11/10/2021 -

Các cộng đoàn

410
Ly nước chanh

Trong ngày hội ơn gọi của các em Thỉnh sinh, có một trò chơi mà tôi thấy thật ý nghĩa đó là trò chơi cả tổ cũng nhau pha một bình nước chanh, sau đó tất cả cùng chia nhau uống. Trò chơi này được xếp sau các trò chơi thi đua vận động, khi đó mọi người đã thấm mệt nên ly nước chanh đến đúng lúc giúp mọi người giải khát và lấy lại sức lực để hăng hái tiếp tục cuộc chơi. Trong khi mọi người đang uống nước, quản trò nói lên ý nghĩa của đời sống cộng đoàn qua hình ảnh ly nước chanh: Trong cộng đoàn, mỗi người một cá tính, quan điểm, cách ứng xử, sở thích khác biệt nhau, thậm chí đối lập nhau, nhưng nếu chúng ta biết đón nhận và dung hòa với nhau sẽ tạo nên cộng đoàn bình an và hạnh phúc giống như ly nước chanh có đủ vị chua mặn ngọt nhưng khi hòa quyện vào nhau lại tạo thành một thức uống thơm mát, bổ sức cho con người.

Hình ảnh ly nước chanh thật đơn sơ, bình dị nhưng khi được ví với đời sống cộng đoàn thì lại trở nên thật ý nghĩa. Trong cộng đoàn, mỗi người mang một “hương vị” khác nhau: Có những chị em lạc quan, vui vẻ làm cho bầu khí chung luôn rộn ràng, tươi vui, họ như vị ngọt của đường; có những chị em âm thầm, lặng lẽ nhưng luôn tận tình, hy sinh cho việc chung, họ như vị mặn của muối làm cho ly nước thêm đậm đà; có những chị em nóng nảy đôi khi làm cho người khác phải “kinh hồn, bạt vía” bởi “sấm chớp, bão bùng”; có những chị em dễ cáu gắt, khó chịu như vị đắng làm cho ly nước thêm mùi vị; và cũng có những chị em nhẹ nhàng, từ tốn như làn nước mát dịu tỏa ra sự bình an, thanh thản cho mọi người…

Trong sứ vụ đào tạo, tôi cũng thấy có những em thật khiêm tốn, hòa đồng, biết chu đáo trong công việc, tế nhị trong giao tiếp, ứng xử làm cho việc huấn luyện trở nên dễ dàng và thăng tiến. Nhưng cũng có những em nóng nảy, cứng cỏi, luôn tự cao trong suy nghĩ về bản thân nên khó đón nhận những lời sửa bảo, góp ý khiến cho việc huấn luyện gặp không ít khó khăn.

Nếu nhìn cuộc sống bằng cái nhìn tự nhiên của con người, có nhiều lúc tôi cảm thấy chán nản, thất vọng, áp lực khi phải sống và làm việc chung với những chị em nóng nảy, khó tính, ương ngạnh, những chị em thiếu tinh thần hy sinh, ngại dấn thân, hay kêu ca, phàn nàn… nhưng trong cái nhìn đức tin, tôi lại đặt tất cả mọi sự trong bàn tay quan phòng và yêu thương của Thiên Chúa, chỉ mình Ngài là Đấng có thể làm cho điều dữ trở nên điều lành cho kẻ kính mến Ngài.

Thật vậy, đức cố Hồng y Phanxico Nguyễn Văn Thuận đã viết trong tác phẩm Đường Hy Vọng của ngài rằng: “Gặp người làm khổ, con có thể có hai thái độ: người này hại tôi; người này thánh hóa tôi” (ĐHV 150).  Và câu kế tiếp: “Thiên hạ nói: “người này là mối họa cho tôi” Con phải nói: “Người này là khí cụ Chúa dùng biến đổi tôi” (ĐHV 151). Nếu tôi nhìn người gây đau khổ cho tôi là ngưởi làm hại tôi thì chắc chắn tâm hồn tôi sẽ không bình an, tôi sẽ buồn phiền, tức giận với người ấy và có khi sẽ tìm cách làm khổ lại họ. Nhưng nếu tôi nhìn họ là công cụ Chúa dùng để thánh hóa tôi thì tâm hồn tôi sẽ bình an, không ghen ghét, khó chịu nhưng sẽ vui nhận những đau khổ ấy như cơ hội để rèn luyện nhân đức và thánh hóa bản thân mình mỗi ngày. Như thế, cùng một sự việc nhưng chính cách nhìn nhận của tôi sẽ làm cho tôi trở nên bình an hay bất an và từ đó tôi sẽ hành động theo sự suy nghĩ của mình vì tư tưởng hướng dẫn hành động.

Nhìn lại bản thân, tôi cũng thấy nơi mình đầy những bất toàn, yếu đuối. Có những lúc tôi là vị ngọt khi vui vẻ trao tặng cho chị em những nụ cười, những lời quan tâm thăm hỏi, giúp đỡ chân thành; nhưng có lúc tôi cũng trở nên chua cay, chát đắng bởi những bi quan chán nản, những khó chịu phê phán, thiếu cảm thông với chị em… Khi thấy bản thân mình đầy giới hạn, lỗi lầm như thế mà vẫn được Chúa yêu thương đón nhận thì đó chính là lý do và động lực lớn nhất để trong sứ vụ đào tạo tôi thêm lòng kiên nhẫn và trong đời sống chung tôi biết mở lòng yêu thương đón nhận những bất toàn, yếu đuối của chị em.

Mặt khác, tôi cũng thấy rằng khi sống chung, mỗi người sẽ học được nhiều điều hay nơi người khác vì người bên cạnh chính là thầy dạy của ta: với những người tốt lành, ta học được sự quảng đại, vị tha; với những người nóng nảy, ta có cơ hội tập sự kiên nhẫn, chịu đựng; với những người đối xử không tốt với ta, ta sẽ rèn luyện cho mình sự kiên cường, vững vàng trước sóng gió, thử thách.

Ly nước chanh cần đầy đủ hương vị cũng giống như Hội Dòng và cộng đoàn có nhiều thành viên với những khác biệt tạo nên sự phong phú đa dạng. Tuy nhiên, trong sự khác biệt ấy phải có một sự thống nhất giống như các thành phần trong ly nước phải hòa quyện vào nhau mới làm thành ly nước chanh. Yếu tố làm nên sự thống nhất giữa các thành viên trong Hội Dòng chính là tình yêu của Thiên Chúa - Đấng đã chọn gọi và quy tụ chúng ta trong Hội Dòng và cộng đoàn. Khi mỗi người cảm nhận được tình yêu nhưng không Chúa dành cho mình, chúng ta mới có thể yêu thương, đón nhận người chị em như họ là, không ghen ghét, loại trừ.

Cảm tạ Chúa đã ban cho Hội Dòng chúng con có nhiều chị em với những nét độc đáo riêng của mỗi người. Xin cho chúng con luôn biết góp phần riêng tốt đẹp của mình vào lợi ích chung của cộng đoàn để xây dựng Hội Dòng ngày càng thăng tiến. Và xin cho chúng con dám tin vào sự biến đổi của Chúa nơi bản thân mình và nơi chị em để chúng con luôn biết trân trọng, yêu thương và đón nhận nhau.

 
Maria Thanh Thúy

 
114.864864865135.135135135250