SUY NIỆM ĐÀNG THÁNH GIÁ NĂM THÁNH 2025

Chủ đề: DẤU CHÂN HY VỌNG

 

Lời dẫn

Kính thưa cộng đoàn,

Hôm nay, trong bầu khí thánh thiêng của Tuần Thánh, chúng ta cùng nhau cất bước trên hành trình của niềm hy vọng, hành trình được in dấu bởi chính Đấng đã cúi xuống để nâng đỡ con người, đã thinh lặng để tha thứ, và đã chấp nhận thập giá để cứu độ nhân loại.

Là những người hành hương của hy vọng, khi suy niệm Đàng Thánh Giá, chúng ta không chỉ chiêm ngắm nỗi thống khổ của Chúa mà còn được mời gọi đặt chính bước chân của mình vào con đường Ngài đã đi, để củng cố đức tin, để khám phá ý nghĩa của đau khổ, để cảm nhận sức mạnh nâng đỡ của niềm hy vọng, và để chạm tới niềm vui trọn vẹn mà ánh sáng phục sinh mang lại.

Trong giờ thánh đặc biệt này, xin Chúa đổ tràn ơn hiệp nhất và thắp lên trong tâm hồn chúng ta ngọn lửa nhiệt thành, để mỗi người sống trọn ơn gọi của những người hành hương,“những người đi tìm kiếm khuôn mặt của Thiên Chúa, gặp gỡ anh chị em mình, và xây dựng một thế giới huynh đệ hơn” (x. Spes non confundit)

Giờ đây, trong tâm tình lắng đọng và sốt mến, chúng ta cùng bước theo dấu chân hy vọng của Chúa trên đường thập giá để cầu nguyện cho Giáo hội, cho nhân loại và cho chính mình. Trên hành trình này, xin Chúa Thánh Thần soi sáng, giúp mỗi người gặp gỡ Chúa Giêsu trong những thương tích của Ngài, nhờ đó tâm hồn chúng ta được sưởi ấm bởi niềm tin, được nâng đỡ bởi tình yêu và được thúc đẩy bởi niềm hy vọng.


NƠI THỨ NHẤT

CHÚA GIÊSU BỊ KẾT ÁN TỬ HÌNH

Lời Chúa

Trích Tin Mừng theo Thánh Mattheu: Ông Phi-la-tô lại hỏi: “Vậy ta phải xử thế nào với người mà các ông gọi là vua dân Do-thái?” Họ la lên: “Đóng đinh nó vào thập giá!”Ông Phi-la-tô lại hỏi: “Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác?” Họ càng la to: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Mc 15,12-13).

Suy niệm

Trước tòa án trần gian, Đức Giêsu không tranh luận, không tự vệ. Ngài lặng thinh giữa những lời tố cáo, như người Tôi Tớ đau khổ mà ngôn sứ Isaia đã loan báo: “Người bị ngược đãi, nhưng cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca” (Is 53,7).

Cuộc sống hôm nay cũng đầy những bản án bất công. Có những người bị phán xét không phải vì lỗi lầm của họ, mà vì sự ghen ghét, định kiến của người khác. Có những tiếng kêu oan chìm vào im lặng, có những giấc mơ bị vùi dập bởi sự vô tâm của xã hội. Là những người hành hương của hy vọng, chúng ta được mời gọi nhìn vào những bản án bất công ấy để nhận ra một dấu chân hy vọng: đó là dấu chân của Đấng đã bước đi trên con đường đau khổ để để cứu độ nhân loại. Từ đó chúng ta cũng biết học nơi Người can đảm; dám chọn lựa đường ngay nẻo chính, dù có phải đối diện với bão tố của bất công hay thử thách của cuộc đời.

(Thinh lặng giây lát…)

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chấp nhận bản án oan khiên để dạy chúng con bài học về tình yêu và sự phó thác. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, không bao giờ kết án ai chỉ vì định kiến hay sự nóng giận của mình, nhưng luôn biết đứng về phía sự thật, bảo vệ công lý và trở thành dấu chân hy vọng giữa thế giới đầy bất công này. Amen.


NƠI THỨ HAI

CHÚA GIÊSU VÁC THÁNH GIÁ

Lời Chúa

Tin Mừng theo thánh Mát-thêu

Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. (Mt 16,24-25).

Suy niệm

Thập giá đặt lên vai Chúa không chỉ là một khúc gỗ thô kệch mà còn là gánh nặng tội lỗi của nhân loại. Chúa không né tránh, không oán than, Ngài lặng lẽ cúi xuống ôm lấy thập giá và âm thầm bước đi.

Trong mỗi bước chân nhọc nhằn của Chúa, chúng ta thấy phản chiếu biết bao mảnh đời đang oằn mình dưới thập giá của riêng họ: những người cha, người mẹ đau khổ vì con cái, những bệnh nhân lặng lẽ chiến đấu với cơn đau, những tâm hồn bị bỏ rơi và những con người đang oằn mình dưới gánh nặng cuộc sống.

Chúng ta đang sống trong của Năm Thánh với lời mời gọi trở thành “những người hành hương của Hy vọng.” Người hành hương không chỉ là kẻ lên đường mà còn là người biết đón nhận thập giá như một sứ vụ. Trên hành trình ấy, sẽ có những lúc chùn chân mỏi gối, những khoảnh khắc lo âu đè nặng tâm hồn. Tuy nhiên, hy vọng không phải là việc tránh né đau khổ mà là để thập giá biến đổi và canh tân đời sống chúng ta. Dấu chân của Chúa trên con đường khổ nạn không chỉ in hằn nỗi đau mà còn là dấu chân của một tình yêu tự hiến, là nguồn sức mạnh cho những ai đang mang vác gánh nặng cuộc đời. Chính vì thế, thánh Phaolô đã khẳng định: “Niềm hy vọng không làm cho chúng ta thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5).

(Thinh lặng giây lát…)

Cầu nguyện

Lạy Chúa, trên vai Chúa là gánh nặng của nhân loại nhưng Chúa vẫn bước đi với tình yêu và lòng kiên nhẫn. Xin cho chúng con đủ sức mạnh để không gục ngã, đủ hy vọng để tiếp tục bước đi, và đủ yêu thương để nâng đỡ những ai đang cần đến. Xin giúp chúng con trở thành dấu chân hy vọng cho những ai đang nặng gánh ưu phiền. Amen.

 

NƠI THỨ BA

CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG ĐẤT

LẦN THỨ NHẤT

Lời Chúa

Tin Mừng theo thánh Mattheu

"Chiều đến, người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giê-su. Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau,để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta". (Mt 8,16-17)

Suy Niệm

Đấng đã từng nâng dậy bao kẻ yếu đuối giờ đây lại cô đơn trong chính nỗi đau của mình. Sự kiệt sức của thể xác, nỗi cô đơn của tâm hồn, gánh nặng của thập giá…tất cả đè lên thân thể Chúa khiến Người ngã quỵ.

Biết bao lần chúng ta đã ngã xuống trên hành trình đời mình? Ngã vì những yếu đuối, ngã vì sự thất vọng, ngã vì những cám dỗ lôi kéo…Chúa Giêsu đã ngã nhưng không nằm lại trong sự gục ngã. Ngài tiếp tục bước đi như một minh chứng rằng; thất bại là cơ hội để chúng ta học cách trỗi dậy và vươn lên. Mọi vấp ngã đều có thể trở thành điểm tựa cho một khởi đầu mới, miễn là chúng ta biết đặt hy vọng vào Thiên Chúa. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Người ta chỉ đạt được những ước mơ đẹp nhất nhờ hy vọng, kiên nhẫn và dấn thân, mà không nóng vội. Đồng thời, cũng không nên tự giam hãm trong sự lưỡng lự, sợ rủi ro và phạm sai lầm” (Christus Vivit, số 141).

(Thinh lặng giây lát…)

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ngã xuống để đồng hành với những ai đang gục ngã trong cuộc đời. Chúa không chờ đợi sự hoàn hảo mà đón nhận chúng con trong yếu đuối. Xin cho chúng con biết can đảm đứng lên sau mỗi lần vấp ngã để tiếp tục bước theo dấu chân hy vọng của Chúa. Amen.


NƠI THỨ BỐN

CHÚA GIÊSU GẶP ĐỨC MẸ

Lời Chúa

Tin Mừng theo thánh Lu-ca

“Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2,35).

Suy Niệm

Giữa những ánh mắt miệt thị khinh khi của đám đông bên vệ đường, có một ánh mắt vẫn dõi theo Chúa, ánh mắt của Mẹ Maria. Và trong khoảnh khắc ngắn ngủi Mẹ gặp Chúa. Không một lời nào được thốt ra, nhưng trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, cả bầu trời như lặng đi trước nỗi đau của hai tâm hồn đang thổn thức cùng một nỗi niềm, hai trái tim cùng hoà chung một nhịp đập.

Mẹ không thể giang tay đỡ lấy thập giá trên vai Chúa, cũng không thể lau đi những giọt máu đang chảy dài trên khuôn mặt Người. Nhưng Mẹ có thể yêu, có thể hiện diện, có thể cùng Con bước đi, dù trái tim Mẹ như vỡ ra theo từng bước chân xiêu vẹo của Chúa. Chính tình yêu âm thầm ấy, chính đôi mắt đong đầy đau thương mà tràn ngập hy vọng ấy, đã trở thành nguồn sức mạnh giúp Chúa Giêsu tiếp tục tiến về phía trước, hoàn tất con đường cứu độ trong sự phó thác trọn vẹn.

Trên hành trình cuộc đời, sẽ có những lúc chúng ta chông chênh, mệt mỏi, nhưng như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Maria không trốn chạy đau khổ, nhưng ở lại đó với tình yêu, với lòng tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ hoàn tất công trình cứu độ của Ngài.” (Tông huấn Christus Vivit, 45). Vì thế, nếu biết ngước nhìn lên, ta sẽ nhận thấy vẫn có những ánh mắt yêu thương dõi theo, vẫn có những bàn tay sẵn sàng nâng đỡ. Đức Mẹ không rời bỏ Chúa, và Mẹ cũng chẳng bao giờ rời bỏ chúng ta.

(Thinh lặng giây lát…)

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, trong cơn đau khổ tột cùng, Chúa đã tìm thấy sức mạnh nơi ánh mắt đầy yêu thương của Mẹ Maria. Xin cho chúng con cũng biết chạy đến với Mẹ trong những lúc thử thách, để được Mẹ nâng đỡ ủi an. Và xin cho chúng con cũng biết trở thành điểm tựa cho những ai đang đau khổ, để họ cũng nhận ra dấu chân hy vọng trên hành trình của đời mình. Amen.

 

NƠI THỨ NĂM

SIMON VÁC THÁNH GIÁ GIÚP CHÚA GIÊSU

Lời Chúa

Tin Mừng theo thánh Mác-cô

“Lúc ấy, có một người từ miền quê lên, đi ngang qua đó, tên là Si-môn, gốc Ky-rê-nê. Ông là thân phụ hai ông A-lê-xan-đê và Ru-phô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giêsu. Chúng đưa Người lên một nơi gọi là Gôngô-tha, nghĩa là Đồi Sọ.” (Mc 15,21-22)

Suy niệm

Hôm nay trên đường thập giá, chúng ta gặp một khoảnh khắc đặc biệt: Ông Simon xứ Cyrênê được mời gọi vác thập giá đỡ Chúa Giêsu. Một người xa lạ, một kẻ vô danh giữa đám đông nhưng lại là người được diễm phúc chạm vào thập giá của Chúa. Có thể lúc đầu ông miễn cưỡng, nhưng rồi từng bước đi bên Chúa, chia sẻ gánh nặng thập giá với Chúa, ông nhận ra rằng mình không chỉ nâng đỡ một con người kiệt sức, mà còn đụng chạm đến chính Đấng Cứu Độ. Dấu chân của Simon chính là dấu chân hy vọng, vì ông đã cùng Chúa Giêsu đi trọn một đoạn đường thập giá.

Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta cảm thấy gánh nặng của người khác là điều phiền toái, nhưng có lẽ chính những gánh nặng đó lại là cơ hội để chúng ta bước vào con đường yêu thương mà Chúa Giêsu đã đi. Bàn tay nâng đỡ, đôi vai chia sẻ…cũng có thể trở thành một dấu chân hy vọng giúp ai đó tìm lại sức mạnh để tiếp tục hành trình. Đôi khi, Chúa gửi đến cho ta một Simon khi ta mỏi mệt, và cũng có lúc, Ngài mời gọi ta trở thành Simon cho người khác. Chính trong sự sẻ chia này, chúng ta khám phá niềm vui đích thực của Tin Mừng, niềm vui được yêu thương và trao ban.

(Thinh lặng giây lát…)

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đón nhận sự trợ giúp từ ông Simon với lòng biết ơn để dạy chúng con rằng; không ai có thể đi trọn hành trình cuộc đời mà không cần đến sự nâng đỡ của tha nhân. Xin cho chúng con biết mở lòng, sẵn sàng chia sẻ gánh nặng với những người xung quanh, để trong từng nghĩa cử yêu thương, mọi người nhận ra dấu chân hy vọng của Chúa. Amen.

 

NƠI THỨ SÁU

BÀ VERONICA LAU MẶT CHÚA GIÊSU

Lời Chúa

Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu

“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25,40)

Suy niệm

Giữa một đám đông ồn ào và hung hãn, có một phụ nữ nhỏ bé bước ra. Bất chấp sự can ngăn của lính tráng, bà tiến đến Chúa Giêsu với một chiếc khăn. Đôi tay run rẩy, bà cúi xuống nhẹ nhàng lau đi những giọt mồ hôi và máu đang bê bết trên khuôn mặt Chúa. Bà biết rằng mình không thể làm vơi bớt gánh nặng của Thập Giá, nhưng bà có thể trao tặng một cử chỉ yêu thương giữa biển người vô cảm. Và chính cử chỉ ấy đã để lại một dấu chân hy vọng trên con đường thập giá của Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: "Chúng ta không thể sống trong một thế giới đầy bất công mà không dám đối diện và hành động vì người nghèo, người yếu thế." (Tông huấn Fratelli Tutti). Trong đời sống, đã bao lần chúng ta dừng lại để nhìn sâu vào tấm lòng của nhau? Đã bao lần chúng ta nhận ra những thiện ý đằng sau những lời nói có vẻ cứng cỏi, những hành động có vẻ lạnh lùng? Đôi khi yêu thương không phải là những lời nói ngọt ngào, nhưng ẩn mình trong trong những hy sinh thầm lặng mà người khác dành cho ta. Nếu chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài, có lẽ ta sẽ vội vàng xa cách mà bỏ lỡ một tình yêu đang đợi ta thấu hiểu.

(Thinh lặng giây lát…)

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con ơn can đảm như Veronica; dám hành động, dám yêu thương để lan tỏa niềm hy vọng và sự chữa lành đến với những ai cần đến chúng con, vì mỗi lần chúng con lau đi giọt nước mắt của tha nhân, là mỗi lần Chúa in dấu chân yêu thương và hy vọng nơi chúng con. Amen.


 

NƠI THỨ BẢY

CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG

LẦN THỨ HAI

Lời Chúa

Trích sách ngôn sứ I-sa-i-a

“Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” (Is 53,5).

Suy niệm

Trong cuộc sống, không gì cay đắng và mệt mỏi hơn cảm giác thất bại. Nó không chỉ là sự mất mát hay sai lầm, mà còn là nỗi bất lực, sự chán nản khi mọi cố gắng của mình trở nên vô nghĩa. Có lẽ giây phút Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai, Người cũng cảm nhận tận cùng nỗi đau ấy. Nhưng Người vẫn tiếp tục bước đi vì tình yêu, vì sứ mạng cứu chuộc nhân loại.

Hành trình của Chúa cũng chính là hành trình của mỗi chúng ta: có những vấp ngã, có những yếu đuối, điều quan trọng là ta có đủ can đảm để đứng lên và bước tiếp hay không. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: "Chúng ta phải tiếp tục đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, vì trong mỗi thất bại có một bài học quý giá về tình yêu của Thiên Chúa." (Evangelii Gaudium). Thật vậy, chỉ khi ta dám đón nhận thất bại, ta mới có thể chạm đến ý nghĩa thật sự của hy vọng.

(Thinh lặng giây lát…)

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, giữa những bấp bênh của cuộc đời, xin giúp chúng con luôn vững tin rằng: nơi đâu có Chúa, nơi đó có sự sống và niềm hy vọng. Amen.

 

NƠI THỨ TÁM

CHÚA GIÊSU AN ỦI CÁC PHỤ NỮ THÀNH GIÊRUSALEM

Lời Chúa

Tin Mừng theo Thánh Luca

“Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người.28 Đức Giê-su quay lại phía các bà mà nói: “Hỡi chị em thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu”. (Lc 23, 27-28)

Suy niệm

Giữa những âm thanh của roi đòn và bước chân loạng choạng của Đấng vô tội, bỗng vang lên tiếng khóc nghẹn ngào của những người phụ nữ Giêrusalem. Họ đau xót và thương cảm trước hình ảnh một con người đang gánh chịu cực hình. Dù mang trên mình bao thương tích, Chúa vẫn hướng ánh mắt yêu thương về phía họ để đánh thức tâm hồn họ: “Hỡi phụ nữ thành Giêrusalem, đừng khóc thương Ta, nhưng hãy khóc thương chính mình và con cháu các ngươi.”

Nước mắt xót thương là một dấu hiệu của con tim biết rung động, nhưng Chúa muốn chúng ta nhận ra: nỗi đau thực sự không chỉ nằm ở thập giá mà còn ở sự lầm lạc, vô cảm của con người. Đau thương nhất không phải là một thân xác rướm máu mà là một tâm hồn chai cứng trong tội lỗi, đánh rơi niềm hy vọng. Và có lẽ, tiếng khóc năm xưa vẫn còn vọng lại nơi cuộc đời hôm nay, như một lời nhắc nhở mỗi chúng ta: Dấu chân hy vọng không chỉ nằm trong những giọt nước mắt mà ở sự hoán cải và trong những bước chân biết dấn thân, biết kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn.

(Thinh lặng giây lát…)

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Chúa không cần những giọt nước mắt thương hại, nhưng muốn chúng con biến đổi tâm hồn và hành động theo ý Chúa. Xin cho chúng con biết khóc thương tội lỗi của chính mình, biết dấn thân, sống yêu thương, công bằng và bác ái. Xin giúp chúng con trở thành dấu chân hy vọng giữa cuộc đời để mang lại ánh sáng cho những ai đang lầm lạc. Amen.


NƠI THỨ CHÍN

CHÚA GIÊSU NGÃ XUỐNG

LẦN THỨ BA

Lời Chúa

Trích thư gửi của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê

“Tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết.” (Pl 4,13).

Suy niệm

Chặng đường thập giá vẫn còn rất dài và rất xa. Nỗi cô đơn, sự phản bội và sự thờ ơ của con người như xé nát thân xác Chúa. Ngài đã kiệt sức và lại ngã xuống đất một lần nữa. Trong tận cùng đau khổ, tình yêu vẫn là sức mạnh nâng Ngài trỗi dậy.

Trong mỗi bước đi chậm chạp và đau đớn của Chúa có hình bóng của từng người chúng ta, những con người cũng đã bao lần vấp ngã trong cuộc đời. Có những ngã quỵ vì bị người khác làm tổn thương, nhưng cũng có những lần ta ngã quỵ bởi chính lỗi lầm và yếu đuối của mình. Chúa Giêsu đã ngã xuống và đã đứng lên để dạy chúng ta: vấp ngã không đồng nghĩa với thất bại nhưng là cơ hội giúp ta nhận ra sự nhỏ bé của mình để biết vững lòng trông cậy vào ơn Chúa, đó cũng là nhân đức của người hành hương trong hy vọng.  

(Thinh lặng giây lát…)

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng can đảm để không bỏ cuộc, sức mạnh để không tuyệt vọng, và niềm tin để biết rằng trong từng dấu chân mệt nhoài của chúng con luôn có bóng dáng dấu chân hy vọng của Chúa đồng hành, để dù có yếu đuối hay mỏi mệt, chúng con vẫn giữ vững niềm hy vọng và tiếp tục hành trình theo Chúa. Amen.


NƠI THỨ MƯỜI

CHÚA GIÊSU BỊ LỘT ÁO

Lời Chúa

Tin Mừng theo thánh Mattheu

Khi đến nơi gọi là Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ, chúng cho Người uống rượu pha mật đắng, nhưng Người chỉ nếm một chút mà không chịu uống.Đóng đinh Người vào thập giá xong, chúng đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau. Rồi chúng ngồi đó mà canh giữ Người (Mt 27, 34 - 37)

Suy niệm

Tấm áo lính tráng chia nhau không chỉ là y phục bên ngoài, nó còn tượng trưng cho tất cả những gì con người có thể bám víu: danh dự, địa vị, quyền lợi, sự an toàn… Chúa Giêsu chấp nhận bị tước bỏ tất cả. Ngài đứng đó, trần trụi giữa thế gian nhưng lại tròn đầy trong tình yêu và sự phó thác. Và trong khoảnh khắc đó, Ngài bày tỏ một chân lý sâu xa: niềm hy vọng đích thực không hệ tại ở những gì ta sở hữu mà ở một tâm hồn biết tín thác trọn vẹn vào Thiên Chúa. Khi không còn gì trong tay, chúng ta mới có thể ôm lấy thập giá và để Thiên Chúa trở thành gia nghiệp duy nhất của mình.

(Thinh lặng giây lát…)

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giê-su, nhìn lên thân thể trần trụi của Chúa trên thập giá chúng con hiểu rằng; Người đã chấp nhận bị tước đoạt tất cả để mặc cho chúng con tấm áo công chính và tình yêu. Xin giúp chúng con biết từ bỏ những bám víu của thế gian, để tìm thấy niềm hy vọng đích thực nơi Chúa. Amen.


NƠI THỨ MƯỜI MỘT

CHÚA GIÊSU BỊ ĐÓNG ĐINH VÀO THẬP GIÁ

Lời Chúa

Tin Mừng theo thánh Luca

“Khi đến nơi gọi là “Đồi Sọ”, chúng đóng đinh Người vào thập giá, cùng với hai tên gian phi, một kẻ bên phải, một kẻ bên trái.” (Lc 23,33).

Suy niệm

Tiếng búa nện vang giữa đồi hoang như đóng lại niềm hy vọng của bao người đã từng theo Chúa. Nhưng không, đôi tay bị đóng đinh nhưng vẫn dang rộng ôm trọn nhân loại trong lòng thương xót. Đôi chân tê dại vì đau đớn nhưng vẫn đi đến cùng con đường yêu thương. Đầu đội mạo gai nhưng trái tim vẫn đập nhịp yêu thương đến cùng tận.

Trước những khổ đau của kiếp người, chúng ta dễ hoang mang, dễ đánh mất niềm hy vọng. Dừng lại nơi thập giá này, mỗi người hãy thinh lặng để cảm nghiệm và xác tín thêm một lần nữa: đau khổ không phải ngõ cụt mà là khởi đầu của ơn cứu độ. Đinh sắt có thể đóng chặt thân xác Chúa nhưng không thể trói buộc tình yêu Ngài dành cho nhân loại. Cái chết có thể đến gần nhưng sự sống mới đang chờ đợi để được phục sinh.

(Thinh lặng giây lát…)

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, đứng trước thập giá Chúa, chúng con không dám than trách về những đau khổ mình phải chịu, nhưng chỉ biết cúi đầu xin ơn hoán cải. Xin ban cho chúng con ơn can đảm đón nhận những “cây đinh” của cuộc đời, với niềm tin rằng, mọi đau khổ dâng lên Chúa sẽ trở nên dấu chân hy vọng trên hành trình ơn gọi của chúng con. Amen.


NƠI THỨ MƯỜI HAI

CHÚA GIÊSU CHẾT TRÊN THẬP GIÁ

Lời Chúa

Tin Mừng theo thánh Gio-an

“Ở đó, có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Người. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí.” (Ga 19,29-30).

Suy niệm

Giờ sau cùng đã đến, trong cơn hấp hối, lời cuối cùng của Chúa Giêsu không phải là tiếng oán than mà là một lời phó thác trong hy vọng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha.”

Mọi sự đã hoàn tất. Tình yêu của Chúa đã được bày tỏ cách trọn vẹn, nhưng nhân loại có nhận ra tình yêu ấy không? Dưới chân thập giá, có kẻ dửng dưng xem cái chết của Chúa như một kết cục tất yếu. Có những người lính thản nhiên chia nhau áo của Ngài như thể đó chỉ là một tù nhân bị xử tử. Có kẻ nhạo báng buông những lời cay độc thách thức quyền năng Con Thiên Chúa. Nhưng cũng có những đôi mắt đỏ hoe, những tâm hồn nặng trĩu nỗi đau: Đức Mẹ lặng lẽ ôm trọn nỗi thống khổ vào lòng, người môn đệ được Chúa yêu đứng lặng nhìn Thầy với trái tim tan nát, Maria Mađalêna khóc nức nở vì Đấng đã thứ tha và cứu độ mình giờ đây chết trên cây gỗ. Và đâu đó có một người cúi đầu sám hối như tên trộm lành nhận ra chính mình là kẻ có tội và khẩn cầu lòng thương xót của Chúa.

Còn chúng ta, đứng dưới chân thập giá, chúng ta là ai? Ta dửng dưng hay đau xót? Ta nhạo báng hay sám hối? Ta quay lưng bước đi hay cúi đầu nhận lấy ơn tha thứ?

(Thinh lặng giây lát…)

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, trước cái chết của Chúa, xin cho chúng con biết cúi đầu, biết thinh lặng để chiêm ngắm tình yêu lớn lao mà Chúa đã dành cho nhân loại. Xin cho chúng con biết ôm lấy thập giá đời mình và bước theo dấu chân hy vọng của Chúa như Mẹ Maria, như Madalena và như người trộm lành… để đến ngày sau cùng, chúng con cũng được sống lại với Người trong vinh quang. Amen.

 

NƠI THỨ MƯỜI BA

THÁO XÁC CHÚA GIÊSU XUỐNG KHỎI

THẬP GIÁ

Lời Chúa

Tin Mừng theo thánh Lu-ca

“Ông Giô-xếp hạ xác Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. Hôm ấy là áp lễ, và ngày sa-bát bắt đầu ló rạng.” (Lc 23,53-54).

Suy niệm

Bóng chiều dần buông, thập giá vẫn trơ trọi giữa ngọn đồi hoang lạnh. Chúa Giêsu đã tắt thở, nhưng lòng những kẻ yêu mến Ngài vẫn quặn đau như thể lưỡi gươm vẫn đang xuyên thấu trái tim. Giuse Arimathia can đảm xin được hạ xác Chúa và đặt vào vòng tay Mẹ Maria. Mẹ nhìn Con với nỗi đau xé nát tâm can, nhưng Mẹ cũng thấy trọn vẹn hành trình của tình yêu, thấy những dấu chân hy vọng mà Con Mẹ đã để lại cho nhân loại.

Ngày hôm nay, nhân loại vẫn còn đó những Canvê, nơi những bàn tay run rẩy đón lấy xác người thân yêu đã gục ngã trong bão lũ, động đất, chiến tranh và thiên tai. Trên các nẻo đường, trong những bệnh viện, vùng chiến sự hay bên bờ biển lạnh lẽo, vẫn có những ánh mắt đầy tuyệt vọng tìm kiếm một sự an ủi, một vòng tay nâng đỡ giữa cơn khổ đau cùng cực.

Năm Thánh Hy Vọng mời gọi chúng ta sống niềm hy vọng bằng một tấm lòng biết đồng cảm với những đau khổ của tha nhân, biết lắng nghe những tiếng lòng khắc khoải của những người đang mất phương hướng, biết hiện diện bên cạnh một ai đó trong cơn thử thách, vì như Đức Thánh Cha nói “hy vọng không thể tồn tại trong sự cô lập, nhưng lớn lên trong tình liên đới”

(Thinh lặng giây lát…)

Cầu nguyện

Lạy Chúa, giữa những mất mát và đau thương, xin cho chúng con biết tìm đến Mẹ Maria để học nơi Mẹ sự kiên vững trong thử thách, sự âm thầm đón nhận thánh ý Chúa và niềm hy vọng vào sự sống đời đời. Xin cho chúng con biết nâng đỡ nhau trong những nỗi đau của cuộc đời, để không ai phải cô đơn trong những mất mát của mình. Amen.


NƠI THỨ MƯỜI BỐN

CHÚA GIÊSU ĐƯỢC AN TÁNG

TRONG MỘ

Lời Chúa theo thánh Gio-an

“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12,23-24)

Suy niệm

Cánh cửa mồ khép lại, một nỗi u buồn bao trùm lên những kẻ đã từng tin yêu và bước theo Thầy.

Hành trình của Đức Kitô không dừng lại nơi nấm mồ. Như hạt lúa mì rơi vào lòng đất, Người đi vào cõi chết để từ đó nảy sinh sự sống mới (x. Ga 12,24) cho nhân loại. Ngôi mộ không phải là dấu chấm hết, mà là khởi đầu của niềm hy vọng. Đây chính là dấu chân hy vọng cuối cùng khẳng định rằng; trong Thiên Chúa, sự sống và hy vọng sẽ luôn chiến thắng.

Mỗi người chúng ta đều có những "ngôi mộ" của thất vọng, đau khổ và mất mát, tuy nhiên “niềm hy vọng phát sinh từ tình yêu và dựa trên tình yêu tuôn trào từ Trái tim Chúa Giêsu bị đâm thâu trên thập giá” (Spes non confundit, số 3) chính là nguồn sức mạnh làm cho sự sống phục sinh. Như Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh “vì tình yêu của Thiên Chúa là sự sống, và sự sống của chúng ta luôn là sự sống trong Ngài.” (Tông huấn Fratelli Tutti). Hy vọng và sự sống của chúng ta đến từ tình yêu vô biên của Thiên Chúa, và chính tình yêu ấy cũng sẽ đưa chúng ta vượt qua mọi đau thương, mở ra một tương lai mới đầy ánh sáng và hy vọng.

Lời Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,Chúa đã đi vào cõi chết để mở ra cho chúng con một khởi đầu mới. Xin ban cho chúng con lòng kiên nhẫn chờ đợi và vững tin vào tình yêu Chúa. Khi đôi chân mỏi mệt, xin nâng đỡ chúng con bước tiếp. Khi tâm hồn xao động, xin gìn giữ chúng con trong bình an. Và khi đức tin chao đảo, xin nhắc nhớ chúng con rằng Chúa đã chết và đã sống lại vì chúng con, để chúng con biết gieo trồng tình yêu giữa những thăng trầm cuộc sống, hầu một ngày kia chúng con cũng được sống lại với Chúa trong vinh quang muôn đời. Amen.

Lời nguyện kết thúc

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã dẫn dắt chúng con qua 14 chặng đường thập giá. Trên con đường này, chúng con đã chiêm ngắm sự tự hiến trọn vẹn của Chúa và nhận ra ánh sáng Phục Sinh đang le lói ngay giữa bóng tối của sự chết.

Hành trình thập giá không chỉ là một câu chuyện xưa cũ để hồi tưởng, nhưng là con đường chúng con vẫn đang bước đi mỗi ngày trong niềm tin và hy vọng mà Giáo hội mời gọi trong Năm Thánh này. Xin đừng để chúng con chỉ xúc động trong giây lát rồi quên lãng, nhưng biết để tâm tình của Chúa thấm vào từng bước chân đời mình, giúp chúng con thêm yêu mến Chúa, để từ đó gắn bó hơn với Giáo hội và trở thành chứng nhân của niềm hy vọng giữa lòng thế giới hôm nay. Amen.

 

Đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính




Tải File tại đây