Nếu chọn một bản nhạc để nghe trong những lúc “Free time” có lẽ tôi sẽ chọn bài “Ước mơ của Mẹ” là một sáng tác của nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền, bởi khi nghe bài hát này, tôi cảm thấy trái tim mình được dẫn dắt bởi biết bao giai điệu cảm xúc với nhiều cung bậc mà mỗi ca từ là một nốt ngân đầy sáng tạo trong bản hòa tấu về tình mẫu tử. Để rồi từng câu hát, từng nốt nhạc neo đậu cảm xúc mãi trong lòng tôi.
Quả thật không sai khi nói rằng, âm nhạc chỉ được sinh ra khi
nó chính là kết quả nhào nặn từ những nguyên liệu cuộc sống. Nếu sáng tác ấy
chỉ hoàn toàn là sản phẩm của sự hư cấu mà không mang hơi thở của tình mẫu tử
thì sẽ không thể truyền được cảm xúc đến người nghe. Hôm này là NGÀY CỦA MẸ,
giai điệu của bài hát đâu đó lại ngân vang trong tâm trí, khơi nguồn hồi tưởng
của tôi về những năm tháng được sống, được lớn lên trong vòng tay, trong ước
mơ, trong cả nỗi nhọc nhằn của mẹ.
Trong hành trình của cuộc sống, mỗi người đều mang trong tim một khát vọng, một đích đến. Người ta hối hả bước đi, bận rộn vun đắp cho hạnh phúc của mình bằng những công việc, kế hoạch và giấc mơ riêng, nhưng mẹ tôi thì khác, mẹ cũng đã từng có ước mơ, có những dự định cho tương lai, cũng chuẩn bị cho mình một sự nghiệp…Thế nhưng “Bỗng một ngày trong mẹ có con, ước muốn khi xưa đã hóa ra con từ bao giờ”. Từ khoảnh khắc ấy, dường như mẹ đã chôn chặt giấc mơ của mình, để lặng lẽ ôm lấy tôi như giấc mơ duy nhất đời mình, bởi giờ đây, tất cả ý nghĩa cuộc đời mẹ đã mang tên tôi.
Mẹ tôi là vậy, một phụ nữ đã sống 2/3 cuộc đời nhưng chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng, chưa từng được đi đây đi đó, mẹ chỉ quẩn quanh bên ruộng lúa nương ngô. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời’’ chỉ để “làm sao có một bữa cơm no”.
Cho đến hôm nay, cái sự quê mùa, lạc hậu hình như vẫn đeo bám mẹ. Sống đến kỷ nguyên của công nghệ rồi nhưng mẹ vẫn không biết sử dụng điện thoại, chưa bao giờ tiếp cận với thế giới của công nghệ, chắc do tay mẹ quen cấy lúa, chân mẹ quen lội đồng. Mới đây tôi khá bất ngờ và xúc động khi lần đầu tiên nhận được dòng tin nhắn của mẹ trên Zalo: “thang dat moi day me nhan tin, len me nhan cho con sem con co nhan duoc khong…” (thằng Đạt mới dạy mẹ nhắn tin, nên mẹ nhắn cho con xem con có nhận được không). Đó là dòng tin nhắn đầu tiên của mẹ. Dòng tin nhắn không dấu, sai chính tả, và phải mất khoảng thời gian rất lâu thì mẹ mới hoàn thành nó, nhưng với tôi, đó là một niềm vui, một cảm xúc thật khó có thể diễn tả được.
Có lần tôi hỏi mẹ: “Chúng con đã trưởng thành rồi, giờ mẹ có muốn làm gì đó cho bản thân mình không?” Mẹ ngập ngừng, ánh mắt xa xăm nhìn ra ngoài hiên rồi khẽ cười: “Già rồi còn làm gì nữa con. Mẹ chỉ mong con cháu mạnh khỏe, thành đạt là mẹ mãn nguyện rồi.”
Lời mẹ nhẹ nhàng, nhưng lại khiến trái tim tôi trĩu nặng. Giống như người mẹ trong bài hát, mẹ tôi sống vì gia đình, vì những đứa con bé bỏng từng ngày lớn lên trong vòng tay mẹ. Mẹ lặng lẽ bước qua tuổi trẻ, lặng lẽ cất những giấc mơ vào ngăn tủ ký ức, đến nỗi chính mẹ cũng chẳng nhớ mình từng mơ gì. Ước mơ của mẹ giờ đây không mang tên mẹ nữa. Nó mang tên những đứa con. Hạnh phúc của mẹ là từng nụ cười, từng bước đi vững chãi của chúng tôi giữa cuộc đời. Mẹ chọn lùi lại phía sau, âm thầm làm nên bình yên, để cuộc sống của con cái là nơi mẹ gửi gắm trọn vẹn yêu thương
Trong cuộc sống có những kí ức và hoài niệm làm chúng ta luôn cố gắng để tìm về, những kỉ niệm đó như va đập vào thành trì cảm xúc của tôi, và tôi chợt nhận ra rằng; đúng là mẹ mình không có ước mơ. Cuộc đời mẹ thu nhỏ lại trong 2 từ “vất vả”. Chị em tôi từng ngày lớn lên bằng củ khoai, củ sắn, gánh lúa của mẹ, ấy vậy mà nửa kiếp người đã trôi qua, chúng tôi cũng đã lớn, đã rời xa vòng tay của mẹ để thực hiện ước mơ của riêng mình. Còn mẹ vẫn thế, vẫn không có ước mơ. Thế giới của mẹ, ước mơ của mẹ bây giờ chỉ là những đứa con, đứa cháu, là gia đình.
Tình mẹ là tình cảm thiêng liêng, tôi luôn tin rằng; dù con người sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, vai trò và tầm ảnh hưởng ra sao thì ẩn sâu trong tâm hồn họ vẫn luôn chứa đựng những khát khao về tình gia đình, về nghĩa mẹ tình cha. Tình cảm thiêng liêng, sâu lắng ấy làm xao xuyến rung động biết bao trái tim người con. Hình ảnh già nua, khắc khổ của mẹ là cả tuổi thơ, là bước đệm giúp tôi vào đời, hình ảnh ấy cứ vậy xâm lấn, thấm thía lòng người như một bài học sâu sắc về lẽ sống, làm tôi trân trọng, khâm phục và tự ngẫm phải sống sao cho xứng đáng với những hy sinh của mẹ.
“Giống như mỗi ngày đều có thể nhìn thấy mặt trời, vào những ngày trời quang nắng đẹp, bạn cảm thấy ấm áp và dễ chịu, nó như một thứ đương nhiên nên có, hưởng thụ sự tốt đẹp nó mang lại đã trở thành thói quen của bạn. Nhưng nếu một ngày, có người nói với chúng ta mặt trời sẽ không mọc nữa, bạn cảm thấy thế nào? Có lẽ mọi người đều cảm thấy sợ hãi và luống cuống.
Bố mẹ cũng giống như mặt trời, luôn lặng lẽ ở sau lưng, cho bạn chỗ dựa và sự ấm áp, nhưng nếu một ngày bố mẹ không còn ở đấy nữa, cảm giác an toàn quen thuộc cũng lập tức biến mất, bấy giờ muốc tìm lại, sợ rằng đã quá muộn.
Vậy nên đừng tìm lý do, dù bận rộn đến mấy, hãy dành cho bố mẹ chúng ta một cái ôm, hỏi han vài câu, đấy chẳng phải chuyện khó khăn. Chỉ là chúng ta có nghĩ đến hay không mà thôi. (Trích: Có một ngày, bố mẹ sẽ già đi – Nhiều tác giả, Losedow dịch, NXB Thế giới 2022, tr 246,247)
Mưa HẠ