13/12/2022 -

Các cộng đoàn

516
Chung sống
 
 

Chắc hẳn bạn đã có lần được nghe lời bài hát đầy triết lý sống sau đây: “Tôi chỉ thực sự là người nếu tôi sống với anh em tôi. Đâu phải ai xa lạ mà, là người đang sống quanh tôi. Thế giới này không ai là một hòn đảo. Vườn hoa này không có loài hoa lạc loài.” Đúng vậy, con người chỉ thực sự sống khi sống cùng, sống với người khác. Bởi “không ai là một hòn đảo”, hay ngay cả đất đá vô tri... nói như Trịnh Công Sơn thì “sỏi đá cũng cần có nhau.” Dưới góc nhìn của những người sống đời thánh hiến, ta có cái nhìn như thế nào về tầm quan trọng của mối tương quan giữa con người với nhau? Phải làm gì để mối tương quan ấy phát triển?


1. Lịch sử con người

Nhìn lại lịch sử tiến hóa của con người xưa, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã sống theo “bầy đàn”, nghĩa là họ đã sống cùng sống với nhau và cùng chia sẻ những gì họ khám phá ra được. Dần dần chuyển từ săn bắn, hái lượm... qua một hình thức mới như công cụ, trồng trọt… Đồng thời, khi nghiên cứu về “người rừng” đã thấy rằng, con người chỉ thực sự là người khi sống trong một môi trường xã hội loài người. Dù họ mang những dáng dấp con người nhưng bị tách lìa khỏi xã hội, cộng đồng người, thì qua thời gian họ không trở thành người một cách đúng nghĩa… Cùng với đó, nhờ những tiến bộ của khoa học kĩ thuật, mà con người phát huy được những khả năng, những sáng tạo của mình. Những cái cũ làm nền tảng cho những cái mới, thế hệ sau kế thừa lại những điểm tốt và khắc phục những hạn chế của thế hệ trước.
Do đó, con người cần có tương quan với nhau. Tuy nhiên, tương giao huynh đệ giữa con người với con người được nên trọn hảo không phải nơi những tiến bộ khoa học, nhưng sâu xa hơn là tương quan trong cộng đồng nhân vị. Một cộng đồng đòi hỏi sự tôn trọng trọn vẹn phẩm giá thiêng liêng của nhau.


2. Tương quan của con người trong Kinh Thánh

Với cái nhìn siêu nhiên, không chỉ một số người được kêu gọi để hưởng hạnh phúc, nhưng là tất cả mọi người: con người đến cùng một mục đích chung chính là Thiên Chúa.[1] Sách Sáng Thế cho thấy khi Thiên Chúa tạo dựng con người, Người đã không để Adam đơn độc một mình, nhưng Người đã đặt ông vào vười địa đàng xinh đẹp với đầy những hoa thơm trái ngọt. Đồng thời, Thiên Chúa đã tạo Eva như một người bạn đồng hành, để nâng đỡ, an ủi và cùng nhau vui hưởng hạnh phúc.

Chính vì cùng đích của con người là hướng về Thiên Chúa, nên giới răn yêu mến Thiên Chúa là giới răn quan trọng nhất. Đồng thời, lòng yêu mến đó không thể tách rời khỏi tình yêu tha nhân. Tin Mừng Mathêu đã cho ta thấy rõ điều này khi các môn đệ hỏi Đức Giêsu điều răn nào trọng nhất, Chúa đáp: “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn hết trí khôn và sau là yêu người thân cận như chính mình.”
[2] Như thế, yêu thương là chu toàn lề luật.[3] Hơn nữa, Chúa Giêsu đã mở ra một viễn tượng vượt quá sự hiểu biết của con người khi cầu nguyện: “Lạy Cha, xin cho tất cả nên một, như chúng ta là một.”[4] Qua đó, ta thấy được một nét nào đó giữa sự hợp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự hợp nhất của con cái Thiên Chúa trong chân lý và tình yêu.[5] Do đó, nền tảng của các mối tương quan cần được đặt trong tương quan tình yêu của Thiên Chúa, nhờ đó mọi người được hợp nhất với nhau, cùng nhau xây dựng để nên tốt hơn.


3. Xây dựng cộng đoàn thánh hiến

Trong gia đình con người cần đến cha mẹ, cha mẹ cần đến con cái; mỗi người làm một công việc lớn nhỏ khác nhau… nhưng tất cả cùng nhau xây dựng gia đình. Một đứa trẻ khi đến với trường học sẽ lĩnh hội được nhiều kiến thức về thầy cô, học cách chơi với bạn bè…r ồi dần trẻ sẽ được lớn lên. Cũng vậy, trong bậc tu trì, nhiều người được quy tụ lại thành một dòng, một cộng đoàn. Ở đấy, mọi người cùng chung ý hướng, cùng được học hỏi, trao đổi với nhau, cùng nhau phục vụ… nhờ đó con người được thăng tiến và có thể đáp trả lại ơn gọi của mình.

Vấn nạn đặt ra là cuộc sống chung giữa người với người như vậy đòi buộc điều gì?

Một cuộc sống chung đích thực đòi buộc phải tôn trọng sự công bằng và bậc thang đúng đắn của các giá trị. Do đó, “các chiều kích thể lý và bản năng phải lệ thuộc vào chiều kích nội tâm và tinh thần.”
[6] Nghĩa là, đặt Thiên Chúa làm vị trí trung tâm của các chọn lựa, để Thiên Chúa được đi vào đời sống của mình. Cùng với đó, môi trường sống cũng chi phối nhiều đến những người sống đời thánh hiến. Một mặt con người được hoàn thành ơn gọi của mình; mặt khác, vì môi trường xã hội đã và đang thấm nhiễm, làm xáo trộn vào các chọn lựa, đinh hướng của con người. Chẳng hạn như, trước sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, mạng xã hội… con người dường như “mất phương hướng”, chỉ biết sống thu mình lại cho cái “I” (tôi, Ipad, Iphone, thế giới ảo…) mà quên đi cái “chúng ta”. Những xáo trộn ấy còn thường xảy ra trên bình diện xã hội, một phần phát sinh từ tình trạng căng thẳng giữa những tổ chức kinh tế, chính trị và xã hội làm cho con người mất bình an, luôn sống trong sự hoang mang lo lắng… Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn cần phải nói đến là sự ích kỉ và sự kiêu căng của con người đã làm cho cộng đoàn thánh hiến vẩn đục, không còn là dấu chứng của tình hiệp nhất yêu thương của Chúa nữa. Chính vì thế, mỗi người cần nhìn nhận con người mình, nhận ra những hố sâu của kiêu căng, lồi lõm của ích kỉ, chủ nghĩa cá nhân… hầu hoán cải nội tâm, và rất cần có sự cộng tác của ân sủng đến từ Thiên Chúa.

Con đường đó cần phải xuất phát lại từ đức mến vì “đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không vênh vang tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù… đức mến tin tưởng tất cả, tha thứ tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả…
[7] Đức mến sẽ giúp cho con người tôn trọng nhau và bảo vệ quyền lợi của chính nhân vị và giúp thăng tiến cộng đoàn: “Mọi người sẽ nhận ra anh em là môn đệ Thầy ở điểm này là: anh em có lòng yêu thương nhau.”[8]

Tạm kết

Con người cần có nhau, cùng giúp nhau để hoàn thành ơn gọi của mình. Do đó, mỗi người cũng phải biết tôn trọng kẻ khác, biết hối cải canh tân đời sống, biết nghĩ đến ích chung để làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Và cộng đoàn thánh hiến sẽ thực sự trở nên một dấu chỉ chắc chắn cho Nước Trời mai sau. Đồng thời, có thể có được một viễn tượng đẹp, như lời của Thánh vịnh 133:

Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay
Anh em được sống vui vầy bên nhau
Như dầu quý đổ trên đầu
Xuống râu, xuống cổ áo chầu Aharon…”
                                            

         
Nguyễn Phạm
 
[1] GLHTCG, số 1878.
[2] Mt 23, 34 – 40.
[3] Rm 13,9 -10; 1Ga 4,10.
[4] Ga 17,21-22.
[5] CĐ Vaticano II, Hiến chế mục vụ (Gaudium et spes), số 24.
[6] ĐGH Gioan Phao lô II, thông điệp Centesimus annus, số 36.
[7] 1Cr 13,4-7
[8] Ga 13,34
114.864864865135.135135135250