PHẦN II
TÔI CHẤP NHẬN BỊ NGHI NGỜ
Ngày nay, một số người, trong đó có cả người Ki-tô hữu cho rằng: dám luận bàn về hy vọng là tiếp tay cho một sự lừa gạt, có thể là một sự dối trá tột bậc. Sự phản đối của họ biểu lộ dưới nhiều hình thức.
Loan báo một sự cứu độ bằng hy vọng, phải chăng là tạo cơ hội cho sự trốn tránh thực tại, đồng thời xúi bẩy người khác lảng tránh, bỏ cuộc ? Phải chăng sự mới lạ về tín ngưỡng của Ki-tô giáo là ở chỗ đã quyết định về ý nghĩa lịch sử không phải bằng một ý thức hệ mà bằng một sự nhập thể đã khởi sự rồi ?
Một số khác, trước Bonhoeffer, cùng thời hoặc sau ông, nghi ngờ các giáo sĩ đã đặt tôn giáo trong vòng vây kín của lo âu và bi quan, với chủ ý làm cho người đời thấy phải cần đến vị Thiên Chúa của giới giáo sĩ ấy. Thượng Đế đã trở thành một thứ để làm vì, để lấp vào những thiếu sót của con người, và như vậy thì hy vọng chỉ còn là một thứ an thần ru ngủ thêm vào mớ thuốc sẵn có !
Anh chị em hãy nhớ lại sự nghi ngờ đó đã biểu lộ thế nào nơi người cùng thời với chúng ta. Sau đây là lời thú nhận của Albert Camus, một trong những người Pháp được giải Nobel mới đây:
“Bạn có biết truyền thuyết về thánh Dimitri không ? Ông được chính Thiên Chúa hẹn cho gặp Ngài trong vùng thảo nguyên. Trong khi vội vã đến nơi hẹn, ông gặp một người nông dân có chiếc xe ngựa bị sa lầy. Thế là thánh Dimitri liền giúp người ấy một tay. Bùn đặc quánh, chỗ lội lại sâu, phải vật lộn một giờ đồng hồ mới kéo được chiếc xe lên. Xong xuôi, thánh Dimitri chạy vội đến nơi hẹn. Nhưng Thiên Chúa không còn ở đó nữa”. ( Trích kịch bản “Những người công chính” hồi IV ).
Người đời tưởng tượng thái độ người Ki-tô hữu như thế này: mong ước thiên đường, mong ước được gặp Thiên Chúa, rảo bước băng qua đồng cỏ hoang và gặp những khó khăn thường ngày, nhưng đến nơi hẹn thì chẳng còn ai. Nếu đúng thế, chúng ta sẽ bị nghi ngờ là tìm cách làm cho kẻ khác tin có một Đấng ở đàng kia, cứ hy vọng gặp được Đấng ấy, mà thật ra, chỉ có hư không !
Thưa anh chị em, hy vọng có phải chỉ là chạy tới hư không chăng ? Tôi xin đưa ra câu đáp: Phải, tất cả những ai e ngại rằng hy vọng làm cho con người thành ra nhu nhược hoặc thoát tục xuất thế, thì những người ấy hoàn toàn có lý ! Thế nhưng, họ đã lầm về loại hy vọng ! Niềm hy vọng nào mà lại tách rời trần thế khỏi vĩnh cửu, hoặc chỉ mua lấy một trong hai cõi, thứ hy vọng ấy chẳng có chút tính chất nào của Ki-tô giáo cả !
Trước khi trả lời những người phản đối, tôi xin nói: Được, tôi hoàn toàn chấp nhận bị nghi ngờ, nhưng với điều kiện tôi chịu mang tiếng là bị nghi ngờ chỉ vì nhân danh niềm hy vọng đích thật mà thôi, chỉ vì tôi không chịu tách rời thế gian khỏi thiên đường, chỉ vì tôi không chịu hy sinh đời nọ cho đời kia. Đối với tôi, chối bỏ đời này hoặc chối bỏ đời sau, đều là có tội !
Người ta không có quyền nhân danh niềm cậy trông Ki-tô giáo để dứt bỏ niềm hy vọng trần thế khỏi tâm hồn con người. Dù không thể nói rõ sự giải thoát của chúng ta sẽ được thực hiện bao giờ và cách nào, chúng ta cũng vẫn có một nhu cầu – một nhu cầu cấp bách như điên – chúng ta cần biết rằng ngay từ bây giờ, khía cạnh quá gớm ghiếc của sự độc dữ có thể tiêu tan. Người ta không có quyền bắt buộc chúng ta lìa bỏ cuộc chiến này.
Niềm cậy trông đích thật Ki-tô giáo không những không được quyền phủ nhận hy vọng trần thế, mà còn phải yểm trợ cho nó nữa ! Chính vì Thiên Chúa không bỏ mặc chúng ta nên Ngài đòi chúng ta phải ước mong sao cho không còn tai ương thảm họa trên trái đất này, và phải ước mong như vậy cho đến cùng. Người ta không có quyền giết chết niềm hy vọng đó. Tất cả lịch sử dân Do-thái thời Cựu Ước cho thấy như vậy, chính nhân dịp nhậm lời niềm hy vọng của trần thế mà Thiên Chúa đã dạy cho dân Ngài biết cậy trông. Bỏ rơi đời này cho bóng đêm tăm tối để chỉ hy vọng ở đời sau có lẽ không phải là chước cám dỗ nhẹ nhất đã đến với một Luther !
Nhưng ngược lại, những ai viện lẽ phải thiết kế hoạch định để xây dựng tương lai – những ai đưa ra lý do cần mô tả tường tận về những “ngày mai liên hoan ca vũ” để đả kích niềm hy vọng vào một đời sau, một niềm hy vọng nhiều khi chưa hình thành trong tâm khảm con người – những kẻ ấy chỉ hy vọng vào trần thế, họ cũng có tội không kém !
Thật vậy, trái với những nhà thần học chủ trương Thiên Chúa đã chết và những nhà lý thuyết ru ngủ dân chúng, chính là những kẻ cố tình trục xuất ý niệm về một đời sống vĩnh cửu, vì ý niệm đó là một niềm an ủi cho những ai đã mất hết hy vọng vào cõi trần gian – tôi xin tuyên bố rằng: ngược lại mới đúng. Tâm hồn chúng ta đồng thời cần có một niềm hy vọng cho đời này và một niềm cậy trông vào đời sống mai hậu, bởi không thể có được, tuyệt đối không thể có được hạnh phúc dưới thế này nếu vắng bóng một niềm cậy trông sắt đá vào sự sống đời đời. Chúng ta hãy nhắc lại với nhau một lần nữa rằng niềm cậy trông mang tính chất Ki-tô giáo chính là nó độc chiếm !
Như vậy, tôi chấp nhận bị nghi ngờ, nhưng phải là nhân danh niềm cậy trông nói trên. Tôi biết rõ, tín đồ của Đức Ki-tô luôn luôn bị nghi ngờ, y như các vị ngôn sứ của dân Do-thái ngày xưa bị nghi ngờ vì đã từ chối không muốn kết giao với người Assyrie và người Ai Cập, lý do vì niềm cậy trông và Thiên Chúa của các ngài thì cao trọng hơn là niềm cậy trông và các thần linh của bất cứ một dân tộc nào khác !
Phải, chúng ta sẽ bị nghi ngờ như các tông đồ bị nghi ngờ ở Giê-ru-sa-lem, ở Ê-phê-xô, ở A-ten, hay ở Rô-ma khi các ngài “không thể không nói” về Đức Ki-tô, và bởi thế, rất dễ bị tống ngục. Phải, chúng ta bị nghi ngờ như thế hệ Ki-tô hữu tiên khởi vì họ đã từ chối không nhìn nhận rằng đời sống và định mệnh nhân loại nằm trong tay một kẻ nào đó, một con người không hơn không kém, cho dù đó là một vị hoàng đế đi nữa. Họ bị nghi ngờ là chống báng các thần linh, là vô thần, là đã làm “vỡ mộng” nhiều người. Đối với họ, một người nào đó không thể là chúa tể tuyệt đối của định mệnh.
Nhiều thế kỷ sau, thời Cách Mạng Pháp, người ta đã không lầm khi tìm cách rút gọn Giáo Hội thành một bộ máy phục vụ chính trị; người ta cũng không lầm khi biểu quyết năm 1793 “đạo luật chống những kẻ bị tình nghi”, tức là những kẻ nhân danh đức tin của mình không chấp nhận một thứ Giáo Hội của Nhà Nước !
Và bước vào thế kỷ 20 này, giới giáo sĩ bị tình nghi đến độ bị “trục xuất” khỏi một số lãnh vực hoạt động. Thời tình nghi và bách hại chưa xa lắm đâu, thế mà người ta đã quên rồi. Chúng ta biết rằng ngày nay vẫn còn có những Ki-tô hữu bị tình nghi tại nhiều nơi, nhưng bao giờ cũng là vì lý do nói trên mà thôi !
Phải, quy luật của niềm cậy trông Ki-tô giáo là “làm vỡ mộng”, là không chấp nhận rằng cuộc sống và lịch sử chỉ nằm gọn trong giới hạn trần thế. Mà theo lập luận cho lô-gích, hễ cứ cậy trông là tất nhiên bị tình nghi, lý do vì chúng ta đã từ chối không chịu rút gọn mục tiêu và chung điểm đời sống vào một đảng, một thần tượng, một hệ thống, cho dù đấy là những điều được người đời coi trọng nhất.
Phải, chúng ta mãi mãi bị tình nghi là đã lấy danh nghĩa cậy trông để phản kháng mọi thứ ý thức hệ, mọi thứ mong đợi vị cứu tinh hạ giới, mọi phương cách thoát ly thực tại – chỉ vì niềm cậy trông luôn luôn bắt buộc chúng ta phóng tầm mắt quá cả chân trời của con người để tìm hiểu về chính cái chân trời ấy.
Sự nghi ngờ nói ở đây quả là một cơ may đem lại phúc lợi cho chúng ta. Lẽ ra nó phải làm cho chúng ta vui mừng. Chẳng phải nó đang nắm giữ bằng chứng rằng niềm cậy trông của chúng ta trước hết là một niềm hy vọng tràn đầy nhân tính, lại cũng đích thật là một niềm hy vọng tràn đầy tính tôn giáo đó sao ? Và một khi bị tình nghi – theo nghĩa bị tình nghi vì không muốn bỏ đi một trong hai chiều kích hy vọng của mình – người Ki-tô hữu có thể tự nhủ rằng mình được tác động bởi tính năng động từng mang lại chiến thắng vinh quang cho những người anh em đồng đạo của chúng ta trong dĩ vãng.
HAI PHƯƠNG PHÁP TIÊU DIỆT NIỀM HY VỌNG
MỘT CÁCH KHÔNG ĐAU ĐỚN
Trước khi tiếp tục, tôi muốn bàn thêm về sự phản đối của những người không đồng quan điểm, và cùng với anh chị em hướng nhìn ra xa hơn những cuộc tranh luận trí thức. Đối với một số người, trình bày với Thiên Chúa những nỗi khổ của mình là một điều “không vinh dự gì cho Ngài”, hoặc giả người ta có thể chỉ có một ý niệm hữu ích khả dụng về Thiên Chúa, tôi xin nói thêm: một ý niệm có thể tận dụng được - nhưng điều này không quan trọng, vì Tin Mừng, cũng như tâm hồn người nghèo, chẳng màng quan tâm đến điều đó.
Dân Chúa tiến bước, họ không dừng lại ở ý niệm thiển cận và vụ lợi đó, vì họ biết rõ Đức Ki-tô đã chết để đảm bảo với chúng ta điều này: Thiên Chúa đáp lời và chỉ đáp lời những ai cùng khổ, nhưng phải là sự cùng khổ ở đời này. Chúng ta hãy dừng lại ở điều sau đây quan trọng hơn.
Đáp lại những ai phản đối, chúng ta đưa ra lời phản đối ngược lại như thế này. Chúng ta không tự hỏi: Phải chăng cậy trông là một điều bất kính ? Nhưng chúng ta tự hỏi: phải chăng thái độ bất kính chính là ở chỗ đã ngại ngùng không dám cậy trông vì cậy trông là một điều khó làm, cho nên mới dừng lại nửa đường, chọn lấy những cách giải quyết nửa vời ? Chính những cách giải quyết nửa vời đó mới thật là khả nghi, đúng thế. Người ta biết những căn bệnh của hy vọng chính là chủ quan ảo tưởng và tuyệt vọng. Tôi muốn dùng những tên gọi khác.
Trước hết, đây là những thứ trầm trọng hơn cả bệnh tật, chúng là những phương cách giết chết hy vọng, tiêu diệt hy vọng một cách không đau đớn ( euthanasie ). Để tóm lược hai mối nguy cơ ấy đang uy hiếp chúng ta bất kể chúng ta là ai, tôi muốn gọi thẳng chúng là sự nổi loạn và sự từ nhiệm.
PHƯƠNG PHÁP THỨ NHẤT: GÂY HẤN VÀ CỐ CHẤP
Vì khó mà khắc phục nỗi lo âu, cho nên phản ứng bình thường của kẻ âu lo chính là nổi loạn.
Trong một tác phẩm thuộc vào những cuốn sách hay nhất của mình, nhà thần học danh tiếng người Anh Clive Staples Lewis tưởng tượng một cuộc đi dạo của một số danh nhân ở khoảng “giữa trời và đất”. Họ đang đền tội về những trò hiểm độc đã gây ra lúc sinh tiền. Tác giả thoáng nhìn thấy Napoléon đang nghiền ngẫm sự thất bại của mình trong một tòa nhà rất lớn kiến trúc theo kiểu thời Đế chính với hàng loạt cửa sổ.
Lewis mô tả cảnh đó như sau: “Ông ta đi đi lại lại, lúc nào cũng trái-phải, trái-phải, không dừng lại phút nào. Chúng tôi quan sát ông, nghe thấy ông lảm nhảm luôn miệng: “Chỉ tại Soult, chỉ tại Ney, chỉ tại Joséphine, chỉ tại quân Nga, chỉ tại quân Anh[1]...” Cứ thế không ngừng. Có lẽ ông ta không thể ở yên một chỗ.”
Anh chị em thừa hiểu, chẳng cần phải là Napoléon mới đi đổ tội lên đầu người khác. Ai lại không từng bị chước cám dỗ xui giục chỉ nên hy vọng bằng cách đấu tranh chống lại kẻ khác, lúc nào cũng luôn trong tư thế “chống” ? Đó là chước cám dỗ dễ đưa đến thảm họa diệt vong mà Ki-tô giáo đã mắc phải trong nhiều thế kỷ. Ngày nay, hơn bao giờ hết, ai lại không rơi vào cám dỗ ấy ? Nó trở lại tấn công chúng ta nhân danh những lý lẽ phân tích chính trị và kinh tế. Nó biến đổi lòng dạ con người thành ra chai đá và chia cắt nhân loại làm hai phe: người tốt – kẻ xấu.
Chước cám dỗ này có tên là tà thuyết thiện – ác nhị nguyên, theo đó, sự lành và sự dữ chỉ có thể kình chống đối lập nhau. Vậy, phải loại trừ phe tà vì đương nhiên là chúng ta ở phe chính nghĩa ! Chỉ có thể đấu tranh chống sự dữ từ phía kẻ khác đến làm hại chúng ta, và có như thế mới giải thích được thế nào là hy vọng, đồng thời làm cho niềm hy vọng khôi phục được tính năng động của nó.
Phải, đó là chước cám dỗ ghê gớm tột bực. Viện lẽ việc đi tìm sự thiện quá khó khăn nên người ta rút về cố thủ chiến đấu chống lại sự ác. Tôi không hy vọng vào hạnh phúc nữa, nhưng tôi lại đã tìm ra đâu là sự dữ tối độc ( le mal souverain ). Tôi dùng đời tôi để chiến đấu chống sự dữ ấy. Cuộc chiến đấu chống sự dữ ắt sẽ đem lại ý nghĩa cho đời tôi. Như vậy, sẵn có một bọn xấu xa trước mặt, nhờ chúng mà tôi có thể ngỡ mình đang hiện sinh. Thật là tội nghiệp cho niềm hy vọng !
PHƯƠNG PHÁP THỨ HAI: TỪ NHIỆM VÀ PHI LÝ
Phương pháp thứ hai để tiêu diệt hy vọng cách không đau đớn là chối bỏ trách nhiệm. Chúng ta trích dẫn một cuốn tiểu thuyết của một nhà văn hiện đại.
Nhân vật chính trong truyện là một con người hào hiệp, thậm chí đi thăm các trại giam để giải phóng những kẻ đau khổ. Nhưng một ngày kia, người ấy gặp một thiếu nữ và bị nàng chất vấn: “Ông nói cho tôi hay, nền trật tự tư bản của ông là gì mà ông muốn tôi quay về với nó ?” Nhà nghĩa hiệp chủ trương cứu vớt đồng loại chỉ biết trả lời: “Này chị, chị tự cho mình là ai mà dám hỏi về ý nghĩa đời sống ? Tôi đây, tôi có dám thế không ? Tôi không nghĩ xa như thế, tôi làm công việc của tôi, tôi không đòi hỏi gì hơn.”
Thưa anh chị em, không cần phải là một chiến sĩ đấu tranh cho thuyết phi lý thì mới để cho niềm cậy trông của mình chết đi như vậy. Mỗi người chúng ta, trong lúc hành động, phải chăng đã nhiều phen bị đẩy đến chỗ mặc cho hy vọng của mình tiêu tan. Mỗi khi chúng ta thắc mắc “ta tự cho ta là ai ?” thì đúng là tự tiêu diệt niềm hy vọng của mình mà không cảm thấy đau xót vì còn mải chú ý đến khía cạnh chúng ta ngỡ là một “hành động chân chính”.
Lúc đó, chước cám dỗ sẽ thì thầm: “Này bạn, bạn liều thật đấy ! Dám đặt một câu hỏi như thế phải chăng vì tự phụ vốn là thái độ không thể nào chấp nhận được – hay là vì tinh thần còn quá ấu trĩ ? Người ta đã chịu không dám tự chất vấn như thế, vậy thì bạn cũng nên dẹp bỏ ý nghĩ ấy đi. Đàng nào thì cũng là việc quá khó, có thể là phi lý nữa đấy ! Bạn đừng có mà tìm kiếm, đừng có mà mong đợi một điều vượt quá sức của bạn...”
Đấy chính là giọng lưỡi hiểm độc của chước cám dỗ thứ hai.
Phẫn uất nổi loạn hay là chịu thua định mệnh – nghiệt ngã cố chấp hay dửng dưng lãnh đạm – công kích gây hấn hay chạy trốn trách nhiệm – bao giờ người ta cũng có những lý do rất vững để giết chết niềm hy vọng. Nếu tất cả tương lai của lớp người ngoài lục tuần chỉ còn là chuẩn bị ra đi vĩnh viễn, thì quả là một trò đùa tàn nhẫn và phi lý. Một trò hề ! Nếu vậy, phải nổi loạn ! Hoặc là từ khước tất cả, hoặc là hoạch định tất cả, và rồi vạch ra những chương trình phương án hầu mưu tìm phúc lợi cho mình.
[1] Chú thích của người dịch: Soult và Ney là hai viên thống chế, còn Joséphine là vợ trước đã bị ly dị của Napoléon. Ông ta bị liên quân Anh-Nga-Phổ đánh bại ở trận chiến Waterloo, do đó mất ngôi, rồi bị giam tại một hòn đảo nhỏ cô quạnh giữa Đại Tây Dương và chết ở đây.