Theo giáo huấn của Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, lễ Truyền Tin cho Đức Maria là “một lễ chung về Chúa Kitô và về Đức Trinh Nữ”. Thật vậy, toàn thể Giáo hội cử hành lễ trọng này như một tưởng niệm về việc “xin vâng” cứu độ của Lời Nhập Thể, Đấng khi vào thế gian đã thưa: “Lạy Thiên Chúa, này con đây! Con đến để tuân hành ý Chúa” (x. Hr 10,7; Tv 39,8-9). Cả Đông lẫn Tây đều tưởng niệm việc xin vâng này như khởi đầu của việc cứu chuộc và của mối hiệp nhất bất khả phân ly và hôn phối giữa bản tính thần linh với bản tính nhân loại nơi Ngôi Vị Lời duy nhất. Đối với Mẹ Maria, những cử hành phụng vụ này như là một lễ về tân Evà, vị trinh nữ tuân phục và trung thành, vị bằng tiếng “xin vâng” quảng đại (x. Lc 1,38) đã do tác động của Thần Linh trở nên Mẹ Thiên Chúa, nhưng cũng là Mẹ của sinh linh, và nhờ được lãnh nhận vào cung lòng của mình Đấng Trung Gian duy nhất (x. 1Tm 2,5), đã trở nên Hòm Bia Giao Ước đích thực và Đền Thờ Thiên Chúa thực sự” (Marialis Cultus, số 6).

Mừng lễ này trong Năm Thánh 2025, chúng ta dừng lại để cùng lắng nghe và suy niệm về hai tiếng XIN VÂNG làm thành nền tảng của NIỀM HY VỌNG.

1. Tiếng Xin Vâng Của Chúa Giêsu

Hẳn chúng ta đã thuộc nằm lòng những ca từ trong bài hát “Xin Vâng” của linh mục nhạc sỹ Mi Trầm: “Mẹ ơi! Ðời con dõi bước theo Mẹ, lòng con quyết noi gương Mẹ, xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng. Mẹ ơi! Ðường đi trăm ngàn nguy khó, hiểm nguy dâng tràn đây đó. Xin Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng…” Và như thế, lời thưa Vâng Mẹ Maria dâng lên Thiên Chúa trong biến cố Truyền Tin đã trở thành một phần trong tâm thức đức tin của người tín hữu. Tuy nhiên, đây không phải là tiếng Vâng duy nhất mà chúng ta có thể “nghe được” trong biến cố này. Bởi lẽ, đi trước lời Xin Vâng của Đức Mẹ là một tiếng Vâng quan trọng hơn cả của Ngôi Hai Thiên Chúa.

Thật vậy, Chúa Giêsu nói lời Xin vâng với ý định của Chúa Cha để nhập thể làm người, để cứu chuộc mỗi người chúng ta, như tác giả thư gửi tín hữu Hipri cho biết: “Khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” (Hr 10, 5-7).

Qua lời thưa Vâng này, Thiên Chúa đã quyết định “ban Con Một của Người, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Với lời thưa Vâng này, Chúa Giêsu đã khởi đầu sứ vụ làm đấng Emmanuel – Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (x. Mt 1,23; Is 7,14). Trong cuộc đời tại thế, nhiều lần Chúa Giêsu cũng lặp lại lời vâng ấy, mà trong dịp mùa Chay và Tuần Thánh sắp tới, chúng ta sẽ được nghe lại. Đặc biệt, trong cơn hấp hối nơi vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện với Chúa Cha xin cất chén đắng khỏi Người, nhưng “một xin theo ý Cha” (x. Mt 26,39.42).

Đó là lời xin vâng của Chúa Giêsu, lời xin vâng Người thưa lên cùng Thiên Chúa, lời xin vâng đi trước biến cố Truyền Tin và được Chúa Giêsu thực thi cho đến hơi thở cuối cùng trên thánh giá. Với tiếng Vâng này, ơn cứu độ đã được thiết lập và trao ban cho nhân loại. Với tiếng Vâng này, Chúa Giêsu trở nên Niềm Hy Vọng của chúng ta, một Niềm Hy Vọng không làm chúng ta thất vọng (x. Rm 5,5).

Một cách nhiệm mầu, Ngôi Hai Thiên Chúa thưa tiếng Vâng này trong vĩnh cửu nhưng đã thực hiện tất cả những gì tiếng Vâng ấy chứa đựng trong thời gian. Về để thực hiện điều đó, Người cần đến tiếng vâng của một người: Đức Trinh Nữ MARIA.

2.Tiếng Vâng của Mẹ Maria

Trong biến cố Truyền Tin, sau khi được Sứ thần Gapriel cho biết về cách thức Con Thiên Chúa nhập thể, Mẹ Maria đã khiêm tốn đáp lời: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Suy niệm về khung cảnh này, thánh Bênađô đã để lại cho chúng ta một bài giảng bất hủ mà Phụng vụ Giáo hội vẫn đọc lại trong giờ Kinh Sách ngày 20/12:

Lạy Đức Trinh Nữ, Mẹ đã nghe báo tin Mẹ sẽ thụ thai và sinh một con trai: không phải do con người nhưng do Chúa Thánh Thần. Thần sứ đang chờ câu trả lời của Mẹ vì đã đến lúc người phải trở về cùng Thiên Chúa, Đấng đã sai người. Cả chúng con nữa, lạy Mẹ là bà chúa, chúng con cũng chờ đợi câu trả lời của lòng Chúa xót thương, vì chúng con là những kẻ đang phải khốn khổ bởi mang án tội tình. Này đây, giá phải trả cho ơn cứu chuộc chúng con được trao vào tay Mẹ. Mẹ mà chấp thuận là chúng con được cứu thoát. Nhờ Ngôi Lời hằng hữu của Thiên Chúa, tất cả chúng con đã được tạo thành. Nhưng này sự chết đang hoành hành nơi chúng con: chỉ có một câu trả lời vắn tắt của Mẹ thôi là chúng con được tái tạo, để lại được kêu gọi đón nhận sự sống.

Với thánh Bênađô, toàn thể thế giới và lịch sử nhân loại như đang chờ đợi câu trả lời của Đức Maria. Và như vậy, tiếng Vâng của Mẹ trở thành một tiếng Vâng của Niềm Hy Vọng. Tiếng Vâng ấy mang lại cho nhận loại Niềm Hy Vọng là chính Chúa Giêsu, Thiên Chúa Nhập thể làm người, như chúng ta vẫn tuyên xưng mỗi ngày trong lời kinh Truyền Tin:

Xướng: Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời.

Đáp: Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền.

Kính mừng….. Thánh Maria……

Xướng: Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người.

Đáp: Và ở cùng chúng con.

Phần thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong một bài giáo lý về Mầu nhiệm Giáo hội (4/12/1991), đã nhấn mạnh “Lời thưa “Xin Vâng” của Đức Maria là khởi đầu Giao Ước mới”. Giao Ước này được Chúa Giêsu thiết lập và qua Người mà chúng ta nhận được hết mọi ân sủng và sự thật (x. Ga 1,17).

3. Lời Xin vâng của chúng ta

Đến đây, chúng ta nhận ra rằng trong biến cố Truyền Tin không chỉ có một nhưng là hai lời Xin vâng. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ, bởi lẽ ngày lễ này còn gợi lên cho chúng ta một tiếng Vâng khác nữa: tiếng Vâng của mỗi chúng ta.

Thật vậy, chúng ta lắng nghe Lời Chúa thì khác hoàn toàn với việc nghe lại một câu chuyện, một lá thư… Đúng hơn, Giáo hội mời gọi chúng ta sống Lời Chúa, nghĩa là đem Lời Chúa vào trong đời mình, cũng như đem đời mình vào trong Lời Chúa. Cụ thể với biến cố Truyền Tin, chúng ta được mời gọi sống lại biến cố ấy trong cuộc đời của mỗi người, nghĩa là chúng ta biết bắt chước Đức Maria luôn thưa lời Xin vâng trước thánh ý Thiên Chúa. Điều này nói thì dễ, nhưng thực hành thì khó. Thế nên, để nói lên tiếng Vâng trong đời sống hằng ngày, nghĩa là biết phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa khi phải đối diện với tất cả nghịch cảnh, thiết tưởng chúng ta cần nhìn lên gương của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Chính Chúa Giêsu đã phải chịu biết bao đau khổ đề sống trọn vẹn lời Xin Vâng của Người. Rồi Mẹ chúng ta cũng vậy, Mẹ thưa Xin Vâng ở Nazareth, những sống xin vâng ở khắp mọi nơi và mọi thời khắc trong cuộc đời của Mẹ. Hơn nữa, chúng ta cần nhìn lên Chúa và Mẹ để nhận ra rằng, tiếng Vâng của Chúa Giêsu và của Mẹ Maria là những tiếng Vâng của Niềm Hy Vọng. Bởi đó, khi theo gương Chúa và Mẹ để thưa tiếng Xin Vâng, chắc chắn chúng ta sẽ không phải thất vọng.

Về điều này, cũng là để khép lại những suy tư trên đây, chúng ta cùng đọc lại lời Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Sắc chỉ Công bố Năm thánh Thường lệ 2025:

Chứng tá hùng hồn nhất của niềm hy vọng là Mẹ Thiên Chúa. Nơi Mẹ, chúng ta thấy rằng niềm hy vọng không phải là sự lạc quan hão huyền, mà là một món quà ân sủng trong hiện thực cuộc sống. Cũng như bất kỳ người mẹ nào, mỗi khi nhìn Con, Mẹ nghĩ đến tương lai của Con, và chắc chắn trong lòng Mẹ vẫn khắc ghi những lời ông Simêon đã nói với Mẹ ở Đền thờ: “Này đây, Hài nhi này sẽ là duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng, còn bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,34-35). Và dưới chân thập giá, khi nhìn Chúa Giêsu vô tội phải đau đớn và phải chết, mặc dù đang khổ đau tột cùng, Mẹ vẫn lặp lại tiếng “xin vâng” mà không đánh mất niềm hy vọng cũng như niềm tin tưởng vào Chúa. Khi làm như thế, Mẹ đã vì chúng ta mà cộng tác nhằm thực hiện những gì Con của Mẹ đã nói khi loan báo rằng “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết, và sau ba ngày, sống lại” (Mc 8,31). Và trong nỗi đau dâng hiến vì tình yêu, Mẹ đã trở thành Mẹ của chúng ta, Mẹ của niềm hy vọng. Không phải ngẫu nhiên mà lòng đạo đức bình dân vẫn cầu khẩn Đức Trinh Nữ là Stella Maris, một tước hiệu diễn tả niềm hy vọng chắc chắn rằng, trong những thăng trầm giông bão của cuộc đời, Mẹ Thiên Chúa đến trợ giúp chúng ta, nâng đỡ chúng ta và mời gọi chúng ta tin tưởng và tiếp tục hy vọng (Spes non confundit, số 24).

Nguồn: Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc