09/05/2022 -

Các cộng đoàn

471
THA THỨ - giai điệu của BÌNH AN
  
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Việc càng ngày càng phải tha thứ thật khó khăn biết chừng nào! Thế nhưng sự tha thứ lại là một nhạc cụ được đặt trong đôi tay yếu đuối của chúng ta, để chúng ta tìm thấy được sự bình an của tâm hồn
[1]. Nhưng có lẽ nhiều khi chúng ta đã phải thất bại khi tấu lên giai điệu bình an, bởi đôi tay của chúng ta còn thiếu điệu nghệ mỗi khi sử dụng loại nhạc cụ tha thứ.

 “Khó tha thứ”, “không thể tha thứ” là cụm từ không nên đứng chung với từ “tu sĩ”. Nhưng đã là người, tu sĩ chúng ta cũng đã phải vận vào phận đời yếu đuối. Nhiều khi ta đi bên nhau nhưng lại không có cùng một điểm nối, bởi trong quá khứ từng có một điểm nối đã đứt vỡ dường như chẳng thể nào hàn gắn được. Bao nhiêu năm trời ta vẫn giữ trong lòng một nỗi thương đau, và mỗi ngày lại tự mình thêu dệt để càng thêm khó gỡ. Thế rồi ta lặng lờ nỗi khúc mắc đó và dán cho mình nhãn mác bình an. Nhưng làm sao bình an được đây bởi nỗi đau chỉ càng thêm nhức nhối, và Lời Chúa cùng bàn tiệc Thánh Thể lại không ngừng chất vấn chúng ta. Để khi ta muốn nối lại ân tình đối với người chị em mà ta xung khắc, ta lại cảm thấy thật ngượng nghịu khó làm. Bấy giờ ta cảm thấy mình sẽ “mất điểm” vì đã “xuống nước”, bởi thời gian đã làm cho khoảng cách giữa chị em càng thêm xa rộng vì tính tự ái và bướng bỉnh của chính mình. Để rồi, thêm lần nữa, ta lại có cám dỗ “đâm lao thì phải theo lao” là tiếp tục giữ khoảng cách dù vẫn sống chung dưới một mái nhà và cùng chung một lý tưởng.

Đã nhiều khi ta chọn “chiến tranh lạnh” để “trừng phạt đối phương” rồi cứ ngỡ mình đang thắng thế, nhưng kỳ thực là ta đang thất bại ê chề. Ta biện hộ làm như thế là để cho người chị em nhận ra lầm lỗi của họ, nhưng thực chất là ta đang bao che cho tính tự ái của chính mình. Từ những chuyện nhỏ nhặt chẳng đáng là gì đã trở thành cơn giận bùng phát, sai lầm này cứ mãi nối tiếp sai lầm kia dẫn đưa sự tự ái vào ăn mòn lòng bác ái.

Hẳn có lần ta thất bại vì cứ nghĩ mình là con người rộng lượng không chấp nhất những lỗi lầm của người chị em. Cho đến khi “tức nước vỡ bờ” và “bùng nổ cảm xúc” ta mới hay bấy lâu nay ta chỉ dồn nén cảm xúc chứ chẳng phải là tha thứ. Ta đã gặp thất bại vì trong một lúc ta muốn áp dụng cho mình cách thức của bậc thánh nhân đã qua một chặng hành trình dài tu luyện, đến độ các ngài có thể bao dung không chấp nhất hờn giận mà chỉ có yêu thương cảm thông và tha thứ, mà lại quên xét xem con tim ta có đủ rộng hay chưa.

Thật ra, đời tu còn quá nhiều điều tốt đẹp và thánh thiêng biết bao. Có nên chăng chọn một cách viết thật nhẹ nhàng về những sai lầm của việc khó tha thứ ?! Nhưng đau lòng thay, đời tu đang bị tục hóa bởi lối ứng xử rất “đời”, ngọn lửa của sự giận hờn đang cứ ngày đêm âm ỉ làm hao tổn bao sức sống và giá trị của đời thánh hiến, và đang có nhiều người đã quên gieo lại cung nhạc bình an trên nhạc cụ thứ tha. Dù sao đi nữa thì “thuốc đắng dã tật, mà sự thật thì mất lòng”, chỉ khi nào ta thôi tránh né và lờ đi căn bệnh nan y đó, can đảm nhìn nhận sự yếu đuối của chính mình, ta mới để cho bàn tay tốt lành của vị lương y nhân hậu Giêsu sẽ cứu chữa ta và cộng đoàn của ta.

 Để dễ dàng tha thứ, trước mặt Thiên Chúa, chúng ta hãy nhìn nhận người làm ta đau khổ đó là ai; và cũng trước mặt người ấy, chúng ta có nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa? Có thể nói hai sự nhìn nhận này là hai yếu tố quyết định sự tha thứ của chúng ta. Và hãy để cho con tim ta được tắm gội trong biển lòng thương xót Chúa. Hãy để cho lòng thương xót Chúa khiến cho tâm hồn ta xao động mà dễ dàng cởi bỏ gánh nặng giận hờn và thêm lòng yêu mến chị em hơn. Đồng thời cũng hãy chìm sâu vào tâm hồn mình, can đảm nhìn nhận cách trung thực những yếu đuối bất toàn của chính bản thân hầu có thể cảm thông cho những yếu đuối của người khác. Rồi chúng ta sẽ ngạc nhiên biết bao khi khám phá ra nhiều vẻ đẹp trong tâm hồn của người chị em.

Bên cạnh đó, để dễ dàng tha thứ, ta còn cần hiểu rõ dung lượng yêu thương trong con tim của chúng ta, như cách người ta cho thêm đường vào ly cà phê đắng ngắt sao cho phù hợp với khẩu vị của chính mình. Ta phải thú nhận rằng, có những lúc đối mặt với vấn đề tha thứ cách thuần tâm linh lại thật khó. Có lẽ giải quyết về mặt tâm lý lại là một lựa chọn phù hợp. Chúng ta hẳn sẽ đồng ý rằng sẽ dễ dàng tha thứ hơn nếu vấn đề ấy khiến ta đau khổ ít hơn, hay ít cảm xúc tiêu cực hơn. Nghĩa là chúng ta cần phải giải tỏa cảm xúc tiêu cực cách phù hợp cho vơi nhẹ nỗi sầu, vì thánh Phaolô đã nói: “Đừng để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn, đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng” (Ep 4, 26). Đừng im lặng dồn nén khi ta biết con tim ta không thể, cũng đừng vội vàng trút giận mà cắt đứt tương quan. Hãy đợi cho đôi bên cùng bình tĩnh và sẵn sàng đi bước trước để đối thoại với nhau. Hãy chân thành nói ra cảm xúc của mình mà không thành kiến, đồng thời sẵn sàng lắng nghe và dám nhìn nhận những phản hồi của chị em về những thiếu xót của chính mình.

Một điều khác nữa là tha thứ không nhất thiết là phải quên. Thế nên đừng bao giờ mặc cảm vì nghĩ rằng mình đã chưa tha thứ vì không thể nào quên được. Tha thứ là ước muốn nối lại mối tương quan đã đổ vỡ, và nỗ lực thực hiện nó. Tha thứ nghĩa là không để cho sự kiện cũ đau thương có khả năng chi phối và điều khiển suy nghĩ và hành vi của chúng ta trong tương quan huynh đệ với người chị em mình. Chúng ta đã thật sự tự do để yêu thương cho dẫu nỗi đau đó vẫn chưa nguôi ngoai và vẫn còn làm ta rớm máu.

Vâng, chỉ với tình yêu thương, thời gian mới có thể xóa mờ vết rạn nứt. Cho dù chưa thể quên ngay được, nhưng chúng ta sẽ có sự bình an vì đã thật lòng muốn tha thứ. Chúng ta cần có Giêsu đồng hành nâng đỡ và dạy chúng ta về bài học thứ tha. Chúng ta hãy xin Ngài cho trái tim ta rộng mở, để như Ngài, chúng ta vừa có thể muốn hàn gắn tương quan với người chị em, vừa có khả năng quên ngay tội lỗi của người đã gây ra cho mình. Xin Đấng là bậc thầy của lòng thương xót và thứ tha sẽ dạy chúng ta cách sử dụng thuần thục loại nhạc cụ tha thứ, và chúng ta hãy xin cho mình được kiên trung lướt đôi tay của mình trên phím đàn tha thứ yêu thương, để rót vào tâm hồn mình những giai điệu khiến hồn ta thư thái, an bình.

Matta

[1]Tông sắc Khuôn mặt Thương Xót, số 9. 
 
114.864864865135.135135135250