ĂN VÀ UỐNG
Ngày thứ nhất trong tuần lễ Bánh Không Men, Đức Giêsu và các môn đệ ăn lễ Vượt Qua. Đức Giêsu ăn bữa cuối cùng với các môn đệ, đây không chỉ là bữa ăn bình thường mà là ăn tiệc Vượt Qua. Theo truyền thống Kinh Thánh, lễ Vượt Qua và lễ Bánh không Men là hai đại lễ khác nhau: lễ Vượt Qua được cử hành vào chiều ngày 14 Nisan và chính ngày lễ là ngày 15. Còn lễ Bánh Không Men bắt đầu ngày 15 Nisan và kéo dài 7 ngày. Nguyên thủy hai lễ khác nhau, nhưng vì cận kề nên lễ Bánh Không Men đã được gọi là lễ Vượt Qua, thời gian là bảy ngày bắt đầu từ đêm lễ Vượt Qua. Chiên và bánh không men là hai lương thực biểu tượng không thể thiếu của lễ mùa xuân, bởi cả hai nói lên sự sống mới, trong thiên nhiên, cây cối đâm chồi nẩy lộc vào mùa xuân.
Truyền thống quy định việc sát tế chiên bắt đầu ngay sau khi dâng hy lễ chiều ngày vọng, trước khi mặt trời lặn. Chúa Giêsu và các môn đệ có nhiều việc phải làm như tìm nơi thích hợp, giết chiên, chuẩn bị bánh không men, sắm các đồ dùng cho bữa tiệc. Dân cư tại thành thánh sẵn sàng giúp chỗ cho khách hành hương, nhưng hôm nay bối cảnh lại khác, Đức Giêsu nói các môn đệ đi chuẩn bị chỗ như đã được xếp đặt trước, hoặc Ngài nhìn thấy trước sự việc, các môn đệ được cho một dấu chỉ: một người mang vò nước, người này chẳng có gì đặc biệt vì không phải một người mà nhiều người thường mang vò đi lấy nước, vậy làm sao biết để hỏi chỗ để tổ chức lễ ? Chi tiết này cho thấy cuộc thương khó được tiên liệu đến từng chi tiết, Đức Giêsu biết và vâng phục; các môn đệ được người ta dành cho một phòng lớn trên lầu để ăn lễ đúng với lời Thầy của họ tiên báo.
Trong bữa tiệc, Đức Giêsu làm các việc:
- Cầm lấy bánh và rượu : đây có thể là một chiếc bánh lớn, sau đó được bẻ ra và chia cho những người cùng dự tiệc, do bánh đã được dâng tiến nên bánh mang lại phúc lành của Thiên Chúa. Chỉ có một tấm bánh bẻ ra cho muôn người, nghĩa là nhiều người. Máu đổ ra vì muôn người, nhắc đến Is 53,12 và đưa lại hành vi của chiều kích hy tế. Máu đó đổ ra cho nhiều người là cho tất cả, người Dothái cũng như ngoại giáo.
- Dâng lời chúc tụng: đây là bữa tiệc Vượt Qua hay tiệc bằng hữu, trong bữa tiệc phải có trước tiên là lời chúc tụng. Đức Giêsu đã đi từ "lời chúc tụng," đó là lời chúc tụng trên bánhrượu và đây là chén rượu thứ ba. Nhưng sau đó Ngài đã chuyển sang "dâng lời tạ ơn," nghĩa là eucharistein, để nói về tiệc Thánh Thể.
- Bẻ ra hay đổ ra: hành động bẻ ra là làm cho thành nhiều mảnh, vừa như một hy sinh phải chia sẻ, bẻ ra, mất đi, vừa như một kiểu hóa ra thành nhiều như việc hóa bánh ra nhiều để chia cho nhiều người. Đức Giêsu trao ban chính bản thân của Ngài và sẽ bị chết, sự hiện diện sẽ được cụ thể hóa trong bánh được bẻ ra, trong rượu được đổ ra cho mọi người ăn và uống.
- Trao ban: bánh và rượu được trao cho mọi người cùng ăn và uống, việc trao ban mình và máu như dấu chỉ trong bánh và rượu, những người dự tiệc uống cùng một chén rượu, ăn cùng một tấm bánh. Đức Giêsu ban cho con người mình và máu, nghĩa là toàn thể bản thân Ngài, để những ai ăn và uống cũng trở nên một thân thể. Việc làm đó sẽ được nhắc lại trong cái chết của Ngài trên thập giá.
Bánh là lương thực nuôi sống con người, và rượu làm phấn khởi lòng người, hai thức đó làm nên tiệc mừng trong niềm vui. Để sống, con người cần lương thực, khi ban chính mình Ngài là cho ta được hiệp thông với Ngài và với nhau để có sự sống viên mãn và niềm vui vĩnh cửu. Trong tình yêu sẽ có sáng kiến! Đức Giêsu hiện diện với con người mãi mãi qua bánh và rượu được truyền phép. Sự hiện diện vô hình để làm lương thực nuôi sống linh hồn con người. Cuối cuộc đời, Ngài đã chia sẻ bữa tiệc Vượt Qua, trong đó Ngài hiến chính bản thân mình, bữa tiệc như nhắc lại lịch sử dân Israel với Đức Chúa, Ngài đưa tới chỗ hoàn tất. Các môn đệ được chia sẻ bữa ăn với Ngài như cách hiệp thông riêng tư, nhưng rồi khi bánh và rược trao ban cho muôn người là cách để mọi người, mọi nơi và mọi thời được chia sẻ cách trọn vẹn như Đức Giêsu với các môn đệ.
Bằng cái chết của Đức Giêsu, Ngài đã đổ máu ra để thiết lập giao ước mới, tạo điều kiện cho con người được hiệp thông với Thiên Chúa cách vĩnh viễn. Ngài hiện diện hôm nay trong bánh và rược không phải là nỗi đau thương của thập giá, nhưng đó là dấu chỉ của tình yêu dâng hiến đến cùng, để những ai cùng ăn và uống bánh-rược này thì cùng hiệp thông trong Chúa và với nhau, hy sinh cho nhau như Chúa là mẫu gương!
Nt. Catarina Thùy Dung, O.P