06/11/2020 -

Bác ái xã hội

1339
Ký sự Miền Trung – Hành trình lợp lại mái nhà sau cơn bão số 9  (từ ngày 05-08/11/2020)
Ký sự Miền Trung – Hành trình lợp lại mái nhà sau cơn bão số 9
(từ ngày 05-08/11/2020)
 
Thu đi để lại lá vàng
Bão đi để lại muôn vàn đau thương

Đau tinh thần, khó vật chất. Trận lũ lịch sử và cơn bão số 9 hoành hành đến nay đã gần một tháng, đồng bào miền Trung vẫn trong cảnh màn trời chiếu đất, vì “chẳng còn gì để mất.” Mỗi lần cập nhật thông tin là mỗi lần thổn thức, xót thương, chỗ này sạt lở, chỗ kia tốc mái hàng trăm ngôi nhà, chỗ này bao nhiêu người chết, chỗ kia bao người mất tích, đói rét…

Thực tế chứng kiến nỗi đau lại nhói lên và thôi thúc Hội dòng chúng tôi lên đường, với ý nghĩ “phải an cư thì mới lạc nghiệp” nên chuyến đi lần này Hội dòng giúp bà con lợp lại những mái nhà đã bị bão làm tốc mái hoặc sập đổ, để họ có nơi sinh sống an toàn và tái tạo dựng lại cuộc sống.

Sau khi đã nghiên cứu tình hình thực tế, nhóm đã xác định được 2 hai điểm nóng nhất của cơn bão số 9 vừa qua. Hai điểm bị tàn phá nhiều nhất, là Tam Lãnh và Tân Hà thuộc tỉnh Quảng Nam

Ngày đầu đặt chân đến mảnh đất này, nhóm đã phối hợp với quý cha bắt đầu ngay công việc. Ban đầu, theo sự hướng dẫn của quý cha, nhóm đến từng gia đình thăm hỏi để biết thêm thông tin hầu có cách thức trợ giúp thích hợp.

Được biết, Tân Hà cách Đà Nẵng khoảng 50km, còn Tam Lãnh cách Đà Nẵng 100km đi lên phía núi.

Tân Hà có 25 căn nhà sập hoặc hư hại mái, nằm trên thượng nguồn của hai con sông Vu Gia và Côn, cứ mưa sơ sơ là ngập và lụt. Người dân sống bằng nghề làm ruộng, đốn củi, trồng keo (bạch đàn), nhưng trận lụt vừa qua đã cuốn trôi tất cả.

Còn Tam Lãnh hư hại 40 căn nhà với nhiều gia đình có hoàn cảnh đáng thương, phần nhiều là người già neo đơn, khuyết tật không nơi nương tựa. Giáo dân ở xa nhất 12 cây số đường rừng, gần nhà thờ chỉ có mấy mươi nóc nhà ...với 5.000 ngàn dân sống rải rác. Họ sinh sống chủ yếu bằng việc đi làm thuê

Việc làm nhà không thể giống như việc phát quà hay lương thực, đến chớp nhoáng rồi đi, mà phải đến các gia đình để thăm hỏi và khảo sát, mà các gia đình ở Tam Lãng sống khá rải rác, xa nhà thờ 12km, hay 5 hoặc 7 km, nên công việc cũng gắp rất nhiều trở ngại. Tuy nhiên, được sự trợ giúp của quý Cha tại đây nên công việc đều tiển triển đúng như kế hoạch.

Trong hành trình về miền Trung lần này, ngoài kinh phí giúp bà con sửa lại nhà cửa, nhóm còn mang theo một số vật dụng cần thiết như chăn, mền, quần áo mới, thuốc tây và thực phẩm để giúp những gia đình khó khăn, chưa có điều kiện sắm sửa sau khi bị bão lũ cuốn trôi.

Có đi mới thấu cảm những nỗi cực lòng, càng đi càng cảm thấy xót xa, càng đến càng cảm thấy mình nhỏ bé và bất lực trước nỗi đau khổ mà anh chị em miền Trung của chúng ta đang phải gánh chịu

Tạ ơn Chúa vì qua tấm lòng quảng đại của anh chị em bạn hữu cùng quý ân nhân xa gần, Hội dòng Đa minh Rosa Lima lại một lần nữa có cơ hội chạm đến Chúa qua những tâm hồn đau khổ, chiếc cầu tình thương lại được nối, những căn nhà trống lại được che chắn bởi tình người, những tâm hồn sầu khổ, lạnh giá lại được sưởi ấm bằng sự sẻ chia của tất cả mọi người đang hướng về nơi đây.

Hội dòng chúng con xin tri ân quý vị ân nhân, bạn hữu xa gần đã đồng hành với Hội dòng trong sứ vụ “đem tình thương” đến với đồng bào miền Trung trong những ngày vừa qua. Những việc làm tuy âm thầm, nhỏ bé nhưng chúng ta tin rằng “đều là làm cho Chúa mà thôi” Và trong hoàn cảnh còn nhiều bi đát này, Hội dòng chúng con vẫn tiếp tục đón nhận sự trợ giúp của tất cả mọi người, hầu góp phần xoa dịu những đau thương, mất mát cho anh chị em miền Trung của chúng ta.

 
Một vài hình ảnh
 
114.864864865135.135135135250