25/10/2021 -

Các cộng đoàn

645
Đừng

ĐTC Phanxicô đã cảnh tỉnh: “Chúng ta đã đi sai đường, không còn quan tâm đến thế giới chúng ta đang sống… dửng dưng với người khác, thậm chí ‘toàn cầu hóa tính dửng dưng.”[1] Lời cảnh tỉnh của Đức Thánh Cha làm cho tất cả chúng ta dù sống đời thánh hiến hay đang sống trong bậc sống gia đình biết quan tâm hơn. Bởi lẽ, đây là vấn nạn được đặt ra cho tất cả mọi người trong việc tìm ra những cách thức hữu hiệu nhằm đẩy lui lối sống vô cảm, đóng góp xây dựng một thế giới văn minh tình thương. Để đáp lại lời mời gọi của vị cha chung, tôi đang thực hiện những phương thức rất đơn giản:

Mỉm cười

Ngày nay, cuộc sống quá vội vã, công việc chất chồng dễ làm cho tâm trí bận rộn, lo lắng… mà quên đi hay đánh mất nụ cười trên môi miệng mình, thay vào đó là khuôn mặt trầm tư dẫn đến vô cảm. Tôi thiết nghĩ, nụ cười tràn đầy niềm vui đơn sơ, chân thành có sức sưởi ấm những tâm hồn cô đơn lạnh giá cũng như làm dịu bớt những cơn nóng giận ghen ghét, thù oán... Mỗi buổi sáng khi bước ra khỏi cửa phòng để đi đến nhà nguyện, đi học hay đi thi hành sứ vụ mà nhận được nụ cười người khác ban tặng thì ấm lòng biết bao. Mẹ Têrêsa dù có bận rộn thế nào, chúng ta thấy mẹ vẫn luôn nở nụ cười trên môi khi giao tiếp. Mẹ khuyên rằng: “Chúng ta hãy luôn gặp nhau với nụ cười, bởi nụ cười là bắt đầu của yêu thương.

William Arthur Ward còn thêm rằng: “Nụ cười ấm áp là ngôn ngữ chung của lòng tốt.” Trong những lúc căng thẳng, một nụ cười ấm áp có thể làm dịu lòng người đối diện. Hoặc khi  đang xảy ra tranh cãi về một vấn đề gì thì một nụ cười sẽ làm dịu lòng lại để cùng nhau tìm hướng giải quyết tốt nhất.

Trong môi trường huấn luyện khi một người thụ huấn lắng nghe với một nụ cười trên môi khi được sửa lỗi, sẽ làm cho người huấn luyện hài lòng giảm bớt áp lực. Đối lại, khi người huấn luyện sửa lỗi hoặc hướng dẫn điều gì với nụ cười ấm áp luôn nở trên môi thì người thụ huấn dễ dàng vui vẻ đón nhận. Còn nếu cả người huấn luyện lẫn người thụ huấn khi trao đổi với vẻ mặt nghiêm nghị và cau có sẽ không đạt được hiệu quả tốt đẹp.

Bên cạnh đó nụ cười còn là một phương thuốc chữa lành bệnh tâm linh vì: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”
[2] hay “Không gì đứng vững được trước sự công phá của tiếng cười.”[3]

Nụ cười có thể làm thuyên giảm chứng bệnh trầm cảm. Nụ cười được ví như chìa khóa mở được cánh cửa và dễ dàng bước vào lòng người khác. Đồng thời, nụ cười không chỉ là chìa khóa mở ra cánh cửa đi đến với mọi người, mà còn cánh cửa mở ra để tiếp đón mọi người vào với cõi lòng của mình. Max Eastman đã nói: Một nụ cười là lời đón tiếp mà ngôn ngữ nào cũng hiểu.” Anthony J. D'Angelo thì nói: “Hãy cười lên, đó là chiếc chìa khóa có thể mở mọi trái tim.”

Mở ra để đón nhận và cho đi sự bình an

Ngay cả niềm tin tôn giáo dường như cũng bị nhiều đóng khung và xem là vấn đề riêng tư. Vì lẽ đó, trong số 64 của tông huấn niềm vui của Tin Mừng ĐTC cho rằng: “Tiến trình tục hóa đã đẩy niềm tin và Giáo Hội vào lãnh vực riêng tư và thầm tín.” Vấn nạn đặt ra là làm thế nào để sống chứng tá Phúc Âm, nếu như các Kitô hữu vẫn còn khép kín.

Mở ra để dễ dàng đón nhận những cái hay lẫn cái xấu nơi người khác, mở ra cũng là để cho đi những cái gì tốt đẹp mà mình đã lãnh nhận được từ nơi Thiên Chúa, bởi vì cuộc sống xã hội ngày nay làm cho con người quay cuồng bởi những tiến bộ khoa học, những trào lưu duy thế tục và sự dửng dưng giữa đau khổ của người khác. Hơn nữa chúng ta còn không dám sống thật ngay cả với chính mình, đánh mất tâm tính của mình. Chúng ta sợ đối diện với sự thật, bởi vì chung quanh thật giả lẫn lộn, không phân biệt được đâu là thật và đâu là giả nên luôn bất an. Chúng ta quên rằng bình an chính là sống thật với lòng mình và với tha nhân, như Chúa Giêsu đã dạy: “Có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5,37). Nếu như vì một lời nói dối mà phải dùng đến trăm hay cả ngàn lời khác để biện hộ, thì liệu người khác có tin điều ta nói dối chăng?

Bên cạnh đó, quan tâm đến tha nhân để săn sóc, phục vụ là điều tốt, nhưng lắm khi chúng ta chỉ dừng lại ở việc soi mói những lỗi lầm, thiếu xót nơi người chị em, còn điều xấu nơi bản thân thì chẳng bao giờ thấy “cái xà trong mắt mình” (Mt 7, 4). “Bạn luôn phải nhớ rằng bạn là người coi sóc bản thân mình.
[4] Do đó, cần nhìn lại chính mình để nhận ra những khiếm khuyết, bất toàn để sửa đổi. Nếu muốn có sự bình an trong tâm hồn, thì đừng tìm kiếm lỗi lầm của người khác, thay vào đó hãy học cách nhìn thấy lỗi lầm của chính mình.

Đừng mong đền đáp

Cho và nhận được xem là tiến trình tự nhiên của các con sông, dòng suối. Nếu sau khi phục vụ và cho đi mà ta còn mong người khác đền đáp, thì ta sẽ dễ bị thất vọng hoặc cảm thấy chua chát và làm cho nụ cười của bạn khô héo trên môi khi nhận ra những người lãnh nhận đã đền đáp không cân xứng hay vong ân, bội nghĩa.

Chúa yêu, yêu vô điều kiện, trao ban vô điều kiện. Ngài đã dạy: “Nếu anh em cho đi mà đòi hỏi người ta đáp trả thì còn gì là ân với nghĩa...” (Lc 6,33). Sống quảng đại và bao dung yêu tha nhân, quên mình, hiền lành, khiêm nhường, thương xót; không ghen tỵ, không thù oán, không giả dối… được xem là những đức tính cần trau dồi để đem lại sự bình an trong tâm hồn. Khi có được sự bình an trong tâm hồn, sự bình an đó sẽ tô điểm thêm trên nụ cười của ta.

Tóm lại, khi nhìn lại chặng đường mình trải qua đã quá dài và chặng đường còn lại quá ngắn, tôi nhận ra biết bao hồng ân mà Thiên Chúa ban cho tôi. Ngài cho tôi được sinh ra làm người, Ngài đã dẫn dắt tôi từng bước, nhất là Ngài đã kéo tôi ra và tha thứ biết bao nhiêu lần khi tôi quỵ ngã và xúc phạm đến Ngài và với tha nhân. Tôi ân hận vì đã quá nhiều lần không trân trọng ơn lành đó, nhưng tôi đã quyết vạch ra cho mình một con đường để bớt đi những bước lầm lạc mà quay về với tình yêu Thiên Chúa và chị em.

 
Bình Phương Hát

[1] ĐTC Phanxicô, “Cuộc cách mạng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô,” tr 145.
[2] Thành ngữ Việt Nam.
[3] Mark Twain.
[4] Dr.Betty R. Price: Lifestyles of the rich faithful, tr 9.
114.864864865135.135135135250