23/08/2021 -

Các cộng đoàn

366
Cùng Thánh Rosa - SỐNG THÁNH trong đại dịch Covid

Mấy hôm nay đọc tin tức chỉ thấy toàn chuyện buồn. Chuyện quân Taliban tràn vào thủ đô Kabul của Afghanistan và người dân lại nháo nhác tìm đường trốn chạy. Chuyện dịch Covid hoành hành. Người chết nhiều đến nỗi lò thiêu bị quá tải, một số thi thể phải bảo quản trong nhà đông lạnh chờ xếp hàng để hoả táng. Rồi chuyện người dân ùn ùn kéo nhau ra khỏi Sài Gòn để về quê; lũ lượt, nhếch nhác, vất vưởng...bi kịch của thời “hoàng kim”

Diễm phúc cho tôi, trong những ngày này được cùng với chị em trong Hội dòng suy ngắm về gương thánh Rosa Lima để chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Bổn Mạng của Dòng, và cũng là để tìm cho mình động lực để có thể thích ứng cách tích cực với hoàn cảnh hiện tại. Thật may mắn khi giữa những lo toan, khó khăn bộn bề của dịch COVID-19, của chiến tranh khủng bố đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, tôi vẫn tìm thấy và mỉm cười với những câu chuyện đẹp từ cuộc đời Thánh Rosa. Thánh nhân được Giáo Hội làm nổi bật là một con người cầu nguyện, hy sinh và bác ái. Ngài luôn yêu thích đón nhận đau khổ để được thuộc về Chúa, ngài không ngần ngại hy sinh để phục vụ tha nhân… Tất cả điều ấy cho cho ta thấy, con đường thánh nhân lên trời cao chính là con đường của cuộc sống đời thường, con đường mà mỗi người chúng ta hàng ngày đến với Thánh Thể, đến với tha nhân trong sự gặp gỡ, sẻ chia và liên đới. Như thế, ngày lễ Thánh Rosa, Chúa muốn chỉ cho chúng ta con đường sống thánh trong hoàn cảnh hiện tại theo gương thánh nữ; con đường cậy trông tín thác vào Thiên Chúa (cầu nguyện), con đường phục vụ (hy sinh), con đường sẻ chia và liên đới (bác ái) trong cuộc sống đời thường. Đó là những con đường thuộc “vùng xanh” mà ai cũng có thể đi trong mùa dịch này.

Sách Hạnh Thánh Rosa kể rằng: khi còn sống tại gia đình, Rosa vẫn thường xuyên đến thăm những người nghèo và các bệnh nhân, đồng thời dành nhiều thời gian để hãm mình, cầu nguyện. Khi đã trở thành nữ tu Dòng Ba Đaminh, chị vẫn tiếp tục lối sống tốt lành thánh thiện như thế. Chị luôn tận dụng thời gian ít ỏi Chúa ban để làm việc bác ái. Sách viết thêm rằng: vào những năm tháng cuối đời chị đã dành một phòng trong nhà để đón tiếp các trẻ mồ côi, lang thang, cơ nhỡ và những người già yếu bệnh tật.

Sự bùng phát của dịch bệnh không còn cho phép bất cứ ai đứng ngoài cuộc. Những ngày qua chúng ta chứng kiến biết bao con người đang nỗ lực sống thánh bằng những con đường mà Thánh Rosa đã đi.  


Con đường hy sinh - phục vụ

Đó là các y – bác sĩ, các nhân viên y tế, các Tu sĩ tình nguyện, các tình nguyện viên đang ở tuyến đầu chống dịch. Cuộc sống và công việc của họ được thu gọn lại trong 2 từ “hy sinh.” Hy sinh những bữa cơm chiều bên gia đình, hy sinh những giấc ngủ ấm êm khi màn đêm buông xuống, hy sinh những nhu cầu tối thiểu của bản thân, thậm chí sẵn sàng hy sinh cả mạng sống khi nguy cơ lây nhiễm nơi họ phục vụ là rất cao…Nhiều y bác sĩ không thể có một “nụ hôn” với đứa con nhỏ, không thể ở bên cạnh lúc cha mẹ già qua đời… Nỗi nhớ thương, sự lo lắng được họ gói ghém lại trong lòng để chỉ còn lại nỗi đau đáu là đem lại hy vọng, niềm an ủi, sức khỏe và sự sống cho người bệnh. Họ chính là những chứng nhân cho niềm hy vọng khi nỗ lực SỐNG THÁNH trong sứ mạng của mình. 

Đó cũng là sự đau khổ, hoảng loạn của những bệnh nhân mắc Covid đang phải điều trị, những gia đình gặp mất mát, đau khổ vì người thân đã ra đi trong cô đơn, lạnh lẽo, những người nghèo phải lao đao trước gánh nặng mưu sinh…tất cả đều hối hả, quay cuồng với nhịp sống “mùa thương khó” này.  Tuy nhiên, họ đều vui lòng đón nhận và phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, và trong hoàn cảnh cùng cực nhất, họ vẫn được mời gọi thi hành sứ vụ phục vụ tha nhân, nghĩa là sống cho người khác tùy theo ơn gọi và sứ mạng của mình (x. Tông huấn Christus Vivit - Chúa Kitô Đang Sống số 253).


Con đường liên đới và chia sẻ - bác ái

Đó là lý do, trong mùa dịch này, biết bao sáng kiến được đưa ra để hỗ trợ những người lao động tự do, những người nghèo bị ảnh hưởng trong thời gian cách ly xã hội. Các Giáo xứ; từ cha xứ tới bà con giáo dân ai cũng tất tật lo thu góp thực phẩm để trợ giúp vùng dịch, các bếp ăn từ thiện, các siêu thị 0 đồng, các ATM gạo, các chuyến xe xuyên việt chở hàng hóa từ khắp mọi miền đất nước về Sài Gòn. Hình ảnh người phụ nữ tặng tiền cho bà con về quê tránh dịch ở vòng xoay Bắc Phan Thiết (Bình Thuận), anh công an hỗ trợ sản phụ trên đường đến bệnh viện phụ sản, các nam nữ Tu sĩ dàn trải trên những cánh đồng rau màu để gom góp rau củ gửi về nơi bị phong tỏa. Tình người thật đẹp, khi ai cũng có trách nhiệm chăm sóc lẫn nhau, liên đới với nhau và bảo vễ lẫn nhau. Họ chính là những chứng nhân sống động về lòng thương xót của Thiên Chúa giữa đời thường. Như vậy họ là những người đang nỗ lực SỐNG THÁNH giữa đời.

Con đường đến với Chúa – cầu nguyện

Cơn đại dịch vẫn ngày ngày tàn phá khốc liệt, hầu hết chúng ta phải đối diện với rất nhiều thử thách về mọi mặt, kể cả khía cạnh đức tin. “Bình tĩnh, phó thác, cậy trông” là những từ ngữ người ta dùng để an ủi nhau trong những ngày này. Những cụm từ đó viết thì ngắn gọn lắm, nghe cũng nhẹ nhàng lắm, và hiểu thì càng đơn giản hơn, nhưng không phải cứ cất lên là có thể lãnh nhận được kết quả như lòng mong muốn. Người ta vẫn phải quay quắt với câu hỏi; sự gì đang diễn ra trong xã hội này. Tuy nhiên, đời sống cầu nguyện của thánh Rosa lại chiếu soi cho chúng ta những tia sáng hy vọng trong hoàn cảnh này. Thánh nữ Rosa Lima luôn phải chiến đấu trước những cám dỗ, nhất là cám dỗ về nỗi cô đơn và sự buồn chán. Trong những lúc ấy, thánh nhân có cảm tưởng như Thiên Chúa không hiện hữu bên mình, nhưng vẫn vui vẻ dâng hết mọi khó khăn đau khổ cho Người. Ngài kiên trì cầu nguyện để niềm tin được vững mạnh hơn: “lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban thêm đau khổ cho con, và cùng với đau khổ, xin cũng gia tăng trong con lòng yêu mến Ngài!”

Đối với những người đang phải thực hiện việc giãn cách xã hội, những người đang là “F” phải cách ly, và biết bao con người khác nữa đang phải gánh chịu hậu quả của đại dịch này; hãy dâng mọi khó khăn đau khổ cho Chúa, hãy sử dụng nó như một phương thế quí báu để canh tân đời sống nội tâm, dành nhiều thời gian cho nhau, quan tâm chăm sóc cho nhau, gia đình quy tụ bên nhau tham dự thánh lễ online cách sốt sắng và ý thức hơn, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau lần chuỗi Mân Côi, cùng nhau đọc một quyển sách, xem một cuốn phim hay và “hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết, đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì” (Gc 1,2-4). Như thế là chúng ta đang SỐNG THÁNH và là chứng nhân về niềm tin trong mùa dịch này.

Thánh Rosa Lima là con người thầm lặng. Ngài không làm gì to tát, cả cuộc chỉ chuyên tâm cho việc nhà Chúa qua hai chiều kích là MẾN CHÚA – YÊU NGƯỜI. Giữa những thương đau của đại dich, qua thánh Rosa, Chúa đã chỉ cho chúng ta những phương thế sống thánh trong cuộc sống đời thường; là yêu thương, là phục vụ, là chia sẻ, là làm sáng danh Chúa qua những gian nan đau khổ của thời cuộc. Đó cũng là tâm niệm mà thánh Rosa luôn sống, là con đường Ngài đã đi mỗi ngày để về Trời cao.

Xin thánh nữ Rosa cầu bầu cho chúng ta được vững tâm, vững tin vượt qua mọi thử thách của dịch bệnh

 
Tham Nguyen


 
114.864864865135.135135135250