“Bên thập giá Đức Giêsu có thân mẫu Người… Người nói với môn đệ: Này là Mẹ con!” (Ga 19,25-27)
Sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Hội Thánh mừng kính Đức Maria với tước hiệu cao cả: Mẹ Giáo Hội. Đây không phải là một sáng kiến phụng vụ mới mẻ, nhưng là một hoa trái được ươm mầm từ truyền thống sống động của đức tin, được Giáo Hội cưu mang, suy niệm và dần dần làm sáng tỏ qua dòng chảy thần học và cảm nghiệm thiêng liêng. Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã chính thức tuyên xưng tước hiệu này trong Công đồng Vaticanô II năm 1964, và Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ngày lễ này vào lịch phụng vụ của Giáo Hội năm 2018 và ấn định vào thứ Hai sau lễ Hiện Xuống, như để nhấn mạnh rằng: Mẹ hiện diện không chỉ trong biến cố Nhập Thể mà còn ở khởi điểm và hành trình sống động của Giáo Hội hôm nay.
Đức Maria Mẹ Giáo Hội không chỉ là một danh xưng mang tính biểu tượng, mà là một chân lý đức tin được diễn tả bằng trái tim sống động của Hội Thánh: từ cung lòng Mẹ Maria, Ngôi Lời đã làm người. Và chính trong tim Mẹ, Hội Thánh đã được thai nghén trong yêu thương và đau khổ, để rồi sinh ra trong Thần Khí vào ngày Lễ Ngũ Tuần.
Trong mầu nhiệm Hội Thánh, chúng ta tuyên xưng rằng: Giáo Hội là Nhiệm Thể của Đức Kitô, là Hiền Thê của Người, được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô trên Thánh Giá, như Evà được tạo dựng từ cạnh sườn Ađam. Nếu vậy, Mẹ Maria, Đấng đã cưu mang, sinh hạ và dưỡng nuôi chính Đức Kitô cũng là người cưu mang Hội Thánh một cách nhiệm mầu. Trong giờ phút cao điểm của mầu nhiệm cứu độ, từ thập giá, Đức Giêsu đã phó thác Mẹ mình cho người môn đệ yêu dấu và người môn đệ cho Mẹ: “Này là Mẹ con” (Ga 19,27). Đó không chỉ là nghĩa cử yêu thương của một người con hiếu thảo, nhưng là hành động thiết lập một mối tương quan mới trong ân sủng: từ nay, Mẹ không chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu cách thể lý, nhưng là Mẹ của tất cả những ai thuộc về Người, là Mẹ của Hội Thánh.
Không ngẫu nhiên mà Giáo Hội mừng lễ này liền sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Bởi chính trong căn phòng Tiệc Ly, Mẹ hiện diện giữa các Tông đồ như trung tâm hiệp nhất và chuyển cầu, như sách Công vụ thuật lại: “Các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện, cùng với mấy người phụ nữ và với Maria, thân mẫu của Đức Giêsu” (Cv 1,14). Mẹ không giảng thuyết như Phêrô, không truyền giáo như Phaolô, nhưng Mẹ là hiện thân của sự hiện diện đầy tin tưởng, âm thầm mà mãnh liệt. Chính trong bầu khí nguyện cầu hiệp nhất ấy, Thánh Thần đã ngự xuống và khai sinh Hội Thánh, như thể một lần nữa, trong lòng Mẹ, Hội Thánh được thụ thai bằng quyền năng Thiên Chúa.
Mẹ Maria trở thành khuôn mẫu của Hội Thánh: Mẹ ghi nhớ mọi điều và suy niệm trong lòng (x. Lc 2,19); Hội Thánh cũng được mời gọi trở thành một người mẹ gìn giữ Lời, lắng nghe Thần Khí, cưu mang sự sống mới trong lòng nhân loại. Mẹ đứng dưới chân Thập Giá và Hội Thánh cũng phải hiện diện giữa thế giới bị thương tổn, không phải để tránh né đau khổ, nhưng để chia sẻ và thắp lên hy vọng Phục Sinh. Mẹ hiện diện khiêm nhu, phục vụ trong âm thầm và Hội Thánh cũng cần trở thành nơi của sự lắng nghe, yêu thương, hiệp nhất và dấn thân.
Chiêm ngắm Đức Maria, Mẹ Giáo Hội hôm nay là một lời mời gọi Hội Thánh nhìn lại chính mình: một Hội Thánh không chỉ là cơ cấu tổ chức hay tập hợp những người tin, mà là một thân thể được sinh ra từ tình yêu, được dưỡng nuôi bằng hy sinh và sống nhờ ân sủng.
Trong bối cảnh của những biến động xã hội, khủng hoảng đức tin, và thử thách mục vụ, Mẹ Maria chính là nơi chúng ta tìm lại căn tính của Hội Thánh: được sinh ra để yêu thương, để lắng nghe, để phục vụ và để kiên trung như Mẹ đã sống.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Hội Thánh,
xin gìn giữ Hội Thánh trong trái tim hiền mẫu của Mẹ,
để chúng con biết yêu như Mẹ, tin như Mẹ, và sống “xin vâng” như Mẹ.
Xin giúp Hội Thánh hôm nay can đảm đón nhận Thánh Thần,
sinh ra Đức Kitô cho thế giới đang khô cạn niềm hy vọng.
Trong trái tim Mẹ, xin cho chúng con tìm lại nguồn sống đích thực của người
Kitô hữu:
biết yêu thương và can đảm dấn thân trong sứ mạng loan báo Tin Mừng. Amen.
Bằng Lăng