Mùa Phục Sinh mở ra cho người tín hữu một khung trời mới, khung trời của niềm vui và hy vọng được tái sinh từ Đấng đã chết và đã sống lại.

Tin Mừng Chúa nhật 3 Phục Sinh, Thánh Gioan thuật lại một cuộc gặp gỡ đặc biệt bên bờ biển Ti-bê-ri-a, nơi khởi đầu cho sự biến đổi của các môn đệ, những con người vừa trải qua cơn khủng hoảng đức tin sau biến cố thập giá. Phê-rô, người đã từng mạnh miệng tuyên xưng và rồi sa ngã trong chối bỏ, nay lại là người khởi xướng việc quay về nghề cũ: “Tôi đi đánh cá đây”. Một hành động tưởng như bình thường, nhưng lại chất chứa nhiều ý nghĩa: quay về chốn cũ như một cách tìm sự an toàn giữa những xáo trộn, đồng thời đó cũng là tiếng thở dài buông xuôi giữa những ngổn ngang thất vọng.

Thế nhưng, chính trong khoảnh khắc tưởng chừng vô vọng ấy, Chúa Giêsu đã âm thầm hiện đến vào buổi rạng đông tĩnh lặng, khi các môn đệ đang mỏi mệt sau một đêm dài trắng tay. Chỉ một lời chỉ dẫn nhẹ nhàng: “Hãy thả lưới bên phải thuyền” và một phép lạ đã xảy ra: một mẻ cá lớn đến mức họ không kéo nổi lưới. Ngay lúc đó, Gioan với trái tim nhạy bén đã nhận ra: “Chúa đó!” Phêrô nghe thế không chút do dự, vội khoác áo và lao mình xuống biển. Một hành động bộc phát, nhưng đầy rung cảm của tình yêu và khát khao được gần bên Thầy.

Hình ảnh Chúa Giêsu đứng trên bờ trong buổi sớm mai mang nhiều ý nghĩa. Bờ biển, nơi yên bình và tĩnh lặng như biểu trưng cho sự sống mới, đối lập với mặt biển đầy chao đảo, nơi các tông đồ vật lộn trong bóng tối và thất bại. Theo lời Thánh Grêgôriô Cả, Chúa đứng trên bờ bởi vì sau khi sống lại, Ngài đã vượt lên trên thân phận yếu đuối của xác phàm. Ngài không còn ở giữa cơn sóng gió của kiếp người, nhưng đang hiện diện để kéo các môn đệ từ bóng tối của sự bất lực và thất vọng trở về ánh sáng, từ chiếc thuyền quen thuộc với quá khứ, bước lên bờ của một khởi đầu mới trong ánh sáng Phục Sinh.

Phép lạ mẻ cá đầy không chỉ là một minh chứng cho quyền năng Thiên Chúa, nhưng còn là ngôn ngữ của tình yêu. Chúa Phục Sinh không đến để giúp các môn đệ thành công trong nghề cũ, mà để đánh thức nơi họ niềm tin đã nguội lạnh sau biến cố Thập Giá. Qua hành động tưởng chừng đơn giản, một lời chỉ dẫn, một bữa ăn sáng bên bếp lửa hồng, Ngài nhẹ nhàng khơi dậy ký ức ban đầu của ơn gọi và nhóm lên trong họ một ngọn lửa hy vọng mới. Đó là hy vọng của những người được yêu thương, được tha thứ, và được mời gọi bắt đầu lại từ tình yêu của Đấng Phục Sinh.

Ngày nay, biết bao lần chúng ta cũng như các tông đồ, quay lại với những lối mòn cũ kỹ khi mất phương hướng trong đời sống đức tin. Những lần mỏi mệt vì lao nhọc vô ích, những lúc chúng ta tưởng chừng như chẳng còn gì để hy vọng, thì chính Chúa lại hiện diện nơi những buổi “rạng đông” của cuộc đời, lặng lẽ, âm thầm, nhưng đủ làm trái tim bừng sáng. Ngài không lên án những lần yếu đuối, mà chỉ mời gọi chúng ta bước sang “phía bên kia” của sự vâng phục và tín thác, để từ đó nhận lãnh một mẻ lưới đầy tình yêu.

Hôm nay Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra với các môn đệ để củng cố niềm tin, tái sinh niềm hy vọng nơi các ông. Ngài cũng mời gọi chúng ta trở thành những người gieo rắc hy vọng trong thế giới đầy chao đảo. Là những môn đệ đã chịu phép rửa, chúng ta được sai đi để làm chứng cho Tin Mừng, để nói cho thế giới đang thất vọng rằng: vẫn còn đó một bờ biển nơi Chúa đang đứng đợi, sưởi ấm, và phục hồi những ai tin tưởng quay về.

Lạy Chúa Giê-su Phục Sinh, xin đừng để chúng con ngã lòng khi bước đi trong đêm tối của cuộc đời. Xin cho ánh sáng hy vọng của Chúa luôn soi dẫn chúng con. Giữa những chao đảo của cuộc sống, xin cho chúng con nhận ra tiếng gọi yêu thương của Ngài và can đảm nhảy xuống biển đời, để đến gần hơn với Đấng là nguồn sống và là bến bờ vĩnh cửu của chúng con. Amen.