-Sau 3 ngày ngài đã phục sinh…, Nước Mắt Nhỏ, chị sốt chưa 3 ngày đã chỗi dậy, em tưởng covid lần này “vớt” chị đi rồi…hihi…chúc mừng chị đã chỗi dậy.
-Có lẽ Chúa muốn thế…hihi…
-Chúa nào muốn mình yếu chứ? Không phải tại mình không cố gắng nên đổ bệnh, rồi cứ đổ cho Chúa và hoàn cảnh à?
-Chị nói đúng một nửa thôi. Khi nỗ lực hết sức mà mình vẫn “yếu” thì do Chúa chứ do ai? Vì Chúa làm chủ muôn loài muôn sự mà… như một cha giáo đã chia sẻ đó, “nếu Chúa không muốn thì chẳng ai làm gì được mình, cho dẫu là làm hại hay nói …”, Chúa không muốn thì kẻ nói xấu mình mở miệng ra là gió thổi méo miệng ngay chứ bỡn bờ…nhưng Chúa cho phép như vậy để dạy ta điều gì đó.
-Lại lý lẽ triết gia triết dô bắt đầu đây…
-Không, em chia sẻ với chị “tí ti” những điều em đang băn khoăn đây.
-Là gì vậy?
Mấy bữa ốm em nằm nghỉ cảm nghiệm một điều: tình cảm con người ta đa phần thay đổi như chong chóng. Lúc mình khỏe thì người người bì tị, mắng mỏ; lúc mình yếu lại quay ra xót thương ngay. Nhiều lúc ốm yếu lại là cơ hội để nhìn ra những giá trị của “yếu”.
-Chị nói lạ vậy, “yếu” mà có giá trị? Em đã từng được dạy từ hồi mới vào Thỉnh sinh: “Thế gian chuộng kẻ có công, chẳng ai chuộng kẻ ngồi không bao giờ”. “Yếu” không làm được gì thì sao có giá trị?
-Như em vừa ví dụ trên đây cho chị đó, khi mình “yếu” thì tự nhiên dễ làm xúc động lòng người, nhìn một người ốm yếu không ai nỡ mắng mỏ thêm câu nào, chỉ còn lại xót thương. Thực ra, “yếu” kiểu này chỉ có giá trị cho người “yếu” thôi, và giá trị cũng chẳng bao nhiêu vì chỉ là “bớt bị mắng mỏ, cằn nhằn”; với người không “yếu” trong hoàn cảnh này lại không nhận được phần phúc gì, hay có chăng cũng chỉ chút chút thôi. Tâm lý con người ai cũng muốn hơn người khác, nên khi thấy mình “khỏe hơn” người thì trong lòng đã tiềm tàng hài lòng với chính mình, do đó không so đo với người khác; còn khi người khác “khỏe hơn, tốt hơn” mình, thì mình dễ buông nhận xét, mỉa mai, đòi hỏi họ này nọ… bởi vì trong tâm mình không an, không chấp nhận được giới hạn của bản thân, không chấp nhận tha nhân giỏi hơn mình, tốt hơn mình, nên cũng không chấp nhận tha nhân khác mình như chính họ là.
Nói về chuyện “yếu” em lại liên tưởng tới cái chết của Thánh Gioan Tiền hô (x. Mt 14,1-12). Ở trong tù thánh nhân thật “yếu”, vì không ai yếu hơn người mất tự do. Một người tự do dù có đau bệnh nằm liệt giường, vẫn có thể đề nghị người khác làm cho mình điều mình mong muốn, còn người tù thì mất hết quyền lợi, mất tiếng nói và có thể mất cả mạng sống như trường hợp thánh Gioan Tiền hô. Thế nhưng cái “yếu” của ngài lại trở thành cơ hội để sức mạnh của Thiên Chúa được thực hiện, sức mạnh của Thiên ý, sức mạnh của “chân lý”, bởi vì sự thật sẽ giải thoát con người (x. Ga 8,31-32) khỏi tất cả những vướng bận và nghi nan của kiếp nhân sinh, chứ không phải quyền uy hay khả năng của con người. Cho nên, người sống trong sự thật nhìn bên ngoài yếu đuối, nhưng tiềm tàng nội lực lại là sức mạnh khủng khiếp, vì nhờ sống trong sự thật, họ được trở thành môn đệ của Đức Ki tô, được có Ngài là sức mạnh vô song như kinh nghiệm của thánh Phaolô Tông đồ: “… Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,9a-10).
Khi có sức mạnh của Thiên Chúa, thì người “yếu” vẫn bình an – hạnh phúc, bởi họ có sức mạnh của Thiên Chúa, họ bằng lòng, vui lòng, và sẵn lòng đón nhận những khó khăn thử thách trong sứ vụ, không phải để chứng tỏ họ “mạnh” hơn người, nhưng là để Thiên Chúa tình yêu được nhận biết, để tha nhân được hưởng ơn ích thiêng liêng từ đời sống ngập tràn“bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” của họ (x. Gl 5,22).
Cuộc sống của họ nhìn bên ngoài không mạnh mẽ, đầy sức sống, nhưng thực ra lại tràn đầy sức mạnh của sự khôn ngoan mà Thiên Chúa ban cho họ, và họ đã gắng công để duy trì sự khôn ngoan đó, để mỗi ngày họ kiến tạo bình an, hạnh phúc cho chính họ và tha nhân với lối sống khiêm nhu và quảng đại, trong “thanh khiết, hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình” (x. Gc 3,17). Do đó, mỗi người “yếu” hay không thì tự họ mới biết, và ai tự hào mình “yếu” thì hãy tự hào trong Chúa (x. 1 Cr 1, 28-31).
Song Thị