"Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau" (Ga 13,35)
Trong những ngày mùa của Phục sinh, phụng vụ giúp chúng ta chiêm ngắm hình ảnh của một Giáo hội vừa chập chững những bước đầu tiên, qua tường thuật sống động của sách Công vụ Tông đồ. Giữa muôn vàn khó khăn, bắt bớ, hiểu lầm và cả bách hại, các Tông đồ vẫn không ngừng rao giảng Tin Mừng Phục Sinh với một niềm xác tín mãnh liệt rằng: Chúa Giê-su đang sống và Người đang hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu.
Người ta thường nói: "Niềm vui thì không thể giấu được." Đó chính là điều đang diễn ra nơi cộng đoàn sơ khai. Từ một nhóm nhỏ các môn đệ hoang mang sau cái chết của Thầy mình, nhờ sức mạnh của Thánh Thần, họ đã bừng cháy lại niềm tin, và trở thành những chứng nhân sống động, rao giảng Tin Mừng bằng chính cuộc sống, bằng những hy sinh và cả máu đào của mình. Họ sẵn sàng chịu bắt bớ, bị đánh đập, thậm chí là tử đạo chỉ vì một niềm tin rằng; Giê-su đã sống lại và yêu thương là con đường duy nhất để loan báo về Ngài.
Thật xúc động khi nghe lời khích lệ của hai vị tông đồ Phao-lô và Bác-na-ba dành cho cộng đoàn: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22). Lời ấy không chỉ thực tế thời Giáo hội sơ khai, mà còn là lời mời gọi thức tỉnh cho mỗi chúng ta hôm nay: làm Ki-tô hữu không chỉ là mang danh, mà là sống trọn ơn gọi của mình, kể cả trong những gian nan thử thách.
Nhìn vào Giáo hội hôm nay, một Giáo hội toàn cầu, đa sắc tộc, đa ngôn ngữ, chúng ta có thể thấy rõ hoa trái của hành trình dài hai ngàn năm ấy. Một Giáo hội vẫn luôn cố gắng yêu thương và hiệp nhất giữa muôn vàn khác biệt. Một Giáo hội vẫn không ngừng đấu tranh với nghèo đói, chiến tranh, bất công, và cả những lạc hướng ngay trong nội bộ. Và trên hết, một Giáo hội vẫn đang cố gắng sống trọn lời di chúc của Thầy Giê-su: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.
Lời di chúc ấy "giới răn mới" ấy được trăn trối trong khung cảnh Tiệc Ly, vào đúng lúc Chúa Giê-su biết mình sắp bước vào cuộc khổ nạn. Đó là một trao gửi sâu thẳm từ trái tim Người. Yêu như Thầy nghĩa là yêu đến cùng, yêu không tính toán, yêu trong phục vụ, tha thứ, chấp nhận và hy sinh.
Thế nhưng thế giới ngày nay lòng người ngày càng trở nên lạnh lùng, yêu thương ngày càng trở nên xa xỉ, lời mời gọi ấy đôi khi bị xem nhẹ hoặc trở thành một khẩu hiệu nhàm chán. Thật đáng tiếc khi có những Ki-tô hữu chỉ dừng lại ở việc giữ đạo một cách hình thức: tham dự Thánh lễ mỗi tuần, đọc kinh sáng tối, nhưng lòng lại khép kín, dễ giận hờn, dễ phán xét, dễ chia rẽ… Cộng đoàn yêu thương như Chúa mong muốn không thể hình thành nếu không bắt đầu từ sự hoán cải cá nhân, nơi từng ánh mắt, từng lời nói, từng hành động.
Tình yêu Ki-tô giáo không phải là một cảm xúc. Đó là một chọn lựa ý thức, một hành vi tự hiến chủ động vì người khác. Tình yêu ấy đòi hỏi con người dám bước ra khỏi cái tôi vị kỷ để đặt lợi ích của tha nhân lên trên bản thân. Đó là tình yêu biết tha thứ không điều kiện, biết cúi mình trước người bé mọn, biết mở rộng trái tim để đón nhận cả những ai khác biệt. Chính tình yêu này là dấu chỉ rõ ràng nhất cho thế giới nhận ra chúng ta là môn đệ của Đức Ki-tô.
Sau cùng, phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại quá khứ của Giáo hội, để sống trọn vẹn hiện tại trong yêu thương, đồng thời mở ra một hy vọng về tương lai. Thánh Gioan trong bài đọc II đã cho chúng ta một cái nhìn vượt qua hiện tại một Trời mới Đất mới, nơi không còn đau khổ, nước mắt, cái chết hay hận thù. Đó là nơi Thiên Chúa ngự giữa nhân loại. Đó là đích đến của hành trình đức tin, nơi tình yêu không còn bị giới hạn, không còn bị hiểu lầm, không còn bị phản bội.
Nhưng để đến được ngày ấy, chúng ta phải chọn sống tình yêu ấy ngay hôm nay. Ngay giữa những khác biệt, những tổn thương trong cộng đoàn, trong gia đình, nơi giáo xứ, trong chính bản thân…hãy tiếp tục yêu thương, vì đó là con đường duy nhất để xây dựng một thế giới có Thiên Chúa ngự trị.
Lời Chúa hôm nay đưa chúng ta trở lại với “điều răn mới” của Thầy Giêsu, một điều răn không chỉ để học thuộc lòng, nhưng để sống bằng cả con tim. Nếu thế giới hôm nay còn nhiều chia rẽ, hận thù và ích kỷ, thì đó chính là nơi chúng ta cần sống tình yêu ấy. Nếu Giáo hội hôm nay có những vết thương, thì tình yêu chính là phương thuốc chữa lành. Nếu lòng ta còn nhiều giới hạn, thì chính trong những giới hạn ấy, Thầy Giê-su đang mời gọi chúng ta bắt đầu lại: yêu như Thầy đã yêu.