16/10/2021 -

Các cộng đoàn

262
Cộng đoàn sám hối

Tin Mừng Thánh Luca thuật lại dụ ngôn người cha nhân hậu thế này: Nhân vật người con thứ khi đã ăn chơi, trác táng hết tài sản mình thì tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Rồi nói với cha rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa”(Lc 15,17-21). Người cha tôi muốn mọi người hình dung chính là gia đình cộng đoàn: nơi ươm mầm, chăm sóc ơn gọi, luôn yêu thương, mong chờ ta cộng tác. Cộng đoàn chờ đợi ta nhận ra tình thương và muôn phúc lành Chúa ban.

Thế mà, đôi khi trong chúng ta xuất hiện dáng dấp người con thứ, ta xa cộng đoàn lúc nào không hay biết, ta bất hợp tác, cảm thức không thuộc về cộng đoàn. Đôi khi sống trong cộng đoàn nhưng còn “đứng núi này, trông núi nọ”. Vì thế, cộng đoàn như đang thốt lên và khắc sâu hơn trong tâm khảm mỗi người lời cảnh tỉnh, lời kêu gọi: “hãy trở lại”, trở lại để nhận ra tình yêu thương, bao dung nơi cộng đoàn. Cộng đoàn  giúp ta tìm kiếm giá trị mà đôi khi vì quá mải miết với những cám dỗ trần thế mà ta đã và đang dần lãng quên. Để bắt đầu một cuộc sống mới thật sự cùng cộng đoàn chúng ta sống hài hòa cái “tôi” và “chúng ta”.

Khi thốt lên hai tiếng cộng đoàn thân thương là chúng ta được kêu mời nhớ lại huyền nhiệm ơn gọi mà Chúa đã thương ban cho từng người một. Không phải tự ta có mặt nơi đây, được sống trong môi trường này, được gặp gỡ những người từ khắp mọi miền. Tất cả những huyền nhiệm đó xin gói gọn trong hai chữ “hồng ân”. Hồng ân này qua thời gian thì trong mỗi người còn không? Chúng ta có cảm thấy giật mình khi nghe câu hỏi này? Có bao nhiêu người cảm nhận ơn gọi, cộng đoàn, chị em là một hồng ân? Hãy tự chất vấn bản thân.

Trong Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gửi tất cả những người tận hiến nhân dịp năm Đời sống Thánh hiến đã ghi lại rằng: “Hãy nhìn về quá khứ với niềm tri ân.” Đứng trước những khó khăn, thách thức trong ơn gọi ta có nhìn lại chặng đường hồng ân, dấu mốc hồng ân để cảm tạ Chúa và cảm ơn chị em đã nâng đỡ ta, cùng biết ơn những người đã đi qua cuộc đời ơn gọi của ta không?

Hồng ân ơn gọi của chúng ta có lẽ đang bị lãng quên vì trần gian có quá  nhiều điều cám dỗ chúng ta. Chúa Giêsu đã chẳng dạy: "Kho tàng anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó" (Lc 12,34). Vả lại, chúng ta là con người nên còn yếu đuối, bất toàn, dễ sa ngã, dễ xa rời cộng đoàn, xa rời ơn cứu độ của Chúa, có lúc cám dỗ trở nên quá mạnh khiến chúng ta đánh rơi cộng đoàn, chúng ta ở xa cộng đoàn mà không hay biết.

Những yếu tố đưa chúng ta đi xa cộng đoàn và hành trình nhận ra lời thôi thúc trở lại với cộng đoàn. Nơi đây là nơi khởi đầu cho ơn gọi, nơi chan chứa hồng ân của tình Chúa, tình chị em, nơi bình an cho tâm hồn.

Cám dỗ tình cảm

Trong mỗi người ai cũng tồn tại khát vọng yêu và được yêu nhưng yêu ai mới là điều đáng để ta suy nghĩ. Nếu ta yêu Chúa và yêu thương chị em trong cộng đoàn thì đó là điều tốt, nhưng tình yêu tôi muốn nói đến là yêu một người: Tình yêu của sự ích kỉ, mong muốn chiếm hữu, yêu thỏa nỗi cô đơn.

Khi dấn thân cho Chúa chắc chắn Ngài không ngừng thử thách ta: "Ðến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha"(Rm8,32). Mà phận ta là con người yếu đuối, phải trải qua đau khổ thử thách mới biết ai kiên trì đến cùng. Chúa Giêsu đã chẳng nói: “Anh em há chẳng biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng”( 1 Cr 9,24). Để thử thách chúng ta về tình cảm. Chúa luôn đặt ta trong những mối tương quan với mọi người. Một khi lòng ích kỉ nổi lên ta chỉ muốn dành ai đó cho riêng mình, chỉ muốn chăm lo cho người đó, chỉ muốn nói chuyện, muốn bên người đó mãi. Thế nên Chúa không có chổ trong tim ta. Thật ra Chúa có muôn vàn cách để thử chúng ta nhưng dứt khoát: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62). Tuy nhiên, làm người thì không tránh khỏi sai lầm. Một khi có lòng yêu mến Chúa thật sự, yêu mến cộng đoàn nơi ta sống tình huynh đệ đại đồng, nơi ta được hiệp thông, được yêu thương, được mọi người quan tâm thì Chúa vẫn chờ. Ngài vẫn kêu “Ta khát”: Khát một sự hoán cải trọn vẹn, khát lòng yêu mến thật sự và quyết tâm sống cuộc đời mới.

 Một khi ta nhận ra sự hữu hạn tình cảm trần thế, sự ích kỉ chiếm hữu một người làm ta đau khổ thì ta mới giác ngộ được tình yêu cao cả vĩ đại, tình yêu sẵn sàng hy sinh tính mạng vì bạn hữu. Ngài đã chết thay cho chúng ta để chúng ta được cứu độ. Và nơi cộng đoàn ta đang sống có chị em là hiện thân của Chúa nâng đỡ mình. Ân sủng chúa vẫn hằng ban cho ta qua chị em.

Khi ta nhận ra tất cả những điều trên, nhận ra tình Chúa, tình huynh đệ đại đồng. Cánh cửa cộng đoàn vẫn đang rộng mở chờ đón ta quay trở lại để sống một tình yêu lớn lao hơn, tình yêu mà chúa đã chết thay cho muôn người. Thôi ta hãy đứng lên rũ bỏ những quyến luyến tình cảm để trở về cộng đoàn, nơi đó có chị em và có Chúa hiện diện.

Cám dỗ vật chất, quyền lực, danh vọng

Có người Thanh niên đi theo Đức Giêsu, anh ta đã tuân giữ tất cả giới luật, chỉ còn một điều hóc búa anh không thể:  "Nếu ngươi muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải ngươi có và bố thí cho người nghèo khó, thì ngươi sẽ được kho tàng trên trời, rồi đến mà theo Ta" (Mt 19, 21). Khi bước theo Chúa ta đã nói mình từ bỏ tất cả nhưng: Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cảvì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước” (Đường Hy Vọng, số 3). Sự sang giàu quyền thế làm cho ta có sự an toàn, sống tiện nghi… nên ta rất dễ bị cám dỗ. 

Chẳng thế, ngay cả Chúa khi ăn chay trong sa mạc 40 đêm ngày cũng bị quỷ cám dỗ về danh vọng, địa vị: “Quỷ đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: "Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi" (Mt 4,8-9). Nguyên tổ xưa vì muốn bằng Thiên Chúa cũng trở nên bất tuân sa ngã lỗi tội.

Trong sứ vụ, ta còn tính toán thiệt hơn, kết bạn vì hình thức sang - nghèo, biện minh rằng phương tiện này, phương tiện kia cần thiết cho sứ vụ để tìm lợi vật chất. Có khi ta còn tìm ủng hộ, củng cố quyền lực cho mình.

Hãy nhớ lại lời Chúa dạy:Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chổ tựa đầu”(Lc 9,58). Một khi đi rao giảng, thực thi sứ vụ:Đừng mang theo túi tiềnbao bịgiày dép.” Theo tinh thần cha Thánh Đa Minh: “Gia tài là chiếc bị người mang, hành trang đi vào đời là đôi tay trắng.”

Nếu ta đang lạc xa cộng đoàn vì ham mê chút ít của cải trần thế thì hãy quay về sống lời mời gọi của Chúa, cùng với chị em sống tinh thần khó nghèo. Chính Chúa sinh ra đã khó nghèo, chết trên cây Thập Giá cũng vậy. Khi nhận ra của cải, danh vọng trần thế cũng qua đi, thời thế thay đổi, trắng tay chuyện thường. Ta hãy trở về với vòng tay cộng đoàn cùng chị em thực thi bác ái, sống thanh thoát đó mới là những giá trị vững bền tồn tại mãi với thời gian.

Thôi ta hãy đứng lên vứt bỏ mọi của cải, danh vọng trần thế và thốt lên lời tạ ơn Chúa vì đã nhận ra sự mỏng manh hư vô và quay về bên cộng đoàn thân thương.

 Cám dỗ của ý riêng, cái tôi bản ngã

Tác giả Napoleon Hill viết quyển sách có tựa đề: Chiến thắng con quỷ dữ trong bạn. Vậy con quỷ dữ đó là gì mà ta cần chiến thắng? Đó chính là cái tôi ích kỉ, ý riêng dẫn đến sự bất hợp tác, không vâng phục, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, không chịu lắng nghe ý kiến chị em.

Sống trong cộng đoàn vì ý riêng, cái tôi làm cho ta đi hoang, xa chị em. Hãy quay về, noi gương Chúa Giêsu: “Con Người đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người (Mt 20,28). Hay Thánh Gioan: Ngài phải lớn lên,  còn  tôi  phải nhỏ lại”.

Chúng ta cần lại bỏ cái tôi để có chổ cho Chúa và chị em sống trong ta. Đến ngay Chúa Giêsu: Dẫu  Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục(Dt 5,8). Thế nên, ta hãy dẹp bỏ những ý riêng làm cho ta sống không vâng phục. Ta hãy trở về với cộng đoàn: Nơi đó mọi người cùng nhau làm việc, có những người sống khiêm nhường, đâu đó cũng có sự hy sinh thầm lặng, có lúc vui, có khi buồn  nhưng tất cả cùng đang theo đuổi một lý tưởng, có người chị em tính này, tính kia, mỗi người có những khác biệt và chính điều đó làm nên sự phong phú và mới mẻ cho cộng đoàn.

Hãy nhận ra hồng ân nơi cộng đoàn. Hồng ân khi ta được quy tụ, được cùng gặp gỡ, được sống dưới mái nhà Hội dòng. Được cùng học hỏi, cùng thăng tiến, sống một Đức tin, cùng chung lí tưởng. Nơi đây có ánh sáng của sự cảm thông, chan chói của niềm vui, và nhẹ nhàng của sự an bình, thánh thiện. Cũng có lúc bóng tối len lỏi trong cộng đoàn nhưng phải có bóng tối mới nhận ra sức mạnh của ánh sáng là tình đoàn kết, nổi bật lên những con người hy sinh và cống hiến hết mình. Nhận ra sự lèo lái tài tình của những người có trách nhiệm, đôi lúc cũng là đau khổ nhưng chẳng là gì với người tông đồ đã mạnh mẽ, dứt khoát theo Chúa đến cùng.

Khi sống trong ơn gọi có nhiều cám dỗ khiến ta xa rời tình thương Chúa, tình yêu thương cộng đoàn dẫn đến đi hoang, cảm thức không thuộc về Hội dòng. Ai cũng có những giây phút như thế để nhận ra mình tội lỗi cần được Chúa và cộng đoàn thương xót. Biết trân trọng gia đình cộng đoàn như là một hồng ân. Biết quý trọng ơn gọi sẽ trải nghiệm được Lòng Thương Xót thẳm sâu của Chúa và cộng đoàn. Còn chần chừ gì nữa mà không quay về cộng đoàn để nói lời yêu thương để được tha thứ. Và từ nay ta mở thêm trang mới cuộc đời, cảm nghiệm niềm vui của sự dâng hiến trọn vẹn. Ta xây dựng cộng đoàn mới có Chúa ở giữa tôi và chúng ta.


 
Theresa Bút Chì Nhỏ
114.864864865135.135135135250