29/12/2022 -

Các cộng đoàn

392
Tạm biệt Bà _ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thân yêu

Có lẽ đi tu mà được đặt tên là một chức vụ rất đời “Bộ trưởng Bộ Ngoại giao” là điều lạ với nhiều người, nhưng với tôi, cái tên tưởng chừng nghe rất “xã hội và chính trị” này, gợi cho tôi nhớ về những hình ảnh của dì Anna Nguyễn Thị Nhiệm – người mà chị em trong Hội dòng hay gọi thân thương là “bà Nhiệm” lại chất chứa bao kỷ niệm trìu mến và cảm phục. Không biết có phải vì ảnh hưởng bởi “cái tên” tôi tự đặt cho Bà hay không, mà hôm nay, dù đang bận rộn cùng chị em lo cho tang lễ của Bà, tôi vẫn bị thôi thúc phải chia sẻ cho mọi người những kỷ niệm về Bà.

Ngay từ những ngày chập chững bước vào ơn gọi năm 1990, tôi đã được sống cùng Bà, được gặp Bà mỗi ngày với hai vai trò cách biệt: Bề trên – đệ tử. Mọi người đều gọi Bà là Bề trên vì chức vụ của Bà như vậy, nhưng Bà đối với tôi là một nữ tu đầu vấn khăn xanh luôn rảo bước để lo sắp xếp các việc chung, và dù rất kính trọng Bà, tôi không thấy sợ khi gặp Bà, cho dù lúc đó trong mắt chị em đệ tử chúng tôi, dù là một chị vừa khấn lần đầu thôi, cũng rất oai phong và “có uy” đối với mình.

Tôi suy nghĩ và nhận ra rằng: mình không sợ Bà ngay từ khi mới bước chân vào Hội dòng có lẽ vì Bà có nụ cười rất tươi, cho nên dẫu có những lúc vì sốt ruột việc chung Bà có khó chịu, thì nụ cười của Bà sau đó cũng đã làm tiêu tan sự nghi ngại trong lòng tôi đối với Bà.

Đặt cho Bà cái tên “Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao thân yêu” bởi vì tôi và chị em trong Hội dòng, và có thể rất nhiều người có cơ hội tiếp xúc với Bà, đều nhận thấy sự niềm nở của Bà dành cho mọi người. Dù quen hay lạ, cũng không ai thấy e ngại hay khoảng cách khi gặp Bà, điều này không phải chỉ riêng tôi hôm nay mới chia sẻ với chị em trong Dòng, mà từ những năm trước, khi viết bài nội san của Hội dòng, các em Thỉnh sinh cũng đã từng trải nghiệm và viết về Bà với tấm lòng trìu mến và cảm phục.

Bà Nhiệm luôn ân cần quan tâm, hỏi thăm mọi người, không phải vì chức vụ hay điều gì đó người đang đối thoại với Bà dành cho Bà, mà chỉ đơn giản Bà quan tâm người đó. Ngay từ khi tôi còn là đệ tử cho tới khi tôi là người Phụ trách cộng đoàn, mỗi khi chào Bà để về thăm gia đình, Bà luôn luôn nói với tôi: “Cho chị gửi lời thăm mẹ/bà Cố và cả nhà nhé” (vì Bà nhớ Ba tôi đã về với Chúa), và lúc tôi chào Bà khi từ gia đình trở về cộng đoàn, Bà lần nào cũng hỏi: “Thế mẹ/bà Cố và mọi người vẫn khỏe mạnh, bình an hả?”, những câu hỏi này luôn được Bà nói với sự quan tâm chân thành, sau đó Bà nhắc lại những kỷ niệm về những cuộc nói chuyện với mẹ tôi, cho dẫu chỉ là những lần tiếp xúc không mấy đặc biệt giữa hai người. Sau này khi mẹ tôi đã về với Chúa, cho dẫu tuổi già trí nhớ đã suy giảm, sự quan tâm của Bà không vì vậy mà giảm bớt, cũng vẫn những câu hỏi và thái độ chân tình như thế Bà hỏi thăm về những người thân trong gia đình tôi, cho nên dù miệng tôi cười tủm tỉm thưa với Bà “Mẹ con về với Chúa mấy năm rồi ạ, còn các anh chị con thì vẫn khỏe, con cảm ơn Bà”, thì đồng thời trong lòng tôi lại rất xúc động vì tấm lòng của Bà dành tôi và gia đình.

Tôi học được một bài học khôn ngoan của Bà trong cách cư xử đối với chị em: Thời gian tôi là đệ tử, khi đó Bà là Bề trên cộng đoàn, để thưởng cho tôi vì học giỏi, Bà gọi riêng tôi vào phòng, thưởng cho tôi 1 compa và dặn: “Đừng nói với ai, để chị em không so bì…”. Tôi vô cùng phấn chấn với quà tặng này, và quyết tâm sẽ học tốt hơn nữa; đồng thời tôi cũng nhận được bài học từ nơi Bà: quan tâm riêng từng người với từng cách thức khác nhau, để khuyến khích mỗi người trong sứ vụ của họ, vì mỗi người mỗi tính tình khác biệt và hoàn cảnh riêng có của họ.

Tôi gọi tên Bà “Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao” cách thân yêu, bởi vì Bà không chỉ niềm nở xã giao cho xong với mọi người, mà thật sự trong lòng Bà luôn tri ân tất cả những ai đã giúp đỡ Bà, cộng đoàn, Hội dòng. Tôi chưa từng thấy một ai trong Hội dòng chi tiết như Bà: Bà lập riêng một danh sách ân nhân và giữ rất cẩn thận, rồi khi chị em tới thăm, Bà kể chuyện những ai đã giúp đỡ cộng đoàn, vào thời điểm nào, giúp đỡ như thế nào. Bà cho mọi người coi danh sách ân nhân, nhắc mọi người nhớ cầu nguyện cho tất cả những ai đã “làm phúc” cho cộng đoàn, và Bà nói mỗi năm đều xin nhiều Thánh lễ cầu nguyện cho ân nhân. Tấm lòng biết ơn của Bà không phải chỉ dành cho những người dâng tặng những gì quý giá to lớn cho Bà và cộng đoàn, mà còn cả đối với những gì người khác đã trao tặng cho dù rất bé nhỏ. Bà vẫn thường kể với tôi về “ngày xưa” bà cố của tôi đem biếu nhà Dòng cá, người này người kia biếu Bà quyển sách hay gói bánh, và khi ai tặng Bà thứ gì, dẫu là món quà rất đơn sơ như vài trái cây hay gói bánh, Bà luôn thường nói “quý hóa quá!” Có lẽ Bà đã nghĩ mọi người ai cũng như Bà: Khi trao tặng cho người khác thì “cách cho quý hơn của cho, tấm lòng cao cả hơn tặng phẩm”.

Một hình ảnh tôi còn nhớ về “Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao thân yêu” không phải chỉ là lòng biết ơn của Bà đối với con người, mà cách đặc biệt, một người luôn “sống cùng Chúa” với tấm lòng tri ân. Bà luôn kể chuyện về các ân nhân kèm theo câu: Lúc đó nhà mình khó khăn lắm… “Chúa lo liệu” cho nên… Sống tín thác và luôn nhớ về Chúa như thế, do đó Bà luôn có mặt đầy đủ các giờ Kinh nguyện chung của cộng đoàn cũng như giờ cầu nguyện riêng của các dì cao niên, cho dẫu tai không còn nghe rõ và bước đi không bằng đôi chân khỏe mạnh mà với… 6 chân (xe đẩy 4 bánh) khó nhọc từng bước từng bước di chuyển.

Một mẫu gương khác cho tôi khi nhớ về Bà: Một người luôn nỗ lực trong cuộc sống, không phải chỉ bằng việc siêng năng đọc sách, mà còn bằng những hoạt động cụ thể, bởi vì trong những năm cuối đời, dù chân rất đau và bước đi khó nhọc, Bà vẫn cố gắng tự lo cho mình để chị em có thời gian làm việc khác. Tôi nhớ 6 năm trước, dù Bà đã 87 tuổi với chân đau, mắt mờ, thì tôi đã phải năn nỉ Bà để Bà chịu cho chị em giúp giặt và ủi quần áo của Bà, và ai làm cho Bà thì nếu có bánh trái Bà sẽ cho chị em đó, và Bà hứa sẽ đọc 50 Kinh Mân Côi cầu nguyện xin Chúa chúc lành cho người này.

Những kỷ niệm trên đây là những ký ức chợt ùa về với tôi nên tôi vội viết ra như một lời cảm ơn chân thành dành cho Bà, và cùng với mọi người “kể chuyện về Bà” để ghi nhớ công ơn của Bà. Bây giờ đã đến lúc tôi phải tiếp tục làm những việc khác để cùng chị em lo hậu sự cho Bà. Tôi thầm nói với Bà như những lời tâm sự để kết thúc những chia sẻ về Bà: “Thưa Bà Nhiệm kính mến! Những điều tốt đẹp của Bà đã ghi dấu ấn trong con: về tấm lòng chân thành Bà dành cho Chúa, cho chị em, cho tha nhân ngang qua tâm tình cảm mến và tri ân, ngang qua những hành vi đạo đức và khôn ngoan của Bà, ngang qua sự nỗ lực trong đời sống và nhiệt tâm lo cho việc chung của Bà, hôm nay con xin kể lại đôi chút với mọi người, và xin Bà nay đã ở gần kề lòng Chúa thương xót, xin Bà tiếp tục thương chúng con, xin Bà cầu nguyện cùng Chúa cho chúng con được luôn sống an bình với Chúa như Bà, để từ đó có thể trao ban tình thương cách cụ thể cho những người thân thương đang sống bên chúng con hoặc những người chúng con có cơ duyên được gặp gỡ. Chúng con mong mỏi điều này lắm, vì đối với chúng con và mọi người thời nay, những phương tiện hiện tại dễ làm cho chúng con “gần máy móc hơn con người, quan tâm hình thức bên ngoài hơn tấm lòng, và dễ bị đánh lừa bởi những từ ngữ hoa mỹ “lịch sự, tôn trọng riêng tư” để từ đó tự “xây thành đắp lũy” cho cuộc đời mình, và cũng chẳng mấy bận tâm với cuộc đời người bên cạnh. Xin Bà thương tiếp tục thể hiện những tâm tình Bà đã có dành cho mỗi người khi ở gần bên Chúa, để dấu ấn 50 năm sinh nhật của Hội dòng là cơ hội để mỗi chị em chúng con sống trọn vẹn hơn nữa tình Chúa và tình người, qua sự quan tâm, qua chân thành tha thứ, cảm thông cho nhau, qua sự nhiệt thành trong sứ vụ, nhất là luôn qui hướng tất cả về Chúa với lòng tri ân và cậy trông vững vàng. Con tạm biệt Bà nhé, “Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao thân yêu!”

Song Thị
114.864864865135.135135135250