CẬY TRÔNG BẤT CHẤP TUYỆT VỌNG
NHỜ TIN VÀ YÊU
( REMERCIER DIEU D’ÊTRE SANS ESPÉRANCE )
DẪN NHẬP
“SỰ THÁNH THIỆN LÀM TÔI GHÊ TỞM”
Jean Paul Sartre có đưa ra một định nghĩa: “Thánh nhân là một người chết, họ sống giữa thế gian mà như ở ngoài trần thế. Giáo Hội vẫn còn phong thánh, nhưng làm một cách uể oải. Ngay cả các giáo hữu cũng lờ mờ cảm thấy các thánh nay đã thuộc về quá khứ. Sự thánh thiện, cùng với lối ngụy luận, thuật hùng biện và tính khắc khổ sầu muộn, tất cả làm tôi ghê tởm. Ngày nay, sự thánh thiện chỉ còn mỗi một công dụng là giúp cho kẻ ác ý lý luận sai mà thôi !”
Tôi xin trả lời: Phải, Sartre có lý, nhưng với điều kiện là sự thánh thiện không những có thể mà còn phải làm chúng ta ghê tởm nếu lúc sinh thời các thánh không có chút hạnh phúc nào, nếu các ngài đã không tạo thêm hạnh phúc gì cho nhân loại. Nếu đúng thế thì Sartre có lý, bằng không thì ông đã rơi về phía bất hạnh !
Vấn đề đặt ra cho chúng ta hôm nay là: những vị Giáo Hội tuyên dương là thánh thiện có điều gì để nhắc nhở chúng ta trước sự tuyệt vọng không ? Hoặc chúng ta có nên có thái độ ghê tởm đối với các Thánh hay không ? Trong dịp suy niệm trước, tôi có nhắc lại rằng: các nhà thần bí chỉ là những người đã vượt qua đường vòng thứ ba của hy vọng. Hôm nay chúng ta suy gẫm về tấm gương cao cả của một vị Thánh được Thiên Chúa ban hồng ân đặc biệt. Hơn bất cứ gương sáng nào khác, hạnh Thánh sau đây là trọng tâm suy niệm cho chúng ta.
Một thiếu nữ được phong Thánh trước đây 50 năm. Những nhà viết tiểu sử Thánh Nữ do dự vì phải lựa chọn giữa hai chân dung, cả hai dường như đều không phản ánh sự thật. Người thân cận xem Thánh Nữ như một “thiên thần bé nhỏ”, một bông hoa xanh của lòng sùng tín. Một số nhà viết tiểu thuyết hoặc tiểu sử lại cho rằng đây là một con người đã phải quỵ xuống dưới những thử thách chồng chất, là vị tiên phong của một nếp sống phi lý. Thật vậy, thiếu nữ mà một vị Giáo Hoàng tuyên dương là vị Thánh cao trọng nhất thời hiện đại, con người đó là cả một sự mâu thuẫn. Đời sống Thánh Nữ không thể chỉ quy cho lòng sùng đạo, cũng không thể quy cho thuyết hiện sinh. Có lẽ phải cần có một chút điên khùng của hy vọng mới hiểu nổi con người ấy, thứ điên khùng gặp thấy trong vòng thứ ba của hy vọng.
Chúng ta dừng lại đây để chiêm ngưỡng con đường hy vọng do Thánh Nữ Tê-rê-xa thành Lisieux.
Giả sử anh chị em nói rằng Thánh Nữ làm cho anh chị em ghê tởm, tôi sẽ xin hỏi thế này: phải chăng, một cách thầm kín, anh chị em đã từ chối không dám thú nhận rằng Thánh Nữ làm anh chị em sợ ?
Do ơn quan phòng của Thiên Chúa, chứng liệu của Thánh Nữ ở ngưỡng cửa thời đại nguyên tử nhắc cho chúng ta nhớ: tất cả mọi người đều được Thiên Chúa mời gọi, nhất là trong những giây phút chúng ta bị tước đoạt tất cả, tay trắng, yếu đuối hoặc tội lỗi. Đúng thế, một cách thầm kín, Thánh Nữ đã làm chúng ta sợ. Giả sử Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta rất nhiều như Người từng đòi hỏi nơi Thánh Nữ thì chúng ta biết làm sao bây giờ? Tốt hơn, có lẽ không nên đào sâu vấn đề.
“TÔI ĐÃ TRÔNG THẤY MỘT ĐẤNG THÁNH TỪ TRẦN”
Suy niệm về Thánh Nữ Thánh Nữ Tê-rê-xa thành Lisieux ư ? Tìm hiểu chứng liệu của chị có còn là một công việc ý nghĩa hay không ? Tôi xin trích dẫn ba ý kiến:
Trước hết, chúng ta hãy nghe nhận xét của một giáo sư đại học Sorbonne, một bậc thầy về ngành sử học hiện đại. Ông viết: “Nhìn Thánh Nữ sống trong đau khổ, chìm dần vào cõi chết, cái nhìn đó giúp con người thời nay nhận ra bóng dáng Đức Tin, Đức Tin Ki-tô giáo đích thật.”
Tiếp đến là nhận định của Bernanos, nhà văn từng dùng làm sách gối đầu giường một tác phẩm ghi lại những lời sau cùng của Thánh Nữ Tê-rê-xa thành Lisieux. Ông nói: “Chính mắt tôi đã trông thấy một đấng thánh từ trần. Quả thật, không như người ta tưởng, không như đã mô tả trong sách vở. Chứng kiến cảnh lâm chung đó, chúng ta thấy tâm can mình bị chấn động, phải cố gắng lắm mới tránh không bị nao núng.”
Sau hết, trước khi tìm hiểu về Thánh Nữ Tê-rê-xa thành Lisieux, tôi xin đơn cử người chứng thứ ba, văn hào A. Siniavski. Ông không trực tiếp nói về Thánh Nữ, tuy nhiên ý kiến sau đây của ông là một diễn từ tuyệt tác về phương diện chủ yếu của sự thánh thiện Ki-tô giáo, có lẽ được đời sống Thánh Nữ minh họa cách đặc biệt. Là một văn hào lớn người Nga hiện đại, lại từng là người mác-xít, đã mang án khổ sai, hiện đang sống tại Pháp và dạy học, ông viết:
“Trong các tôn giáo, Ki-tô giáo thủ vai một tiểu đoàn xung kích, vai một đại đội trừng giới bị ném vào chốn dầu sôi lửa bỏng nhất mặt trận. Quý vị hãy dõi nhìn theo những vị anh hùng Ki-tô giáo đó. Trong đội ngũ của họ, hạng khôn ngoan không có bao nhiêu. Tiểu sử họ là một chuỗi dài những cuộc tuẫn đạo và tử vong của một đoàn quân noi gương Thiên Chúa của họ.
Đó là những chiến sĩ phô bày trước thế gian những vết sẹo và thương tích như những dấu hiệu vinh quang. Được xung vào đội ngũ này là những kẻ thuộc mọi dân tộc, là đám người hạ lưu, lại có cả bọn trọng phạm nữa, nhưng tất cả đã nhận lấy thập giá. Bất cứ ai cũng được gia nhập, kẻ dốt nát cũng như kẻ tội lỗi, miễn là sẵn sàng nhẩy vào lửa.
Đó là tôn giáo của niềm hy vọng lớn nhất phát sinh từ tuyệt vọng. Không một tôn giáo nào lại có sự tiếp xúc mật thiết nhất với tử thần như Ki-tô giáo. Mà không phải là họ không biết sợ. Họ không chiêm ngưỡng vĩnh cửu, nhưng họ chiếm lấy vĩnh cửu bằng cách phấn đấu với vũ khí duy nhất, đó là lòng sẵn sàng chịu chết.”
Quả thật, trang tuyệt bút này có thể áp dụng cho Thánh Nữ Tê-rê-xa thành Lisieux. Vậy, chúng ta hãy tiến bước trên con đường hy vọng mà Thánh Nữ đã chỉ cho chúng ta.
PHẦN I
BƯỚC TIẾN VẠN NAN
“Tiến lên, tiến lên, chúng ta hãy vui mừng về sự chết, nó sẽ đem đến cho chúng ta không phải điều mình mong ước, mà sẽ đem lại một đêm tối dày đặc hơn nữa, đêm tối của hư vô.”
Những giòng chữ trên là của ai vậy ? Của một triết gia nổi loạn chăng ? Hay của một nhận vật tuyệt vọng mà kịch bản thời nay mới dàn dựng ? Hoặc của một kẻ nghiện ma tuý đang choáng váng trước cơn ám ảnh sẽ tự sát ? Không, đó là những dòng chữ Thánh Nữ Tê-rê-xa thành Lisieux đã viết trên giường bệnh ngày 9.6.1897, ba tháng trước khi qua đời. Thánh Nữ viết tiếp: “Tôi không muốn dài lời vì sợ lộng ngôn phạm thượng, tôi e đã nói quá nhiều.” ( Ms C, 7 ro )
Chứng liệu của Tê-rê-xa chứa đựng một lời giải đáp, có lẽ đây chính là tặng phẩm quý nhất Thánh Nữ đã gửi lại cho chúng ta. Đối với Tê-rê-xa, đây là thành quả của cuộc phấn đấu trước tử thần cho đến lúc tắt hơi. Thánh Nữ ân cần nhắn nhủ mọi người hãy nói đến cuộc phấn đấu của chị, hãy nói đến “thông điệp” chị muốn gửi lại cho hậu thế. Tê-rê-xa đã trả một giá đắt cho quyền nói về cuộc phấn đấu ấy.
Nếu chúng ta cho rằng cuộc đời đầy thử thách của Thánh Nữ chỉ là “con đường nhỏ” tức là chúng ta đã làm loãng đi tính chất cao cả của thử thách chị đã phải chịu. Chính Thánh Nữ đã nói rõ: “Chúa gửi đến cho tôi thử thách, Người không cần sửa đổi con đường tôi đi” ( Ms C 31 ro ). Khám phá thiên tài mà Tê-rê-xa làm được đã giúp chị sống và đảm nhận trọn vẹn, nói đúng hơn, sẵn sàng đảm nhận trọn vẹn mọi thử thách.
Tê-rê-xa đã nêu gương sáng cho tất cả chúng ta, không những chỉ chịu đựng mà còn sống trọn vẹn kiếp sống với tất cả sự thật và tất cả cường độ của kiếp làm người. Đó là thành quả đẹp nhất mà Đức Ki-tô để lại cho chúng ta trước đám chúng sinh không nhìn nhận Người và trước cả sự chết. Trong lúc chịu đóng đinh trên thập giá cho chúng ta được Ơn Cứu Rỗi, ngước nhìn lên Đức Chúa Cha và đối diện với nhân loại anh em của Người, Đức Ki-tô đã kêu lớn: “Chúa ơi, Chúa ơi, sao Chúa bỏ con ?”
Thật vậy, Thánh Nữ Tê-rê-xa cũng đã kêu lên như thế, chị cũng gửi đến cho chúng ta một thông điệp, một tặng phẩm tương tự. Chị đã tặng cho chúng ta niềm hy vọng bất chấp tuyệt vọng, hoặc như chị nói, tặng cho chúng ta con đường nhỏ của chị, con đường của niềm tin.
Nhưng xin lưu ý: vì ngôn từ có thể phản bội ý niệm. “Con đường nhỏ”, “tâm hồn bé nhỏ”, “sự bé mọn”... là những từ ngữ dễ khiến người ta hiểu lầm nếu cho rằng đó là những điều dễ thực hiện.
Chấp nhận kiếp sống đến cùng là việc không dễ mà cũng chẳng khó ! Không khó là vì ai cũng chấp nhận được, cả lúc cuộc sống tỏ ra quá khốc liệt. Nhưng không dễ là vì tin cậy đến cùng giữa đêm tối chập chùng là một điều làm chúng ta chóng váng. Thái độ ấy cuốn hút tất cả đến một vực thẳm, đó là: chấp nhận theo chân Đức Ki-tô, thưa “vâng”, đi cho đến cùng bởi tin chắc rằng mình được Thiên Chúa thương yêu.
Thật là ngược đời, tất cả mọi cái trong đời Thánh Nữ Tê-rê-xa đáng lẽ phải dẫn đến tuyệt vọng, thế mà, chị đã sáng tạo và tái sáng tạo con đường đưa đến vòng cuối cùng của hy vọng.
“CON ĐƯỜNG NHỎ”
Tiến trình suy tư của Thánh Nữ Tê-rê-xa khởi đi từ một nhận định kép mà tất cả chúng ta đã biết rõ:
1. Trước hết, chị phát hiện rằng mình ấp ủ một hoài bão: ao ước thương yêu và khao khát làm việc lành phúc đức, một ước nguyện vô biên, không dứt bỏ được.
2. Đồng thời chị cũng nghĩ: Thiên Chúa muốn cho mình nên thiện hảo. Để đạt tới đích, phải leo lên một chiếc thang, vậy mà chị lại thấy mình không sao bước lên bậc đầu tiên được. Chị viết:
“Mỗi khi tự so sánh với các thánh, tôi nhận thấy giữa các đấng và tôi có sự khác biệt, giống như một đỉnh núi cao ngất khác xa một hạt cát hèn mọn bị khách qua đường dày đạp.” ( Ms C 2 vo ) “Các thánh đã làm được những điều trọng đại vì các ngài là những con phượng hoàng. Lạy Chúa Giê-su, con hèn mọn quá, con không thể làm được những điều trọng đại.” ( Ms B 5 vo )
3. Tiếp đến là những cơn cám dỗ, y như chúng ta từng gặp phải. Bất bình vì người chung quanh không hiểu mình. Chán nản khi nghĩ rằng những ước nguyện tốt đẹp rồi sẽ qua đi. Sau hết là thái độ kiêu hãnh, gây hấn: bất kể khó khăn, ta sẽ tới đích, rồi họ sẽ thấy ! Suy luận của Tê-rê-xa được gói ghém trong những lý lẽ rất vững: cố gắng làm được như bà chị và cô em của mình, đó là trở nên thiện hảo. Và như người ta nói, Tê-rê-xa đã tham dự giải vô địch thế giới về môn thánh thiện !
4. Tê-rê-xa đạt tới không phải quyết định đầu tiên. “Thay vì chán nản, tôi tự nhủ: chẳng lẽ Chúa lại đi soi sáng cho tôi ước nguyện những điều không thể thực hiện nổi ? Vậy thì, mặc dù thân phận hèn mọn, tôi vẫn có thể ao ước đạt tới thánh thiện.” ( Ms C 2 vo ).
Trước những thất bại và những cơn cám dỗ, sở dĩ Thánh Nữ còn giữ vững được hoài bão là bởi các ước nguyện của chị không phát sinh từ ý muốn riêng, mà chính từ nơi Thiên Chúa. Như vậy, ước nguyện không thể nào lại không thực hiện nổi. Điều phát hiện đó đồng thời giúp chị đi tới kết luận: không phải cứ suy tưởng là biết được bản ngã trung thực của mình, mà phải nhờ vào ơn Thiên Chúa soi sáng. Và Tê-rê-xa bắt đầu tập phó thác mình trong tay Chúa về mối băn khoăn này. Thế nhưng, đây mới chỉ là bước đầu.
5. Giai đoạn tiếp, Thánh Nữ lại vấp phải những thất bại, thấy mình càng bất tài bất lực hơn nữa trong những cái gắn bó nhất, trong những tình cảm thiết tha rất chính đáng là gia đình, ơn gọi và cuộc đời của chị.
Trước hết là chuyện bi thảm của thân phụ. Ba tháng sau ngày chị gia nhập tu viện Cát Minh, thân phụ chị lâm bệnh, bị coi là mất trí, phải đưa vào bệnh viện tâm thần. Người ta đàm tiếu, thậm chí, người ta đặt vấn đề có nên tiếp tục tin tưởng một thiếu nữ có người cha mất trí hay không. Kế đó là những khó khăn rắc rối đến với bà chị và cô em của Tê-rê-xa. Cô em đã là tu viện trưởng trong khi người chị chỉ mới vào nhà tập.
Đáng kể nhất là tâm trạng hoang mang của chính Tê-rê-xa, chuỗi dài những tháng ngày phấn đấu, chịu những thử thách về Đức Tin trong cảnh cô tịch của Dòng Tu Kín, những cám dỗ mãnh liệt nhất không buông tha chị dù khi chị đã lâm phải căn bệnh hiểm nghèo, thậm chí, ngay cả trong lúc lâm chung, qua cơn hấp hối thuộc loại cực kỳ đau đớn nhất. Lúc này, Tê-rê-xa không cần biết rằng mình có thất bại hay không trong việc thực hiện những điều trước kia từng mơ ước. Chị chỉ cốt kiên tâm chịu đựng ngày lại ngày trong bóng tối mịt mù.
Thật vậy, như nhiều người biết rõ, những khó khăn triền miên phải trường kỳ đối phó là: công việc hằng ngày, cách cư xử trong gia đình, những lo lắng cho con cái, tương lai mờ mịt, cảnh cô đơn, thái độ thờ ơ quên lãng, có thể là vô ơn nữa của người đời, những thất bại và đau khổ liên tiếp...
Chịu đựng khối thử thách đó mà vẫn giữ vẹn miềm thương yêu dịu hiền và tin cậy, Tê-rê-xa làm như thế ròng rã nhiều năm. “Dường như tối tăm dầy đặc nhạo báng tôi: mơ ước ánh sáng, mơ ước được hưởng tôn nhan Chúa trong vĩnh cửu, đừng tưởng thế là đã thoát được ra khỏi cảnh sương mù vây hãm. Không đâu ! Tiến lên, tiến lên, đây là đêm tối của hư vô !”
Tê-rê-xa còn viết tiếp: “Tôi nghĩ rằng, trong suốt một năm qua tôi đã làm chứng về Đức Tin nhiều hơn tất cả từ trước đến nay.”
Năm 23 tuổi, chị Tê-rê-xa thổ huyết lần đầu ngày thứ sáu Tuần Thánh. Chị hiểu rõ, có thể đây là triệu chứng tận số. Thế nhưng sau đó sức khoẻ chị lại phục hồi khả quan. Sang đến năm sau, ra mùa Chay thì bệnh lao phổi tái phát quyết liệt. Từ tháng 7, đồ khâm liệm chôn cất chị được chuẫn bị sẵn. Ngày 30 tháng 7, người ta tưởng chị không sống được qua đêm. Nhờ chút tàn lực, tới ngày 30 tháng 9, chị mới qua đời.
Xét cho cùng, chị Tê-rê-xa đã được điều trị bằng một đường lối thật đáng hãi hùng. Giáo sư Marrou tuyên bố: “Đó là một cách điều trị phản y học, vô công hiệu”.
Than ôi, thời đó thuốc men chỉ có thế thôi. Lao phổi lại kéo theo chứng lở loét đường ruột. Hoạt động tâm linh dường như ngưng đọng, người bệnh chỉ còn nước mong mỏi cái chết đến nhanh chừng nào hay chừng nấy ! Ngày này qua ngày khác, người ta chờ chị Tê-rê-xa tắt thở. Sau hết, chị đã trải qua cơn hấp hối buồn đau cùng cực trong cái u ám của nội tâm, chị chết trong cơn khát nước và ngộp thở.
6. Điều phát hiện cuối cùng: Thánh Nữ Tê-rê-xa hoàn toàn không còn gì để nương tựa, sức cùng lực kiệt, hoài bão xưa kia từng ấp ủ nay đã mất hết ý nghĩa. Thân phụ bị đưa vào điều trị chung với những người điên loạn, người cha thân yêu trở nên mục tiêu cho người đời thương hại khinh miệt, cảnh thương tâm đó làm chị mất hết ảo tưởng về lòng quý mến của người chung quanh, về danh dự gia đình.
Đối diện với tử thần, Tê-rê-xa có may mắn thoát khỏi nỗi lo âu sợ hãi hay không ? Không đâu ! Thật ra, chị bối rối không biết làm thế nào đây. Trong thời gian sáu tháng cuối đời, nhiều lần chị đã tự vấn: “Tôi sẽ làm thế nào để chết ? Tôi ước mong qua được thử thách này trong danh dự. Chung cục, tôi nghĩ rằng điều đó không tùy thuộc chính mình.” ( C J 6.6.3 )
Người chung quanh tưởng chị giàu nghị lực trước cái chết gần kề là nhờ vào sức trẻ. Họ cho chị biết, tới lúc chết chị sẽ không sợ hãi đâu. Chị trả lời cách đơn sơ: “Có lẽ là như thế. Không bao giờ tôi nương tựa vào những ý tưởng riêng mà chỉ nương tựa vào ý tưởng Chúa ban cho tôi trong lúc này. Chừng nào không được thế, có đau khổ cũng không muộn.” ( C J 20.5.1 )
Tâm hồn Tê-rê-xa chẳng có gì là bồng bột, ảo tưởng, chỉ có sự thật mà chị nắm vững, lúc này hơn bất cứ lúc nào, cứ thế kéo dài liên miên ngày này qua ngày khác. Người ta tưởng chị nhận được sự an ủi vì chị cố gắng sáng tác được một số thi phẩm. Chị thú thật: “Các bạn tưởng tâm hồn tôi tràn đầy sự an ủi, tưởng rằng đối với tôi, tấm màn huyền nhiệm che phủ Đức Tin gần như được xé ra. Thật sự, đối với tôi lúc này Đức Tin bị che kín bởi một bức tường cao ngất... Khi tôi ca ngợi hạnh phúc thiên đình và việc được chiếm hữu Thiên Chúa, tôi không cảm thấy sung sướng chút nào vì tôi chỉ ca ngợi điều tôi muốn tin mà thôi.” ( Ms C 7 vo )
Vào một ngày buồn rầu đến cùng cực, chị Tê-rê-xa nói với một Nữ Tu trong Dòng: “Tôi không tin có đời sống vĩnh cửu. Dường như sau cuộc đời sống tạm bợ này chỉ có hư vô. Đối với tôi tất cả đã tiêu tan.” ( D E trang 786 ). Nhưng chị Tê-rê-xa nói tiếp ngay: “Tôi chỉ còn lại tình yêu”. Tất cả là ở câu nói này đây !
Thật vậy, trong hàng ngũ đội quân xung kích đã nói ở phần trên, giữa lúc kịch chiến, Tê-rê-xa đã không bỏ cuộc, chị đã thật sự phấn đấu, không kiêu hãnh cũng chẳng than van, cũng sợ hãi đấy nhưng lại vẫn tiến lên phía trước. Bí quyết của chị là nắm chắc lấy niềm hy vọng. Sẵn sàng chết là một lập trường khác hẳn điều người ta lầm tưởng. Chị Tê-rê-xa viết: “Chúa đã chết trên Thập Giá trong nỗi buồn rầu khắc khoải. Đấy mới là cái chết đẹp nhất cho tình yêu, một cái chết độc nhất vô nhị. Chết cho tình yêu không phải là chết trong nhiệt tình sôi nổi.” ( C J 4.7.2 )
Chị Tê-rê-xa đã quá suy kiệt bạc nhược đến nỗi không dám rước Chúa. Vì vậy, chị bối rối quá sức. Một số người sẽ cho đó là một điều gây tai tiếng, vấp phạm. Thế này thì một Nữ Tu Dòng Kín Cát-minh đã sắp chết mà lại không rước lễ ư ? Biết rõ như thế, chị lại càng thêm đau khổ, chị nói: “Tất nhiên được chịu các bí tích là một ơn trọng, nhưng nếu Chúa định cách khác thì con cũng xin vâng phục. Tất cả đều là hồng ân.” ( C J 5.6.4 )
“Tất cả là hồng ân”. Thế mà vào ngày 20 tháng 8 chị cũng phải rơi lệ vì nghi ngờ đời sau, chị cảm thấy như thể bị Thiên Chúa bỏ rơi khi không được rước Chúa, trong khi đó thì mọi người chung quanh ngao ngán lắc đầu. “Tất cả là hồng ân”, chị đã sống đến cùng niềm xác tín đó.
Đứng trước chứng từ của chị Tê-rê-xa, trước sự thật và sức mạnh của chứng liệu, sức mạnh của một kẻ yếu đuối nhưng biến tin cậy, trước tính nết hiền hòa, ưa trào phúng, trầm tĩnh, đôi lúc lại còn tỏ ra vui sướng đón lấy cái chết đang đến bên cận kề, rất nhiều người, như Marc Sangnier, Emmanuel Mounier đã phải xúc động mủi lòng. Về thực tế này, Bernanos đưa ra lời giải thích: “Trong cơn hấp hối, Thánh Nữ bé nhỏ Tê-rê-xa thành Lisieux đã thưa với chị Bề Trên Tu Viện: “Mẹ ơi, đã tới lúc lâm chung cho con chưa hả mẹ ? Con biết làm thế nào để chết đây ?”
Thánh Nữ Jeanne d’Ars vào sáng ngày 30.5.1429 chắc hẳn cũng nghĩ như vậy. Lời nói của chị Tê-rê-xa đơn sơ như lời một trẻ nhỏ khiến chúng ta phải say mê chính là vì nó không hề thách thức tử thần, mà chỉ là thái độ đón nhận cái chết trong niềm e lệ kín đáo, như thể sợ làm phật ý tử thần.
Nhìn vào dấu hiệu này, chúng ta nhận ra sự toàn hảo của một khí thế. Chúng ta ý thức được, dù rõ rệt hay mơ hồ, rất chúng ta là những kẻ phục vụ và làm chứng cho hùng khí ấy. Mà cho rất câu nói đó chỉ là câu nói thơ ngây, cũng chẳng sao ! Chính những lời thơ ngây đó có khả năng động viên người ta trỗi dậy.
“Con biết làm thế nào để chết đây ?” Chị còn nói thêm: “Nếu không có Đức Tin thì tôi đã tự sát, không do dự một phút nào !” ( C J 22.9.6 ). Chị Tê-rê-xa còn giữ lại được những gì để cầm cự và tiến lên ? Chị chỉ còn có yếu đuối, bất lực, cùng cực, nội tâm u ám, và hư vô, để hướng đến Thiên Chúa và để nhờ hy vọng mà bắt buộc tối tăm phải có một ý nghĩa.
Thế rồi đã vang lên tiếng reo chiến thắng của Tê-rê-xa: “Hỡi hải đăng sáng chói của tình yêu, ta đã tìm được bí quyết để chiếm lấy ngọn lửa của ngươi !” ( Ms B 3 v o ).
Quả thật, chị Tê-rê-xa đã hiểu rằng hy vọng có thể làm đảo ngược một cách dứt khoát: là Ki-tô hữu không có nghĩa là trước hết phải thiện hảo ! Không ! Danh hiệu Ki-tô hữu mang một ý nghĩa khác: vì bất lực nên phải biết trông cậy Thiên Chúa, để Người an bài cho ta, phải biết thay đổi điểm tựa, mà hễ biết nương nhờ Thiên Chúa là biết hiến dâng Người điều duy nhất Người không thực hiện được nếu như ta không cộng tác và Người bằng cách dâng lên Người sự tự do của ta...