Chúa nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống
Ngày 15-05-2016
Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần
Ga 20, 19-23
1.Ngữ cảnh
Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần. Người Do Thái tính ngày từ khi mặt trời lặn, vậy bây giờ là chiều thứ bảy (theo lịch Babylone/ Do Thái) và là ngày chủ nhật theo lịch của chúng ta. Các môn đệ đang tụ họp tại nhà người quen ở Giêrusalem (Cv 1,13 nói căn phòng ở trên lầu và nêu tên mười một tông đồ, cùng với mấy phụ nữ và Đức Maria-mẹ của Chúa Giêsu). Các môn đệ đang tụ họp với nhau (thường là để cầu nguyện) và Chúa hiện ra với các ông.
Các môn đệ đang trong tình trạng hoảng loạn: Thầy đã chết, anh em thì một người đã mất, lý tưởng không còn và còn nhiều nỗi sợ khác. Trong tình cảnh này thì Chúa hiện ra và lời nói thật an ủi, có ý nghĩa: Bình an cho anh em! Lời này được lặp lại hai lần với hai sứ điệp khác nhau.
2.Nội dung
Chiều ngày thứ nhất trong tuần. Theo Luca thì Chúa hiện ra vào buổi chiều, vì chiều hôm ấy Chúa ngồi ăn với hai môn đệ trên đường Emau, khi các ông trở về Giêrusalem thì Chúa cũng hiện ra với các môn đệ khác.
Với Gioan thì sáng hôm đó Chúa hiện ra với bà Maria, và buổi chiều cùng ngày Chúa hiện ra với các mô đệ. Nếu bà Maria đã không nhận ra Chúa mà tưởng là người làm vườn vì lúc đó trời còn tối hay bà vẫn chôn Chúa trong mồ, (thấy Chúa lại tưởng người làm vườn, hay người đã lấy xác Chúa); thì bây giờ các môn đệ cũng cùng tâm trạng đó: buồn và sợ hãi. Buồn và sợ vì các ông vẫn để Chúa trong mồ, ngôi mồ đã mở nhưng các ông thì vẫn đóng kín cửa và như vậy không nhìn thấy Chúa phục sinh.
Ngày thứ nhất trong tuần ở đây là lần đầu; tám ngày sau cũng là ngày thứ nhất trong tuần, Chúa hiện ra lúc này có Tôma cùng ở với các ông. Vậy hạn từ “ngày thứ nhất trong tuần” có thể là do thói quen của các tín hữu thời sơ khai đã tụ họp nhau để cầu nguyện vào ngày này. Vậy đây là ngày đầu tiên của một tuần, ngày của Chúa Phục sinh, ngày mà các tín hữu cử hành bí tích Thánh Thể (x. Cv 20, 7). Các môn đệ tụ họp nhưng: Các cửa đều đóng kín. Tác giả nói lý do nhưng ta có thể hiểu thêm:
- Vì sợ người Do Thái
- Thân thể phục sinh của Chúa không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian, nên dù cửa đóng kín Ngài vẫn có thể đi vào.
- Chúa vẫn có đó, vẫn hiện diện, vẫn nâng đỡ các môn đệ, chỉ tại các ông “đóng kín cửa” nên không nhìn thấy Ngài mà thôi.
Các môn đệ sợ nhiều thứ:
- Sợ cái chết, nhất là cái chết của Chúa mà các ông đã được chứng kiến;
- sợ những người đã hành hình Đức Giêsu, vì có thể cũng sẽ bắt bớ họ: tôi tớ không hơn chủ, người ta đã ngược đãi Thầy thì họ cũng ngược đãi anh em. Đó là lời Đức Giêsu đã tiên báo.
- Sợ vì từ nay không còn được thấy Chúa cách hữu hình. Con người nói chung luôn cần hiện hữu hóa thần linh (chuyện dân Israel làm con bò vàng, không phải họ thờ con bò, nhưng họ muốn làm một Thiên Chúa hữu hình mà họ có thể cầm nắm được. Cũng như Tôma: nếu tôi xỏ ngón tay vào lỗ đinh thì tôi không tin).
Đang sống trong nỗi sợ bao quanh thì Đức Giêsu hiện ra và nói lời thật ý nghĩa: bình an cho anh em! Lời chào chúc shalom mà người Do Thái thường chào nhau, giờ được Chúa sử dụng nhưng trong ý nghĩa khác. Đó là sự bình an đang hiện hữu, là một bảo đảm cho người đang sợ vì có Chúa ở bên, bình an không còn là hình ảnh mà là thực tại, bình an đã ngự trị nơi con người Đức Giêsu.
Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em. Sứ vụ của các môn đệ là sứ vụ của Chúa Giêsu, và nhận cùng một nguồn là Chúa Cha. Việc sai phái này chỉ xảy ra sau khi Chúa phục sinh.
Chúa thổi hơi vào các ông: Thần Khí là hơi thở, là làn gió. Làn hơi trong sáng tạo của Thiên Chúa, làn hơi của Đức Giêsu là Thánh Thần. Trên thập giá Đức Giêsu đã trao thần khí:
- vừa có ý nói hơi thở nơi Ngài đã tắt, đã hết;
- vừa có ý nói ban Thánh Thần, trao cho các môn đệ Thánh Thần của Thiên Chúa bởi chính Chúa nói: Thầy ra đi thì Thánh Thần mới được ban xuống.
Thần Khí là Đấng:
- ban sự sống: Thần Khí trong khi sáng tạo đã làm cho thế giới có sinh vật sống, làm cho những mảnh xương khô được hồi sinh... (x. St 2, 7; Ed 37, 5.9); Chúa ban Thần Khí là ban sự sống mới, Chúa phục sinh đã làm một cuộc tạo dựng mới nhờ Thánh Thần. Các môn đệ như được sống lại trong tinh thần, và nhất là ơn cứu độ, vì được sống lại với Đức Giêsu trong ngày cánh chung, đó là bảo đảm cho những ai tin. Chúa tái tạo là làm cho con người được thông phần vào đời sống của Thiên Chúa.
- người soi sáng: Chính Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều, những điều mà Đức Giê su dạy, giời Thánh Thần làm cho hiểu trong hoàn cảnh hiện tại và giúp sống điều đó.
Hãy nhận lấy Thánh Thần: Thánh Thần này đã được trao ban khi Đức Giêsu tắt thở, những người dưới chân thập giá đã nhận được Thánh Thần (không cần chờ đến ngày Lễ Hiện Xuống). Đức Maria là đại diện cho Hội Thánh đã nhận Thần Khí và người môn đệ Chúa thương mến đại diện cho các tín hữu. Hôm nay các môn đệ nhận Thánh Thần để ra đi rao giảng, khi nhận trách nhiệm Chúa cũng ban quyền hành:
Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ. Câu này có thể hiểu theo nghĩa của Cựu Ước khi Bơliam nguyền rủa Israel (Ds 22-24). Vua Balắc tin rằng ai bị Bơliam nguyền rủa là mắc họa, nghĩa là lời nguyền có hiệu nghiệm trên người bị nguyền rủa. Nhưng Bơliam không thể nguyền rủa những người đang sống trong tình trạng được chúc phúc; vậy người nào được Thiên Chúa chúc phúc thì không ai nguyền rủa họ được. Khi Chúa cho các môn đệ quyền “tha tội và cầm buộc”, nghĩa là muốn xác định người đó ở trong ân sủng của Chúa hay không. Ai ở trong ân sủng của Chúa thì không bị kết án, nghĩa là các môn đệ có khả năng tha tội cho những người mà Thiên Chúa đã tha cho họ (người sống trong ân sủng).
Ông Gioan loan báo: Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chúa có quyền tha tội và các môn đệ được Chúa trao cho quyền này, quyền năng mà các ông lãnh nhận được liên kết với Thánh Thần là Đấng thanh luyện và ban sự sống.
3.Suy niệm
Hãy nhận lấy Thánh Thần! Thánh Thần xuống trên các tín hữu ngày lễ Ngũ Tuần để dạy dỗ, củng cố đức tin, bảo trợ và soi sáng. Chúng ta nhận ơn Thánh Thần cách hữu hình trong ngày lãnh nhận bí tích Thêm sức, nhưng nhiều khi ta quên Ngài, không ý thức sự hiện diện của Ngài và chưa sống theo đường Ngài chỉ dạy. Hôm nay mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta cùng tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta ơn cao trọng này và mỗi ngày cùng lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần dạy bảo để sống đẹp lòng Chúa và đẹp lòng nhau.
Chúa sai chúng ta đi rao giảng Tin Mừng: Tin Mừng đây không phải là chữ chết, cũng không phải chỉ là những nhân chứng đã qua, mà là lời giảng của chúng ta cần sống động, cụ thể nơi: đời sống của chúng ta, giúp người khác sống vui, hạnh phúc. Bằng lời giảng qua những lớp học Giáo lý, Thần học...hay bằng chính sự hiện diện của chúng ta.
Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha. Chúa cho các môn đệ được quyền tha tội như Ngài, và còn cho nhiều quyền khác như cho người chết trỗi dậy, người bệnh được lành, quỷ cũng xuất ra...nếu chúng ta sống trong ơn nghĩa Thiên Chúa và để Thánh Thần hoạt động, chúng ta cũng làm được những phép lạ, cũng trục xuất được những loại “quỷ” tiền tài, danh vọng, tệ nạn... thoát khỏi con người; người ngã gục về tinh thần có thể đứng lên, người đã chết khi mất niềm hy vọng được sống lại trong niềm tin, hạnh phúc.
Nt. Catarina Thùy Dung