THA THỨ
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, Ngài luôn yêu thương hết mọi người và Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy yêu thương tha nhân để được đón nhận lòng xót thương của Ngài cách sung mãn hơn. Một trong những khía cạnh của lòng xót thương là sự tha thứ, đây là điều đã đánh động tôi rất nhiều mỗi khi suy gẫm về lòng thương xót của Chúa đối với nhân loại nói chung và với bản thân tôi nói riêng.
Lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện một cách cụ thể và sống động nhất nơi khuôn mặt của Chúa Giêsu - Đấng đã đến trần gian để mạc khải cho chúng ta về Chúa Cha. Thật vậy, trải suốt Tin Mừng về cuộc rao giảng của Chúa Giêsu là những bài học của lòng tha thứ, cụ thể như câu chuyện “Người cha nhân hậu”, “Người phụ nữ ngoại tình” hay đoạn Tin Mừng “Phêrô chối Chúa”... Và trên bước đường rao giảng, biết bao lần Chúa Giêsu chữa lành bệnh tật với câu nói: “Tội con đã được tha.”
Thiên Chúa không ngừng tha thứ những lỗi phạm của chúng ta, Ngài cũng đòi hỏi chúng ta phải biết tha thứ cho nhau và tha không giới hạn: “Thầy không bảo tha đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18, 22). Tin Mừng Matthêu 18,23-36 cũng thuật lại dụ ngôn “Tên mắc nợ không biết thương xót”, trong đó kẻ mắc nợ đã được ông chủ động lòng thương tha bổng số nợ rất lớn của y, nhưng về phần mình, y lại không biết xót thương và tha cho người bạn mắc nợ mình một số tiền nhỏ. Chính sự ích kỷ và tham lam của y đã khép lại ân huệ mà ông chủ đã ưu ái dành cho y. Và Chúa Giêsu đã nói: “Cha Thầy trên Trời cũng sẽ đối xử với anh em như vậy, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
Trong bài giảng về lòng thương xót Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói rằng: “...sự tha thứ của Thiên Chúa xuất phát từ sâu thẳm bên trong con tim của Ngài. Thiên Chúa tha thứ cho một người chỉ vì Ngài yêu thương người ấy mà thôi”. Phần chúng ta, khi mang hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình, chúng ta cũng có một con tim mà nơi ấy, từ bản chất đã mang tình yêu, lòng quả cảm và vị tha theo gương mẫu của Chúa Giêsu.
Trong tương quan với các môn đệ, tình thương tha thứ của Chúa Giêsu đã thể hiện rất rõ nét nơi đoạn Tin Mừng “Phêrô chối Chúa”. Có thể nói Phêrô là một môn đệ luôn theo sát Chúa, được cùng Chúa trải qua nhiều biến cố, và cũng là môn đệ được Chúa Giêsu tin tưởng. Dầu vậy, vào lúc Thầy gặp nạn thì Phêrô vì sợ bị vạ lây nên đã chối bỏ mối tương quan với Thầy tới 3 lần: "Tôi thề là không biết người ấy.” (Mt 26,70.72.74), dù trước đó đã mạnh dạn tuyên bố: "Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã." (Mt 26,33).
Đối với một con người bình thường khi thấy trò của mình phản bội mình thì thật sự rất đau vì người học trò bao năm mình dạy dỗ nay lại phản bội mình. Điều ấy khó có thể tha thứ, thậm chí có người không bao giờ tha thứ mà sẽ đoạn tuyệt luôn. Nhưng với Chúa Giêsu thì khác, tâm hồn Ngài tràn đầy tình thương và cảm thông, Ngài thấu hiểu sự yếu đuối của con người nên Ngài sẵn sàng tha thứ cho Phêrô. Lòng Thương Xót của Chúa là thế, Ngài tha ngay, tha hết khi con người biết sám hối nhận ra lỗi lầm của mình. Sự tha thứ của Ngài dường như không mệt mỏi, chỉ có con người mệt mỏi khi cầu xin Ngài tha thứ.
Năm thánh Lòng Thương Xót như một lời nhắc tôi nhìn lại đời mình, một cuộc đời theo làm môn đệ Chúa, liệu tôi đã học được bài học tha thứ từ Lòng Thương Xót của Chúa chưa? Có những lần tôi cũng đã từ chối Chúa như Phêrô để chọn những điều thuộc về thế gian; có những lần tôi cũng đã gục ngã vì yếu đuối lỗi lầm... Thế nhưng mỗi khi tôi chạy đến với Chúa, Ngài lại bao dung tha thứ và cho tôi cơ hội để làm lại.
Tôi đã nhận được rất nhiều hồng ân từ lòng thương xót của Chúa. Hồng ân đặc biệt nhất của Lòng Thương Xót là Chúa đã gọi tôi bước theo để trở nên môn đệ của Ngài.
“... Chúa đã tha thứ cho chúng ta thế nào, thì chúng ta cũng hãy tha thứ cho người khác như thế (Cl 3,13). Tôi đã nhận được ơn tha thứ từ Thiên Chúa, thì tôi cũng phải biết tha thứ cho người khác như Chúa đã tha thứ cho tôi.
Tha thứ thật cũng có nghĩa là dù tôi có quyền giận nhưng tôi vẫn vui vẻ tha thứ. Điều này lắm lúc thật khó, vì trong đời sống chung không tránh khỏi những đụng chạm, hiểu lầm giữa chị em: có lúc tôi gây ra cho người khác và đôi khi người khác gây ra cho tôi. Điều quan trọng là tôi đã đủ bao dung để đón nhận chị em chưa? Tôi đã đủ khiêm nhường để nhận rằng mình cũng cần được tha thứ chưa?
Cùng là chị em nhưng có người tôi thấy thật dễ tha thứ cho họ, và có người tôi lại không làm sao tha thứ nổi. Để tha thứ, lắm khi tôi phải quên mình, chịu thiệt thòi hoặc dẹp bỏ tính tự ái của mình. Nếu tôi chưa tha thứ được có lẽ là vì tôi chưa đủ khiêm nhường, chưa đủ tình yêu để có thể tha thứ như Chúa. Vì thế, chính tôi cũng phải học để có lòng thương xót với mọi người như Chúa đã thương xót tôi.
Tôi xin mượn lời của Đức Giáo Hoàng Phanxico thay cho lời kết: “Sự thật, tôi là một người tội lỗi mà Lòng Thương Xót Chúa đã gọi tôi một cách ưu đãi”.
Theresa Nguyễn