Mấy tuần nay, báo chí trong nước và quốc tế đưa rất nhiều tin tức về tình hình căng thẳng giữa Iran và Israel. Những con số thương vong, những hình ảnh tang thương, tiếng khóc, tiếng nổ, và cả những dòng người chạy loạn… trở thành bản tin quen thuộc hằng ngày. Thế giới dường như không còn xa lạ với chiến tranh, nhưng cũng chưa bao giờ bớt bàng hoàng trước nỗi đau con người.

Giữa những bản tin dồn dập ấy, có một tiếng kêu âm thầm vang lên từ sâu thẳm trái tim nhân loại – tiếng kêu của khát vọng hòa bình, đó là là thứ hòa bình được dệt nên từ lòng trắc ẩn, từ sự công nhận phẩm giá nơi từng con người, dù họ là ai, ở đâu, thuộc về phía nào.

Tại Trung Đông, nơi từng là cái nôi của các tôn giáo lớn, giờ đây lại là nghĩa địa của lương tri nhân loại. Dải Gaza, Iran, Israel... những địa danh không còn gợi nhớ đến lịch sử thiêng liêng, mà chỉ nhuộm màu khói lửa và máu người.

Ở đó, mỗi đêm là một cuộc sát hạch sinh tồn. Trẻ em Palestine khóc gào bên xác mẹ cha. Những người Do Thái ôm xác thân nhân trong nỗi ám ảnh của bom đạn. Tại Iran, người dân đói lả trong cơn khát cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng; khát nước, khát bánh mì, khát hòa bình.

Trong các cuộc họp lạnh lùng của giới lãnh đạo, chiến tranh được phác họa bằng bản đồ và biểu đồ. Nhưng ngoài kia, chiến tranh là tiếng kêu thảm thiết của một em bé vừa mất cả cha lẫn mẹ trong một đợt không kích. Chiến tranh là những chiếc nồi rỗng đang kêu gào dưới mái nhà đổ nát. Là xác người nằm chồng lên nhau bên những bảng hiệu "đã từng là siêu thị", "đã từng là trường học", "đã từng là nhà thờ".

Chiến tranh – không phải là biểu hiện của sức mạnh, mà là sự đầu hàng của lý trí, của đạo đức, và trên hết, là sự phản bội chính Thiên Chúa. Một Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài, không phân biệt Do Thái hay Ả Rập, Hồi giáo hay Kitô hữu. Trong cái nhìn đức tin, tất cả đều là con cái cùng một Cha trên trời. Nhưng con người – trong cơn say quyền lực, đã quên mất điều căn cốt đó: “Ngươi chớ giết người.”

Từ cái nhìn của niềm tin Công giáo, chiến tranh không chỉ là một vấn đề chính trị, mà là một vết thương sâu hoắm nơi linh hồn nhân loại. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II từng nói: "Chiến tranh không bao giờ là giải pháp, nhưng luôn là thất bại của nhân loại." Và Đức Thánh Cha Phanxicô ngày nay không ngừng nhắc đi nhắc lại: “Mỗi cuộc chiến tranh là một sự phủ nhận của tất cả những điều tốt đẹp mà con người có thể đạt được.”

Không cần phải là người hiểu biết chính trị mới cảm nhận được rằng: một giọt máu đổ xuống nơi nào cũng là tiếng kêu đau thương của nhân loại, một giọt nước mắt rơi ra cũng mang nỗi xót xa của một kiếp người. Nỗi khổ ở Gaza không phải là bản án dành cho ai, mà là dấu tích của những vết thương chưa lành, của những bi kịch kéo dài từ quá khứ. Còn ở phía bên kia, những người Do Thái sống trong bất an và lo sợ cũng không phải là kẻ thù, mà là những người đang đi qua một nỗi đau khác. Ở giữa những đổ nát, mọi ranh giới trở nên mong manh, chỉ còn lại sự thật trần trụi: tất cả đều là con người, đều có quyền được sống, được bình an, được hy vọng.

Giáo hội không có tên lửa để ngăn bom, không có quân đội để bảo vệ thường dân. Nhưng Giáo hội có một vũ khí không ai có thể phá hủy đó là Lời Sự Thật và Lời Cầu Nguyện. Và hơn hết, là lòng thương xót. Lòng thương xót điều duy nhất có thể làm tan chảy những trái tim đã hóa đá vì hận thù.

Hòa bình không phải là một khẩu hiệu được hô lên trong các hội nghị quốc tế. Hòa bình là lựa chọn của từng con người, là khát vọng không thể bị dập tắt nơi mỗi sinh linh. Khát hòa bình là khát sống, khát được làm người.

Vì thế, khi những người nghèo ở Gaza đang gào thét, khi những đứa trẻ Iran mỏi mòn trong cơn đói, khi người Do Thái thắp nến bên nấm mồ, thì thế giới không được phép im lặng. Chúng ta, những con người còn biết đau, còn biết khóc phải lên tiếng. Không phải bằng thù hận, mà bằng sự thật. Không phải bằng giận dữ, mà bằng lòng nhân ái.

Thiên Chúa đã dựng nên con người để sống, để yêu thương và cùng nhau xây dựng một thế giới công bình, nhân ái. Người không dựng nên con người để hủy diệt lẫn nhau trong khói lửa chiến tranh. Bất kỳ hình thức bạo lực nào cũng là vết thương sâu sắc trong lòng nhân loại, là sự phản bội đối với phẩm giá thiêng liêng mà Thiên Chúa đã trao ban. Trước mọi đau khổ do chiến tranh gây ra, lương tâm con người không thể làm ngơ. Và trước mặt Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của sự sống và công lý, mọi hành vi gieo rắc hận thù đều phải được soi rọi bằng ánh sáng của sự thật và lòng thương xót.


Mưa Hạ