Ngày 31.5.2025 vừa qua tôi có dịp thăm quan buổi khai mạc triển lãm tranh của họa sĩ Đặng Dương  tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM  với tên gọi “Khi người bệnh vẽ huyền nhiệm Thập giá”. Dù không am hiểu nhiều về hội hoạ nhưng tôi thực sự rất xúc động khi chiêm ngắm những bức tranh được trưng bày tại đây. Với tôi, đó không chỉ là một sự kiện nghệ thuật, đây còn là hành trình đức tin được chuyển tải bằng nét cọ của một người đang từng ngày đối diện với bệnh tật và đau đớn.

28 bức tranh xoay quanh chủ đề Thập giá và ơn Cứu Độ được họa sĩ hoàn thành trong những tháng ngày thân xác rã rời nhưng tâm hồn lại bừng sáng bởi niềm tin và hy vọng, là lời mời gọi người xem dừng lại, chiêm ngắm và đồng cảm sâu sắc với hành trình thiêng liêng và can đảm của một người chọn “vẽ tiếp cuộc đời” bằng chính ánh sáng phát xuất từ Thập giá.

Có lẽ chưa bao giờ con người hiện đại lại có nhiều lựa chọn để “vẽ” cuộc đời mình như hôm nay. Mạng xã hội cho ta những khung hình lung linh, công nghệ cho ta những cú click dẫn đến thành công, danh vọng hay tình yêu. Chúng ta được khuyến khích "sống thật đẹp", "sống chất", "sống hết mình", như thể cuộc sống là một bức tranh ta có thể tô vẽ theo ý muốn.

Nhưng rồi, có một ngày…
Bút chì gãy. Màu nhòe. Tay run.
Những gam màu xám không hẹn mà đến.

Có thể là một cuộc chia tay.
Là bệnh tật bất ngờ.
Là thất.
Là một cái chết ta...

Và lúc ấy, mọi “công thức sống đẹp” bỗng trở nên vô nghĩa. Ta không biết vẽ tiếp đời mình bằng gì.

Tôi từng gặp một người mẹ trẻ đứng lặng trước mộ con trai 5 tuổi bị tai nạn. Người ta hỏi chị: “Sao chị không oán trách trời đất?”
Chị trả lời, bằng giọng nhẹ như hơi thở:
“Tôi tin vào sự quan phòng của Chúa, và tôi tin
Chúa sẽ viết tiếp phần đời còn lại cho tôi.”

Tôi im lặng rất lâu sau câu nói ấy.

Chúng ta thường sợ đau khổ. Ta gọi thập giá là thử thách, là gánh nặng, là điều nên tránh. Nhưng kỳ lạ thay, chính thập giá thứ công cụ hành hình tàn nhẫn nhất lại phát sinh một tình yêu vĩ đại nhất. Trên cây gỗ thô ráp và dơ bẩn ấy, Chúa Giêsu đã “vẽ” nên tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại: một tình yêu biết im lặng, biết đau, biết gánh lấy tội lỗi người khác …

Không có màu nào rực rỡ hơn máu đỏ yêu thương.
Không có nét nào đậm sâu hơn vết đinh của ơn cứu độ.

Đó là lý do tại sao, từ hơn hai ngàn năm nay, có biết bao cuộc đời vẫn tiếp tục được “vẽ” bằng chính thập giá của đời mình.

Tôi đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người, và càng ngày tôi càng tin rằng: những người có cuộc đời đẹp nhất không phải là những người thành công nhất, mà là những người biết biến những đau khổ của mình thành chất liệu để vẽ nên một cuộc đời có chiều sâu.. Người cha đơn thân nuôi con tật nguyền. Người nữ tu sống âm thầm giữa trại phong. Người mẹ trẻ sẵn sàng hy sinh sự sống của mình để cứu lấy đứa con trong bụng…. Họ không viết tiểu thuyết về đời mình, nhưng mỗi ngày lặng lẽ vẽ nên một bức tranh bằng chính thập giá đời họ.