Chiêm ngắm chân dung, cảm nghiệm con đường nên thánh, quan sát sự đánh giá của mọi người và mon men theo đường mòn Theresa, dường như mọi người đều nhận ra rằng có rất nhiều những nghịch lý. Là những người theo chân Thánh Theresa, chúng ta xem Thánh Theresa đã có phản ứng như thế nào trước những nghịch lý ấy, Giáo Hội có đánh giá như thế nào, và chọn lựa của chúng ta ra sao. 



I.    NGHỊCH LÝ NƠI BẢN THÂN THERESA

 

Trước tiên chúng ta được mời gọi nhìn vào bản thân Theresa, với hành trình cuộc đời và con đường nên thánh của Thánh nhân.

 

1.   Cuộc đời

 

Theresa Hài Đồng Giêsu, sinh ngày 02 tháng 01 năm 1873 tại Alencon nước Pháp, con ông Louis Martin và bà Maria Guérin. Ông bà Louis Martin sinh được 9 người con, tuy nhiên 4 trong số 9 người con ấy đã qua đời, chỉ còn lại 5 chị em gái, Theresa là con út. Tất cả 5 chị em gái sau này đều bước vào đời tận hiến 4 người vào dòng kín Camêlô còn Léonine đi tu dòng Thăm Viếng. Theresa mồ côi mẹ từ lúc chưa tròn 4 tuổi.

 

Với truyền thống của một gia đình đạo đức và với tấm lòng đơn sơ, yêu mến Chúa, Theresa đã nhất quyết chọn cho mình con đường dâng mình cho Chúa trong Dòng kín. Thánh nhân đã xin vào đan viện Cát Minh tại Lisieux lúc Người chưa tròn 15 tuổi, nhưng gia đình cũng như Đức cha Hugonin đều chống lại dự án này.

 

Theresa quyết định xin phép thẳng với ĐGH. Năm 1887, khi Theresa cùng với cha và chị Céline, đi hành hương Roma và trong buổi tiếp kiến ngày 20 tháng 11 năm 1887, Theresa xin ĐGH Leo XIII cho phép vào dòng kín khi chưa tròn 15 tuổi, nhưng cô chỉ nhận được một câu trả lời mơ hồ và được dẫn ra ngoài, nước mắt Theresa dàn dụa.

 

Nhưng vào ngày 9-4-1888, thật bất ngờ khi ĐGM cho phép Theresa vào dòng kín, lúc đó chị mới được 15 tuổi 3 tháng. 24 nữ tu của Dòng Cát Minh tiếp đón Theresa. Từ đây, Theresa tham dự vào Cuộc sống trong đan viện với nhiều cam go về vật chất cũng như về kỷ luật với tuổi đời quá non trẻ.

 

Thánh nữ Theresa Hài Đồng không hề cắp sách đến đại học hoặc dự các khóa thần học quy củ và cũng chẳng có bằng cấp nào. Sống trong Dòng được vài năm thì mắc chứng bệnh nan y “lao phổi”. Năm 1896 trong đêm thứ sáu tuần thánh, Theresa bị ho ra máu lần đầu tiên. Cũng từ đó, thánh  nhân đã sống những tháng ngày đau khổ triền miên của bệnh tật. Có thể nói, mười tám tháng cuối cùng của cuộc đời Người là một cuộc tử đạo không ngừng. Thân xác bị đau đớn, nội tâm bị thử thách. Nhưng, thánh nhân đã sống hết mình vì tình yêu Chúa. Người lìa trần vào ngày 30 tháng 9 năm 1897, hưởng thọ 24 tuổi, lúc tuổi tràn đầy sinh lực và nhựa sống.

 

Cuộc đời của Thánh Theresa xem ra không có một may mắn nào. Là con gái út, trong một gia đình còn lại 5 chị em gái, mất mẹ… những yếu tố khác thường ấy về tâm lý có lẽ sẽ hình thành nên một cô bé yếu đuối, co cụm; một người thiếu bản lãnh, dựa dẫm; một tâm hồn nhỏ hẹp, khép kín. Nhưng, không phải thế, nơi Thánh Theresa tất cả những điều xem ra bất lợi trong cuộc đời lại trở thành những yếu tố hình thành nên một Theresa tuyệt vời trước mặt Chúa và mọi người.

 

Mất mẹ, Thánh Theresa còn lại người cha khả kính, cha của thánh Theresa rất đạo đức. Ông rất mực thương các con, nhất là đứa con nhỏ. Xin gì ông cho nấy : “Ba ơi, bồng con”. “Ba ơi, dắt con lên lầu”. “Ba ơi, đưa con ra ngoài nhìn mấy ông sao”. Ba ơi, Ba ơi … Tuy chiều Theresa, nhưng không bao giờ ông quên nhiệm vụ hướng dẫn con nhìn về quê trời. Sau này khi lớn lên, Theresa hiểu được sâu hơn tình của người cha dành cho mình. Cũng chính ở đây, Theresa lại khám phá ra một tình phụ tử khác, thay thế cho tình cha con ruột thịt, bền lâu và sâu đậm hơn nhiều, đó là tình phụ tử của Thiên Chúa đối với chị.

 

Bản tính nữ nhi yếu đuối, đã làm cho Thánh Theresa không cậy dựa vào sức riêng mình mà giúp cô có được một lòng tín thác bám chặt vào sức mạnh của Chúa. Tất cả những điều Theresa không có đã làm cho chị sớm xác định cái có vĩnh cửu của chị là gì. Thánh Theresa đã tập sống đơn sơ, ngay thật và phó thác, như con trẻ để được Chúa ủi an. Thánh Theresa không đặt giá trị cuộc đời ở cái chị có (hạnh phúc, bằng cấp, sức khỏe, hay là đức tin mạnh mẽ…cũng không đặt giá trị bản thân ở bề dày tuổi đời…) nhưng chị đặt giá trị cuộc đời ở cái chị là “trong lòng Hội Thánh con sẽ là tình yêu”.

 

2.   Con đường nên thánh

 

Sống ở trần gian chỉ có 24 tuổi đời, 9 năm trong Dòng, thánh Theresa Hài Đồng Giêsu đã để lại cho trần gian một con đường “nhấp nhô những cây thánh giá của hy sinh nhưng đong đầy hy vọng”, con đường nghịch lại với các giá trị người đời đánh giá, một con đường thơ trẻ, với khát khao đơn sơ, giản dị, nhưng lại là một linh đạo tuyệt vời : “Ai không nên như trẻ nhỏ sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,2-14). “Con đường thơ ấu thiêng liêng” ấy, khởi đi từ những tâm tình tuổi nhỏ, rất đẹp và rất thơ mà Chúa Giêsu đã gợi lên từ xưa. “Nên như trẻ nhỏ” là phương cách của Phúc âm, nhưng nên như thế nào lại là điều thuộc về phong cách của Theresa!

 

v Để cho Chúa chi phối : Qua “Truyện một tâm hồn”, thánh nữ đã vận dụng rất tự nhiên mọi biến cố xảy đến trong đời để nũng nịu và vòi vĩnh Chúa dẫn mình trên đường nên thánh. Khi còn nhỏ dù khi đi câu với cha, dù khi ngồi trên lòng đầu gối của mẹ đỡ đầu, hoặc ẩn núp sau chiếc màn che giường, Theresa đều nghĩ tới Chúa Giêsu, tới trời cao... Về sau, Theresa hiểu rằng mình đã bị Chúa chi phối. Thánh nữ nói : 'Chúa Nhân Lành đã bí mật dạy tôi'. Theresa sống và lớn lên trước nhan Chúa và được Chúa chi phối từ tấm bé. Ngày thánh nữ rước lễ lần đầu, biết Đấng mà mình tiếp rước : Từ lâu Chúa Giêsu và bé Theresa hèn mọn này đã nhìn nhau và hiểu nhau... Hôm đó, không còn là cái nhìn bên ngoài nữa, nhưng là một sự kết hiệp thực sự, một sự chìm đắm sâu xa, như giọt nước bé nhỏ giữa lòng đại dương. Tôi cảm thấy tình bác ái đi vào trong tâm hồn tôi, nhu cầu phải quên mình để làm đẹp lòng, và từ đó tôi cảm thấy hạnh phúc. Đó không phải chỉ là hạnh phúc mà thôi, nhưng còn là niềm vui mừng sâu xa nữa. Vâng, Theresa yêu Chúa bằng chính Tình yêu của Chúa.

 

Ai trong chúng ta cũng biết tình yêu là điều đáng giá nhất trên đời, và chẳng cần bảo ai, người ta vẫn cứ thi nhau làm những việc càng lớn càng tốt để diễn tả tình yêu ấy :                                    

Yêu nhau mấy núi cũng trèo,

mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”.

 

Có biết đâu, tình yêu xét cho cùng là điều thuộc về trật tự của tấm lòng, thế nên, khi có tấm lòng lớn, thì dù việc làm có khiêm tốn đến đâu đi nữa, cũng vẫn là một tình yêu đầy đặn vuông tròn. Nhất là khi tấm lòng ấy xin dành cho Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót và để cho Ngài chi phối, đâu cần phải gồng mình lên để thế này thế nọ. Thật là ý vị khi nói : Theresa người yêu bé nhỏ của Đức Kitô. Khi hấp hối, Theresa đã nói : “Tôi đã chẳng cho Thiên Chúa tốt lành điều gì ngoài tình yêu, và Người sẽ trả lại cho tôi chính tình yêu”.

 

v Khao khát và kiếm tìm con đường phù hợp - “ĐỨC ÁI” : Nên “giống như trẻ thơ”, Theresa đã tham lam ôm lấy mọi biến cố trong đời, dù vui hay buồn, dù lớn hay bé, dù hữu ý hay vô tình, dù được người khác biết đến hay không, để làm thành vốn liếng sinh lời trong tình yêu Chúa. Theresa ngày từng ngày kiếm tìm và thêu dệt những thao thức táo bạo, dưới ánh sáng của Lời Chúa. Sách “Một  tâm hồn” đã thuật lại :

 

Khi nguyện ngắm, những khát vọng của em  làm cho em bị đau khổ giày vò. Em mở các thư của thánh Phaolô để tìm kiếm một câu trả lời. Tình cờ mắt em bắt gặp chương 12 và 13 thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô… Khi đọc chương trước, em thấy rằng không phải ai cũng có thể làm tông đồ, ngôn sứ hay thầy dạy. Em cũng thấy rằng Hội Thánh gồm nhiều phần tử khác nhau, và mắt không thể vừa là mắt vừa là tay được… Câu trả lời trên thật rõ ràng nhưng không làm em thỏa mãn và không đem lại cho em sự bình an… Không sờn lòng, em tiếp tục đọc và câu sau đây làm em nhẹ nhõm: Anh em hãy tha thiết kiếm tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả. Và Thánh Phaolô tông đồ giải thích rằng mọi ơn hoàn hảo nhất chẳng là gì cả, nếu không có tình yêu … và đức ái là con đường tuyệt hảo chắc chắn dẫn tới Thiên Chúa. Và cuối cùng em đã được bình an thư thái. …

 

Khi suy nghĩ về thân thể màu nhiệm của Hội Thánh, em chẳng thấy mình thuộc loại chi thể nào trong các loại thánh Phaolô mô tả, hay đúng ra em muốn thấy mình có mặt trong mọi loại chi thể đó. Đức ái đã cho em chìa khoá để tìm ra ơn gọi của em. Em hiểu rằng nếu Hội Thánh có một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất. Em hiểu rằng Hội Thánh có một trái tim và trái tim đó bừng cháy tình yêu. Em hiểu rằng chỉ có tình yêu mới làm cho các phần tử của Hội Thánh hoạt động và nếu tình yêu tắt ngúm thì các Tồng Đồ sẽ chẳng loan báo Tin Mừng nữa, các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình ra … Em hiểu rằng tình yêu bao trùm mọi ơn gọi, và tình yêu là tất cả, nó bao trùm mọi nơi và mọi thời…; tắt một lời tình yêu tồn tại mãi. Bấy giờ, vào lúc tình yêu dạt dào ngây ngất, em đã reo lên : Ôi Giêsu, Tình Yêu của con … ơn gọi của con, cuối cùng con đã tìm thấy, ơn gọi của con, chính là tình yêu…

 

v Mong được giống Chúa : Trên nẻo thiêng liêng, Theresa đã gặp không ít khó khăn. Chín tháng đầu tiên trong nhà kín Lisieux, Theresa đã cảm nhận thật nhanh hương vị Thánh giá. Đó là những muộn phiền về gia cảnh cha già neo đơn (nhớ nhà); đó cũng là những chịu đựng trước ánh nhìn của người khác (các Sr coi là trẻ con); và đó còn là những vật lộn với chính bản thân khi phải trút bỏ tất cả để thích nghi được với cuộc sống chung (bệnh tật); đó cũng là những bất toàn thiếu sót không mạnh mẽ như các thánh nhưng yếu đuối trong đức tin [1]. Về giai đoạn này, Theresa tâm sự là ngài đã gặp nhiều gai nhọn hơn hoa hồng, ngài viết : “Đau khổ đã giang tay đón tôi và tôi đã gieo mình vào khổ đau với lòng yêu mến”. Nhưng Thánh giá thường xuyên hơn cả trong suốt chín năm tu trì của chị chính là những nỗi đau âm ỉ trong tâm hồn. Theresa như thấy mình bất toàn : “Tinh thần thì mau lẹ nhưng xác thịt lại yếu đuối”, như thấy mình bị bỏ rơi, như thấy mình mỏi mệt nản lòng, thấy mình đầy mỏng giòn và yếu đuối. Song cũng khởi đi từ những Thánh giá trong lòng vốn nhiều thao thức ấy, chị đã khám phá ra tâm tình phó thác làm thành ý tưởng chủ đạo giúp chị nên thánh, đó là “muốn những gì Chúa muốn”.

 

v Thánh Theresa luôn sống cái diệu cảm của một con người đầy ắp Chúa : “Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi”. Đời sống trong tu viện Cát Minh càng lúc càng nung đốt tâm hồn của thánh nhân. Đời sống nội tâm của Theresa càng ngày càng lên cao. Người đã có mối liên hệ mật thiết với Chúa ở một tầm cao mới, chiều sâu mới, một quan hệ tình yêu thực sự. Thánh nhân cảm thấy càng ngày càng phải kết hợp với Chúa trong cuộc thống khổ của Ngài. Thánh nhân coi Thánh Kinh là sách gối đầu và là sách duy nhất giúp Người nên thánh và gần gũi Chúa. Say mê đọc Kinh Thánh nên chị đã tìm thấy trong Phúc Âm chân lý về sự "nhỏ bé", hoàn toàn tín thác nơi tình yêu Chúa, không cần phải trở nên "cao trọng", nhưng trở nên bé nhỏ trong vòng tay của Chúa.

 

Đức Cha Bùi Tuần khi đọc “Một tâm hồn” đã nhận xét : Có thể nói Theresa là một sách Phúc Âm sống. Để chuẩn bị cho Theresa đi vào Phúc Âm, Chúa đã cho chị qua con đường “sách Gương Phúc” (Gương Chúa Giêsu). Theresa viết : “Từ lâu, con đã sống bằng thứ bột tinh tuyền chứa đựng trong cuốn Gương Phúc. Đó là cuốn sách độc nhất đã đem lại cho con nhiều ơn ích, vì lẽ lúc bấy giờ con chưa biết tìm kiếm kho tàng giấu ẩn trong Phúc Âm. Con thuộc lòng hầu hết mọi chương cuốn sách Gương Phúc quí giá”[2]. Rồi gương Phúc dẫn đưa Theresa tới Phúc Âm. Theresa khẳng định : “Trên tất cả, vẫn là Phúc Âm. Nó nâng đỡ con suốt giờ nguyện gẫm. Nơi Phúc Âm, con tìm được tất cả những gì cần thiết cho linh hồn non yếu của con. Con luôn luôn tìm được ở đó những nguồn sáng mới, những ý nghĩa bí ẩn và huyền nhiệm”[3]. Các nguồn Phúc Âm, khi đi vào đời Theresa, đã không còn là lý thuyết, nhưng đã biến thành sự sống của Theresa. Thiên Chúa trong Phúc Âm là tình yêu của chị. Con đường Chúa Giêsu đi trở nên cuộc đời của chị.

 

v Sống đời bình thường với ý hướng phi thường. Chị Thánh kể : “Một tối kia, sau giờ kinh tối, con tìm mãi mà không thấy cái đèn vẫn thường để ở chỗ cũ, lúc đó lại là giờ yên lặng, không thể lên tiếng đòi lại được… con biết chắc có chị nào tưởng là đèn của mình nên đã cầm lấy đèn của con mà con đang hết sức cần đến. Thay vì buồn bởi không có đèn, con đã vui lên khi nghĩ đến : đức khó nghèo thể hiện ở chỗ : không những thiếu những vật dụng thích ý mà còn ở tại thiếu cả những vật dụng cần thiết nữa. Và cứ như thế, trong cái bóng tối bề ngoài, con đã được chiếu sáng bề trong.” Chị Theresa còn kể : 'Tôi cảm thấy ước muốn nồng nhiệt hoạt động cho sự hoán cải người tội lỗi'. (...)

 

"Một Chúa nhật kia, khi nhìn ảnh tượng Chúa Giêsu trên Thánh Giá, Theresa xúc động như thể máu đang chảy từ vết thương của mình. Theresa cảm thấy vang dội trong con tim tiếng kêu của chính Chúa Giêsu trên Thánh Giá : 'Ta khát'. Theresa kể lại : 'Những lời ấy khơi lên trong con một sự nồng nhiệt mãnh liệt chưa từng thấy... Con muốn cho Đấng con yêu mến được giải khát và con cảm thấy chính mình đang bị dằn vặt vì niềm khao khát các linh hồn. Bấy giờ con chưa bị thu hút vì linh hồn của các linh mục, nhưng là linh hồn của những người đại tội lỗi.' Và Theresa quyết định vào dòng kín Camêlô, nơi Chúa Giêsu lôi kéo chị. Chính trong nhà dòng kín đó mà chiều kích tông đồ của chị được phát triển đặc biệt. Chị giúp việc đào tạo các tập sinh trong nhà dòng và đồng thời đảm trách việc hỗ trợ tinh thần cho hai thừa sai. Sự cởi mở đó thật phù hợp với sự quan phòng của Chúa : đó là dịp để Theresa khám phá và biểu lộ sứ mạng tông đồ của chị trong Giáo Hội. Ngày 18 tháng 8 năm 1890, chị Pauline của Theresa hỏi : 'Vậy em có muốn lập công không?'. Theresa mau lẹ đáp : 'Có chứ, nhưng không phải cho em, mà là cho những người tội lỗi đáng thương, cho các nhu cầu của Giáo Hội'.[4] Thái độ dâng hiến cho Tình Yêu Từ Bi thật là rõ ràng : 'Con không muốn tích trữ công đức cho mình để được lên trời, con muốn làm việc cho Chúa là Tình Yêu duy nhất... Con muốn nhận được từ Tình Yêu Chúa phần thưởng đời đời là chính Chúa' "

 

v Luôn phó thác như trẻ thơ : Trong một lá thư gửi chị Marie du Sacre - Coeur tháng 9/1896 Theresa viết : “Chúa Giêsu muốn tỏ cho em một con đường duy nhất đưa tới lò lửa tình yêu của Thiên Chúa, con đường này là sự phó thác của một trẻ thơ đang bình thản an giấc trong cánh tay Cha nó.” Quả thực không còn cách nào diễn tả sự phó thác hay hơn bằng hình ảnh của một người Cha đang bế trên tay một bé thơ. Bé đó chẳng còn sợ gì cả. Người Cha dẫn bé, bế bé đi đâu cũng được. Mọi sự đã có Cha sắp xếp.

 

Một đoạn khác trong bức thư trên Theresa viết : "A, nếu hết mọi linh hồn yếu đuối và bất toàn cảm thấy điều mà linh hồn bé bỏng nhất trong mọi linh hồn, tức là linh hồn Theresa  nhỏ bé của Chị, thì sẽ không một ai ngã lòng trên đường lên núi tình yêu, vì Chúa Giêsu đâu có đòi những việc vĩ đại mà chỉ đòi sự phó thác và tri ân..." [5]

 

Ngoài việc cảm ngiệm Thiên Chúa là Cha, Theresa còn thích chiêm ngắm nơi Mẹ Maria khiêm nhường một mẫu mực hợp với bao tâm hồn thơ bé mong sống đời trọn hảo dưới hình thức rất tầm thường. “Người ta đã quá biết Mẹ Maria là nữ vương trời đất, nhưng Người là Mẹ hơn là nữ vương”. Bí quyết linh hướng của chị Theresa thế này : “Không bao giờ quan sát em mà chị không xin Đức Mẹ trợ giúp. Chị xin Người chỉ cách làm lợi ích hơn hết cho em”. Khi cầu nguyện, chị luôn hướng tâm hồn về Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Theresa đã có lần nói : “Thưa Mẹ, con được diễm phúc hơn Mẹ, bởi con có Mẹ là mẹ con, còn Mẹ, Mẹ không có một người mẹ như con có”.

 

v Vâng lời mau lẹ và tìm dịp hy sinh : chỉ mới 15 tuổi, Theresa đã có một đời sống rất trưởng thành, chị luôn “vâng lời, cầu nguyện và hy sinh”.

 

Chị Theresa có thói quen vâng lời mọi chị em trong dòng. Một hôm khi đang bệnh, chị vất vả theo chị em tới viếng bàn thờ Trái Tim. Vì kiệt sức chị phải ngồi khi hát Thánh ca. Một chị dòng làm hiệu cho chị đứng theo ca đoàn, Theresa đứng lên ngay. Chị Genevirè kể : “Khi tôi trách Theresa về điều đó, chị đơn sơ trả lời : ‘Em có thói quen vâng lời mọi người như đó là ý Chúa tỏ cho em’.”

 

Về việc hy sinh Theresa viết : “Xin Chúa hãy cho con được chịu tử đạo hoặc trong tâm hồn, hoặc ngoài thể xác – hoặc tốt hơn, cả hai !” Và chị có ý muốn như vậy ! Trong mùa đông giá rét, Theresa Hài Đồng phải chịu sự lạnh lẽo và ẩm thấp của căn phòng ngủ trống trải. Rồi cũng có những thứ đau khổ khác nữa. Bất cứ khi nào cảm thấy bị làm nhục hay bị hiểu lầm, Theresa liền dâng những đau khổ ấy lên Chúa Giêsu yêu quý. Theresa dùng nụ cười tươi để che giấu đau khổ của mình. Thánh nữ đã vượt ra khỏi chính mình để đến với những chị em khó hòa hợp. Theresa đã xin Chúa Giêsu cùng đồng hành với chị để chu toàn thánh ý Thiên Chúa.

 

Theresa cũng cố gắng sống khiêm nhường. Chị gọi lòng tin cậy tuyệt đối vào Thiên Chúa là “con đường nhỏ” để nên thánh, “con đường tắt,” hay một “chiếc thang máy” để dẫn chị mau đạt tới sự thánh thiện. Con đường ấy của Theresa có những đặc tính : Không có những việc hãm xác kỳ lạ. Không có những đặc ân thần bí. Không có những phương pháp cầu nguyện. Không có hoạt động hiển hách. Nhưng ở đó có tình yêu, có sự giản dị của đời sống thường ngày.

 

v Tóm lại, đường nên thánh của Theresa là con đường tuổi thơ, nhưng cũng là con đường chia sẻ tình yêu Thánh giá. Đó là trực giác một thời, nhưng bền bỉ một đời với Hồng Ân Thiên Chúa bao la. Sống tâm tình con thảo trước Chúa là Cha yêu thương gần gũi, để reo vui trước những thành công, cảm thông khi thất bại và quảng đại dâng hiến chẳng tiếc với Chúa bất cứ sự gì. Đó là khởi đầu tập đi trên đường thơ ấu.

 

Vẫn biết rằng đẩy những khát khao của đời sống thường ngày lên những đỉnh cao lành thánh như: góp phần hy sinh cầu nguyện cho thế giới hòa bình hơn, cho người người thương yêu nhau hơn, cho thị trường công bình hơn, cho chân lý tỏa sáng hơn, cho mình, cho gia đình, cho cộng đoàn được nên thánh hơn không phải là điều dễ. Đó là đặt chân vào những bước chân âm thầm thơ ấu của Thánh Theresa. Cô Linsay Youce người đóng vai chính trong cuốn phim mới về thánh Theresa thành Lisieux. Cô đã trở lại đạo sau khi cuốn phim được hoàn thành. Được hỏi : điều gì hấp dẫn nhất nơi Theresa ? Cô trả lời : “Đó là việc nên thánh ngay trong tầm tay của mọi người”.[6] Mong rằng đó cũng là điều hấp dẫn chúng ta.

 

3.   Các tác phẩm của Theresa[7]

 

Không như những người nổi tiếng khác, khi qua đi thường họ ước mong để lại những tác phẩm vĩ đại... Theresa chỉ vâng lời Bề Trên viết lại hành trình một cuộc đời giản dị bé nhỏ 24 năm, không phải là những nghiên cứu sâu xa, nhưng là bản thực hành “yêu là sống”. Không như những tác phẩm lớn khó thực thi, tác phẩm cuộc đời tầm thường ấy lại được biết bao người trên thế giới đọc, như là chỉ nam hướng dẫn cho hành trình nội tâm đời mình. Càng gần Theresa, càng thấy nhiều nghịch lý…

 

Ngày 30 tháng 9 năm 1898, tức là đúng một năm sau khi Chị Theresa qua đời, Mẹ Agnès Chúa Giêsu và Mẹ Marie Gonzague đã cho ấn hành một thư luân lưu về nữ tu Theresa quá cố, bức thư này dày tới 476 trang. Tác phẩm đó mang tựa đề "Truyện một tâm hồn" gồm 3 phần :

 

v Phần 1 : là tác phẩm được Theresa viết ra theo lời yêu cầu của Mẹ Agnès để kể lại những năm đầu tiên trong cuộc đời. Do Theresa dùng những giờ phút rảnh rỗi giữa công việc và kinh nguyện để viết lại.

 

v Phần 2 : là tác phẩm được Theresa kết thúc vào trung tuần tháng 9 năm 1896 (8 năm trong Dòng, lúc 23 tuổi) : Trong một cuộc tĩnh tâm cô tịch, Theresa nhận được lá thư của chị Marie Thánh Tâm xin Theresa chia sẻ những ánh sáng thiêng liêng đã nhận được trong cuộc tĩnh tâm ấy. Ngay ngày hôm ấy 13-9-1896, Theresa trả lời cho chị Marie, thông báo cho chị kinh nguyện dài kỷ niệm ngày khấn dòng mà Theresa đã viết ngày 8-9-1896 trước đó, đồng thời kèm theo một thư dài. Thư này cùng với kinh nguyện vừa nói họp thành phần thứ 2 của tác phẩm. Trong phần này Theresa cũng kể lại một giấc mơ và mô tả các mong ước, các ơn gọi mà Theresa ước mong được sống.

 

v Phần 3 : là phần do Theresa viết trong những tháng trước khi qua đời, và lần này chị cũng viết vì đức vâng lời. Sứ mạng huynh đệ mà Theresa mô tả chính là một chứng tá sâu xa về đặc sủng Camêlô do Thánh Nữ Theresa Avila đã đề xướng khi cải tổ dòng Camêlo. Chứng tá về đời sống hy sinh nhiệm nhặt, nên thánh bằng con đường đơn sơ nghèo khó.

 

v Ngoài ra, còn có 266 thư và miếng giấy nhỏ để ghi. Các thư này được gửi cho những người thân yêu trong gia đình, 7 giáo sĩ, 3 tu huynh và hai bạn gái. Còn thiếu khoảng 60 thư Thánh Nữ Theresa viết cho cha giải tội và một số thư viết cho các "người anh thừa sai". Cũng có 54 bài thơ, cũng như kinh nguyện và các kịch ngắn Theresa viết cho những buổi văn nghệ của tu viện, cũng đã được xuất bản.

 

v Tập vở vàng gọi là Những Lời Sau Cùng, là tập hợp các lời cuối cùng của Theresa ghi lại trên cuốn vở của Mẹ Agnès.

 

Trong số những điểm nổi bật trong các tác phẩm của thánh nữ Theresa, chúng ta phải nói tới khoa học tình yêu. Thánh nữ đã viết : "Đức ái đã mang lại cho con chìa khóa ơn gọi của con…” Quả thực, trong một thế giới bị trào lưu vô thần, lý thuyết và thực hành, tấn công, các tác phẩm của thánh nữ Theresa Hài Đồng là một thành trì bảo vệ vững chắc, vì chứng tỏ một niềm tin được sống một cách chân thành, trẻ trung và nồng nhiệt. Cũng thì thế, thánh Theresa Hài Đồng là bậc thầy tu đức được noi gương nhiều nhất, không những trong các chủng viện và dòng tu, nhưng cả trong các nhóm, phong trào và hội đoàn giáo dân, cũng như trong các gia đình. Tác phẩm của thánh nữ thuộc vào loại được đọc nhiều nhất thời nay, và trở thành một vị linh hướng cho hàng triệu người. Ấn bản đầu tiên của cuốn “Truyện một tâm hồn”, xuất bản năm 1898 đã được dịch ra, ấn hành và tái bản trong hơn 50 ngôn ngữ với hàng triệu bản.

 

Những tác phẩm ấy Theresa chỉ viết vì vâng lời, viết vì những ơn ích thiêng liêng chứ không viết vì “cao vọng để đời”, nhưng như một phần thưởng nghịch lý mà Thiên Chúa dành cho chị, đó chính là những chứng từ có giá trị sống động cho mọi người ở mọi thời.

 

II.    NGHỊCH LÝ NƠI NHỮNG ĐÁNH GIÁ BÊN NGOÀI

 

1.   Chị em cùng Dòng

 

Khi Theresa lâm bệnh nặng có chị đã nói "không biết mai đây Theresa chết, chúng ta sẽ viết tiểu sử giới thiệu ra sao".

 

Sau này Mẹ Agnès đã thú nhận : “Không bao giờ tôi có thể đoán được, rằng một ngày kia có thể có vấn đề phong thánh cho một chị dòng sống như mọi người thường. Và người ta thấy chị nhà bếp phân vân không biết nhà dòng sẽ có thể lấy gì mà kê lên bảng thông cáo khi chị Theresa qua đời, vì họ chỉ đoán chị là một nữ tu tốt lành”.

 

2.   Giáo quyền

 

Khi cuốn truyện "Một tâm hồn" được gửi tới những vị có uy tín trong Giáo hội, một vị đã đọc với vẻ hoài nghi lạnh nhạt : "Chà, Thánh đâu như hoa lề đường, sao mà dễ thế!

 

Nhưng, Đức Piô X đã chỉ vào chân dung Theresa và nói : "Đây là vị Thánh lớn nhất thời hiện đại, Thánh nữ. Người đã trở thành : - Cô bé cưng của thế giới; - Ngôi sao triều đại Giáo hoàng của Đức Piô XI; - Bổn mạng của mọi tập viện Dòng Kín; - Quan thầy nước Pháp; - Đấng bảo trợ nước Mễ Tây Cơ và nước Nga; - Là lời nói sống động của Thiên Chúa ban cho thế giới; - Người loan báo sứ điệp mới về việc nên Thánh; - Cô bé cưng của ngôi Giáo Hoàng; - Bổn mạng các xứ truyền giáo; - Được cả người ngoại giáo yêu mến và cầu khẩn.”

 

Đức Piô XI đã quả quyết : "Chị Dòng Kín khiêm nhượng đã đem cho thế giới một sứ điệp mới. Đường thơ ấu thiêng liêng đã mở ra trong Giáo hội một giai đoạn mới, khiến việc nên Thánh trở nên dễ dàng với mọi người. Người là một trong những đại tiến sĩ về đức trọn lành Kitô Giáo."

 

Đức Piô XII, hồi còn là Hồng y Pacelli, năm 1925 là đại diện toà thánh sang Pháp nhân dịp phong thánh cho chị Theresa và làm phép đền thờ Lisieur đã nói : "Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm, ngay lúc này đây, từ đầu thế giới này sang thế giới kia, con cái của Người nhiều như cát biển sao trời. Bốn vị Giáo hoàng đã quỳ cầu khẩn dưới chân Người [8], các nhà tiến sĩ luật học đã trở lại thiếu thời vì học với Người. Xin Người hãy mưa hoa hồng xuống nữa, xuống thế giới chúng tôi... Hỡi Thánh nhỏ, Người lớn lắm".

 

50 Hội Đồng Giám Mục (HĐGM) trên thế giới, trong đó có cả HĐGM Hoa Kỳ, đã ủng hộ đơn xin ĐTC Gioan Phaolô II tôn phong thánh nữ Theresa Hài Đồng làm Tiến Sĩ Hội Thánh, như điều nhắc đến trong công thức phong Tiến Sĩ : "Đáp ứng mong ước của đông đảo anh em trong hàng Giám Mục và rất nhiều tín hữu trên thế giới, sau khi nghe ý kiến của Bộ Phong Thánh và được ý kiến của Bộ Giáo Lý Đức Tin liên quan tới đạo lý nổi bật, sau khi đã suy nghĩ chín chắn và xác tín đầy đủ và chắc chắn, với trọn quyền Tông Đồ, Tôi tuyên bố thánh nữ đồng trinh Theresa Hài Đồng Giêsu và Thánh Nhan là Tiến Sĩ của Giáo Hội hoàn vũ. Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần."

 

Trong bài giảng ngày lễ phong Thánh Nữ Theresa Hài Đồng làm Tiến Sĩ Hội Thánh, ĐTC ghi nhận rằng vị tân Tiến Sĩ là một phụ nữ, một nữ tu chiêm niệm, một người trẻ tuổi, nhưng đã trưởng thành trên con đường thiêng liêng, đáng được liệt kê vào số các bậc thầy tu đức. ĐTC nói : "Khi tuyên bố một vị nào là Tiến Sĩ Giáo Hội, Huấn Quyền của Hội Thánh muốn giới thiệu với tất cả các tín hữu, đặc biệt là những người thi hành sứ vụ rao giảng trong Giáo Hội hoặc những người thi hành công tác nghiên cứu và giảng dạy thần học, rằng đạo lý được một người tuyên xưng và rao giảng có thể là một điểm tham chiếu, không những vì đạo lý ấy phù hợp với chân lý mạc khải, nhưng còn vì đạo lý ấy mang lại ánh sáng mới cho các mầu nhiệm đức tin, một sự hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm Chúa Kitô." [9]

 

 

Đề cập đến ý nghĩa việc tôn phong Tiến Sĩ Hội Thánh cho thánh nữ Theresa Hài Đồng đối với con người thời nay, ĐTC nói rằng : "Đứng trước sự trống rỗng của bao nhiêu lời nói, Thánh nữ Theresa trình bày một giải pháp khác, Lời duy nhất cứu độ, khi được hiểu và sống trong thinh lặng, sẽ trở thành một nguồn mạch sống được đổi mới. Đứng trước một thứ văn hóa duy lý và quá nhiều khi bị chủ thuyết duy vật thực hành tràn ngập, thánh nữ đơn sơ trình bày 'con đường nhỏ', nói lên cốt yếu của cuộc sống, dẫn tới bí quyết của cuộc đời : Tình yêu Chúa bao trùm và thấm nhập toàn thể cuộc phiêu lưu của con người. Trong thời đại như thời chúng ta, thường bị ảnh hưởng một thứ văn hóa phù du và duy khoái lạc, vị Tiến Sĩ mới tỏ ra đặc biệt hữu hiệu trong việc soi sáng tâm trí những người khao khát sự thật và tình thương".[10]

 

Sau cùng, ĐTC khẳng định rằng "Thánh nữ Theresa đã đề ra một con đường nên thánh dành cho tất cả mọi người. Đường nên thánh không phải hệ tại thi hành những công trình vĩ đại, nhưng là con đường tín thác và hoàn toàn phó thác cho ơn thánh Chúa. Con đường đơn sơ đó không thiếu những đòi hỏi, vì Phúc âm đề ra nhiều yêu sách; nhưng lòng tin tưởng phó thác nơi lòng từ bi của Chúa khiến cho những cam go trở thành êm ái dịu dàng."[11]

 

Giáo lý Hội Thánh Công giáo được Đức Giáo Hoàng công bố ngày 11/10/1992 đã nhiều lần trích dẫn tư tưởng của thánh nữ, như một uy tín lớn. Nếu muốn kiểm chứng, xin xem các số sau đây trong Giáo lý Hội Thánh Công giáo 127, 826, 956, 1011, 2011, 2558.

 

III.    NGHỊCH LÝ TRONG VIỆC BƯỚC THEO[12]

 

Là Tiến sĩ Tình Yêu, thánh nữ Theresa từng biết rõ thử thách của đức tin trong một thế giới bị nghi ngờ và vô tín ngưỡng vây bủa. Về phương diện đó, thánh nữ Theresa có tính chất hết sức thời sự, trong một nền văn hóa quá chú trọng đến các phương tiện nhưng ít quan tâm tới mục đích, tạo nên sự bất mãn sâu xa, gây nên sự trống rỗng sâu rộng, gợi lên tiếng kêu lo âu. Nhiều người ngày nay cảm thấy mang máng tiếng gọi của Thiên Chúa Tình Yêu. Chỉ một mình Chúa mới có thể đáp ứng thực sự những mong đợi của con tim và trí tuệ loài người, trong cuộc tìm kiếm tình thương và chân lý, ánh sáng và sự tươi đẹp. Như Đức Gioan Phaolô II đã nói ở Lisieux: 'Chúng ta cảm tạ Chúa vì thánh nữ Theresa Hài Đồng Giêsu. Cảm tạ vì vẻ đẹp sâu xa, đơn sơ và trong trắng, được biểu lộ nơi thánh nữ cho Giáo Hội và thế giới. Vẻ đẹp này có sức quyến rũ. Và Thánh nữ Theresa thành Lisieux có một ơn đặc biệt thu hút bằng vẻ đẹp của tâm hồn ngài'.[13]

 

 

Trong một giai đoạn lịch sử có thói quen quá đề cao nhiều thứ giá trị, nhưng lại hạ thấp đức bác ái ít là trên thực tế, thì Chúa đã dùng nữ tu Theresa để nhấn mạnh đến đức ái. “Ôi Giêsu! Tình yêu của con ôi! Con đã tìm thấy ơn gọi của con rồi, ơn kêu gọi của con là tình yêu... Trong trái tim Hội Thánh Mẹ con, con sẽ là tình yêu”.

 

Trong một nếp sống đạo mà việc cạnh tranh thành tích, ưa thích địa vị, có nguy cơ trở thành bình thường, thì Chúa gởi chị nữ tu dòng kín Carmel này đến giới thiệu con đường thơ ấu bé nhỏ: “Con muốn tìm ra một phương pháp lên trời bằng một tiểu lộ, vừa thẳng lại vừa ngắn, một tiểu lộ hoàn toàn mới... Thế rồi, con đã đi tìm trong Sách Thánh,. .. và con đã đọc thấy những lời sau đây phát xuất từ miệng Đấng Khôn Ngoan muôn đời: “Ai thực bé nhỏ thì hãy đến với Ta”... Vì thế mà con chẳng cần phải lớn lên, trái lại con cần phải cứ bé hoài và càng ngày càng sẽ bé dần đi mãi”.

 

Trong một tình hình mà con người muốn khẳng định mình một cách quá đáng, cả trong lãnh vực thiêng liêng, Chúa cho chị nữ tu Theresa đưa ra một chân lý đầy khiêm tốn, đề cao vai trò ơn thánh, nhìn nhận sự yếu đuối của mình: “Lúc đời tàn, con sẽ trở về với Chúa, hai bàn tay trắng, vì con không xin Chúa đếm các việc con làm. Trước mặt Chúa, sự công chính của con vẫn còn đầy thiếu sót. Bởi vậy, con muốn mặc lấy chính sự thánh thiện của Chúa và chiếm đoạt chính Chúa cho đến muôn đời. Con chẳng muốn hưởng ngai báu hay triều thiên nào khác hơn là chính Chúa, ôi lạy Chúa Giêsu con yêu mến”.

 

Trong một cách sống đạo quen an phận với việc giữ đạo nhàn hạ trong nội bộ, với cái nhìn hẹp hòi, Chúa dùng chị dòng trẻ Theresa nói lên niềm thao thức truyền giáo một cách mê say : “Con muốn đi rao giảng Phúc Âm khắp năm châu, đến tận cùng những hải đảo xa xôi nhất. Con muốn làm vị thừa sai không những trong một ít năm, mà còn muốn được làm thừa sai từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế” ; “Thánh nữ đã sống truyền giáo trong giới hạn của vài thước vuông của tu viện kín, để dạy cho chúng ta biết rằng có những hình thức hiệu nghiệm tông đồ vượt ra khỏi mức độ đo lường của sự kiêu ngạo, rằng những gì nhìn thấy được nơi nhửng hành động không luôn luôn tương xứng với giá trị thật của hành động đó, rằng những hoạt dộng truyền giáo theo chiều rộng cần phải được đi đôi với hoạt động truyền giáo theo chiều sâu, cho đến tận cùng, nơi mà tinh thần con người đặt vấn đề chất vấn thế giới và phân vân giữa một bên là mầu nhiệm của một vì Thiên Chúa muốn làm cho tinh thần con người trở nên bé nhỏ trần trụi, và bên kia là mầu nhiệm của thế giới muốn cho tinh thần con người được cao cả uy quyền”.

 

Thiết tưởng những gì trên đây mà Theresa đã nghĩ và sống, đều có thể thực hiện được đối với chúng ta. Nếu cần, mỗi người chúng ta hãy bắt đầu lại hành trình thiêng liêng của mình. Thời của Hội Thánh sẽ đến, khi nhiều người của Hội Thánh sống trong thế gian như những trái tim đầy lửa yêu thương, mang thánh giá cứu độ, thích đi vào những con đường bé nhỏ phục vụ một cách khiêm nhường, để giới thiệu Thiên Chúa là tình yêu xót thương.

 

ĐHY Carlo Maria Martini trong bài giảng cho phái đoàn hành hương tại bàn thờ tôn kính Thánh Theresa trong Vương Cung Thánh Đường ở Lisieux, ngày 5 tháng 2 năm 1997, đã nói như sau : “Chúng ta xác tín rằng điểm trung tâm của đời sống và giáo lý của Thánh Theresa Giêsu Hài Đồng là Tình Yêu. Như thế, không phải đêm tối, không phải thử thách đức tin, không phải những hy sinh, nhưng chính Tình Yêu nhân từ của Thiên Chúa là trung tâm, là điểm chính. Sống nhỏ bé, vả cả sống với những bất toàn của mình trước nhan Thiên Chúa Tình Yêu, là điều tốt đẹp biết là chừng nào, bởi vì như thế chúng ta làm sáng tỏ rõ ràng hơn nữa tình thương nhân từ của Thiên Chúa Cha. Lúc đó, trước Tình Yêu vô cùng của Thiên Chúa Cha, thì mọi dịp, mọi hoàn cảnh, dù là tiêu cực, đều là điều tốt để giúp ta lớn lên; mọi thử thách, mọi điều nghịch lý, sẽ trở thành tích cực và hữu ích để giúp ta LỚN LÊN TRONG TÌNH YÊU”.

 

Để đạt tới tuyệt đỉnh thánh thiện, không cần làm phép lạ hay ngất trí, không cần phải hoàn tất những công việc phi thường, nhưng chỉ cần mỗi ngày biết chấp nhận bổn phận Chúa đã ủy thác và hoàn tất với tâm tình yêu mến là đủ. Chúa muốn dẫn chúng ta tới tột đỉnh thánh thiện, chỉ cần bỏ mình để vâng theo những kế hoạch do lòng nhân từ và thương yêu của Chúa với cả tâm tình hiếu thảo, cậy trông khác nào một trẻ thơ. Việc nên Thánh ở tại thái độ tâm hồn làm cho ta nên khiêm nhường và ngây thơ trong cánh tay Chúa, giúp ta ý thức được sự yếu hèn của ta, mà bạo dạn phó thác cho lòng nhân từ của Chúa. Chỉ mình Chúa chứng kiến bổn phận âm thầm hằng ngày rất nhỏ nhặt của chị trước những con mắt hằn học và khinh khỉnh của người đời. Đây là lúc để cùng Theresa, chúng ta trở về với tính đơn sơ Phúc âm dạy. Đừng làm cho kẻ khác kinh ngạc với một đức hạnh siêu phàm, nhưng hãy đơn sơ bước tới chốn mà Chúa đã đặt chúng ta. Với Tình Yêu, ta hãy trung thành với Thiên Chúa, dù trong những bổn phận nhỏ nhặt nhất. Hãy làm mọi việc cẩn thận theo cách Con Một Chúa đã làm.

 

Lạy thánh nữ Theresa Hài Đồng Giêsu, với tư tưởng phong phú, đầy thánh thiện và đạo đức của Người, xin cho chúng con hiểu được con đường nhỏ bé đầy tình yêu của Người. Xin Người làm rơi hoa hồng là những ân huệ từ Trời xuống thật nhiều cho chúng con. Amen.

                                                



[1] Theresa viết trong Thủ Bản gởi Mẹ bề trên Ma-ri Gông-da-ga năm 1897 : "Thưa Mẹ, như Mẹ biết, con hằng ước ao được nên thánh, nhưng than ôi, mỗi lần sánh mình với các thánh, con đều nhận thấy giữa các ngài và con có một khoảng cách như giữa một ngọn núi cao chót vót và một hột cát ti tiện dưới chân khách bộ hành. Nhưng thay vì thối chí, con lại tự nhủ : Chúa không khơi dậy những ước muốn không thể thực hiện được; dù thấp hèn, con cũng vẫn có thể khao khát nên thánh. Tự làm cho mình lớn lên thì không được, nên con có thế nào thì đành phải chịu như vậy với tất cả những khuyết điểm của con. Nhưng con muốn tìm ra một phương pháp lên trời bằng một con đường nhỏ vừa thẳng lại vừa ngắn, một con đường nhỏ hoàn toàn mới. Chúng ta đang ở trong thế kỷ phát minh, bây giờ không phải leo từng bậc thang nữa; những nhà giàu có đã thay những thang cổ điển bằng thang máy, thật là tiện lợi. Phần con, con cũng muốn kiếm một cái thang máy để nâng con lên tới Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ quá, chả sao lên được cái thang trọn lành dốc dác. Thế rồi con đi tìm trong Sách Thánh [...] và con đã đọc những lời sau đây phát xuất từ miệng Đấng Khôn Ngoan muôn đời : 'Ai thật bé nhỏ thì hãy đến với Ta' (Châm ngôn 9,4) [...]. Thế rồi con đã đến vì con đoán con đã gặp được điều con đang tìm kiếm [...]. Chiếc thang máy đưa con lên tận trời là chính đôi cánh tay Chúa đấy, Chúa Giêsu ôi ! Vì thế mà con chả cần phải lớn lên, trái lại con cần phải cứ bé hoài và càng ngày sẽ càng bé dần đi mãi. Ôi lạy Chúa, Chúa đã ban cho con hơn sự con mong đợi, và con, con muốn ca ngợi lòng thương xót của Chúa..." (Thủ bản Tự Thuật, Hương Việt dịch, Sài Gòn 1967, tr. 188-189).

[2] Thời gian lúc đó, Theresa mới 13 tuổi.

[3] Đức Cha Bùi Tuần trong một bài báo, đã thống kê trong sách “Một tâm hồn” cho thấy : một ít nguồn Phúc Âm và số lần được dùng trong Tự Thuật : Matthêu 71 lần, Marcô 13 lần, Luca 59 lần, Gioan 62 lần, thư gởi Rôma 10 lần, thư 1 gởi  Corintô 13 lần, thư 2 gởi  Corintô 06 lần, thư gởi Galata 03 lần, thư gởi Colôsê 04 lần, thư gởi Thessalonica 12 lần, thư gởi Do Thái 04 lần, Khải Huyền 21 lần, Tông đồ công vụ 03 lần.

[4] Sách Giáo Lý Công Giáo, n. 2011.

[5] Thủ bản tự thuật tr 171.

[6] GM phụ tá Giuse Vũ Duy Thống.

[7] Lm Trần Đức Anh Op, “Thánh Theresa Hài Đồng và con đường thơ ấu thiêng liêng”.

[8] Ðúng như vậy. Thánh Pio X, Giáo Hoàng (1903-1914), tuyên bố : "Thánh Theresa Hài Ðồng Giêsu là Vị Thánh lớn nhất của thời đại mới". Ðức Pio XI (1922-1939), vị Giáo Hoàng đã tôn phong Chân phước Theresa lên bậc Hiển Thánh Năm Thánh 1925, tôn phong Vị Nữ Tu Dòng Kín này lên làm Quan Thầy các xứ truyền giáo năm 1927, ngang hàng với Thánh Phanxico Xaviê. Chính Ðức Pio XI đã gọi Thánh Nữ Thành Lisieux là "Ngôi sao sáng Triều Giáo Hoàng của ngài". Năm 1944, Ðức Pio XII (1939-1958) đặt Thánh Theresa làm Quan Thầy thứ hai của Nước Pháp và trước đó ba năm (tức 1941), Quan Thầy "Mission de France".

[9] Báo Avvenire, 14-10-1997.

 11, Báo Avvenire, 14-10-1997.

[12] Xin trích lại một vài gợi ý Đức Cha Bùi Tuần gợi ý cho những tâm hồn muốn đi vào con đường nhỏ của Theresa trong bối cảnh xã hội hôm nay.

[13] Lisieux 2-6-1980, trong cuốn Jean-Paul II, que fais-tu de ton baptême?, Le Centurion, Paris, 1980, p. 234.