13/11/2021 -

Các cộng đoàn

620
Ra đi hay ở lại

Câu hỏi đi hay ở thường được đặt ra cho chính mình, cho người khác khi phải chọn lựa một một lý tưởng, một ước mơ, một cách sống… Trong Tin Mừng, đã nhiều lần Đức Giêsu đặt câu hỏi đó cho nhiều người trong nhiều hoàn cảnh, dù câu hỏi trực tiếp hay gián tiếp thì câu trả lời vẫn cần một chọn lựa dứt khoát, rõ ràng, dù rằng chọn lựa đó có thể chọn lại. Các môn đệ và đám đông theo Chúa có khi phải chọn lại vì những giáo huấn của Chúa, tư tưởng của Ngài không phù hợp với chính họ hay không như lý tưởng họ mong chờ. Trong giới hạn bài viết này, chỉ xin đặt ra câu hỏi ra đi hay ở lại và phân tích một phần ở lại dưới hai khía cạnh: các môn đệ ở lại với Chúa và Chúa ở lại với các môn đệ. Điều đó như hai mặt của một đồng tiền vì con người không thể ở lại với Chúa nếu Ngài không đi bước trước mời gọi và ban sức mạnh, nhưng cũng hàm chứa tự do và ý muốn của con người.

Để chọn lựa ra đi hay ở lại, chúng ta cùng tìm hiểu ba đoạn Tin Mừng trong Gioan, để từ đó có phần suy tư cá nhân.

1. 
​​​​Bánh hằng sống (Ga 6, 51-58)

Câu chuyện nằm trong phần diễn từ về Bánh trường sinh (6, 1-71). Mỗi câu nói của Đức Giêsu lại nổi lên một vấn nạn của người Do Thái, và nhân cơ hội đó Chúa lại tiếp tục mặc khải mầu nhiệm về chính Ngài. Câu nói trọng yếu: Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi thì được sống muôn đời (c. 54) để các môn đệ phải bỏ đinhóm Mười Hai ở lại. Tại sao lại có chuyện ăn thịt và uống máu một con người? Tại sao điều đó lại quan trọng đến nỗi phải đánh đổi tất cả để ở lại hay ra đi?

Trước hết Đức Giêsu khẳng định Ngài là bánh từ trời xuống. Lý do có câu khẳng định này là sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, đám đông dân chúng đi theo để có bánh đó ăn mãi mà không cần làm lụng vất vả. Họ chỉ dừng lại ở cơm bánh vật chất mà không hiểu thông điệp về một loại bánh khác mà Đức Giêsu trao tặng, khi đó Ngài nói rõ: Các ông tìm tôi không phải vì thấy dấu lạ, nhưng vì được ăn bánh no nê […], hãy ra công làm việc không phải vì lương thực hư nát nhưng để có lương thực trường tồn! (Ga 6, 26-27). Tiếp theo, nếu đám đông muốn có lương thực trường tồn, thì chỉ cần tin Đức Giêsu là bánh trường sinh. Nhưng điều đó thật khó, bởi bánh đó không được nhào nặn bằng bột nhưng lại được làm nên từ chính “thịt và máu một con người. Câu chuyện đến phần phức tạp và khó hiểu! Chúa mặc khải chính Ngài và cách nuôi sống con người bằng bánh trường sinh. Sự việc xảy ra theo hai giai đoạn:

 
- “Tôi từ trời xuống, Đức Giêsu thuộc về thế giới thần linh, từ Chúa Cha, nhưng đã xuống thế, nhập thể trong một con người để ở với và cứu chuộc họ. Con người đó được ban trọn vẹn ngay từ khi được thành thai trong lòng mẹ Maria. Thân thể đó chính là sôma sarx thịt, hạn từ quen thuộc trong Tân Ước để gọi Bí tích Thánh Thể (Mc 14,22 ; Mt 26,26, 1Cr 11, 24) ; sarx không chỉ là thịt mà còn có nghĩa là toàn thể con người. Vậy việc ăn thịt không phải chấp nhận một phần của thân thể mà là trọn vẹn con người, cũng không phải ăn miếng thịt như một phần thức ăn trong bữa ăn thường ngày, nhưng là đón nhận Đức Giêsu và tất cả những gì thuộc về Ngài như lời nói, hành động…

- Vì không hiểu ý nghĩa của câu nói trên nên mới có phản ứng: làm sao ông này có thể cho ta ăn thịt ông ấy được? Hạn từ Ông này là kiểu nói khinh bỉ, bởi nói đến thịt, máu là điều không tưởng và cần tránh. Trong Kinh Thánh ăn thịt là kiểu nói bóng để diễn tả sự thù nghịch, còn việc uống máu bị coi là việc ghê tởm và điều Thiên Chúa cấm (x. St 9, 4 ; Lv 3, 17), vì thế mà trở thành đáng sợ, phải loại trừ.

Đức Giêsu dùng ngôn ngữ hiện thực, mang tính sống sượng ăn thịt, uống máu để diễn tả về Bí tích Thánh Thể. Để được thông phần vào sự sống với Ngài cần phải ở trong Ngài, ở trong không còn gì khác là ănuống chính con người đó. Thịt và máu đó được ban cách trọn vẹn trong cái chết của Ngài trên thập giá, trao ban toàn thể con người cho nhân loại, trong hành vi hiến tặng mạng sống để thế gian được sống, như bằng chứng tối cao về tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Thịtmáu là bằng chứng tối hậu về tình yêu của Ngài. Việc này không thể đón nhận được nếu chỉ lý luận theo kiểu con người, vì vậy trước đó Chúa mới lưu ý phải làm việc Thiên Chúa muốn đó là tin vào Đấng Người đã sai đến. Sự việc xem ra đơn giản nếu tin, ai lấy đức tin mà đón nhận quà tặng này, thì cũng tuyên xưng Đấng chịu đóng đinh với tình yêu của Ngài là nguồn mạch ban sự sống, sẽ được thông phần vào sự sống của Ngài, cũng là hiệp thông với Ngài vì ai ăn thịt và uống máu tôi, sẽ được sống muôn đời (c. 54). Sự sống đời đời và hiệp thông cá nhân với Ngài và cả hai làm nên một vì …người ấy ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy (c. 56). Ở lại trong nhau có nghĩa là trao đổi hỗ tương trọn vẹn và kếp hợp với nhau chặt chẽ nhất, vậy chỉ cần hiệp nhất trọn vẹn với Chúa đã là ănuống rồi ; dụ ngôn cây nho và cành sẽ làm sáng tỏ thêm ý tưởng này (x. Ga 15, 1-17).

Chúa Cha là nguồn phát xuất tình liên đới. Ngài gởi Chúa Con đến để ban sự sống nhưng cũng dẫn đưa loài người đến với Chúa Giêsu trong tư cách là bánh ban sự sống (c. 37.44.65). Thiên Chúa là Cha hằng sống và là chính sự sống, là sức sống viên mãn không bao giờ cạn kiệt. Đức Giêsu được sai đến với Ngài và có sự sống của chính Chúa Cha. Tin là ở trong Ngài và trong Chúa Cha, nghĩa là người có sự sống.
Ai hiểu? Ai tin? Ai ở lại và ai ra đi?

2. 
Sự sống đời đời - một chọn lựa (Ga 6, 60-69)

Đoạn Tin Mừng này là đỉnh cao của cuộc khủng hoảng báo trước cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Các thính giả phản ứng lại lời nói của Ngài, họ bị đặt trước một sự chọn lựa hoặc tin hoặc không và như vậy sẽ có quyết định đi theo hay bỏ đi. Trong phần trước, Đức Giêsu đã nói rất rõ về tiệc Ngài ban để con người được ănuống, và như vậy mới có sự sống đời đời. Các ân ban đó chính là mình Ngài, và như vậy các môn đệ bắt đầu chia rẽ về điểm này: nhiều người bỏ đi vì không thể chấp nhận được lời đề nghị sống sượng đó lời này chói tai quá, ai mà nghe được! nhưng cũng có người chọn lựa ở lại vì chỉ có Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời!
 
2.1. Ra đi

Đức Giêsu nói Ai ăn thịt và uốn máu tôi thì được sống muôn đời, nghe xong nhiều môn đệ nói lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi! Các môn đệ là những người được chọn gọi, dù là nhóm 12 hay 72 như Luca nói, hoặc đám đông theo Chúa cũng nằm trong thành phần môn đệ. Không biết những người mà Gioan gọi là môn đệ ở đây có gồm nhóm 12 và 72 không, nhưng chắc chắn những người bỏ đi được gọi là môn đệ nghĩa là đã có thời gian dài theo Thầy, được học hỏi, giải thích, chứng nhân những việc Ngài làm. Nhưng hôm nay sau khi nghe về bánh hằng sống mà chính Đức Giêsu ban, thì họ không chấp nhận, phản đối mạnh mẽ và làm một hành động dứt khoát là bỏ đi. Lời Đức Giêsu nói đã đến mức tràn bờ và thực sự là không chịu nổi nếu chỉ đón nhận và hiểu theo nghĩa nổi của mặt chữ, theo cách nghĩ của con người, hoặc không nối kết với tất cả những gì Ngài đã nói và làm trước kia. Nếu không đặt trong bối cảnh tổng quát thì không thể hiểu được, chưa kể việc phải mở lòng đón nhận lời giáo huấn và để Thánh Thần hướng dẫn mới mong hiểu phần nào. Đức Giêsu cung cấp những thông tin để giúp các môn đệ hiểu, nhưng lý do thực thụ mà các ông bỏ đi đó là: thiếu đức tin.
Trước hết Chúa nhắc các ông, Ngài không nói như một con người nhưng như người của Thiên Chúa, người được Chúa Cha sai đến và sẽ quay về với Chúa Cha. Sở dĩ Ngài có thể trở thành lương thực cho con người vì Ngài phát xuất từ Chúa Cha là nguồn sự sống (x. Ga 6, 27.57). Điều kiện để ở lại đó là hiểu và nhìn nhận bản thân Đức Giêsu.

Tiếp theo, nếu chỉ hiểu về thịt mà con người thường dùng thì các môn đệ bỏ đi là có lý! Nhưng thịt ở đây đến từ Thánh Thần, từ quyền lực không bao giờ cạn để ban sự sống của Thiên Chúa (Ga 3, 6). Đức Giêsu nhấn mạnh rằng các lời của Ngài là lời Thần Khí và là sự sống. Thần Khí và sự sống hiện diện trong lời của Ngài và cho một chứng minh rõ ràng về điểm này. Ta chỉ có thể hiểu được lời của Ngài nếu để ý đến chuyện Ngài là ai và bản chất lời đó là gì, và những điều này đòi hỏi phải tin. Đức tin là một ân ban của Thiên Chúa nhưng đồng thời vẫn còn nguyên trách nhiệm của con người khi lãnh nhận hay từ chối. Khởi đầu cho hành trình đức tin là sự hiểu biết, nhưng chỉ hiểu biết thì không thể gọi là tin, bởi những điều ta tin không thể chứng minh bằng khoa học, vậy đức tin vượt lên trên mọi lý luận, hiểu biết của con người để dấn thân chấp nhận cách liều lĩnh. Và như vậy nhiều môn đệ phải chịu trách nhiệm về đức tin không lãnh nhận khi rút lui, không còn ở với Người nữa.

 
2.2. Ở lại

Câu hỏi trên không biết các môn đệ bỏ đi có thuộc nhóm Mười Hai không? có lẽ không! Tuy nhiên các ông cũng nhiều lần chao đảo, nghi ngờ, bị cám dỗ và thách thức chính Đức Giêsu. Cuộc đối thoại với nhóm thân tín nhất này bằng câu hỏi: Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? (Ga 6, 67). Phải chăng Chúa thách thức các môn đệ mọi người đi rồi, anh em cũng cứ việc bỏ đi!, trái với câu hỏi hàm chứa lời mời gọi ở lại. Nhưng cũng có thể hỏi để các ông phải suy nghĩ và chọn lựa. Nhưng đúng hơn, Đức Giêsu là một vị Thầy rất bình thản, không sợ môn đệ bỏ rồi cầu cứu họ ở lại, cũng không thách thức như kiểu trả đũa cho sự phản bội, mà là nhắc các môn đệ suy nghĩ trong tự do. Theo Chúa cần chọn lựa lại mỗi ngày ngay trong lúc cam go nhất! Dù sao câu hỏi đó đặt ra cũng để các môn đệ suy nghĩ tự do quyết định và làm hành động nói lên điều đó. Chúa không rút lại bất cứ điều gì đã nói, mà chỉ muốn mỗi người có suy nghĩ chín chắn và chọn lựa rõ ràng. Phêrô, đại diện nhóm Mười Hai thưa chúng con. Hỏi các môn đệ khác có cùng suy nghĩ đó không? Mười một người khác có nằm trong số “chúng con” không? Có lẽ có, vì nếu không thì đã bỏ đi. Phêrô nói lên quyết định của mình sau khi có suy nghĩ kỹ lưỡng. Các ông muốn ở lại vì ba lý do:

- “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai?” chúng con không thể bỏ đi cách mù quáng, bởi trước khi bỏ phải biết bỏ ai, tại sao bỏ và sẽ theo ai? Bỏ Thầy liệu có gặp được người tốt hơn, có gì mới hơn và quyền năng hơn không? Nếu đơn giản bỏ đi chỉ để rời bỏ thì chẳng ý nghĩa gì ! Suy tư này giúp các môn đệ (đại diện là Phêrô) tránh những quyết định sai lầm theo cảm tính nhất thời. Bởi chắc chắn sẽ không tìm được người tốt hơn, cao trọng hơn, hoàn hảo hơn, vậy khôn ngoan là chọn “ở lại.”

- “Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời”: lời này nhắc đến bản tính Đức Giêsu như chính Ngài khẳng định “Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống” (6, 63). Và giờ đây Phêrô chấp nhận lời nói đó. Ông hiểu rằng ân ban cao trọng nhất của Đức Giêsu là sự sống đời đời và nhận biết rằng Chúa nói về điều đó trong tư cách là Con Thiên Chúalà Thiên Chúa và là lời đáng tin nhất, hơn nữa Ngài còn mang sứ điệp chắc chắn về sự sống đời đời và mở đường vào sự sống đó. Chúa Cha là Đấng vĩnh cửu, Chúa Con sống trong Chúa Cha và Chúa Thánh Thần làm nên sự sống đó, vậy ở trong Ngài là trong sự sống đời đời.

- “Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng Thầy là Đấng Thánh Của Thiên Chúa” (c. 6869). “Đấng Thánh của Thiên Chúa,” nói đến “thánh” nghĩa là điều thuộc về Chúa, được Chúa thánh hiến và dành riêng. Nếu Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, nghĩa là Ngài hoàn toàn thuộc về Chúa và được kết hiệp với Ngài cách trọn vẹn, người hoàn toàn thuộc về Chúa và thậm chí đã là một “Ta và Cha Ta là một.” Chúa Cha là sự sống và Đấng ban sự sống, thì người thuộc về Ngài cũng có những quyền năng và bản chất đó. Chẳng ai có sự sống và quyền trao ban ngoài Thiên Chúa, nếu bỏ Chúa, bỏ sự sống, hạnh phúc, niềm vui thì chỉ còn lại là cái chết, vậy ai lại điên dại để chọn cái chết, chọn điều bất hạnh!
 
Phêrô chọn ở lại vì ông chon “sự sống đời đời,” chọn “tin” và chọn “sự nhận biết.” Đây vừa là lời tuyên xưng sự trung tín, chọn lựa sau khi đã suy nghĩ mà cũng là chọn lựa ở lại trong tình yêu. Theo Thầy không chỉ vì những điều trên mà còn vì tình yêu dành cho Thầy, hay đúng hơn đáp lại tình yêu Thầy dành cho mình bằng tình yêu cân xứng theo khả năng con người.

Các lập trường đã rõ, các phe chống đối hay ủng hộ đã xác định. Giuđa và những nhà chức trách Dothái đang chuẩn bị nộp và xét xử Đức Giêsu. Các môn đệ của Chúa cũng bị “xét xử,” các hoàn cảnh sống của Đức Giêsu buộc các ông phải chọn lựa dứt khoát.

3. 
Đức Giêsu ở lại (Ga 11, 54).

“Ở lại” trong Lời: Tin Mừng Gioan mang nghĩa đặt biệt, động từ này không chỉ diễn tả sự cư ngụ trong một thời gian, một khoảng không gian địa lý, nhưng nói lên sự gắn bó, liên kết hiệp thông thiêng liêng, cách trọn vẹn. Ở lại là tâm tình của người môn đệ trung tín với Thầy, kể cả lúc gian nan tăm tối đức tin và sự kiện, ở lại cũng là để Chúa ở với và đi cùng.  Đức Giêsu ở lại trong Chúa Cha nên khi người môn đệ ở lại trong Ngài thì cũng ở lại trong Chúa Cha, các Ngài ở trong người môn đệ và như thế làm nên một vòng đồng tâm.

Câu chuyện cảm động về việc Đức Giêsu ở lại với các môn đệ ở Ehpraim. Sự việc xảy ra sau khi Chúa cho Lazarô sống lại: gia đình chị em Matta, Maria và những người thân cận, xóm làng vui mừng, và rất nhiều người đã tin vào Đức Giêsu vì dấu lạ vĩ đại Ngài đã làm. Nhưng đó lại là điều gai mắt các thượng tế và Pharisêu nên họ triệu tập thượng hội đồng để tìm cách thủ tiêu Đức Giêsu. Biết được ý định này, Đức Giêsu không công khai đi lại giữa người Dothái, nhưng “từ nơi ấy, Người đến gần vùng hoang địa, tới thành gọi là Ehpraim, Người ở lại đó với các môn đệ” (Ga 11, 54). Chương này bắt đầu với việc ở đầu sông Jordan và kết thúc ở Ehpraim, nơi hoang địa, chỗ Gioan làm phép rửa (Ga 10, 40). Cuộc gặp gỡ kết thúc ở Ephraim, vùng đất gần hoang địa, nơi đây, Đức Giêsu mới cảm thấy mình được an toàn, những chỗ khác đều phải đương đầu với những nhà chức trách tôn giáo hay chính trị.  Người thường xuyên nói về ánh sáng thì giờ cần ẩn trốn, Ngài ẩn mình cho đến lúc phục sinh thì ánh sáng chan hòa cho tất cả.

Trở lại Ephraim, tên này mang nghĩa huyền bí, vùng này nằm gần hay trong hoang địa, miền Nam Giêrusalem. Ngày nay, các nhà khảo cổ không biết vị trí chính xác, vì không còn dấu tích nên trở thành huyền bí !
[1] Về đây, Chúa ở lại với các môn đệ trong tuần lễ cuối cùng của cuộc đời tại thế. Sau những biến động cuộc đời, Đức Giêsu cũng thấy những đe dọa cho Ngài và cho các môn đệ khởi đi từ những việc tốt Ngài làm, nhưng bên cạnh đó lại là những chướng ngại cho những người không tin và tìm ảnh hưởng cho bản thân. Trong tình cảnh nhiễu nhương đó, Chúa muốn tìm một nơi, về đó và ở lại với các môn đệ. Có lẽ các môn đệ thấy đây là lúc an nhiên tự tại, xa lánh những ồn ào trần thế, những cạnh tranh quyền lực để về một nơi yên bình, có Chúa ở cùng.

Ephraim, không có gì để nói xét về địa lý và lịch sử, các sách Tin Mừng cũng chẳng nói gì nhiều ngoài việc đưa tin Chúa về đó và ở lại với các môn đệ. Nhưng xét về nghĩa biểu tượng thì lại rất quan trọng:

 
- Nơi hoang địa: có thể hiểu đó là nơi thử thách như dân Israel xưa, nơi khô cằn chết chóc, nơi nguy hiểm và đáng ngờ. Nhưng còn ý nghĩa nữa rất quan trọng đó là nơi Thiên Chúa dậy dỗ dân, là nơi biểu lộ tình yêu, sự trung thành: “Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16). Sa mạc ở đây không phải là nơi chốn mà là một tình trạng, dân Chúa được đưa về tình trạng tuyệt đối trung thành với Ngài như thời dân ra khỏi Aicập vào trong sa mạc. Đức Giêsu cũng đưa các môn đệ về Ephraim để “biểu lộ tâm tình” trong lúc cuối đời. Chúa đưa các môn đệ về đây, để Thầy Trò sống những giây phút cuối bên nhau, ngắn ngủi nhưng an bình, đầy tình thương mến.

- Nơi Chúa chọn để ở lại: Chúa ở với các môn đệ và mọi người: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” Việc hiện diện đó bằng cách khác, còn hiện tại ở Ehraim, Chúa hiện hiện bằng con người xương thịt, con người lịch sử, để các môn đệ có kinh nghiệm thực thụ làm chứng nhân sau này. Nơi chốn trở nên quan trọng vì có Chúa ở đó, trở thành nơi thánh vì có Ngài thánh hóa. Đó là nơi chốn, thời gian và sự tiếp xúc cá nhân với Ngài, là điều cần thiết để người môn đệ vững mạnh trong ơn gọi của mình. Vì thế, lúc đó Chúa không nói chi tiết về lối sống của Ngài mà chỉ mời họ ở lại. Thánh Rosa Lima đã có cảm nghiệm kết hiệp thần bí với Chúa khi khẳng định: Chúa nói trong tâm hồn bằng sự thầm lặng, nhẹ nhàng, và chỉ có thể hiểu được bằng cảm nghiệm khi sống với Ngài mà ngôn ngữ không thể diễn nghĩa.[2] Chúng ta lớn lên trong sự hiểu biết này bằng chiêm ngắm những gì thuộc về Chúa, bằng lòng khát khao nếm sự ngọt ngào của Thiên Chúa. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ đến và Ngài ở lại với họ.
 
Một lời nguyện cùng dâng lên Chúa: xin đưa con về Ephraim, để một lần nữa được ở với Chúa và các môn đệ, lánh xa tất cả để chỉ ở lại với Ngài, để con có thể nghe tiếng Ngài, để những lời cuối cùng của Ngài như di chúc cuộc đời, từ đó con có thể đương đầu với những khó khăn nguy hiểm và cũng là được hưởng những điều tuyệt vời Chúa ban. Chúa sẽ ban cho con tất cả vì Chúa ở với con và Chúa là tất cả của con.

Hãy trở lại Ephraim để ở lại với Chúa và các môn đệ trong những giây phút cuối cùng!

4. 
Người môn đệ hôm nay

Chẳng thể trách những người ra đi và khen ngợi người ở lại; bởi dù nhóm nào thì cũng có hình bóng tôi trong đó: tôi có luôn trung thành trong chọn lựa của mình không? Đã có lần nào muốn bỏ đi dù chưa dám bước ra khỏi nhà, nhưng tâm hồn và tinh thần không còn ở trong? Hãy tự hỏi: quan niệm của tôi về Đức Giêsu như thế nào? Tôi chọn ai, đang đặt niềm mong chờ gì nơi người đó? Tại sao muốn ra đi, hay tại sao ở lại? Đó là những câu hỏi không để ta trong tình trạng sống nửa vời, nhưng phải chọn lựa dứt khoát, dù sự dứt khoát đó phải bắt đầu lại mỗi ngày.

Điều vô cùng quan trọng đó là con người không thể chọn lựa từ xa, bởi như vậy nhìn không rõ, không nhận định cách chính xác. Vậy muốn chọn lựa phải đến gần, nghe, chứng kiến, phải ở lại và thử nghiệm, như vậy khi chọn lựa ra đi hay ở lại mới có căn cứ. Hơn nữa, con người không chỉ có thân xác, nhưng còn có tinh thần, linh hồn; chỉ khi nào ta có thể lắng nghe tiếng gọi của Chúa Cha, khi nào để cho Thần Khí thúc đẩy và hướng dẫn, ta mới có thể hiểu và chọn Đức Giêsu.

Các môn đệ chọn ở lại, tuy nhiên, tương lai còn đang chờ các ông để xác nhận sự chọn lựa đó, cuộc khổ nạn của Chúa là biến cố tối hậu bắt các ông phải minh định lập trường của mình. Chọn ra đi hay ở lại, cũng cần đưa lên bàn cân ba lý do chọn lựa của Phêrô, để rồi chọn cách nào cho đời hạnh phúc, cho niềm vui được trọn vẹn, cho lòng thanh thản khi bước vào đời sứ vụ. Đến với Chúa Giêsu, xem chỗ Người ở và ở lại với Người là một lời mời dịu dàng khởi đầu tình bạn mà mỗi người đang đi tìm kiếm. Ngày nay, ở lại với Chúa bằng cách nào, hay Chúa ở với con người ra sao?

- Ở lại với Chúa trong Bí tích Thánh Thể: như cây nho và cành nho, luôn có sự gắn kết, nếu cắt rời, cành sẽ héo khô và chết vì không còn nhựa sống; người môn đệ nếu tách khỏi Thầy cũng như cắt đứt khỏi thân cây và như vậy không còn nhựa nuôi dưỡng rồi sẽ chết. Cụ thể để có nhựa sống, người Kitô hữu có bí tích Thánh Thể, nơi đó Chúa hiến mình làm của ăn và thức uống trong hình bánh rượu đơn sơ, nhờ đó ta được nuôi dưỡng bằng chính Mình Máu Ngài, đón nhận sức sống thần linh và được bồi bổ tâm hồn, giống như cành được tiếp nhận nhựa sống từ cây. Đón nhận Mình Máu Thánh Chúa là hiệp thông với chính Ngài và với anh chị em, bởi ta được ở trong cái toàn thể, do đó chúng ta cũng được trở thành “lương thực” nuôi dưỡng người khác. Mãi mãi sẽ thấy mình bất xứng, muốn khép lại với chính mình nên mãi mãi phải xin Chúa giúp, để biết hy sinh hầu phục vụ sự sống cho anh chị em: Hồng ân Chúa Kitô và Thánh Thần của Người mà chúng ta lãnh nhận trong việc hiệp lễ hoàn tất cách sung mãn tuyệt vời những ước muốn hợp nhất huynh đệ đang ngự trị trong tâm hồn con người, đồng thời nâng cao kinh nghiệm về tình huynh đệ trong việc tham dự chung vào cùng một bàn tiệc Thánh Thể đến một mức độ vượt hẳn kinh nghiệm đồng bàn đơn thường của con người.”[3]

- “Ở lại trong việc đón nhận giáo huấn của Chúa và thi hành: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy; như Thầy đã giữ các giới răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15, 10). Người môn đệ khi lắng nghe, đón nhận và thi hành Lời chúa sẽ được ở trong Ba Ngôi, họ sẽ được hòa mình vào dòng chảy của Ba Ngôi, được liên kết, lưu chuyển dòng sức sống giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đây cũng là dòng chảy bất tận của tình yêu. Từ việc đón nhận giáo huấn đến việc thực hành: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy… và hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em.” Vậy ở lại trong Lời Chúa là “ở lại với anh chị em” đó là thực thi tình yêu đồng loại. Đó là giới răn duy nhất và cũng quan trọng bằng việc “yêu mến Chúa hết lòng…” Bởi người môn đệ luôn nhớ “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy,” làm lại cử chỉ yêu thương của Chúa không là gì khác là thực hành điều đó với người anh chị em.

“Ở lại trong Thầy” mới có niềm vui, vì xác tín Chúa đang đi cùng và ở với, vì “hạnh phúc của con là được kề bên Chúa, chốn nương thân đặt ở Chúa Trời” (Tv 73, 28).

Tạm kết

- Chọn Chúa hay để Chúa chọn và đáp lại,
- Đi theo Chúa và đi cùng anh chị em,
- Xác tín một lần và xác định lại mỗi ngày,
- Chúa để người môn đệ trưởng thành trong khó khăn và chọn lựa trong đức tin.

“Ở lại trong tình thương của Thầy và ở lại trong tình thương lẫn nhau!” Nếu cộng đoàn còn nhiều bất hòa, nếu tôi không thương được người anh chị em, đó là vì tôi chưa ở lại trong Chúa hay chưa để Chúa ở lại với mình, chưa nghe được lời và chưa sống trong Ngài, chưa hút lấy nhựa sống nên chưa được biến đổi. Biến đổi: tôi vẫn là tôi, vẫn mang hình hài cũ, nhưng có một tâm hồn mới, một suy nghĩ mới, vì có Chúa ở trong từng lời nói, việc làm và để Ngài làm chủ toàn bộ con người.

Xin canh tân con người của con, để con “ăn”“uống” trọn vẹn Chúa mỗi ngày trong Bánh và Lời Ngài, để con trở nên chính Chúa vì con ở trong Ngài và Ngài ở trong con “tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).  Xin cho những người đang theo Chúa đến với Chúa Giêsu, xem chỗ Người ở và ở lại với Người” đồng thời cũng theo Ngài về Ephraim vì có Ngài ở lại đó. Amen.


Tài liệu tham khảo

 
  1. Ecclesia De Eucharistia- Thông điệp Giáo Hội từ bí tích Thánh Thể. Nguồn: https://www.thanhlinh.net/node/3976. [Tham khảo ngày 14/04/2021].
  2. Hansen Léonard, Vie de Sainte Rose de Lima, vierge, du tiers-ordre de Saint Dominique. Traduite sur le texte latin du P. Hansen par Évélina de Tressan. Ed: Hachette livre. Paris, 1866.
  3. Nouis Antoine, Le Nouveau Testament. Commentaire intégral verset par verset. Ed : Olivetan/Salvator. Paris, 2018.

Nt. Catarina Thùy Dung, O.P.
 
[1] Nouis. A., Le Nouveau Testament. p. 695.
[2] Hansen L. Vie de Sainte Rose de Lima, vierge, du tiers-ordre de Saint Dominique. p. 77.
[3] Thông điệp Giáo hội từ bí tích Thánh Thể, số 24.
114.864864865135.135135135250