật đáng ghi nhận và cảm mến. Xin chúc mừng, chia sẻ và góp ý với anh như sau: 

Về việc Bí tích hôn phối thực hiện ở đâu? 

Cả hai bộ Giáo luật cũ và mới (năm 1917-điều 1020 và năm 1983-điều 1067) đều qui định rằng: "Hội Đồng Giám mục phải ra những qui định về việc khảo hạch đôi bạn, việc rao hôn phối và về những phương thế tùy tiện khác...trong việc cử hành hôn phối". Điều 1110 (1983) xác định thêm: "Bản quyền và Cha Sở chứng hôn cách hữu hiệu của đôi hôn phối mà ít ra là một người thuộc quyền mình". Điều 1114 (1983) qui định: "Người chứng hôn hành động bất hợp pháp nếu không chắc chắn về tình trạng thong dong của đôi bạn và nếu không có phép của Cha Sở của đôi bạn. 

Về nơi cử hành, điều 1118 viết: "Hôn phối giữa những người Công Giáo hay giữa một người Công Giáo và một người không Công Giáo phải được cử hành nơi nhà thờ xứ.". 

Cả hai bộ Giáo luật đều không nhắc tới việc hôn phối phải cử hành bên đàng gái hay bên đàng trai. Có lẽ Hội đồng Giám Mục Việt Nam qui định như thế chăng theo tinh thần của điều 1067? 

Về việc tờ giấy ông Cha bên Canada đòi hỏi. 

Như điều luật 1067, Hội đồng Giám Mục địa phương có thể ra những qui định về việc khảo hạch, việc rao hôn phối và về những phương thế tùy tiện khác. Hội đồng Giám Mục Hoa Kỳ và Hội đồng Gián Mục Canada (ít nhất là hai nơi theo chỗ tôi biết) qui định rằng: "Một hôn phối được thực hiện mà một trong hai người không thuộc Hội đồng Giám Mục địa phương thì đương sự "ngoại quốc" ấy phải trình giấy Testimonial Letter (English) hay Nihil Obstat (Latin) cho Bản quyền sở tại. Giấy này do Linh mục Chưởng ấn tại Tòa Giám Mục ký và cấp cho đương sự qua sự giới thiệu của Cha Sở địa phương. Hội đồng Giám Mục Úc không qui định về khoản này nên những ai thực hiện Bí tích hôn phối tại Úc, không cần xuất trình. 

Thế là cả hai vấn đề đều đã được giải đáp. Anh nên đến với Cha Sở địa phương hay Cha Tuyên úy nơi anh ở, xin ngài giúp đỡ liên lạc với Tòa Giám Mục xin tờ giấy trên (không tốn tiền). 

Nhưng sau hôn phối chắc hai người dắt nhau về Úc sống chứ? Chúc anh chị xuông sẻ và vui vẻ. 

Phạm sự Thánh?


Kính thưa Cha Bùi đức Tiến, 

Đầu tiên con chân thành kính chúc cha được dồi dào sức khỏe và nhiều ơn Chúa. 

Sau khi đọc xong một số những giải đáp của Cha, con có ý định viết đến Cha, trình bày với Cha một số vấn đề của đời sống con, nhưng con ngại không biết có được cha giải đáp không nhưng con cũng cứ thử viết xem, là vì việc của con không phải là việc hôn phối như Cha vẫn thường giải đáp. Việc của con là vấn đề tội lỗi không lối thoát của linh hồn. 

Thưa Cha con tội lỗi lắm, ngay từ hồi còn bé, con chỉ còn nhớ một số những tội lỗi này, nhưng chỉ một số này thôi cũng đủ để làm cho linh hồn con bị đày ải rồi.Con đã phạm sự thánh rất nhiều lần bằng cách khi đi xưng tội, con đã không xưng những tội trọng thật sự đã phạm (vì nó xấu xa quá và vì con là con nhà đạo đức, mọi người đều nghĩ con là tốt lành và vì con xấu hổ). Con chỉ xưng những tội nhẹ và một số tội lỗi khác con tự bày đặt ra. Những tội phải xưng thì con dấu đi. Dù xưng tội mỗi tháng một lần theo thói quen, nhưng cũng theo thói quen dối trá, con lập lại những điều bịa đặt và sau đó vẫn rước lễ như mọi người. 

Qua một lần nghe giảng nọ, con chợt tỉnh thức, xấu hổ vô cùng, xấu hổ với Chúa, xấu hổ với lương tâm và với mọi người. Do đó, một vài ngày sau con đã đi xưng tội. Có lẽ đây là lần đầu tiên con đã xưng những tội con phạm thật sự, nhưng những tội con đã phạm thì nhiều quá không nhớ hết. Sau khi xét mình xưng tội lần thứ nhất, con lại xét được thêm những tội khác, con lại đi xưng lần thứ hai, rồi sau đó lại xét thêm được những tội khác nữa, con đã đi xưng lần thứ ba. Sau lần thứ ba này con cảm thấy yên tâm được một thời gian. Con đã hoàn trả lại những vật dụng hay tiền bạc con đã lấy của người ta, số còn lại vì không tìm được người chủ, con định một số tiền bỏ vào nhà thờ để đền trả. 

Con vui vẻ bình an được một thời gian rồi sau đó sự áy náy trở lại xoay quanh những câu hỏi như: không biết tất cả tội lỗi con đã được Chúa tha thứ chưa vì con xưng tội những ba lần mới hết tội và lần thứ hai con đã không xưng lại những tội con đã xưng lần thứ nhất, lần thứ ba không xưng những tội đã xưng lần thứ nhất và lần thứ hai... 

Việc đền trả thay vì con đưa cho người ta, con đã bỏ vào giỏ nhà thờ, không biết con có còn bị vướng mắc gì nữa không? 

Xin Cha thương giúp, đây là nỗi băn khoăn lo lắng mà con mong ước được giải quyết một lần cho dứt khoát về phần rỗi linh hồn con. 

Cuối cùng, xin Chúa thương trả công bội hậu cho Cha và ban cho Cha càng ngày càng nhiều ơn khôn ngoan và thánh thiện. 


Đặng Duyên. (Melbourne)


 

Thăm chị Duyên, 

Đọc xong thư của chị viết với những băn khoăn lo lắng về phần thiêng liêng, tôi có cảm tưởng như chị đang xưng tội lần thứ tư. Nhưng lần này hơi khác, không phải nơi tòa giải tội, nhưng là tòa trống. Dù là tòa kín hay tòa trống, tôi cũng xin được chia sẻ với chị như sau: 

Khi một người quyết định đi xưng tội (gọi là hối nhân), lãnh nhận bí tích giải tội, theo sách Bổn Đồng ấu của Đức cha Hồ ngọc Cẩn, người đó thường làm bốn điều sau đây: 

- Xét mình: Nhớ lại các tội mình đã vô tình hay cố ý phạm trong thời gian kể từ lần xưng tội trước. 

- Ăn năn tội: Ăn năn, hối lỗi, dốc lòng chừa, hứa với Chúa từ nay về sau nhờ ơn Chúa giúp sẽ không tái phạm những tội lỗi này nữa. 

- Xưng tội: Thành thật, khiêm nhường thú nhận với Cha giải tội tất cả những tội lỗi đã xét được. 

- Đền tội: Làm những việc làm Cha giải tội yêu cầu để đền bù những tội lỗi đã phạm. 

Trong trường hợp một hối nhân xét mình được nhiều tội lỗi, sau đó cảm thấy ái ngại trong việc xưng một lần tất cả những tội lỗi đã xét được đó, rồi cố ý chia các tội lỗi đó ra làm nhiều phần, mỗi lần xưng một phần, thì theo sự giải thích của các nhà thần học về bí tích, tất cả những tội lỗi này không được Chúa tha thứ qua các lần xưng tội đó (xin nhớ là nếu hối nhân cố tình làm như thế.) 

Trong trường hợp một hối nhân xét mình với ý ngay lành, nhớ được một số tội lỗi, đi xưng tội. Sau đó giật mình vì còn nhớ được những tội khác, người ấy đi xưng tội thêm một lần nữa, rồi lại giật mình một lần nữa, lại đi xưng tội, cũng theo sự giải thích của các nhà thần học Bí tích, các tội lỗi này đều được chúa tha thứ (xin nhớ là nếu hối nhân không cố tình làm thế.) 

Việc đền trả khi lỗi đức công bằng: Thông thường khi phạm một tội, tội đó có kèm theo một vạ (thí dụ khi ăn cắp, hành động ăn cắp là tội; đồ vật ăn cắp là vạ). Khi xưng tội, tội được tha, nghĩa là hành động ăn cắp được tha thứ, nhưng đồ vật mình ăn cắp (vạ) phải hoàn trả lại cho chủ nhân. Theo các nhà thần học luân lý thì nếu không trả được ở đời này, phải trả ở đời sau. 

Việc đền trả được coi là tốt nhất, khi hoàn trả lại cho chính chủ nhân hoặc là đồ vật hoặc là một số tiền tương đương (thay vì chính mình, có thể nhờ một người khác trả dùm.) 

Việc đền trả một khoản tiền, hay một số tiền tương đương với đồ vật đã lấy của người khác có thể được chấp nhận bằng cách bỏ vào giỏ thu tiền nơi nhà thờ khi không thể tìm được chủ nhân mình đã lấy của họ (chỉ nên bỏ tiền, không nên bỏ đồ vật vào giỏ thu tiền nhà thờ). Số tiền này không được xử dụng để dâng cúng hay đóng góp hay xin lễ. Vì tiền đóng góp, dâng cúng hay xin lễ phải là do chính mình làm ra, chứ không phải tiền lấy của người khác. 

Trường hợp của chị, tôi phỏng đoán là chị không thể tìm được chủ nhân của những thứ chị đã lỡ "cầm nhầm" của họ. Chị có thể bỏ vào giỏ thu tiền nhà thờ (bằng ngân khoản chứ không phải đồ vật), và như thế, chị sẽ không còn bị vướng mắc. Tuy nhiên, việc làm phải hội đủ những điều kiện sau: 

- Không thể tìm được chủ nhân. 

- Không thể dùng tiền này để đóng góp, dâng cúng hay xin lễ. 

Như thế, tôi tin là chị đã được tha mọi tội lỗi (Chúa đã tha thứ và Chúa đã quên rồi các tội lỗi của chị); Chị cũng đã hoàn trả được các vạ đã vướng mắc. Nếu cứ tà tà như thế, chị sẽ lên thiên đàng là cái chắc. Chúc chị an bình luôn mãi. 

Kết hôn với người có họ hàng.


Kính thưa Linh mục Bùi đức Tiến, 

Xin giới thiệu ngay với Linh mục, tôi không phải là người trong đạo. Tuy nhiên, tôi rất có cảm tình với đạo Công Giáo. Gia đình tôi rất tự do, con cái cháu chắt muốn theo tôn Giáo nào tùy ý. Do đó, có vài người trong gia đình tôi theo đạo Tin lành, vài người khác theo đạo Công Giáo v.v... 

Vì sự khác biệt tôn Giáo giữa những người trong gia đình như thế, nên thường thường chúng tôi rất ngại khi bàn đến chuyện các tôn Giáo. Nhưng gần đây, trong gia đình lại miễn cưỡng phải bàn đến vấn đề này, vì hoàn cảnh hôn phối của tôi và Lan Chi. Xin sơ lược qua hoàn cảnh hôn phối của tôi để Linh mục góp ý và giúp đỡ nếu có thể được: Hoàn cảnh phức tạp này có thể chia làm hai phần: 

Thứ nhất, tôi và Lan Chi còn có dính líu họ hàng với nhau. Ông nội tôi và má của Lan Chi là hai anh em ruột (Ông tôi là con cả và má của Lan Chi là em út). Như thế, tôi phải gọi Lan Chi là cô và xưng là cháu mỗi khi nói chuyện với nhau, vì Lan Chi là em của ba tôi, Lan Chi gọi ba tôi là anh. Tuy là cô cháu, nhưng Lan Chi lại kém tôi một tuổi. 

Chúng tôi biết và gần gũi nhau từ thuở nhỏ. Tôi sang Úc trước, thành thử khi Lan Chi sang sau, tôi kèm Lan Chi học hành và tình cảm phát sinh từ đó. 

Khi ngỏ ý với gia đình thì chúng tôi bị phản đối dữ dội: về vấn đề xưng hô, về vấn đề họ hàng huyết tộc đủ thứ. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều chống đối, có một ông chú em ba tôi cho rằng được, nếu hai đứa thật tình thương nhau và muốn sống với nhau suốt đời. Ông chú này có thế giá nên cả gia đình có vẻ chiều theo, chúng tôi được an tâm phần nào. 

Phần thứ hai rắc rối hơn đó là việc tôi theo đạo thờ ông bà, còn Lan Chi theo đạo Công Giáo. Gia đình Lan Chi nói rằng dù gia tộc chấp nhận, nhưng theo luật đạo Công Giáo hai đứa không thể làm đám cưới trong nhà thờ, và việc này thì Lan Chi nản chí thấy rõ. Ý của Lan Chi cũng rõ ràng, Lan Chi sẽ không thể lấy tôi nếu luật đạo Công Giáo không cho phép chúng tôi làm đám cưới trong nhà thờ. 

Mong Linh mục góp ý và hướng dẫn cho tôi: 

- Không biết luật đạo Công Giáo có chấp thuận cho tôi và Lan Chi làm đám cưới trong nhà thờ không? Vì hai đứa tôi là cô cháu như đã trình bày ở trên. 

- Nếu không được, liệu Lan Chi có thể đến nhà thờ làm lễ một mình, sau khi lễ xong, chúng tôi sẽ làm giấy hôn thú dân sự và ký giấy hôn thú. 

Xin cám ơn Linh mục nhiều. 


TTN. Melbourne.


 

Anh Nghĩa mến, 

Sau khi đọc thư anh (dĩ nhiên không phải chỉ đọc có một lần), tôi cảm thấy có một cái gì bất ổn trong cuộc tình của hai người. Nếu phải diễn tả cái bất ổn này bằng ngôn từ trên giấy trắng mực đen, tôi cảm thấy hơi khó khăn. Nếu được phép cho một lời khuyên, tôi khuyên hai người nên suy nghĩ và kiểm chứng lại "cái tình yêu" hai người đang có với nhau, một cuộc tình trắc trở giữa hai cô cháu. Một cảm xúc, theo tôi, đầy hấp dẫn với hoàn cảnh trái cấm địa đàng. 

Anh không viết thư đến tôi để tìm một lời khuyên, nhưng anh viết đến tôi để nhờ góp ý và giúp đỡ qua hai câu hỏi rõ ràng nơi phần cuối thư. Tôi xin góp ý thế này: 

Xét về phương diện huyết tộc, Giáo luật của Giáo Hội Công Giáo qui định như sau: "Trong trực hệ, hôn phối giữa tất cả những người thân thuộc, dù chính thức hay tự nhiên, đều vô hiệu. Trong bàng hệ, hôn phối vô hiệu cho đến cấp thứ bốn. Không bao giờ được cho phép kết hôn khi có hoài nghi đôi bên cùng có liên hệ huyết tộc trong bất cứ cấp nào của trực hệ hay trong cấp thứ hai của bàng hệ". (Can.1091). 

Trực hệ là liên hệ hàng dọc giữa ông bà, cha mẹ, con cái; người này sinh ra hay là con cái, cháu chắt của người kia. Theo luật tự nhiên, ngăn trở này buộc tất cả mọi người không phân biệt lương giáo. Những người họ hàng hàng dọc với nhau không thể kết hôn với nhau được và không ai có quyền miễn chuẩn. 

Bàng hệ là liên hệ hàng ngang giữa anh chị em, chú bác, cô dì, cậu...Cấp liên hệ hàng ngang được tính như sau: Tùy theo sự xa cách với gốc chung, nhưng không tính gốc, cũng không tính con trai hay con gái. Thí dụ hai anh em ruột là hai cấp (tính từ người anh lên người cha là một cấp, rồi từ cha đến người em là một cấp nữa (ba người nhưng không tính gốc); Bác với cháu ruột là ba cấp (từ bác tới ông là một cấp, từ ông tới cha là một cấp, từ cha tới con là một cấp nữa (bốn người, nhưng không tính gốc). Liên hệ họ hàng giữa hai anh em con chú, bác là liên hệ họ hàng 4 cấp. 

Theo nguyên tắc phát sinh từ luật tự nhiên, anh chị em ruột (cấp thứ hai bàng hệ) không thể kết hôn với nhau được. Nếu có nghi ngờ hai người có liên hệ trực hệ hay cấp thứ hai của bàng hệ thì không được phép cho họ kết hôn với nhau. 

Ngăn trở huyết tộc hiện diện trong trường hợp hôn phối giữa hai người có liên hệ họ hàng với nhau cho đến cấp thứ bốn. Bản quyền sở tại có thể miễn chuẩn ngăn trở bàng hệ từ cấp thứ ba. Trong trường hợp nguy tử và không thể liên lạc với Bản quyền được, những Giáo sĩ chủ hôn hợp lệ được năng quyền miễn chuẩn (c.1116; 1079,2). 

Tuy nhiên, cần lưu ý tới luật lệ dân sự của địa phương, trong trường hợp có xung đột giữa Giáo luật và dân luật, chủ hôn phải có phép của Bản quyền sở tại. (c.1071,2). 

Trường hợp của anh và Lan Chi là liên hệ bàng hệ cấp 5, có nghĩa là theo luật Giáo hội, hai người không bị ngăn trở trong việc kết hôn, và như thế có nghĩa là được phép làm lễ cưới trong nhà thờ. Đó là theo Luật Giáo hội. Nhưng như tôi đã trình bày ở trên, phong tục, liên hệ gia đình và cách xưng hô kiểu người Việt Nam nếu hai người kết hôn với nhau sẽ rất phức tạp, và sự phức tạp này nếu có thể tránh được thì nên tránh. Bất ổn trong việc xưng họ có thể kể như sau: 

- Em sẽ gọi anh là bố (Lan Chi là con dâu của ba anh) 

- Cháu sẽ kêu cô là em (anh kêu Lan Chi là em và xưng anh) 

- Cô sẽ xưng với cháu là em (Lan Chi sẽ xưng em với chồng) 

Xưng hô cái kiểu này nghe dị chết đi. Như đã trình bày, phần câu hỏi thứ hai của anh không cần nữa. 

Thân mến, 

Tự mình cử hành Nghi thức hôn phối.


Kính gửi Cha Tiến, 

Xin cha bớt chút thì giờ cho con tâm sự. Con không biết nói cùng ai được nên con chạy đến cha. Cha tuyên úy cộng đoàn con thì không được, con không dám nói chuyện với ngài, vì ngài đã theo phe của ba con rồi! Thưa cha, đời con bắt đầu từ năm ngoái (tháng năm) là những chuỗi ngày buồn thảm và đau khổ cho đến chết. Bên tình bên hiếu, sau bao nhiêu suy nghĩ, con đã tìm được cách để làm vừa lòng cả hai bên, nhưng con thì đau khổ quá cha ạ! 

Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, 

Tình mất vui khi đã vẹn câu thề. 

Câu thơ này đúng đấy chứ phải không cha? Chuyện của con như thế này: Con và H quen biết và thương nhau trong năm năm trời, năm năm là thời gian lâu lắm cha nhỉ? nhưng gia đình con không bằng lòng chỉ vì anh ấy là người ngoại đạo. Dù là người ngoại đạo, nhưng anh ấy tốt lắm! Cha có đồng ý với con là cũng có những người ngoại đạo thật tốt không? Anh lại sẵn lòng theo đạo Công Giáo, ngay cả trước khi cưới nhau nữa cơ. Trong suốt ba năm sau này, anh ấy đi lễ mỗi ngày Chúa Nhật chung với con, và có khi cả ngày thường nữa. Thế mà nhất định ba má con không đồng ý. Trong việc thu xếp đoàn tụ gia đình (ba con sang Úc trước và bảo lãnh mẹ con tụi con sang sau) con đã giã từ anh ấy. Qua những lá thư trao đổi hồi mẹ con còn ở Việt Nam, con biết rằng ba con đã thu xếp cho con có người chồng tại Úc. Anh này học giỏi, có nghề nghiệp đàng hoàng và nhất là.. đạo Công Giáo. 

Trước khi chia tay, con và H đã đến nhà thờ CCT và chúng con nhất định cử hành Bí tích hôn phối. Trong lúc vắng người, chỉ có hai đứa con đến trước bàn thờ, tụi con đọc các lời thề y như sách lễ hôn phối qui định, rồi tụi con cũng trao nhẫn cho nhau như các đôi hôn phối khác. 

Sau khi cử hành xong, chúng con chia tay nhau với những dòng lệ rơi. Con và anh H như thế đã thành vợ chồng trước mặt Chúa và Giáo Hội. 

Cách nay bốn tháng, con đã phải làm đám cưới với người ba con thu xếp tại Úc. Con cũng đã đến nhà thờ để cử hành lại một lần nữa những gì con đã cử hành với anh H tại nhà thờ CCT tại Việt nam. Xin cha cho con biết trong hai lần hôn phối con cử hành này, thì lần nào thành sự? Con muốn luôn luôn là người yêu và là vợ của anh H chứ không phải là vợ của người chồng ba con thu xếp. Xin cha trả lời cho con yên lòng. 

Cám ơn cha vì con đã làm mất thì giờ của Cha. 

Bình Thanh, Sydney. 

 

Bình Thanh ơi! Có lẽ đây là một "tiền định" rồi! Ai lại đặt tên là Bình Thanh bao giờ. Đáng lẽ phải là Thanh Bình chứ! Đọc xong thư của BT tôi có cảm tưởng là vừa xem xong một cuốn tiếu thuyết tình yêu lãng mạn của tuổi trẻ ngày nay. 

Em cho rằng em đã cử hành nghi thức hôn phối hai lần. Theo qui định của Giáo luật, thì cả hai lần em cử hành đều không thành cả hai. Vì một hôn phối muốn thành sự phải có đủ ba yếu tố: (1) Cử hành trước mặt đại diện Giáo Hội và hai nhân chứng; (2) Không bị ngăn trở và (3) Tự do nói lên lời ưng thuận. 

Lần đầu tiên tại nhà thờ CCT Việt Nam, BT cử hành hôn phối với anh H thiếu yếu tố thứ nhất: không có sự hiện diện của Đại diện Giáo Hội và hai nhân chứng. 

Lần thứ hai BT cử hành thiếu yếu tố thứ ba: BT không tự do nói lên lời ưng thuận. 

Theo tôi nghĩ, trước mặt Chúa, BT không là vợ của ai cả, trong số hai người đàn ông BT đã "cử hành" hôn phối. 

Trước mặt Giáo hội và xã hội, BT là vợ chính thức của người thứ hai, vì hôn lễ cử hành công khai. Trước mặt mọi người, BT đã lên tiếng nói lời ưng thuận (dù trong lòng BT không muốn vì bị ép buộc), và BT đã ký giấy hôn thú. Những người hiện diện không biết chuyện bí mật của BT. Quả thật là: 


Cái vòng tình ái cong cong,

Kẻ trông ra thoát, người mong chui vào.


Đề nghị với BT một cách thế để biến những chuỗi ngày buồn thảm còn lại thành niềm vui nhé: Đưa cho chồng (người ở Úc) và ba má coi bài giải đáp này. Tôi tin tưởng rằng anh ấy và ba má sẽ hiểu chuyện. Sau đó, liên lạc với Tòa Án Hôn phối nơi BT ở, xin Tòa Án điều tra và tuyên bố công khai rằng hôn phối cử hành tại Úc không thành sự, rồi sau đó, liên lạc với anh H ở Việt Nam...Còn việc cha Tuyên Úy theo phe bên này hay phe bên kia là không đúng đâu, chỉ vì cha không biết chuyện của BT đấy thôi! Tục ngữ Ấn Độ có câu: 

"Thà đốt lên một ngọn đèn, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng tối." 

Chúc Bình Thanh tìm được sự thanh bình. Mến. 

Cử hành hôn phối khi đang mắc tội trọng.


Kính gửi Cha Bùi đức Tiến, 

Con có một vài điều mà nhiều khi con cảm thấy rất là bứt rứt, áy náy trong lòng nên hôm nay con quyết định viết thư này nhờ cha giải đáp dùm con. 

Trước khi lễ cưới của con được cử hành. Cha làm lễ cưới cho con cũng đã biết rằng con đã ăn ở với chồng con trước khi cưới và cha ấy đã hỏi con qua loa vài câu rồi sau đó ban phép giải tội cho con, nhưng con chưa dốc lòng dọn mình xưng tội, con cũng chưa xưng hết các tội trọng khác con đã phạm. Vậy thì thưa cha: 

Con chưa dốc lòng dọn mình xưng tội mà cha đó đã ban phép giải tội cho con. Vậy những tội của con (bao gồm những tội mà cha đó đã biết cũng như những tội mà con chưa xưng) có được tha không cha? 

Nếu những tội của con chưa được hòa giải, vậy con vẫn còn mắc phạm tội trọng trước khi lãnh nhận bí tích hôn nhân. Vậy bí tích hôn nhân của con có thành không, thưa cha? 

Nếu bí tích hôn nhân của con bất thành. Vậy có cách nào để bí tích hôn nhân của con được thành và nên không, thưa cha? 

Nếu nhẫn cưới của con bị gãy, móp méo hoặc bị mất. Vậy con có phạm tội không cha? Và nếu con đi xưng tội thì có được sạch tội không cha? 

Kính xin cha giải đáp càng sớm càng tốt để giải tỏa những lo ngại trong lòng của con. 

Kính chúc cha được nhiều ơn soi sáng của Chúa để giải đáp, dẫn dắt cho đàn chiên thực hành theo Thánh ý Chúa. 

Con, B.T.V.P. 

 

Với 5 câu hỏi trình bày trong thư thì chắc là VP bứt rứt áy náy lắm nhỉ, vì nhiều khi tôi chỉ có một vấn đề chưa có giải đáp mà đã thấy "muốn chết" rồi! Sau đây là những giải đáp theo thứ tự từng mục một: 

Theo thần học luân lý, cho đến nay, Giáo hội vẫn cho rằng việc "ăn ở" với nhau giữa hai người nam nữ chỉ được coi là chính đáng (không phạm tội nghịch điều răn thứ sáu), sau khi hai người đã cử hành hôn phối theo nghi thức Giáo Hội qui định, nếu là người Công Giáo và nếu là không Công Giáo thì sau khi cử hành đám cưới công khai. Thường thường, trước khi cử hành hôn phối, cha chủ sự yêu cầu hai người dọn mình xưng tội với hai lý do: 

Để hai người có thể rước lễ trong Thánh lễ hôn phối của chính họ. Không thể tưởng tượng được rằng trong Thánh lễ hôn phối của hai người mà hai người lại không rước lễ (không rước lễ vì họ đã chưa dọn mình xứng đáng) 

Thông thường, tất cả các bí tích khác đều do những người có chức Thánh cử hành. Nhưng riêng bí tích hôn phối thì do hai người nam nữ sắp thành hôn cử hành. Linh mục hiện diện chỉ đóng vai trò chủ sự, nhân chứng. Việc dọn mình xưng tội của hai người trước khi cử hành là để chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng hầu cử hành bí tích hôn nhân. 

Khi một người chưa dốc lòng chừa thì các tội của người ấy sẽ không được Chúa tha thứ, dù là cha giải tội đã ban phép giải tội. Như thế, cả những tội chưa xưng và những tội cha đó đã "nghe" đều chưa được tha trong lần "ban phép giải tội" ấy. 

Hai người đã rửa tội, cử hành bí tích hôn nhân theo nghi thức Giáo Hội qui định với ba điều kiện: 

Hai người không bị ngăn trở gì cả, theo qui định của Giáo luật. 

Hai người tự do nói lên sự ưng thuận kết hôn. 

Hai người tự do nói lên sự ưng thuận kết hôn trước mặt đại diện hợp pháp của Giáo Hội (Linh mục chủ sự) và hai nhân chứng trong thánh đường thì hôn phối đó thành sự, không phải lo lắng gì cả. Việc họ còn vướng tội trọng khi cử hành hôn phối là việc riêng của họ. Bí tích hôn phối vẫn thành sự, nhưng người cử hành lúc đó không xứng đáng. 

Vì bí tích hôn phối cử hành đã thành, nên không phải trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, để múc lấy nguồn ơn Thánh cho xứng đáng, VP cần xét mình, ăn năn tội, rồi đi xưng tội cách thật lòng. Nếu cần cho tâm hồn thanh thản, VP cũng có thể thưa với cha giải tội đầu đuôi câu chuyện. 

Hai chiếc nhẫn cưới, theo như văn từ đã ghi trong Sách Nghi thức Hôn phối thì chúng chỉ là biểu tượng cho tình yêu và lòng trung thành với nhau, không phải là yếu tố cần thiết (essential element) cho việc thành sự của bí tích hôn phối. Nếu vì nghèo quá mà không sắm nổi nhẫn cưới thì chẳng sao,bí tích vẫn thành. Như thế, khi nhẫn bị gãy VP có thể đi hàn lại, hoặc bị móp méo thì uốn cho thắng thắn rồi...tiếp tục đeo. Có những trường hợp vượt biên, nhẫn cưới đã giúp cứu sống hai vợ chồng lúc mới đến đảo tị nạn bằng cách bán đi để mua gạo và thức ăn. 

Mong rằng những giải đáp này sẽ đem lại được bình an cho VP và "anh ấy". Mến,

Phá thai!

 

Kính thưa Cha Bùi đức Tiến, 

Sau bao nhiêu cố gắng con mới dám viết thư này đến Cha, vì câu chuyện ghê gớm quá, cứ mỗi lần nghĩ đến là con vẫn còn bị dằn vặt trong lương tâm. Để khỏi mất thì giờ của Cha, con xin đi ngay vào câu hỏi: 

Thưa cha con đã làm đám cưới được hơn hai năm nay, chúng con đã quyết định có con sau ngày cưới độ hơn một năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có gì cả, chúng con lo quá không biết có phải rồi chúng con sẽ không bao giờ có con cái chăng? Thưa cha, vì trong thời gian trước khi cưới (chúng con quen nhau hơn bốn năm sau mới làm đám cưới) chúng con cũng đã ăn ở với nhau (đó là tại sao con dấu tên thật của con). Thời gian ăn ở trái phép này cũng đến hai năm. Một ngày nọ, con đã biết con có thai. Hai đứa chúng con bàn với nhau làm đám cưới ngay, nhưng sự thể đã không xảy ra được như ý chúng con muốn nên cuối cùng hai đứa đều đồng ý phá thai. Chúng con đã lý luận với khả năng của chúng con rằng chúng con đã muốn giữ đứa con, muốn làm đám cưới, nhưng mọi sự đã xảy ra ngoài ý muốn. Như thế, chúng con không phạm tội. 

Đó là khi hai đứa bàn với nhau, khi hai đứa bên nhau kìa. Còn khi con về nhà, nhất là những lúc ở một mình, con áy náy lắm, và mặc cảm tội lỗi luôn luôn dày vò. Con cũng đã xưng tội, nhưng con sợ rằng Chúa sẽ phạt, không cho chúng con có con cái nữa. Xin Cha giúp chúng con 

Cuối thư, kinh chúc cha luôn dồi dào sức khỏe để phục vụ. 

Con, KTT. 

 

Đọc xong thư của KTT, tôi toát cả mồ hôi vì sợ. Nhưng sau đó, kiểm soát được chính mình và để chia sẻ với KTT, tôi xin xác nhận và trình bày những điểm sau đây: 

Giáo Hội đặt căn bản trên luật Roma, qua nhiều thế kỷ, đã đồng hóa phá thai với giết người và tự tử. Theo luật Roma, ai phạm những tội này sẽ bị gửi đi lưu đày biệt xứ. Đức Giáo Hoàng Sixtus V, trong Tông hiến Effraenatum ngày 29/10/1588 đã ra Vạ Tuyệt Thông cho những người vướng vào việc phá thai (kể cả những người đồng lõa trực tiếp). Cuối cùng, điểm qui chiếu từ Tông hiến nói trên được ghi lại trong Bộ Giáo luật cũ (1917) điều 2350. 

Bộ Giáo luật mới (1983) điều 1398 qui định rằng: "Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae)". Vạ tuyệt thông tiền kết này chi phối luôn cả những người đồng lõa trực tiếp vào việc phá thai có hiệu quả. 

Tôi xin giải thích những từ ngữ chuyên môn trong luật: 

1. Phá thai có hiệu quả: Có nghĩa là việc phá thai được thực hiện, bằng bất cứ phương cách nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, để trục xuất một bào thai (foetus) đang còn sống trong dạ con (uterus) một người mẹ ra ngoài, đưa đến việc bào thai bị bức tử (chết). 

2. Vạ Tuyệt thông: Phạm nhân đang bị Vạ Tuyệt thông bị cấm (1) không được tham dự bằng bất cứ cách nào như thừa tác viên vào việc cử hành Hy tế Thánh Thể, hay vào bất cứ nghi lễ phụng vụ nào khác; (2) không được cử hành, hay nhận lãnh bất cứ một bí tích nào; (3) không được hành sử chức vụ, tác vụ hay bất cứ nhiệm vụ nào hay thi hành các hành vi cai trị; (4) không được hưởng bất cứ chức vụ hay nhiệm vụ hay lợi lộc nào mà đương sự đã có trong Giáo Hội. 

3. Vạ Tuyệt thông tiền kết (latae sententiae): Ngay sau khi phạm một tôi nào đó đã qui định theo luật, người phạm tội tự động (ipso facto) bị án Vạ tuyệt thông, không cần ai phải tuyên bố hay tuyên án. Thí dụ như phá thai chẳng hạn. Một người, sau khi phá thai, đương nhiên bị va Tuyệt thông. 

Việc làm của KTT đã bị giải thích như thế đó. KTT viết rằng: "nhưng sự thể đã không xảy ra được như ý chúng con muốn, nên cuối cùng hai đưa đều đồng ý phá thai
…". Qua hành động phá thai hai đứa đã làm, cả hai đứa đều bị án Vạ Tuyệt thông tiền kết. Dù hai đứa đã lý luận "với khả năng của chúng con rằng chúng con đã muốn giữ đứa con, muốn làm đám cưới, nhưng mọi sự đã xảy ra ngoài ý muốn". Và dù hai đứa kết luận "Như thế chúng con không phạm tội." 

Tôi hy vọng và tin rằng khi hai đứa thu xếp hôn phối qua một linh mục, hai đứa đã tỏ bày cho ngài biết về việc làm này. Tôi lại cũng hy vọng và tin rằng vị linh mục ấy đã giúp cho hai đứa thong dong khỏi án Vạ trước khi hai đứa cử hành Hôn phối. 

Việc Chúa phạt nhãn tiền khi một con người phạm tội, tôi giải đáp thế này: Nếu Chúa phạt ngay tức khắc khi một người phạm tội thì chắc người ta sẽ chết bất đắc kỳ tử nhiều như rạ. Không! Chúa không làm điều này đâu, sau biến cố Đại Hồng Thủy thời ông Noe trong Cựu Ước. Chúa cứ để đấy, chờ đến ngày phán xét, lúc ấy Chúa mới tính tội. 

KTT nên (hay phải) gặp một linh mục xin Ngài làm linh hướng. Ngài sẽ giải thích cặn kẽ hơn những điều tôi giải đáp ở đây. Trong khi chờ đợi, chúc KTT tìm được sự bình an và dồi dào sức khỏe. Thân mến. 

Người Công Giáo có li dị không?


Kính Thưa Cha Bùi Đức Tiến 

Tình cờ con đến chơi một gia đình Công Giáo, con đọc thấy Cha giải thích pháp luật về Hôn phối. Con xin Cha vui lòng giải đáp cho trường hợp của con như sau: 

Con không có đạo, con lấy vợ có đạo có phép chuẩn có một con. Con rất thương vợ con, thình lình vợ con bỏ con, ly dị ở tòa án và đi làm vợ một người khác, khi lấy vợ người Công Giáo con tin tưởng rằng họ không bao giờ được ly dị mà lấy chồng khác, nay tại sao vợ con lại ly dị con lấy chồng khác!? Con rất đau khổ! 

Bây giờ con luôn muốn vợ con về với con vì con vẫn thương vợ và thương con, con chưa có ý định cưới vợ khác và con muốn theo đạo Công Giáo. Có vài người nói với con rằng anh theo đạo thì sau này anh không được cưới vợ khác vì anh còn ràng buộc hôn phối với vợ anh, con không biết tại sao bên đạo lại khó khăn như vậy nên con xin cha trả lời cho con: 

Con ngoại đạo con cưới vợ có đạo, con bỏ vợ con lấy vợ khác không có đạo (ly dị vợ có đạo) có trở ngại gì không? 

Người vợ có đạo của con trước có được đi lấy chồng có đạo hoặc không có đạo không? 

Con bây giờ học đạo con có được cưới vợ không có đạo mà xin phép chuẩn hoặc cưới vợ có đạo với phép hôn phối được không? 

Xin Cha vui lòng trả lời gấp cho con vì con đang muốn học đạo để tìm nguồn an ủi tinh thần nhưng con nghe nói là học đạo rửa tội rồi thì không được cưới vợ có đạo hoặc không có đạo nên con không dám đi học đạo. Và nếu con học đạo rửa tội rồi thì con phải làm gì để được cưới vợ khác. 

Xin chân thành cảm ơn Cha. Xin Thiên Chúa phù hộ cho Cha. 

Nguyễn Văn, Sydney 

 

Thăm anh Văn, 

Đọc xong thư anh, tôi nghĩ rằng anh đã có được vài người chung quanh am tường về luật đạo chia sẻ với anh, và họ đã chia sẻ đúng. Trước tiên, tôi xin được cùng anh "nhất trí" về một vài từ ngữ sẽ dùng trong lãnh vực này: 

Hôn phối cử hành trong nhà thờ với phép chuẩn khác đạo (một người đã rửa tội và một người chưa rửa tội) không phải là Bí tích, vì theo thần học và giáo luật Công Giáo, Bí tích hôn phối chỉ được cử hành giữa hai người đã rửa tội (giáo luật điều 1055,2). 

Từ ngữ "ly dị" hiểu theo nghĩa về phần đời mà thôi, không có "ly dị" trong giáo Hội Công Giáo. Từ ngữ ly dị anh dùng trong thư ở đây hiểu rằng một người bỏ rơi chồng hay bỏ rơi vợ họ sau khi đã thực hiện hôn phối trong nhà thờ. Giáo hội không chấp nhận cả hai loại ly dị này, dù về phần đời hay phần đạo. Do đó, một người đã thực hiện hôn phối trong nhà thờ, nay bỏ rơi người phối ngẫu của mình vì bất cứ lý do gì, người ấy không được phép thực hiện hôn phối một lần khác nữa trong nhà thờ. Họ có "lấy" vợ hay chồng khác chăng, thì đó chỉ là việc ráp nối nam nữ, sống chung với ngau đua cái nhìn của Giáo Hội. Người Công Giáo Việt Nam thường gọi những trường hợp này là những trường hợp "rối hôn phối". Đã cùng hiểu như trên, tôi xin trả lời anh như sau: 

Giáo Hội Công Giáo không chấp nhận ly dị, việc vợ của anh bỏ rơi anh, ly dị ở tòa án dân sự là một việc làm đi ngược lại giáo huấn và luật lệ của Giáo Hội. Do đó, việc chị ta lấy chồng khác và sống với người ấy, nhìn theo nhãn quan Công Giáo là một trường hợp "rối hôn phối". Một người trong trường hợp rối như thế, theo luật, không được lãnh nhận hay thi hành các Bí tích. Họ chỉ được thật sự nhận lại thông hiệp với Giáo Hội qua các Bí tích nếu họ thừ bỏ con đường "rối". 

Câu hỏi này của anh sẽ đặt ra hai trường hợp: 

. Nếu anh theo đạo và lãnh nhận Bí tích rửa tội: Ngay khi anh lãnh nhận Bí tích rửa tội, hôn phối của anh đã cử hành tự động biến thành Bí tích (ipso facto) 

. Nếu anh không theo đạo thì hôn phối của anh với vợ anh là giao ước hôn phối mà thôi. Tuy nhiên, các yếu tố như trung thành, chung thủy, đơn hôn và vĩnh hôn vẫn phải được duy trì. 

Nếu anh không theo đạo, bỏ vợ, lập gia đình với người không có đạo Công Giáo thì anh không bị trở ngại gì theo Giáo luật. Vì luật của Giáo hội chỉ áp dụng cho những người đã rửa tội. Đàng này, cả anh và vợ mới của anh hai người không phải là người Công Giáo. 

Người vợ cũ (có hôn phối với anh) dù đã ly dị về dân sự, sẽ không được thực hiện hôn phối một lần nữa trong nhà thờ. Dù là chị ấy lấy người có đạo Công Giáo hay không có đạo Công Giáo. 

Nếu anh rửa tội theo đạo Công Giáo (như trả lời ở phần trên). Vì là người Công Giáo, anh sẽ bị Giáo luật ràng buộc, có nghĩa là anh sẽ không được thực hiện hôn phối lần thứ hai trong nhà thờ, dù là với người có đạo hay không. Trừ khi Tòa Án Hôn Phối của Giáo Hội, sau khi điều tra cẩn thận, đã tuyên bố vô hiệu hôn phối lần thứ nhất anh cử hành. 

Nếu anh thực sự cảm thấy đạo Công Giáo là nguồn an ủi tinh thần trong những lúc bị chao đảo, theo tôi, anh đã và đang trên con đường hành trình hướng về đức tin. Phần kế tiếp là nếu anh rửa tội theo đạo (để tìm nguồn bình an tâm hồn) nhưng sau đó, vì không có cơ hội để sống lại cuộc sống gia đình với người vợ trước, và vì không thể sống một mình được, anh nên liên hệ với Tòa Án Hôn Phối Công Giáo để xin Tòa án điều tra về hôn phối anh đã thực hiện trong nhà thờ. 

Thân chúc anh nhiều may mắn và ơn Chúa trong Mùc Phục sinh.

Li dị giả để bảo lãnh gian dối.


Kính gửi Cha Bùi Đức Tiến, 

Thưa Cha con không biết viết thư, con nhờ đưa con gái viết thế kính thăm sức khỏe của Cha. Kính chúc cha được nhiều ơn phúc lộc Chúa ban qua Đức Mẹ Maria. Sau nữa, con có một thắc mắc mà con không biết tỏ cùng ai, xin cha giúp cho con một giải đáp, cũng chỉ vì lòng thương con của con mà ra. Thưa cha đây là thắc mắc của con, nếu không được, xin cha cũng đừng chửi con. 

Thưa cha, nhà con qua đời lâu lắm rồi, để lại cho con ba người con, một gái, và hai trai. Đứa con gái cả đã lập gia đình và hiện đang ở Việt Nam, đứa con trai út cũng đã lập gia đình và hiện đang ở đây với con và gia đình nó với hai đứa con. Đứa con trai khác của con là đứa giữa, hiện đang còn ở Việt Nam. Cũng vì chuyện vượt biên, xuất ngoại mà cho đến nay vẫn chưa lập gia đình. Nghe đâu, nó cũng có bồ bịch yêu thương gì đó, nhưng vì cứ luẩn quẩn trong chuyện ra đi, nên dùng dằng nửa đi nửa ở, không tiến tới hôn nhân được. Nó bảo nó chỉ lấy vợ sau khi đã ra ngoại quốc. Vì thấy con quá thương con, nên con trai và con dâu con bàn với con như sau: 

Hai vợ chồng đứa con trai đang ở Úc sẽ làm giấy ly dị nhau, nhưng chỉ làm giả vờ thôi (hiện thời hai đứa đang ly thân - cũng chỉ giả vờ thôi để lãnh tiền trợ cấp, vì gia đình chúng nó không được khá giả lắm). Sau khi ly dị giả, hai đứa sẽ về Việt Nam, con trai con sẽ làm giấy hôn thú giả với cô em vợ của nó, còn vợ nó sẽ làm giấy hôn thú với con trai con. Việc làm này chỉ là giả vờ thôi, để đưa con trai con và em gái của con dâu con sang Úc. Sau đó chúng nó lại ly dị nhau. 

Thưa cha con có được làm như vậy không? Con có lỗi gì không? Con có tội gì không? 

Con cám ơn Cha nhiều, xin cha trả lời cho con sớm. Trần thị Tư 

 

Kính thăm Bà Tư, 

Đọc thư, tôi biết bà Tư không phải là tác giả của lá thư này. Có thể đây là ý kiến của người con trai của bà còn ở bên Việt Nam (để anh ta được sang Úc), của người con dâu của bà (để em gái của chị ấy được rời Việt Nam) và sự tán đồng của bà cũng như người con trai đã có vợ tại Úc. 

Trường hợp và hoàn cảnh của bà và gia đình người con trai tại Úc thật là phức tạp xét về phía sự việc, giấy tờ và nặng nề xét về phương diện luân lý và phép đạo. Qua cái nhìn của tôi, mọi dự tính và cách sống của bà và những người liên hệ hình như không được đặt trên một căn bản đạo đức nào, xét về cả lãnh vực dân sự và tôn giáo. 


Bà ghi trong thư rằng "xin cha đừng chửi…", tôi giả
thiết là tôi không có quyền để "chửi" ai cả. Phụ trách phần giải đáp thắc mắc này là để hướng dẫn cho những ai cần tìm hiểu thêm về luật lệ của Giáo Hội Công Giáo để đời sống của họ được vững vàng hơn, bình an hơn trong một vài hoàn cảnh nào đó, thế thôi. Nhưng thú thật với Bà Tư, khi đọc thư của bà Tư, tôi hơi mất bình tĩnh. Mất bình tĩnh với bà thì ít mà mất bình tĩnh với con trai và con dâu của bà thì nhiều. Tôi xin phép phân tích trong những điểm sau: 

Việc con trai và con dâu của bà "đang trong tình trạng ly thân để lãnh tiền trợ cấp vì chúng nó không được khá giả". Tôi không hiểu ý nghĩa của những chữ không khá giả trong thư của Bà Tư. Có thể là đứa con trai bà đang lãnh tiền trợ cấp thất nghiệp độc thân (vì trên giấy tờ hai vợ chồng ly thân - dù hai vợ chồng đang sống chung với nhau) và đang đi làm trốn thuế. Có thể là con dâu bà lĩnh tiền "mẹ góa nuôi con" (single mother) và cũng đang làm việc trốn thuế. Có thể là con cái Bà Tư đã có nhà cửa và xe cộ v.v
…Kính thưa Bà Tư, nếu những cái "có thể" của tôi là đúng, thì tôi xin thưa với bà Tư là bà Tư và gia đình con cái bà đang vi phạm luật của quốc gia Úc và đang sống trái lẽ công bằng bác ái theo luật tự nhiên và luật đạo. 

Hai vợ chồng đang sống với nhau có con cái mà làm giấy giả ly thân để lãnh tiền trợ cấp riêng là vi phạm luật. Bà Tư viết là vì chúng nó không được khá giả. Thưa bà Tư là đến bao giờ thì chúng nó khá giả. Chúng nó chưa làm xong chuyện này, chúng nó đã tính đến chuyện khác, toàn là những chuyện trái luật lệ, đi ngược lại công bằng bác ái, phản bội giáo huấn của Giáo Hội 

Việc hai đứa ly dị nhau để bảo lãnh cho anh và cho em gái đến Úc. Bây giờ chúng nó lại ly dị nhau (giả vờ) để giả vờ làm chồng làm vợ người khác. Bà Tư là người lớn, viết như thế mà không biết xấu hổ sao? Rồi mai mốt đây, chúng nó lại ly dị lần nữa rồi lại giả vờ nữa, không biết đến bao giờ. 

Có được làm như vậy không? Thưa Bà Tư, tôi xin trả lời ngay là không được làm như vậy, vì làm như vậy là trái luật và vị phạm lẽ công bằng bác ái và gương mù cho con cái sau này. 

Có lỗi gì không? Thưa bà Tư, làm như thế là có lỗi nhiều lắm. Riêng về phần bà, bà đã hứa trước mặt Chúa là đón nhận và giáo dục con cái theo luật Chúa Kitô và luật Giáo Hội, việc bà để cho con cái ly thân, ly dị giả vờ là trái với luật hôn phối. Việc con cái bà lãnh tiền trợ cấp (nếu bà đồng ý cho chúng làm như vậy) thì bà phạm luật công bằng. Còn việc bà cho phép chúng bảo lãnh chồng khác vợ khác (dù chỉ là giả vờ) mang tính cách phá hoại và làm giảm giá trị đích thực của hôn nhân. 

Có tội không? Thưa Bà Tư, vấn đề tội hay không tội tùy thuộc lương tâm của mỗi người khi đối diện với Chúa. Tôi không thể xếp hạng cho Bà Tư được. Nhưng một người với những việc làm như trên, theo tôi, nếu không cảm thấy lương tâm cắn rứt mỗi khi cầu nguyện, thì tôi khuyên nên xét lại là người ấy có lương tâm hay không? Chắc bà Tư không nghĩ rằng bà Tư là một người không có lương tâm. 

Nếu Bà Tư và gia đình hiểu rằng phần giải đáp này là một cách "chửi" của tôi, thì tôi cũng đành chịu. Tôi phải phân tích cho mọi người những giáo huấn và luật lệ của Giáo Hội để mọi người tùy nghi mà sống cho đẹp lòng Chúa, tạo sự bình an trong tâm hồn với hy vọng sẽ được Chúa thương mà ban cho cuộc sống đời đời. Nếu được phép cho một lời khuyên, thì tôi khuyên bà Tư hướng dẫn chỉ bảo cho hai vợ chồng nó ghép hộ lại thành vợ chồng đàng hoàng. Nếu có đi làm thì đừng lãnh tiền trợ cấp nữa. Còn riêng đứa con bà Tư còn bên Việt Nam, nó lớn rồi, nó sẽ tự tìm được một cách sống hợp lẽ và vui vẻ. Hơn nữa, ở Việt Nam vẫn còn cả 70 triệu người khác nữa cơ mà. 

Kính chúc bà Tư và gia đình luôn sống đẹp lòng Chúa hầu được Chúa ban ơn lành.

Ngăn trở kết hôn giả để bảo lãnh.




Kính gửi Cha Bùi đức Tiến, 

Kể từ khi con đọc một giái đáp thắc mắc của Cha giải đáp, con áy náy mãi. Cuối cùng con đành viết thư này đến cha với vài câu hỏi nhỏ, xin cha giải đáp cho con để con cất đi được những áy náy này. Thưa cha con muốn đề cập đến "khiếu nại" và "chia sẻ" của Cha cho chị Nguyễn thị Thành.(số 5) 

Trường hợp con dính líu tới cũng tương tự như những điều chị Thành trình bày, chỉ khác biệt đôi chút, việc không xảy ra cho chính con, nhưng là con trai của con: 

Con có một người bạn thân lắm, cũng cỡ ngang tuổi nhau. Chúng con gặp nhau hàng tuần khi đi lễ những ngày Chúa Nhật hay lễ Trọng và còn sinh hoạt hội đoàn chung nữa. Gia đình con, con cái đầy đủ đang sống tại Melbourne. Bà bạn của con gia đình tội nghiệp, cũng ở Melbourne, nhưng còn kẹt lại hai đứa con gái lớn tại Việt Nam. Cách nay khoảng tám năm, bà bạn nhờ con giúp đỡ bằng cách đồng ý để con trai con bảo lãnh một trong hai người con gái của bà ấy từ Việt Nam sang đây với tư cách vợ chồng. Đầu tiên thì con lo lắng, sợ sệt vì hoàn cảnh của tuổi trẻ bên này, nhưng sau đó vì tình thân của bà bạn và vì bà ấy năn nỉ quá, không từ chối được. Hơn nữa, tuổi tác của hai đứa chênh lệch nhiều, con đoán chắc không có chuyện gì xảy ra (cô gái ấy hơn con trai con tới tám tuổi- và con của con cũng chưa có ý định lập gia đình). Theo như bà bạn trình bày, thì chỉ mất thời gian khoảng hơn hai năm, kể cả việc hoàn tất giấy tờ li dị. Thế là con vì tình bạn thắm thiết, đồng ý giúp, chồng con thì không đồng ý, nhưng tôn trọng tình bạn của con, ông ấy chỉ im lặng. 

Câu chuyện bảo lãnh giấy tờ đã xong cách nay cả năm năm trời, cô ấy vẫn chưa đi lấy chồng khác, con của con cũng chưa đi lấy vợ khác. Nhưng đọc báo con thấy rằng con của con và cô ấy hình như không thong dong trong việc lập gia đình sau này. Xin cha giải đáp cho con những câu hỏi sau đây: 

Con của con bây giờ phải làm gì để được coi là thong dong không vướng mắc trong việc lập gia đình? Thật sự việc đã làm chỉ là để bảo lãnh hộ là vợ chồng để sang Úc sống thôi, không có gì là thật cả, có nghĩa là hai đứa không hề chung sống với nhau, và không hề làm đám cưới trong nhà thờ. 

Con của con có lập gia đình nữa được không? Vì nó chỉ giúp người ta thôi, người con gái ấy không phải là vợ của nó. 

Con và bà bạn có bị dứt phép thông công không? Có mắc tội không? 

Đinh thị Hai. Melbourne. 

 

Kính thăm Bà Đinh thị Hai, 

Trường hợp của chị Nguyễn thị Thành (số 5) thực hiện là để giúp cho một người anh họ. Trường hợp của bà, là để giúp cho một người bạn thân. Phải gần gũi lắm, phải thân mật lắm, thì người ta mới đồng ý giúp nhau những công việc tương tự như thế này. 

Đọc xong thư của bà, tôi tự hỏi liệu sau khi xong giấy tờ cho một cô rồi, người bạn thân ấy lại nhờ con trai bà giúp bảo lãnh cả người con gái còn lại thì bà có đồng ý giúp nữa không và nếu không đồng ý, thì bà có từ chối được không? 

Tôi chắc rằng bà sẽ từ chối người bạn thân viện lẽ đơn sơ và rõ ràng rằng ai lại một người con trai vừa "làm chồng" cô em rồi lại "làm chồng" cả cô chị nữa. Như thế, chắc bà cũng phải đồng ý với tôi rằng, cái việc bảo lãnh "làm chồng, làm vợ" này nó cũng mang một ý nghĩa và liên hệ hẳn hòi chứ đâu có phải chỉ là thuần túy trên phương diện giấy tờ? 

Giáo hội lo ngại về cái "ý nghĩa và liên hệ làm chồng, làm vợ" hẳn hòi này, dù là chỉ trên giấy tờ. Bà lại viết rằng: "cô ấy vẫn chưa đi lấy chồng khác, con của con cũng chưa đi lấy vợ khác". Người ta chỉ dùng từ ngữ "một cái khác" khi người ta đã có một cái rồi. Vô hình chung, trong tâm tưởng và diễn tả, bà cũng đã cho rằng cô ấy đã có một chồng rồi, con bà cũng có một vợ rồi, và vì vậy, họ chưa đi lấy "một cái khác". Chỉ có một điều là hai người không phải là vợ chồng thật mà thôi. Bây giờ tôi xin trả lời những câu hỏi của bà: 

Con trai của bà phải liên hệ với Tòa án hôn phối của Giáo Hội Công Giáo, để xin tòa án tuyên bố chính thức là cậu ta thong dong trong việc lập gia đình. Con bà chỉ được phép thực hiện hôn phối trong Giáo Hội, sau khi đã được tòa án tuyên bố là thong dong. 

Con của bà có lập gia đình nữa được không? Một lần thứ hai ở đây, bà lại cho rằng con bà đã có gia đình rồi, khi bà dùng từ ngữ "gia đình nữa". Lập một lần nữa, có nghĩa là đã lập một lần rồi. Dĩ nhiên là con bà được lập gia đình "nữa", nhưng như đã trình bày, chỉ sau khi tòa án tuyên bố con bà thong dong mà thôi. Trong trường hợp con bà không liên lạc với tòa án, mà cứ thực hiện Bí tích Hôn phối (bằng cách nào đó, nói dối linh mục chủ sự chẳng hạn) thì Bí tích Hôn phối có thể vẫn thành, nhưng bất hợp pháp. Hôn phối thành hay không thành, tùy thuộc vào việc nói dối hay dấu không nói có nghiêm trọng hay không. 

Bà và bà bạn có mắc tội không? Có bị dứt phép thông công không? Không, bà và bà bạn không bị dứt phép thông công. Tuy nhiên, Giáo luật điều 15 và 16 qui định rõ ràng về "nghi ngờ, không biết và lầm lẫn về luật pháp". Nếu các bà không biết có luật qui định về việc này thì các bà không bị buộc. Còn nếu các bà biết làm như vậy là phạm luật mà vẫn làm, thì luật buộc tùy theo mức độ nặng nhẹ của hoàn cảnh. Trong trường hợp này, xin các bà liên hệ trực tiếp với các linh mục địa phương, vì câu hỏi có tính cách luân lý và liên hệ đến đời sống thiêng liêng, phần hồn. 

Kính chúc bà mau cất được sự áy náy trong tâm hồn.

45.Hôn phối: Ngăn trở họ thiêng liêng.

 

Kính gửi Linh Mục Bùi đức Tiến,

Thưa Cha con tên là Nguyễn thị Vân, năm nay 26 tuổi, con được sinh ra trong một gia đình đạo gốc. Con định cư ở Úc đã được 4 năm rồi. Nay con có chuyện khó khăn về việc lập gia đình nên con viết thư kính nhờ Cha giúp đỡ, hướng dẫn cho con. Thưa cha con buồn lắm.

Việc lập gia đình của con như sau:

Bố mẹ con có nhận một người con thiêng liêng khi đỡ đầu cho anh rửa tội cách nay khoảng hơn 15 năm ở Việt Nam, và vì người con này thất lạc gia đình, nên sau khi rửa tội, anh ấy đến ở chung với gia đình con cho đến ngày anh vượt biên (khoảng 7 năm). Trong gia đình, anh ấy và chúng con (5 anh chị em) sống chung vui vẻ. Chúng con gọi anh ấy là anh theo ý của bố mẹ. Anh ấy tên Trần V..., hơn con 5 tuổi, như thế năm nay anh ấy 31 tuổi. Anh V. vượt biên sang Úc một mình năm 1988.

Năm 1991 anh V. về Việt Nam thăm gia điinh con. trong chuyến vế thăm này, bố mẹ và gia điinh và cả con nữa đều đồng ý thu xếp cho con sang Úc qua việc anh V. bảo lãnh con diện hôn thê. Ý con chỉ muốn sang Úc để tiếp tục việc học hành dang dở. Việc gia đình thì con đã có người bạn trai, tuy chúng con chưa nói tới chuyện hôn nhân, nhưng chúng con đã tỏ tình yêu với nhau và hứa là chở đợi nhau. Anh V. cũng biết việc này nữa.

Con rời Việt Nam năm 1992 và ký giấy hôn thú với anh V. ngay sau khi tới Úc. Mọi thứ thủ tục cho con ở lại Úc diễn ra êm xuôi. Con tiếp tục việc học của con và con sẽ ra trường cuối năm nay.

Tứ ngày sang Úc, con và anh V. sống trong một căn flat hai phòng ngủ. Anh đối đãi với con như một người em ruột thật sự không có chuyện gì vương vấn. Bố mẹ con ở Việt Nam vui vẻ, anh ấy vui vẻ, nhưng riêng con thì không được vui lắm vì từ ngày sống chung với anh V., tự nhiên lòng con vương vấn cảm tình, con kính trọng sự cao thượng và yêu thương sự cô độc của anh ấy. Tình của con với người bạn ở Việt Nam phai nhạt dần. Con viết thư về cho bố mẹ con, bố mẹ con đầu tiên phản đối cho rằng con với anh V. cũng là con của bố mẹ, mặc dù anh V. chỉ là con thiêng liêng. Anh V. khi biết lòng con, anh thoái thác với lý do anh là anh thiêng liêng của con và học lực của anh thua con.

Thưa Cha, anh V. cũng có cảm tình với con, cho nên việc khác nhau về học lực chắc là không quan trọng lắm, anh V. chỉ đặt nặng vấn đề trở ngại là con và anh ấy có họ thiêng liêng với nhau. Con đã tìm hiểu ở nhiều nơi, người ta nói chúng con lập gia đình với nhau được. con nói anh ấy không tin, nhưng nếu cha nói thì anh ấy nghe. Xin cha giúp đỡ con.

Cuối cùng xin Chúa ban nhiều ơn lành hồn xác cho cha.

Nguyễn thị Vân

Gởi lời chào thăm đến cô Nguyễn thị Vân, không biết địa chỉ ở đâu. Đọc thư cô Vân dài quá, mờ cả mắt. Cứ như những điều cô Vân trình bày khá rõ ràng trong thư thì việc hôn nhân của cô Vân vá anh V. đâu có gì trở ngại, vì hai người chẳng có dính dáng gì cả, có chăng là sự dính dáng (có họ hàng) giữa bố cô Vân và anh V. thôi.

Nhưng tiện dịp trả lời cho cô Vân, tôi cũng lợi dụng để trình bày vài điều Giáo luật về liên hệ họ hàng thiêng liêng.

Họ hàng thiêng liêng chỉ có qua việc đỡ đầu khi cử hành Bí tích Rửa tội mà thôi.

Bộ Giáo luật cũ (ban hành năm 1917 - điều 1079) qui định rằng hôn phối sẽ vô hiệu nếu được cử hành giữa thừa tác viên rửa tội và người được rửa tội, hoặc giữa người đỡ đầu của mình khi rửa tội.

Bộ Giáo Luật mới hiện hành (ban hành năm 1983, qua các điều luật 872; 873 và 874) không còn đề cập đến việc ngăn trở này nữa. Có nghĩa là mối liên hệ họ hàng thiêng liêng qua Bí tích Rửa tội không còn là một ngăn trở hôn phối nữa.

Như thế, trong trường hợp của cô Vân có thể có một loại "liên hệ" làm cho anh V. thoái thác trong việc hôn nhân, đó là ngăn trở họ hàng dưỡng hệ (con nuôi), vì anh V. bị thất lạc cha me, sau khi rửa tội đã dọn về chung sống trong nhà của bố mẹ Vân như con cái trong nhà. Về liên hệ dưỡng hệ này, Bộ luật hiện hành (điều 1094) qui định rằng: "Hôn phối sẽ vô hiệu nếu được cử hành giữa những người thân thuộc do dưỡng hệ đã được pháp lật nhìn nhận, trong trực hệ hay trong cấp thứ hai của của bàng hệ". Có nghĩa là, nếu anh V. là con nuôi của bố mẹ cô Vân, và việc nuôi này được pháp luật nhìn nhận (tên họ người con nuôi đổi thành tên họ của người cha mẹ nuôi) thì cô Vân và anh V. có họ hàng trong cấp thứ hai của bàng hệ, hai người không cử hành hôn phối hữu hiệu với nhau được. Nhưng trong thư cô Vân giới thiệu mình là Nguyễn thị Vân, còn anh V. là Trần V. thì hai người nếu lấy nhau thì cũng chẳng trở ngại gì.

Vài hàng giải đáp cho cô Vân. Nhưng xin nhớ một điều là giả như hai người sau này có lập gia đình với nhau thì cha Tiến đây vô can. Viết vậy, để sau này, nếu hai người lấy nhau, rồi gặp chuyện "cơm không lành, canh không ngọt", lại kéo cha Tiến ra mà rủa thì tội nghiệp cho kẻ tu hành này lắm lắm.

Xin Chúa chúc lành.

Hôn phối: Ngăn trở công hạnh.


Kính gửi Cha Bùi-đức-Tiến, 

Thưa Cha, con định viết thư đến cha cả hai năm nay rồi, nhưng con cứ e ngại. Đến nay, lương tâm con dày vò quá, lại vì việc không được xưng tội rước lễ quá lâu nừa, nên con đành phải viết thư đến cha. Con xin phép được dấu tên của con. Trước khi viết thư, con cũng đã hỏi ý kiến của người đàn ông con đang sống chung, và ông ấy cũng đồng ý để con hỏi cha để sau đó chúng con giải quyết vấn đề. Câu chuyện của con khá dài, con xin tóm tắt như sau: 

Năm 1975, lúc ấy con mới gần 2 tuổi, mẹ con 20 tuổi còn ba con 26 tuổi. Ba con là sĩ quan thủy quân lục chiến. Ba con đi tù cải tạo và ba năm sau chết trong tù lúc 29 tuổi. Khi được tin ba con mất, mẹ con buồn lắm. 

Năm 1985, lúc ấy con lên 12 tuổi, mẹ con 30 tuổi. Nỗi buồn ba con mất đã nguôi ngoai, mẹ con bắt đầu sống chung với ông T.. Ông T cũng bằng tuổi mẹ con. Không biết tại sao ông T. và mẹ con không cử hành hôn phối trong nhà thờ cha ạ! Khi cả hai người đều đạo Công Giáo. Năm 1989 cả gia đình ba người vượt biên vừa vào lúc các trại tị nạn đóng cửa. Chúng con ở trại năm năm trời. Mẹ con và ông T. có sinh được một người con ở trại tị nạn năm 1992. Mẹ con lâm bệnh và qua đời bên trại năm 1993. 

Ông T., con và em nhỏ sang Úc năm 1994. Lúc ấy ông T. 39 tuổi, con gần 21 tuổi và em nhỏ 4 tuổi. Cuộc sống chung của ba người trong một mái nhà ở Úc là việc tự nhiên. Vất vả với việc định cư, học anh văn, tìm việc làm đủ thứ. Ba người nương tựa nhau, chia sẻ nhau. 

Con cũng chẳng còn nhớ trong hoàn cảnh nào và sự việc xảy ra làm sao mà con và ông T. lại bắt đầu sống chung với nhau như vợ chồng. Những người chung quanh (trừ một số ít người biết chúng con bên trại) đều tưởng chúng con là hai vợ chồng và đứa con nhỏ. Đã có những lúc chúng con bàn bạc để chấm dứt việc sống chung này, nhưng rồi việc đâu lại hoàn đấy, vẫn tiếp tục với nhau. 

Thưa cha bây giờ con 23 tuổi, ông T. 41 và em nhỏ thì đã lên 6. Xin cha giải đáp thắc mắc cho con, vì viết đến đây con cũng chẳng biết viết thêm gì nữa. Xin cha cầu nguyện cho chúng con tội lỗi. Cảm tạ cha. 

Vân. Sydney 

 

Thăm chị Vân, thật éo le, thật éo le. Trong thư, chị nhờ tôi giải đáp thắc mắc mà đọc mãi tôi chẳng thấy có thắc mắc nào. Chị có viết là để giải quyết, nhưng hai người định giải quyết cái hoàn cảnh trớ trêu này ra sao? Phần cuối thư, chị có đề cập đến việc chấm dứt sống chung. Tôi đoán là chị và ông T. muốn tôi chia sẻ ý kiến về vấn đề hai người dự định chấm dứt việc chung sống. Dựa trên căn bản này, và nhìn thấy ngăn trở trong việc kết hôn của hai người, nếu hai người muốn tiến tới hôn nhân (ngăn trở này được gọi là ngăn trở công hạnh), tôi trình bày với chị và ông T. như sau: 

Điều luật 1093 qui định rằng: "Ngăn trở về công hạnh phát sinh từ hôn phối vô hiệu sau khi đã có sự sống chung, hoặc sự tư tình công khai và hiển nhiên. Ngăn trở này tiêu hủy hôn phối trong trực hệ ở cấp thứ nhất, giữa người nam với những người có liên hệ huyết tộc với người nữ hay ngược lại.". Ngăn trở công hạnh hay còn gọi là ngăn trở liêm sỉ, phát sinh từ một hôn phối vô hiệu hay từ một cuộc sống chung công khai giữa hai người nam nữ, dù họ đã có vợ hay có chồng. Kể cả những trường hợp hai người Công Giáo chỉ cử hành hôn phối dân sự, hay sống chung với nhau như vợ chồng. 

Ngăn trở công hạnh ngăn cấm hôn phối giữa người đàn ông với mẹ hay con gái của người đàn bà đã công khai sống chung với ông ta; hay hôn phối giữa người đàn bà với cha hay con trai của người đàn ông đã công khai sống chung với bà ta. Theo luật, ngăn trở công hạnh vẫn còn hiện diện dù khi một trong hai người sống chung đã qua đời. 

Nếu chị và ông T. không thể rời nhau được, muốn tiếp tục sống với nhau như vợ chồng, và muốn tiến đến việc thực hiện Bí tích hôn phối, tôi đề nghị chị liên hệ với Tòa án hôn phối địa phương. Các thẩm phán sẽ cho chị và ông T. biết rõ ràng hơn về hoàn cảnh của hai người. 

Chúc chị có được nhiều ơn Chúa và sáng suốt để tạo sự bình an. Thân mến. 

Đám cưới giả vì lý do di dân.



Thư của một người nào đó, không đề tên, không ký tên, không có ngày tháng?!. Sau đây là nguyên văn lá thư: 

Kính xin Quý Cha giải đáp những câu giáo lý sau: 

Một ông già không rõ bao nhiêu tuổi, về VN kết hôn cùng một cháu gái 21 tuổi kêu là ông ngoại, không cưới hỏi vì là mục đích bảo lãnh (tức không đám rước dâu, không thể lấy nhau làm vợ chồng như các cha làm phép, chỉ mặc áo cưới, quàng khăn cưới, chớp hình để làm thủ tục giấy tờ bảo lãnh mà thôi). Qua Úc đủ hai năm, ông ngoại ly dị cháu gái, để cháu gái lấy chồng. 

Nếu ông Ngoại là Công Giáo, có lỗi gì không? 

Nếu cô này là Công Giáo lấy chồng có trái phép Công Giáo không? 

Một ông Dượng có vợ con, làm giấy ly dị vợ và về VN kết hôn cùng một cháu gái kêu là ông Dượng, qua Úc hai năm, ông Dượng ly dị cháu gái, để được lấy chồng. 

Nếu ông Dượng này là Công Giáo, có phải hai vợ không? 

Cháu gái lấy chồng nữa được không, nếu cô ta là người Công Giáo? 

Một thanh niên con ông bác ruột, về VN kết hôn cùng một em gái con của chú ruột, không cưới hỏi (như câu 1). Qua Úc khai là ở chung nhưng không ở chung, đủ hai năm, anh đã ly dị cô này, và cô này đã có chồng năm rồi. 

Nếu anh này là Công Giáo, có được lấy vợ nữa không? 

Cô gái này nếu là Công Giáo, lấy chồng thế này có trái luật không? 

Một học sinh lớp 12 về VN kết hôn cùng một cô gái con của bà dì ruột, qua Úc cô này khai là ở chung với anh ta, song ở với mẹ mà thôi. Đủ hai năm anh ly dị cô này. 

Nếu học sinh này là Công Giáo có được lấy vợ nữa không? 

Nếu cô này là Công Giáo, có được lấy chồng nữa không? (tuy không cưới hỏi như câu 1) 

Cô N. có chồng ở VN, được cha mẹ ở Úc bảo lãnh theo diện đoàn tụ, cô N. đã ly dị chồng để được bảo lãnh. Khi cô N. sang Úc, cha mẹ cô thuê cô T. về VN kết hôn cùng chồng cô N. và bảo lãnh chồng cô N. sang Úc. Hai vợ chồng cô N. sống chung lại với nhau. Nay chồng cô N. ly dị cô T. để cô T. được lấy chồng. 

Nếu cô N. đã ly dị chồng, nay sống chung lại với nhau, nếu cô N. là Công Giáo có lỗi gì không? 

Nếu cô T. là Công Giáo, chỉ bảo lãnh dùm không có lễ cưới như ở câu 1, thì cô T. có được lấy chồng nữa không? 

Một thanh niên về VN kết hôn cùng một cô gái. Sang Úc khai là ở chung, song cô gái nầy là gái làm tiền, phải ở với chủ mướn bảo lãnh, nên hai người không hề liên hệ gì và không sống với nhau chút nào, và kết hôn không lễ cưới như câu 1. Nay đủ hai năm, hai người ly dị rồi. 

Nếu thanh niên này là Công Giáo, có được lấy vợ nữa không? 

Ông T. đi shopping lâu ngày, gặp ông bạn già với nhau, ông già này quyến rũ ông T. hãy đi đến Bác sĩ T. khám bệnh, có bệnh hay không bệnh cũng cứ một hai tuần đi khám, để Bác sĩ T. có tiền giúp cho Chùa: mua vườn nhà, đổi vườn nhà, để mở rộng vườn Chùa và giúp xây dựng ngôi Chùa cho khang trang hơn. 

Nếu ông T là người Công Giáo, biết Bác sĩ T. làm vậy mà vẫn đến đó khám bệnh, thì ông T. có phải là cúng tiền cho Phật không? 

Kính Cha, 

 

Vì không biết một chi tiết nào về người hỏi, nên tôi xin tạm dùng từ "ông bạn" để trả lời. Tôi xin được trả lời ông bạn theo thứ tự từ câu hỏi 1, như trình bày trong thư: 

Người ta chống thuyết cọng sản, vì cho rằng cộng sản áp dụng câu: "Cứu cánh biện minh cho phương tiện". Không cần biết là mình xử dụng phương tiện nào, miễn là đạt tới mục đích mà thôi. Trường hợp câu hỏi 1 ông bạn đặt ra cũng giống như thế. Cứu cánh là làm sao đem cháu gái mình đến Úc, ông ngoại cô gái không cần lưu tâm tới lễ nghi phong tục, thứ bậc tôn ti trật tự, nết na của một gia đình Việt Nam. Ông ngoại là người đáng trách, dù ông ngoại là Công Giáo hay không Công Giáo. Cứ xét theo cái lúc phải gặp nhân viên bộ Di Trú Úc mà khai, thì ông ngoại "cảng cổ" ra cãi với các nhân viên chính phủ rằng đứa con gái này chính là vợ tôi, và đứa con gái mất nết ấy, cũng "ngoan cố" nhận ông ngoại là chồng mình. Ông bạn nghĩ sao? Người ta thường nói: "Nó lú, thì có chú nó khôn". Trường hợp này, ông ngoại đã lú, đứa cháu gái càng lú hơn. 

Không kể vào chi tiết của vấn đề, cứ xét theo cái giấy hôn thú "loạn luân" đã ký, theo luật của Giáo hội Công Giáo, người con gái (nếu là Công Giáo) phải được tòa án tuyên bố "cô ta không bị ràng buộc" bởi cái giấy hôn thú này. 

Câu trả lời cho câu hỏi 2 cũng tương tự như câu trả lời cho câu hỏi 1, thêm phần sau: 

- Dù ông dượng theo tôn giáo gì đi nữa thì cũng vậy. 

- Lấy chồng được, nhưng phải qua Tòa Án hôn phối Công Giáo. 

Cả hai người đều phải qua các thủ tục của Tòa án Giáo hội trước khi muốn kết hôn theo nghi lễ của giáo hội Công Giáo. 

Như câu 3. 

a. Trả lời như phần đầu của câu 1. Thêm: Qua chuyện ly thân, ly dị "giả vờ" như ông bạn trình bày, đã có không biết bao nhiêu gia đình tan vỡ. Tự mình tạo ra cái "vết nứt" thì không sớm thì muộn, gia đình cũng đi đến chuyện vỡ tan. 

Trả lời như câu 3. 

Trả lời giống như câu 3. 

Lại một lần nữa, người ta ngụy biện: Cứu cánh biện minh cho phương tiện. Giáo hội Công Giáo có câu: "Cây xấu không sinh trái tốt". Phật pháp có từ: "nhân quả". Tôi nghĩ cả hai câu trên đều diễn tả việc làm việc lành phúc đức. Đi ăn cắp của người này để bố thí cho người khác thì tôn giáo nào cũng khuyên tránh, chả thà đừng làm việc phúc đức thì hơn. 

Nếu chúng ta biết có những người đang làm như thế thì chúng ta hãy lên tiếng, nếu có thể được. Một số người Việt Nam đang sống tại Úc đã và đang "bôi tro trát trấu" vào "khuôn mặt khả ái" của cộng đồng người Việt nam tại Úc. 

Mong rằng những trả lời trên đây đã làm cho ông vui lòng !? 

Bỏ chồng, dắt con chạy theo tình yêu.

Kính gửi Cha Tiến, 

Em không phải là người trong đạo. Gia đình em đang có chuyện buồn. Em lại có chuyện buồn về tình cảm riêng nữa, em hy vọng cha có thể giúp em giải quyết việc gia đình của em. 

Lý do em viết thư này cho cha là vì trong thời gian hơn hai tuần vừa qua, sau một trận xung đột trong gia đình, em dắt hai đứa con bỏ nhà đi. Ba mẹ con đến ở nhờ nhà một người bạn trong đạo. Khi họ đi làm, em đọc các sách báo của họ ở nhà, thấy cha giải đáp thắc mắc, giúp các gia đình giải quyết nhiều trường hợp thật là hay, em muốn nhờ cha giúp đỡ gia đình của em. Vì em không phải là người trong đạo, nên không biết xưng hô cha, con hay là cha, em. Xin cha thứ lỗi. 

Em đã lập gia đình được gần 12 năm nay. Chồng em là người khá tốt, nhưng tính tình thật nóng nảy, thô lỗ và cọc cằn. Hay đánh đập vợ con và mắng chửi với những lời lẽ xấu xa dơ dáy. Trong những năm đầu em chịu đựng nhiều, nhưng nay con cái đã hiểu biết, em sợ rằng chúng sẽ bị ảnh hưởng, nên chắc là em sẽ tìm cách đem chúng đi khỏi ba chúng. Hơn nữa, sự cọc cằn thô lỗ đã giết chết tình yêu trong tim em rồi. Em không còn yêu chồng nữa. Sự chia tay không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra thôi. Em tính đi trước thì tốt hơn, vì còn có cơ hội lập lại cuộc đời. 

Trong vài năm gần đây, em có quen một người con trai. Gọi là con trai vì anh ta còn đang đi học (và đi làm thêm), một người rất hiền, nhẹ nhàng và có lòng, tuy anh ta kém em tới 8 tuổi, nhưng rất chững chạc và hiểu biết. Em thì không sống nổi với chồng nữa, còn anh ta cho em biết nếu em dứt khoát thì anh ta sẽ sẵn sàng giúp em bước đi một bước nữa, coi những đứa con của em như con của anh ta. Em tin rằng anh ta sẽ làm được việc này. 

Xin cha giúp em những vấn đề sau đây: 

- Em có nên tiếp tục sống với chồng em không? Bỏ anh ta thì em thấy tội nghiệp ảnh lắm. 

- Em có nên trao cuộc đời em và hai đứa con em cho người bạn trai đang sẵn sàng giúp đỡ không? 

- Làm vậy em có tội không? 

Xin cha giúp em trả lời sớm sớm. Kính chúc cha khỏe mạnh. 


Nguyễn Thị Thủy, Victoria.


 

Gởi lời kinh thăm chị Nguyễn thị Thủy và gia đình. 

Đọc xong thư của chị, tôi xin được viết những hàng chữ sau đây: 

- Việc xưng hô của chị cũng tốt thôi, vì chị viết rằng chị không phải là người trong đạo. 

- Nội dung những thắc mắc trong thư của chị viết không thuộc lãnh vực giải đáp thắc mắc giáo luật của tôi. Đề nghị chị viết thư cho những tờ báo khác có những mục giải đáp thích hợp hơn, và có lẽ đi sát với yêu cầu của chị hơn. 

Biết rằng viết như thế này sẽ làm chị buồn, nhưng tôi không thể làm khác hơn được. Xin trời phật phù hộ cho chị và gia đình. Kính. 

  


- HẾT PHẦN MỘT-

Phần hai: Các thắc mắc khác.

 

PHẦN HAI

THẮC MẮC & GIẢI ĐÁP KHÁC

  

Nghi thức Phụng vụ khi dâng lễ (luật chữ đỏ)




Kính gửi Cha, 

Con thấy Cha trả lời nhiều câu hỏi hóc búa về hôn phối, phụng vụ, giáo luật. Con cũng có những thắc mắc, xin Cha giải đáp dùm con. Thật ra thì những thắc mắc này không phải là của riêng con, nhưng bạn bè bàn ra tán vào, sau khi không giải thích được thì xuyên tạc, nói cha này thế này, cha kia thế khác. Con mong rằng sau khi cha giải đáp, những thắc mắc này sẽ được phong tỏa và mỗi lần gặp nhau là chỉ nhậu thôi (xin lỗi cha). 

Thưa Cha, sau đây là những thắc mắc: 

Việc tham dự Thánh Lễ tiếng Việt Nam từ nơi này sang nơi khác, con thấy sao các cha lại khác nhau trong việc dâng lễ. Cha thì đọc Thánh Lễ giống như cách nay nhiều năm tại Việt Nam: Này là Mình Ta, có cha lại đọc Này là Mình Thầy...Không biết giải thích làm sao, nhiều khi chia trí quá cha ạ. 

Khi đến phần cha dâng cả hai tay với bánh và rượu trước Kinh Lạy Cha. Chỗ thì cả cộng đồng cùng đọc theo cha: Chính nhờ người, với người v.v...Có chỗ thì cha lại đọc có một mình. Có lần, có người đọc lên mà không ai theo, nhiều người cười khúc khích. Kính xin cha giải đáp dùm con. 

Thưa cha còn nhiều câu hỏi nữa, nhưng sợ trả lời nhiều cha mệt, lần sau con sẽ viết thêm. 


Kính chúc cha vạn sự như ý.

Lê văn Bình, Melbourne.


 

Thăm anh Bình, 

Cám ơn anh về câu chúc vạn sự như ý. Lại cũng cám ơn anh vì anh chỉ hỏi có hai câu thôi sợ tôi trả lời mệt. Tôi chúc anh được như ý trong mọi sự và khỏe mạnh để...đọc bài trả lời của tôi. 

Tôi xin trả lời anh ngay kẻo mệt: 

Câu trả lời 1. Hiện nay, có hai quyển Sách Lễ Roma tiếng Việt Nam (Sách dùng cho các Linh mục khi dâng lễ) đang lưu hành: 

- Quyển thứ nhất in năm 1971, do Lm Nguyễn văn Vi kiểm duyệt đúng theo nguyên bản (Latin - Ấn bản mẫu thứ nhất) và Đức Cha Phạm văn Thiên phê chuẩn theo qui tắc Giáo Luật qui định (18/2/1971). Như vậy, từ năm 1971, quyển này được coi như Sách Lễ Roma chính thức của Giáo Hội Việt Nam. 

- Quyển thứ hai in năm 1992, do Ủy Ban Phụng tự, trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt nam dịch và in (theo Ấn bản Latin mẫu thứ hai của Bộ Phụng tự - Ấn bản này ban hành ngày 27/3/1975, minh định rằng những thay đổi trong ấn bản hai này phải được đưa vào bản dịch mới, nếu có một bản dịch tiếng bản xứ, dịch sau ngày 27/3/1975). Quyển thứ hai này không thấy đề tên người kiểm duyệt và cũng không có phê chuẩn. Như thế có nghĩa là chưa được kiểm duyệt theo qui tắc Giáo luật qui định. Mặc dù bản chính có kèm theo một lá thư do Đức Giám Mục Nguyễn Minh Nhật ký (Đức Cha Nhật lúc ấy là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam), nhưng trong thư, không có minh định thu hồi Quyển thứ nhất, bản cũ in năm 1971. 

Sau khi phát hành quyển thứ hai, đã có những thảo luận trong hàng Giáo Phẩm và Giáo sĩ tại Việt Nam về tính cách chính thống của Quyển thứ hai. Cuối cùng, kết luận được đưa ra vào năm 1992 như sau: 

Các linh mục tùy nghi, khi dâng lễ, muốn xử dụng Quyển thứ nhất (in năm 1971) hay Quyển thứ hai (in năm 1992) cũng được. 

Khi dùng Quyển thứ hai (mới), chỉ dùng những lời đọc của linh mục thôi, còn giáo dân hiệp dâng lễ vẫn thưa theo bản dịch của quyển thứ Nhất (cũ), kể cả các Kinh quan trọng như Kinh Vinh Danh, Kinh tin Kính và nhất là Kinh Lạy Cha. 

Như thế, theo cái nhìn của luật pháp, Quyển thứ nhất là chính thống. Tuy nhiên, nếu linh mục nào muốn xử dụng quyển thứ hai thì cũng OK, nhưng giáo dân thì còn buộc phải thưa theo Quyển thứ Nhất, vì quyển này mới là quyển chính thức. 

Câu trả lời 2: Lời kinh anh đề cập đến trong Thánh lễ, trước Kinh Lạy Cha, phụng vụ gọi là Lời Chúc tụng (hay Vinh tụng ca): Chính nhờ Người, với Người... 

Trong cả hai bản dịch (Quyển thứ nhất và Quyển thứ hai đề cập ở phần trên), luật chữ đỏ (những qui định phải theo, in bằng mực đỏ, hướng dẫn chủ tế khi dâng lễ) đều in như sau: "Chủ tế cầm dĩa (đĩa) thánh với bánh thánh và chén thánh, nâng cả hai lên và đọc (nói): Chính nhờ Người, với Người...Và sau đó: "Giáo dân tung hô: Amen". 

Trong Nguyên bản Latin của Sách Lễ Roma, câu này như sau: "Accipit patenam cum hostia et calicem, et utrumque elevans dicit: (số ít - nghĩa là chỉ mình vị chủ tế đọc), và sau đó: "Populus acclamat: Amen (số nhiều - nghĩa là tất cả giáo dân hiện diện đều thưa Amen.). Đang sống ở Úc, một xứ nói tiếng Anh, tưởng cũng nên đề cập tới bản dịch Anh ngữ trong điểm này như sau: "He takes the chalice and the paten with the host and, lifting them up sings or says: (số ít - nghĩa là chỉ mình chủ tế) và "The People respond: Amen. 

Ôi mệt quá! Chúc anh và các bạn nhậu nhẹt vui vẻ.

Về việc xin lễ.


Kính thưa Cha, 

Con thích mục giải đáp thắc mắc Cha phụ trách giải đáp, nhưng chắc cứ phải giải đáp hoài hoài những thắc mắc vế hôn phối, lấy nhau, bỏ nhau chắc cha cũng chán, nay, con có một thắc mắc về một lãnh vực khác hơn, xin Cha bớt chút thì giờ giúp cho con hiểu biết thêm về luật của Giáo hội. Thưa Cha, thắc mắc của con thuộc lãnh vực xin lễ và số tiền xin lễ với những câu hỏi sau: 

Con biết là muốn xin lễ thì phải có tiền trao cho các linh mục, nhưng các linh mục có được tự quyền ấn định số tiền là bao nhiêu không? 

Theo luật của Giáo hội thì muốn xin một thánh lễ phải đưa bao nhiêu tiền? Tại Melbourne thì khi xin dâng một lễ thì số tiền ấn định là bao nhiêu? 

Không có tiền nhưng muốn xin lễ thì có được không? 

Số tiền xin lễ ai sẽ được hưởng? 

Xin cám ơn Cha và xin Chúa chúc lành cho Cha luôn. 


Kính thư,

Nguyễn thiện Thuật, Sunshine.


 

Thăm anh Thuật, những thắc mắc của anh tôi cũng đã có vài lần được nghe, nhưng chưa có lần nào phân tích rõ ràng. Nhân tiện trả lời cho anh, tôi chắc cũng có nhiều người đọc và hiểu biết thêm về vấn đề xin lễ và số tiền xin lễ. 

Xin thưa với anh, đây là một vấn đề tế nhị và quan trọng. Tế nhị vì nó đặt các linh mục (là những người tu hành) vào những liên hệ tiền bạc. Quan trọng vì nó thuộc lãnh vực bác ái (cầu nguyện cho người khác) và công bằng (nếu không sòng phẳng thì sẽ bị vướng mắc sau này). 

Bộ Giáo Luật hiện hành đã dùng 14 điều luật để đề cập đến vấn đề này (từ điều 945 đến điều 958). Tôi sẽ theo những qui định này để trả lời từng câu hỏi của anh. 

Anh viết rằng muốn xin lễ thì phải có tiền trao cho các linh mục, điều này mới chỉ đúng có một nửa. Nửa còn lại là nếu một người thực sự không có tiền, mà có ước muốn xin một thánh lễ cầu theo ý mình, thì người ấy vẫn có thể đến gặp một linh mục và xin Ngài cầu nguyện theo ý chỉ của mình. Không có ai chỉ vì không có tiền mà không xin các linh mục dâng được một thánh lễ cầu theo ý riêng của mình. Các linh mục được kêu mời để chấp nhận hoàn cảnh này (đ. 945,2) 

Không một linh mục nào được phép tự ấn định về các bổng lễ. Bổng lễ tức là số tiền trao cho linh mục khi xin dâng lễ theo ý mình được ấn định do Công đồng Giáo tỉnh hay Hội đồng Giám Mục Giáo tỉnh (trong địa hạt của một tiểu bang tính theo địa lý của nước Úc) 

Như thế, Bộ Giáo luật không qui định về bổng lễ là bao nhiêu, nhưng các Giám Mục tại một Giáo Tỉnh làm công việc này. Tại Melbourne, thuộc Giáo Tỉnh Victoria (gồm các Giáo Phận Melbourne, Sale, Ballarat, Sandhurst) trước ngày 6/3/1990 qui định một bổng lễ là $5.00 (năm đô la Úc). Một sắc lệnh được ký ngày 6/3/1990 và có hiệu lực từ ngày ký qui định cho một bổng lễ là $10.00 (mười đô la Úc). Như thế, tại Melbourne, khi xin một Thánh lễ, nếu có thể, chúng ta trao cho linh mục 10 đô la. 

Theo luật lệ hiện hành, nếu một linh mục tại Melbourne, nhận của một người không thân thiết, một bao thư xin dâng lễ mà trong đó có 20 đô la, thì linh mục đó sẽ hiểu là người dâng tiền muốn xin dâng hai thánh lễ theo ý chỉ của họ, trừ khi người dâng tiền nói rõ ràng rằng xin cha dâng một thánh lễ, hay nói rằng: xin cha dâng một Thánh lễ còn biếu cha phần còn lại. Trong trường hợp nhận từ những người thân (là giáo dân thân quen của mình chẳng hạn) thì có thể hiểu là họ xin dâng một lễ với tất cả số tiền trong bao thư dù họ không nói gì cả. 

Bí tích Xức Dầu Thánh.


Kính gửi Linh mục Bùi đức Tiến, 

Kính thưa Cha, sau khi đọc mục Ý kiến bạn đọc, con thắc mắc về nội dung của bài báo này, con nghĩ chỉ có cha là có thể giải đáp thỏa đáng cho những gì con đang suy nghĩ. Xin cha bớt chút thì giờ giúp con và có thể cho nhiều người khác nữa. 

Việc bà Maria Vanty Nguyễn viết đề cập đến việc xức dầu là việc chính con cũng đã nghĩ đến từ lâu để "tích trữ được ân sủng cho mình". Việc quí cha tổ chức cho chúng con những Thánh lễ có Bí tích Xức Dầu Thánh là việc chúng con mong ước. 

Thưa cha thắc mắc của con như sau: 

Đọc bài viết của bà Maria Vanty Nguyễn, con có cảm tưởng rằng việc Xức dầu trong các Thánh lễ không phải là Bí tích mà chỉ là nghi lễ Xức Dầu. Thưa cha, như thế có đúng không? 

Bà Maria viết rằng "Bí tích Xức Dầu chỉ được lãnh nhận có một lần khi chúng ta hấp hối thôi, nhưng nghi lễ Xức Dầu này được lãnh nhận nhiều lần v.v
…Theo con nghĩ, một người có thể nhận lãnh Bí Tích Xức Dầu nhiều lần chứ phải không cha? 

Xin Cha giải đáp cho con. Kính chúc cha dồi dào sức khỏe để phục vụ và giải đáp thắc mắc cho chúng con. 

Trần văn Hiệp, Sydne
y. 

 

Kính gửi Ông Trần văn Hiệp, 

Tôi xin giải đáp cho ông những thắc mắc ông đã đề cập trong thư gửi cho tôi đề ngày 30/6/96 về "Nghi Lễ Xức Dầu" và "Bí tích Xức Dầu". 

Bộ Giáo Luật hiện hành của Giáo Hội ban hành năm 1983 đã dành ra 10 điều luật đề cập đến Bí tích Xức Dầu Thánh (từ điều 998 đến điều 1007). Giáo Luật cho chúng ta định nghĩa về Bí Tích Xức Dầu Thánh như sau: " Bằng Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân, Giáo Hội ký thác các tín hữu yếu đau nguy cấp cho Chúa Kitô đau khổ và vinh hiển, để Ngài xoa dịu và cứu chữa họ. Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân được cử hành bằng việc xức dầu cho bệnh nhân kèm theo việc đọc những lời đã được qui định trong sách Phụng vụ" (điều 998) 

Những qui định khác liên hệ đến việc hữu hiệu của Bí tích: 

- Thừa tác viên cử hành Bí Tích Xức Dầu phải có chức linh mục. 

- Dầu dùng cho Bí tích Xức Dầu là "Dầu OI" 

- Thừa tác viên phải dùng chính tay của mình để xức dầu. 

- Thừa tác viên phải đọc trọn vẹn những lời qui định trong sách Phụng vụ. Những lời đó Sách Phụng vụ qui định như sau: (Khi xức dầu trên trán bệnh nhân) "Nhờ việc xức dầu Thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Thánh Thần mà giúp đỡ con. Amen"; (Khi xức dầu trên hai lòng bàn tay) "Xin Chúa giải thoát con khỏi mọi tội lỗi và thương làm cho con thuyên giảm. Amen ". 

- Những điều cần lưu ý: 

. Trong trường hợp khẩn thiết, chỉ cần xức dầu trên trán hoặc trên một phần xứng đáng khác của thân thể cũng đã đủ, nhưng phải đọc toàn thể nghi thức. 

. Khi xức dầu cho các tín hữu đã có chức Thánh (Giám mục hay Linh mục) thì xức dầu trên lưng bàn tay, thay vì lòng bàn tay như những người khác. 

Như thế, việc xức dầu trong các Thánh lễ do quí cha tổ chức hàng tháng hay một vài lần một năm chính là Bí Tích Xức Dầu. Không có một nghi lễ xức dầu nào khác qui định trong Giáo luật và Phụng vụ với việc xử dụng Dầu Thánh (OI) và mô thức qui định, mà không phải là Bí Tích Xức Dầu. 

Một người có được lãnh nhận Bí tích Xức Dầu Thánh nhiều lần không?. Điều luật 1004,2 qui định rằng: "Bí tích này có thể được lập lại, nếu bệnh nhân, sau khi phục sức, lại ngã bệnh nặng, hay, nếu trong thời gian dài, cơn bệnh không dứt, nhưng bệnh tình lại trở nên trầm trọng hơn." 


Ngoài ra, điều 1002 cho biết rằng: "…có thể cử hành Bí Tích Xức Dầu tập thể cho nhiều bệnh n
hân, nếu họ được chuẩn bị chu đáo với tâm tình chính đáng". Việc cử hành "Nghi lễ Xức Dầu" như bà Maria Vanty Nguyễn chính là việc cử hành Bí tích Xức Dầu tập thể này. 

Hy vọng rằng với những chia sẻ trên, ông đã am tường hơn về Bí Tích Xức Dầu. Kính chúc ông luôn luôn nhận được nhiều ân sủng.

Đạo nghĩa lộn xộn!



Thưa Cha Bùi đức Tiến, 

Con giữ đạo được mấy mươi năm nay. Xưa rầy thấy chuyện đạo đâu dô đó. Ở bên nhà, trước là cha sau lại là con. Ở họ đạo, cha nói gì con nghe theo, cho nên họ đạo an lành. Qua bên này, lòng người thay đổi, con thấy đạo càng ngày càng khó quá, cha.Cha cố thì không có nhà thờ, phải đi ở đợ nhà thờ tây. Khi vui vẻ thì lễ êm, lúc lộn xộn thì - ui thôi - chuyện đậu xe đậu cộ, chuyện giờ lễ giờ lạy lộn xộn hết trôi. 

Rồi lại thêm cái chuyện ông câu ông biện ở bên này cũng không có tuốt, mà chỉ có ông chủ tịch chủ tiếc gì đó. Bộ mấy ổng cũng có quyền lên toà giảng nữa sao ? Mà con thấy Chủ nhật mấy ổng bò cả lên trên toà nói với con chiên. Chớ bộ đạo bên đây vậy sao ? Hồi con ở nhà, thấy đàn bà con gái không được léng phéng trên cung Thánh. Cả ông câu ông biện cũng không được luôn. Chỉ có cha mới được. Bên đây sao ai cũng lên trển đó được vậy cha ?Xin cha cho con biết ai có quyền lên toà giảng như cha, chớ bộ Hội Thánh cho phép đàn bà con gái õng ẹo trên toà giảng luôn hay sao cha ? 

Con có thắc mắc nhờ nhà báo chuyển, xin cha giải đáp. Cám ơn cha nhiều. 


New South Wales


 

Thưa ông N.V.H. 

Thú thật với "ông" khi trả lời một lá thư thắc mắc mà mình không biết rõ tên và thuộc về giới nào (nam hay nữ), tôi cảm thấy khó khăn. Tôi tạm gọi là "ông" vì lời lẽ trong thư theo tôi nghĩ (!?) có vẻ "kỳ thị phái nư" một chút và "tôi giữ đạo mấy mươi năm nay" chứng tỏ ông thuộc giới trung niên. Nếu trả lời thật đầy đủ và rõ ràng, câu trả lời sẽ khá dài mà cột báo chỉ có giới hạn, nên tạm chia sẻ với ông như sau: 

"Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam hải ngoại" có thể được tạm chia làm hai giai đoạn: giai đoạn một là thời kỳ còn ở Việt Nam, giai đoạn hai là thời kỳ lưu vong tại hải ngoại (Úc, Mỹ, Pháp v.v...). 

Luật lệ sinh-hoạt, nhất là về Phụng vụ lại cũng có thể chia làm hai giai đoạn: giai đoạn một là thời kỳ trước công Đồng Chung Vaticano thứ hai (1960-1964) và giai đoạn hai là thời kỳ sau Công đồng này, đặc biệt là sau năm 1983 khi Bộ Giáo Luật mới được ban-hành (25-1-1983) và có hiệu lực (27-11-1983). 

A - Về việc phụ nữ "léng phéng" trên cung thánh. 

#/ Trước Công Đồng Vaticano thứ hai, Ở Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo bị ảnh hưởng nhiều từ các linh mục truyền giáo Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp .... 

Một trong những nét đặc thù tại các xứ truyền giáo là sự phân biệt nam nữ trong sinh hoạt phụng vụ. Điều này thể hiện trong sinh hoạt hằng ngày tại nhà xứ và nhà thờ: tại nhà xứ, phụ nữ không được "léng phéng" một mình đến gặp Cha Sở và nếu có chuyện thật cần thì hoặc phải đi chung với người khác, hoặc nếu không có người khác thì phải đứng cách xa Cha vài thước tây với nguyên tắc phải thưa thốt ngắn gọn rõ ràng và đứng đắn; còn trong nhà thờ thì ôi thôi, khỏi nói: đừng có hòng léng phéng trên gian cung thánh. 

Ở Tây Phương, theo phong tục tập quán cũng như cách sống có vẻ bớt hơn, nhưng tệ nạn phân biệt nam nữ trong sinh hoạt tôn giáo cũng không phải là không có. Tuy nhiên về phương diện hình thức, không đến nỗi tệ hại như tại Việt Nam. 

#/ Sau Công Đồng Vaticano thứ hai. Trong phần chú giải Luật Phụng Vụ được gọi là "Hướng dẫn tổng quát cho việc cử Hành Thánh Thể theo nghi-thức Roma (General Instruction of The Roman Missal), về phần những người phụ lễ khác, ngoài các linh mục gồm có: Thày Phó tế (Deacon), Thày Phụ Phó tế (Acolyte), Thày Đọc sách (Lector), Người xướng ca (Cantor), Người Kiệu sách (Missal's carrier), Người kiệu nến, kiệu bánh, kiệu rượu, nước hay bình hương và hương trầm ...(66). 

"Những Hướng dẫn.." còn giải thích rõ ràng rằng: giáo dân cũng đừng từ chối, vui vẻ phục vụ dân Chúa mỗi khi được yêu cầu cử hành một chức vụ đặc biệt nào trong khi cử hành Thánh Lễ (62). Vấn đề nam nữ, "Những Hướng dẫn ..." ghi như sau: khi không có người nam nào có khả năng làm nhiệm vụ Xướng ca thì Hội Đồng Giám Mục có thể cho phép người phụ nữ, đứng ngoài cung thánh, đọc các bài đọc hay xướng đáp, trừ bài Phúc Âm (66). 

Sau đó, tại mục 70 có ghi thêm: Nam giáo dân có thể thực hiện tất cả các phần vụ ghi nơi phần 66, trừ các phần vụ thuộc về Thày Phụ Phó tế, Phó tế. Những việc làm ngoài cung thánh cũng có thể giao cho người phụ nữ, tùy sự xét định khôn ngoan của vị Giám Quản Thánh đường. 

Như thế đã quá rõ ràng, nếu cần biết thêm nữa về sinh hoạt phụng vụ tại một nhà thờ nào đó, xin ông liên lạc trực tiếp với vị giám quản thánh đường (Cha Sở của nhà thờ). 

B Về việc "ở đợ" nhà thờ tây và ông câu, ông biện. Giáo Luật điều 383 qui định rằng: các Giám Mục trong khi thi hành chức vụ chủ chăn, hãy tỏ ra ân cần với hết mọi tín hữu đã được trao phó, bất cứ thuộc tuổi, điều kiện hoặc quốc tịch nào.... và điều luật 568 còn thêm ..."đối với những người di cư, lưu vong, tị nạn, du mục, thì tùy mức độ có thể, nên đặt các tuyên úy để giúp họ.." Như thế, người tị nạn Việt Nam chúng ta cũng được lưu ý nhắc nhở trong Bộ Giáo Luật: có linh-mục Tuyên Úy chăm sóc. Nhưng về việc nhà thờ thì như chúng ta thấy đây là một vấn đề phức tạp: phải "ghé" vào một nhà thờ xứ nào đó để cùng nhau dâng lễ, cử hành phụng vụ.... Những khó khăn về sinh hoạt tất nhiên phải có, không thể tránh được như chuyện giờ giấc hay đậu xe v.v.... 

Theo ông, thì ông viết rằng: "Cha cố thì không có nhà thờ"... Xin thưa rằng nhà thờ là do Giáo Xứ, Cộng Đoàn xây dựng và tu bổ, Cha cố chỉ là người điều hành về vấn đề hành chánh, mục vụ và phụng vụ mà thôi. Do đó, nếu muốn có nhà thờ riêng thì chính các tín hữu phải nỗ lực hỗ trợ và xây dựng. Khi có một nơi riêng rẽ rồi, một vài vấn đề có thể tránh được. 

Vấn đề ông Câu, ông Biện cũng thế, mỗi nơi tùy theo phong tục tập quán mà tổ chức theo hướng dẫn của luật chung (Luật Giáo Hội) và luật riêng (Luật của Hội Đồng Giám Mục). Có lẽ tại nơi ông ở, chỉ gọi là ông Chủ tịch chứ không gọi là ông Câu, ông Biện vì "từ" Chủ tịch dịch ra tiếng Anh được (President hay Chairman), còn "từ" ông Câu, ông Biện thì chắc là phải đầu hàng, còn nếu liều mạng thì dịch là Mr Câu, Mr Biện .. nghe nó loạc choạc quá. Còn chuyện Mr Câu, Mr Biện lên toà giảng, xin ông liên lạc với Cha Sở địa phương để được giải thích thêm. Chúc ông bình tĩnh và an lành. 

Cách xưng hô với các Linh mục.

 

Kính gửi Linh Mục Bùi đức Tiến, 

Thưa Cha, con có thắc mắc (chắc cũng có nhiều người thắc mắc giống con vậy), xin cha giải đáp giúp để con hiểu thêm về các sinh hoạt trong Giáo Hội, cũng như cách sinh hoạt trong các gia đình Công Giáo. Thắc mắc của con như sau: 

Khi một gia đình có con cái đi tu là linh mục, mọi người đều gọi là Cha và xưng là con. Vậy cha mẹ, anh em trong gia đình có gọi người ấy là Cha và xưng là con không? 

Theo tiếng nói của người Việt Nam, khi gọi một người là cha thì mình tự xưng là con. Nhưng có nhiều cha còn trẻ quá, chỉ đáng tuổi con cái, cháu chắt mình (trong vài trường hợp có những cha còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, lại có những thái độ trịch thượng nữa), mà gọi là cha xưng con thì hơi ngượng. Giá mà nói như tiếng Anh hay tiếng Tàu thì dễ quá, chỉ có "you" với "me" hay "ngộ" với "nị" . Nếu con gọi là cha mà chỉ xưng là tôi thì có được không? 

Một người có con làm linh mục (nghĩa là làm bố, mẹ của một cha), thì người ấy xưng hô với các cha khác như thế nào? Người ấy có thể gọi các linh mục khác là con không? 

Các cha xưng hô với nhau như thế nào? Con thấy lúc thì thế này, lúc thì thế khác. Con tự hỏi không biết có một luật lệ nào qui định về việc xưng hô giữa các cha với nhau không? 

Con xin lỗi đã làm mất thì giờ của cha. Cám ơn cha nhiều. 

Phạm Văn, Melbourne 

 

Kính gửi Ông Phạm Văn, 

Thưa ông, vấn đề ông đặt ra trong thư như một thắc mắc, thật ra, không thuộc lãnh vực chuyên môn của tôi. Tôi lại trộm nghĩ, thắc mắc này cũng chẳng thuộc lãnh vực nào trong số các linh mục tôi biết. Riêng ở phần cuối thư, ông có đề đá tới một dòng chữ: "không biết có luật lệ nào qui định
…", nên tôi đành trả lời thư ông. Tuy nhiên, tôi xin xác định rằng, phần trả lời sau đây, tôi dựa trên căn bản của luân lý phong hóa Việt Nam và kinh nghiệm sống trong những năm làm việc và tiếp xúc. 

Linh mục, Giám mục hay bất cứ chức sắc nào đi nữa, thì cũng đến từ một gia đình. Trong gia đình ấy có đủ cha mẹ, anh em họ hàng như những người khác và cũng tôn ti trật tự , lễ giáo giống như những gia đình khác. Do đó, trong gia đình, một linh mục vẫn là một người con với những người thân sinh ra mình và là anh em với anh em mình. Một linh mục thường "giảng" cho người khác giữ gìn lễ giáo gia phong, thì chính linh mục ấy là người làm chứng cho lời mình giảng bằng chính đời sống mình. Tóm lại, trong gia đình, cha mẹ không gọi người con làm linh mục là cha và không xưng là con. 

Theo thói quen của giáo hội Công Giáo, người ta thường gọi một người sau khi lãnh chức linh mục, là cha khi đối thoại hay qua thư từ. Các văn hóa và ngôn ngữ đều rập theo khuôn mẫu này. Tiếng anh là Father, tiếng Pháp là Père, tiếng Tàu là "sần phù", tiếng Việt là Cha. Về nhân xưng đại danh từ thì tiếng Việt dồi dào hơn nên mới có các chữ Ngài, anh ấy, ông ấy, lão ấy, tay ấy,
…Việc xưng hô cha, con là theo thói quen lễ giáo người Việt Nam. Tuy nhiên, trong một hoàn cảnh nào đó và nếu cảm thấy ngượng vì một lý do riêng tư nào đó, thì ông có thể dùng các "từ" khác, miễn là diễn tả được sự thân thiện liên hệ giữa ông và vị linh mục. Nhưng cũng nên nhắc rằng, người ta có thể sẽ đánh giá trị một người theo cách ăn, cách nói, cách đối thoại của người ấy. Thật ra, theo tôi nghĩ, một người lớn tuổi khi nói chuyện với mình mà xưng hô cha con, chúng tôi (các linh mục) cũng ngại lắm. Nhưng cũng là một dịp cho chúng tôi suy nghĩ về những ân huệ Chúa ban cách riêng cho mình (sự kính trọng của mọi người?) để từ đó, khiêm nhường hơn và tích cực hơn trong việc tông đồ và mục vụ. 

Một người có con làm linh mục, có nghĩa là người con linh mục ấy là con của mình. Mọi người gọi con mình là cha rồi xưng con, không có nghĩa là mọi người đều là cháu mình. Tương tự như thế, nếu người bố mẹ của ông cha ấy có đủ khiêm nhường để sống và xưng hô như những người khác với các linh mục khác là điều đáng quí, còn nếu không cũng chẳng sao, chỉ tỏ ra việc bố mẹ của ông cha ấy thiếu khiêm nhường chút, thế thôi. Một người có con làm linh mục, không có nghĩa là tất cả các linh mục khác đều là con của mình. 

Đối với các linh mục trạc tuổi nhau, trước khi chịu chức linh mục, các linh mục đã học chung, sống chung với nhau nhiều năm nơi ghế nhà trường. Lúc ấy là thiếu niên, thanh niên nên thường xưng hô với nhau như các thanh thiếu niên khác.. Sau khi trở thành linh mục, tình thân ngày trước vẫn còn, nên trong lúc riêng tư, vẫn tự nhiên và thân thiện như ngày xưa thân ái. Tuy nhiên, khi hiện diện trước đám đông hay các buổi lễ lạc, các linh mục vẫn thường xưng hô theo mọi người, có nghĩa là gọi nhau là cha và xưng là con. Còn trường hợp một ông cha nhỏ tuổi hơn một ông cha khác thì có thể họ xưng hô với nhau là anh em. Nếu ông cha lớn tuổi bằng cỡ chú bác, cha mẹ mình thì cũng phải xưng hô là cha con cho nó có vẻ "có giáo dục" một tí. Có nhiều người nói đùa rằng làm ông cha xong trở thành "mất dạy" chắc là tại họ thấy chướng tai gai mắt về một vài trường hợp nào đó. 

Cuối cùng, tôi xin phép được nhắc lại, phần giải đáp trên là do việc tôi dựa trên căn bản của luân lý phong hóa Việt Nam và qua kinh nghiệm của đời sống cá nhân của tôi. Hy vọng ông vui vì giải đáp này. Xin Chúa chúc lành cho chúng ta. 

  

 

- HẾT PHẦN HAI -