Xã hội ngày càng phát triển, khoa học kỹ thuật cũng không ngừng thay đổi liên tục. Sự thay đổi này làm cho con người phải miệt mài chạy theo để  có thể theo kịp thời đại. Chính vì lẽ đó mà con người ngày càng trở nên vội vàng- thờ ơ lãnh cảm với xung quanh, với đồng loại của mình cũng như đang dần đánh mất chính mình trong luồng văn hóa thực dụng, không còn khả năng yêu thương và tha thứ và nói một cách tiêu cực thì nhân phẩm cũng như các  giá trị đạo đức con người đang trên đà đi xuống. Nhưng điều đáng sợ hơn bao giờ hết là con người ngày hôm nay đang dần gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình. Con người cảm thấy mệt mỏi và vô định hướng trong cuộc đời mình, không có điểm tựa. Chính  vì vậy mà trong  giây phút hiện tại của cuộc sống hôm nay, con người cần Thiên Chúa, con người cần lòng thương xót của Thiên Chúa giữa một thế giới đầy cám dỗ. Một cuộc tìm kiếm Thiên Chúa, tôi, một tu sĩ trẻ cũng đang bị cuốn theo những trào lưu tục hóa của thời đại, của công nghệ, bằng cấp và cả tình cảm. Chính “cái gông” thời đại đang kéo tôi xa Thiên Chúa, xa tha nhân cũng như đang làm méo mó khuôn mặt nhân từ của Thiên Chúa. Trong từng biến cố của cuộc sống,  tôi cần lòng thương xót của Thiên Chúa để thấy tâm hồn bình an. Nhưng tôi phải bắt đầu từ đâu để tìm ra lòng thương xót của Thiên Chúa, đó là một câu hỏi lớn mà tôi đang đi tìm.

Câu hỏi này thật khó trả lời, khi mà tôi đang sống giữa một xã hội đã dần gạt tôn giáo ra khỏi cuộc sống, tôi nhận thấy hạn từ “thương xót” sao mà xa quá, dường như thương xót chỉ cần cho kẻ yếu chứ người tài giỏi thì cần chi thương xót. Hạn từ thương xót có thể coi là không phù hợp với thời đại này thì phải. Có lẽ bạn nghĩ tôi vô cảm hay thiển cận khi nhìn xã hội như vậy, nhưng thực tế, xã hội ngày hôm nay đang dần mất đi các giá trị nhân bản khi ta đọc thấy trên các báo đài vẫn nhan nhản hình ảnh bất công, bất công trong công việc, trong đạo lý làm người. Vậy ai sẽ thương xót lên tiếng cho những mảnh đời bất hạnh hay chỉ bàng quan nhìn và bước qua. Tưởng chừng thái độ này chỉ có ở thế giới bên ngoài, nhưng không thái độ này cũng đang dần bám vào người tu sĩ mà đặc biệt là chính tôi, nó bám vào nếp sống vốn quen thuộc của công việc học hành và cầu nguyện.  Tất cả chỉ diễn ra theo một cách máy móc ổn định, nên đôi lúc tôi cảm nhận tôi cũng như mọi người xung quanh chỉ lo chu toàn công việc mà không có sự đồng cảm chia sẻ, nếu có cũng chỉ nhìn và bước qua vì đó không phải phận sự của mình, bởi tôi có đủ lý do để từ chối sự chia sẻ, tôi khước từ anh chị đang cần tôi hỗ trợ.

Chính thái độ này làm tôi xa cách anh chị em xung quanh mình, người này xa cách người kia làm cho tôi trở nên lạnh nhạt với cộng đoàn - Hội dòng, để cuối cùng là xa Thiên Chúa. Khoảng cách xa Thiên Chúa làm cho tôi hụt hẫng và trong phân định thiêng liêng, tôi lại thấy Ngài kéo tôi lại gần. Nhìn lại những việc xảy ra trong cuộc đời và bao lỗi lầm tôi mắc phạm, tôi cảm nhận  Thiên Chúa vẫn yêu thương tha thứ cho tôi, Ngài thương xót tôi,  cho tôi cơ hội làm lại dù Ngài biết tôi chậm chạp ù lỳ mà Ngài vẫn đợi và kiên nhẫn giúp tôi. Tôi chỉ có thể nói Ngài yêu tôi và thương xót tôi rất nhiều, không chỉ riêng tôi mà là tất cả nhân loại.

Suy niệm về  lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người, tôi mới nhận ra Ngài yêu con người biết bao, Ngài biết rõ những lỗi phạm và giới hạn của con người và Ngài chấp nhận tất cả bằng một tình yêu tuyệt đối (Gr 31,3). Chính vì tình yêu đó mà Ngài luôn bao bọc chở che con người qua mọi thời khắc của lịch sử, Ngài thương xót con người và luôn cho con người cơ hội hối lỗi quay trở về với Ngài (Hs 14,5). Chỉ khi đi sâu vào tình yêu thương xót của Thiên Chúa, tôi mới nhận ra Ngài yêu con người trong đó có tôi một bằng một tình yêu không tính toán như kiểu người phàm nhưng bằng một thứ tình yêu vô vị lợi. Ngài yêu thương tôi và chấp nhận những gì giới hạn nơi con người tôi, như người mẹ hiền luôn sẵn sàng tha thứ cho con của mình khi chúng làm sai (Is 49,15).

Lòng thương xót của Thiên Chúa trải dài trong cuộc đời tôi, nhìn lại những biến chuyển trong cuộc đời mình, tôi nhận ra Thiên Chúa thương tôi rất nhiều. Nhìn lại chặng đường dâng hiến của mình không quá dài nhưng cũng không quá ngắn để coi là bồng bột trẻ con. Có những lúc tôi thấy bản thân tội lỗi của tôi không thể tha thứ được và khi đó tôi chỉ muốn buông xuôi tất cả chạy trốn trách nhiệm… lúc đó tôi thật yếu đuối và hèn nhát. Tôi tự nhận mình là đứa con hoang đàng luôn muốn thoát khỏi vòng tay gia đình, để khẳng định mình nhưng tôi  càng muốn khẳng định mình thì  tôi càng vấp ngã, và chỉ có một suy nghĩ trong tôi lúc đó là: “Lạy Chúa! Xin thương xót con”. Và có lẽ Ngài đã nghe tiếng tôi cầu nguyện, Ngài đã nhìn thấy những giới hạn nơi tôi, một con người tội lỗi vô cảm thờ ơ với anh chị em, nhưng Ngài vẫn thương xót tôi (Is 54,10) và cho tôi cơ hội làm lại. Bởi lòng thương xót của Thiên Chúa thì luôn luôn là “vĩnh cửu”[1], và là một tình yêu trao ban nhưng không mà có lẽ đời đời tôi sẽ ca tụng và sống lòng thương xót đó một cách triệt để bằng cách noi gương Ngài luôn lắng nghe – cảm thông - chia sẻ và mang hết tình yêu thương mà phục vụ anh chị em mình bằng một trái tim trọn vẹn, vì Ngài luôn mời gọi tôi “ con hãy có lòng thương xót như Chúa Cha” (Lc 6,36). Tôi vẫn đang cố gắng sống và thực hành lời mời gọi đó mỗi ngày, vì lòng thương xót là “Con đường liên kết Thiên Chúa với con người, vì mở rộng tâm hồn cho niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi, mặc dù có những giới hạn do tội lỗi”.

Lạy Chúa! Con tạ ơn Ngài đã dựng nên con, đã yêu thương dạy dỗ con trong từng thời khắc của cuộc sống. Con tạ ơn  Ngài đã luôn cho con cơ hội làm lại từ những vấp ngã phạm tội của mình, con tạ  ơn Ngài vì con được làm con của Ngài và luôn được Ngài thương xót chở che. Lạy Chúa! Suốt cuộc đời con xin tạ  ơn Ngài. Amen.

 
Bút Chì Nhỏ. (Hồng Hạnh)

[1] Công bố Tông Sắc Năm Thánh về lòng thương xót - Đài Vatican
vi.radiovaticana.va/news/2015/...về_lòng_thương_xót/1136085