28/07/2021 -

Các cộng đoàn

572
Bước tiến trong đời sống thánh hiến

“Đời sống thánh hiến dưới góc nhìn nhân học quản trị và linh đạo Đaminh” là chủ đề chúng ta được khai mở trong những ngày qua. Cha giảng huấn chọn ba thói quen trong tác phẩm Bảy Thói Quen Đưa Đến Thành Tựu của tác giả Stephen Covey và các thư mục vụ của cha Timothy Radcliffe-trong thời gian ngài phụ trách Dòng, làm nền tảng cho các buổi chia sẻ. Trong giới hạn bài viết, chúng ta lượt lại những kiến thức căn bản về nhân học nhờ đó thêm một lần xác tín hơn vào ơn gọi, sống trưởng thành hơn trong đời thánh hiến và có cái nhìn khách quan chính xác về các đối tượng mà mình có cơ hội gặp gỡ.

Trước hết, Stephen Covey nhắc đến tính chủ động. Đã từ lâu quan điểm về cơ chế xã hội, văn hoá vùng miền, giáo dục gia đình và cả di truyền là những yếu tố hàng đầu hình thành tâm lý, nhân cách và quan điểm của con người. Cô đọng điều đó, có thể nhắc đến như: Ở bầu thì tròn/ ở ống thì dài, nhập gia tuỳ tục/ đào giang tuỳ khúc hay con quan thì lại làm quan/ con sãi ở chùa thì quét lá đa…Truyền thống bất di bất dịch ấy vẫn ảnh hưởng đến mỗi cá nhân từ khi còn là sinh linh bé bỏng đến lúc trở về đất mẹ. Ngày nay, các nghiên cứu về tính cách con người đã cho đó đó là quá trình hấp thụ cách thụ động miễn cưỡng.

Điều đó không sai. Đã có những người đi ngược với quy luật ấy. Có nhiều nhân vật cống hiến cho nhân loại những khám phá lưu truyền hậu thế, cũng có những vĩ nhân trong tư cách lãnh đạo xuất chúng mà điểm xuất phát không hẳn là cha ông họ truyền lại. Những đột phá ấy đến từ tính chủ động và quyết định là cá nhân. Điều này trở thành điểm sáng và lối mở cho những người biết sàn lọc những yếu tố bên ngoài và thay đổi suy tư bản thân để trở thành con người mà mình mong muốn.

Thứ hai là thói quen bắt đầu từ mục tiêu đã xác định. Làm thế nào để xác định mục tiêu? Ta cần có tầm nhìn, lập kế hoạch cho mọi vấn đề! Khi đã có dự tính và kế hoạch trong tư tưởng người ta gọi là sáng tạo lần một. Khi thực hiện điều đó gọi là sáng tạo lần hai. Quá trình thực hiện kế hoạch là việc quan trọng rất cần sự nổ lực đúng hướng, kiên trì và dũng khí. Vì thế, ta không nên giới hạn khái niệm xác định mục tiêu và lập kế hoạch là bổn phận của một số người cụ thể có trách nhiệm trong cộng đoàn hoặc tổ chức xã hội. Nhưng đó là khái niệm mở, áp dụng với mọi người.

Thứ ba là thói quen ưu tiên cho việc quan trọng. Cần xác định việc khẩn cấp, việc quan trọng, không khẩn cấp và không quan trọng. 20% thời gian trong ngày dành cho việc khẩn cấp. Dùng ý chí độc lập thực hiện việc quan trọng mỗi ngày như một nguyên tắc, lấy hoàn cảnh như lời mời gọi để cống hiến và dấn thân. Vì vậy, nhận diện những thành kiến, quan điểm, thói quen không hiệu quả và chấp nhận thay đổi cũng là bước khởi đầu để bản thân trở nên tốt hơn.

Tóm lại, thật hợp lý khi áp dụng những thói quen trên trong đời sống để trở thành người trưởng thành trong suy nghĩ, việc làm và thái độ. Cuộc sống cho ta những giá trị về kinh nghiệm, sáng tạo, còn tính chủ động, tự do và trách nhiệm là điều quyết định nên con người ta. Dưới cái nhìn đức tin, chúng ta nhìn nhận tác động của Ân Sủng là điều không thể bỏ qua. Được như thế, chúng ta mới có thể đón nhận anh chị em như chính họ là. Mô thức chúng ta hướng về tha nhân cũng nguyên tuyền như ý Chúa muốn.

 
Giang Thy


 



 
114.864864865135.135135135250