Khi đề cập đến những khó khăn và viễn tượng của đời sống thánh hiến, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn Vita Consecrata đã nói: “trong nhiều vùng trên thế giới, đời sống thánh hiến phải đối đầu với những đổi thay của xã hội và sự giảm sút ơn gọi. Ngay cả sự hiện diện của nhiều Tu hội cũng bị đe dọa, một số khác lại là việc tổ chức lại các công việc, việc bảo toàn đoàn sủng, đời sống huynh đệ…” Tuy nhiên ngài cũng nhấn mạnh, đời sống thánh hiến luôn luôn làm chứng về sự kết hiệp bất khả phân ly giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu anh em, là ký ức sống động của sự phong nhiêu của tình yêu Thiên Chúa trên bình diện nhân bản lẫn xã hội (VC 63).
Đời sống thánh hiến được bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn của Chúa Kitô và là ân huệ của Chúa Cha ban cho Giáo Hội qua trung gian của Thánh Thần. Nhờ việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm họ bước theo Đức Kitô, Sequela Christi để tự hiến cho Chúa với một trái tim không chia sẻ (1Cr 7, 34). Bên cạnh đó, đời sống này còn là yếu tố quyết định với sứ mạng của Giáo Hội, biểu thị rõ ràng bản tính sâu xa của ơn gọi Kitô hữu, của nếp sống thánh thiện, là ân huệ quý báu và cần thiết cho hiện tại, tương lai của Dân Thiên Chúa (VC 1).
Thiết nghĩ đời sống thánh hiến là món quà quý giá, là hồng ân đặc biệt Chúa thương ban cho tất cả những ai sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa cách triệt để. Đồng thời chính người thánh hiến cũng được mời gọi trở nên món quà, dấu chỉ sự hiện diện của Chúa Kitô giữa lòng thế giới hôm nay. Nhưng phải chăng tôi đã chưa ý thức đủ chiều kích thánh thiêng này và sứ mạng nội tại từ đời sống thánh hiến mang lại?
Người sống thánh hiến không giữ Chúa Kitô cho riêng mình nhưng là mau mắn đem Chúa Kitô đến cho tha nhân như Mẹ Maria đã vội vã lên đường viếng thăm bà Êlisabet để chia sẻ, phục vụ người chị họ đang mang thai lúc tuổi già. Nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự phát triển của khoa học kỹ thuật, những trào lưu văn hóa, con người đang rơi dần vào chủ nghĩa vật chất, sự chiếm hữu, hưởng lạc, các giá trị bị đảo lộn và loại trừ Chúa. Nên thiết nghĩ: xã hội lại càng cần hơn bao giờ hết những người Thánh hiến - dấu chỉ sống động về một lối sống thấm đượm Tin Mừng - một giá trị thường tồn, vĩnh cửu “nơi mối mọt không thể đục khoét”.
Xã hội phát triển văn minh hơn, có mức sống cao hơn nhưng điều đó không đồng nghĩa là xã hội sẽ không còn những người nghèo khổ, bệnh tật, bị bỏ rơi, kỳ thị, gạt ra bên lề xã hội, đang phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Ai sẽ nâng đỡ họ, hiện diện cho và vì họ nếu không phải là người thánh hiến - những người đã và đang họa lại hình ảnh Chúa Kitô sống yêu thương qua cung cách sống và phục vụ anh chị em.
Thần học gia Stanley Hauerwas nói: “đời sống của một thì Kitô hữu thì buông xả, không kiểm soát để đánh tan ảo tưởng rằng chúng ta phải uốn nắn, chỉnh chu hay thay đổi thế giới nhưng quyền lực của Thiên Chúa sẽ làm điều đó. Chúng ta làm chứng tá cho điều này bằng cách thực thi những gì là chính đáng, đúng đắn và không cần biết những công việc ấy hoặc có hoặc không đóng góp ra sao cho việc Nước Chúa hiển trị’’. Phải chăng đó cũng là điều mà người Thánh hiến hôm nay cần phải suy nghĩ?
Sống yêu thương phục vụ là một giá trị sống cao đẹp mà Chúa Kitô đã nêu gương cho chúng ta. Nhưng liệu rằng tôi có đang làm triển nở lối sống ấy không? Phục vụ tha nhân để vinh danh Chúa hay sáng danh tôi? Tôi có thật sự tận tâm giúp đỡ anh chị em hay chỉ qua loa cho có? Tôi có thật sự gắn kết với Chúa trong phục vụ hay dựa vào sức riêng tôi?
Thật vậy, những người sống thánh hiến có thể vẫn còn đó những bất toàn thay vì là chứng nhân lại là những phản chứng làm khuôn mặt Chúa Kitô trở nên méo mó, vẫn còn đó những bóng tối, góc khuất trong con người họ. Tuy nhiên cho đến hôm nay đời sống thánh hiến vẫn góp phần lớn lao vào việc xây dựng Giáo Hội bằng đời sống chứng tá, việc phục vụ tha nhân và họ vẫn luôn cần được nâng đỡ bằng lời cầu nguyện của mọi người để trong mọi sự người thánh hiến sống tròn đầy hơn “ơn gọi” đã lãnh nhận từ Chúa.
Hoài Xuân