Đêm tối của Thập Giá chưa kịp tan, những ký ức đau thương vẫn âm ỉ trong tâm hồn các môn đệ, thì Chúa Giê-su Phục Sinh đã hiện đến giữa họ và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19). Đó không chỉ là lời chào xã giao, mà là một hành động tái tạo, đem lại nhịp sống mới cho những con tim tan vỡ. Bình an mà Ngài trao ban không phải là sự yên ổn thoáng qua, nhưng là sự hiện diện sống động của Đấng đã chiến thắng tử thần. Trong ánh sáng của Phục Sinh, một thế giới mới bắt đầu: thế giới của lòng thương xót, của sự sống vượt thắng sự chết.


Tuy nhiên, Tô-ma đã không có mặt hôm ấy. Trước lời chứng của anh em, ông không thể tin, ông muốn “thấy... xỏ... đặt”;  ba động từ cụ thể: thấy dấu đinh, xỏ tay vào lỗ đinh, đặt tay vào cạnh sườn (Ga 20,25). Đó không phải là đòi hỏi vô lý, mà là tiếng kêu khẩn thiết của một con tim tan vỡ. Tô-ma không phủ nhận Thầy mình, nhưng ông cần một bằng chứng cụ thể cho đức tin đang lung lay giữa cơn khủng hoảng. Khi đau khổ xâm chiếm, người ta dễ nghi ngờ ngay cả những điều mình từng tin tưởng nhất.


Tám ngày sau, Chúa lại hiện đến, cũng qua những cánh cửa đóng kín, và lần này là dành riêng cho Tô-ma. Ngài không trách mắng, không hạch hỏi, mà nhẹ nhàng mời gọi: “Hãy đặt tay vào cạnh sườn Thầy, đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” (Ga 20,27). Điều kỳ diệu là Kinh Thánh không ghi nhận việc Tô-ma thực sự chạm vào. Dường như chính sự hiện diện đầy quyền năng và lời mời gọi chan chứa tình yêu của Đấng Phục Sinh đã đủ lay động ông. Và trong giây phút ấy, Tô-ma thốt lên một lời tuyên xưng đức tin mạnh mẽ nhất trong Tin Mừng Gio-an: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,28).


Từ một người nghi ngờ, Tô-ma đã trở thành chứng nhân đức tin. Không còn là niềm tin dựa trên mắt thấy tay chạm, mà là sự đáp trả của tâm hồn trước một cuộc gặp gỡ đích thực. Đức tin ấy không đến từ lý luận, nhưng từ một cuộc chạm, không phải chạm vào vết thương, mà là được chạm đến bởi chính Đấng Phục Sinh.


Tô-ma là hình ảnh của nhiều người trong chúng ta: từng đầy lửa mến, sẵn sàng hy sinh, như khi ông nói: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy” (Ga 11,16) nhưng rồi cũng có lúc bị tổn thương, hoài nghi, đứng bên lề của niềm tin. Trong thời đại hôm nay, có lẽ nhiều người đang sống kinh nghiệm của Tô-ma: giữa những xáo trộn, bất an, mất mát, đức tin bị thử thách và trái tim cần được chạm đến.


Đó là lý do vì sao lời Chúa Giê-su: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29) vẫn luôn là lời chúc lành vượt thời gian, vang vọng đến từng người chúng ta hôm nay. Dù không thấy bằng mắt thể lý, chúng ta vẫn được mời gọi để tin vào sự hiện diện của Đấng Phục Sinh trong Thánh Thể, trong Hội Thánh, trong những dấu chỉ yêu thương giữa đời thường.


Chúa nhật II Phục Sinh cũng là Chúa nhật Kính Lòng Chúa Thương Xót. Một cách mầu nhiệm, Chúa Giê-su không hiện ra với ánh hào quang chiến thắng, nhưng với các vết thương vẫn còn đó như những bằng chứng sống động của tình yêu không thể xóa nhòa. Những vết thương ấy không còn gây đau, nhưng trở thành nguồn chữa lành, cả cho Tô-ma lẫn cho tất cả chúng ta.


Phục Sinh không phải là một biến cố khép lại trong lịch sử. Đó là hiện thực đang diễn ra nơi mỗi trái tim bị tổn thương, mỗi tâm hồn đóng kín. Chúa Giê-su vẫn đang bước vào, nhẹ nhàng và kiên nhẫn, mang theo bình an và lời mời gọi: “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”


Tin trong thời đại hôm nay là một chọn lựa can đảm. Nhưng chính trong sự bấp bênh của cuộc đời, Chúa Giê-su vẫn đến, vẫn mời gọi ta tin vào Người – Đấng đã chết và sống lại vì yêu chúng ta. Và nếu đức tin có lúc lung lay, thì cũng chính Người sẽ giúp ta tìm lại, bằng lòng thương xót vô bờ.


Hãy như Tô-ma, để cho tình yêu của Đấng Phục Sinh chạm đến, và từ đó ta có thể thốt lên với tất cả lòng mình: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”


Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa!
Xin chữa lành những hoài nghi trong con.
Xin ban bình an cho những tâm hồn khép kín.
Và xin giúp con trở nên khí cụ của lòng thương xót giữa thế giới này.
Amen.



Nhóm suy niệm